TRUNG DUNG TÂN KHẢO

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

QUYỂN I: TRUNG DUNG KHẢO LUẬN

» Mục lục » Chương: 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13  14  15  16


Chương 10

BẢN THỂ VÀ HIỆN TƯỢNG LUẬN THEO TRUNG DUNG VÀ DỊCH LÝ

 

T heo Trung Dung và Dịch lý, chúng ta có thể minh xác tương quan giữa Trời và vạn vật, giữa Bản thể (noumène, substance) và hiện tượng (phenomènes, accidents).

BẢN THỂ LUẬN

Bất thiên chi vị Trung,

Bất dịch chi vị Dung

(Trung Dung)

Khảo sát các đồ bản Dịch, ta thấy Trung cung, Trung điểm tượng trưng cho bản thể (être), còn hào quái bên ngoài tượng trưng cho hiện tượng (phenomène).

Đạo, hay Bản thể, hay Trung điểm, hay thái cực, thần bí ẩn vi, nan trắc, khó hình dung, khó mô tả, nên phải mượn các hào quái để gợi vẽ ra.

Ẩn Quân Quách đời Tống đã cho rằng hào quái chỉ là tượng trưng bên ngoài cho Đạo, cho bản thể, nên cần phải biết đi từ hào quái trở về Trung cung, để nhận ra Bản thể, Đạo thể vô hình tích.[1]

Bản thể vô hình tích, nên dùng lời lẽ nào mô tả, cũng thấy bất xứng, vì thế mỗi triết gia, mỗi hiền thánh lại bày thêm ra một từ ngữ: nào Vô, nào Hữu, nào Vô cực, Thái cực, Hoàng cực, nào Thiên, nào Đế, nào Thần, nào Đạo, nào Lý, nào Trung... Thậm chí còn gọi là hư vô, Tịch diệt, vì bản thể vượt trên hình thức sắc tướng... Chung quy vẫn một phương pháp, một lối đường là dùng từ ngữ để cố hình dung Bản thể...

Bản thể tuy lồng trong vạn vật để làm căn cốt, làm nguồn sinh, làm động cơ vận dụng vạn hữu, nhưng vạn hữu đâu phải là Trời, là Bản thể... Vạn hữu chẳng qua như hào quái bên ngoài ôm ấp Bản thể hay trung điểm ở bên trong.

Vì Bản thể phát huy ra toàn thể hiện tượng, toàn thể từ ngữ, nên không thể dùng hình ảnh này, hình ảnh kia để phác họa được Bản thể, không thể dùng chữ này, chữ kia, tên này tên nọ mà gán ghép cho Bản thể.

Bản thể không thể giới hạn vào từ ngữ, vào hình ảnh; Bản thể là vô hạn định, vì thế Bản thể vừa là toàn bộ vừa là chân không (Tout et Rien).[2]

Cho nên, nhiều triết gia đã dùng những danh từ tương phản nhau để mô tả bản thể, hay Đạo[3] hay Hóa công.

Mượn ý tứ của Hoài Nam Tử, ta có thể mô tả Hóa công hay Bản thể đại khái bằng những luận điệu tương phản như sau:

«Hóa công chở đất che Trời,

Mênh mông bốn hướng, chơi vơi tám tầng

Cao, cao vô tận vô ngần,

Thẳm sâu , sâu mấy muôn tầm, đo sao !

Trùm Trời, mà đất cũng bao,

Vô hình, vô tượng, dễ nào hình dung.

Nguồn tung, suối tỏa tưng bừng,

Ngỡ là sắp cạn, bỗng dưng đầy tràn.

Ào ào, cuồn cuộn, vang vang,

Ngỡ là vẫn đục, vẫn hoàn trong veo.

Trồng lên đất ngợp Trời teo,

Tung ra , bốn biển có chiều mung lung.

Ra tay linh diệu khôn cùng,

Quang âm khôn cản dặm chừng vân du,

Khi tung, Trời đất chưa vừa,

Khi thu, nhỏ xíu lọt thừa nắm tay,

Tuy co, mà dãn như mây,

Tuy mờ, mà sáng như ngày nắng chang.

Tơ non mà rất cương cường,

Mềm nhung mà dắn in tuồng thép gang.

Tràn bốn hướng, cưu mang nhật nguyệt,

Ngất Trời mây, soi hết trăng sao.

Mịn màng, thắm thiết biết bao,

Tế vi tiêm tất tả sao cho cùng,

Núi nhờ thế mà tung cao vút

Vực dựa uy, sâu ngút mịt mùng.

Ngài cho thú chạy trong rừng,

Cho chim tung cánh chín tầng mây xanh

Ngài tô ánh quang minh nhật nguyệt,

Ngài rong cương ruổi hết tinh huy.

Kỳ lân đùa rỡn cũng vì,

Phượng loan, bay bổng, quyền uy không ngoài

Đời thái cổ, có hai Hoàng đế,

Nhờ ơn Ngài chỉ vẽ trước sau,

Mới nên nhân đức nhiệm màu,

Thần thông hóa dục, dẫn đầu muôn phương.

Quyền uy Ngài khôn lường khôn tả,

Rung chuyển Trời, lắng cả đất đai,

Quay cho Trời đất vần xoay,

Xô cho nước chảy đêm ngày chẳng thôi.

Thủy chung để sánh đôi muôn vật,

Thổi gió giông, ủ ấp ngàn mây.

Việc gì cũng có dúng tay,

Ầm ầm sấm động, mưa bay tỏa quyền...»  [4]

 Cổ nhân còn hình dung Bản thể bằng vòng Thái cực gồm 2 mặt âm dương, điên đảo tung hoành trong tĩnh lãng, ôm ấp nhau thành một khối hồn nhiên duy nhất.

