ĐẠO ĐỨC KINH

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

khảo luận & bình dịch

» mục lục » khảo luận

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

13

14

15

16

17

18

19

20

21

22

23

24

25

26

27

28

29

30

31

32

33

34

35

36

37

38

39

40

41

42

43

44

45

46

47

48

49

50

51

52

53

54

55

56

57

58

59

60

61

62

63

64

65

66

67

68

69

70

71

72

73

74

75

76

77

78

79

80

81

Thượng Kinh

ĐẠO KINH

上 經 道 經

CHƯƠNG I

THỂ ĐẠO [1]

體 道 

Hán văn:

道 可 道 非 常 道. 名 可 名 非 常 名. 無 名 天 地 之 始; 有 名 萬 物 之 母. 故 常 無 欲 以 觀 其 妙; 常 有 欲, 以 觀 其 徼. 此 兩 者 同 出 而 異 名. 同 謂 之 玄. 玄 之 又 玄. 眾 妙 之 門.

Phiên âm:

1. Đạo khả đạo phi thường Đạo. Danh khả danh phi thường danh.

2. Vô danh thiên địa chi thủy; Hữu danh vạn vật chi mẫu.

3. Cố thường vô dục dĩ quan kỳ diệu; Thường hữu dục dĩ quan kỳ kiếu.

4.  Thử lưỡng giả đồng xuất nhi dị danh. Đồng vị chi huyền. Huyền chi hựu huyền. Chúng diệu chi môn.

Dịch xuôi:

1. Đạo (mà) có thể gọi được, không phải là Đạo thường (hằng cửu). Tên mà có thể gọi được, không (còn) phải là tên thường (hằng cửu).

2. Không tên là gốc của trời đất, có tên là mẹ của muôn vật.

3. Cho nên thường không có dục để nhìn thấy chỗ vi diệu của mình. Thường có dục, để nhìn thấy chỗ giới hạn (công dụng) [2] của mình.

4. Hai cái đó cùng một nguồn gốc, nhưng tên khác nhau, đều gọi là Huyền nhiệm. (Cái) tối ư huyền nhiệm ấy chính là cửa phát sinh ra mọi điều huyền diệu.

Dịch thơ:

1. Hóa công hồ dễ đặt tên,

Khuôn thiêng hồ dễ mà đem luận bàn.

2. Không tên sáng tạo thế gian,

Có tên, là mẹ muôn vàn thụ sinh.

3. Tịch nhiên cho thấy uy linh,

Hiển dương cho thấy công trình vân vi.

4. Hai phương diện một Hóa Nhi,

Huyền linh khôn xuất huyền vi khôn lường.

Ấy là chúng diệu chi môn,

Cửa thiêng phát xuất mọi nguồn huyền vi.

BÌNH GIẢNG

Chương 1 này rất quan trọng vì bàn về Đạo thể của vũ trụ. Ta có thể nương theo ý Lão tử mà bình giải như sau:

Đạo là gì?

1. Đạo chính là Tuyệt đối, là Bản thể thường hằng cửu vũ trụ. Vì Tuyệt đối, nên Đạo khó bàn cãi, khó xưng danh.

2. Đạo chính là nguồn gốc sinh xuất vũ trụ quần sinh.

3. Đạo có thể ở vào một trong hai trạng thái: tĩnh và động. Tĩnh là trạng thái chưa hiển dương. Động là trạng thái đã hiển dương. Chưa hiển dương thời minh linh, ảo diệu, không biết đâu là bến bờ. Đã hiển dương, thời mới thấy công trình vân vi, giới hạn.

4. Nhưng hiển dương hay không hiển dương, vẫn chỉ là một đạo thể siêu vi. Danh hiệu tuy khác nhau nhưng tựu trung vẫn là một thực thể. Đạo thể siêu vi ấy là cửa thiêng sinh xuất ra mọi điều huyền vi ảo diệu.

5. Quan niệm của các nhà bình giải về chữ Đạo: Các nhà bình giải và các dịch giả Âu châu thường hiểu Đạo là Nguyên lý vũ trụ. Wieger dịch Đạo là Principe (Nguyên lý). A. Rémusat dịch Đạo là Logos (Thần ngôn). Stanislas Julien dịch Đạo là La Voie (Đường). P. B. Blakney dịch Đạo là The Way (Đường). Các dịch giả người Đức dịch Đạo là Weg (Đường), Vernunft (Lý), Wort (Logos, Thần ngôn), Wahrheit (Chân lý). A. W. Watts dịch Đạo là Réalité ultime (Thực thể tối hậu). Trong bản dịch Đạo Đức Kinh đầu tiên ra tiếng Latinh chữ Đạo đã được dịch là: Lý; Nguyên lý; Tạo hóa. [3] A. Rémusat, giáo sư Hoa ngữ ở Đại học Paris, dịch giả Đạo đức kinh, cho rằng chỉ có thể dịch chữ Đạo bằng chữ Logos với nghĩa là Nguyên thể, Nguyên lý, Nguyên âm. [4] Hardwick, giáo sư đại học Cambridge, cho rằng chữ Đạo phải được hiểu là Nguyên nhân trừu tượng, là Nguyên lý, Nguyên sinh vô hình, vô tượng, vô thủy vô chung, vô biên tế, v.v. [5]

Các nhà bình giải Đạo đức kinh, Hoa hay Việt cũng đều giải Đạo là Nguyên lý tối cao, là nguồn gốc sinh ra trời đất vạn vật, là Thái cực, v.v.

