LECOMTE DU NOÜY
VÀ
HỌC THUYẾT VIỄN ĐÍCH
Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ
Mục lục | Tựa của Phạm Đình Tân
| Thư bà Mary Lecomte du Noüy
| Lời nói đầu
Phần 1: chương
1
2
3
4 | Phần 2: chương
1
2
3
4 |
Phần 3: chương
1
2
3
4
Phụ lục
1
2
3 |
Sách tham khảo
PHẦN THỨ
BA:
NHẬN ĐỊNH VÀ PHÊ BÌNH
*
Chương
3
Bình luận về học
thuyết viễn đích của Lecomte du Noüy
–
L’avenir est plus beau que tous les passés,
c’est là ma foi.
Teilhard de
Chardin.
(Cf. Jean
Onimus – Pierre Teilhard de Chardin page 121)
Tương lai đẹp
hơn hết mọi dĩ vãng, đó là niềm tin của tôi.
– «Il
y a beaucoup d’aurores qui n’ont pas lui.»
(Véda)
(Planète 21, page 77)
Còn nhiều bình
minh chưa ló dạng.
Như ta đã biết:
Thuyết viễn đích chủ trương cuộc tiến hóa
quần sinh có một mục phiêu thâm viễn là thực hiện một giống người siêu
đẳng, thần nhân.
Thuyết viễn đích, như vậy, ngược lại với
các thuyết Lamarck, Darwin, Weismann vì những học thuyết này đi tìm lý
do của cuộc tiến hóa, còn thuyết viễn đích lại đi tìm cùng đích của cuộc
tiến hóa.
Thuyết viễn đích đặt ra một cùng đích xa
xăm nhưng rõ rệt, cho nên nó cũng khác với các thuyết cùng đích gần gũi,
của Cuvier,
Lamarck,
hay cùng
đích mơ hồ đại khái của C. Von Nageli, và Kolliker.
Vì nó chủ trương con người còn tiến hóa
hàng trăm ngàn năm, hàng tỉ năm nữa, cho nên nó cũng khác với sự tin
tưởng của giáo dân là ngày tận thế chẳng còn xa.
Vì thuyết viễn đích tôn trọng sự cố gắng
cá nhân và chủ trương Thượng Đế hướng dẫn công cuộc tiến hóa một cách vi
diệu, nên nó cũng khác với các thuyết định mệnh, số mệnh (Déterminisme,
fatalisme).
Thuyết viễn đích chủ trương tiến hóa nhưng
chấp nhận sự hướng dẫn của Thượng Đế, nên khác hẳn thuyết tiến hóa duy
vật, vô thần.
oOo
Xét về phương diện lập luận và cấu tạo, ta
có thể nói học thuyết Lecomte du Noüy đã xây dựng một cách hữu lý.
1) – Ông xây dựng học thuyết ông trên
thuyết tiến hóa, một học thuyết khoa học đang được thịnh hành khắp năm
châu.
2) – Ông tin tưởng Thượng Đế hướng dẫn
quần sinh và nhân loại đến một định mạng sang cả, đến một giống người
siêu đẳng trong tương lai.
Như vậy, là ông đã phối hợp được truyền
thống đạo giáo và các khám phá, các chủ trương khoa học.
Trong chương kết tác phẩm «Tương lai tinh
thần», ông có trích dẫn một câu của Jules Lachelier đầy ý nghĩa, và cũng
là phản ảnh tâm tư ông: «Về phương diện khảo cứu, tôi là những người
không muốn bỏ Darwin và chẳng muốn bỏ Moise.»
Lecomte du Noüy phê bình học thuyết mình
như sau:
«Học thuyết của tôi vẫn để cho các định
luật lý hóa, và ảnh hưởng của ngẫu nhiên được tự do tác dụng, thi triển.
Quan niệm hiện đại về vai trò của ngẫu nhiên được tôn trọng. Tôi biết
quan niệm này không phải là tuyệt đối. Nó có thể thay đổi sau đây một
vài thế kỷ; nhưng tạm thời, học thuyết mà tôi đề nghị có vẻ khoa học hơn
vì nó ăn khớp được với toàn thể kiến văn hiện thời và là một hệ thống
mạch lạc, đồng nhất đúng với tiêu chuẩn của Duhem.»
