LECOMTE DU NOÜY
VÀ
HỌC THUYẾT VIỄN ĐÍCH
Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ
Mục lục | Tựa của Phạm Đình Tân
| Thư bà Mary Lecomte du Noüy
| Lời nói đầu
Phần 1: chương
1
2
3
4 |
Phần 2: chương
1
2
3
4 | Phần 3: chương
1
2
3
4
Phụ lục
1
2
3 |
Sách tham khảo
PHẦN THỨ
HAI:
HỌC THUYẾT VIỄN ĐÍCH
*
Chương
3
Giả thuyết viễn
đích
Où va-t-il ce
navire; Il va, de jour vêtu,
À l’avenir
divin et pur, à la vertu,
À la science,
qu’on voit luire.
Il v ace
glorieux navire,
Au juste, au
grand, au loin, au beau, vous voyez bien.
Qu’en effet,
il monte aux étoiles.
VICTOR HUGO
(Plein Ciel)
Thuyền nhân
loại hướng về đâu tá ?
Thuyền quang
hoa băng ngả thần tiên,
Tiến về mai
hậu siêu nhiên,
Tiến về đức
hạnh nguyên tuyền tinh hoa.
Anh khoa học
trời xa lóng lánh,
Thuyền quang
hoa băng cảnh thần tiên,
Tiến về đẹp đẽ
tinh tuyền,
Tiến về thượng
giới, về miền muôn sao.
Tiết 1
Đại cương
Đứng trước cuộc tiến hóa quần sinh vô cùng
vĩ đại ấy, Lecomte du Noüy chủ trương:
1) Nhất định cuộc tiến hóa phải có «phản
ngẫu nhiên», phải có Thượng Đế hướng dẫn, chứ không thể vô ý, vô tình,
nhất là ngẫu nhiên đã không sao giải thích được đà tiến hóa liên tục
hướng thượng, cũng như sự xuất hiện của lương tâm, ý chí và các ý niệm
trừu tượng.
2) Cuộc tiến hóa được hướng dẫn, nhưng
hướng dẫn một cách tế nhị, khéo léo, chứ không có lối khắt khe, đoán
định.
Cho nên tất cả các ảnh hưởng tự nhiên,
cũng như sự đóng góp của quần sinh và của con người vẫn rất quan trọng.
3) Cuộc tiến hóa quần sinh lên đến con
người đã dần dà tiến vào bình diện óc não và nội tâm.
Sự chuyển hướng này có thể minh chứng bằng
lịch sử, nhất là bằng tiền sử, bằng những vết tích nghệ thuật, đạo giáo
nơi con người tiền sử.
4) Cuộc tiến hóa vũ trụ quần sinh có một
mục đích xa xôi là cốt thực hiện một giống người siêu đẳng, những «thần
nhân» trong một tương lai hãy còn xa thẳm. Vì thế gọi là viễn đích.
Để đạt
được mục đích thâm viễn ấy, nay con người đã có trong tay nhiều lợi khí
mới mẻ, đó là truyền thống, văn minh, từ ngữ, ý niệm trừu tượng, khoa
học, đạo giáo v.v...
Học thuyết viễn đích của Lecomte du Noüy
khác hẳn với các thuyết tiến hóa duy vật, vì học thuyết viễn đích chủ
trương cần chấp nhận có Thượng Đế đẩy đưa, hướng dẫn công cuộc tiến hóa.
Chủ thuyết viễn đích khác hẳn với các học
thuyết định mệnh, số mệnh, tiền định khắt khe (déterminisme, fatalisme
etc... )
vì nó chủ
trương một sự hướng dẫn vi tế mà vẫn trọng quyền tự do con người, vẫn
cần có sự cộng tác của con người.
Nó cũng khác hẳn với các «chủ nghĩa mục
đích» (finalisme) thiển cận chỉ cốt cắt nghĩa sự tương ứng, tương hợp
giữa các quan năng và tác dụng giữa quần sinh và hoàn cảnh, vì học
thuyết này vượt tầm không gian, thời gian để tiên đoán một mục phiêu vô
cùng vĩ đại và cao đẹp hơn: ấy là sự xuất hiện của những «tâm thần siêu
đẳng», của những «thần nhân» trong tương lai.
Chúng ta
sẽ bàn lại từng đề mục.
Tiết 2
Cuộc tiến hóa quần
sinh bắt buộc ta
chấp nhận có sự hướng dẫn của Thượng Đế.
Ông viết:
Nếu chúng ta chấp nhận có tiến hóa, có sự
diễn biến tuần tự từ xưa tới nay, thì ta phải giải thích sự kiện đó. Đó
là thái độ khoa học.
Chúng ta phải cân nhắc tất cả những giả
thuyết đã được dùng để giải thích sự kiện đó.
Nhưng chúng ta nhận thấy rằng, tất cả
những giả thuyết lý sự giúp ta hiểu được đa số sự kiện, đều phải chấp
nhận một quyền năng siêu việt.
