ĐẠO ĐỨC KINH

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

khảo luận & bình dịch

» mục lục » khảo luận

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

13

14

15

16

17

18

19

20

21

22

23

24

25

26

27

28

29

30

31

32

33

34

35

36

37

38

39

40

41

42

43

44

45

46

47

48

49

50

51

52

53

54

55

56

57

58

59

60

61

62

63

64

65

66

67

68

69

70

71

72

73

74

75

76

77

78

79

80

81

CHƯƠNG 15

HIỂN ĐỨC

顯 德

Hán văn:

古 之 善 為 士 者, 微 妙 玄 通, 深 不 可 識. 夫 唯 不 可 識, 強 為 之 容. 豫 焉 若 冬 涉 川. 猶 兮 若 畏 四 . 儼 兮 其 若 客. 渙 兮 其 若 冰 之 將 釋. 敦 兮 其 若 朴. 曠 兮 其 若 谷. 混 兮, 其 若 濁. 孰 能 濁 以 止, 靜 而 徐 清. 孰 以 安 以 久 動 而 徐 生. 保 此 道 者, 不 欲 盈. 夫 唯 不盈 故 能 蔽, 不 新 成.

Phiên âm:

1. Cổ chi thiện vi sĩ [1] giả, vi diệu huyền thông, thâm bất khả thức. Phù duy bất khả thức, cố cưỡng vi chi dung.

2. Dự [2] yên nhược đông thiệp xuyên. Do [3] hề nhược úy tứ lân. Nghiễm [4] hề kỳ nhược khách.[5] Hoán hề nhược băng chi tương thích. Đôn hề kỳ nhược phác.[6] Khoáng [7] hề kỳ nhược cốc. Hỗn hề kỳ nhược trọc.

3. Thục năng trọc dĩ chỉ, tĩnh nhi từ thanh. Thục dĩ [8] an dĩ cửu động nhi từ sinh.[9]

4. Bảo thử Đạo giả bất dục doanh. Phù duy bất doanh cố năng tế,[10] bất tân thành.[11]

Dịch xuôi:

1. Bậc hoàn thiện xưa siêu vi, huyền diệu, thâm thúy, thông suốt; thâm thúy khôn lường. Vì khó lường nên gượng tả hình dung.

2. Các ngài thận trọng như mùa đông đi qua sông; các ngài e dè sợ láng giềng bốn bên; kính cẩn như khách; lạnh lùng như băng tan; mộc mạc chất phác như chưa đẽo gọt; man mác như hang núi; hỗn mang như nước đục.

3. Ai có thể đục mà nhờ tĩnh lại dần dần trong. Ai có thể yên mà nhờ động lại dần dần linh hoạt.

4. Kẻ giữ đạo không muốn đầy. Chỉ vì không muốn đầy, nên mới che dấu và chẳng đổi mới.

Dịch thơ:

1. Ai người xưa khuôn theo đạo cả,

Sống huyền vi, rất khó tri tường.

Nay ta gạn ép văn chương,

Hình dung dáng dấp, liệu đường phác ra.

2. Họ e ấp như qua băng tuyết,

Họ ngỡ ngàng như khiếp láng giềng.

Hình dung khách khí trang nghiêm,

Băng tan, tuyết tán, như in lạnh lùng.

Họ đầy đặn như tuồng mộc mạc,

Nhưng phiêu khinh man mác hang sâu.

Hỗn mang ngỡ nước đục ngầu,

3. Đục ngầu lắng xuống một mầu trong veo.

Ngỡ ù cạc một chiều an phận,

Nào ai hay sống động khôn lường.

4. Phù hoa gom góp chẳng màng,

Ai say đạo cả, coi thường phù hoa.

Sống ẩn dật, không ưa thanh thế,

Việc thế gian hồ dễ đổi thay.

BÌNH GIẢNG

Chương này chứng tỏ các bậc chân nhân đắc đạo đã có từ thượng cổ. Lão tử cho rằng các ngài là những người siêu việt huyền vi, nan trắc, nên rất khó hình dung. Tuy nhiên, Lão tử cũng đã phác họa ra chân dung một vị chân nhân đắc đạo.

1. Bậc chân nhân đắc đạo vi, diệu, huyền, thông.

(Vi = ẩn áo; Diệu = bất trắc; Huyền = u thâm; Thông = vô ngại.) Ẩn áo, huyền vi, tứ thông, bát đạt, hành tung khôn lường, in tựa thần minh.

2. Các ngài thận trọng như người qua sông băng giá, buổi đông thiên.

Sự cẩn thận là một đức tính cố hữu của các bậc triết nhân. Kinh Dịch viết:

«E dè thắng bớt bánh xe,

 Hồ kia đuôi ướt, ngại bề lội sông.

 Thế thời mới khỏi lỗi lầm.»