Ông cũng khiêm tốn nhận định như sau:
«Học thuyết này không phải là hoàn hảo. Nó
chỉ là một giả thuyết. Một giả thuyết phải là thang, chứ không phải là
lồng. Nó phải giúp ta giải thích được một số sự kiện lớn nhất và tìm ra
được giữa các sự kiện ấy một hệ thống mạch lạc, lý sự, có thể giúp ta
bao quát và đôi khi tiên đoán được những sự kiện mới.»
«Nó phải được thay thế bằng học thuyết
khác, khi nào những khám phá mới làm cho nó bị lung lạc, mất giá trị.
Nhưng cũng không được gạt bỏ nó một cách tiên quyết, vì lẽ nó đã nại đến
một quyền lực huyền diệu bất khả tri, khi nào chưa tìm được một năng lực
khác thay thế. Một giả thuyết dẫu sai cũng không làm tê liệt khoa học,
vì có người sẽ cố tìm ra những thí nghiệm để đả phá giả thuyết trên.
Những thí nghiệm ấy có thể phát sinh sự kiện mới, giả thuyết mới thích
hợp hơn.»
Ông cũng thành khẩn xin độc giả không nên
khắt khe với những biện luận của ông và chỉ giữ lấy chính ý mà ông muốn
trình bày.
Thực ra ông chỉ muốn chúng ta tin tưởng
vào «tương lai tinh thần», vào định mệnh sang cả của con người,
vào sự
cần phải cố gắng để thoát vòng kiềm tỏa của nhục dục để tiến tới thần
nhân, có vậy thôi.
Về phương diện thực tiễn là thấy học
thuyết Lecomte du Noüy đem lại rất nhiều lợi ích: nó đã bao quát và giải
thích được rất nhiều hiện tượng, và đã quán xuyến được nhiều vấn đề khoa
học, triết học, luân lý, đạo giáo.
Tuy nhiên, ta vẫn có thể tìm ra được những
nhược điểm của học thuyết.
1) - Học thuyết viễn đích của Lecomte du
Noüy dựa trên thuyết tiến hóa của Lamarck, Darwin. Nhưng sau khi khảo
sát các chứng cứ, lý luận của thuyết tiến hóa, ta thấy nó chưa có gì là
vững chãi.
Dựa trên học thuyết tiến hóa, Lecomte du
Noüy có lợi điểm lớn lao là hiện nay học thuyết này đang được sùng
thượng và được mọi người công nhận.
Nhưng sự được sùng thượng, hay sự thịnh
hành của một học thuyết không phải là một bảo đảm chân lý.
Thật ra, chủ trương một con vi trùng phiêu
dạt trong trùng dương man mác,
không hề
có gì tiền định trong căn cơ,
mà chỉ do
ảnh hưởng của hoàn cảnh, do cố gắng của cá vật để đấu tranh sinh tồn, đã
có thể biến cải qua nhiều kiếp để tiến đến con người, rồi tự con người
đến thần minh,
thì thực
cũng là một loại chuyện thần kỳ.
Học thuyết Lecomte du Noüy dựa trên một
vài thỉnh lý và giả thuyết:
A.- Thỉnh Lý:
1) Con người là một mắt xích trong chuỗi
dây tiến hóa.
2) Cuộc tiến hóa vẫn tiếp tục nơi con
người và đã xoay chiều vào bình diện trí não tâm thần.
B.- Giả thuyết:
Trong một tương lai xa thẳm, con người sẽ
tiến đến thần nhân, không phải là sau đây hai chục, năm chục, hay một
trăm nghìn năm mà lâu cho tới tận thế.
Mà ngày tận thế, theo toán học còn xa xăm
lắm, ít ra cũng phải hàng tỉ năm.
Lecomte du Noüy thực đã có một cái nhìn
rộng rãi, bao quát vạn vật và không gian thời gian...
Nhưng ông đã bỏ qua vấn đề trọng yếu, mà
các nhà siêu hình họ thường bận tâm suy cứu. Đó là vấn đề «nguyên thể»
của vũ trụ.
Đó là vật chất?
Đó là tinh thần?
hay đó là một nguyên thể siêu tinh thần,
vật chất; bao quát cả tinh thần, vật chất?
Nguyên thể ấy liên quan thế nào với Thượng
Đế?
Vì không giải được vấn đề ấy, nên đến khi
cần phải giải thích tâm thần xuất sinh ra sao, Ông có vẻ lúng túng.
