LECOMTE DU NOÜY
VÀ
HỌC THUYẾT VIỄN ĐÍCH
Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ
Mục lục | Tựa của Phạm Đình Tân
| Thư bà Mary Lecomte du Noüy
| Lời nói đầu
Phần 1: chương
1
2
3
4 | Phần 2: chương
1
2
3
4 |
Phần 3: chương
1
2
3
4
Phụ lục
1
2
3 |
Sách tham khảo
PHẦN THỨ
BA:
NHẬN ĐỊNH VÀ PHÊ BÌNH
*
Chương 1
Nhận định về thân
thế và tư tưởng Lecomte du Noüy
Le lien qui
nous relie à l’Universel se situe en effet dans l’intimité de notre
structure psychique, au-delà des couches les plus profondes de la
Conscience
RÂM. LINSSON
(Cf. Etudes
psychologiques des C. G. Jung à Krishnamurti, page 23)
Giây liên lạc
nối kết ta với Đại thể thực đã ở ngay trong tầng sâu các cơ cấu tâm tình
ta ở bên dưới các lớp lang ý thức sâu xa và thầm kín nhất.
Tiết 1
Nhận định về thân thế và
nhân cách Lecomte du Noüy
Đọc các tác phẩm của Lecomte du Noüy ta
không khỏi thán phục ông là con người thoát sáo, thành khẩn và chính
trực.
Hay khen hèn chê; biết thì nói biết, không
thì nói không; thực là thái độ của một chính nhân, quân tử.
Ông đã không hề dối với lòng mình, và chỉ
biết tôn trọng sự thực. Ông viết:
«Về học thuyết viễn đích căn cốt của cuốn
sách này, nếu tôi đã thấy có gì trái ngược, thì tôi đã nêu ra tức khắc.
Nếu trong vòng ba mươi năm khảo cứu trong
phòng thí nghiệm tôi ngẫu nhiên tìm ra được một giải pháp mâu thuẫn với
lý thuyết mà tôi đã đạt được, tôi sẽ theo gương Pasteur mà trở lại bênh
vực lý thuyết mới một cách say sưa tha thiết chống lại với lý thuyết cũ
mà tôi đã chủ trương.»
Ta cũng thấy Ông có những nguyện ước cao
xa, có tầm nhìn lối nghĩ bao quát không gian, thời gian,
và không
có những chủ trương tiểu kỷ, hẹp hòi.
Tâm hồn ông đã đạt được tầm kích vũ trụ.
Ông biết Ông sẽ bất tử, lưu dấu vết lại nơi gian thế,
và tin
chắc mình đã góp phần vào công việc hướng đạo nhân loại.
Ông không thiên vị, và rất cương trực. Ông
dùng tâm thần, lý trí và văn chương để phục vụ nhân loại và các giá trị
vĩnh cửu con người. Ông không chịu theo dư luận, thành kiến, hay lồng
mình vào một khuôn khổ tư tưởng nào. Cho nên Ông tiên đoán sẽ có nhiều
người chẳng ưa Ông:
Ông tâm sự:
«Tôi đã đi đến những kết quả ấy bằng những
phương pháp mà nhiều người sẽ chỉ trích.
Những người chỉ trích tôi sẽ là các nhà
sinh vật học mà tôi kính mến; các nhà khoa học mà tầm mắt chỉ thu hẹp
trong phạm vi chứng cứ trong thực tại toán học; những nhà triết học,
luân lý học vì tôi đã đi vào lãnh vực của họ; các nhà thần học và Giáo
hội vì tôi đã không tôn trọng hết mọi giáo lý.
Chúa biết cho tôi rằng, tôi cũng như mọi
người, muốn được sự trọng kính của những người tôi quý mến, nhưng tôi
không màng những điều đó, tôi chỉ nghe theo lý trí và lương tâm tôi, tôi
sẽ bằng lòng vì số phận tôi và tôi muốn nhắc lại lời Thémistocle: «Đánh
tôi thì đánh, nhưng hãy nghe tôi.»
