LECOMTE DU NOÜY
VÀ
HỌC THUYẾT VIỄN ĐÍCH
Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ
Mục lục | Tựa của Phạm Đình Tân
| Thư bà Mary Lecomte du Noüy
| Lời nói đầu
Phần 1: chương
1
2
3
4 |
Phần 2: chương
1
2
3
4 | Phần 3: chương
1
2
3
4
Phụ lục
1
2
3 |
Sách tham khảo
PHẦN THỨ
HAI:
HỌC THUYẾT VIỄN ĐÍCH
*
Chương
2
Cuộc tiến hóa vũ
trụ quần sinh
There rolls the deep where
grew the tree,
O earth, what changes thou
hast seen.
There where the long
streets roars, hath been
The stillness of the
central sea.
ALFRED TENNYSON.
Cuộc đời dâu bể, bể dâu,
Xưa nay đã mấy cơ mầu biến
thiên.
Nơi nay tấp nập thị triền,
Xưa kia quạnh quẽ im lìm
biển sâu.
Tiết 1
Cuộc tiến hóa vũ trụ, và
vật chất vô cơ
Sau khi đã phê bình khoa học, Lecomte du
Noüy muốn bao quát cuộc tiến hóa vũ trụ, quần sinh, để tìm cho ra những
mạch lạc, ý tứ khả dĩ nối kết và giải thích cuộc tiến hóa vĩ đại ấy.
Thoạt tiên, Ông như Walt Disney phác hoạ
lại cho ta tất cả biến thiên của vũ trụ, kể lại cho ta nghe những giả
thuyết, «những huyền thoại» về sự phát tích, khởi nguyên của vũ trụ và
thái dương hệ. Những huyền thoại này không còn xuất sinh từ những mẹ
hiền nơi thôn dã, hay từ những thánh cổ truyền, mà từ những nhà khoa
học, nhà thiên văn đạo mạo như Laplace, Lemaître, Eddington, Faye
Ligondès, Seeliger và Halm, Sée hay G.H. Darwin, Norman Lockyer,
Arrhénius hay Belot.
Ông cũng kể cho chúng ta nghe những phương
pháp khoa học dùng để tính toán tuổi tác vũ trụ, của vừng dương và của
trái đất.
1) Muốn ước lượng tuổi tác vũ trụ, các nhà
bác học đo tốc độ tương ly của các giải ngân hà.
2) Muốn ước lượng tuổi đất, các nhà bác
học đã khảo cứu sự hủy hóa tự nhiên của các chất phóng xạ:
Uranium 238.
Actino Uranium 235.
Thorium T 232.
Các kết quả trên cho ta thấy đại khái như
sau:
1) Tuổi vũ trụ:
- Nhiều nhất là 10.000 tỉ năm (1013)
- Ít nhất là 10 tỉ năm (1010)
2) Tuổi mặt trời:
- Nhiều nhất là 5.000 tỉ năm (5.1012).
- Ít nhất là 10 tỉ năm.
3) Tuổi trái đất khoảng 2 tỉ năm (2.109).
Lecomte du Noüy đưa những con số này ra
không phải vô lý cớ:
Thâm ý của Ông là chứng minh vũ trụ có
khởi thủy, và già lắm là mới được
1013 năm (10 nghìn tỉ năm).
Thế mà theo toán xác suất muốn có một phân
tử protéin đơn giản ta cần phải có 10243 tỉ năm.
Như vậy nghĩa là đối với tuổi tác vũ trụ
của ta, toán học đã chứng minh rằng ngẫu nhiên không đủ thì giờ mà sinh
ra sinh cơ, sinh vật.
Hai là, Ông muốn đi từ «tòng đầu» cuộc
tiến hóa để rồi ra có thể tiên đoán về «tuyệt vĩ» cuộc tiến hóa mà không
sợ sai lầm.