Lúc thì, theo đúng tinh thần khoa học, Ông
cho rằng tinh thần là hoạt động của óc não. Óc não xét về cơ cấu thì
theo định luật vật chất, xét về hoạt động lại thuộc về bình diện tinh
thần, siêu nhiên.
Lúc thì Ông chủ trương ngược lại, và coi
thần trí như là một thực thể mới, đến cư ngụ trong xác thân.
Trung thành với học thuyết tiến hóa, ông
cũng đã nhiều lần chủ trương không có gì là tiềm ẩn, không có gì là tiền
định trong sinh linh, mà chỉ có thích ứng dần dà với hoàn cảnh, di
truyền dần dà với các tập tính, để đi đến một cùng đích thâm viễn, nhưng
khi ông công kính học thuyết Weismann.
Thế nhưng, đến con người, ông lại chủ
trương cái cao siêu, lý tưởng hay «yếu tố thần minh» đã tiềm ẩn trong
con người, và ta phải cố công khuếch sung thiên tính ấy.
So sánh
trước sau, ta thấy ông đã thay đổi lập luận phần nào.
Lecomte du Noüy chủ trương: những khối óc
siêu việt có thể xuất hiện bất kỳ ở đâu. Họ không phải là Tàu, là Mỹ, là
Anh, hay Ấn, họ là những con người.
Nhưng nhìn vào đồ bản quần sinh tiến hóa ở
cuối quyển «Phẩm giá con người» thì ta thấy rằng người Âu Mỹ (Da Trắng)
mới là dòng dõi được tuyển lựa để tiến hóa, còn các chủng tộc khác đã bị
«đào thải», là những «thí nghiệm», những «lỗi lầm» của thiên nhiên, theo
luận điệu tiến hóa.
Hiện nay, không ai chối cãi được là người
Âu Mỹ đang thịnh đạt, nhưng từ đó mà đoán định cho tương lai thì có lẽ
cũng vội vàng; lịch sử đã cho thấy trong quá vãng, văn minh đã bao lần
sang tay nhiều quốc gia và chủng tộc khác nhau.
Ông đặt cho con người một mục phiêu cao cả
là sự hoàn thiện tuyệt đối.
Và cho rằng trong tương lai xa thẳm, nhân
loại sẽ trở nên hoàn thiện như Chúa Jésus, vị đạt nhân tiền phong từ
trước bao ngàn thế kỷ.
Thực là
một viễn tượng vô cùng hùng vĩ, và hợp với sự tiên tri viễn vọng của
Thánh kinh và các nhà huyền học.
Tuy
nhiên, ông cũng lại dè dặt không nói rõ liên lạc lúc ấy giữa con người
và tạo hóa ra sao.
Các nhà huyền học trái lại nói rất rõ
ràng: Chí nhân là những người sống kết hợp với Thượng Đế.
Lão tử cũng cho rằng lý tưởng cao siêu
nhất của người xưa là sống phối hợp với Thượng Đế.
Theo Cha Teilhard de Chardin, thì tới
chung cuộc tiến hóa của nhân loại cũng như của vũ trụ, dung nhan của
Đấng đã làm cho muôn loài tồn tại, sẽ hiển hiện ra.
Cha còn viết:
«Tôi tin rằng vũ trụ tiến hóa.»
«Tôi tin rằng cuộc tiến hóa tiến tới Thần
Linh.»
«Tôi tin rằng Thần Linh sẽ kết thúc trong
Thượng Đế hữu ngã.»
«Tôi tin rằng Thượng Đế hữu ngã tuyệt đối
là đấng Christ đại đổng phổ quát.»
«Thần Linh rút cuộc sẽ phối hợp cùng
Thượng Đế.»
Học thuyết của Lecomte du Noüy tuy theo
những đường lối, hình thức khác, nhưng xét về chủ trương cũng có liên
lạc ít nhiều với quan niệm của Dịch Kinh.
Ông chủ trương:
1) Nhất vật sinh vạn vật.
2) Vạn vật biến hóa, tiến hóa.
3) Vạn vật biến hóa để tiến tới toàn
thiện.
Dịch Kinh chủ trương:
1) Nhất thể vạn thù, Thái Cực sinh vạn
vật.
2) Vạn vật biến thiên tiến hóa, theo hai
chiều tinh thần, vật chất, âm dương vãng lai, phản phúc tuần hoàn.