Thực là những lời lẽ chân thành và thống
thiết. Câu nói trên làm chúng ta nhớ lại lời tuyên bố của Luther ở Hội
nghị Worms năm 1521:
«Lương tâm tôi bị chi phối, bị chinh phục
bởi lời Thiên Chúa. Tôi không thể phản lại lời tôi, vì đi ngược lương
tâm thì đâu có tốt, có hay. Đây tôi đây, tôi chẳng làm gì khác được. Xin
Chúa giúp tôi. Amen.»
Nhưng chính vì sự không câu nệ ấy, mà ông
cảm thông được với mọi người.
Emerson cũng chủ trương cái lối viết văn
thành khẩn ấy. Ông khuyên mọi người hãy theo phương châm của Sydney:
«Hãy đi sâu vào tâm khảm, rồi hãy viết.»
Ai viết cho mình, tức là viết cho công chứng muôn thủa, muôn phương.
Hệ từ cũng viết:
Dạy rằng: Quân tử trong đời,
Ngồi nhà nói phải, muôn người vẫn theo.
Dặm nghìn còn phải hướng chiều,
Thời trong gang tấc đâu điều lân khân ?
Nói lời sai lạc nhố nhăng,
Ngàn xa vẫn thấy bất bằng nổi lên;
Nữa là gang tấc kề bên,
Nói sai ai kẻ hoạ thêm với người.
Khi người quân tử nói lời,
Nói ra ảnh hưởng đến đời, đến dân.
Hành vi phát động tuy gần.
Nhưng mà ảnh hưởng dần dần lan xa.
Khảo cứu cuộc đời Lecomte du Noüy, khảo
sát các tác phẩm của Ông, cũng như văn từ, khẩu khí Ông, ta thực tình
phải công nhận Lecomte du Noüy một ngày một tiến lên, một vươn lên mãi
mãi.
-
Mới đầu là một văn gia, một kịch
sĩ.
-
Sau thành một nhà bác học sùng
thượng suy luận lý trí.
-
Một nhà triết học sùng thượng tư
tưởng.
-
Một nhà luân lý sùng thượng các giá
trị tâm thần, nhân loại.
-
Rồi cuối cùng là một nhà đạo hạnh
sùng thượng các giá trị siêu nhiên.
Thực là Ông đã sống đúng theo lý thuyết
tiến hóa để đạt tới viễn đích, tới một tâm hồn siêu đẳng.
Và học thuyết của ông đã trở thành «một»
đạo lý vì học thuyết này đã giúp Ông tìm ra Thượng Đế tại đáy lòng, và
«đại đạo tại tâm».
Cho nên cơ thể Ông càng suy yếu, thì tâm
thần Ông càng thêm xán lạn rực rỡ.
Và trong
những ngày tàn cuộc đời ông, Ông như được chiêm ngưỡng, đối thoại cùng
chúa Cơ Đốc.
Lecomte du Noüy tuy đã mất đi, nhưng tiếng
tăm ông càng ngày càng lan rộng.
Quyển «Định mệnh con người» đã gây được
một ảnh hưởng rất là lớn lao tốt đẹp.
Một nhà phê bình văn học, ông Yves
Lavoques trong một bài bình luận về «Định mệnh con người» đã viết: «Tôi
là một nhà duy vật vô thần; tuy tôi chưa bị chinh phục, hoán cải bởi
cuốn sách kỳ thú này, nhưng tôi đã soát xét lại các lời phán đoán của
tôi, mà xưa kia, tôi tưởng đã hoàn bị. Đọc sách này, tôi đã tìm lại được
nguồn an ủi và niềm hy vọng, rất cần thiết cho những con người thiện chí
trong thời kỳ văn minh nguyên tử. Tôi đã xếp cuốn sách đóng bìa xanh này
bên cạnh những đại tác phẩm, mà người ta cần đọc lại trong những ngày
đen tối, bên cạnh những tác phẩm của Platon, của Sénèque, của Rabelais,
của Renan và của Bergson. Thực vậy, quyển «Định mệnh con người» sẽ nêu
tên tuổi trong lịch sử tư tưởng.»
Bác sĩ Millikan và nhiều người khác đã
thuật lại với bà Lecomte du Noüy là đã để cuốn «Định mệnh con người» nơi
bàn đầu giường, cạnh Thánh Kinh.
