TRUNG DUNG TÂN KHẢO

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

QUYỂN I: TRUNG DUNG KHẢO LUẬN

» Mục lục » Chương: 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13  14  15  16


Chương 3

ĐẠO THỐNG TRUNG DUNG [1]

 

 S au khi quen thung thổ, quen đường đi, nước bước của dân Trung Hoa thời cổ, ta hãy thung dung cùng Miễn Trai tiên sinh, thả thuyền mộng cho xuôi dòng thời gian. Buồn quế, chèo mây của chúng ta sẽ từ từ lướt sóng qua thế hệ, lững thững từ thời Nghiêu xuôi xuống, để tìm ra chuổi liên châu đạo thống đạo Trung Dung.

Vua Nghiêu là đấng thánh nhân.[2] Ngài được Trời truyền đạo. Khi vua Nghiêu truyền đạo ấy cho vua Thuấn,[3] ngài khuyên:

«Tinh ròng chuyên nhất ngày đêm,

Ra công ra sức giữ nguyên lòng Trời.»

Vua Thuấn truyền tâm pháp ấy cho vua Vũ.

Ngài dạy:

«Lòng của Trời siêu vi, huyền ảo,

Lòng con người điên đảo, ngả nghiêng.

Tinh ròng, chuyên nhất ngày đêm,

Ra công, ra sức giữ nguyên lòng Trời.» [4]

Vua Thang nhận đạo thống, suy nghĩ và phát minh ra phương pháp tiết dục. Ngài nói: «Lấy nghĩa chế sự, lấy lễ chế tâm.» [5]

Văn Vương lĩnh hội được tinh hoa thấm thúy của đạo Trung Dung đã bước lên tới một độ nhân đức cao siêu. Ngài luôn mường tượng như có Thượng đế ở trước mặt. Ngài nói: «Chẳng thấy nhãn tiền, nhưng vẫn giáng lâm, chẳng phải vất vả, nhưng vẫn giữ được [6]

Châm ngôn của Võ Vương là:

«Kính cẩn chăng dễ khinh,

Trọng nghĩa rẻ dục tình,

Thế là đường lối phải,

Thế là ý khuôn xanh.» [7]

Châm ngôn của Chu Công là:

«Kính xin ngay ngắn tâm hồn,

Theo đường nghĩa lý vuông tròn công tư.» [8]

Hơn 1500 năm sau thời vua Nghiêu, hơn 500 năm thời Văn Vương, đạo Trời lại ngưng đọng nơi Đức Khổng. Đức Khổng lại cảm thấy mình là vẻ sáng của Thượng Đế, Ngài lại bôn ba đi truyền dạy đạo Trời. Khi bị vây ở đất Khuông, Ngài nói: «Văn Vương đã thác, vẻ sáng nay chẳng ở đây sao? Nếu Trời muốn để mất vẻ sáng ấy, thì sau khi Văn Vương thăng hà đâu có ban cho ta. Nếu Trời không muốn mất vẻ sáng ấy, thì người đất Khuông làm gì được ta ? » [9]

Thế là ta bắt được liên châu đạo thống đạo Trung Dung. Đạo ấy do Trời ban cho các thánh hiền. Quang huy ngài chiếu soi vào các thánh hiền thế hệ. Quang huy ấy đạo nho gọi là Tính. Tính là nguồn mạch hoàn thiện, linh diệu, huyền vi, phát sinh ra muôn điều cao siêu, đẹp đẽ.

Hội ý tiên nho, ta có thể phác họa lại cương lĩnh đạo thống Trung Dung bằng mấy vần thơ sau:

 

Trộm nghĩ rằng duyên do sinh bát quái, Lạc thư,

Làm tâm điểm cho cuộc Trời đất doanh hư,

Gồm Thái cực, cả hai bề động tĩnh,

Làm chủ chốt cho muôn điều chân chính,

Thao túng hết vi diệu của Hoàng Thiên,

Duyên do đó ngự trong tâm ta, ẩn áo, an nhiên,

Làm vua Nghiêu treo cao gương đức cả,

Làm Vua Thuấn kính tin vô tư lự,

Cho Đại Võ nương vào khi giáo hóa,

Cho Cao Dao lấy đó để dạy đời,

Thành Thang nhờ đó nên hiền thánh hơn người,

Y Doãn, Lai Châu nương vào nên nhân đức,

Văn Vương những ước mơ mà chưa thấy được,

Vũ Vương, Chu Công rong ruổi trên đường Ngài,

Ngài cho Đức Khổng biết chóng chậm, tiến lui,

Cái thuật ấy xưa nay ai vượt nổi ?