3) Vì có vãng lai phản phúc tuần hoàn nên
đến chung cuộc, vạn vật lại trở về Thái Cực.
Đó là ý nghĩa câu: «Thiên địa tuần hoàn,
chung nhi phục thủy.»
Hay «thủy chung như nhất» của Á Châu.
Lecomte du Noüy cũng thành khẩn chấp nhận
rằng niềm tin về tiến hóa hiện nay không phải bắt nguồn từ khoa học, mà
từ trực giác siêu hình.
Cho nên
muốn định giá trị học thuyết ông, và cũng là để đi tìm chân lý, ta có
thể đối chiếu học thuyết ông cùng ít nhiều học thuyết khác.
1- Trước tiên là thuyết Sáng tạo bởi hư
vô, sáng tạo các loài riêng rẽ liên tiếp nhau, do đó các loài bất biến
bất dịch.
Thuyết này đã được giảng dạy từ ngót hai
nghìn năm nay và đến thế kỷ XIX cũng còn được Linné và Cuvier bênh vực;
nhưng xét lại, thì thuyết này có nhiều nhược điểm:
Thực vậy, thuyết này một mặt chủ trương
Thượng Đế toàn năng, toàn trí ở khắp nơi, một mặt lại chủ trương có hư
vô phân biệt với Thượng Đế như vậy là mặc nhiên giới hạn Thượng Đế rồi.
Lại nữa, đã là hư không thì có gì mà sinh
xuất, làm sao mà vạn vật từ hư không sinh xuất, lại có thể tồn tại, có
bản thể được?
Các nhà thần học thần học chủ trương
thuyết tạo dựng từ hư vô, chỉ nại được một chứng cứ Thánh Kinh trong
quyển Machabêô (II Macchabées VII, 28)
nhưng đã
hữu ý quên lãng hết những đoạn thánh kinh chủ trương Thiên Chúa đã tạo
dựng nên vạn vật qua trung gian của Đạo, của Logos.
Ta cũng nên nhớ Bergson không chấp nhận
chủ trương tạo dựng từ Hư Vô.
Các nhà huyền học Đông Tây chủ trương vạn
vật xuất sinh từ Hư Vô, nhưng danh từ Hư Vô đối với các nhà huyền học
lại có nghĩa là Thượng Đế bất khả tư nghị, Thượng Đế siêu việt trên mọi
hình thức sắc tướng.
Vì vậy mà Lão Tử chủ trương: Hữu sinh ư
vô.
Các nhà huyền học đạo Lão cũng chủ trương:
«Luyện thần hoàn Hư, phục qui Vô cực.» Nói thế tức như nói luyện thần để
trở về cùng Thượng Đế.
Các nhà học giả Âu Châu thường không biết
Hư vô có nghĩa là «Thượng Đế bất khả tư nghị» nên cho rằng người Á Châu
ngu si; tu luyện để trở thành hư ảo, hư không!
Theo Lecomte du Noüy, thì chủ trương vạn
vật được tạo dựng riêng rẽ không liên lạc gì với nhau là một chủ trương
hiện nay đã lỗi thời.
Teilhard de Chardin cũng quan niệm rằng
xưa kia người ta tưởng cái gì cũng bất động, cố định, nhưng thực tại cho
thấy cái gì cũng biến thiên, bất định.
2) – Thuyết thứ hai, là thuyết tiến hóa
duy vật hiện đại như ta đã biết, với những chủ trương:
a) Vật chất có từ muôn thủa.
b) Vạn vật ngẫu nhiên sinh.
c) Vạn vật biến hóa từ loài này sang loài
khác do:
- Sự thích ứng với hoàn cảnh.
- Sự đấu tranh sinh tồn, đào thải, tuyển
lựa tự nhiên.
- Sự ngẫu biến v.v...
Học thuyết duy vật chủ trương thiên đường
ở ngay hạ giới, và trong tương lai nhờ sự cố gắng, con người sẽ trở
thành thần minh, trần ai sẽ biến thành tiên cảnh...
Chúng ta đã bàn cãi rất nhiều về học
thuyết này, chỉ cần nói thêm rằng quan niệm vật chất này rất mơ hồ, vì
chữ vật chất xưa kia thường bao hàm nghĩa ù lì, bất động, mà nếu đã ù
lì, bất động
làm sao
lại sinh xuất được thiên biến, vạn hóa !