Khảo về vũ trụ khởi nguyên, Lecomte du
Noüy có những nhận xét như sau:
1) Vũ trụ đồng chất, đồng nguyên.
Dẫu là tinh vân, tinh tu, vi trùng, nguyên
tử, khinh khí, nguyên tử Radium hay óc chất con người, tất cả đều được
cấu tạo bằng những nguyên tố giống nhau, và trong mỗi nguyên tố, ta thấy
có cùng những loại vi tử, vi trần: dương điện tử, âm điện tử, trung hòa
tử v.v...
2) Vũ trụ nguyên tử, phân tử, vũ trụ vật
chất bị chi phối bởi nguyên lý Carnot dương tiêu âm trưởng, luôn suy vi
tiêu hao; còn thế giới vi trần, vi tử thì triển chuyển phản trắc; thế
giới sinh linh thì ngày càng trở lên sinh động, bất kỳ, bất trắc thì
ngược hẳn với nguyên lý Carnot, tức là ngược lại hẳn với vật chất.
Mà nếu cuộc tiến hóa sinh linh đi ngược
chiều với cuộc tiến hóa vật chất như vậy, dĩ nhiên là để tiến tới thần
linh siêu việt trong tương lai xa thẳm.
3) Theo những lý thuyết mới nhất về vũ trụ
thoát thai cho đến khi sinh thành ra giải ngân hà của chúng ta với triệu
triệu vì sao thì cũng mất một thời gian lâu bằng từ khi có sinh vật đầu
tiên cho đến khi có con người.
Thế mới hay, con người tuy nhỏ nhưng cũng
khó làm chẳng kém gì trời đất, và muốn rải rắc muôn tỉ tỉ vì sao ra khắp
hoàn vũ, cũng chỉ mất thỉ giờ bằng tác tạo nên một con người.
Tiết 2
Cuộc tiến hóa sinh
linh
A.- Cuộc tiến hóa sinh
linh thật ly kỳ.
Có lẽ nó đã phát khởi từ một tỉ năm nay,
và theo
Donald Culross Peattie, có lẽ quần sinh đã phát xuất từ những loại vi
khuẩn hình đũa (Leptothrix).
Rồi lần lượt các loại hải tảo thứ biếc
thứ xanh
đến các
loại tam diệp trùng,
các loài
cá mú, rùa giải, ếch nhái, rồng rắn, các loại cỏ hoa cây cối, chim
muông; rốt ráo mới đến con người.
Sự tiến hóa diễn biến qua những cá vật có
những nét, những vẻ đặc thù, độc đáo, y như một bản nhạc được tấu lên
nhờ những âm thanh riêng biệt, vang lên rồi lại bặt tăm, chỉ lưu lại
chút dư âm phảng phất.
Ta có thể nói được rằng cuộc tiến hóa dần
dần như muốn thoát vòng kiểm tỏa thống kê, vẫn thường chi phối vũ trụ vô
cơ, và sửa soạn cho sự xuất hiện của tự do con người.
Hải tảo biếc thì sinh sôi bằng cách phân
thân, như muốn trơ gan cùng tuế nguyệt và không muốn tiến hóa biến
thiên.
Đến hải tảo xanh thì đã sinh sôi theo
phương thức âm dương phối ngẫu,
và nét
đạm thanh sinh tử đã bắt đầu hiện kên trên bức tranh tang thương vân cẩu
của đất trời.
Từ đây sự tiến hóa đã khả quan vì ba sự
kiện:
1) Âm dương phối ngẫu sinh đôi, thế tức là
giòng giống được hưởng thụ cả về hai bên phụ mẫu; nên dễ bề thêm phong
phú và tiến hóa.
2) Có sinh tử, thì bức tranh đời mới dễ
đổi, dễ thay, và sự mới mẻ, duyên dáng của quần sinh sẽ luôn luôn được
khôi phục.
3) Cá nhân bắt đầu có giá trị, và phương
pháp thống kê áp dụng cho tử vật không còn công hiệu cho hoàn toàn như
xưa nữa.
