TÍNH MỆNH KHUÊ CHỈ TOÀN THƯ

» MỤC LỤC  |  NGUYÊN  |  HANH  |  LỢI  |  TRINH

HANH TẬP

1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13  14  15  16


THOÁI TÀNG MỘC DỤC CÔNG PHU

Dịch kinh có câu: Tẩy tâm thoái tàng ư mật.[1] Các vị Thần Tiên đời Đường, đời Tống gọi là Phép Mộc Dục (tắm rửa). Trong thời Cận Đại gọi là Phép Cấn Bối. Tất cả đều là Đạo lý này, là diệu Khiếu này.

Nguyên là vì: Tâm thuộc Hoả mà ẩn tàng trong Thuỷ của Lưng (Đốc Mạch). Đó là ý nghĩa của Tẩy (rửa). Tâm ở phía trước mà ẩn tàng nơi sau lưng đó là nghĩa của Thoái (lui).

Cho nên kẻ sĩ sơ cơ, phải hàng phục cái Tâm, và câu thúc nó hết sức cẩn thận, để tránh cái nạn Hoả viêm phiền táo. Cho nên tạm thời đem Tâm Hoả từ phương Nam mà tàng trữ ở Bối Thuỷ phương Bắc.

Thuỷ Hoả hỗ tương giao dưỡng, tự nhiên niệm lự bất sinh. Tức như Bạch Ngọc Thiềm nói: Tẩy Tâm địch lự vi mộc dục 心 滌 慮 為 沐 浴 (Mộc dục là Tẩy Tâm, là rửa sạch niệm lự).

Nhưng Mộc Dục tuy là phép tẩy Tâm, Cấn Bối tuy là công phu Chỉ Niệm, hai lý đó đều là đúng, nhưng chưa đạt đến thực tế.

Công phu hướng thượng đó, ngàn thánh cho là bí mật, nên chẳng truyền. Do đó hậu thế ít người gặp, ít kẻ nghe. Ai hiểu được khiếu này, có thể đoạt Thần công, cải Thiên mệnh.

Cổ tiên nói:

Giáp Tích song quan, thấu Đỉnh môn,[2]

 夾 脊 雙 關 透 頂 門,

Tu hành kính lộ, thử vi tôn.

 修 行 徑 路 此 為 尊 .

Xương sống hai đường tới Vĩ Lư,

Tu Hành đường tắt ấy nên ghi.

Đường đó trên thông Thiên Cốc (Nê Hoàn cung), dưới đạt Vĩ Lư, giữa thông Tâm Thận. Nó thu nhiếp Linh Dương, cứu hộ Mệnh Bảo, đó chẳng phải là đường tắt để tu hành hay sao?

Con người ta khi chưa có Thân, đã có Hơi Thở. Thân này chưa diệt, thì Hơi Thở đã bị diệt rồi. Đó chẳng phải là Tu Hành Chính Lộ sao?

Nguyên lúc ban đầu, con người ở trong bào thai, theo sự hô hấp của mẹ, rồi thụ khí mà thành. Sự hô hấp đó liên quan đến cơ thể người mẹ, lần lần thổi, lần lần mở. Trong rỗng như ống quản, thông khí qua lại. Trực thông với rốn, sau thông với Thận. Trên thông với Giáp tích đến Nê Hoàn. Đến Sơn Căn thì sinh ra hai khiếu. Từ hai khiếu đó đến Chuẩn Đầu  (cuối mũi) thì sinh ra hai lỗ mũi, gọi là Tị Tổ.

Lúc này khí của con thông với Khí của mẹ. Khí của mẹ thông với Khí của Trời Đất. Khí Trời Đất thông với khí Thái Hư. Khiếu khiếu thông nhau, mà không cách ngại.