3) – Chủ trương thứ ba là chủ trương của
các nhà huyền học Đông Tây kim cổ. Nó không được phổ cập vào quần chúng,
nhưng ngược lại nó đã được những thượng trí, thượng nhân mọi nơi mọi
đời, bất phân đạo giáo chủ trương. Ta thấy chủ trương này nơi các nhà
huyền học Âu Châu thượng cổ, các triết gia Hi Lạp, các Thánh Paulô,
Joan,
các nhà
huyền học Bà la môn, Phật giáo, Lão giáo, Khổng giáo, các tác giả Dịch
Kinh, Zohar, Kaballe v.v. và gần đây đã được Teilhard de Chardin làm cho
sống động lại.
Chủ trương này đại khái như sau:
Trời đất vạn vật chẳng qua là thiên hình,
vạn trạng của một thực thể duy nhất, của Tuyệt đối thể.
Tuyệt đối thể này là hiện thân của Thượng
Đế siêu việt bất khả tư nghị.
Tuyệt đối thể này, mỗi nơi kêu bằng một
danh hiệu, hoặc là Đạo, là Chân tâm, là Thái Cực, là Logos. Tuyệt đối
thể này là một Thực thể duy nhất bao quát cả hai phương diện tinh thần
và vật chất.
Teilhard gọi Tuyệt đối thể này là «Nguyên
thể vũ trụ». Nguyên thể này có hai phương diện vật chất và tinh thần y
như chủ trương của Dịch kinh: Thái Cực sinh âm dương.
Nhất thể
ấy sinh xuất ra quần sinh, quần sinh lại qui hướng tiến hóa và Nhất thể.
Nhất tiến ra vạn, rồi vạn lại quy về nhất,
theo nhịp điệu cùa thời gian. Cho nên trong trời đất, đâu đâu cũng tràn
đầy lẽ biến dịch. Sự biến dịch theo hai chiều hai hướng, hoặc là phân
tán đào thải, hoặc là súc tích để tiến tới tinh hoa trở về nguyên bản.
Lẽ vãng
lai, phản phúc ấy đã được trình bày trên các đồ bản Dịch, và Hà Đồ, Lạc
Thư.
Từ quan niệm vạn vật nhất thể ấy, các
triết gia suy diễn ra nhiệm vụ bác ái đối với mọi người, và chủ trương
mọi người đều có thể trở nên giống Thượng Đế. Cha Ricci viết:
«Trào lưu tư tưởng mà nhiều người theo
hiện nay, theo tôi có lẽ đã vay mượn ở một giáo phái tà thần (?) từ 500
năm nay (Tống nho). Quan niệm ấy là: Thiên địa vạn vật nhất thể, người
vật cỏ cây, tứ tượng đều hợp thành như một cơ thể duy nhất mà vạn vật là
những phân bộ. Từ quan niệm nhất thể ấy họ rút ra nhiệm vụ bác ái với
mọi người, và chủ trương mọi người đều có thể nên giống Thượng Đế.»
Như vậy dưới những lớp lang biến ảo của vũ
trụ, dưới những hình thức biến thiên của tâm hồn, còn có một thực thể
hằng cửu, viên mãn, bất diệt.
Mọi công cuộc giáo hóa, tu trì là cốt chỉ
vẽ cho con người nhìn nhận cho ra được bản thể tuyệt đối bất diệt và
hằng cửu ấy.
- Muốn tìm tuyệt đối, hằng cửu bất diệt,
phải trở về đáy lòng.
- Muốn tìm Bồ Đề, Niết Bàn phải tìm nơi
tâm khảm: đó là chủ trương của Thiền Tông.
«Quay về ta tìm Đạo ấy,
Tìm đáy lòng sẽ thấy chẳng sai.»
Đó là chủ trương của Chu Hi,
cũng như
của các đại hiền triết Nho giáo.
Theo các nhà huyền học Á Đông, thì vũ trụ
và vạn vật thảy đều biến hóa không ngừng.
Cho nên con người cũng phải luôn biết hóa
hoàn cảnh để cho đời sống vật chất thêm đẹp tươi.
Biến hóa tâm tư, cải thiện đồng loại, để
xã hội ngày thêm công bình, hòa hiệp.
Biến hóa tâm thần để trở thành Tiên, Phật,
Thánh; phối thiên, phối mệnh, kết hợp cùng Thượng Đế.