Ngay đến Lamarck
và Darwin
cũng đều
chấp nhận có sự can thiệp của Thượng Đế.
Các nhà khoa học khác nhiều khi không ngờ
rằng chính họ cũng đã chấp nhận ngay từ lúc đầu sự can thiệp của Thượng
Đế, nhưng vì sự can thiệp ấy ở mãi đầu dây, đầu cuộc, nên sau dần họ
quên lãng mất và không còn để ý tới.
Hiện nay, không có một giả thuyết nào cắt
nghĩa được nguồn gốc sự sống và sự tiến hóa tự nhiên.
Cho nên, dầu muốn dầu không, ta cũng phải
chấp nhận có Thượng Đế.
Nhiều
người cho rằng vì không sao hình dung được Thượng Đế, nên không thể tin
có Thượng Đế.
Nhưng họ nào có hình dung được điện tử ra
sao đâu, mà họ vẫn tin có điện tử.
Chúng ta không hình dung được điện tử, thì
làm sao hình dung nổi Thượng Đế?
Chúng ta
không hình dung, không quan niệm được Thượng Đế, nhưng chúng ta linh
cảm, linh giác được Thượng Đế, và chúng ta thấy lòng khát vọng Thượng
Đế. Sự khao khát ấy có thực, vì nó đã phát sinh ra những tư tưởng luân
lý, những khái niệm nghệ thuật; và nếu những khát vọng lý tưởng nơi ta
có thực, thì Thượng Đế, lý do sinh ra chúng, nhất định phải có thực, mặc
dầu ta không quan niệm, hình dung được.
Những người thành khẩn nếu không cho rằng
cần phải có một thần trí siêu việt tổ chức, an bài, thì chỉ nên nói
rằng: «Tôi không biết, không hay, mà đừng có xúi bẩy người khác, lung
lạc người khác.»
Còn những kẻ không dựa được vào một bằng
chứng gì mà cố tình đả phá ý niệm Thượng Đế, là một kẻ có hành động hèn
kém, phản khoa học.
Lecomte du Noüy viết:
«Tôi tuyên bố dõng dạc và thành khẩn như
vậy, chính vì tôi đã không tự nhiên mà tin có Thượng Đế, tôi đã không có
một niềm tin thực sự phát xuất từ đáy lòng ngay từ buổi ban sơ. Nếu cần
phải đem tình cảm vào khoa học, tôi tin có Thiên Chúa cũng vững mạnh như
tôi tin có tiến hóa và có điện tử. Và tôi chắc chắn hẳn hoi là đã không
lầm.
«Tôi không như những nhà khoa học khác đã
có may mắn là được nâng đỡ, hỗ trợ bởi một niềm tin chắc chắn, không thể
lay chuyển; còn tôi, tôi đã bước vào đời, chẳng hề có chút tin tưởng nào
vào thần quyền, theo trào lưu đang thịnh hành lúc ấy. Tôi phải mất 30
năm cặm cụi trong phòng thí nghiệm mới nhận chân được rằng những người
có trách nhiệm soi sáng cho tôi, dù chỉ là bằng cách thú nhận sự dốt nát
của họ, đã cố tình dối gạt tôi.
«Ngày nay, nhờ lý trí mà tôi tin có Thượng
Đế.
«Tôi đã tin có Thượng Đế, chính nhờ đi con
đường sinh lý học và vật lý học, và tôi tin chắc rằng bất kỳ một nhà
khoa học nào, nếu không cố chấp mê muội, không có gian ý, lại chịu nghĩ,
chịu suy, cũng sẽ đi tới cùng một niềm tin ấy như tôi.
«Nhưng con đường tôi đi còn là con đường
quanh quất, chẳng hay. Và chính vì muốn cho những người khác khỏi mất
thì giờ, mất công, mất sức như tôi, nên tôi hết sức chống đối lại ác ý
của những nhà hướng đạo không xứng đáng.»
Tiết 3
Cuộc tiến hóa được
hướng dẫn
một cách tinh vi tế nhị để toàn bích hướng về một viễn đích.
Lecomte du Noüy không tin vào những định
mệnh khắt khe, và chắc là Ông không nói:
«Nhất ẩm nhất trác giai do tiền định»
Hay: «Cái quay búng sẵn trên trời,
Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm...»
(Cung oán ngâm khúc)
Ông chủ trương cuộc tiến hóa được hướng
dẫn, nhưng hướng dẫn một cách vô cùng tế vi, ý nhị, khéo léo, thần kỳ,
hướng dẫn mà như không hướng dẫn.
Lecomte du Noüy viết:
«Còn tôi, tôi chủ trương một sức hướng dẫn
y như một dẫn lực vũ trụ, hay một hấp lực nam châm qui hướng về một mục
đích thuần thần rất xa xăm.»
Còn những phương thức để tiến tới viễn
đích thì lệ thuộc hoàn cảnh vật chất, bị chi phối bởi những định luật
vật chất, và trên con đường tiến hóa, vạn vật như nhắm mắt bước mò, theo
một tiếng đồng vọng xa xăm dẫn lộ.