Ngoài ra Bản thể còn được tượng trưng bằng con số 5  [5] vì 5 là con số phối hợp âm dương,

1 + 4 = 5

2 + 3 = 5

12 + 22 = 5 (1x1) + (2x2) = 5

32 + 42 = 52 (3x3) + (4x4) = (5x5)

Vì số 5 ở ngôi vị chính trung giữa 1 và 9. [6]

Không phải nguyên Trung Hoa mới tượng trưng Bản thể bằng số năm, mà các triết gia Hi La, Ấn Độ cũng đã từng làm như vậy. [7]

Về từ ngữ, thì cổ nhân dùng chữ Trung, chữ Nhất, chữ Dịch, chữ Đơn để chỉ Bản thể:

 Trung vì ở chính trung tâm điểm phát sinh vạn vật, và là cùng đích vạn vật hướng về.

 Chữ Nhất vì chỉ có một Bản thể duy nhất mà ứng dụng thì muôn vàn. (Thể duy nhất dụng vạn thù). Chữ Dịch vì bao quát cả âm dương, cả 2 lẽ biến hằng. [8] Chữ Đơn vì Đơn cũng chính là âm dương hợp nhất. [9]

Ta có thể dùng trung điểm và các vòng tròn đồng tâm để vẽ ra mối liên hệ giữa Bản thể và hiện tượng cũng như để gợi ra Bản thể vừa là cực điểm vừa là trung điểm của vạn vật, vừa thật cao và vừa thật sâu.

 

THÁI CỰC, (TRUNG)

1. TÍNH

2. KHÍ

3. TÂM

4. TRÍ

5. XÁC

6. Xã hội - Gia đình

7. Hoàn cảnh vật chất

 

1. ĐẠO

2. ĐỨC

3. NHÂN

4. NGHĨA

5. LỄ

6. CHÍNH TRỊ

7. BÁCH NGHỆ

7. BÁCH NGHỆ

6. CHÍNH TRỊ

5. LỄ NGHI

4. GIÁO LÝ

3. LUÂN LÝ

2. NGHỆ THUẬT

1. TÍNH

7. Hoàn cảnh vật chất

6. GIA ĐÌNH

5. XÁC

4. TRÍ

3. VỌNG TÂM

2. VÔ MINH

1. CHÂN TÂM

(căn bản, căn nguyên, hoàn thiện)

(Đạo,Thần, Hư vô, Niết bàn, Vô hà hữu chi hương)

Các đồ bản chứng minh:

1. Trung = Cực = Căn bản = Tính = Đạo

2. Các tầng lớp con người với những hiện tượng tương ứng.

Tóm lại, các hình bóng, các từ ngữ bên ngoài, chẳng qua là những phương tiện giúp cho thần trí trực giác, lĩnh hội Bản thể tối cao; một khi tâm thần đã trực giác được Bản thể, được tuyệt đối, thì hình ảnh và từ ngữ trở thành vô dụng. Thần khí một khi đã thấu triệt Bản thể, đã trở về được với Bản thể, là đã vượt qua lãnh vực từ ngữ và hình sắc chẳng còn cố chấp nữa. [10]

Chữ nghĩa, hình dung là cốt dùng cho đại chúng. Còn những người đã được diễm phúc vượt khỏi lĩnh vực tương quan, đối đãi, những người đã hòa mình được với Tuyệt đối, sẽ lãng quên những bóng hình những từ ngữ, để cho thần trí thảnh thơi sảng khoái mặc tình phiếm du trong ánh vinh quang chân thiện mỹ ...  [11]

HIỆN TƯỢNG LUẬN

Dịch giả biến dịch dã. (Thập tam kinh, Chu Dịch, tr.1)

Dịch dã tượng dã. (Hệ Từ hạ)

Dịch dã dụng da. (Tống Nguyên học án, q.82, tr. 3)

 Trung Dung và Kinh Dịch muốn vẽ lại trong muôn một hình bóng hình của tuyệt đối. Cũng như Thái cực ở trung cung, tung tỏa, phát sinh các hào quái biến thiên thành vòng Dịch bên ngoài. Bản thể Thái cực trong vũ trụ cũng phát sinh muôn vàn hiện tượng thiên văn địa lý, nhân sự.[12]

«Anh hoa chính khí đất Trời,

Khoác hình vật chất khắp nơi vẫy vùng.

Tràn mặt đất tưôn sông kết núi,

Vút Trời mây chói lói trăng sao.

Trần ai lẫn bóng anh hào,

Muôn ngàn khí phách rạt rào tầng xanh.»  [13]

Hiện tượng, tuy do một bản thể phát sinh, nhưng thực ra có muôn hình sắc, di động biến thiên, ảo hóa khôn luờng có một cuộc đời dài vắn tùy nghi, theo công dụng. [14]

Hiện tượng như những làn sóng rào rạt, tràn lan khắp vũ trụ. Bất cứ cái gì biến thiên cũng đều là hiện tượng. Cho nên từ ý tưởng, tình tứ, từ ngữ, vận động, hình sắc cho tới những biến thiên trong xã hội nhân quần, những vinh, khô, đại, tạ trong thảo mộc, những đấu tranh, sinh tồn giữa cầm thú, những tổ chức xã hội hay đạo giáo đều là hiện tượng cả.

Hiện tượng như làn sóng quang âm, hay như ngọn ba đào, có sinh có trưởng, có thăng, có trầm, không vĩnh cửu.

Hiểu số phận phù du của hiện tượng là hiểu được số phận vũ trụ, và các trạng thái xã hội khác.

Dầu một chủ nghĩa lan tràn và được suy tôn đến đâu, dầu một quốc gia hùng cường đến mức nào, rồi ra cũng theo số phận chung của hiện tượng là suy vong tàn tạ. Nhưng vị mọi sự biến thiên có nhanh có chậm, có chóng có lâu, nên bèo này mới chê bọt nọ là phù du chất chưởng, nào hay nghìn vạn năm cũng ví như một chớp mắt trên tấm phông vĩnh cửu.

