DỊCH KINH YẾU CHỈ

Hướng đi của Thánh nhân

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê

Mục lục | Lời nói đầu | Phần 1  2  3  4  5  6  7  8  9 | chương 1  2  3  4 | phụ lục 1  2  | STK


Phần 3

VÔ CỰC LUẬN

Chương 2. Đại cương

 

Quan niệm Thượng Đế như một thần minh có dáng dấp hình dung, tính cách thì dễ; nhưng quan niệm Thượng Đế như một Thực thể siêu không gian, thời gian, siêu gian, mọi hình thức sắc tướng, mọi liên lạc với quần sinh vũ trụ, đó là một điều rất khó. [1]

Khó, là vì chúng ta phải rũ bỏ mọi hoạt động suy luận, tưởng tượng thông thường, phải tẩy rửa tâm thần cho sạch hết bóng hình trần cấu mới linh cảm được Thượng Đế vô hình tướng. [2]

Nếu ta quên hết quần sinh, vạn hữu, quên hết những ảnh tượng, những hiện tượng, không gian, thời gian, quên hết mọi phân kỳ, gián cách, thì thực thể vũ trụ sẽ duy nhất bất khả phân. Vì lý do đó, các nhà huyền học gọi Tuyệt đối thể siêu xuất quần sinh, vũ trụ là

 Hư vô [3]

 Hồng Mông [4]

 Hỗn độn [5]

 hay Hư không [6]

Hư vô, Hư không, Hỗn độn không phải là hư ảo, hay hư không, mà chính là Thượng Đế, là Tuyệt đối thể bất khả tư nghị, vô biên tế.

Vì vậy Lão Tử mới nói: «Vạn vật sinh từ Hữu, Hữu sinh từ Vô.» [7]

Thường đức không xuyến xao, lại trở về Vô cực. [8]

Trang Tử viết: «Thái sơ có Vô, không hiện hữu, không tên tuổi.»

Các đạo gia tu luyện để cho thần trí quay trở về Hư, tức là quay trở về Thượng Đế. [9]

Các đạo gia gọi thế là:

«Xuất ư vô vi» [10]

«Nhập hồ vô gián» [11]

«Dưỡng kỳ vô tượng» [12]

«Thủ kỳ vô thể» [13]

«Hợp hồ vô luân» [14]

Và cho rằng thế nhân trường sinh bất tử là vì đã chôn vùi mất vô tượng, làm thất tản mất vô thể. [15]

Xướng đạo chân ngôn viết: «Vạn vật bắt đầu từ không, Thái cực chính là Không... Không sinh ra Nhất, Nhất sinh ra vạn, vạn tri Nhất, Nhất trở về Không. Không là thủy tổ muôn loài. Học giả cần phải biết Chân Không, đừng lầm với giả không, cần phân biệt Linh Không với ngoan không v.v…»

Xướng đạo Chân ngôn cũng gọi Hư vô là Vô vi [16] là Đơn, là Đạo, là bản thể của trời đất muôn vật.

«Đơn là bản thể của trời đất vạn vật.

Đơn là Đạo, Đạo là bản thể của Hư vô.

Hư vô không thể đặt tên, nên thánh nhân tạm gọi là Đạo.

Hư sinh Nhất, Nhất sinh vạn, vạn hoàn Nhất, Nhất hoàn Hư. [17]

Sách viết thêm:

Đạo gia gọi là Hư,

Phật gia gọi là Không.

