ĐẠO ĐỨC KINH

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

khảo luận & bình dịch

» mục lục » khảo luận

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

13

14

15

16

17

18

19

20

21

22

23

24

25

26

27

28

29

30

31

32

33

34

35

36

37

38

39

40

41

42

43

44

45

46

47

48

49

50

51

52

53

54

55

56

57

58

59

60

61

62

63

64

65

66

67

68

69

70

71

72

73

74

75

76

77

78

79

80

81

CHƯƠNG 5

HƯ DỤNG

虛 用

Hán văn:

天 地 不 仁, 以 萬 物 為 芻 狗. 聖 人 不 仁, 以 百 姓 為 芻 狗. 天 地 之 間, 其 猶 橐 籥 乎. 虛而 不 屈, 動 而 愈 出. 多 聞 數 窮, 不 如 守 中.

Phiên âm:

1. Thiên địa bất nhân, dĩ vạn vật vi sô cẩu. [1]

2. Thánh nhân bất nhân, dĩ bách tính vi sô cẩu.

3. Thiên địa chi gian,[2] kỳ do thác thược [3] hồ.

4. Hư nhi bất khuất,[4] động chi dũ xuất.

5. Đa ngôn số cùng, bất như thủ trung. [5]

Dịch xuôi:

1. Trời đất không có lòng nhân, coi bách tính như chó rơm.

2. Thánh nhân không có lòng nhân, coi bách tính như chó rơm.

3. Khoảng trời đất giống như ống bễ. Trống không mà không hao kiệt, càng động, hơi càng ra.

4. Nói nhiều cũng chẳng hết, thà giữ lấy Trung.

Dịch thơ:

1. Đất trời chẳng có lòng nhân,

Mà xem vạn vật in tầm chó rơm.

2. Thánh nhân chẳng có lòng nhân,

Mà xem bách tính in tầm chó rơm.

3. Kiền khôn mở đóng khôn lường,

Trống nhưng mãi mãi là nguồn hóa sinh.

4. Thà rằng ôm ấp Đạo mình,

Còn hơn vất vả thuyết minh suốt đời.

BÌNH GIẢNG

Chương này bình về sự hoạt động của Đạo, của trời đất.

1. Thiên địa bất nhân 天 地 不 仁

Trời đất đối với vạn vật chí công vô tư, không hề có sự thiên tư, thiên vị. Vạn vật trong trời đất này đều được chi phối bằng những định luật vĩnh cửu, chính vì vậy mới trường tồn. Mùa xuân vạn vật sinh sôi, hoa cỏ đua tươi, khí hậu đầm ấm, lúc ấy không phải là trời đất có lòng thương hơn; mùa đông khi sương sa tuyết phủ, lá rụng hoa rơi, mưa phùn gió bấc, lúc ấy không phải là trời đất mang dạ oán hờn, mà chính là vì chu kỳ biến dịch đã tạo nên những hình thái như vậy.

Trời đất cưu mang, sinh trưởng, che chở vạn vật như vậy, không phải bằng lòng nhân tầm thường của nhân thế, mà bằng một lòng nhân siêu việt. Vì siêu việt nên người ta lại cho là trời đất bất nhân.

Trang tử trong thiên Đại tông sư, đã dùng Hứa Do mà bình về Đạo như sau: «Thày ta hỡi, Thày ta hỡi (Đạo), Thày sắp đặt vạn vật mà không cho thế là làm nghĩa; rưới ân trạch khắp muôn đời mà không cho thế là nhân; có từ trước đời thượng cổ, mà không cho thế là già! Che chở trời đất, chạm trổ hình hài, mà không cho thế là khéo. Ta hoạt động trong Ngài vậy!» [6]

Cũng vì có lòng nhân siêu việt như vậy, nên không thương loài nào, hơn loài nào vị loài nào hơn loài nào. Trong Xung Hư chân kinh có chép:

«Điền thị nước Tề nhà có giỗ tổ, mời thực khách có thời ngàn người. Có một người khách đem biếu cá vàng và ngỗng trời. Điền thị trông thấy, liền nói: ‘Trời đối với con người thật là hậu hĩ. Chẳng những đã sinh ra lúa gạo, lại còn sinh ra chim, cá cho con người dùng. Các thực khách đều đồng thanh hưởng ứng. Duy có con ông Bào thị, mới mười hai tuổi, tiến ra và nói với Điền thị rằng: Điều ông vừa nói đó không đúng. Trời đất muôn vật và ta đều là các loài như nhau, chẳng có hơn kém. Các loài khôn, các loài mạnh, ăn thịt các loài ngu, các loài yếu, chứ chẳng phải loài này vì loài kia mà sinh ra. Người bắt loài vật mà ăn thịt, chứ đâu phải trời vốn vì người mà sinh vật. Cũng như muỗi, mòng hút máu người, hổ lang ăn thịt, nhưng không phải là trời đã vì muỗi mòng mà sinh ra người, vì hổ lang mà sinh ra thịt[7]

Dĩ vạn vật vi sô cẩu 以 萬 物 為 芻 狗

Cho nên đối với đất trời, không có loài nào tuyệt đối là trọng, loài nào tuyệt đối là khinh; mà khinh trọng đều là tương đối, đều là tùy theo thời gian, không gian, nhu cầu, công dụng nhất thời. Y như con chó cỏ trước khi hành lễ, thì được nâng niu, quí báu; sau khi hành lễ rồi, thì bị vứt ra đường, cho mọi người mặc tình chà đạp. [8]

Thật đúng là:

Có thời có tự mảy may,

Không thời cả thế gian này cũng không.

2. Thánh nhân bất nhân, dĩ bách tính vi sô cẩu 聖 人 不 仁, 以 百 姓 為 芻 狗

Thánh nhân theo gương đất trời, cũng sống vượt lên trên lòng nhân tầm thường của chúng nhân, không thương kẻ này mà bỏ kẻ kia, không trọng đây khinh đó, nhưng sống thuận theo thời gian, hoàn cảnh, hòa mình cùng muôn vật.

3. Thiên địa chi gian, do ư thác thược hồ. Hư nhi bất khuất động nhi dũ xuất 天 地 之 間 其 猶 橐 籥 乎 虛 而 不 屈 動 而 愈 出

Ở đây Lão tử lại tiếp tục nói đến cái diệu dụng của trời đất. Trời đất y như là hư không, mà càng dùng lại càng có, «hồ hết lại có, hồ vơi lại đầy», chẳng khác gì như cái bễ thợ rèn; để yên thì không có hơi, nhưng hễ kéo, thì hơi sinh ra mãi không bao giờ hết.

4. Đa ngôn số cùng, bất như thủ trung 多 聞 數 窮, 不 如 守 中

Bàn về Đạo cần chi phải nhiều lời, vì:

«Nhất ngôn khả dĩ đại ngộ,

一 言 可 以 大 悟

Bán cú khả dĩ thông huyền.»

半 句 可 以 通 玄

(Một lời đủ giác ngộ,

Nửa câu đủ thấu huyền.)

«Thủ trung bão nhất.» 守 中 抱 一 (Nắm giữ chân tâm, ôm ấp Đại nhất), thế là đủ rồi, cần chi phải bàn bạc cho nhiều.


[1] Sô cẩu 芻 狗: chó cỏ, chó rơm. Xưa, người ta bện cỏ, rơm thành chó, để dùng khi tế lễ; trước khi dùng đến, người ta quí báu chắt chiu; khi lễ xong rồi, người ta đem vứt bỏ. (Xem Nam hoa kinh, chương 14, D.)

[2] Thiên địa chi gian 天 地 之 間: có bản chép là thiên địa chi môn 天 地 之 門 .

[3] Thác thược 橐 籥: ống bễ thợ rèn. Nó gồm hai phần: một ống tròn bên ngoài (thác), một nòng thụt sinh gió bên trong (thược).

[4] Khuất : hết, hao kiệt.

[5] Trung : ở đây tức là Đạo.

[6] Nam hoa kinh, chương VI, Đại tông sư 大 宗 師, đoạn I.

[7] Liệt tử 列 子, Xung Hư chân kinh 沖 虛 真 經, chương VIII, đoạn Y.

[8] Xem Nam hoa kinh, chương 14, Thiên vận 天 運, đoạn D.