Một nữ mục sư cũng vừa là kỹ sư bình về
quyển định mệnh con người như sau:
«Ngoài quyển thánh kinh, không có một cuốn
sách nào làm rung động lòng tôi như quyển Định mệnh con người.
«Quyển Định Mệnh con người phải được đọc
trong các trường đại học, nhất là trong các Đại chủng viện.
«Quyển sách này đã làm vững mạnh đức tin
tôi rất nhiều, và từ nay về sau, tôi sẽ dùng nó trong những bài giảng
giáo của tôi, như là gạch với xi măng để chống đỡ những tâm hồn mà tôi
phục vụ vì danh Người.»
Tóm lại, càng đọc sách vở của Ông, ta càng
thấy quí mến nhân phẩm, nhân cách của Ông.
Những con người như Lecomte du Noüy có thể
nói được là hiếm có ở thời nay.
Tiết 2
Nhận định về tư
tưởng Lecomte du Noüy
Ta có thể toát lược những tư tưởng chính
yếu của Lecomte du Noüy lại như sau:
1) Triệt để tin tưởng có Thượng Đế siêu
việt, bất khả tư nghị.
2) Vũ trụ được cai trị bằng những định
luật vĩnh cửu, bất dịch, chứ không phải bằng sự hỉ nộ thất thường của
Thượng Đế.
3) Cuộc tiến hóa sẽ tiếp tục mãi mãi để
tiến tới thần nhân.
4) Con người phải được hoàn toàn tự do, để
góp phần vào công cuộc cao siêu ấy... Muốn thực hiện được định mạng sang
cả của mình, con người cần phải chế phục thú tính, dục tình, cải hóa tâm
thần, để thực hiện nhân phẩm, tiến tới toàn thiện tinh hoa, thực hiện
thiên ý.
5) Trong con người đã tiềm ẩn tất cả mọi
nguồn mạch cao siêu huyền diệu, mọi khát vọng lý tưởng, mọi tinh hoa đạo
hạnh, mọi chân thiện mỹ.
6) Tôn giáo cũng như thánh hiền chỉ có bổn
phận khai thông, và giúp con người phát triển những thiên tính phú bẩm
ấy, để họ được hạnh phúc và biết đường tiến tới tinh hoa, thực hiện một
tâm thần siêu đẳng.
7) Đại đạo có một,
tại đáy
lòng con người, tôn giáo có ngàn, biến thiên, tùy thủy thổ thời thế;
mọi người
phải cố gắng tiến từ tôn giáo bên ngoài về đại đạo bên trong.
8) Muốn thực hiện được hòa bình thái thịnh
trong tương lai, con người cần phải chú trọng cải thiện nội tâm
và phá bỏ
những bức tường ngăn cách giả tạo.
Tóm lại, Lecomte du Noüy chỉ chú trọng đến
những gì vĩnh cửu phổ quát đại đồng,
và gạt bỏ
hết những yếu tố địa phương, thời thế, qui ước nhân tạo.
Cho nên muốn hiểu Lecomte du Noüy, chúng
ta cần phải biết rõ những lập trường và những tiêu chuẩn suy tư nói trên
của Ông.
Chúng ta sẽ dùng phương pháp so sánh, để
khảo sát ít nhiều tư tưởng chính yếu của Ông.
Ông chủ trương khoa học không gạt bỏ được
ý niệm Thượng Đế, vì nếu không chấp nhận có Thượng Đế, thì không sao
giải thích được sự xuất hiện của sinh cơ, sinh vật, không làm sao giải
thích được sự phát xuất của ý thức, lương tâm, cũng như cuộc tiến hóa có
chiều hướng hẳn hoi nhất định.
Ông là một trong những người đã có công
dùng toán xác suất để chứng minh ngẫu nhiên không thể giải thích được sự
xuất hiện của sự sống, của sinh vật.
Đó là một trái bom nguyên tử thả xuống
thành trì vô thần, và cũng là nhát dao bén đâm vào tim Coesar duy vật.