Nếu vậy thì, các vật tiến hóa y như thể vô
ý, vô tình, nhưng thật ra vẫn được hướng dẫn, lèo lái âm thầm, khéo léo
đến nỗi như không thấy vân mòng.
«Ma lực Maxwell luôn hiện ra đúng lúc, để
hướng dẫn do dự vật chất kịp thời, với một năng lực vi tế khoảng chừng
một quang tử.»
Chủ trương của Lecomte du Noüy về sự hướng
dẫn quần sinh của Thượng Đế, làm ta nhớ lại quan niệm của Lão tử: «Vô vi
nhi vô bất vi.»
«Không làm mà cái gì cũng vẫn làm.»
Hay câu nói của Khổng Tử trong Luận Ngữ:
«Trời nói gì đâu, thế mà bốn mùa thay đổi, muôn vật sinh sản. Trời nói
gì đâu?»
Lecomte du Noüy viết thêm:
Trong cuộc tiến hóa, vạn vật y như nhắm
mắt mà tiến bước lúc trệch sang trái, lúc lái sang phải, rồi lại trở về
đúng hướng đúng chiều, y như được hướng dẫn bởi một huyền lực dịu dàng
và liên tục, bằng một tiếng gọi xa xăm, tuy nay còn khó hiểu nhưng chúng
vẫn phải nghe theo.
Nói cách khác, thuyết viễn đích chỉ chủ
trương rằng: Cuộc tiến hóa có một mục đích duy nhất là thực hiện những
tâm thần siêu đẳng – «những» thần nhân trong tương lai – còn các phương
tiện, cách thức, thì để tùy nghi, tùy thời, tùy thế.
Thế cũng là chủ trương của Dịch Kinh:
«Đồng qui nhi thù đồ, Nhất trí nhi bách lự.» (Dịch, Hệ từ.)
Như vậy, thuyết viễn đích vẫn tôn trọng
các định luật lý hóa sinh, và vẫn chấp nhận ngẫu nhiên như những duyên
do chính trong cuộc tiến hóa.
Thuyết viễn đích chấp nhận một mục đích,
một sự hướng dẫn để các hiện tượng luôn biến thiên theo một chiều hướng
nhất định.
Ta thấy sinh linh luôn tiến hóa y như là
để thêm tự do, khinh khoát, bớt lệ thuộc hoàn cảnh.
Y như mọi sinh vật đều muốn thoát vòng
kiềm tỏa của ngoại cảnh, vật chất, và cuộc tiến hóa đã diễn tiến theo
chiều hướng ấy.
- Vi vật đơn bào trở thành đa bào.
- Các chức phận sinh lý ngày một thêm tinh
xảo hơn.
- Vật không xương sống nhường bước cho
những loài có xương sống linh động hơn.
-
Vật sống dưới nước sinh ra vật thở
được cả dưới nước, cả trên cạn, rồi đến vật sống trên cạn.
Sau loài rắn máu lạnh lệ thuộc khí hậu, là
loài chim có máu nóng bớt lệ thuộc hoàn cảnh.
Sau những loài đẻ trứng, tới những loài
mang thai, y như là để cho bào thai được bảo vệ dễ dàng hơn, hữu hiệu
hơn.
Kết thúc cuộc tiến hóa sẽ là «thần nhân»,
tượng trưng cho sự «tự do thuần túy».
Để hình dung một cuộc tiến hóa, tưởng
chừng như đa đoan phiền tạp vô ý, vô tình, nhưng thực ra được dẫn dắt và
có chiều hướng hẳn hoi, Lecomte du Noüy nghĩ ra một thí dụ rất lý thú.
Ông viết:
«Giả sử trên đỉnh một dãy núi cao, có một
cái hồ lớn, từ đó nguồn nước luôn tung tỏa ra tứ phía, thành trăm ngàn
khe suối khác nhau. Dọc đường, những khe suối này gặp biết bao là cản
trở, cây đá, khe kẽ v.v... và sẽ tùy trường hợp mà uốn khúc, lượn dòng.
Tuân theo luật hấp dẫn, nước vẫn phải đổ
xuôi xuống đáy thung lũng. Có nhiều khe suối gặp nhau, hợp nhau, làm
thành thác rộng. Có nhiều khe suối chui mất hút vào trong hốc đá, hẻm
đồi.
Có nhiều khe suối khác đọng lại thành ao
đầm và không đi xa hơn nữa. Không khe suối nào giống khe suối nào, là vì
chúng có phải «chạm trán» với cùng những khó khăn trở ngại như nhau đâu?
Tuy nhiên, tất cả đều bị thúc đẩy bởi một
động lực, một nhu yếu: đó là chảy xuống dưới chân núi...