Cho đến khi Khí Số mãn túc, xé bào thai mà ra, cắt đứt cuống rốn, la lên một tiếng, một điểm nguyên dương rơi xuống nơi lập Mệnh. Từ đó là Hậu Thiên dụng sự, tuy vẫn hô hấp vãng lai, nhưng vẫn tương thông với Nguyên Thuỷ Tổ Khí. Con người từ trẻ đến già, không một hơi thở nào ngừng trong đó. Tam giới phàm phu, đều bị trần sinh, trần diệt, vạn tử vạn sinh, chỉ vì không tìm ra được con đường trở về mà thôi.

Đức Thái Thượng lập phép, dạy người tu luyện trường sinh, tức là dạy cách đoạt Thiên Địa chi Chính Khí. Con người sở dĩ đoạt được Thiên Địa chính khí, chính là nhờ có hai lỗ mũi để hô hấp. Hô là Nguyên Khí trong người thở ra, hấp là Chính Khí thiên địa từ ngoài mà vào. Con người nếu có căn nguyên kiên cố, trong khi hô hấp, có thể đoạt được Thiên Địa Chính Khí để mà Trường thọ. Nếu mà con người có căn nguyên không vững chắc, thì khi Hô, Chính khí của Trời Đất đã hít vào, sẽ theo Hô mà ra. Nguyên khí trong thân ta, chẳng phải là của ta, mà ngược lại sẽ bị trời đất cướp đi.

Tại sao vậy? Vì hô hấp không có cửa mà vào.

Đã là thường nhân, thì hô hấp đều từ Yết Hầu xuống đến huyệt Trung quản rồi lại quay lại, không liên lạc được với Tổ khí. Y như con cá khi uống nước, thì phùng mang, há miệng. Tức như Trang tử nói: Chúng nhân chi tức dĩ hầu 眾 人 之 息 以 喉 (Chúng nhân thở bằng yết hầu).

Còn thánh nhân, chí nhân hô hấp thì thông Minh đường (giữa Trán), dưới thông Giáp Tích, vào tới Mệnh Môn, thông với Tổ Khí, như Nam Châm hút sắt, đồng loại tương thân, tức như Trang Tử nói: Chân nhân chi tức dĩ chủng 真 人 之 息 以 踵 . Chủng đây nghĩa là hơi thở thâm thâm. Khi hơi thở đã thâm thâm, thì Mệnh là ở ta, không bị lò Trời nung nấu.

Con người ngày nay, có phép Điều Tức, Sổ Tức, Ức Tức, Bế Tức, toàn là chuyện gãi ngứa ngoài giày, không vào được Huyền Khiếu. Khi Khiếu này ngưng hoạt động, thì sinh ra lưỡng thận, rồi sinh ra Tim. Thận như Ngẫu Sen, Tâm như Hương Sen. Cành sen thì rỗng giữa, bên ngoài thì Trụ Địa, Chưởng Thiên.

Tâm thận cách nhau 8 tấc bốn phân, ở giữa thừa 1 tấc 2 phân, gọi là Xoang Tử Lýù. Đó là đường Vãng Lai của Tâm Thận, là làng của Thuỷ Hoả ký tế.[3]

Muốn thông Khiếu này, phải chú ý vào Sơn Căn (chỗ mũi giữa hai lông mày), thì khí Hô Hấp sẽ thổi qua Giáp Tích, thấu đến Hỗn Nguyên, và vào thẳng Mệnh Phủ, lúc ấy mẹ con mới sum họp lại, gương vỡ lại lành, lần lần khuếch sung, và căn bản sẽ dược kiên cố, lúc ấy mới nói chuyện tu luyện dược,

Bàn: Liễu Chân Tử nói: Dục điểm thường minh đăng (trường sinh bất lão), Đương dụng Thiêm Du Pháp (phép Mộc Dục) 欲 點 常 明 燈 當 用 添 油 法 (Muốn đốt sáng đèn trường thọ, phải dùng phép Tẩy Tâm.)

Doãn Chân Nhân nói: Hàm dưỡng bản nguyên vi tiên, cứu hộ Mệnh Bảo vi cấp. 涵 養 本 原 為 先 救 護 命 寶 為 急 (Trước hết, phải lo hàm dưỡng bản nguyên, phải  cấp bách lo  cứu hộ Mệng Bảo.)