Thực ra thuyết «sinh vật không thể ngẫu
nhiên sinh» đã được chứng minh bằng những phương pháp thực nghiệm bởi:
-
Florentin François Redi (1626-1698)
vào năm 1668.
-
Spaltanzani (1729-1799) vào năm
1767.
-
Và Pasteur (1822-1895) vào năm
1861.
Nhưng dùng toán học chứng minh thì chỉ có
Ông Ch. E. Guye
và
Lecomte du Noüy.
Đã đành vẫn có những nhà bác học chủ
trương trái ngược.
Chẳng hạn A. L. Oparin nhà sinh lý học Nga
đã cho xuất bản, năm 1938, quyển «Nguyên do sự sống» trong đó Ông cố
chứng minh rằng sự sống có thể ngẫu nhiên xuất hiện vì hoàn cảnh trái
đất cách đây nhiều tỉ năm khác hẳn bây giờ.
George Wald cũng theo chủ trương Oparin và
đăng tải những kết luận tương tự trong tạp chí khoa học Mỹ.
Năm 1952, Harold Urey khi khảo sát về sự
thành hình của thái dương hệ cũng cho rằng khí quyển xưa có nhiều
méthane (CH4), Ammoniac (NH3), nước (H2O)
và khinh khí (H2) như chủ trương của Oparin.
Stanley L. Miller tạo lại bầu không khí
ấy, rồi cho một luồng điện chạy qua, thì thấy sinh ra nhiều chất
aminoacid như glycine, analine, sarcosine, acide aspartique, acide
glutamique v.v...
Tưởng cũng nên nói thêm rằng năm 1965 nhà
bác học tại Hoa Lục đã tổng hợp được chất Insuline, tức là chất protéine
được tổng hợp đầu tiên trong lịch sử hóa học.
Tuy nhiên tất cả những khám phá mới mẻ
nhất cũng chưa lung lạc được lập luận của Lecomte du Noüy.
Abraham A. Moles viết trong quyển «La
Cybernétique, l’Électronique et l’Automatisme» (xuất bản năm 1960) như
sau:
Tế bào sinh vật, con giun đất, khối óc,
hiện nay còn ở ngoài tầm chúng ta không thể bắt chước được vài bộ phận,
nhưng vì chúng ta chưa thể thực hiện được những bộ phận điện tử nhỏ như
não bào và tập hợp chúng lại hàng tỉ, hàng tỉ cái mà không sinh ra một
sức nóng ghê gớm đến nỗi đập Donzère cũng không đủ làm nguội được...
oOo
Một tư tưởng then chốt thứ hai của Lecomte
du Noüy là mọi sự đều chuyển dịch, biến hóa, mà biến hóa tức là luôn
luôn cố gắng tiến tới, luôn luôn gắng gỏi công trình để tiến tới một
tiến trình đẹp đẽ.
Vì có một niền tin vững mạnh vào hướng
tiến của nhân loại, nên mặc dầu những chếch mác dở dang của hiện đại,
Ông vẫn đặt niềm tin tưởng vào tương lai.
Tư tưởng của ông về điểm này có thể nói là
đối lập với giáo lý Công giáo.
Công giáo chủ trương cố gắng để hàn gắn
những đổ vỡ trong dĩ vãng, còn Lecomte du Noüy cho rằng cố gắng cố gắng
để xây dựng tương lai.
Nhiều giáo sĩ bị ám ảnh bởi tội tổ tông,
nhất định cho rằng con người không thể nào tiến tới lý tưởng được.
Billy Graham (giáo sĩ Tin lành) viết trong
quyển «Hòa bình cùng Thiên Chúa» như sau:
«Chính tội lệ đã ngăn chặn không cho con
người hạnh phúc. Chính vì tội lệ, nên con người không thể nào đạt được
lý tưởng...
