TRUNG DUNG TÂN KHẢO

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

QUYỂN I: TRUNG DUNG KHẢO LUẬN

» Mục lục » Chương: 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13  14  15  16


Chương 9

TRUNG DUNG và DỊCH LÝ [1] 

 

Đ em đối chiếu Trung Dung và kinh Dịch ta mới thấy rõ dụng tâm dụng ý cổ nhân.

Dịch kinh đưa ra định luật biến thiên, định luật tuần hoàn: Thái cực phân thành âm dương, biến hóa muôn vàn, tiến thoái qua hai chiều âm dương rồi dần dà trở lại trung cung Thái cực.

Trung Dung đề cao tâm điểm bất biến của vòng Dịch, tượng trưng cho Trời, là căn bản huyền diệu của hoàn võ [2] và là cùng đích chí thành, chí thiện cho muôn loài muôn vật vươn lên.[3]

Dịch kinh chỉ vẽ phương pháp biến thiên, tiến thoái theo đúng định luật âm dương tiêu trưởng, theo đúng tiết tấu trăng sao, nhịp điệu bốn mùa; Trung Dung nêu lên căn bản hoàn thiện và mục đích tối hậu, định mệnh cao sang con người.

Trung Dung là một cuốn sách cao siêu trong Khổng giáo, tương tự như Bhagavad Gita trong Bà La Môn giáo.

Ông Tử Tư, tác giả cuốn sách, với mục đích chọn người xứng đáng để trao truyền tâm pháp, chỉ muốn đàm thoại với những tâm hồn cao thượng đã quen thuộc với văn chương triết lý, với những tâm hồn đã được trau chuốt bằng nghệ thuật, văn chương, với những tâm hồn đã biết hướng thượng, biết khao khát những điều cao siêu, đẹp đẽ.

Cho nên lời văn rất hàm súc, ẩn ước. Mới đầu chính xác, tinh mật, sau dần dần trở nên uy nghi, trang trọng, cuối cùng tan biến vào sự tĩnh lãng toàn thiện của Trời.

Ý tưởng thì cao siêu, ẩn áo. Vì thế sách thay đổi vẻ mặt tùy theo người đọc.

Có người thấy nó sáng suốt, có người thấy nó tối tăm; có người cho Trung Dung là cao siêu, có người cho Trung Dung là vớ vẩn.

Người tầm thường cho đó là một chủ trương trung lập lừng chừng, các bậc chính nhân quân tử thì lại coi đó là một quyển sách dạy vẽ con đường hoàn thiện.

Sách bắt đầu bằng chữ Mệnh Trời, kết thúc bằng chữ đức độ Trời không tiếng, không hơi, tuyệt vời hoàn hảo.

Như vậy sách cho ta khởi điểm và cùng điểm của con đường Trời, của vòng càn khôn gặp nhau trong sự hoàn thiện, sau khi biến chuyển qua bao nhiêu thăng trầm, bao nhiêu cung điệu, bao nhiêu sắc thái của bốn mùa đời, của lịch sử nhân loại, lúc thì vùng vẫy, đấu tranh, hoạt động, lúc thì khinh khoát, lập chí, tu thân, đúng theo lẽ «Âm Dương tiêu trưởng» của Trời đất.

Ta hãy đọc lại mấy câu đầu sách Trung Dung:

«Bản tính cũng chính là thiên mệnh,

Đạo là noi theo tính bản nhiên,

Giáo là cách giữ đạo nên,

Đạo là sau trước vẫn liền với ta.

Rời ta được đâu là đạo nữa,

Thế cho nên quân tử giữ gìn,

E dè cái mắt không nhìn,

Tai nghe không nổi, cho nên hãi hùng

Càng ẩn áo lại càng hiện rõ.

Càng siêu vi càng tỏ sáng nhiều.

Nên dù chiếc bóng tịch liêu,

Đã là quân tử chẳng xiêu lòng vàng [4]

 Những lời lẽ đó thật cao siêu và ngạt ngào hương đạo đức.

Trung Dung bắc nhịp cầu nối kết Trời người bằng mấy chữ: «Tính người là mệnh Trời

Bản tính con người vì là thiên lý, thiên mệnh nên thuần túy chí thiện, như một giòng suối trong veo, vừa tung lên khỏi nguồn Trời, để rồi sẽ tung hỏa ra muôn muôn, ngàn ngàn mạch nước trường sinh, muôn muôn, ngàn ngàn khuôn thiêng thánh thiện, để rồi sẽ rót vào đáy thẳm, lòng sâu con người những âm thanh thầm kín, dạy vẽ cho con người biết thế nào là văn chương, nghệ thuật, thế nào là diệu pháp trường sinh, bất tử.