Nhưng dưới những cảnh phù du biến ảo còn có Bản thể bất biến, còn có tinh thần bất biến.

«Từ biến chuyển nhìn ra Trời đất,

Thì đất Trời chớp mắt đã qua.

Từ trong vĩnh cửu nhìn ra,

Muôn loài muôn vật như ta vô cùng.»  [15]

 Thấu lẽ huyền vi của đất Trời, các hiền thánh cố công dạy đời tìm ra Bản thể bất diệt, [16] tinh thần bất diệt lồng trong mọi biến thiên, dạy người lấy tâm địa vun trồng cây «Tính mệnh», đem phù du biến ảo tài bồi «Thiên địa chi tâm».

Nhưng người đời thường thiển cận, thay vì ôm ấp tinh thần bất diệt ấy, lại chạy theo xu phụng các hiện tượng bên ngoài, thù hằn chém giết nhau vì tư tưởng này, tư tưởng nọ, hình thức này hay hình thức kia, như thế khác nào thả mồi bắt bóng; khi bừng tỉnh lại, mới thấy mình tay trắng, trắng tay. [17]

Than ôi! Biết bao người đem tâm thần xu phụng hình hài và ngoại cảnh, để cho các hiện tượng bên ngoài mặc tình đẩy đưa, sai khiến.

Đời sống của họ dồn cả ra bên ngoài, đổi tâm thần lấy công danh, ngựa xe, áo sống. Thực đáng thương thay. [18]

 Hiền thánh xưa, trái lại, phân biệt rõ phương diện phù du, và vĩnh cửu của cuộc đời, nên khi «công thành thì thân thoái»:

«Muốn được ấn phong hầu quí báu,

Cho bõ công bôn tẩu nhân gian.

Như khi công đã thành toàn,

Ta nên tìm chốn an nhàn tránh xa.

Nghêu ngao vui thú yên hà,

Áo bào cổi lại đó là trí trai.»  [19]

Nhưng rũ bỏ phù hoa, không phải là để nghêu ngao vui thú yên hà, mà chính là để tìm cầu chân lý, đạo lý, trở thành chân nhân, biết đường «quy nguyên phản bản».

«Chân chân sự đã rành rành,

Người trần chẳng biết thần linh xét cùng.

Dốc niềm phản bản, qui tông.

Nguyên tinh giữ chắc tấm lòng hẳn hoi.»  [20]

 Khi đắc đạo, con người sẽ sống một cuộc đời thảnh thơi, thảng đảng, linh diệu, huyền thông. 

«Chàng kia có đạo thần linh,

Đi đâu cũng giắt trong mình đem đi.

Gặp người, thuyết pháp ra uy,

Để yên xem cũng nhiều bề hiển linh  [21]

 Các hiện tượng như vậy có lớp lang tiết tấu và có ảnh hưởng lẫn nhau. Những hiện tượng tâm linh có thể biến dần thành những hiện tượng sinh lý, xã hội, vậy chất, hay ngược lại, những hiện tượng vậy chất có thể sinh ra những hiện tượng xã hội sinh lý, tâm lý hay siêu nhiên. Nhìn rộng ra, thì những hiện tượng ấy, thường xuyên diễn tiến trong hoàn võ và trong con người, kế tiếp nhau thành một vòng tuần hoàn vô tận của Trời đất.

Phân tách vũ trụ, phân tách con người thành nhiều tầng lớp, thành nhiều loại hiện tượng với những công dụng và những giá trị khác nhau, ta có thể mở rộng quan niệm ta về con người.

Thiết tưởng không thể quan niệm một cách hẹp hòi rằng con người chỉ nguyện có hồn, có xác, mà phải quan niệm con người có đủ Trời đất người trong mình. Phía trong thì liên kết với Thượng đế với thần linh, phía ngoài thì ràng buộc, chi phối bởi xác thân, gia đình, quốc gia, xã hội, hoàn cảnh, không gian và thời gian. Mọi biến cố bên trong hay bên ngoài con người đều có ảnh hưởng đến con người. Như vậy con người là Tất cả.

Dựa vào Nho giáo và các học thuyết Đông Tây ta có thể vẽ lại con người với các tầng lớp như sau:

Người = 

Tính (Logos)

Khí (Esprit)

Tâm (Psyché)

Trí (Mental)

Xác (Corps)

Gia đình, xã hội (Famille, Société)

Hoàn cảnh vật chất (Milieu physique)

Mỗi tầng lớp con người, mỗi một loại hiện tượng đều có thể thu hút cả đời sống con người; và tùy theo hoạt động ở bình diện nào, con người sẽ có một bộ mặt khác, một vai trò khác, một lề lối sống khác, một tầm mắt khác.

Cho nên ta đừng tưởng con người đều sống chung trong một thế giới, mà thực ra phải quan niệm họ sống trong nhiều thế giới khác nhau, có những tâm tư khác khác nhau, sở thích khác nhau, hoạt động khác nhau, tùy như họ đang sống trên bình diện nào, đang trút cả tâm thần ý chí vào loại hiện tượng nào.

Cũng vì thế, mà mỗi đạo giáo đều có nhiều phương diện để thích ứng với mọi hạng người.

Đối với phàm phu tục tử, thì bày ra lễ nghi, chuông trống đàn sáo, hương hoa bên ngoài; cho hạng sĩ tử, thì trưng ra một số lý thuyết, một số giáo lý, xếp đặt sao cho thành một hệ thống mạch lạc; cho hạng người muốn tu tâm, thì đưa ra một nền luân lý hay những nếp sống khổ hạnh tu trì. Nhiệm vụ của các giáo hội đến đây là chấm dứt...