Ta có thể nói được rằng cuộc tiến hóa một
ngày như một muốn vươn lên cho đến chỗ tân kỳ, ảo diệu.
Từ chỗ ù lì, dị tri, dị đoán của vật chất,
cuộc tiến hóa bước dần vào thế giới sinh linh, và càng ngày càng trở nên
ảo diệu, nan tri, nan trắc, để tiến tới con người khinh khoát, tự do...
Lần theo đà tiến hóa sinh linh, ta thấy
mỗi loài có thời thịnh, thời suy.
Như thời Cambien (Cambrien) là thời hoàng
kim của những sinh vật không xương sống ở dưới biển.
Thời thạch thán (Cabonifères) là thời kỳ
những ếch nhái hai xứ hai quê, xưng bá xưng hùng.
Thời thạch thán cũng là thời muôn hoa đua
nở.
Cuối thời thạch thán là thời kỳ hương phấn
của các loại khủng long độc xà.
Bước sang đệ tam thời đại, các loài muông
thú mới khai nguyên kỳ thống trị.
Ngày nay là vận hội cho con người xây đắp
mơ hoa, mộng đẹp.
Caullery viết: «Ngay từ thời Algon, từ
thời tối cổ, sự sống đã đạt được một trình độ phân biệt chuyên hóa chẳng
kém gì ngày nay; người ta có thể nói ngay từ thuở ấy, những nét đại
cương về cuộc tiến hóa đã được phác hoạ xong...»
Cuộc tiến hóa như vậy đã kéo dài 1000
triệu năm nay, mà lạ lùng thay 500 triệu năm trong tổng số đó đã dành
cho côn trùng!
Các loại muông thú mới xuất hiện từ 200
triệu năm nay.
Còn chúng ta mới bước vào sân khấu đời
khoảng 100.000 năm thôi:
Đại cuộc hóa sinh 24 tiếng.
Con người mới hưởng một giây rưỡi.
ĐỒNG HỒ
SINH HÓA
B- Cuộc tiến hóa sinh
vật còn đầy bí ẩn
Nếu quan sát chiêm nghiệm, ai cũng phải
nhận có tiến hóa, nhưng ý niệm tiến hóa thực phức tạp vô cùng.
Mỗi khi ta tìm được sự kiện mới mẻ để
chứng minh tiến hóa, thì hàng trăm nghi vấn khác lại mọc lên, những bằng
chứng mới về sự dốt nát mù mờ của ta lại xuất hiện.
Cứ theo nguyên lý «nhiệt lực tiệm suy» của
Carnot thì không thể nào ngờ được rằng trong lòng vũ trụ vật chất lại có
được thế giới sinh linh.
Mà sinh linh đã phát hiện, đã tiến hóa
theo một chiều hướng ngược hẳn với định luật vật chất, vì một ngày một
thêm tân kỳ phong phú khó lường, khó đoán chứ không dần dần đi đến chỗ ù
lì suy đốn như nguyên lý Carnot đã đoán định.
Duy vật không cắt nghĩa được sự phát hiện
của sinh vật.
Và không thể nói sinh vật chỉ là một số
biến cố nhất thời của vũ trụ vật chất, một biến cố ngẫu nhiên, vô ý, vô
tình, vô định, không đáng kể.
Không! Quần sinh không thể là một biến cố
ngẫu nhiên, và biến cố ngẫu nhiên không thể liên tiếp xảy ra trong hàng
ngàn triệu năm có lớp lang thứ tự, chiều hướng hẳn hoi được.
Chúng ta phỏng đoán rằng khi trái đất vừa
nguội đủ, thì sinh vật xuất hiện.
Nhưng chúng ta không biết sinh vật phát
xuất từ đâu, từ đáy biển
hay từ
ven biển
từ những
sinh chất vô định hình
hay từ
những tế bào có tổ chức
từ thảo
hay từ
trùng.
