ĐẠO ĐỨC KINH

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

khảo luận & bình dịch

» mục lục » khảo luận

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

13

14

15

16

17

18

19

20

21

22

23

24

25

26

27

28

29

30

31

32

33

34

35

36

37

38

39

40

41

42

43

44

45

46

47

48

49

50

51

52

53

54

55

56

57

58

59

60

61

62

63

64

65

66

67

68

69

70

71

72

73

74

75

76

77

78

79

80

81

CHƯƠNG 2

DƯỠNG THÂN

養 身

Hán văn:

天 下 皆 知 美 之 為 美, 斯 惡 已; 知 善 之 為 善, 斯 不 善 已. 故 有 無 相 生, 難 易 相 成, 長 短 相 形, 高 下 相 傾, 音 聲 相 和, 前 後 相 隨. 是 以 聖 人 處 無 為 之 事, 行 不 言 之 . 萬 物 作 焉 而 不 辭, 生 而 不 有, 為 而 不 恃, 功 成 而 弗 居. 夫 唯 弗 居, 是 以 不 去.

Phiên âm:

1. Thiên hạ giai tri mỹ chi vi mỹ, tư ác dĩ; giai tri thiện chi vi thiện, tư bất thiện dĩ. Cố hữu vô tương sinh, nan dị tương thành, trường đoản tương hình,[1] cao hạ tương khuynh, âm thanh tương hòa, tiền hậu tương tùy.

2. Thị dĩ thánh nhân xử vô vi chi sự, hành bất ngôn chi giáo. [2]

3. Vạn vật tác yên nhi bất từ, sinh nhi bất hữu, vi nhi bất thị,[3] công thành nhi phất cư.

4. Phù duy phất cư, thị dĩ bất khứ. [4]

Dịch xuôi:

1. Thiên hạ đều biết đẹp là đẹp, thế là xấu vậy; đều biết tốt là tốt thế là không tốt vậy, bởi vì có không sinh ra nhau dễ khó thành tựu lẫn nhau, ngắn dài tạo thành lẫn nhau, trên dưới lộn lạo ra nhau, thanh âm hòa hợp với nhau, sau trước theo nhau.

2. Cho nên thánh nhân dùng Vô vi mà xử sự, dùng «vô ngôn» mà dạy dỗ.

3. Vạn vật hoạt động mà vẫn im lìm; sống động mà không (đòi quyền) sở hữu; lao tác mà không cậy công; công thành mà không lưu luyến.

4. Không lưu luyến nên mới không mất.

Dịch thơ:

1. Người đời thấy đẹp biết khen,

Thế là cái xấu đã chen vào rồi.

Điều hay đã rõ khúc nhôi,

Thời đà dang dở lôi thôi sinh dần.

Mới hay: Không có chuyển vần,

Dễ sinh ra khó, vắn nhân thành dài.

Thấp cao tùy ngó ngược xuôi,

Tiếng ca, trầm bổng, dòng đời trước sau.

2. Thánh nhân khinh khoát tầng cao,

Vô vi, thầm lặng, tiêu hao dạy đời.

3. Kìa xem muôn vật thảnh thơi,

Im lìm sinh hoạt, một lời cũng không.

Ngày đêm làm chẳng kể công,

Công thành phơi phới, tuyệt không bận lòng.

4. Không nấn ná lúc thành công,

Cho nên tồn tại mãi cùng thiên thu.

BÌNH GIẢNG

1. Sau khi đã cho ta thấy Đạo thể siêu việt tuyệt đối ở nơi chương I, Lão tử liền cho ta thấy nơi đây một cái nhìn bao quát về thế giới tương đối biến thiên, đầy mâu thuẫn, và cho rằng những mâu thuẫn ấy đều là tương đối, giả tạo đối với một nhà đạo học.

Theo Lão tử trong cái hay có cái dở, trong cái dở lại có cái hay. (ĐĐK, chương 58). Vả lại, «Thiện ác cũng chẳng khác nhau là bao nhiêu.» (ĐĐK, ch. 20)

Tại sao vậy? Bởi vì vạn vật ảo hóa biến thiên. Nếu ta tách mọi sự ra khỏi vòng biến dịch, ta sẽ thấy xấu tốt khác nhau. Nhưng nếu ta lồng mọi sự vào vòng biến chuyển, ta sẽ thấy thiện cũng như ác, đẹp cũng như xấu, không có gì là cố định.

