ĐẠO ĐỨC KINH

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

khảo luận & bình dịch

» mục lục » khảo luận

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

13

14

15

16

17

18

19

20

21

22

23

24

25

26

27

28

29

30

31

32

33

34

35

36

37

38

39

40

41

42

43

44

45

46

47

48

49

50

51

52

53

54

55

56

57

58

59

60

61

62

63

64

65

66

67

68

69

70

71

72

73

74

75

76

77

78

79

80

81

CHƯƠNG 37

VI CHÍNH

為 政

Hán văn:

道 常 無 為 而 無 不 為. 侯 王 若 能 守 之, 萬 物 將 自 化. 化 而 欲 作, 將 鎮 之. 以 無 名 之 朴, 亦 將 無 欲. 不 欲 以 靜, 天 下 將 自 定.

Phiên âm:

1. Đạo thường vô vi nhi vô bất vi.

2. Hầu vương nhược năng thủ chi, vạn vật tương tự hóa.

3. Hóa nhi dục tác, ngô tương trấn chi. Dĩ vô danh chi phác, diệc tương vô dục. Bất dục dĩ tĩnh, thiên hạ tương tự định.

Dịch xuôi:

1. Đạo thường không làm gì; nhưng không gì không làm.

2. Nếu bậc vương hầu giữ được Đạo thì muôn loài sẽ tự chuyển hóa.

3. Chuyển hóa mà muốn vẽ vời sinh chuyện, ta sẽ chấn tĩnh lại bằng cái «Không tên mộc mạc». Vô danh mộc mạc ắt không ham muốn. Không ham muốn dễ được yên tĩnh, do đó thiên hạ sẽ định.

Dịch thơ:

1. Trời im lìm vô vi bất biến,

Vẫn làm nên muôn chuyện muôn công.

2. Vương hầu lấy đó làm lòng,

Muôn loài ắt sẽ hanh thông thái bình.

3. Nếu có kẻ sinh tình dở dói,

Ta can cho bỏ thói lao đao,

Kìa gương cao cả tầng cao,

Vô danh thuần phác, lẽ nào chẳng theo.

Sống phác giản, chẳng đeo danh lợi,

Lòng thênh thang sạch mọi tham lam.

Không tham, lòng sẽ bình an,

Tự nhiên thiên hạ thái khang, trị bình.

BÌNH GIẢNG

Chương này là chương chót của thượng kinh.

Lão tử lại khuyên ta nên sống vô vi thuần phác. Tại sao? Vì Lão tử mong muốn cho chúng ta có một đời sống huyền hóa siêu linh, hợp nhất với Trời, với Đạo.

Trang tử viết: «Có hai đường lối: đường lối Trời, đường lối người. Vô vi một cách cao siêu, tôn quí đó là đường lối Trời. Hữu vi để mắc vòng tục lụy, đó là đường lối người. Đường lối Trời cao siêu (đường lối của chủ nhân). Đường lối người thấp kém (đường lối của thần hạ). Cho nên đường lối Trời người khác nhau xa vậy...» [1]

Chính vì chúng ta dở thói, dở lắm quẻ, sinh lắm chuyện nên cá nhân ta mới lao đao lận đận, nên thiên hạ mới khổ sở, nên Trời người mới trở nên gàng quải chia phôi.

Vậy muốn thung dung, phối hợp với Trời, với Đạo hãy sống vô vi tự nhiên, thuần phác.

Nhan Hồi hỏi Khổng tử: «Trời người hợp nhất nghĩa là gì? Khổng tử đáp: Người là Trời (vì là một phần của Đại khối), Trời cũng là Trời (vì là Đại khối). Cái làm cho con người mất Trời chính là cá tính của mỗi người. (Vì thế nên) thánh nhân an nhiên để hồn hóa với Đại thể.» [2]

Đó là những điều đáng cho ta lưu tâm suy nghĩ, khi đọc xong quyển thượng kinh này.


[1]  Đạo hữu thiên đạo, hữu nhân đạo, vô vi nhi tôn giả, thiên đạo dã; hữu vi nhi lụy giả, nhân đạo dã. Chủ giả thiên đạo dã. Thần giả nhân đạo dã. Thiên đạo chi dữ nhân đạo, tương khứ viễn hĩ… 道 有 天 道, 有人 道, 無 為 而 尊 者, 天 道 也; 有 為 而 累 者, 人 道 也. 主 者 天 道 也. 臣 者 人 道 也. 天 道 之 與 人 道, 將 去 遠 矣... Trang tử, Nam Hoa kinh, chương 11, Tại Hựu, đoạn F.

[2]  Hà vi nhân dữ Thiên nhất da? Trọng Ni viết: Hữu nhân, thiên dã. Hữu Thiên diệc Thiên dã. Nhân chi bất năng hữu Thiên, tính dã. Thánh nhân yến nhiên, thể thệ nhi chung hĩ 何 為 人 與 天 一 邪 ? 仲 尼 曰: 有人, 天 也. 有 天 亦 天 也. 人 之 不 能 有 天, 性 也. 聖 人 晏 然, 體 逝 而 終 矣. Trang tử, Nam Hoa kinh, chương 20, đoạn G.