Cảm thấy ngài cao, chắc, trước, sau, vươn khó tới,

Như Nhan Hồi thiên hạ dễ mấy mươi;

Đạo nhất quán thầy Tăng thấy nơi Người,

Mạnh Tử nhờ đức, tài bồi hạo nhiên chi khí. [10]

HÌNH 1


CHÚ THÍCH

[1] Xem Thánh hiền đạo thống truyền thụ tổng tự thuyết của Miễn Trai và Mạnh Tử ở phần phụ lục I.

[2] Mạnh Tử viết: Nghiêu Thuấn tính chi dã. (Mạnh Tử, Tận tâm, chương cú hạ số 33, tr. 276)

[3] Bửu Cầm, Tống Nho, tr. 188 và tiếp theo.

Mạnh Tử, Tận tâm, chương cú hạ số 38, tr. 284…

[4]   Nhân tâm duy nguy                 

Đạo tâm duy vi                         

Duy tinh duy nhất                    

Doãn chấp quyết trung          

Kinh Thư, III, Đại Vũ mô,15.

[5] Dĩ nghĩa chế sự, dĩ lễ chế tâm. 以 義 制 事, 以 禮 制 心.

[6] Bất hiển diệc lâm, vô dịch diệc bảo. , .

- Đại Nhã - Tư trai tứ chương, chương lục cú.

- Bửu Cầm, Tống Nho, tr. 191.

[7]   Kính thắng đãi giả cát,            

Nghĩa thắng dục giả tùng.      

- Bửu Cầm, Tống Nho, tr. 192.

[8] Kính dĩ trực nội. Nghĩa dĩ phương ngoại. 敬 以 直 內. 義 以 方 外. - Bửu Cầm, Tống Nho, tr. 191.

[9] Tử úy ư Khuông viết: Văn vương ký một, văn bất tại tư hồ? Thiên chi tương táng tư văn dã, hậu tử giả bất đắc dự ư tư văn dã. Thiên chi vị táng tư văn dã. Khuông nhân kỳ như dư hà? 子 畏 於 匡 曰: 文 王 既 沒, 文 不 在 斯 乎? 天 之 將 喪 斯 文 也. 後 死 者 不 得 輿 於 斯 文 也. 天 之 未 喪 斯 文 也. 匡 人 其 如 予 何? - Luận ngữ, Tử Hãn đệ cửu, tr. 134 (Bản dịch Đoàn Trung Còn)

[10] Phỏng dịch theo Trung Dung phú của Lương Gia Hòa:

Tưởng phù Hà xuất thiên bào                           

Lạc thổ địa phù                                                   

Ngũ thập cư trung                                              

Bị Thái cực chi động tĩnh                                   

Trung chính vi chủ,                                             

Diệu Hoàng cực chi liễm phu,                           

Kỳ tại ư tâm.                                                         

Tắc Nghiêu chi khắc minh tuấn đức               

Thuấn chi kính giới vô ngu                                 

Vũ chi thai nhi giáo cật                                       

Cao Doãn địch nhi trần mô,                             

Thang chấp chi dĩ lập hiền                                

Nhi Y Doãn, Lai Châu hàm kỳ đức                 

Văn vọng chi nhi vị kiến,                                    

Vũ Vương, Chu Công trì kỳ đồ.                        

Sĩ, chỉ, cửu, tốc, Thánh chi thời,                       

Trọng Ni bất khả du dã.                                    

Cao, kiên, tiền, hậu hữu sở lập                        

Nhan thị kỳ thứ cơ hồ                                         

Nhất quán chi đạo, Tăng cầu chư kỷ              

Hạo nhiên chi khí, Mạnh thiện dưỡng ngô.    

Trung Dung phú của Lương Gia Hòa. Xem Cổ học tinh hoa, Quảng Nam, Thu Canh Tý 1960, tr. 21 (Xem Phụ lục 10).

» Mục lục » Chương: 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13  14  15  16