Héraclite cũng đã viết: «Trong chu kỳ biến hóa, sống chết đắp đổi nhau. Tiên tục, tục tiên; tục sống thời tiên chết, tục chết thời tiên sống.» [5]

«Sống hay chết, thức hay ngủ, trẻ hay già chỉ là một, vì sự biến hóa, cái này sẽ thành cái kia, cái kia sẽ thành cái nọ. [6] [... ] Nhất tán thời thành vạn, vạn tụ thời thành nhất.» [7]

Kinh nghiệm cũng cho chúng ta thấy rằng: Sự thiện ác theo đà thời gian, theo trào lưu lịch sử cũng đã luôn luôn thay đổi bộ mặt.

Sử gia Henry Steele Commager viết: «Lịch sử cho chúng ta thấy rằng các tiêu chuẩn, các giá trị, các nguyên tắc biến đổi theo thời gian và xã hội. Ở trong một xã hội, chúng biến đổi theo mỗi thế hệ. Các giáo hoàng xưa đã được lựa chọn vì học vấn và nhân đức đã tin rằng luân lý bắt buộc các ngài phải tiêu trừ «loạn giáo» (hérésies) bằng sắt bằng lửa, bằng bạo tàn bằng tra tấn. Các người Âu châu thế kỷ XVI đã không ngần ngại, giết người da đỏ, vì cho rằng họ không có linh hồn. Những người thanh giáo (puritains) giỏi giang và ngay thẳng đã không ngần ngại kết án tử hình những mụ phù thủy, và ở thế kỷ XIX, các người Công giáo miền Nam nước Mỹ đã cho rằng chế độ nô lệ là một ân sủng của Trời.» [8]

Trang tử cũng viết đại khái rằng: «Trên phương diện Đạo thể thì một cọng cỏ hay một xà nhà, nàng Lệ hay Tây Thi, vui hay buồn, khôn hay dại, tất cả đều là một. Thịnh suy thành bại chỉ là những trạng thái tương tục luân phiên. Tất cả đều là một nhưng chỉ có những bậc đại trí mới thấy được. Cho nên thánh nhân vượt lên trên các quan niệm thị phi yên nghỉ trong Hóa Công, mặc cho sự vật chuyển vần xuôi ngược.» [9]

Thế tức là trong thế giới biến dịch, ta phải chấp nhận mọi trạng thái, mọi khía cạnh, và phải biết vươn mình lên trên những cặp mâu thuẫn tương đối ấy để sống trong Đạo thể đại đồng. Vì thế tiếp theo Lão tử mới khuyên chúng ta: Xử vô vi chi sự, hành bất ngôn chi giáo.» 處 無 為 之 事, 行 不 言 之 教.

2. Xử vô vi chi sự

Hai chữ Vô vi rất là quan trọng. Lão tử, Liệt tử, Trang tử thường đề cập đến hai chữ vô vi. Ta thấy Đạo đức kinh đề cập hai chữ Vô vi nơi các chương:

- Chương 2, B

- Chương 3, C

- Chương 10, D

- Chương 37, A

- Chương 38, A

- Chương 43, B

- Chương 48, B

- Chương 57, C

- Chương 63, A

- Chương 64, C

Xung Hư chân kinh 沖 虛 真 經 đề cập Vô vi nơi các chương:

- Chương 2, J (Léon Wieger, Les Pères du Système Taoiste, tr. 94)

- Chương 8, H (tr. 186) (Định nghĩa Vô vi).

Nam Hoa kinh đề cập Vô vi nơi các chương:

- Chương 6, G (tr. 258) và E (tr. 254)

- Chương 7, F (tr. 266)

- Chương 10, D (tr. 280)

- Chương 11 A (tr. 284)

- Chương 11 D (tr. 290)

- Chương 11 F (tr. 292) (Định nghĩa Vô vi)

- Chương 12 A và B (tr. 294)

- Chương 13 A (tr. 308)

- Chương 13 B (tr. 310)

- Chương 15 B (tr. 130)

- Chương 18 A (tr. 350)

- Chương 22 H (tr. 396)

Vô vi là gì? Các học giả bình giải Đạo Đức kinh thường cho rằng Vô vi là sống thuận theo tự nhiên. Thiết tưởng giải như vậy chưa cho chúng ta thấy được hết tầm quan trọng của hai chữ Vô vi.