Lại nói: Nhất tức thượng tồn, giai khả phục Mệnh. 一 息 尚 存 皆 可 復 命 (Còn một hơi thở vẫn phục mệnh được.) 

Nếu người biết phép Thiêm Du, để tiếp nối cho đèn gần hết dầu được sáng lại, tức là làm cho hồn sống lại, ví như làm cho cây khô trở nên thịnh mậu. Cho nên nói: Du can đăng diệt, khí tuyệt thân vong 油 乾 燈 滅 氣 絕 身 亡  (Dầu khan thì lửa tắt, khí tuyệt thì người chết).

Nếu không có Khiếu này, thì không thể Thiêm Du, nếu không Thiêm Du, thì lấy gì tiếp Mạng. Mạng chẳng tiếp, thì Tính không trụ, Tính không trụ, mà hốt nhiên Quỉ Vô Thường đến, thì Hồn ríu ríu đi theo cho nên Lữ Công nói: Sắc tinh nghi cập tảo, Tiếp Mệnh mạc giáo trì 嗇 精 宜 及 早 接 命 莫 教 遲 (Phải luyến tiếc Tinh Khí từ sớm; công phu tiếp Mệnh, không nên trễ).

Quả nhiên, tiếp được mạng thì trường sinh, không tiếp được mạng thì yểu tử. Vì con người bẩm thụ khí số có hạn, nếu không biết bảo dưỡng, tức là tự bạo, tự khí. Bạch Ngọc Thiềm nói:

Chiêu thương mộ tổn, mê bất tri,

 朝 傷 暮 損 迷 不 知,

Táng loạn tinh thần vô sở cứ.

 喪 亂 精 神 無 所 据 .

Tế tế tiêu ma, tiệm tiệm suy,

 細 細 消 磨 漸 漸 衰,

Hao kiệt Nguyên Hoà, thần nãi khứ.

 耗 竭 元 和 神 乃 去 .

Hao tổn Nguyên Tinh mê không biết,

Tinh thần tán loạn, mà chẳng hay.

Tiêu ma, suy kiệt dần dần mãi,

Nguyên hoà hao kiệt, thần sẽ đi.

Cơ mở đóng mà đình, thì khí hô hấp cũng đoạn. Ô hô! Sinh tử mau như vậy, sao người không sớm hồi tâm, hồi đạo?

Huống chi, công phu này rất giản dị: Bất kỳ là Đi, Đứng, Nằm, Ngồi, lúc nào cũng có thể tu luyện. Nếu lúc nào cũng tu luyện bản tâm, đem nó về giấu ở xương sống (Giáp tích), thì Thiên Địa Chính Khí có thể tiến lên, cùng với Hỗn Nguyên Chân Tinh con người hoà hợp, ngưng kết tại Đan Điền, để siêu sinh. Vả chăng, Thiên Địa Nguyên khí thì vô nhai, để nối tiếp cho cái hình hài hữu hạn của con người. Như vậy chẳng phải dễ sao?

Học giả chỉ cần nhận định khiếu đó, giữ kỹ không lìa, lâu dần sẽ thuần thục, thì bên trong sẽ rực rỡ sáng láng, như trăng dưới nước, tự nhiên tà hoả sẽ tiêu tan, tạp lự cũng biến mất. Tâm động sẽ bị hàng phục, vọng niệm sẽ dứt. Vọng niệm đã dứt, thì Chân tức tự hiện. Chân niệm vốn Vô niệm. Tức vô, thời Mệnh căn vững chắc, Niệm vô thời Tính thể hằng tồn. Tính tồn, Mệnh cố thời Tức, Mệnh đều tiêu. Đó là bước đầu của Tính Mệnh song tu vậy.