Tuyệt đối thể vừa là căn nguyên lai cũng
vừa là cùng đích, cho nên muôn loài phải tiến hóa để tiến dần về cực
điểm tinh hoa ấy. Lão tử viết:
Muôn loài sinh hóa đa đoan,
Rồi ra cũng phải lai hoàn bản nguyên.
Hoàn bản nguyên an nhiên phục mệnh,
Phục mệnh rồi trường vĩnh vô cùng.
Tất cả lẽ Dịch, là nhất tán vạn, vạn qui
nhất, phản phúc, vãng lai, từ Thái Cực phát xuất là vạn hữu, rồi vạn hữu
lại tiến hóa biến thiên để trở về Thái Cực.
Thế là «Thiên địa tuần hoàn chung nhi phục
thủy.» Thế là Thủy chung như nhất.
Thủy hay Chung vẫn chỉ là một Thái Cực,
khác nhau nguyên ở hai thế ẩn và hiện, ẩn lúc ban sơ, hiện lúc chung
cuộc. Giữa Thủy và Chung là tất cả lịch trình biến thiên, tiến hóa của
vũ trụ theo lẽ vãng lai phản phúc, tuần hoàn.
Vạn sự từ trung tâm phát xuất, trước sau
cũng phải trở về trung tâm.
Trở về được Trung Tâm là «hoàn nguyên,
phản bản» thành Thánh, Thần, Tiên, Phật, bỏ được nhân tâm bước lên được
bình diện thiên tâm, bỏ được tiểu tri, tiểu kiến, trở thành những bậc
đại giác đại ngộ.
Các nhà Huyền học Âu Châu cũng chủ trương:
Tuyệt đối thể là nguyên thủy và là cùng
đích,
Vạn vật từ nguyên thủy biến thiên hết một
vòng theo đúng lẽ phản phúc, tuần hoàn, lại trở về cùng đích. Các ngài
viết niềm tin ấy thành ký hiệu sau:
Trong đó:
α = là nguyên thủy
ω = là cùng đích
ρ = chữ rho (Hi Lạp)
T
= chữ tau (Hi Lạp).
Tất cả có thể đọc thành (Tora) hay (Rota)
và đã phát sinh ra khoa Tarot sau này.
Tarot cũng y như Kinh Dịch, mà Rota chính
nghĩa là hãy quay, hãy biến thì mới thấy được và
w.
Lẽ biến dịch phản phúc tuần hoàn được biểu
hiện bằng đồ bản sau:
Đồ bản này cho ta thấy:
1) – Trung cung bất biến, (chữ Tenet hợp
thành chữ thập ở giữa không đổi).
2) – Sự phản phúc, tuần hoàn được biểu
diễn bằng sự lật ngược hai chữ SATOR và AREPO thành ROTAS và OPERA.
Đó chính là bí quyết, mà nếu không so
sánh với các đồ bản Dịch Kinh, chúng ta khó lòng tìm ra được.
Học thuyết này cũng chủ trương:
a) – Thượng Đế chỉ sáng tạo một lần, sáng
tạo ra Thái Cực, ra Đạo, ra Logos. Như vậy Thái Cực hay Logos sinh xuất
ra mọi sự.
b) – Vạn vật xuất sinh từ Thái Cực, từ
Logos, tức là vô sắc tướng, dần dần trở thành hữu hình hữu tướng,
rồi lại
trở về vô hình tướng.
c) – Trong con người, cái vô sắc tướng
tiềm ẩn ngay trong tâm hồn con người, cho nên muốn tìm ra căn cơ vũ trụ
và con người, chúng ta chỉ việc «hồi quang quán chiếu», đi sâu vào tâm
hồn mà tìm ra siêu việt.
«Đi sâu vào trong tâm hồn, ta lập tức sẽ
khám phá ra được huyền lực quen thuộc đã làm sống động quần sinh, và
sinh ra những trạng thái vui buồn, sướng khổ nơi sinh vật: đó là phía
trong tòa lâu đài. Mặt tiền lâu đài là những hình trạng của vũ trụ, mà
ngũ quan ta thấy được.
«Nhìn bên ngoài, ta chỉ thấy các vật dao
động, biến thiên, nhưng không hiểu được những động cơ sinh biến hóa bên
trong.
«Chúng ta sống được nhờ nguyên lý tiềm ẩn
bên trong ấy; còn chúng ta, chúng ta chỉ là những sự biểu dương phóng
phát của nguyên lý ấy mà thôi.»