Và cứ hình trạng bên ngoài ta cũng không
biết thế nào là thảo, thế nào là trùng, vì thoạt kỳ thủy những hải tảo
tế vi như loại rong song chiên cũng bơi cũng lội, cũng như có đuôi, có
mắt và cũng phập phồng như có hô hấp.
Chúng ta phải căn cứ vào tiêu chuẩn sinh
hóa bên trong để phân biệt:
Trùng có hồng huyết tố.
Thảo có diệp lục tố.
Diệp lục tố, hồng huyết tố tuy cấu tạo
cũng tương đương nhau, nhưng diệp lục tố thì ở giữa có magnésium, hồng
huyết tố thì ở giữa có sắt.
Thế là ngoài thì giống nhau, mà trong đã
phân kỳ ghê gớm: mới hay chia phôi mầm mống ở bên trong.
Rắc rối hơn nữa là máu của ít sinh vật nhỏ
lại co một huyết sắc tố phức tạp ở giữa có đồng. Thực là ly kỳ bí ẩn.
Ta chưa biết theo cách thức nào mà một
sinh vật tối sơ, một vi khuẩn không nhân biến thành một tế bào có nhân
rồi lại sinh ra được một tổ hợp tế bào, hoạt động được vì ích lợi chung,
trở thành một cá thể.
Câu hỏi này cũng không thể trả lời được y
như hai câu vấn nạn đã nêu ra trước:
a) – Sự sống phát hiện nhờ đâu?
b) – Phân tử protein nguyên thủy làm sao
đã có?
Những tiến hóa từ thời Tiền cam thực lạ
lùng kỳ bí.
Có nhiều điểm làm chúng ta suy nghĩ nát óc
cũng không ra. Ví dụ:
1) - Những «cộng bào» không có tế bào làm
sao tiến tới những thực vật có tế bào?
2) - Nhân tế bào làm sao phát sinh?
3) - Sự sinh sản vô tính làm sao chuyển
sang sự sinh sản hữu tính?
4) - Trong những sinh vật đơn bào làm sao
thực hiện được mọi hoạt động sinh lý?
5) - Những hoạt động sinh lý này làm sao
chuyển sang được nơi sinh vật đa bào?
6) - Các tế bào làm sao mà càng ngày càng
chuyên hóa?
7) - Làm sao tổng hợp được diệp lục tố,
hồng huyết tố, thanh huyết tố ?
8) - Con mắt làm sao xuất sinh được ?
9) - Làm sao sinh ra mai, ra vỏ, ra đốt,
nơi loài tôm cua ? v.v...
Tất cả những vấn đề này đã được giải
quyết, cách đây 500 triệu năm. Vào cuối thời kỳ «Cam biên», và có lẽ còn
trước nữa, tất cả những cơ cấu nòng cốt của cuộc tiến hóa đã sinh ra
những sinh vật lạ lùng phức tạp, thiên hình vạn trạng hoàn toàn thích
ứng với ngoại cảnh và có những hoạt động sinh lý y thức như ở nơi sinh
vật ngày nay.
Thế mà tiến hóa vẫn tiếp diễn càng ngày
càng thêm tinh tế phức tạp.
Biết bao thí nghiệm đã được thực hiện.
Biết bao nhiêu loài đã biến đi, y như
thiên nhiên muốn xóa bỏ những lỗi lầm.
Nhưng nhiều loài vẫn tồn tại và cuối cùng
loài người xuất hiện.
Có một điều lạ là cứ theo các chứng cớ cổ
sinh vật học, thì mỗi loài mới xuất hiện thường «bột biến bột phát» và
có đủ ngay mọi đặc điểm tân kỳ; nên không sao kết luận được nó tự loài
nào sinh ra, từ ông thủy tổ nào bắt xuống, cũng như liên lạc thế giới
nào với các loài đã có trước.