Mục đích ta không phải là so sánh chặt chẽ
hình ảnh phác hoạ trên đây với thực sự vô cùng phức tạp của các quá
trình tiến hóa. Nhưng tỉ dụ này cho thấy một động lực, một hấp lực lôi
kéo nguồn nước chảy xuôi, không khác một «mục đích», một «cứu cánh».
Tất cả những chuyển dịch, những biến cố
giữa đường làm cho khe suối thay hình, đổi dạng để thích ứng với hoàn
cảnh đều do ngẫu nhiên chi phối.
Nhưng những điều kiện hoàn cảnh, và nhu
cầu phải tìm xuống đáy thung lũng lại chính là những yếu tố khiến nguồn
nước hồ chiến đấu và luớt thắng mọi trở ngại.
Mục đích thì đã ấn định, nhưng các phương
tiện để đạt đích thì không nhất quyết phải thế nào !»
Nếu chấp nhận có tiến hóa, chúng ta không
thể chối cãi được là trung bình từ khai thiên lập địa tới nay cuộc tiến
hóa ấy vẫn nhất mực đi lên luôn luôn theo một chiều hướng cố định.
... Tiến hóa khác với thích ứng đào thải ở
chỗ có một mục đích xa vời, vượt cao lên trên các giống loài.
... Ta chỉ chủ trương có một mục đích cần
phải hướng đạt bằng trăm ngàn phương pháp khác nhau, phù hợp với những
định luật lý, hóa, sinh thường lệ. Nhiều khi Tạo hóa cũng nhờ đến ngẫu
nhiên xác suất. Cá mỗi lần đẻ hàng ức, hàng triệu trứng. Hình như nó
biết rằng theo những điều kiện chung quanh của hoàn cảnh, có đến 90%
trứng sẽ bị thiêu hủy.
Nói tóm lại, cuộc tiến hóa phải được coi
là một hiện tượng toàn bích, tiệm tiến và tiến triển theo một chiều
hướng nhất định. Nó là kết quả do hoạt động chung góp của nhiều cơ chế
đơn giản như thích ứng (Lamarck), đào thải (Darwin), ngẫu biến (Naudin,
deVries) và khởi thủy từ một sinh chất vô định hình hay từ những giống
chưa có cấu tạo tế bào để dần dà kết thúc nơi con người biết suy tư và
có tâm thần, ý thức.
Chung qui, cuộc tiến hóa chỉ có thể hiểu
được nếu chúng ta thừa nhận nó bị chế ngự bởi một mục đích rõ rệt nhưng
xa vời.
Tiết 4
Cuộc tiến hóa đến
con người đã tiến vào bình diện óc não và nội tâm
Kể từ đây, những nét độc đáo của học
thuyết viễn đích càng ngày càng hiện rõ.
Lecomte du Noüy chứng minh cuộc tiến hóa
đã xoay chiều vào hướng tâm thần bằng:
1) Sự khảo sát di tích những người tiền sử
2) Bằng sự giải thích mới mẻ đoạn 11 Sáng
thế kỷ.
I. – Chứng minh bằng
những dữ kiện tiền sử.
Trước hết, ta cũng nên nhớ: Các nhà bác
học, kể từ Jacques Boucher de Perthes (1788-1868) đến nay, đã tốn bao
công trình để tìm di tích tổ tông loài người, một công trình mà Curvier
đã hết sức ngăn chặn, cấm đoán, cho là vô lý mà ngạo mạn.
Lecomte du Noüy ghi lại ít nhiều loại
người tiền sử như sau:
-
Người Piltdown:cách đây khoảng một
triệu năm.
-
Hầu nhân (Pithécanthrope) cách đây
500.000 năm.
-
Trung hoa nhân (Homo Sinensis) cách
đây từ 200.000 đến 500.000 năm
-
Người Heidelberg: cách đây từ
50.000 đến 100.000 năm (800.000 năm theo Osborn
- Người Néanderthal:
a/ cựu: cách đây 100.000 năm
b/ tân: cách đây 40.000 năm
- Người Cro-Magnon:
(Linh nhân: Homo Sapiens)
a/ cựu: cách đây khoảng từ 30.000 đến
50.000 năm
b/ tân: cách đây khoảng từ 20.000 năm.
Nơi người tiền sử, ta thấy sự thay đổi về
cơ thể rất ít, ví dụ:
1/ Hàm rút lại, bớt nhọn.
2/ Sọ nở thêm.
3/ Lưng bớt còng.
Nhưng ta thấy phát sinh nhiều hiện tượng
mới mẻ về óc não, tâm thần làm cho con người ngày càng khác con vật.
Ví dụ:
- Sự sử dụng được đôi tay.
- Sự phát sinh ra tiếng nói.
- Sự chế tạo được dụng cụ và sử dụng được
lửa.
- Sự phát hiện những cử chỉ có thể nói là
vô ích, như trang trí, hội hoạ, điêu khắc
vô ích vì
không có dính líu gì đến sinh nhai, sinh kế, nhưng ngược lại, chứng minh
một đời sống tâm thần, một khát vọng siêu nhiên và nghệ thuật.