Hư không nghe biết, nhìn biết mọi sự... Cho nên, khi một người suy nghĩ, người cùng nhà không hay biết, mà Hư không vô lượng vô biên đã biết đã hay... Vì thế Nho gia thận Độc, úy Không» [18]

 Tóm lại, đối với Đạo gia, Vô cực, Hư vô là Chân Nhất, là nguồn mạch sinh vạn vật, lồng trong vạn vật mà vẫn siêu xuất vạn vật; gọi là Vô vì vô gián cách; vì vô gián cách, nên linh minh vô cùng tận, khinh khoát vô cùng tận, co giãn biến hóa vô cùng tận. [19]

Về phía Nho gia, Trương Hoành Cừ viết: «Vật hữu hình, nên hữu hoại, duy Thái hư không biến thiên, chuyển động, nên mới là chí Thực... Hư là chí thiện, Hư là thủy tổ vạn hữu; Trời đất đều từ Hư phát xuất ra.» [20]

Phật giáo cũng dùng những danh từ:

Hư vô [21]

Hư không [22]

Chân không [23]

[24] v.v...

để chỉ Tuyệt đối thể, bản thể của vũ trụ.

Lục Tổ Huệ Năng viết: «Hư không hàm tàng hết sắc tướng vạn vật, bao gồm nhật nguyệt, tinh cầu; sông núi đất đai, suối nguồn, khe lạch, cây cối bụi rừng, người lành kẻ dữ, cái hay cái dở, thiên đàng, địa ngục, tất cả mọi trùng dương, tất cả mọi núi Tu Di cũng đều ở trong Hư không. Tính người ta cũng là không. Tất cả đều như vậy.» [25]

Mới hay Hư không chính là Tuyệt đối vốn hàm chứa vạn hữu từ muôn thủa. [26]

Nếu không hiểu cho đứng đắn những từ ngữ: Vô cực, Hư vô, Hỗn độn, Hồng mông, thì dĩ nhiên không thể nào hiểu được các triết học Á đông, các đạo giáo Á đông. [27]

Lạ lùng thay các nhà huyền học Do thái, Công giáo, hay các đại hiền triết Âu Châu cũng thường dùng những chữ:

Hư vô, Không Tịch, Hỗn Độn, Hồng mông để mô tả Thượng Đế.

Các nhà huyền học Do thái thường gọi Thượng Đế, gọi Tuyệt đối thể là Hư vô, Không tịch. [28]

Hồng y giáo chủ Nicolas de Cues (1401-1464), chủ trương rằng nếu lấy tâm thần mà nhận định, thì Thượng Đế y như là Hư không, nhưng Hư không ấy chính lại là Tuyệt đối bất khả tư nghị. [29]

Jacob Boehme, một nhà huyền học thệ phản, viết: «Đối với tạo vật, Thượng Đế là Chân nhất, nhưng là Hư vô: Thượng Đế vô định, vô thủy, vô trụ, không có ngoài mình. Ngài là ý chí, nhưng vô tất, vô cố. Ngài là duy nhất vô gián, vô trụ, thường sinh, thường tồn.» [30]

Eckhart (1260 - 1329) cũng thường gọi Thượng Đế là Chân nhất, là Hư vô hay Diệu hữu. [31]

Bác sĩ Erwin Rousselle bình về Hư vô như sau:

Hư vô là Tuyệt đối không hình ảnh, gợi cho chúng ta Hư vô của Boehme, Hư không của Vệ Đà, sở cư của Brahman hay Hư không của đạo Lão. [32]

Bác sĩ Erwin Rousselle bình thêm rằng:

Hư vô thực ra là căn bản của con người, và của vũ trụ. [33]

Đối với Hegel, Tuyệt đối thể và Hư vô vốn là một.

René Guénon cho rằng:

Vô cực tương đương với Brahma Trung hòa tuyệt đối (Parabrahma), và Thái cực với Ishwara hay với Brahma không tuyệt đối (Apara Brahma). [34]

Kinh Áo nghĩa thư (Upanishad) xung Tuyệt đối thể là Hư vô. [35]

Đó cũng là chủ trương của các nhà thông thiên học hiện đại. [36]

Tuyệt đối thể ấy chính là căn nguyên vũ trụ. Đằng khác, ta có thể gọi Tuyệt đối là Hư không, hỗn độn, nên ta nói được:

Có sinh ra từ không; vạn hữu từ Hư vô sinh xuất, Chữ Hư vô lúc này nghĩa là Thượng Đế. [37]

Các nhà huyền học Âu Á chủ trương rằng Tuyệt đối thể vô biên tế bao quát cả cực tiểu lẫn cực đại, to không có gì ngoài, nhỏ không có gì trong, vô gián cách (continu) vì vậy không chấp nhận rằng Thượng Đế và Hư vô riêng rẽ, vì nếu Hư không là cái gì ở ngoài Tuyệt đối, thì lập tức Tuyệt đối không còn là Tuyệt đối nữa.

