ĐẠO ĐỨC KINH

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

khảo luận & bình dịch

» mục lục » khảo luận

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

13

14

15

16

17

18

19

20

21

22

23

24

25

26

27

28

29

30

31

32

33

34

35

36

37

38

39

40

41

42

43

44

45

46

47

48

49

50

51

52

53

54

55

56

57

58

59

60

61

62

63

64

65

66

67

68

69

70

71

72

73

74

75

76

77

78

79

80

81

CHƯƠNG 18

TỤC BẠC

俗 薄

Hán văn:

大 道 廢, 有 仁 義. 慧 出, 有 大 偽. 六 親 不 和, 有 孝 . 國 家 昏 亂, 有 忠 臣.

Phiên âm:

1. Đại Đạo phế,[1] hữu nhân nghĩa.

Trí tuệ [2] xuất, hữu đại ngụy.

2. Lục thân [3] bất hòa, hữu hiếu từ.

3. Quốc gia hôn loạn, hữu trung thần.[4]

Dịch xuôi:

1. Đại đạo mất mới có nhân nghĩa,

Trí tuệ sinh mới có dối trá lớn.

2. Lục thân bất hòa, nên có kẻ thảo người lành.

3. Quốc gia rối loạn mới có trung thần.

Dịch thơ:

Đạo cả hết, đạo huyền đồng hết,

Mới lan tràn học thuyết nghĩa nhân.

Trí sinh, trá ngụy sinh dần,

(Dân gian còn biết thiên chân là gì !)

Tình gia tộc một khi suy giảm,

Hiếu từ sinh trong đám cháu con.

Quốc gia gặp lúc ám hôn,

Trung thần xuất hiện, giang sơn ly loàn.

BÌNH GIẢNG

Lão cũng như Trang, chủ trương sống thuận theo tự nhiên «không làm sai thực tính của tính mệnh», không bỏ mất «thiên chân», không bỏ mất lẽ thường nhiên ở đời.

Muốn được vậy phải tránh mọi chuyện hữu vi giả tạo, dầu sự hữu vi giả tạo ấy là lý tưởng nghĩa nhân.

Thà rằng sống nghĩa nhân, mà không biết nghĩa nhân là gì, còn hơn nêu cao chiêu bài nghĩa nhân, mà lại sống bất nhân, bất nghĩa.

Thà rằng như đàn cá sống tung tăng trong nước, mà không để ý đến nước là quí, còn hơn là làm đàn cá mắc cạn thiếu nước phải mớm rãi cho nhau để tỏ tình thương nhau.[5]

Trang tử, trong thiên Mã đề, đã viết như sau: «Thời xưa dân sống tự nhiên, theo tính tự nhiên.» Mọi người đều canh cửi lấy áo mặc, cầy bừa lấy lúa ăn. Họ sống kết thành một hồn khối duy nhất không hề chia ly, thuận theo tính tự nhiên.

Thời buổi tự nhiên thuần túy ấy, mọi người đi lại rong chơi phỉ chí, ngắm cảnh mặc tình, chẳng có phép tắc nào chi phối dáng đi điệu đứng, lối nhìn của họ. Thời ấy, trên núi không có đường ngang, lối ngách, không có hầm hồ; dưới nước không có thuyền, đập. Muôn vật đua sinh, chung sống. Cho nên có thể buộc thú vật dắt đi chơi; tổ quạ, quẹt có thể trèo lên xem mà không hại. Thời ấy, người chung sống với vật và chưa có chuyện kỳ thị quân tử tiểu nhân. Tất cả đều sống hồn nhiên thuần phác, vui theo tính trời.

«Kịp đến thánh nhân cặm cụi làm nhân, tập tễnh làm nghĩa, mà thiên hạ mới mất tự tin; lan man làm nhạc, khúm núm làm lễ, mà thiên hạ mới chia ly...» [6]

Như vậy tức là ở đời «một phép lập, là một tệ sinh». Cũng một lẽ, óc chất càng mở mang, con người càng trở nên sảo trá.

Gia đình có đảo điên thì mới có sự phân biệt ai là hiếu tử, ai là ngỗ nghịch. Quốc gia có hôn loạn, thì mới có sự phân biệt giữa trung thần và nghịch tặc.

Do đó nhà nào có người hiếu tử là dấu hiệu nhà đó đã suy vi, không có tinh thuần; nước mà đã có trung thần tức là nước đã loạn ly, lòng dân đã kẻ Tần người Sở chia phôi.