- Người Néanderthal đã biết chôn cất người
quá cố.
- Hôn lễ đã được cử hành nhiều nơi.
- Các ý niệm luân lý đã phát sinh.
- Con người đã biết trọng nghệ thuật, đã
biết phát minh.
- Con người đã có những ý niệm trừu tượng,
những tin tưởng về lai sinh, nguồn mạch sinh ra những ý niệm về đạo giáo
và triết học sau này.
Tất cả những sự kiện ấy chứng tỏ ý thức,
tâm thần đã xuất hiện. Và con người «nhân diện» «nhân hình» từ nay trở
thành con người có «nhân tâm», «nhân tính».
Đó là một sự chuyển hóa hết sức quan trọng
đánh dấu cho tất cả một tiến trình mới mẻ và đầy hy vọng. Từ nay cuộc
tiến hóa sẽ diễn biến trên bình diện tâm thần.
II.- Chứng minh bằng
Thánh Kinh.
Lecomte du Noüy cho rằng sự chuyển hóa từ
«con người nhân diện», đến «con người nhân tâm» đã được ghi chép trong
Thánh kinh (trong Sáng thế ký)
Ngày thứ sáu, Thượng Đế mới dựng nên người
có nhân dạng và chỉ truyền cho phải sinh tồn, sinh sôi nảy nở.
Ngày thứ 8, mới dựng nên con người có
lương tâm ý thức.
Thượng Đế truyền «thần khí» vào cho con
người, tức là truyền «lương tâm và tự do» truyền cho con người «tàn lửa
thiên chân».
Tội tổ tông, như vậy, đánh dấu sự phát
sinh của lương tâm và tự do con người.
Con người nhận được giới răn mới là không
còn được tùng phục thú tính để tiến vào con đường đưa tới thần nhân.
Và dĩ nhiên là nguyên tổ không thể nào
thực hiện mục phiêu đó ngay được.
Tiết 5
Viễn đích cuộc
tiến hóa là thực hiện một giống người siêu đẳng, những «thần nhân»
Giả thuyết viễn đích chấp nhận cứu cánh,
nhưng cứu cánh đây không phải là cứu cánh riêng cho từng loại, không
phải là cốt sao cho mỗi loài thích ứng được với hoàn cảnh, mà là một cứu
cánh xa xăm, tức là «con người»; không phải là con người biết ăn nói, đi
đứng, mà là con người toàn chân, toàn thiện, những tâm hồn siêu đẳng,
những «thần nhân».
Đây là một giả thuyết, và là một thỉnh lý
hiện nay ta không chứng minh được, vì nó bao trùm một tương lai vô tận,
nhưng ta có thể suy luận ra nếu ta chấp nhận có sự tiến hóa.
Trước hết, ta phải nhận định rằng Lecomte
du Noüy đã chịu ảnh hưởng Renan rất nhiều, vì chính Renan đã chủ trương:
con người sẽ tiến tới «thần nhân».
Lecomte du Noüy cũng thường nhắc đến sự
xuất sinh của những «tâm thần siêu đẳng» trong tương lai, theo từ ngữ
Renan.
Nhưng chúng ta cũng có thể suy ra viễn
đích ấy:
Trước hết nhìn về dĩ vãng, so sánh quá
trình tiến hóa của con người với quá trình tiến hóa của quần sinh, ta
thấy con người mới bước vào sân khấu đời. Tổng số thời gian nhân loại
nhiều lắm cũng chưa được nổi một phần nghìn tổng số thời gian tiến hóa
của sinh linh.
Nhìn về tương lai dẫu có tận thế, cũng còn
phải hàng trăm nghìn tỉ năm nữa.
Ta có thể kết luận:
1) Con người mới bắt đầu công cuộc tiến
hóa trên bình diện tâm thần.
Ta biết con người mới khởi sự tiến hóa vì
còn biết bao xao xuyến, bao chếch mác, dở dang...
Phần đông
con người còn rất gần con thú, và mới có rất ít người đi tiên phong trên
con đường hoàn thiện.
2) Con người còn có cả một tương lai hầu
như vô tận để tiến hóa. Nếu vậy con người sẽ tiến hóa theo chiều hướng
nào?
Chẳng lẽ sau khi tâm thần ý thức đã sinh,
lại thụt lùi để tiến hóa trên bình diện sinh lý, thể chất?
Chẳng lẽ con người lại mọc thêm cánh, thêm
tay ?
Chẳng lẽ con người lại bị thay thế bằng
một loài khác ?
Tất cả những giả thuyết này không có một
căn bản nào vững chãi. Hơn nữa, bao lâu còn óc chất, sẽ còn tiến hóa.
Hoặc con
người sẽ tiến hóa nguyên về phương diện lý trí. Như vậy sẽ rất nguy hiểm
và buồn tẻ!
