ĐẠO ĐỨC KINH

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

khảo luận & bình dịch

» mục lục » khảo luận

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

13

14

15

16

17

18

19

20

21

22

23

24

25

26

27

28

29

30

31

32

33

34

35

36

37

38

39

40

41

42

43

44

45

46

47

48

49

50

51

52

53

54

55

56

57

58

59

60

61

62

63

64

65

66

67

68

69

70

71

72

73

74

75

76

77

78

79

80

81

CHƯƠNG 52

QUI NGUYÊN

歸 元

Hán văn:

天 下 有 始, 以 為 天 下 母. 既 得 其 母, 以 知 其 子. 既 知 其 子 復 守 其 母. 沒 身 不 殆. 塞 其 兌, 閉 其 門, 終 身 不 勤. 開 其 兌, 濟 其 事, 終 身 不 救. 見 小 曰 明, 守 柔 曰 強. 用 其 光, 復 歸 其 明, 無 遺 身 , 是 為 襲 常.

Phiên âm:

1. Thượng hạ hữu thủy, dĩ vi thiên hạ mẫu. Ký đắc kỳ mẫu, dĩ tri kỳ tử. Ký tri kỳ tử phục thủ kỳ mẫu. Một thân bất đãi.

2. Tắc kỳ đoài, bế kỳ môn, chung thân bất cần. Khai kỳ đoài, tế kỳ sự, chung thân bất cứu.

3. Kiến tiểu viết minh, thủ nhu viết cường. Dụng kỳ quang, phục qui kỳ minh, vô di thân ương, thị vi tập thường.

Dịch xuôi:

1. Thiên hạ có khởi điểm. Khởi điểm ấy là mẹ thiên hạ. Đã được mẹ, thời biết con, trở về giữ mẹ, thân đến chết vẫn không nguy.

2. Ngậm miệng,[1] đóng tai, suốt đời không lận đận. Mở miệng lo công việc, suốt đời không cứu được.

3. Thấy được tế vi mới là Minh, giữ được mềm yếu mới là Cường. Dùng ánh sáng của Đạo, để quay về sự quang minh của Đạo, thân không sợ tai ương, đó là tìm về vĩnh cửu.[2]

Dịch thơ:

1. Trần gian có gốc có nguồn,

Gốc nguồn ấy chính mẹ muôn vạn loài.

Một khi đã biết mẹ rồi,

Suy ra con cháu khúc nhôi khó gì.

Biết con, phải biết nghịch suy,

Suy con ra mẹ, ta đi ngược dòng.

Thế là chẳng sống uổng công,

Chết đi mà vẫn sống cùng nước non.

2. Âm thầm ấp ủ tấc son,

Một đời trần cấu chẳng mòn mỏi ai.

Mặc ai đày đọa hình hài,

Một đời tất tưởi, phí hoài tâm thân.

3. Quang minh là thấu vi phân,

Cương cường là biết giữ phần mềm non.

Hãy dùng ánh sáng ngàn muôn,

Đem về soi tỏ gốc nguồn chói chang.

Thế là thoát mọi tai ương.

Thế là biết sống cửu trường vô biên.

BÌNH GIẢNG

Bài này rất dễ bình giảng, nếu chúng ta áp dụng quan niệm của Dịch Kinh.

Trong vũ trụ cái gì là Mẹ, cái gì là con ?

Trong vũ trụ, Thái cực, Đạo hay Bản thể là Mẹ; vạn hữu hay hình tướng là con.

Như vậy Bản thể là cội rễ, là khởi điểm mà vạn hữu, quần sinh hình tướng là chi diệp, là hậu duệ. Bản thể và hình tướng không bao giờ tách rời nhau.

Nho gia đã nói: «Thể dụng nhất nguyên, hiển vi vô gián.» 體 用 一 源,顯 微無 間. Nghĩa là:

Thể với dụng đều cùng một gốc,

Hiển cùng vi chẳng lúc chia phôi.