Liệt tử cho rằng: «Lời nói cao siêu nhất là sự thầm lặng, việc làm cao siêu nhất là vô vi.» [10]

Trang tử cho rằng: «Vô vi là đường lối của trời đất.» [11] «Vô vi là công việc của Trời.» [12] «Tịch mịch vô vi là căn bản của vạn vật.» [13] «Vô vi để trở về khế hợp với bản căn, bản tính, để thành thần.» [14]

Chương 37 Đạo Đức kinh cũng cho rằng Vô vi là hoạt động của Đạo. [15]

Các nhà luyện đan thời cho rằng:

- Vô vi là nhập đại định. [16]

- Đạt tới Vô vi là đạt tới Đại chu thiên 大 周 天, giai đoạn tối hậu của khoa luyện đan, tức là nhập định hóa thần 入 定 化 神. [17]

Tóm lại, ta có thể nói rằng theo đạo Lão thì: Ở cõi hữu vi là cõi người; lên cõi vô vi là lên cõi trời.

Chính vì thế mà xưa cao tăng Cưu Ma La Thập 鳩 摩 羅 什 (Kumarajiva, 340-413) đã dùng hai chữ Vô vi để dịch chữ Niết Bàn 涅 槃 . Như vậy đạt tới Vô vi tức là đạt tới cõi bất sinh bất diệt. [18]

Mặt khác chúng ta cũng nên ghi nhận rằng chữ Niết bàn còn được phiên âm ra tiếng Hán bằng hai chữ Nê hoàn 泥 丸 . [19]

Đạo Phật cũng đã dùng chữ Nê Hoàn để phiên âm chữ Niết Bàn. Kinh Thủ Lăng Nghiêm viết:

Phục thỉnh thế tôn vị chứng minh

Ngũ trược ác thế thệ tiên nhập.

Nhất nhất chúng sinh vị thành Phật

Chung bất ư thử thủ Nê Hoàn.

Dịch:

Cúi xin Thế Tôn hãy chứng minh,

Đời ác ngũ trược thề vào trước.

Như một chúng sinh chưa thành Phật

Trót chẳng về nơi cảnh Niết Bàn. [20]

Như vậy ta có: Niết Bàn = Vô vi = Nê Hoàn = Não thất ba. Phương trình này làm ta liên tưởng đến câu nói sau đây của một nhà Tâm lý học Âu châu: «Sự khác biệt giữa kiến thức và tín ngưỡng chẳng qua là sự khác biệt giữa cổ não (trung não) và tân não (ngoại não).» [21]

Vượt lên trên thế giới phù sinh, tương đối để đi vào thế giới của chân nhất, của Đạo thể, đó là: Xử vô vi chi sự 處 無 為 之 事 .

Khảo kinh Kim Cương, ta cũng thấy nói y như vậy. Phật nói: «Phàm cái gì có hình tướng, thảy đều hư vọng.»[22] Lại nói: «Phải lìa tất cả các chấp tướng mới gọi là chư Phật. [23]

Ngài Cảo thiền sư ngộ được câu «Lìa tất cả các vọng chấp mới là chư phật» nên có làm hai bài tụng rằng:

«Thân khẩu ý thanh tịnh,

Thị danh Phật xuất thế.

Thân khẩu ý bất tịnh,

Thị danh Phật diệt độ.

Tức tâm thị Phật vô dư pháp.

Mê giả đa ư tâm ngoại cầu.

Nhất niệm quách nhiên qui bổn tế

Hoàn như tẩy khước thượng thuyền đầu.

       Phỏng dịch:

Thân khẩu ý thanh tịnh,

Đó là Phật xuất thế.

Thân khẩu ý bất tịnh,

Đó là Phật nhập diệt.