Vậy chỉ còn một cách lập luận là con người
đã bắt đầu tiến hóa thế nào, sẽ tiếp tục tiến hóa như vậy, nghĩa là sẽ
phát huy tư tưởng, các ý niệm luân lý, tâm thần, để rồi sẽ kết thúc ở
nơi «thần nhân», siêu đẳng.
Tiết 6
Toát lược thuyết
viễn đích theo ngôn ngữ Lecomte du Noüy.
Thuyết viễn đích rất quan trọng, nên sau
khi đã trình bày những nét chính yếu như trên, thiết tưởng nên dùng
chính những lời lẽ của Lecomte du Noüy mà trần thuật lại học thuyết viễn
đích.
oOo
Lecomte du Noüy đã phác hoạ ba sơ lược về
thuyết viễn đích:
-
Một trong quyển Tương lai tinh
thần.
-
Một trong quyển Giá trị con người.
-
Một trong quyển Định Mệnh con
người.
Nơi đây xin toán lược viễn đích luận của
Lecomte du Noüy như ông đã trình bày trong quyển «Giá trị con người» và
«Định mệnh con người».
Ông chủ trương đại khái như sau:
«Vũ trụ biến dịch, tiến hóa là một sự kiện
hiển nhiên, khó lòng chối cãi.
Đại cuộc tiến hóa vũ trụ quần sinh có thể
được chia thành 4 thời kỳ liên tiếp nhau trong thời gian, nhưng gián
cách nhau vì định luật, lề lối.
1) – Thời kỳ thứ I là thời kỳ vi tử, vi
trần
chi phối
bởi những định luật cơ học ba động, bất trắc, bất định
triển
chuyển, phản phúc khôn lường, không chiều hướng nhất định
không
hình dung rõ ràng.
2) – Thời kỳ hai:
Thời kỳ nguyên tử, phân tử
tuân
theo định lý nhiệt lực tức là diễn biến có chiều hướng nhất định,
«bôn lưu
hạ giáng bất phục hồi»,
hoạt lực
ngày một suy vi dần cho đến khi vũ trụ im lìm bất động.
3) – Thời kỳ ba là thời kỳ sinh linh;
biến
hóa,
thăng
trầm, vinh khô đại tạ, tuần hoàn
chứ
không trần trần một chiều, một hướng nữa, một ngày một đêm kỳ ảo, phong
phú
ngược
hẳn với những hiện tượng vật chất.
4) – Thời kỳ thứ tư là thời kỳ của con
người bị chi phối bởi những giới luật luân lý tâm thần,
thời kỳ
của những tư tưởng trừu tượng, của tâm tư, ý chí, không còn theo những
định luật số lượng nữa.
Thời kỳ I, cách đây chừng 3 tỉ đến 10 tỉ
năm.
Thời kỳ II từ 2 đến 3 tỉ năm,
Thời kỳ III từ hơn một tỉ năm nay.
Thời kỳ IV, từ khoảng 100.000 năm nay.
Đối với chúng ta, cuộc tiến hóa là một
hiện tượng duy nhất nhưng đa phương, đa diện mà sự liên tục và chiều
hướng tiến bộ tuần tự tới những cơ cấu ngày một thêm kỳ ảo, phong phú
chỉ được minh xác từ khi sinh vật xuất hiện.
Đại cuộc tiến hóa hiện nay mới diễn biến
đến con người có tâm tư, ý thức. Từ nay đại cuộc sẽ chuyển biến ra sao,
giòng đời sẽ trôi chảy về đâu ?
Thuyết viễn đích có hoài vọng suy ra mục
đích của tấn tuồng sinh hóa biến thiên. Nhờ mục đích thâm viễn này, ta
sẽ hiểu được ý nghĩa mạch lạc tiết tấu của đại cuộc, của toàn bích.
Trước hết ta nhận thấy 5 sự kiện căn bản
không ai chối cãi được:
1)- Sự sống đã có một khởi điểm, biểu lộ
bằng những sinh vật tối sơ, tối giản.
2)- Sự sống tiến hóa dần dà tới những hình
thức phức tạp hơn.
3)- Cuộc tiến hóa đã đạt tới con người và
khối óc con người.
4)- Sự xuất hiện của tư tưởng, của ý niệm
luân lý và siêu nhiên.
5)- Sự phát triển tự nhiên và biệt lập của
những ý niệm ấy ở nhiều địa điểm khác nhau khắp hoàn cầu.
Không một sự kiện nào trong những sự kiện
trên đây có thể giải thích được bằng khoa học.
Cho nên cần có một giả thuyết khả dĩ thiết
lập được mối tương quan giữa các sự kiện ấy.
Giả thuyết viễn đích hoài bão không những
thiết lập mối tương quan ấy, mà còn nối kết năm sự kiện trên với cuộc
tiến hóa vô cơ về trước, để toàn thể, toàn bích có ý nghĩa hẳn hoi.
Giả thuyết viễn đích đặt nguyên tắc là:
1)- Các định luật khoa học phải phù hợp,
tương ứng với thực tại khách quan.