Ôi! Con người như cây không rễ, toàn nương khí tức làm gốc rễ. Một hơi thở không trở lại, thì Mạng chẳng còn phải của ta. Cho nên muốn tu trường sinh, phải biết cố khí. Khí mà bền thì Nguyên Khí trong con người không tuỳ Hô mà ra, Thiên địa chân khí luôn tuỳ Hấp mà vào. Lâu ngày Thai tức sẽ định, Ngân Ngạc thành, thế là Trường Sinh có lối vậy.

(Đoạn này với Tiết ba: Trập tàng khí huyệt phải xem chung với nhau.)

Lời bàn của Dịch giả:

Chương này bàn về cách Hô Hấp. Doãn Chân nhân phân biệt hai thứ hô hấp thánh phàm. Thường nhân thở thì gọi là Phàm tức, Thánh Nhân thở thì gọi là Chân Tức. Doãn Chân nhân nhắc lại sự phân biệt của Trang Tử: Chân nhân chi tức dĩ chủng, chúng nhân chi tức dĩ hầu.[4] Chúng nhân thở nông cạn; thánh nhân thở thâm sâu. Chúng nhân thở nặng nề. Thánh nhân thở nhẹ nhàng.

Chương này thâït là khó hiểu, ta phải bỏ ra một đời mới hiểu được cách thở của Thánh Nhân.[5] Có thể nói Thánh Nhân thở qua Nhâm đốc, Âm Kiều, Nê Hoàn, thường nhân thở qua phổi. Đạo Lão xưa có nói: Phàm tức đình, nhi Chân tức hiện.

Tác giả Tính Mệnh Khuê Chỉ, người dịch sách này ra Bạch Thoại tỏ ra cũng rành về Phép Hít Thở xưa,[6] và câu: Hậu Thiên đích khẩu tị chi hô hấp dĩ đình chỉ.[7] Nó cũng giống câu của Huỳnh Nguyên Cát: Phàm tức đình nhi chân tức hiện.[8] Tôi không bàn thêm.

Chủng tức: Hô hấp đắc thần vi chủ tể thời, kỳ tức vị chi chủng tức (Chủng tức là hô hấp có thần). Hàm hư tử nói: Chủng dã giả, tương tiếp bất đoạn, miên miên nhược tồn dã (Chủng tức là thở đều đặn, Liên tục).[9]

Tính Mệnh Khuê Chỉ giải Chủng tức là: Hô hấp cực thâm. (Xem tr. 167)

______________________________

[1] Hệ từ thượng, chương XI, tiết 2.

[2] Thượng đan điền.

[3] Tâm thận vãng lai chi lộ, thủy hỏa ký tế chi hương.

[4] Nam Hoa Kinh, chương VI, Đại tông Sư.

[5] Theo tôi đoạn này dạy về Hô Hấp cũng chưa rõ ràng. Tôi xin giới thiệu mấy tài liệu nên đọc:

- Trung Quốc khí công đại thành, Phương Xuân Dương, Cát Lâm khoa học xuất bản xã, 1999.

- Lạc Dục Đường ngữ lục, Huỳnh Nguyên Cát, Chân Thiện Mỹ xuất bản, Trung Hoa Dân Quốc năm 25.

- Huỳnh Đình Kinh, Nguyễn văn Thọ, chương 20, luận về Hô Hấp Chân Khí.

Bản thân tôi  về Khí Công không có giỏi, nên không dám bàn thêm nhiều. Quí vị học giả sau này nên bỏ ra chừng ít năm để học về khoa này. Có thể Khí Công hay Luyện Đan ngày nay đã thất truyền. Tôi chưa thấy ai trình bày cho rõ ràng mạch lạc. Bài tôi đóng góp trong Huỳnh Đình kể là khá rõ, nhưng chưa đầy đủ. Mong sau này có ai sẽ đóng góp vấn đề khó khăn này cho nhân loại.

[6] Xem trang 153, khi bàn về Công Phu: Lục Diệu Môn của Phật giáo.

[7] Tính Mệnh Khuê Chỉ, tr. 171.

[8] Xem: Lạc dục Đường ngữ lục, tr. 84.

[9] Tiên Học từ điển, tr. 160.


1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13  14  15  16