ĐẠO ĐỨC KINH

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

khảo luận & bình dịch

» mục lục » khảo luận

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

13

14

15

16

17

18

19

20

21

22

23

24

25

26

27

28

29

30

31

32

33

34

35

36

37

38

39

40

41

42

43

44

45

46

47

48

49

50

51

52

53

54

55

56

57

58

59

60

61

62

63

64

65

66

67

68

69

70

71

72

73

74

75

76

77

78

79

80

81

CHƯƠNG 69

HUYỀN DỤNG

 玄 用 

Hán văn:

用 兵 有 言, 吾 不 敢 為 主, 而 為 客. 不 敢 進 寸 而 退 尺. 是 謂 行 無 行, 攘 無 臂, 扔 無敵, 執 無 兵. 禍 莫 大 於 輕 敵, 輕 敵 幾 喪 吾 寶. 故 抗 兵 相 加. 哀 者 勝 矣.

Phiên âm:

1. Dụng binh hữu ngôn, ngô bất cảm vi chủ, nhi vi khách. Bất cảm tiến thốn nhi thoái xích.

2. Thị vị hành vô hành, nhương [1] vô tí, [2] nhưng [3] vô địch, chấp vô binh.

3. Họa mạc đại ư khinh địch, khinh địch cơ táng ngô bảo. Cố kháng binh tương gia. Ai giả thắng hĩ.

Dịch xuôi:

1.    Dụng binh có câu: Thà làm khách hơn làm chủ. Chẳng dám tiến một tấc, mà lui một thước.

2. Cho nên thánh nhân chẳng đi mà vẫn đi, đuổi mà không dùng tay, bắt mà không đối địch, cầm giữ mà không binh khí.

3. Không họa nào lớn bằng khinh địch, khinh địch là mất của báu, cho nên khi giao binh, người nào thận trọng từ nhân sẽ thắng.

Dịch thơ:

1. Dùng binh xưa đã có lời,

Thà ngôi tân khách, hơn ngôi chủ nhà.

Tiến lên một tấc rầy rà,

Thà lùi một thước vẫn là phần hơn.

2. Chẳng đi mà vẫn tiến luôn,

Khoanh tay mà vẫn đẩy muôn địch thù.

Thắng người chẳng cứ đôi co,

Chẳng cần binh lực vẫn thừa quyền uy.

3. Hại thay những thói khinh khi,

Càng khinh địch lắm càng nguy cơ nhiều.

Rồi ra xơ xác đến điều,

Bao nhiêu bảo vật ngọn triều trôi xuôi.

Nên khi đụng độ tranh tài,

Người nào thận trọng là người sẽ hơn.

BÌNH GIẢNG

Chương này Lão tử đề cập binh pháp.

Đại khái chương này có bốn ý chính:

1.    Không được gây chiến, chỉ nên ứng chiến.

2.    Khi cầm quân phải lo bảo toàn lực lượng mình, mặc dù phải lui.

3.    Có nhiều cách khác để thắng trận (như ngoại giao, chính trị, tuyên truyền); chẳng nhất thiết phải dùng binh lực đụng độ mới có thể thắng trận.

4.    Lúc ra quân chẳng nên khinh địch.

Có nhiều nhà bình giải cho rằng chương này là của người sau thêm vào. Theo tôi, Lão tử vẫn có thể phát biểu ý kiến về chiến tranh, vì chiến tranh vẫn là một khía cạnh xưa nay của con người.

1. Không nên gây chiến, chỉ nên ứng chiến

Người gây chiến gọi là chủ. Kẻ ứng chiến gọi là khách. Con người không nên gây chiến đem tang tóc lại cho nhân quần, nhưng nhiều khi cần phải ứng chiến để «thế thiên hành đạo», «thảo tội, an dân». Gây chiến là nghịch Thiên, còn ứng chiến chính là thuận Thiên.

2. Khi cầm quân phải lo bảo toàn lực lượng mình, mặc dù phải lui

Đọc lịch sử các danh tướng chỉ đánh khi mạnh, còn lui khi yếu. Bái Công, theo kế sách của Trương Lương, luôn luôn tỏ ra nhũn nhặn, nhún nhường, luôn luôn lui trước Hạng Võ, khi biết mình chưa đủ tài kháng cự. Nhưng khi đã thâu phục được Hàn Tín rồi, mới bắt đầu phản công, bắt đầu tung hoành, để thu phục giang sơn.

3. Có nhiều cách để thắng trận (như ngoại giao, chính trị, tuyên truyền); chẳng nhất thiết phải dùng binh lực mới thắng trận.

Tư Mã Ý đã dùng cách án binh bất động, tránh né mọi cuộc đụng độ với binh tướng Khổng Minh, lại khéo mua chuộc lòng hoạn quan Ba Thục, gây hoang mang chia rẽ giữa vui tôi Ba Thục, mà rút cuộc đã thắng được Khổng Minh.

4. Lúc ra quân chẳng nên khinh địch.

Tào Tháo chính vì khinh địch nên đã thua trận Xích Bích. Bàng Quyên chính vì khinh địch nên đã bị Tôn Tẫn giết ở gò Mã Lăng. [4] Triệu Quát vì khinh địch nên đã bị tướng Tần là Bạch Khởi tiêu diệt cùng với 450. 000 quân Triệu. [5]


[1] Nhương : bắt lấy; đẩy ra; đuổi đi được.

[2] (tý): tay.

[3] Nhưng: cầm, bắt. Có sách viết là , có sách viết là .

[4] Xem Đông Châu Liệt Quốc, Võ Minh Trí dịch, tr. 1056.

[5] Xem Đông Châu Liệt Quốc, Võ Minh Trí dịch, tr. 1168.