Tiến sâu hơn nữa, tiến cao hơn nữa là thuộc phạm vi mỗi cá nhân. Con người còn có thể biến đời sống mình thành bài thơ, thành khúc nhạc, thành một nghệ phẩm (Esthétique, grâce). Đi tới bình diện này, con người đã tách dần khỏi đại chúng.

Nhưng con người còn có thể tiến hơn được nữa, tiến được đến tuyệt đỉnh, tuyệt đích, tiến tới hoàn thiện, tiến tới chỗ kết hợp với Trời, [22] tìm ra thanh bình trong hỗn loạn, tìm được vĩnh cửu giữa mọi biến thiên, tìm được sự hiệp hòa trong chia rẽ. Người xưa gọi thế là chân nhân, chí nhân, vì đã đạt được mục đích của đời sống, đạt được lý tưởng của con người.

Ta có thể mượn tạm lời Trang Tử trong chương Ưng Đế Vương của Nam Hoa Kinh mà mô tả những bậc chân nhân, chí nhân ấy như sau: 

«Chân nhân rũ bỏ phù hoa, [23]

Vui trong Đạo cả cao xa tuyệt vời. [24]

Sống trong vị thủy chơi vơi, [25]

Cưỡi chim khinh khoát, bay ngoài lục hư. [26]

Làng Vô hà hữu ngao du,

Sống trong «vô hữu» lặng tờ tịch liêu, [27]

Vô vi như thể Trời cao,

Vô vi trác tuyệt nói sao cho cùng.

Bao trùm vô tận thinh không,

Mịt mù tông tích ai lùng cho ra. [28] 

Tâm hồn gương sáng, sáng lòa,

Chiếu soi muôn vật đâu là riêng tây. [29]

Các ngài như Quảng Thành Tử tuy còn ở trần gian, mà vẫn sống trên thượng giới:

«Kìa xem vạn vật vân vi,

Rồi ra tro bụi trở về bụi tro.

Thôi ở lại, ta vô cùng cực,

Cửa vô cùng ta sắp vô chơi.

Cánh đồng vô tận chơi vơi,

Ta cùng nhật nguyệt sáng ngời hào quang.

Cùng Trời đất miên man sống mãi,

Mặc cho đời phải trái cạnh tranh.

Mặc người tử tử, sinh sinh,

Ta nay muôn kiếp siêu linh, trường tồn.»  [30]

 Nhưng những hạng người sau đây, thường bị xã hội đương thời, những giáo hội đương thời phản đối hay hãm hại[31] một là vì tư tưởng các ngài quá siêu việt phóng khoáng, thoát ra mọi khuôn khổ chật hẹp thường dùng để giam giữ phàm nhân, hai là vì các ngài dùng những từ ngữ siêu phàm, xưng mình là Thiên tử, Thiên sứ. Ba là vì các ngài đưa ra đường lối ngược với thế nhân, dạy người tìm nước Trời, tìm Trời trong thâm tâm, như vậy là mặc nhiên phủ nhận giá trị những tổ chức hiện hữu bên ngoài, bốn là vì các ngài chủ trương con người có thể phối hợp hòa đồng với Thượng đế, đó là một điều chúng nhân cho là ngạo mạn, phạm thượng... hay ít ra cũng là điên cuồng , vu khoát...

Nhưng thực ra, các ngài không phủ nhận giá trị các tổ chức hiện hữu, mà chỉ muốn đem hoàn thiện tới cho nhân loại. Các ngài xây dựng cho thêm hoàn tất chứ không phá bỏ.

Mục đích các ngài là mở đường dẫn lối cho hiền nhân quân tử muôn thế hệ biết rõ các nấc thang giá trị, biết rõ đầu đuôi gốc ngọn của cuộc đời, để đỡ phải lần mò vất vả.

Nói cách khác, các vị sáng lập đạo, đều đã sống trong sự hòa đồng cùng Thượng đế, cố chỉ vẽ cho nhân loại diễm phúc tuyệt đối đó; nhưng, vì điều đó huyền vi ẩn áo, nên ít người thấu hiểu được. Vì thế, ta thấy liên tiếp nhau trong thời gian những nếp sống mới xuất hiện.

Hoặc là nghệ thuật (Esthétique, grâce).

Hoặc là tu trì nhặt nhiệm, luân lý, kỷ luật (Ascétisme, morale et réglements).

Hoặc là tôn sùng lý thuyết giáo lý (dogmatisme).

Hoặc là tôn sùng hình thức lễ nghi bên ngoài (formalisme).

 Càng tiến ra là càng xuống thấp, mà càng xuống thấp thì càng dễ phổ cập vào đại chúng. Nhưng khi đã phổ cập tới đại chúng thì tinh hoa đạo lý đã mất, mà chỉ còn phảng phất lại chút dư hương, chỉ còn le lói một chút sáng thừa của vừng dương đã bị mây mờ che lấp hết. Càng lạc lõng vào hiện tượng càng lạc mất Bản thể, càng say mê cái phù hoa giả dối, càng xa lìa thuần phác chân chính mà khi con người đã bị hoàn cảnh thôi miên, đã bị trào lưu lôi cuốn , thì sao còn sáng suốt mà nhận định, sao còn tự chủ mà tìm được đúng hướng đi?

Lão Tử viết:

«Hễ đạo [32] mất, nặng tình với đức, [33]

Đức không còn lục tục theo nhân. [34]

Hết nhân có nghĩa [35] theo chân,

Nghĩa không còn nữa thấy thuần lễ nghi. [36]

Nên Nghi lễ là chi khinh bạc,

Cũng là mầm loạn lạc chia ly.

Bề ngoài rực rỡ uy nghi,

Bề trong tăm tối, ngu si, ngỡ ngàng.