Suy ra, thì Trời, Đạo có bao giờ lìa khỏi con người đâu. Con người vì u mê nên mới tưởng mình tách rời khỏi Đạo, cho nên mới phải chịu đựng mối sầu chia ly.

Thánh kinh Công giáo viết: «Ta là cây nho, các người là cành nho. Kẻ nào hợp nhất với ta, thì ta với họ sẽ mang nhiều trái; vì sống tách rời khỏi ta, các người không làm được gì.» (Jean 15, 5)

Như vậy Đông Tây đều chấp nhận con người không thể lìa xa đạo thể. Mà Đạo thì trọng, còn tâm thân ta thì khinh. Tại sao ta cứ bám víu lấy cái khinh, mà bỏ mất cái trọng ? Có biết từ tâm thân mà vươn lên tới Đạo, thì cuộc đời ta mới hết tai ương.

Tống Long Uyên bình: «Các bậc tu hành đời xưa, thường áp dụng lẽ Mẹ con ở cùng một chỗ mà tu trì chẳng dám lơi. Vì thế cho nên thần khí được an hòa, thủy hỏa mới ký tế, thực hiện được điều kỳ diệu Cửu hoàn thất phản, và hiểu được lẽ Qui nguyên phục mệnh. Áp dụng lẽ ấy vào thân, thân ta sẽ tu, áp dụng vào nhà, nhà sẽ tề, áp dụng vào nước, nước sẽ trị, áp dụng vào thiên hạ, thiên hạ sẽ bình. Nếu bỏ thực bắt vọng, mê lú không biết bản tông, như con lạc mẹ, thì lẽ nào mà không nguy khốn.» [3]

Lẽ Tử mẫu đồng cư 子 母 同 居 nói trên cũng đã được thấy đề cập trong đạo Bà La Môn, và Phật Giáo. Quan niệm then chốt của Áo Nghĩa thư (Bà La Môn) là trong con người có đấng vô cùng.

Con người không phải cô đơn, khổ ải lao lung cùng khốn một mình trên bước đường đời, mà trái lại lúc nào cũng có người bạn muôn trùng sang cả ám trợ bên trong. Cho nên nếu con người giác ngộ nhận ra được đấng muôn trùng trong tâm mình, rồi cố gắng tu luyện để đi đến chỗ huyền đồng hợp nhất sẽ trở thành Atman.  

Hai chim cùng đậu cành thân,

Keo sơn kết ngãi chẳng phân, chẳng lìa.

Một chim ăn quả thỏa thuê,

Một chim lặng ngắm chẳng hề uống ăn.

Một người sống ở cây thân,

Suy vi não nuột âm thầm oán than.

Ngẩng lên thấy đấng thanh nhàn,

Vinh quang sang cả, liền tan tần phiền. [4]

Hóa công mà thấy nhãn tiền,

Nhãn tiền mà thấy căn nguyên trần hoàn.

Dữ lành rũ sạch tinh toàn,

Rồi ra trong trắng cao sang in Trời. [5]

Quan niệm trên cũng thấy trong Phật Giáo.

Vô cấu tử 無 垢 子 có kệ rằng:

Ngũ uẩn sơn đầu nhất đoạn không,

五 蘊 山 頭 一 段 空

Đồng môn xuất nhập chẳng tương phùng.

同 門 出 入 不 相 逢

Vô lượng kiếp lai nhẫm ốc trú,

無 量 劫 來 賃 屋 住

Đáo đầu bất thức chủ nhân ông.[6]

到 頭 不 識 主 人 翁

Dịch:

Đầu non ngũ uẩn một vầng không,

Vào ra cùng cửa bất tương phùng.

Từ bao nhiêu kiếp thuê nhà ở,

Tới nay nào biết chủ nhân ông.

Nếu Trời, nếu Đạo, nếu bản tâm, Chân tâm, đã ở ngay trong lòng mình, thì việc quan trọng hơn hết là phải biết Hồi đầu 回 頭, Hồi quang quán chiếu 回 光 觀 照, Định tĩnh 定 靜, dữ Đạo hợp chân 與 道 合 真.