Tâm kia là Phật chớ nên quên,

Mê mới ngoài tâm kiếm mọi miền

Nhẽ ấy vỡ ra là tới Phật,

Dễ như rửa cẳng bước lên thuyền. [24]

Phật lại dạy: Tu Bồ Đề, Bồ tát phát tâm Bồ đề phải xa lìa tất cả các chấp tướng. Bồ tát không nên sinh tâm trụ chấp nơi sắc trần, thanh trần, hương trần, vị trần, xúc trần và pháp trần [... ] Nói tóm lại, Bồ tát đừng sinh vọng tâm trụ chấp một nơi nào cả. Nếu Bồ tát tâm còn trụ chấp nơi nào, thì không phải thật an trụ chân tâm. (Ib. 109).

Ta cũng có thể mượn mấy vần thơ phỏng theo ca vịnh David XV mà giải câu «Xử vô vi chi sự» như sau:

Ai lên núi Chúa cao quang,

Dừng bước đền vàng sang trọng huyền linh.

Là ai giữ tấm lòng thanh,

Giữ bàn tay khỏi vấn tanh mùi phàm.

Ai lên núi Chúa cao quang,

Dừng bước đền vàng sang trọng huyền linh.

Là ai sống giữa phù sinh,

Chẳng hề mơ quẩn ước quan bận hồn. [25]

Hành vô ngôn chi giáo

Nếu trên đã giải Vô vi là hoạt động của thần, của Đạo, của Trời, thì bây giờ lại phải giải Vô ngôn là tiếng nói của Đạo, của Thần, của Trời. Tiếng nói của Thần, của Đạo tưởng là thầm lặng nhưng chính là sấm vang rung chuyển vũ trụ.

Lão tử Đạo đức kinh, chương 41 viết: «Đại âm hi thanh.» 大 音 希 聲 (Tiếng to như sấm mà dường vô thanh.) Liệt tử giải: Vô ngôn là chí ngôn, là tiếng nói cao siêu nhất chính là vì vậy. [26]

Trang tử cũng viết trong Nam Hoa kinh: «Vô vi chi chi vị Thiên, vô vi ngôn chi chi vị Đức.»

(Vô vi là việc của Trời,

Hễ là Đức cả không lời lặng thinh.)

Vì thế cho nên những bậc đại trí thường muốn vô ngôn. Liệt tử viết: «Đắc ý giả vô ngôn, tiến trí giả diệc vô ngôn.» 得 意 者 無 言,進 智 者 亦 無 言 (Người được như ý thời không nói. Người đại trí cũng không nói.)[27]

Khổng tử cũng muốn Vô ngôn, vì đó là thái độ của Trời. Ngài nói: «Trời có nói gì đâu mà bốn mùa vẫn vần xoay, vạn vật vẫn sinh hóa.» [28]

Phật nói:

«Thủy tùng thành đạo hậu,

Chung chí Bạt đề hà.

Ư thị nhị trung gian,

Vị thường thuyết nhật tự.»

Dịch:  

«Từ khi mới thành đạo,

Đến lúc nhập Niết Bàn,

Trong khoảng thời gian này,

Ta không nói một chữ.» [29]

Kinh Kim Cương cũng viết: «Vô thuyết, vô văn, chân Bát Nhã.» 無 說 無 聞 真 般 若. [30] Mới hay: Tiếng của người thì hữu thanh, hữu ngôn, tiếng của Trời, của Đạo thời vô thanh, vô ngôn.

3. Sống tự nhiên vô vi, vô ngôn như vậy chính là khuôn theo đường lối của trời đất, vì vũ trụ vạn vật đều im lìm sinh hoạt, tuy sinh mà không cho mình là có, tuy làm mà không tự thi, tuy thành công mà không lưu luyến với thành quả đã thâu lượm được.

4. Thánh nhân cũng phải vô tự, vô dục, phải theo được gương người xưa «dầu được cả thiên hạ, lòng cũng không dính bén.»[31] Có thể mới trường cửu cùng trời đất. [32]


[1] Bản của Vương Bật in là Trường đoản tương giảo 長 短 相 較. Các bản sau này đổi là Trường đoản tương hình 長 短 相 形 cho hợp vận với câu Nan dị tương thành 難 易 相 成 trên.

[2] Đoạn này sẽ được bàn lại nơi chương 43 Đạo đức kinh.