Như vậy, theo Lão tử, lịch sử loài người đã suy vi dần từ một thời hoàng kim, còn người đã dần dần bước xuống thời bạc, đồng, sắt, thép, loạn ly, ngụy tạo. Chính vì thế mà Hà Thượng Công đã dùng hai chữ «Tục bạc» mà gọi chương này. «Tục bạc» là phong tục một ngày một trở nên phù phiếm bạc bẽo.

Sự sa đọa ấy đã được Trang tử mô tả:

«Thời thượng cổ là thời đạo đức,

Thời Đại Đình, Lật Lục, Chúc Dong,

Hiên Viên, Ly Súc, Thần Nông.

Phục Hi, Hách Tự, Hoàng,[7] Trung [8] Dung Thành.

Thời buổi ấy thanh bình an lạc,

Và chúng dân thuần phác ung dung.

Thắt thừng, bện lõi mà dùng,

Ăn ngon, mặc đẹp chưa từng xốn xang.

Thời buổi ấy làm bang giáp cạnh,

Tiếng gà kêu, chó cắn đều nghe,

Tuy không cách trở sơn khê,

Nhưng không tiếp xúc đi về với nhau.

Thời buổi ấy đâu đâu cũng trị,

Sống yên bình đến thế thời thôi...

Ngày nay, người chạy theo người,

Thoạt nghe hiền thánh, là sôi lên tìm.

Đùm cơm gạo, đi xem cho thỏa,

Bỏ thân tình, bỏ cả việc quan.

Xe xe, ngựa ngựa miên man,

Trước sau nô nức từng đoàn kéo đi.

Thích khôn khéo, thích nghe khôn khéo.

Nên loạn ly trăm nẻo phát sinh,

Càng khôn, càng loạn nhân tình,

Càng khôn ngoan lắm, điêu linh càng nhiều.

Càng cung nỏ, càng điều dò bẫy,

Thời chim trời càng sẩy, càng sa.

Cành nhiều mồi, lưới, đó, lờ,

Thời thôi cá nước những lo cùng phiền.

Càng cạm bẫy, lưới, ken, ke, lẫy,

Thời thú rừng càng thấy lao lung.

Lọc lừa, trí trá càng tăng,

Càng nhiều biện thuyết, nhố nhăng càng nhiều.

Thiên hạ thích tìm điều chẳng biết,

Điều biết rồi lại xếp một bên,

Tưởng là không phải chê liền,

Tưởng là đã phải một niềm chấp nê.

Ấy vì thế sinh bè sinh đảng,

Thế cho nên sinh loạn, sinh ly.

Làm cho nhật nguyệt mờ đi,

Làm cho sông núi tinh huy giảm dần.

Làm sâu bọ phong trần, nhớn nhác,

Làm muông chim ngơ ngác bồn chồn,

Ghê thay là bệnh thích khôn,

Làm cho «thiên ám, địa hôn» cũng vì.

Bỏ «điềm đạm», «vô vi» bỏ hết,

Chỉ ưa điều bép xép, lăng nhăng,

Nào hay bép xép xì xằng

Là nguồn ly loạn, lố lăng xưa rày.» [9] 


[1] Phế : bỏ.

[2] Hà Thượng Công và nhiều bản khác viết: Trí huệ 智 惠.

[3] Lục thân 六 親: cha mẹ, chú bác, anh em.

[4] Bản Phó Dịch đổi là «hữu trinh thần» 有 貞 臣.  -- Bản Quảng Minh 廣 明 (đời Đường Hi Tông 唐 僖 宗), sau mỗi vế trên, lại có thêm chữ yên ; tức là sau các chữ phế , xuất , hòa , loạn , đều có chữ yên .

[5] Xem Nam Hoa kinh, Nhượng Tống dịch, tr. 245.

[6] Trang tử, Nam Hoa kinh, chương IX, Mã đề, đoạn B, và C.

Xem Nhượng Tống dịch, Nam Hoa kinh, tr. 170.

Xem Wieger, Les Pères du Système Taoïste, tr. 275.

[7] Hoàng: Bá Hoàng 伯 皇.

[8] Trung: Trung Ương 中 央.

Đại Đình 大 庭, Lật Lục 栗 陸, Chúc Dung 祝 融, Hiên Viên 軒 轅, Ly Súc 驪 畜, Thần Nông 神 農, Phục Hi 伏 羲, Hách Tư 赫 胥, Bá Hoàng 伯 皇, Trung Ương 中 央, Dung Thành 容 成.

[9] Phỏng dịch chương Khư Khiếp 胠 篋, Trang từ Nam Hoa kinh, chương 10.