Depéret nói: «Phần đông các loài động vật
chính yếu đã xuất hiện chẳng có mạch lạc gì với nhau về phương diện sinh
vật học.»
Ví dụ, ta không biết cá nào là thủy tổ
những loài cá có xương sống?
Sinh vật có xương sống xuất hiện từ đâu, ở
biển trước, hay ở đất trước?
Loài ếch nhái từ cá hóa ra, hay từ loài
nào mà sinh xuất?
Loài bò sát giòng giõi, tông tộc ra sao,
mà con thì có vây vĩ đại, như khủng long, con thì có mai cứng rắn, như
qui giải?
Loài chim từ đâu tới, làm sao tự nhiên
lông cánh lại mọc ra?
Muông thú do loài nào sinh?
Chắc không do loài bò sát vì loài bò sát
xuất hiện xấp xỉ đồng thời; chắc không do loài ếch nhái hay loài cá, vì
hố ngăn cách đôi bên quá sâu rộng.
Chúng ta cũng không tìm ra được những con
vật trung gian.
Những con vật trung gian chuyển tiếp đã
tìm ra được như con dực thủ long (ptérodactyle), con thủy tổ điểu
(archéoptérix) chưa thể đại diện được cho tất cả những mắt xích, những
con vật trung gian mà nay không còn.
Và con thủy tổ điểu không đủ để cắt nghĩa
sự chuyển hóa từ loài rắn đến loài chim, vì cứ theo đúng thuyết tiến
hóa, thì lông cánh phải sinh ra ngay nơi sinh vật lớn, đó là một chuyện
quái đản. Hơn nữa một đôi cánh, một bộ lông không thể sinh ra trong một
ngày, một năm, mà phải phát xuất dần dà trong vòng hàng triệu năm, vậy
thì trong thời gian chờ đợi ấy, nó có ích gì cho cuộc đấu tranh; và nếu
không có ích gì cho cuộc đấu tranh, làm sao có thể tồn tại?
Người ta cũng không biết tại sao rắn có
máu lạnh, chim lại có máu nóng.
Hơn nữa, ngay đến vấn đề thủy tổ loài
người là loài nào, chúng ta cũng chưa tìm ra được.
Thành khẩn mà nói, có muôn vàn vấn đề,
muôn vàn thắc mắc, không làm sao giải thích được.
Caullery viết: «Các sinh vật đột nhiên
xuất hiện mà không sao tìm được những mắt xích nối liền nó với tổ tiên.
«Mỗi loài xuất hiện ra là đã có mọi tính
chất đặc thù, chuyên biệt. Chúng ta phải nhận chân rằng chẳng những
không tìm được những loài trung gian, chuyển tiếp, mà cũng không làm sao
liên kết loài mới vào được với loài cũ.»
Lecomte du Noüy viết: «Nếu chúng ta lưu
tâm đến sự dốt nát của chúng ta, nếu chúng ta cân nhắc một cách thành
khẩn sự dốt nát ấy, thì chúng ta phải đi đến kết luận kỳ dị này là niềm
tin của chúng ta về cuộc tiến hóa trong giai đoạn này có thể nói được là
thuộc về trực giác, siêu hình, hơn là khoa học. Và có lẽ điều nhận xét
này cũng chẳng làm cho học thuyết tiến hóa mất uy tín chút nào.»
C.- Phương tiện khảo
sát của chúng ta còn có nhiều khuyết điểm.
Chúng ta nhờ khoa cổ sinh vật học, địa
chất học để có những sự kiện giúp ta tìm ra mối tương quan giữa các
chủng loại, các mắt xích, các nấc thang trong cuộc sinh hóa. Nhưng các
khoa học này chưa thập phần hoàn bị.
Riêng về sự hóa thạch của các vật, ta cũng
thấy thực khó khăn và hãn hữu.