Để giải thích chữ Đạo cho rõ hơn, tôi mượn lời lẽ của Hoài Nam tử 淮 南 子 trong thiên Nguyên đạo huấn 原 道 訓 (xem Hoài Nam tử, chương I), và trình bày như sau:

«Hóa công chở đất che trời,

Mênh mông bốn hướng, chơi vơi tám từng.

Cao cao vô tận vô ngần,

Thẳm sâu, sâu mấy muôn tầm đo sao.

Trùm trời mà đất cũng bao,

Vô hình, vô tượng, nhẽ nào hình dung.

Nguồn tung, suối tỏa tưng bừng,

Ngỡ là sắp cạn, bỗng dưng đầy tràn.

Ào ào, cuồn cuộn, vang vang,

Ngỡ là vẩn đục, vẫn hoàn trong veo.

Giồng lên, đất ngợp trời teo,

Tung ra, bốn biển có chiều mung lung.

Ra tay linh diệu khôn cùng,

Quang âm khôn cản, dặm chừng vân du.

Khi tung trời đất không vừa,

Khi thu, nhỏ xíu lọt vừa nắm tay.

Tuy co mà dãn như mây,

Tuy mờ mà sáng như ngày nắng chang.

Tơ non mà rất cương cường,

Mềm nhung, mà rắn in tuồng thép gang.

Gồm tứ đức, vai mang tuế nguyệt,

Ngất trời mây soi hết trăng sao.

Mịn màng, thắm thiết biết bao,

Tế vi, tươm tất tả sao cho cùng.

Núi nhờ thế, mà tung cao vút,

Vực dựa uy, sâu ngút ngàn trùng.

Ngài cho thú chạy trong rừng,

Cho chim tung cánh chín từng mây xanh.

Ngài tô ánh quang minh nhật nguyệt,

Ngài rong cương ruổi hết tinh vi.

Kỳ lân đùa rỡn cũng vì,

Phượng loan bay bổng quyền uy không ngoài.

Đời thái cổ, có hai hoàng đế,

Nhờ ơn ngài chỉ vẽ trước sau,

Mới nên nhân đức nhiệm mầu;

Thần thông hóa dục, dẫn đầu muôn phương.

Quyền uy ngài khôn lường, khôn tả,

Rung cả trời, lắng cả đất đai,

Quay cho trời đất vẫn xoay,

Xô cho nước chảy đêm ngày chẳng thôi.

Thủy chung để sánh vai muôn vật,

Thổi gió giông, ủ ấp làn mây,

Việc gì cũng có dúng tay,

Ầm ầm sấm động, mưa bay tỏ quyền...»

Sau khi đã hiểu Đạo là Nguyên lý tối của của vạn hữu, sau khi đã nhận định rằng Đạo vô hình danh và bất khả tư nghị, tôi sẽ dùng những từ ngữ «hữu hình danh» như: Hóa Công, Hóa Nhi, Tạo hóa, Khuôn xanh, Khuôn thiêng, v.v. để dịch chữ Đạo.

Sở dĩ tôi dám làm như vậy là vì:

1. Đạo không có tên, cho nên dùng danh từ nào cũng bất xứng như nhau, kể từ ngay cả chữ Đạo.

Chính Lão tử cũng chủ trương như vậy. Ngài viết: «Ngô bất tri kỳ danh, tự chi viết đạo.» 吾 不 知 其 名, 字 之 曰 道 (Ta không biết tên ngài, ta gọi bằng Đạo.)

2. Trang tử nhiều khi cũng đã nhân cách hóa Đạo và gọi bằng Tạo Hóa, Tạo vật giả, v.v. (Xem Nam Hoa kinh, chương 6, F).

Câu «Thường vô dục dĩ quan kỳ diệu, thường hữu dục dĩ quan kỳ kiếu.» 常 無 欲 以 觀 其 妙, 常 有 欲 以 觀 其 徼 nơi đoạn 3 chương này xưa nay thường được dịch và giải như sau:

«Không có dục tình mới thất được bản thể vi diệu của Đạo, có dục tình thời chỉ thấy được những hình tướng, vạn thù, sai biệt bên ngoài của Đạo mà thôi.»

Ý rằng muốn hiểu Đạo, thời cần phải sống phối kết với Đạo, vì thế nên Hà Thượng Công 河 上 公 mới gọi chương này là «Thể Đạo» 體 道. Các nhà Đạo học cũng còn cho rằng hai câu này chính là chìa khóa để đi vào công phu tu luyện, đắc đạo, thành tiên. Hà Thượng Công 河 上 公, Huỳnh Nguyên Cát 黃 元 吉, Wieger, Legge, Stanislas, Julien, v.v. đều hiểu nhất loạt như vậy.