Nên quân tử chỉ ham đầy đặn,

Chứ không ưa hào nháng phong phanh.

Chỉ cần thực chất cho tinh,

Không cần bóng bẩy lung linh bên ngoài.

Bắc cân khinh trọng cho tài,

Biết đường ôm ấp, biết bài dễ duôi  [37]

 Đứng trên bình diện các hiện tượng và bình tâm mà xét, thì đạo giáo nào cũng có bấy nhiên tầng cấp, bấy nhiên phương diện, bấy nhiêu giai đoạn lịch sử. Từ hình thức lễ nghi, giáo lý [38] mà xét thì đạo nào cũng Hán Sở chia phôi, Đông Tây cách trở; từ tinh hoa thuần túy mà trông, thì thấy bốn bể đều vang lên một Nhã ca đồng nhất.

Cho nên, cái hay của con người không phải là ở chỗ theo đạo này hay đạo kia, [39] mà chính là ở chỗ biết biện phân cái chính cái tùy của mỗi đạo, để biết đường tiến lên, tiến mãi tới Thượng đế, cố gắng cho tâm thần mình ngày thêm rực rỡ đượm muôn ánh hào quang, sống phiêu diêu, khinh khoát giữa trần cấu cuộc đời, mở rộng tâm hồn để chứa đựng muôn phương, thâu tóm hết tinh hoa Trời đất, không gian và thời gian vào tấc dạ.

Dịch chủ trương: «Địa đạo» là đạo là vợ, là đạo bầy tôi.[40]

Nói cách khác, hoàn cảnh vậy chất bên ngoài chỉ cốt là để hỗ trợ phụ bật, duy trì tinh thần bên trong, chứ không thể làm chủ chốt được.

Cho nên, người xưa cho rằng đem tâm thần vĩnh viễn làm tôi tớ vật chất hình hài[41] là một lầm lỗi lớn. Đã đành, lúc còn trẻ, con người vì miếng cơm manh áo, giang sơn, xã hội, vì còn mê muội,[42] nên đem tâm thần phục vụ hoàn cảnh là điều bắt buộc; nhưng khi đã luống tuổi, mà vẫn còn lận đận bon chen mãi, thì thực là uổng phí cuộc đời.[43]

Trang Tử nói «đừng lấy người giết Trời» cũng không ngoài ý ấy. [44]

Suy ra, con người lý tưởng phải biết sử dụng, biết làm chủ các hiện tượng bên ngoài, chứ không chịu làm nô lệ ngoại cảnh, chịu các hiện tượng bên ngoài sai khiến.

«Quân tử bất khí.» 君 子 不 器 [45]

 Người quân tử lẽ nào là một khí cụ suông như cái xe, cái súng hay sao?

Nói tóm lại Dịch bàn đến hiện tượng, đến biến thiên, đến ứng dụng, Trung Dung bàn đến Tính mệnh, đến Bản thể. Con người mà không biến dịch, tiến hóa, thì là gỗ đá chứ chẳng phải người; con người tiến hóa mà chẳng có mục phiêu, sinh ra đời mà chẳng biết đầu đuôi gốc ngọn thì là mê, đâu phải tỉnh.

Dịch dọn đường cho Trung, thiên biến là đường đưa đến vĩnh cửu, hiện tượng là công cụ để tìm ra Bản thể. Có như vậy mới là biết lẽ u hiển, biết lẽ quân thần.[46]

Thế mới hay:

«Cái tạm bợ bao ngoài vĩnh cửu,

Áo thô sơ che dịu gấm hoa.

Rồi ra vàng ngọc chói lòa,

Trời người định vị, trung hòa vô biên

 


CHÚ THÍCH

[1] Quái dã, hoạch dã, tượng dã. Cái tự Đạo nhi nhất biến vi hoạch, nhân nhi thành tượng, hoạch tượng cụ nhi thành quái, sử vạn thế chi hạ, phục do quái dĩ tri tượng, do tượng dĩ tri hoạch, do hoạch dĩ minh đạo. Thử thánh nhân chi ý dã. 卦 也 畫 也 象 也. 蓋 自 道 而 一 變 為 畫, 因 而 成 象, 畫 象 具 而 成 卦 使 萬 世 之 下 復 由 卦 以 知 象 由 象 以 知 畫 由 畫 以 明 道. 此 聖 人 之 意 也 (Tống Nguyên học án, q.28, tr.5: Ẩn Quân Quách, Bạch Vân tiên sinh Ung)

[2] cf: Upanishads; Brih. 2.5.I9. Maitri 6.I7; Brih. 3.8,8; Katha 3.I5; Mund. I.I.6; katha 2.I3 I4; 6.8; Svet. 6.9; Svet. 6,II; Birh. 3.9.26; 4.2.4 Svet. 4.I9 20. Birh. 2.3.6.

[3] Đạo chi nhất tự, tức vũ trụ chi bản thể dã. 道 之 一 字 即 宇 宙 之 本 體 也 (Tử Đồng Tạ, Trung Hoa Triết học sử, q.II, tr.6)

[4] Phỏng dịch bài: «Nguyên đạo huấn» của Hoài Nam Tử (Vũ Tiên Lý, Chư tử văn túy, q.52, tr.1) (Đọc nguyên văn ở Phụ lục V cuối sách)

[5] Ngũ dã giả, Thái cực dã. 五 也 者 太 極 也 (Địa lý chính tông, tr.2)

[6] Án tam nhị chi hợp ngũ dã, nhất tứ chi hợp diệc ngũ dã, nhất nhất nhị nhị chi tích hựu ngũ dã, tam tam tứ tứ chi tích hựu ngũ chi tích dã, thử ngũ sở dĩ vi số chi hội nhị vị chi trung dư. 案 三 二 之 合 五 也, 一 四 之 合 亦 五 也, 一 一 二 二 之 積 又 五 也, 三 三 四 之 積 又 五 之 積 也, 此 五 所 為 數 之 會 而 位 之 中 與 (Dịch Kinh đại toàn, Chu tử đồ thuyết, tr.21)