Sự hóa thạch chỉ có thể thực hiện trong ít
nhiều trường hợp đặc biệt sau đây:
1)- Hoặc là vì một tai biến tự nhiên nào,
mà sinh vật bị táng sống, bị chôn vùi trong những lớp đất đá khô kín.
Nhờ vậy mà xương cốt mới còn nguyên vẹn.
2)- Hoặc là sinh vật, côn trùng đã thác
trong những nước có nhiều chất vôi, nên hình hài bị thấm vôi, hóa đá.
3)- Hoặc là bị tẩm, bị vùi trong lạp
phách, đó là một xác ướp xác thần kỳ hơn cả phép ướp xác Ai Cập.
4)- Hoặc là bị chôn vùi trong các mỏ than.
Công cuộc đi tìm lại các vết tích sinh vật
xa xưa thực cũng rất nhiêu khê và đầy may rủi.
Ta tìm ra di hài các cổ sinh vật trong các
tầng đất, tầng núi, trong các hầm mỏ, hoặc lòng sông, đáy biển, hoặc là
tìm ra các vết tích còn di lưu trên đất đá.
Tuy nhiên mặt đất thì bao la, trùng dương
thì man mác nào ai đã dò cho xong, cho thấu.
Biết bao sinh vật chết đi mà không hề lưu
lại dấu vết; biết bao tầng đất đã xóa nhòa hết mọi vết tích sinh linh,
hiện nay im lìm như quên khuấy hết quá vãng.
6)- Hơn nữa có nhiều sinh vật cổ sơ sống
từ những thời đại xa xăm, ta tưởng là đã chết biệt tăm, biệt tích, thì
hiện nay vẫn còn sống sót trong một vài hoang đảo, để rồi ngẫu nhiên lại
được khai sinh nhờ các cuộc thám hiểm.
Những sự ước lượng của địa chất học, về
tuổi tác đất đai cũng đại cương, đại khái như vậy.
Ta chỉ nên thu thập những nét chính yếu
đại cương, chứ đừng quan tâm đến chi ly, tiểu tiết.
Các thời kỳ tiến hóa được phân định một
cách nhân tạo.
Tất cả có 60 thời kỳ chính, dựa trên:
-
Những biến dạng của sinh vật.
-
Những biến dạng của đất đai.
Riêng nguyên đại đệ tam chiếm 20 thời kỳ
(có lẽ gần thì ta coi trọng mà xa thì ta coi khinh).
Tiêu chuẩn để ấn định thời gian vắn dài
dựa trên lớp đất dày hay mỏng.
Nhờ phương pháp này, nhà địa chất học Mỹ
Dana đã ước lượng:
Đệ nhất nguyên đại 75%
Đệ nhị nguyên đại 18, 7%
Đệ tam nguyên đại 6, 2%
Và cũng nên nhớ rằng những tài liệu, những
chứng cứ thâu lượm được về cuộc tiến hóa, là những sự kiện đã thâu lượm
được một cách rời rạc, lẻ tẻ đó đây, và còn vô số thiếu sót, chứ nào ai
đã đào được cả các tầng đất trong thiên hạ, đã dò được hết đáy biển lòng
sông để tìm cho ra hết các dấu vết sinh linh trên một khoảng thời gian
1000 triệu năm trường được.
Một nhà khoa học ngày nay viết về cuộc
tiến hóa cũng y thức như một nhà văn viết về dã sử. Nhà khoa học không
thể nào tìm được sự chính xác trong mọi chi tiết, nhưng chỉ cốt gợi
ra một ý niệm khái quát về cuộc phiêu lưu kỳ bí, vĩ đại của trời
đất và của quần sinh.
D.- Các thuyết tiến hóa
– Tổng luận.
Thuyết tiến hóa được thành hình nhờ sự
đóng góp của nhiều bác học, danh nhân như:
-
Lamarck với thuyết biến dịch.
-
Darwin với thuyết tiến hóa.
-
Spencer và Hœckel với công trình
phổ biến học thuyết
-
De Vries với thuyết sậu biến
(mutationnisme).