Tác giả Trung Dung muốn ta đi ngược dòng đời để trở về nguồn mạch chí thiện ấy, khuyên ta cố gắng học hành để tìm cho ra nguồn mạch chí thiện ấy.

Tử Tư còn chỉ vẽ cho chúng ta biết: «Đạo Trời giây phút chẳng rời khỏi ta.»

Thoạt mới nghe, ta tưởng là câu nói viển vông, vô lý. Nhưng suy cho cùng, thì đạo Trời làm sao rời khỏi ta được?

Hiểu theo nghĩa tuyệt đối, siêu thời gian, thì đạo là Thái cực bất biến, ẩn áo nơi trung điểm tâm hồn con người. Nếu đem diễn tiến theo đà thời gian, thì đạo là đường đời gồm hai thời kỳ âm dương, tối sáng, và tận cùng trong trung điểm vô tận, vô biên.

Hệ Từ viết: «Nhất âm nhất dương chi vị đạo, Kế chi giả thiện dã, thành chi giả tính dã.» 一 陰 一 陽 之 謂 道,繼 之 者 善 也.誠 之 者 性 也.

Đường Trời có chiều âm, chiều dương, bước vào đã hay; đi tới cùng, sẽ thực hiện được «tính bản nhiên» mình.

Nếu ta coi trung tâm điểm lòng ta là Thái cực, là ảnh tượng Trời, là tinh thần, là ánh sáng Trời, thì chiều âm đoạn đường đi vào trong bóng tối vật chất sẽ là một sự tiến dần ra ngoài biên khu xác thân, gia đình, xã hội.

Trong giai đoạn này ta cố tiến ra hoàn cảnh, phóng ngoại để mưu sinh, đem tâm thần phục vụ gia đình, giang sơn, xã hội. Giai đoạn này sẽ giúp ta làm nảy nở thân xác, trí não, tính tình. Đó là thời kỳ ta rong ruổi trên đường trần hoàn để tìm sinh thú vật chất.

Thời kỳ này tương ứng với tuổi ấu thời và tuổi thanh niên. Lúc ấy, bao tinh hoa đều phát tiết ra ngoài, y như cây cỏ hai mùa xuân, hạ đâm chồi, nẩy lộc, sinh lá, sinh hoa, muôn hồng, nghìn tía đua tươi, y như những bầy chim vô tư lự một sớm rời tổ ấm, tung đôi cánh vô định về những phương Trời xa lạ.

Nhưng rồi ra bóng tối nhường bước dần cho ánh sáng. Mùa thu của cuộc đời trở về với mái tóc hoa râm, và chúng ta cũng dần dà bước vào giai đoạn thứ hai của cuộc đời, vào chiều dương, vào đoạn đường tở về ánh sáng tinh thần bằng cách thay đổi dần quan điểm, sở thích, chí hướng.

Thời kỳ này, bắt đầu khi con người bốn, năm mươi, «khi bóng dâu đã xế ngang đầu».

Lúc ấy, là lúc cần phải thu thập tinh hoa, phục hồi nhân cách, y như cỏ cây, sau mùa khai hoa kết quả, khi thu, đông tới, sẽ thu hồi dần sinh khí vào trong để sửa soạn một cuộc phục sinh, y như những cánh chim xạc xào tìm về tổ ấm khi hoàng hôn xế bóng.

Thời kỳ này là thời kỳ hồi tâm phản tỉnh, trở về với chính mình để tìm cho ra mình, thời kỳ suy tư, tu tâm, luyện chí, phục hồi lại tâm hồn nhân cách mà tuổi trẻ đã làm cho phá tán, lạc lõng.

Nhờ có những kinh nghiệm quý báu về cuộc đời, nhờ luân lý, nghệ thuật, học vấn, nhờ sự suy tư, tu luyện, tâm hồn dần dần trở nên hoàn thiện, phục hồi lại được quang huy Trời.

Trong thời kỳ này, con người dần dần sẽ tháo gỡ được những dây nhợ đã trói buộc mình vào hoàn cảnh, vào những công chuyện phù du, tạm bợ, để cố gắng thần thánh hóa bản thân.

Một cuộc đời như vậy sẽ là một sự biến chuyển không ngừng để tìm về chân, thiện, mỹ, một cuộc đời tìm tường sinh vĩnh cửu, qua những cảnh phù du hư ảo.

Thời kỳ đầu là thời kỳ nhân tâm phát triển, thời kỳ sau là thời kỳ đạo tâm hiển dương, như đêm có vừng nguyệt, ngày có vừng dương, kế tiếp nhau theo đúng thiên ý, thiên mệnh.