[3] Đoạn này có hai cách dịch:

  a. Coi chữ «vạn vật» là chủ từ (sujet) (Xem James Legge, The Texts of Taoism, tr. 96; Nghiêm Toản, Đạo Đức kinh, tr. 11)

b. Coi chữ «thánh nhân» là chủ từ (sujet) chữ «vạn vật» là túc từ (complément) (Xem Wieger, Les Pères du Système Taoïste, tr. 19; Nguyễn duy Cần, Đạo Đức Kinh, tr. 46); Duyvendak lại cho câu này xuống nơi chương 51 (Xem J. J. L. Duyvendak, Tao To King, tr. 7, tr. 121). Tôi theo cách thứ nhất, vì lẽ động từ «tác» và «sinh» đều là những động từ không có bổ từ trực tiếp (complément direct).

[4] Wieger phân câu như sau: Công thành nhi phất cư. Phù duy phất cư, thị dĩ bất khứ. Tôi coi câu Công thành nhi phất cư thuộc vào cuối câu 3. James Legge cũng làm như vậy.

[5] Dans le cycle, vie et mort s’échangent. «Immortels, mortels, mortels immortels; notre vie est leur mort, et notre mort est leur vie.» (Abel Jannière, La Pensée d’Héraclite d’Éphèse, Aubier, Editions Montaigne, 1959, p. 80)

[6] C’est la même chose d’être, ce qui est vivant et ce qui est mort, éveillé ou endormi, jeune ou vieux, car par le changement ceci est cela, et par changement cela est à son tour ceci. (Ib. 80-81)

[7]... Grand cycle de la concentration et de la déconcentration de l’Identique. (Ib.)

L’un pénètre dans la multiplicité et la multiplicité n’est qu’une forme de l’Unité, bien plus, elle est l’Unité même... (Ib. 91.)

[8] Si l’histoire «nous apprend» quelque chose, c’est bien que les normes, les valeurs et les principes varient considérablement d’âge en âge, de société en société, et même d’une génération à l’autre, dans la même société. Des papes qui avaient été choisis pour leur savoir et leurs vertus étaient convaincus que la morale exigeait qu’ils abattent les hérésies par le fer et par le feu, par la cruauté et la torture; les Européens du XVIe siècle ne se faisaient aucun scrupule de tuer les Indiens, parce que les Indiens n’avait pas d’âme; des puritains doctes et droits envoyaient sans broncher les sorcières à la mort, et au XIXe siècle, dans le Sud des Etats Unis les chrétiens considéraient l’esclavage comme une béùnédiction. Henry Steele Commager, L’historien et l’histoire, Nouveaux Horizons 1967, p. 149.

[9] Nam Hoa Kinh, chương 2, C.

[10] Chí ngôn khứ ngôn, chí vi vô vi 至 言 去 言, 至為 無 為 (Xung Hư chân kinh, chương 2, J; Wieger, p. 94.)

[11] Vô vi nhi tôn giả, thiên đạo dã 無 為 而 尊 者, 天道 也 (Nam hoa kinh, chương II, F; Wieger, p. 292.)

[12] Vô vi vi chi chi vị Thiên, vô vi giả, vạn vật chi bản dã 無 為 之 謂 天, 無 為 者 萬 物 之 本 也. Nam hoa kinh, chương 12, B; Wieger, p. 294.)

[13] Phù hư tĩnh, điềm đạm tịch mịch, vô vi giả, vạn vật chi bản dã 夫 虛 靜, 恬 淡, 寂 寞, 無 為 者, 萬 物 之 本 也 (Nam hoa kinh, chương 13, A; Wieger, p. 302.)

[14] Vô vi phục phác, thể tính, bão thần 無 為 復 樸, 體 性 抱 神 (Nam hoa kinh, chương 12, K; Wieger, p. 302.)

[15] Đạo thường vô vi nhi vô bất vi 道 常 無 為 而 無 不 為 (Đạo đức kinh, chương 37, A.)

[16] Đại chu nhập định 大 周 入 定 (Thiên tiên chánh lý trực luận, tr. 36a.) Hữu vi giả tiểu chu thiên dã; vô vi giả đại chu thiên dã 有 為 者 小 周 天 也 ; 無 為 者 大 周 天 也 (Thiên tiên chính lý trực luận 天 仙 正 理 直 論, tr. 28a.)