Tóm lại, theo quan niệm các nhà huyền học thì:

Tuyệt đối là Hư vô. [38]

Theo Quan niệm thông thường thì:

Tuyệt đối khác Hư vô.

Các triết thuyết, các đạo giáo khởi nguyên từ 2 quan niệm ấy.

Có hiểu được tại sao các nhà huyền học gọi Tuyệt đối thể bất khả tư nghị là Hư vô, thì mới hiểu tại sao các triết thuyết tối cổ từ Ai Cập, đến Ba Tư, Ấn Độ, Trung Hoa đều chủ trương Hữu sinh từ Vô ([39])

Kinh Vệ Đà viết:

Thời nguyên sơ của thần minh, Hữu sinh từ Vô. [40]

Lão Tử viết:

Hữu sinh ư Vô. [41]

Trang Tử viết: «Chiêu chiêu sinh ư minh minh, Hữu luân sinh ư vô luân.»

Uông hóa Chân, tác giả sách «Đơn Đạo mạn đàm» bình rằng:

Hữu luân là Thái cực nhập vào vạn hữu, Vô luân là Vô cực khi chưa có đất trời. [42]

Trang Tử viết: «Trông thấy Hữu, đó là quân tử, theo người xưa: trông thấy Vô, đó là bạn của trời đất.» [43]

Ý tưởng này cũng tương tự như một câu trong Áo Nghĩa thư. [44]

Quan điểm trên cũng là quan điểm của Hésiode một thi sĩ Hi Lạp (thế kỷ VIII trước công nguyên). [45]

Schelling cũng chủ trương Hư vô là Thượng Đế còn ẩn tàng chưa hiển dương bằng hình thức vũ trụ. [46]

Tóm lại các nhà huyền học Đông cũng như Tây đều công nhận rằng:

Hư vô là Thượng Đế còn ẩn tàng chưa hiển dương. [47]

Hữu là Tuyệt đối thể đã hiển dương. [48] 


CHÚ THÍCH

[1] An «ultimate reality» or Absolute, or God outside of or beyond the space time world whatever the metaphors «outside of» and «beyond» may mean. — W.T. Stace, Mysticism and philosophy, page 2.

[2] According to Professor D.T. Suzuki, Sunyata, the Buddhist Void or emptiness, means: Absolute Emptiness transcending all forms of mutual relationship... In Buddhist Emptiness there is no time, no space; no becoming, no thingness. Pure experience is the mind seeing itself as reflected itself... This is possible only when the mind is sunyata itself, that is when the mind is devoid of all its possible contents except itself. — Ib. 109.

[3] Nguyên môn danh chi viết: Tiên thiên; Thích thị danh viết: Uy âm; Dịch viết Vô cực; tổng thuộc Hư vô... — Ngũ Liễu tiên tông, Kim tiên chứng luận, trang 6.

[4] Tiên thiên chân nhất chi khí: hồng mông vị phán chi thủy. — Tu chân biện nạn (Hậu biên), trang 3.

[5] Nhất chân vị tạc vị chi Hỗn độn. — Xướng đạo chân ngôn, trang 9.

[6] Hư không quát tam giới. — Tôn bất nhị nữ đơn thi chú, trang 24.

[7] Vạn vật sinh ư hữu, Hữu sinh ư Vô. — Lão Tử Đạo Đức Kinh, chương 2.

[8] Thường đức bất thắc, phục qui ư Vô cực. — Lão Tử Đạo Đức Kinh, chương 28.

[9] Luyện thần hoàn hư.