2)- Không được công nhận một điều mà toán
học đã chứng minh là không thể có, chẳng vậy khoa học sẽ mất hết uy tín,
thế giá.
Giả thuyết này căn cứ trên sự chứng minh
bằng toán học là:
- Sự sống.
- Sự tiến hóa quần sinh.
- Hoạt động óc não không thể ngẫu nhiên mà
có được.
Giả thuyết này nhận định rằng:
Cuộc tiến hóa quần sinh là một trong những
sự kiện ít ai dám chối cãi nhất, và đã được chứng minh khéo léo nhất
bằng khoa học, tuy còn một số cơ cấu chốt then chưa khám phá được ra.
Giả thuyết này nhận định rằng: chẳng nhẽ
một cuộc tiến hóa tuần tự diễn biến trong vòng 1.200 triệu năm trường,
đột nhiên lại đình chỉ, gián đoạn, khi con người xuất hiện, khi tư tưởng
phát sinh.
Nó vạch ra: cái dòng họ mà con người xuất
sinh đã tiến hóa không ngừng, còn các chủng loại khác chỉ biến dạng và
thích ứng.
Mà sự biến hóa vĩ đại nhất đã kiểm nhận
được nơi nhân quần, từ thời đại con người Néanderthal tới nay, là sự
biến hóa của khối óc, không thể nào hoài nghi được. Cho nên chúng ta có
thể phỏng đoán một cách lý sự rằng từ nay cuộc tiến hóa sẽ tiếp tục nhờ
óc não, cơ quan duy nhất, đã giúp con người sống sót và chế ngự được vũ
trụ quần sinh.
Cho nên, cuộc tiến hóa từ đây sẽ phát
triển trên bình diện cơ thể, vật chất nữa, mà trên bình diện tâm lý.
Và cuộc tiến hóa trên bình diện tâm lý này
được biểu lộ bằng sự phát triển và kiện toàn những ý niệm trừu tượng
luân lý, siêu nhiên.
Và cuộc tiến hóa quần sinh, đại để, hoàn
toàn trái ngược với những định luật vật lý vô cơ. Nó phản lại nguyên lý
nhiệt lực thứ hai, then chốt cốt cán của khoa học vật chất chúng ta căn
cứ trên những định luật ngẫu nhiên.
Vậy thì nguyên do và ngay cuộc tiến hóa
quần sinh cũng không thuộc phạm vi khoa học. Hiện thời, không một nhà
khoa học nào trên thế giới có thể chối cãi điểm này được. Cho nên muốn
giải thích những gì đã xảy ra từ khi có sinh linh, chúng ta buộc lòng
viện đến một «phản ngẫu nhiên» để hướng dẫn những lớp lang tiến hóa bao
la, dài dặc theo chiều hướng tiệm tiến, tiệm năng, càng ngày càng kỳ ảo,
nan tri, nan trắc, để cuối cùng đạt tới con người.
Như thế, tức là thừa nhận có một mục đích,
một cứu cánh.
... Y thức như, từ khi tế bào nguyên thủy
phát sinh, con người đã được quan niệm, được hoài bão; con người đây
không phải là một con thú thượng đẳng biết nói, biết dùng tay, mà là một
con người chứa đựng được óc não, cơ quan của ý thức, của lý trí; cứ điểm
của nhân phẩm và lợi khí để tăng tiến biến hóa.
Con người với khối óc hiện nay chưa phải
là đích tiến hóa, mà mới chỉ là một giai đoạn quá giang, chuyển tiếp gữa
một quá khứ nặng nề kỷ niệm cầm thú và một tương lai tràn đầy hứa hẹn
đẹp tươi, cao quí. Đó là định mệnh con người.
Thế là ý chí ấy đã bộc lộ suốt quá trình
tiến hóa, với mục phiêu thực hiện một sinh linh hoàn hảo tinh thần, hoàn
toàn thoát vòng cương tỏa của dục vọng, tham ái thường tình, rũ bỏ được
những triền phược cố hữu, thoát vòng nô lệ sinh lý xác thân. Tiến hóa
không có mục đích phy lý là cắt đứt mọi giây liên lạc giữa xác chất,
tinh thần, vì bao lâu còn là con người, làm sao mà xác hồn có thể chia
phôi Hán Sở, nhưng chỉ có mục đích chấm dứt quyền thống trị của nhục
dục, xác thân.
Cho nên tất cả những gì làm ngãng trở đà
tiến hóa trên nẻo tinh thần, luân lý, tất cả những gì làm cho con người
thoái bộ, phản nhân, hoàn thú, đặt con người lại dưới quyền thao túng
của thể chất đều phản lại ý chí hướng đạo và tiêu biểu cho hung, ác.
Ngược lại, tất cả những gì có khuynh hướng
khơi sâu nới rộng vực thẳm giữa con người và con thú, giúp con người
tiến hóa trên bình diện siêu nhiên là cát tường, thiện mỹ.