Nhận Đạo hay Thái Cực hay Logos là bản thể
vũ trụ, chúng ta có thể thoát được nhiều vấn đề thắc mắc, nan giải như
sự sống có tự bao giờ, có tự nơi đâu, vì Đạo là sự sống.
Như vậy, vũ trụ tràn đầy sự sống, chỉ khác
nhau ở các hình thức, trạng thái phát huy.
Có lẽ vì thế mà Teilhard de Chardin đã chủ
trương siêu nhiên ở ngay trong lòng vạn vật.
«Đấng Christ» ở ngay trong lòng vũ trụ «ăn
rễ» sâu xa vào vũ trụ cho tới đáy lòng nguyên tử. Ngài ở ngay trong giữa
lòng vật chất.»
Và đối với Teilhard de Chardin, trong sự
sáng tạo, thần linh không có hoạt động máy móc bên ngoài, mà hoạt động
ngay trong lòng vật chất... Vật chất chuyển dịch, sẽ trở nên trong suốt
và làm hiển lộ ra năng lực siêu nhiên đang ở bên trong.
Nếu Thái Cực, nếu Đạo, Logos đã tiềm ẩn
trong đáy lòng vật chất cũng như trong thâm tâm ta, thì câu chuyện đi
tìm căn nguyên gốc rễ hay trở về căn nguyên gốc rễ, thực hiện được Thiên
tâm, Thiên ý, Thiên mệnh là công xuộc mà ta có thể làm xong ngay trong
đời ta, không cần phải đợi tới tái sinh, hay tới tận thế. Chúng ta đã có
phương pháp thâu gọn thời gian, thâu gọn dĩ vãng và tương lai vô tận
thành khoảnh khắc hiện tại.
Với những ý niệm trên ta có thể đối thoại
với thuyết tiến hóa duy vật. Chúng ta công nhận vạn vật xuất sinh từ một
nguồn gốc chung, nhưng nguồn gốc chung ấy là Thái Cực, là Đạo (Logos)
chứ không phải là vật chất. Đối với Đạo, vật chất và tinh thần chỉ là
hai phương diện.
Chúng ta công nhận sinh linh xuất sinh từ
một nguồn sinh nhưng không phải là từ con trùng nhỏ bé, mà từ Thái Cực,
từ Đạo thể (Logos) vô biên.
Chúng ta công nhận quần sinh đã được tiền
định, đã được tiềm ẩn, trong nguồn sinh, trong Thái Cực, chứ không phải
là trong cái trứng nhỏ nhoi thủa ban đầu hay trong tế bào sinh vật
nguyên thủy theo chủ thuyết Weismann.
Chúng ta công nhận hình hài, ngoại cảnh có
ảnh hưởng đến cuộc tiến hóa, nhưng chúng ta còn đi thêm bước nữa là đề
cao những ảnh hưởng tâm thần.
Chúng ta công nhận có sự biến dịch, tiến
hóa, từ nhất ra vạn, từ vạn về nhất, phản phúc tuần hoàn, thủy chung như
nhất, chứ không phải là tiến hóa từ côn trùng đến thần minh, như vậy là
tiến hóa một chiều, và tiền hậu, bất nhất. Theo nhãn quan này, vũ trụ có
hai chiều hướng phóng phát và qui hoàn mà Bergson và Teilhard de Chardin
mỗi người đã nhìn thấy một phía.
Sau khi đã trình bày các học thuyết hiện
hành trong thiên hạ, ta thấy học thuyết viễn đích của Lecomte du Noüy
không thuộc hẳn vào một loại học thuyết nào trên đây, nhưng nó có thể
bắc một nhịp cầu thông cảm giữa các học thuyết, vạch rõ con đường từ Vạn
tiến về Nhất, từ quần sinh lần trở về nguồn, nên sẽ giúp ta tìm về chân
lý dễ dàng hơn.
Như vậy
cũng đã là một thành công lớn lao rồi vậy.
CHÚ THÍCH
Mục lục | Tựa của Phạm Đình Tân
| Thư bà Mary Lecomte du Noüy
| Lời nói đầu
Phần 1: chương
1
2
3
4 | Phần 2: chương
1
2
3
4 |
Phần 3: chương
1
2
3
4
Phụ lục
1
2
3 |
Sách tham khảo
|