«Có lẽ uy tín của triết lý tiến bộ hiện
đại đã làm mờ mắt con người. Có lẽ con người vì quá say sưa cái lý
thuyết nhân loại điên cuồng ấy, nên mới cố bám vào ý tưởng cho rằng nhân
loại sẽ tiến dần dà nhưng chắc chắn về sự hoàn thiện lúc chung cuộc…»
«Có triết gia lại còn chủ trương rằng tấn
bi kịch của thế giới hiện nay chỉ là một biến cố trong bước đường hướng
thượng... Họ cố gắng chứng minh rằng những điều kiện lôi thôi của cuộc
sống hiện tại chỉ là sự xuất sinh trong đau đớn của một ngày mai tươi
sáng, đẹp đẽ hơn. Họ chứng minh rằng con người nay rờ rẫm, chập chững,
vì hãy còn ấu trĩ, trên con đường vô tận dẫn tới một loài người hoàn
thiện trong tương lai xa thẳm...»
Lecomte du Noüy phân biệt nhiều bình diện
nơi con người.
-
Bình diện cơ thể, khí huyết, tương
đương với thú vật.
-
Bình diện tâm tình luân lý, nhân
đạo.
- Bình diện thần linh, siêu nhiên, thần
thánh
và Ông
chủ trương rằng con người phải vượt lên dần các nấc thang ấy để tiến dần
xa vật chất muông thú, bước qua bình diện nhân đạo, mà lên cho tới bình
diện thần nhân.
Xét chung tư tưởng của Lecomte du Noüy ta
thấy có một điểm lạ lùng này là nó phù hợp với Thánh kinh, mà lại ngược
với giáo lý Công giáo.
Ta sẽ lần lượt dẫn chứng:
1) Lecomte du Noüy cho rằng vũ trụ quần
sinh tiến hóa cốt là để sửa soạn cho sự xuất sinh của những tâm thần
siêu đẳng, những thần nhân.
Như đã nói trên, đó cũng là lập trường của
Renan, vì theo Renan, thì trong vũ trụ biến thiên này, có một cái gì
đang hình thành, một sự chuyển hướng của các động lực vũ trụ, một sự
tiến bộ không ngừng theo một chiều hướng nhất định: «Hành tinh của chúng
ta đang làm một công chuyện gì rất sâu xa», «vũ trụ xét về toàn thể đầy
thần khí», «mục đích của vũ trụ là sự phát triển của thần» mà thần,
chính là Thượng Đế.
Gần 2000 năm trước đây, thánh Paolo viết
trong thánh thư gửi cho giáo dân La mã: «Tôi nghĩ rằng những đau khổ
hiện tại không thể nào sánh được với vinh quang một ngày kia sẽ phát
hiện nơi chúng ta. Thực vậy, tạo vật đang sống trong chờ đợi và ước mong
sự xuất hiện của những con Thiên Chúa... Chúng ta biết rằng cho tới ngày
ấy tạo vật sẽ còn phải rên siết vì mang nặng, đẻ đau...»
Lecomte du Noüy chủ trương cuộc tiến hóa
sẽ đưa tới một giống nòi siêu đẳng, toàn thiện,
thì đây
là những lời tiên tri Isaïe (Thế kỷ VIII trước CN) và Jérémie (khoảng
650 – khoảng 590 trước CN).
«Bao giờ thay đất, đổi trời,
Bao giờ nhân loại khắp nơi vui hòa,
Mây mù quá vãng biến xa
Hết còn khóc lóc hóa ra vui cười.
Trẻ thơ chóng lớn dễ nuôi,
Đẻ ra là sống, sống thời ngoài trăm.
Mình làm, mình hưởng, mình ăn,
Mình xây, mình ở, hết thân tôi đòi,
Quanh nhà, nho mọc tốt tươi,
Mình trồng, mình hái, hết người tranh ăn.
Người cùng thảo mộc đua xuân,
Người cùng thảo mộc, tháng năm tương đồng.
Chẳng còn vất vả, lao lung,
Con đông, mà cháu cũng đông, cũng đầy.
Ơn trời mưa khắp đó đây,
Người đời vui hưởng những ngày hoàng kim.
Người xin, Trời sẽ cho liền,
Nguyện cầu chưa rứt, ước nguyền thỏa thuê,
Sói, chiên, chiên, sói đề huề,
Trâu bò, sư tử một bề ăn rơm.
Rắn ăn bụi bặm thấy ngon,
Đâu đâu cũng một giang sơn thái hòa.