...Oum = 5: Or Oum est une préclamation de toutce qui devient, un prototype du premier développement cosmogénésique un souffle de la vie originelle Le contenant de la vie à venir L’enveloppe de la scienci Le corps mystique de Brahm L’âme de tout avec et dans Bahm. (Jean Malfatti de Montereggio, La Mathèse, p.30 et ss)

[7] Plutaque: «Le nombre cinq embrasse d’abord tout, l’espèce de tout nombre, le nombre deux, premier nombre pair et le nombre trois, premier nombre impair, d’où on lui donne le nom de mariage, comme s’il résultait de l’union d’un homme et d’une femnme.

Anonymus: «On le dit cordial selon la ressemblance du cœur qui est placé au milieu chez tous les amimaux. Il est appelé aussi providence, justice parce qu’il rent égal ce qui était inégal. Le premier ton dans la musique est la quinte.

Macrobe: «Ce nombre désigne donc en même temps tout ce qui est supérieur et inférieur; en effet, il signifie ou bien le Dieu suprême ou l’esprit, né de Dieu dans lequel toutes les espèces sont contenues, ou l’âme du monde qui est la source de toutes les âmes, les choses célestes qui viennent jusqu’à nous, ou la nature terrestre; ainsi le nombre cinq est celui qui convient à tout. (La Mathèse, p.34)

[8] Bồ điền Trịnh thị viết: Dịch tòng nhật, tòng nguyệt, thiên hạ chi lý nhất cơ nhất ngẫu tận hĩ; thiên văn, địa lý, nhân sự, vật loại dĩ chí tính mệnh chi trưng biến hóa chi diệu, bĩ thái, tổn ích, cương nhu, đắc thất, xuất xử, ngữ mặc giai hữu đối địch, cố thiết nhất trường hoạch. Nhị đoản hoạch dĩ tổng quát chi, sở vị nhất âm nhất dương chi vị đạo giả thử dã. 莆 田 鄭 氏 曰 易 從 日 從 月, 天 下 之 理 一 奇 一 偶 盡 矣 天 文 地 理 人 事 物 類 以 至 性 命 之 徵 變 化 之 妙, 否 泰, 損 益, 剛 柔, 得 失, 出 處, 語 默 皆 有 對 敵, 故 易 設 一 長 畫. 二 短 畫 以 總 括 之, 所 謂 一 陰 一 陽 之 謂 道 者 此 也 (Dịch Kinh đại toàn; Chu dịch thượng kinh)

[9] Đơn tự nhật đầu nguyệt cước, trung gian nhất hoạch, hệ nhật nguyệt hợp nhất chi vị dã, kỳ nội nhất điểm, vi tinh khí hồn hợp, dĩ tượng nhất lạp kim đơn dã. 丹 字 日 頭 月 腳, 中 間 一 劃 係 日 月 合 一 之 謂 也, 其 內 一 點, 為 精 氣 渾 合, 以 像 一 粒 金 丹 也 (Tu chân bất tử phương 修 真 不 死 方, tr.26)

[10] Duy tâm duyên tướng, ly văn tự tướng, ly ngôn thuyết tướng. 惟 心 緣 相 離 文 字 相 離 言 說 相 (kinh Phật). Ngọc thư viết: nhất, tam, ngũ, thất, cửu. Đạo chi phân nhi hữu số. Kim mộc thủy hỏa thổ. Đạo chi biến nhi hữu tượng. Đông Tây nam bắc trung, Đạo chi liệt nhi hữu vị. Thanh bạch xích hoàng hắc, Đạo chi tán nhi hữu chất. Số quy ư vô số; tượng phản ư vô tượng; vị chí ư vô vị; chất hoàn ư vô chất... Vô số đạo chi nguyên dã, vô tượng Đạo chi thể dã; vô vị Đạo chi chân dã; vô chất Đạo chi diệu dã. 玉 書 曰: 一 三 五 七 九. 道 之 分 而 有 數. 金 木 水 火 土. 道 之 變 而 有 象. 東 西 南 北 中 道 之 列 而 有 位. 青 白 赤 黃 黑, 道 之 散 而 有 質. 數 歸 於 無 數;象 反 於 無 象; 位 至 於 無 位; 質 還 於 無 質... 無 數 道 之 源 也, 無 象 道 之 體 也; 無 位 道 之 真 也; 無 質 道 之 妙 也 (Linh bảo tất pháp, hạ quyển, tr.12). cf. Car aussi rapides que l’éclair, ils ont dépassé le royaume des noms et des qualifications, et ils habitent à l’ombre de l’Essence divine! comme dit le Hadith: «La véritable formule du monothéisme est de n’attribuer à Dieu aucune qualification.» -- Les sept vallées Balla u’ lláh (tr.19)

[11]... Cf.: Baha’ u’lláh. Les Sept Vallées, p.32: La condition de ceux qui savent ne se dit que par le cœur. On ne peut la confier à nul homme ni la décrire dans aucune lettre. Je préfère me taire à cause de ma faiblesse.

Car mon discours insuffisant ne ferait qu’amoindrir la vérité...

... La Science était un point: les ignorants l’ont multiplié...

(Ibid. p.27)

... Si tu es un homme pieux et humble, envole-toi sur les ailes vigoureuses des saints, pour voir les mystères de l’ami et parvenir à la Lumière du Bien-Aimé. «Nous venons de Dieu et nous retournons à Lui.» (Ibidem, p.20)

... Et appelez-Le comme vous voudrez, car pour ceux qui savent, Il est le possesseur de tous les Noms.» (Ibidem, p.6)

cf. Maître Eckart. Cité par Illan de Casa Fuerte, La religion essentielle, p.143.