Đó là phác họa lại hai thời kỳ của vòng Dịch tiên thiên. Thời kỳ đầu băng qua 32 quẻ âm từ Cấu đến Khôn, thời kỳ sau băng qua 32 quẻ dương từ Phục đến Càn. Mà Càn là thuần dương, biểu hiện sự hoàn thiện.

HÌNH 18: Đồ biểu tâm tính tương giao và Âm Dương thuận nghịch.

Hoàn thiện được mình, thực hiện được tính bản nhiên thuần túy, chí thiện, là trở lại được trung tâm điểm của vũ trụ, tiến lên tới Thái cực, là kết hợp với Trời (phối Thiên) là hòa tấu khúc nhạc Trời muôn thuở (Hòa). Lúc ấy sẽ «thung dung trung đạo» cùng đất Trời trường sinh bất tử.

Đề tài này cũng đã được đề cập một cách khác trong sách Đại Học. Đại Học chủ trương muốn tìm ra căn bản, tìm ra tính cách con người, thì phải biết tĩnh trí, biết cố gắng suy tư, biết triền miên nghiên cứu mới mong thành công được. Khi đã tìm ra được tính cách con người, sẽ có thể «chính tâm, thành ý» để đi đến chỗ toàn thiện, toàn mỹ.

 

«Đại Học có mục phiêu rõ rệt,

Đuốc lương tâm cương quyết phát huy,

Dạy dân lối sống tân kỳ,

Chưa nơi hoàn thiện còn đi chưa ngừng.

Có mục phiêu rồi lòng mới định,

Lòng định rồi nhẹ gánh lo toan.

Hết lo lòng sẽ bình an,

Bình an, tâm trí rộng đàng xét suy

Xét suy rộng, tinh vi thấu trọn,

Thấu sự đời ngành ngọn đầu đuôi,

Trước sau đã rõ khúc nhôi,

Tức là gần đạo, gần Trời còn chi

Muốn đức sáng truyền đi thiên hạ,

Người xưa lo cải hóa dân mình,

Trị dân, trước trị gia đình

Gia đình muốn trị, sửa mình trước tiên

Muốn sửa mình, tâm nên sửa trước,

Sửa tâm hồn trước cốt ý ngay.

Ý ngay phải học cho dày,

Học cho thấu triệt, mới hay «khuôn Trời» [5]

Hay «khuôn Trời», thoắt thôi thấu triệt,

Thấu triệt rồi, ý thiệt lòng ngay,

Lòng ngay, ta sẽ hóa hay,

Ta hay, gia đạo mỗi ngày một yên;

Nhà đã yên, nước liền thịnh trị,

Nước trị bình, bốn bể bình an.

Từ vua cho tới dân gian,

Tu thân một mực, lấy làm căn...» [6]

 Các hiền nhân, quân tử trong đạo Nho đã cố gắng bước theo «thiên đạo» trang nghiêm này. Mới đầu các ngài cố gắng học hỏi, suy tư cho tận tường, thấu đáo để tìm ra nguyên uỷ con người, tiếp đến các ngài ra công trau dồi đức độ, lúc nào cũng kính cẩn như thể có Trời ẩn áo giáng lâm, lấy sự hoàn thiện, lấy sự phối Thiên làm cùng đích đời mình: Tiền tài không mua chuộc được khí phách, gian lao không làm nao núng được tâm hồn. Cao siêu thay! quý trọng thay!

Trung Dung đã dài dòng mô tả những ân sủng Trời dành để cho các bậc thánh hiền. Lời lẽ Trung Dung phảng phất như lời lẽ Cựu Ước.[7]

Sự tương đồng, tương tự ấy thực là lạ, vì thời xưa các tư tưởng rất khó truyền bá: phương nào, phương ấy sống riêng tư, bí ẩn, cách biệt nhau bằng bao nhiêu tầng hào lũy, núi non, sông biển và từ ngữ.

Đọc Trung Dung, khảo sát lại tư tưởng thánh hiền qua Tứ Thư, Ngũ Kinh, ta phải sửng sốt lạ lùng vì lòng tin tưởng, vì sự thánh thiện các ngài, y như có quang huy Trời chiếu diệu qua đời sống, qua sách vở các ngài. Luận điệu Trung Dung cũng y thức như luận điệu thánh hiền mọi nơi, mọi đời.

Còn gì đẹp đẽ hơn là một chủ trương lấy Trời làm căn nguyên và cùng đích cho đời người, coi đời người như một khúc nhạc tuyệt vời khởi thủy và tận cùng đều bằng một âm điệu chân thiện mỹ, sau khi đã hòa tấu với muôn âm thanh của nhân quần, vũ trụ. Còn gì đẹp đẽ hơn là thôi thúc con người hăng hái tiến bước trên con đường hoàn thiện để cuối cùng đi đến chỗ tuyệt đỉnh công phu, Trời người gặp gỡ.