       (Dịch, quẻ Ký tế, hào Sơ lục)

3. Các ngài kính cẩn như sợ láng giềng. Bậc chí nhân luôn luôn kính sợ Trời, kính sợ Đạo tiềm ẩn đáy lòng mình, nên lúc nào cũng thận trọng, nên dẫu ở một mình cũng tưởng như ở nơi: mười mắt trông vào, mười tay chỉ vào (Thập mục sở thị, thập thủ sở chỉ, kỳ nghiêm hồ.) 十 目 所 視,十 手 所 指,其嚴 乎 (Đại học, chương 6)

4. Vì tin rằng Trời, Đạo cũng ngự trị trong lòng mọi người nên các ngài đối với ai cũng nghiêm trang cung kính, như gặp khách quí. [12]

5. Các ngài, mới thoạt gặp, có một vẻ ngoài lạnh lùng. Ấy chính là:

Quân tử chi giao đạm như thủy     君 子 之 交 淡 如 水.

Tiểu nhân chi giao cam như mật  小 人 之 交 甘 如 蜜.

Tống Long Uyên lại giải rằng các bậc nhân xưa coi mọi chuyện đời như là «bào ảnh quang hoa» 泡 影 光 華 (Xem: Đạo đức kinh giảng nghĩa, tr. 23).

6. Các ngài có một vẻ ngoài đơn sơ, chất phác. Luận Ngữ cũng nói: «Những người cương nghị, chất phác, ít nói thời gần sự hoàn thiện.»[13]

7. Các ngài có một tâm hồn rộng rãi, bao la, không câu nệ cố chấp. Uyên Giám loại hàm ghi: Thánh nhân có độ lượng vũ trụ. [14]

8. Các ngài sống cuộc đời ẩn dật, không phô trương thanh thế đức độ, tài năng.

Đó là chủ trương: Thao quang hối tích, ẩn thánh hiển phàm (che bớt ánh sáng làm mờ dấu tích, che dấu vẻ thánh, làm lộ nét phàm) của người xưa. [15]

9. Vì thế cho nên các bậc thánh nhân bề ngoài thời rất tầm thường, tưởng chừng như vẩn đục, ù lì, mà bề trong thời trong trẻo, linh động. Đạo đức kinh chương 70 viết:

«Xưa nay các bậc thánh nhân,

Ngọc tàng dưới lớp quần áo xác xơ.»

10. Thánh nhân không chuộng phù hoa; chẳng những không ưa phô trương thanh thế, hiện tại (tế) mà cũng chẳng mơ ước vinh quang tương lai [16] cũng như chẳng có những mộng tưởng chọc nước quấy trời. [17]


[1] Mã Tự Luân, Phó Dịch đều viết: Thiện chi vi đạo giả 善 之 為 道 者.

[2] Dự : do dự.

[3] Do : do dự.

[4] Nghiễm : nghiêm trang.

[5] Khách : có sách viết là dung.

[6] Phác : chất phác.

[7] Khoáng : rộng.

[8] Tống Long Uyên thay chữ bằng chữ năng .

[9] Lưu Tư đổi cả câu này lại như sau: Thục năng hối dĩ lý chi từ minh; thục năng trọc dĩ tĩnh chi từ thanh; thục năng an dĩ động chi (đích) từ sinh 孰 能 晦 以 理 之 徐 明, 孰 能 濁 以 靜 之 徐 清 ; 孰 能 安 以 動 之 ( ) 徐 生.

[10] Có sách viết là tế (che). Hà Thượng Công giải là che dấu ánh sáng. Có sách viết là tệ (tệ lậu, xấu). Có sách viết là tệ (nát, tệ).

[11] Tân thành 新 成: Hà Thượng Công giải là quí công danh.

[12] Xuất môn như kiến đại tân, sử dân như thừa đại tế. 出 門 如 見 大 賓, 使 民 如 承 大 祭. Luận ngữ chương 12 Nhan Uyên.

[13] Cương, nghị, mộc, nột cận nhân , , , 訥 近 仁. Luận Ngữ, chương 13, câu 27.

[14] Thánh nhân giả, thiên địa chi lượng dã 聖 人 者, 天 地 之 量 也 (Trình tử 程 子). Uyên giám loại hàm 淵 鑑 類 函, q. IV, tr. 4670, mục chữ Thánh .

[15] Xem Tống Long Uyên, Đạo đức kinh giảng nghĩa, tr. 22-23.

[16] Thí như vị lai chi công danh, vị lai chi vinh quí, giai thị tân thành chi sự 譬 如 未 來 之 功 名, 未 來 之 榮 貴, 皆 是 新 成 之 事. Tống Long Uyên, Đạo đức kinh giảng nghĩa, tr. 24.

[17] Celui qui garde cette règle de ne pas se consumer en désirs stériles d’un état chimérique, celui là vivra volontiers dans l’obscurité, et ne prétendra pas à renouveler le monde. --  Wieger, Les Pères du Système Taoïste, p. 30.