Tính mệnh khuê chỉ 性 命 圭 旨 có thơ:

Nhất khiếu hư không, Huyền tẫn môn,

一 竅 虛 空 玄 牝 門

Điều đình tiết hậu yếu đương ôn,

調 停 節 候 要 當 溫

Tiên nhân đỉnh nội vô tha dược,

仙 人 鼎 內 無 他 藥

Tạp khoáng tiêu thành bách luyện kim.

雜 礦 銷 成 百 煉 金

Dịch:

Một khiếu hư không, Huyền tẫn môn,

Năm tháng chắt chiu giữ vẹn tròn,

Trong đỉnh tiên gia không thuốc khác,

Vàng lìa tạp khoáng sẽ tinh toàn.

Trái lại nếu để cho thần trí ruổi rong lạc lõng ra ngoại cảnh, con người sẽ bị tiêu hao dần mất hết nguyên thần nguyên khí.

Từ ngữ Việt Hán đã có những chữ:

Hồn lạc phách xiêu,

Thần hôn, trí loạn,

Thần lạc, tinh lạc. v. v...

Cho nên nếu chúng ta trông thấy được bản thể vi diệu nơi ta, chúng ta mới có thể gọi được là thông sáng. Giữ được đạo thể tinh thuần, nguồn mạch sinh ra vạn sự, mới thực là con người hùng mạnh.

Ánh sáng thiên chân dọi vào nơi tâm ta, sẽ phản quang. Ta phải biết nương theo làn ánh sáng phản quang ấy mà trỉ về cùng Nguồn Sáng. Như vậy chính là phương pháp trừ bỏ phù sinh mà trở về cùng Vĩnh cửu vậy.


[1]  Đoài : (1) Miệng (theo Cao Diên Đệ 高 延 第); (2) Tai mắt mũi mồm (theo Cao Dụ 高 誘).

[2]  Tập thường: Có sách viết là 襲 常 có sách viết là 習 常. Tôi viết là 襲 常 và giải là cách nương theo để về cùng vĩnh cửu.

[3]  Cổ chi tu hành nhân, thường dĩ tử mẫu đồng cư chi đạo, tu trì bất đãi. Sở dĩ thần khí an hòa, thủy hỏa ký tế, hữu cửu hoàn thất phản chi diệu, đắc qui căn phục mệnh chi lý. Dụng chi ư thân, thân khả tu; Dụng chi ư gia, gia khả tề; Dụng chi ư quốc, quốc khả trị; Dụng chi ư thiên hạ, thiên hạ khả bình. Thảng nhược xả chân trục vọng mê thất bản tông, như tử chi ly mẫu, an hữu bất nguy hồ ? 古 之 修 行 人, 常 以 子 母 同 居 之 道, 修 持 不 怠. 所 以 神 神 氣 安 和, 水 火 既 濟, 有 九 還 七 反 之 妙, 得 歸 根 復 命 之 理. 用 之 於 身, 身 可 修; 用 之 於 家, 家 可 齊; 用 之 於 國, 國 可 治; 用 之 於 天 下, 天 下 可 平. 若 舍 真 逐 妄 迷 失 本 宗, 如 子 之 離 母, 有 不 危 乎? Tống Long Uyên, Đạo Đức kinh giảng nghĩa, q. hạ, tr. 23a.

[4]    Two birds fast bound companions,

Clasp close the self-same tree

 Of these two, the one eats sweet fruits,

 The other looks on without eating.

 On the self-same tree a person, sunken,

 Grieves for his impotence, deluded.

 When he sees the other, the Lord contented,

 And his Greatness, he becomes freed from sorrow...

[5]   When a seer sees the brilliant,

 Maker, Lord, Person and Brahma-source,

 Then being a knower, shaking off good and evil

 Stainless, he attains identity with Him.

 (Mundaka Up, 3, 1. 1)

[6]  Xem Tính Mệnh Khuê Chỉ, tr. 9.