[17] Cái tiểu chu thiên giả hóa khí, đại chu thiên giả hóa thần 蓋 小 周 天 者 化 氣, 大 周 天 者 化 神 (Ib. 35a.)

[18] Vô vi tức Niết bàn, Phạn ngữ cụ túc viết Ban niết bàn. Dịch vi tịch diệt, hoặc bất sinh bất diệt. La Thập tựu Trung Quốc cựu danh, dịch tác Vô vi. [...] Vô vi giả chỉ tự tính thanh tịnh chi tâm, nguyên lai cụ túc, vô tạo tác tướng. Phật kinh thượng vô tu vô chứng, tức chỉ thử nhi ngôn. Chỉ yếu bả sinh diệt tâm diệt liễu, thử tịch diệt tức hiện tiền. Chí tu hành hạ thủ, tức thượng văn phi pháp phi phi pháp, lưỡng biên bất thủ. Tương phân biệt vọng tưởng trừ tận phương khả… 無 為 即 涅 槃, 梵 語 具 足 曰 般 涅 槃. 譯 為 寂 滅, 或 不 生 不 滅. 羅什 就 中 國 舊 名, 譯 作 無 為. [...] 無 為者 指 自 性 清 淨 之 心, 原 來 具 足, 無 造 作相. 佛 經 上 無 修 無 證, 即 指 此 而 言. 祇 要 把 生 滅 心 滅 了, 此 寂 滅 即 現 前. 至 修 行 下 手, 即 上 文 非 法 非 非 法, 兩 邊 不 取. 將 分 別 妄 想 除 盡 方 可 (Giang Vị Nông cư sĩ di trước, Kim cương kinh giải nghĩa, quyển 2, tr. 129.)

[19] Le terme Niwan (Nê hoàn) qui signifie littéralement Pilule de Boue est en réalité une transcription du mot sanscrit Nirvana. (Henry Maspero, Le Taoïsme, p. 94 (Xem thêm p. 19, 20, 92, 117, 141, 143.)

[20] Đại đức Thích Chân Giám dịch, Thủ lăng nghiêm, Linh sơn Phật học Nghiên cứu hội, tr. 243.

[21] L’opposition entre la connaissance et la foi so remène à celle qui existe entre l’archipallium et le néopallium. -- Ernest Aeppli, Psychologie du Conscient et de l’Inconscient, Payot Paris, 1953, p. 19.

[22] Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng 凡 所 有 相 皆 是 虛 妄 (Kinh Kim cương, Thích Thiện Hoa dịch, Hương đạo xuất bản, 1967, tr. 101.

[23] Ib., tr. 102.

[24] Kinh Kim Cương, Thích Thiện Hoa dịch, Hương đạo xuất bản, tr. 10.

[25] Nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh, Cung thánh tổng hợp, 1963, tr. 70.

[26] Xung Hư chân kinh, chương 2, J.

[27] Nam hoa kinh, chương 12, B (Wieger, p. 294.)

[28] Xung Hư chân kinh, chương 4, E (Wieger, p. 120.)

[29] Tử viết: Dư dục vô ngôn. Tử Cống viết: Tử như bất ngôn, tắc tiểu tử hà thuật yên? Tử viết: Thiên hà ngôn tai, tứ thời hành yên, vạn vật sinh yên, thiên hà ngôn tai? 子 曰: 予 欲 無 言. 子 貢 曰: 子 如 不 言, 則 小 子何 述 焉? 子 曰: 天 何 言 哉, 四 時 行 焉, 萬 物 生 焉, 天 何言 哉 ? (Luận ngữ, XVII, 18)

[30] Tử viết: Nguy nguy hồ! Thuấn Vũ chi hữu thiên hạ dã, nhi bất dư yên 子 曰: 巍 巍 乎! 舜禹 之 有 天 下 也, 而 不 與 焉 (Luận ngữ, VIII, 18)

[31] Đắc thiên hạ nhi bất dự 得 天 下 而 不 預 (Luận Ngữ)

[32] Về sự tương đối của các cặp mâu thuẫn, xin đọc thêm: Đạo đức kinh 20, D-36; A-40, A-58, B. Nam hoa kinh chương 2, C; 6, C.