«Rằng hay thì thật là hay», nhưng riêng tôi thấy rằng nếu dịch như vậy, chương nhất này sẽ mất mạch lạc. Đoạn 3 này sẽ không ăn ý với đoạn 4. Wieger đã nhìn thấy sự mất mạch lạc ấy nên ông đã đánh số đoạn 3 thành đoạn 4, và lúc dịch đã đem đoạn 3 này xuống cuối chương.

Chẳng lẽ Lão tử viết sách mà không lưu ý đến mạch lạc của chương cú hay sao. Chính vì vậy mà khi dịch tôi vẫn áp dụng hai câu này cho Đạo, thay vì cho người, và cho rằng hai câu này mô tả hai phương diện ẩn hiện của Đạo.

Tịch nhiên cho thấy uy linh,

Hiển dương cho thấy công trình vân vi.

Dịch như vậy ta thấy hai câu sau cùng mới có ý nghĩa:

«Hai phương diện một Hóa Nhi,

Huyền linh khôn xiết, huyền vi khôn lường,

Ấy là chúng diệu chi môn,

Cửa thiêng phát xuất mọi nguồn huyền vi.»

Lối dịch và hiểu của tôi làm cho chương này trở nên nhất trí, vì trên dưới chỉ luận về Đạo, về Đạo thể. Và nếu có thể đặt tên cho chương này, tôi sẽ đặt là Đạo thể thay vì hai chữ Thể đạo của Hà Thượng Công.

Nhận xét rằng Lão tử sau này còn dùng nhiều chương để bàn luận về Đạo (xem các chương 4, 14, 6, 25, 34, 42, 52) thì không có lẽ nơi chương I, ngài lại nói được có một hai câu về Đạo, rồi vội vàng quay ra dạy công phu tu luyện, biết Đạo, hiểu Đạo. Chính vì vậy mà tôi mới có lối bình và dịch như trên. Sai hay phải sau này tùy công luận phê phán. [6] 


[1] Tên các chương theo Hà Thượng Công 河 上 公.

[2] Annie Besant dịch:

Nous devons être trouvés toujours sans désir

Si nous voulons en sonder le mystère profond.

Mais si le désir est toujours en nous,

Nous n’en verrons que la frange extérieure

Annie Besant, La Sagesse antique, p. 22.

[3] The first translation of the Tao Teh King into a Western language was executed in Latin by some of the Roman Catholic missionaries and a copy of it was brought to England by a Mr. Matthew Raper, F. R. S. and presented by him to the Society at a meeting on the 10th January 1788, – being the gift to him of P. Jes. De Gramment, Missionarius Apostolicus, ex-Jesuita. In this version, Tâo is taken in the sense of Ratio, or the Supreme Reason of the Divine Being, the Creator and Governor. James Legge, The Text of Taoism, p. 58.

[4] Ce mot me semble ne pas pouvoir être bien traduit si ce n’est par le mot Logos, dans le triple sens de souverain Être de raison et de parole.» (Ibid., p. 58)

[5] The indefinite expression Tao was adopted to denominate an abstract cause, or the initial principle of life and order, to which worshippers were able to assign the attributes of immateriality, eternity, immensity, invisibility. (Ibid., p. 59)

[6]   a) Hai phương diện ẩn hiện của Đạo thường hay được các nhà huyền học đề cập tới. Annie Besant viết trong quyển La Sagesse antique như sau: Dans le Tâo Teh Ching, l’enseignement traditionnel au sujet du Non-Manifesté et du Manifesté ressort clairement: Le Tâo qui peut être suivi n’est pas le tao éternel er immuable. Le nom qui peut être nommé n’est pas le nom éternel et immuable. Lorsqu’il n’a point de nom, il est Celui qui a engendré le Ciel et la Terre; lorsqu’il possède un nom, il est la Mère de toutes choses. (...) Sous ces deux aspects, il est identique en réalité mais à mesure que le développement se produit, il reçoit différents noms. Ensemble nous les appelons le Mystère. (I, 1, 2, 4) Xem La Sagesse antique, p. 18.

b) Ramakrishna nhận định về Tuyệt đối cũng giống y như Lão tử. Ông viết trong quyển L’ Enseignement de Ramakrishna như sau:

- L’Absolu est ineffable, impensable, inconcevable. (op, cit. p. 467)

- L’Absolu est l’Être non conditionné par quoi que ce soit: ni, par le temps, ni par l’espace, ni par la causalité, comment les paroles pourraient-elles l’exprimer. (Ibid., p. 467)

- Quand on pense à l’Être Suprême sous son aspect inactif (nishkriya) on le nomme Dieu absolu (Shuddha-Brahman) et quand on le représente sous son aspect actif créant soutenant et détruisant, on le nomme Shakti ou Divinité personnelle. (Ibid., p. 475)