Khách quan mà xét, thì cuộc tiến hóa sinh
linh từ vật đến người chỉ có mục đích tạo dựng nên một cơ quan, ấy là
khối óc, trong một cơ thể khả dĩ bảo toàn được nó. Những cầm thú, tổ
tiên của loài người là những tài tử vô trách nhiệm, đã đóng những vai
trò gán ghép trong một tấn tuồng vượt tầm hiểu biết của mình. Con người
đã thay vai, trình diễn tiếp theo, nhưng con người muốn hiểu tấn tuồng
biến hóa. Con người từ nay có thể cải thiện mình, và chỉ duy con người
mới có khả năng ấy.
Con người từ nay biến thành một cá nhân
hoạt động, hữu trách; đó là một biến cố mới mẻ, đặc biệt của con người.
Đã đành, trước cũng như sau, vẫn một động
cơ tiến hóa, vẫn một phương thức tuyển lựa, đào thải tự nhiên hoạt động,
nhưng xưa thì đào thải, tiến hóa lệ thuộc vào các định luật sinh lý và
ngẫu nhiên, còn từ nay, thì lại lệ thuộc vào tâm tư ý thức, vào những
hoạt động óc não, vào tự do: những dụng cụ, những phương thức mới giúp
con người tiến hóa.
Tùy theo trình độ tiến hóa, ta sẽ lựa chọn
giữa hai nẻo đường tiến thoái. Sự chọn lựa này sẽ là tiêu chuẩn minh xác
xem chúng ta đã tiến tới đâu trên con đường thiện mỹ.
Nếu lướt thắng được thú tính, được những
chếch mác, dở dang của tâm tư và dục vọng, con người sẽ đạt được nhân
phẩm.
Nếu thất bại sẩy sa trước những cám dỗ của
thú tính do tiên tổ chim muông lưu lại, con người sẽ tự loại ra khỏi
trào lưu tiến hóa, vì đã tỏ ra bất tài, bất xứng, không góp phần được
vào đại cuộc. Đào thải tuyển lựa tự nhiên là như vậy.
Xưa kia con vật, muốn sống sót, phải lướt
thắng những trở ngại thiên nhiên, những thù địch bên ngoài; ngày nay,
con người phải lướt thẳng các cám dỗ thú tính, mới tiến hóa được.
Cho nên có thể nói được rằng cuộc tiến hóa
cốt là để thực hiện những gì kỳ ảo, quí báu nơi con người, những gì làm
căn cơ cốt cách con người, phân biệt con người với con vật.
Chính nhờ ở đại cuộc tiến hóa, căn cơ con
người mới được cải thiện và tiến tới một mức độ hoàn hảo, mà hiện thời
phàm phu không quan niệm nổi, nhưng đã có những bậc đại giác, đại trí
linh cảm thấy một cách mãnh liệt, nên họ đã xả thân thủ nghĩa để vẹn
niềm với lý tưởng cao siêu.
Nhiệm vụ cao cả của con người là tích cực
tham gia vào trình độ tiến hóa mới mẻ này.
Điều quan hệ là thành khẩn, là chuyên tâm,
chú ý cải thiện bản thân, là cố gắng không ngừng; còn thành quả là bao,
tham gia được mấy, không phải là vấn đề đáng quan ngại.
Như vậy, đời sống con người sẽ có một giá
trị đại đồng phổ quát, sẽ trở thành một mắt xích, một vòng khoen trong
chuỗi giây chuyền tiến hóa, không còn là thứ đồ chơi vô trách nhiệm,
chiếc nút bấc cuốn theo giòng, mặc cho ảnh hưởng ngoại lai đưa đẩy, mà
là một phần tử có ý thức, tự quyết, tự động, hoàn toàn tự do lựa chọn
giữa đôi đàng, hoặc thoái hóa để rồi lu mờ tăm tích, hoặc tiến hóa để
cộng tác vào đại cuộc của Hóa công.
Nhờ có tự do, tự quyết, nên con người khác
con vật, và trở nên cao quí. Tự do là vinh dự của con người, nhưng tiếc
thay, con người đã không tìm được vinh dự trong tự do, mà cứ tìm vinh dự
ở nơi đâu...
Tiến trình tiến hóa, cũng như số phận cá
nhân đều lệ thuộc vào sự hăng nồng thành khẩn và liên tục cố gắng của
con người; cố gắng để thoát cái lối muông thú, để tự thắng, tự tu, tự
luyện, tinh tiến không ngừng.
Sự cố gắng ấy chính là lời tự tuyên xưng
niềm tin của mình, vào tương lai tinh thần, vào nhân phẩm nhân cách, và
vào Thượng Đế vì Ngài đã muốn thế.
oOo
CHÚ THÍCH
Mục lục | Tựa của Phạm Đình Tân
| Thư bà Mary Lecomte du Noüy
| Lời nói đầu
Phần 1: chương
1
2
3
4 |
Phần 2: chương
1
2
3
4 | Phần 3: chương
1
2
3
4
Phụ lục
1
2
3 |
Sách tham khảo
|