-
Mendel, Weissmann, Morgan, và
Spemann với công trình thuyết minh huyền cơ di truyền chủng tính.
-
Tuy nhiên, cho tới nay, học thuyết
tiến hóa cũng chưa hoàn hảo.
Ta có thể tóm tắt những nhận định của nhà
bác học Lecomte du Noüy và của giáo sư Caullery về thuyết tiến hóa như
sau:
Chúng ta không biết sự sống đã phát xuất
tự bao giờ, chỉ biết nó đã diễn biến từ một quá vãng xa xăm mù mịt mà
khoa địa chất học và lý học ước lượng là một tỉ năm nay. Nếu sánh với
6.000 năm sáng thế ký thực đã là trời vực.
Ta chẳng biết gì về những sinh vật đầu
tiên, cũng như sân khấu đầu tiên đã chứng kiến những màn đầu của tấn
tuồng tiến hóa, vì những tầng đất từ thời Tiền Cam hầu như chẳng còn lưu
lại được vết tích gì.
Ta không nắm được trong tay hết các trang,
các giòng của cuốn lịch sử tiến hóa quần sinh; bất quá, ta chỉ có được
một vài trang vài đoạn rời rạc, và dẫu ta có thiện chí đến đâu, ta cũng
chẳng thám hiểm được tất cả hang hốc, núi non, sông biển trong thiên hạ,
và nhiều chủng loại đã rút lui khỏi sân khấu đờ mà không hề lưu lại dấu
vết; hơn nữa xương cốt loài vật chỉ được tồn tại trong những biến cố đặc
biệt, những trường hợp đặc biệt. Cho nên, nay ta chỉ có một trong muôn
ngàn những dấu vết xa xưa.
Chính vì vậy mà tất cả các ý niệm của ta
về cuộc tiến hóa chẳng những chỉ là những ý niệm khái quát, đại cương,
mà còn có thể nói được là phần nhiều đã sinh ra nhờ trực giác, nhờ suy
luận hơn là nhờ những chứng cứ cụ thể đã tìm thấy.
Khảo cứu cổ sinh vật, ta chỉ thấy những
biến dạng, mà không thấy được nguyên hình. Mỗi khi ta gặp một loài nào,
là ta đã thấy chúng khoác bộ mặt hóa trang của thời gian, không gian, mà
không còn biết nguyên ủy, gốc gác của chúng ra sao.
Các loài các giống, tuy ta đoán là chúng
cùng một gốc phát sinh, nhưng khi gặp gỡ chúng trên những lớp nham
thạch, ta đã thấy chúng xa xôi khác lạ, gàng quải, chia phôi; còn các
mắt xích, các trạng thái giao liên chuyển tiếp hầu như đã biến mất hết.
Mặc cho
ta đào bới, hỏi han, thời gian và núi non, đất cát vẫn vô tình im hơi
lặng tiếng, chôn vùi những ẩn tình, ấn tích vào lòng sâu quá vãng.
Ta ngỡ rằng các loài xa xưa đã biến dạng
như hoa trôi, bèo giạt trên làn sóng thời gian, hoặc xưa và nay đã trở
thành hai thái cực. Nhưng không, nếu ta khai quật những di hài loại cá
nhuyễn cốt từ thời Silua cách đây hàng 600 triệu năm, và nếu ta đem tế
bào thận của loài cá hóa thạch ấy soi vào kính hiển vi như B. Dean đã
làm, ta sẽ thấy, dẫu là cá nhuyễn cốt xưa, hay cá nhuyễn cốt nay, tổ
chức tế bào thận vẫn chẳng có biến thiên.
Ta dựa vào tông tộc các loài động vật có
vú để chứng minh thuyết tiến hóa. Nhưng ta chỉ biết dại khái rằng tất cả
họ hàng mơ mái muông thú đã xuất hiện đột nhiên vào thời Thủy tân kỳ
(Eocène) cách đây chừng 30 triệu năm, có vậy thôi, còn ta chẳng tìm ra
được dấu vết về sự khởi nguyên phát tích của chúng.
