ĐẠO ĐỨC KINH

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

khảo luận & bình dịch

» mục lục » khảo luận

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

13

14

15

16

17

18

19

20

21

22

23

24

25

26

27

28

29

30

31

32

33

34

35

36

37

38

39

40

41

42

43

44

45

46

47

48

49

50

51

52

53

54

55

56

57

58

59

60

61

62

63

64

65

66

67

68

69

70

71

72

73

74

75

76

77

78

79

80

81

CHƯƠNG 43

BIẾN DỤNG

遍 用

Hán văn:

天 下 之 至 柔, 馳 騁 天 下 之 至 堅. 無 有 入 無 間. 吾 是 以 知 無 為 之 有 益. 不 言 之 教, 無 為 之 益, 天 下 希 及 之.

Phiên âm:

1. Thiên hạ chi chí nhu, trì sính[1] thiên hạ chi trí kiên. Vô hữu nhập vô gián. [2] Ngô thị dĩ tri vô vi chi hữu ích.

2. Bất ngôn chi giáo,[3] vô vi chi ích, thiên hạ hi[4] cập chi.[5]

Dịch xuôi:

1. Cái mềm nhất trong trời đất chi phối được cái cứng nhất trong trời đất. Cái «không có» lọt được vào chỗ «không có kẽ hở». Vì thế nên ta biết lợi ích của vạn vật

2. Cách Dạy mà không dùng đến lời, cũng như ích lợi của «Vô vi», ít người có thể hiểu thấu.

Dịch thơ:

1. Cái mềm nhất ở trong trời đất,

Thắng cái gì cứng nhất trần hoàn.

Vô hình nhập chỗ vô gian,

Vô vi ích lợi muôn vàn ai hay.

2. Không nói vẫn làm thầy thiên hạ,

Không làm nhưng kết quả ngàn muôn.

Nào ngờ không nói, không làm,

Chứa chan ích lợi, người phàm đâu hay.

BÌNH GIẢNG

Chương này Lão tử lại nói đến ích lợi của vạn vật.

Trên đây chúng ta đã bàn giải về Vô vi rất nhiều. Nay mượn một câu trong sách «Quan Thế Âm Bồ Tát bản tích cảm ứng tụng» để giải chương này như sau:

«Tất cả cái gì hữu vi đều là mộng ảo, đều là bào ảnh, là thân phận con phù du, hay là bóng xế ngàn cây. Hãy vội vàng trở về với Vô vi, và luôn luôn tự nhủ như vậy.» [6]

Như vậy, Vô vi không phải là ăn không, ngồi rỗi mà chính là hành động hợp với Thiên chân, thiên lý, với định luật vũ trụ.[7]

Nhập dược kính có thơ:

Mặc mặc vô vi chỉ thủ Trung,

墨 墨 無 為 只 守 中

Chu thiên hỏa hậu Tham, Đồng.

周 天 火 候 合 參 同

Vô vi hoàn tự hữu vi đắc,

無 為 還 自 有 為 得

Cử động vô phi hợp thánh công. [8]

舉 動 無 非 合 聖 功

Tạm dịch:

Lặng lẽ vô vi giữ điểm Trung,

Tu tròn chính quả, hợp Thiên Không.

Vô vi cũng tự Hữu vi được,

Cử động rồi ra hợp thánh công.


[1] Trì sính 馳 騁: (1) ngựa ruổi mau; (2) giá ngự, khống chế.

[2] Vô gián 無 間: không có kẽ hở.

[3] Bất ngôn chi giáo 不 言 之 教: cái dạy không lời.

[4] Hi : ít.

[5] Cập chi 及 之: theo kịp; biết kịp.

[6] Nhất thiết hữu vi mộng ảo, bào ảnh, phù du chi thân, tang du chi cảnh, tốc hội Vô vi, thời thời tự tỉnh. 一 切 有 為 夢 幻, 泡影, 蜉 蝣 之 身, 桑 榆 之 景, 速 會 無 為, 時 時 自 省. Xem Quan Thế Âm Bồ Tát bản tích cảm ứng tụng 觀 世 音 菩 薩 本 跡 感 應 頌, quyển thứ 6, tr. 41–42.

- Hoài Nam tử giải: phù du là thứ con sáng sinh, chiều chết.

(Hoài Nam tử: Phù du triêu sinh nhi mộ tử 淮 南 子: 蜉 蝣 朝 生 暮 死). Ông cũng giải «tang du chi cảnh» 桑 榆 之 景 là ánh mặt trời tà rọi trên các ngọn cây. (Hựu Hoài Nam tử viết: Nhật tây thùy cảnh tại thụ đoan, vị chi tang du 又 淮 南 子 曰: 日 西 垂 景 在 樹 端, 謂 之 桑 榆)

- Đại Bi kinh có câu: Ước mong chúng ta mau trở về nhà Vô vi (Đại Bi kinh: nguyện ngã tốc hội vô vi xá. 大 悲 經: 願 我 速 會 無 為 舍) Sđd, tr. 41–42.

[7] Vô vi vô tác, động hợp thiên địa chi diệu. 無 為 無 作, 動 合 天 地 之 妙. Nhập dược kính, tr. 12.

[8] Nhập dược kính, tr. 12.