Saint Augustina dit que l’âme se transmute dans celle qu’elle aime; si elle aime les choses de de la terre, elle devient terrestre, si elle aime Dieu... eh bien, me demanderez-vous, devient-elle Dieu. Si je le disais, cela semblerait impossible à ceux dont le sens de ces choses est trop faible, et ils ne pourraient me comprendre. Je me tais, et préfère vous renvoyer aux Écritures; vous y lirez: «Vous êtes des Dieux.» (cf., Jean 10, 34 et Psaume 82, 6)

[12] Tư lý dã, ngưỡng tắc trứ vu thiên văn, phủ tắc hình ư địa lý, trung tắc ẩn ư nhân tâm, nhi nhân chi mê nhật cửu bất năng dĩ tự đắc dã, minh hành vu lợi hại chi vức, nhi mạc tri sở thượng. 斯 理 也, 仰 則 著 于 天 文, 俯 則 形 於 地 理 中 則 隱 於 人 心, 而 人 之 迷 日久 不 能 以 自 得 也, 冥 行 于 利 害 之 域 而 莫 知 所 尚 (Tống Nguyên học án, q.26, tr.1)

[13] Thiên địa hữu chính khí                    

Tạp nhiên phú lưu hình                    

Hạ tắc vi hà nhạc                              

Thượng tắc vi nhật tinh                    

Ư nhân viết Hạo nhiên                     

Phái hồ tắc thương minh                  

(Chính khí ca 正 氣 歌 )

[14] cf. lllan de Casa Fuerte, La Religion essentielle, p.64: Dans l’Unité, tout nombre préexiste uniformément, en sorte que l’Unité contient en elle chacun des nombres particuliers et en même temps, tout te nombre se trouve rassemblé dans l’un; il est dans l’unité. Plus le nombre s’éloigne de l’Unité dont il provient plus il se divise, plus il devient multiple.

De même, tous les rayons du cercle, rassemblés par une même union, existent simultanément dans le Centre - Le point contient tous ces rayons uniformément réunis les uns avec les autres; tous ces rayons se trouvent conjoints dans le Centre, et joints au principe unique dont ils sont issus - Tant qu’ils s’éloignent peu du Centre, ils sont faiblement séparés les uns des autres; ils divergent davantage au fur et à mesure qu’augmente la dissance au Centre. (Denys, le pseudo - Aréopagite)

[15] Tự kỳ biến giả nhi quan chi, tắc thiên địa tằng bất năng dĩ nhất thuấn, Tự kỳ bất biến giả nhi quan chi, tắc vật dữ ngã giai vô tận dã. 自 變 者 而 觀 之, 則 天 地 曾 不 能 以 一 瞬 自 其 不 變 者 而 觀 之, 則 物 與 我 皆 無 盡 也 (Tô Đông Pha, Tiền xích Bích phú).

[16] cf. Thủ lăng nghiêm kinh, q.2: Phật cáo «... nhữ tri thân trung hữu bất diệt da...» ¦汝 知 身 中 有 不 滅 耶 (Phật nói với vua Ba Tư Nặc: «Đại vương có biết trong thân có cái bất diệt không...»

[17] Marche ô âme bénie, sans s’attarder, dans la béatitude de la solitude intérieure. Vois, Dieu t’invite à rentrer dans ton centre intérieur, où il veut te renouveler, te changer, te remplir, te revêtir et te montrer le nouvel et céleste royaume, plein d’allégresse, de jouissance et de sérénité... (Michel Molinos, lllan de Casa Fuerte, La religion essentielle, p.178)

[18] cf. Spinoza cité par lllan de Casa Fuerte, Religion essentielle, p.182: «... L’ignorant outre qu’il est balloté de mille façons par les causes extérieures et qu’il ne possède jamais le vrai contentement de l’âme, vit dans une sorte d’inconscience de lui-même, de Dieu et des choses; et sitôt qu’il cesse de pâtir, il cesse aussi d’être.

Le sage, au contraire, considéré comme tel, sent à peine son âme troublée; mais ayant, par une certaine nécessité éternelle, conscience de lui-même, de Dieu et des chosses, il ne cesse jamais d’être, et il est toujours en possessior du vrai contentement de l’âme...

[19] Nam nhi nhược đắc phong hầu ấn     

Bất phụ nhân gian tẩu nhất tao           

Công thành thân thoái                           退

Yên hà tiêu ngạo                                   

Thoát khước tử la bào                          

Phương thị nam nhi đạo.                     

Bí ẩn Gia Cát thần số, bài 245.

[20] Chân chân chân                                 

Nhân bất thức                                    

Chân chân chân                                

Thần hữu linh                                     

Qui tông phân bản                            

Phương thị nguyên tinh                    

Bí bản Gia Cát thần số, bài 47.

[21] Nhất cá thần đạo, tùy nhĩ khứ hành, . Phùng nhân thuyết pháp, đáo xứ hiển linh. Bí bản Gia Cát thần số , bài 354.

[22] Qui autem adhoeret Domino unus spiritus est - (Celui qui s’unit au Seigneur n’est avec lui qu’un seul esprit- I Cor,VI,17 Bible de Jérusalem).

Celui qui s’approche de Dieu et s’attache à lui devient un même esprit avec lui. (Ste Thérèse, Le Château de l’âme, Edition du Seuil.

... Glorifiez et portez Dieu dans votre corps. I Cor 6, 19 (Bible de Jérusalem) Cf. aussi Ste Thérèse, Le Château de l’âme chapitre 3e.

[23] Điêu trác phục phác. 雕 琢 復 朴.