Phối hợp Trung Dung và Dịch kinh ta xác định lại bước đường tiến hóa nhân loại như sau:

1. Trước tiên là giai đoạn «phóng thể» («phóng tâm» theo Mạnh Tử) tức là âm đạo, lấy ngoại cảnh vật chất làm mục phiêu chính.[8]

2. Tiếp theo là giai đoạn «hồi thể» (hồi tâm), lấy nội cảnh tinh thần làm mục phiêu chính.[9] Đó là dương đạo.

3. Cuối cùng là giai đoạn «bản thể», «toàn thể»[10] tức là trung đạo, thung dung, thanh thả, vô tận, vô biên.

Dịch và Trung Dung đều mong muốn chỉ vẽ cho con người lối dường hoàn thiện, và đều có cùng đích là sự «chí thành, chí thiện» của con người.

HÌNH 19: TRUNG HÒA ĐỒ

Đồ bản này biểu thị ba giai đoạn tiến hóa: 

1 Âm đạo để cải thiện vật chất,

2 Dương đạo để cải thiện tinh thần,

3 Trung đạo = Sự hoàn thiện.

(Trong hình Thái Cực, nửa trắng là Trung Đạo, nửa đen là Hoàn Thiện.)


CHÚ THÍCH

[1] Từ chương 9 đến hết chương 16 tác giả sẽ quảng diễn hai chữ Trung và chữ Dịch, quảng diễn hai lẽ biến hằng của Trời đất. Có độc giả sẽ hỏi tại sao khảo cứu Trung Dung tự nhiên lại bàn ngang sang Dịch. Xin thưa: nếu không nghiên cứu các biến thiên thì làm sao hiểu được lẽ hằng cửu, không biết hai chiều âm dương biến hóa của Dịch thì làm sao biết được Trung điểm, Trung cung. Có độc giả sẽ lại vấn nạn rằng những ý tứ sau của tác giả đâu có thấy phô diễn rõ ràng mạch lạc trong Trung Dung và Dịch? Thưa: Tuy cổ nhân không nói lên lời, nhưng các hình vẽ đã mô tả ra đủ. Vả nếu mọi sự đã nói rõ, nói sẵn cả, thì chắc chắn tác giả đã không viết bộ sách này. Có độc giả sẽ vấn nạn rằng sao tác giả không ở trong khuôn khổ Nho giáo mà bàn luận, lại phải viện dẫn hết sách này sách nọ, như vậy những ý tưởng ấy đâu phải của Nho giáo của Trung Dung, và Dịch kinh. Xin thưa, nếu nhìn cái bác tạp bên ngoài, thì Đông Tây có khác, nhưng càng đi sâu vào tầng trong của tâm hồn càng tiến tới tinh hoa nhân loại thì càng thấy không còn Đông Tây, kim cổ. Cho nên, độc giả chắc cũng công nhận rằng chung quy chỉ có một đề tài là con người, nên càng viện dẫn nhiều sách vở, lại càng giúp độc giả hiểu vi ý Trung Dung, hiểu rõ vi ý cuộc đời. Đó chính là hoài bão của tác giả, mong chư vị tao nhân mặc khách thông cảm cho.

[2] Trung dã giả thiên hạ chi đại bản dã. 中 也 者 天 下 之 大 本 也.

[3] Hòa dã giả thiên hạ chi đạt đạo dã. 和 也 者 天 下 之 達 道 也 (Trung Dung, ch.1)

[4] Trung Dung, ch.1.

[5] Trung tức chí lý hà thường bất kiêm chí nghĩa. Đại học văn ngôn giai ngôn tri chí. Sở vị chí giả tức thử lý dã. Ngữ độc Dịch giả viết năng tri Thái cực tức thị tri chí; ngữ độc hồng phạm giả viết năng tri Hoàng cực tức thị tri chí. Phù khởi bất khả. Cái đồng chỉ thử lý tắc viết cực, viết trung, viết chí kỳ thực nhất dã... 中 即 至 理 何 嘗 不 兼 至 義. 大 學 文 言 皆 言 知 至. 所 謂 至 者 即 此 理 也. 語 讀 易 者 曰 能 知 太 極 即 是 知 至; 語 讀 洪 範 者 曰 能 知 皇 極 即 是 知 至. 夫 豈 不 可. 蓋 同 此 理 則 曰 極, 曰 中, 曰 至 其 實 一 也 (Tống Nguyên học án, q.12, tr.6: Liêm Khê học án)

[6] Đại Học, ch.1.

[7] Xin đọc các mục danh ngôn đối chiếu trong quyển II.

[8] Alinéation.

[9] Récupération.

[10] l'Etre, réalisation de l'Etre, de Dieu.

» Mục lục » Chương: 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13  14  15  16