[10] Xuất ư Vô Vi. Vô Vi tắc thần qui. — Thái thượng xích văn đổng cổ kinh chú, trang 1.

[11] Nhập hồ vô gián, bất tử bất sinh, dữ Thiên vi nhất. — Ib. lb.

[12] Dưỡng kỳ vô tượng, tượng cố thường tồn. — Ib. 2a.

[13] Thủ kỳ vô thể, thể cố toàn chân. — Ib. 2a.

[14] Minh minh hãnh hãnh hợp hồ vô luân. — Ib. lb.

[15] Thế nhân sở dĩ bất năng trường cửu giả, vị táng kỳ vô tượng, tán kỳ vô thể.

[16] Vô vi nhị tự, thiên chi thể, đạo chi nguyên — Xướng đạo Chân ngôn trang 15b.

[17] Đơn giả thiên địa vạn vật chi bản dã. Hà dĩ vi thiên địa vạn vật chi bản. Đơn giả, Đạo dã. Đạo giả, Hư vô chi thể dã. Hư vô bất khả lập danh. Cố thánh nhân dĩ đạo danh chi. Hư sinh Nhất, Nhất sinh vạn, vạn hoàn Nhất, Nhất hoàn Hư. — Xướng đạo Chân ngôn quyển tam trang 19.

[18] Xướng đạo Chân ngôn quyển 5 trang 31.

[19] Cố chân nhất vi sinh thiên sinh địa chi thủy. Thể vạn hữu nhi không vạn hữu. Vô cực thị dã. Duy vô, cố vô cách hãi; vô cách hãi, cố cực linh cực minh.

Duy vô, cố vô khuể vô ngại. Vô khuể ngại cố năng khuất, năng thân. Nhân vật đắc kỳ khuất thân chi khí nhi vi mệnh. Vạn vật giai tại tính mệnh giai tại chân nhất chi trung. — Lữ tổ sư tam ni y thế thuyết thuật.

[20] Phàm hữu hình chi vật tức dị hoại, duy Thái Hư vô động dao, cố vi chí Thực. Thi vân: Đức thù như mao, mao do hữu luân, thượng Thiên chi tải, vô thanh vô xú chí hĩ.

...Chí thiện giả Hư dã, Hư giả thiên địa chi tổ, Thiên địa tòng Hư trung lai. — Tống Nguyên học án Quyển 18 trang 8 (Hoành Cừ học án)

[21] Hư vô: The underlying reality, the principle of eternal relativity which is essence of mind, the unknowable noumenon behind all phenomena, the entity void of ideas and phenomena, neither matter nor mind, but the root of both. — Trung Anh Phật học tự điển, trang 277.

[22] Bản tính do như Hư không. — Pháp bảo đàn kinh cơ duyên phẩm.

[23] Tự tính chân không. — Pháp bảo đàn kinh Bát nhã phẩm.

[24] A tự Thích vân Vô, hựu vân Chân không, tức thị Bát nhã thật tưống chi bản thể. — Nhập Phật chỉ nam trang 120.

[25] Thế giới Hư không năng hàm vạn vật sắc tượng, nhật nguyệt tinh tú, sơn hà đại địa, tuyền nguyên khê giản, thảo mộc tùng lâm, ác nhân thiện nhân, ác pháp thiện pháp, thiên đường địa ngục, nhất thiết đại hải. Tu di chư sơn tổng tại Không trung. Thế nhân tính không, diệc phục như thị. — Pháp bảo đàn kinh Bát nhã phẩm đệ nhị.

[26] Heb. 11,2 của Kinh thánh Jérusalem.

[27] Les saints sont ceux dont le domaine est le vide (sunnata), l'absence de dessein (animitta), la liberté (vimokha). (Dhammapada lère édition F. Fausboell Copenhague 1955, page 92) — Lilian Silburn, Instant et Cause p. 218.

[28] Rien ne peut changer sans venir en contact avec cette région de l'être purement absolu que les mystiques appellent Néant. -- Les Grands courants de la Mystique juive, page 233.