[24] Thể tận vô cùng, nhi du vô trẫm. 體 盡 無 窮, 而 遊 無 朕 .

[25] Tự dĩ vi vị thủy học nhi qui 自 以 為 未 始 學 而 歸.

[26] Thừa phù mãng diêu chi điểu, dĩ xuất lục cực chi ngoại, nhi du vô hà hữu chi hương. 乘 夫 莽 眇 之 鳥, 以 出 六 極 之 外, 而 遊 無 何 有 之 鄉.

[27] Lập hồ bất trắc nhi du ư vô hữu giả dã. 立 乎 不 測 而 遊 於 無 有 者 也.

[28] Vô vi danh thi, vô vi mưu phủ, vô vi sự nhiệm, vô vi tri chủ, thể tận vô cùng nhi du vô trẫm. 無 為 名 尸, 無 為 謀 府, 無 為 事 任, 無 為 知 主 體 盡 無 窮 而 遊 無 朕.

[29] Chí nhân chí dụng tâm nhược kính bất tương, bất nghịch, ứng nhi bất tàng. 至 人 之 用 心 若 鏡 不 將, 不 逆, 應 而 不 藏.

[30] cf Nam Hoa Kinh, chương Tại hựu, đoạn c: Kim phù bách xương, giai sinh ư thổ nhi phản ư thổ; cố dư tương khứ nhữ, nhập vô cùng chi môn, dĩ du vô cực chi dã. Ngô dữ nhật nguyệt tham quang. Ngô dữ thiên địa vi thường. Đương ngã mân hồ, viễn ngã hôn hồ. Nhân kỳ tận tử nhi ngã độc tồn hồ. 今 夫 百 昌 皆 生 於 土 而 反 於 土 故 余 將 去 女 入 無 窮 之 門, 以 遊 無 極 之 野 吾 與 曰 月 參 光 吾 與 天 地 為 常 當 我 緡 乎, 遠 我 昏 乎 人 其 盡 死 而 我 獨 存 乎.

[31] Điển hình nhất là chúa Jésus Christ và vụ án Al Hallâj bên phía Hồi giáo. Ông bị cầm tù từ năm 915 đến ngày 23. 03. 922 thì bị xử tử vì tội dám phối hợp lẫn lộn Trời người (confondre le divin et l’humain) gây hoang mang cho mọi người. (Cf. Henri Corbin Histoire de la philosophie islamique, p.277)

[32] Mysticisme.

[33] Esthétique, Grâce.

[34] Morale.

[35] Dogmatisme.

[36] Formalisme.

[37]...Cố thất đạo nhi hậu đức, thất đức nhi hậu nhân, thất nhân nhi hậu nghĩa, thất nghĩa nhi hậu lễ; phù lễ giá trung tín chi bạc, nhi loạn chi thủ. Tiền thức giả, Đạo chi hoa nhi ngu chi thủy. Thị dĩ đại trượng phu, xử kỳ hậu bất cư kỳ bạc, cư kỳ thực bất cư kỳ hoa. Cố khứ bỉ thủ thử. 故 失 道 而 後 德, 失 德 而 後仁, 失 仁 而 後 義, 失 義 而 後 禮 夫 禮 者, 忠 信 之 薄, 而 亂 之 首 前 識 者, 道 之 華, 而 愚 之 始. 是 以 大 丈 夫 居 其 厚, 不 居 其 薄, 居 其 實, 不 居 其 華. 故 去 彼 取 此 (Đạo Đức Kinh, ch.38)

[38] Un dogme, c’est une cristallisation d’une pensée... Le dogme est une matérialisation et la matérialisation est un emprisonnement. Ce qu’il faut chercher, c’est l’essence, car seule l’essence est esprit. (lllan de Casa Fuerte, La religion essentielle, p.17)

[39] cf. Camille Debret, La vie de Gandhi, p.100:

... «Après une longue étude et une longue expérience, j’en suis venu à cette conclusion: toutes les religions sont vraies, toutes ont en elles quelque erreur. Toutes me sont aussi chères que mon propre Hindouisme. Ma vénération pour d’autres fois est la même que pour ma propre foi. Comment peut-on avoir une vraie fraternité, si on croit détenir une vérité supérieure.

ll ne faut pas dans ses prières dire à dieu: «Donne-lui la lumière que tu m’as donnée,» mais donne-lui toute la lumière et toute la vérite dont il a besoin pour son plus haut développement...

[40] Địa đạo dã, thế đạo dã, thần đạo dã. (Dịch khôn quái)

[41] Tâm vi hình dịch. 心 為 形 役.

[42] Tiên mê nhi hậu đắc chủ. 先 迷 後 得 主 (Dịch khôn quái)

[43] Lam làm rồi mới nghỉ ngơi

Lao lung rời mới thảnh thơi an nhàn

Do động nhi tĩnh, do lao nhi dật,

Ngộ đại Dịch doanh hư chi lý

(Văn ngôn truyện) – Tiểu học luận thuyết tinh hoa, Quảng Ích thư cục, q.2, tr.2)

[44] Vô dĩ nhân diệt Thiên. 無 以 人 滅 天 (Nam Hoa Kinh, Thu Thủy)

[45] Luận Ngữ, Vi Chính đệ nhị, 12.

[46] Cf Marc Semenoff, Pour connaitre la pensée du Bouddha, p.126:... Le corps est la somme de toutes les formes qui le constituent et qui ne connaît les composantes de son corps ne se connaît pas lui- même. Résultat exotérique: sa vie entière, il cherche Dieu et l’univers en dehors de lui, partout dans la nature, dans les temples, les églises, les soi - disant paradis, alors que le Divin l’habite, lui. Le Royaume des Cieux en vous, est une parole ésotérique...

Le salut est la réalisation en nous de Dieu, notre véritable moi.

» Mục lục » Chương: 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13  14  15  16