Nói tóm lại, thuyết tiến hóa biến dịch là
một quan niệm vĩ đại. Nó là học thuyết duy nhất giúp ta hiểu được mối
giây liên lạc giữa sinh linh; và xét toàn thể, toàn diện, thì sự biến
hóa là một sự kiện khó chối cãi.
Nhưng nếu muốn hiểu cho rõ nguyên ủy, thủy
chung, cho hết mạch lạc, cơ cấu, cách thức của cuộc tiến hóa biến dịch,
ta sẽ thấy đó là những công trình hiện còn vượt quá tầm hiểu biết của
ta.
Ta cố han hỏi thiên nhiên, đào bới đất
đai, thám hang, vét biển
ta cũng
chỉ biết được một vài mẩu chuyện mập mờ về cuộc tiến hóa vĩ đại ấy.
Cuốn kỳ thư ghi chép đại cuộc tiến hóa,
tuy có được tàng trữ trên rừng, dưới biển, trong núi, trong đồng, nhưng
nó đã bị mối mọt thời gian cắn nát hầu hết các trang.
Vả chăng, ta mới tìm được ít nhiều cơ cấu,
ít nhiều động cơ thúc đẩy tiến hóa, chúng ta còn phải bổ khuyết mãi mãi.
Ví dụ, ai dám bảo sự miễn nhiễm của loài vật không phải là một then chốt
tiến hóa quan trọng ? Thực vậy, nếu không kháng độc, kháng trùng, kháng
bệnh nổi, thì làm sao sống sót được để mà tiến hóa ?
Chúng ta thực phải hãnh diện, phải tự hào,
vì chỉ dựa vào ít nhiều tàn tích, mà đã cấu tạo được một học thuyết vĩ
đại, nhờ những khối óc tuyệt vời của những anh tài quán thế như:
Lamarck (1744 – 1829)
Geoffroy Saint Hilaire (1772 – 1844).
Lyell (1797 – 1875).
Darwin (1809 – 1882).
Wallace (1823 – 1915).
Weissmann (1834 – 1914).
De Vries (1848 – 1935).
Morgan (1866 – 1945).
Nhưng chúng ta cũng nên khiêm tốn, vì cho
đến ngày nay vũ trụ mới tiết lộ cho chúng ta một số bí mật trong muôn
vàn.
Mà có lẽ những bí mật còn được giấu diếm
ấy mới chính là chìa khóa giúp ta giải đoán được câu thai đố ngàn thu.
Cho nên chúng ta đừng quá tin những lý
thuyết của loài người.
Cho đến nay, những vấn đề nan giải đã
không giảm, lại còn tăng.
Sự sống xuất hiện ra sao, tới nay, vẫn còn
là một điều bí ẩn.
Các sinh vật hạ cấp như sâu bọ, chẳng
những không thấy tiến mà nhiều khi lại thấy lùi.
Chỉ duy những loại động vật có vú – những
tài tử mới bước vào sân khấu đời khoảng 30 triệu năm nay – mới thực sự
chứng minh được thuyết tiến hóa.
Nhưng
những động vật có vú dây mơ, rễ má thế nào với loài rắn rết; loài rắn
rết họ hàng, hang hốc ra sao với loài cá mú, sâu bọ; tất cả những vấn đề
này ta hiện còn mù mịt, chẳng có hay...
CHÚ THÍCH
Mục lục | Tựa của Phạm Đình Tân
| Thư bà Mary Lecomte du Noüy
| Lời nói đầu
Phần 1: chương
1
2
3
4 |
Phần 2: chương
1
2
3
4 | Phần 3: chương
1
2
3
4
Phụ lục
1
2
3 |
Sách tham khảo
|