[29] Giuseppe Bufo Nicolas de Cues, p. 105.

[30] Jacob Boehme Mysterium Magnum (Aubier Editions Montaigne, tome 1 page 55.

[31] Le Dieu qu s'unit à cette pointe de l'âme, comme l'Un néo platonicien, n'est «ni ici, ni maintenant, ni ceci». Illimité, indéterminé, on peut l'appeler Non être parce qu'il échappe par transcendance à toute détermination...

...Tout être implique limitation. Faute d'un meilleur mot, on appellera donc Non être le supra Être...

Maître Eckhart, Traités et Sermons (Aubier Edition Montaigne Paris) 16.

...Eckhart còn gọi là Thượng Đế là

 Déité: Thần

 Désert: Sa mạc

 Abîme insondable: Vực thẳm

 Fond insondable: đáy thẳm

 Réalité imperscrutable: Thực thể bất khả tư nghị v.v… — Cf. Ib. Các trang 13,14,15,16,17.

[32] Dr. Erwin Rousselle, Sellische Führung im lebenden Taoismus, Eranos Jahrbuch 1933 p. 151. — M. Senard, Le Zodiaque, page 480.

[33] De ce Vide, ce même auteur dit, citant un philosophe chinois:

«Le véritable Vide n'est pas vide, l'existence vraie est la non existence...

Il ne doit pas être considéré comme le néant, mais comme l'inexprimable «Tout Autre Chose» percu à la fois comme la présence de quelque chose et comme l'absence de toutes choses...

En l'état de calme absolu il est éprouvé comme le fond même de notre être et de l'univers. (Op. cit. page 189) — M. Senard, Le Zodiaque, page 480.

[34] René Guénon La grande triade page 26 (texte et note 5)

[35] «Brahma is life (prana). Brahm is joy. Brahma is the void.»

Chandogya Upanishad 4. 10;4

...Non existent (a sat) himself does one become, If he knows that Brahma is non existent. — Taittiriya Upanishad 2 6.

[36] Théosophie et science p.39.

[37] Tanon Théosophie et Science p. 44.

[38] Claude Tresmontant P.E.D. p. 75.

[39] Cf. Claude Tresmontant P.E.D. page 75.

[40] Tresmontant P.E.D. page 76.

[41] Lão Tử Đạo Đức Kinh chương 11.

[42] ...Chiêu chiêu sinh ư minh minh...

...Hữu luân sinh ư vô luân...

Hữu luân thị Thái cực nhập ư hậu thiên, Vô luân thị Vô cực, thuộc ư tiên thiên. — Uông hóa Chân. Đơn đạo mạn đàm trang 49.

Trang Tử còn viết: Thái sơ hữu Vô. — Xem Nam hoa Kinh chương 12 đoạn H. (Wieger trang 298)

[43] Đổ Hữu giả, tích chi quân tử, đổ Vô giả thiên địa chi hữu. — Trang Tử Nam Hoa kinh chương XI đoạn E. — Wieger Tchoang Tzeu trang 293.

[44]...Non existent (A Sat) himself does one become, he knows that Brahma is non existent. — Taittiriya Upanishad 2-6

[45] Clause Tresmonant. P.E.D. page 76.

[46] M.W. Schelling Les âges du monde (Aubier Edt. Montaigne) p. 36.

[47] G.G. Scholem Les grands courants de la la Mystique juive page 38.

[48] Nous ne serons pas surpris de trouver que la spéculation a parcouru toute la gamme, depuis les tentatives de re transformer l'En sof impersonnel dans le Dieu personnel de la Bible, jusqu'à la doctrine tout à fait hérétique d'un véritable dualisme entre l'En Sof caché et le Démiurge personnel de l'Ecriture Ib. page 25.


Mục lục | Lời nói đầu | Phần 1  2  3  4  5  6  7  8  9 | chương 1  2  3  4 | phụ lục 1  2  | STK