Trời người xum họp một nhà,
Đổi lời ước cũ cho ra thành toàn.
Luật Trời ghi tạc tâm can,
Lương tri là luật Trời ban cho người.
Dân Trời ở khắp chốn nơi,
Đâu đâu cũng chỉ một Trời, một dân.
Hết còn sư đệ, qua phân,
Tìm Trời ai cũng ân cần ngày đêm,
Biết Trời lớn bé mọi miền,
Tội tình xóa hết, tần phiền sạch không.
Lecomte du Noüy tin rằng «nhân thần»
(Esprit) hay «thần nhân» sẽ xuất hiện trong tương lai.
Thánh Paulô viết trong thư gửi cho giáo
dân Corinthô đại khái như sau: «Nếu có nhân tâm, thì cũng có nhân thần.
Người trước là phàm nhân có hồn sống, người sau là thần ban phát sự
sống. – Nhưng thần không hiện trước, mà tâm hiện trước, rồi thần hiện
sau – Người trước sinh tự đất, đó là phàm tục, người sau sinh tự trời.
Thế là phàm thánh đôi đàng phân biệt và như chúng ta đã mặc lấy hình ảnh
phàm nhân, chúng ta cũng phải mặc lấy hình ảnh thiên nhân.»
Lecomte du Noüy chủ trương chân đạo tại
tâm, cho nên không nên câu nệ hình thức lễ nghi bên ngoài, mà điều cốt
yếu là phải chuyển hóa tâm thần, để tiến tới tinh hoa, tiến tới gương
mẫu toàn thiện là Chúa Cơ Đốc, tới Tâm Linh bất diệt.
Giở phúc Âm Thánh Luca, ta thấy Chúa phán:
«Nước Trời không đến một cách lộ liễu nhãn
tiền, mà cũng không được nói: nước trời ở đây, ở đó! vì thực nước trời
đã ở trong anh em.»
Quan niệm «đạo tại tâm» cũng có thể chứng
minh được bằng Cựu Ước.
Trong Phục truyền Luật lệ ký
(Deutéronome), Thiên Chúa phán:
«Thực vậy, Lề luật mà Ta truyền dạy ngươi
hôm nay, không có ở ngoài tầm kích người. Nó không ở trên trời, để ngươi
phải nói: «Ai lên trời cho chúng tôi để tìm luật đó, để chúng tôi được
nghe biết và được thi hành.»
«Nó cũng chẳng ở cách trùng dương, để
ngươi phải nói: Ai sẽ vượt biển cả cho chúng tôi, để tìm luật đó, để
chúng tôi được nghe biết và được thi hành.»
«Đạo ở kề bên ngươi, Đạo ở trong miệng,
trong lòng người để ngươi có thể đem thực hiện.»
Thánh kinh thực ra cũng nhiều lần kêu gọi
phải đề phòng cái nguy hại của những hình thức bên ngoài.
Ví dụ, trong Mátthiêu (15, 8), Chúa Giêsu,
viện dẫn lời tiên tri Isaïe, phán:
«Dân này môi miệng thờ Ta,
Nhưng mà lòng nó cách xa ngàn trùng,
Phụng thờ hình hạc luống công.
Bao lời giảng giáo thuần ròng nhân vi.»
oOo
Thế nhưng, quan điểm của Lecomte du Noüy
phần nhiều ngược lại giáo lý Công giáo.
Y như ông phân biệt trong kho tàng truyền
thống Công giáo ba thành phần:
1)- Thánh kinh mà ông hoàn toàn trọng
kính.
2)- Tín lý cũng như cách giải thích Thánh
kinh mà ông cho là sản phẩm của các nhà học giả, tức là sản phẩm nhân
loại, cho nên ông có quyền bất đồng ý kiến.
3)- Huyền thoại và dị đoan tà thuyết mà
ông cho là sản phẩm của quần chúng, lê dân, cần phải được thanh lọc dần
dần.
Daniel Rops, trong bài tựa quyển «Định
mệnh con người» đã nhận định như sau:
«... Không nên coi quyển «Định mệnh con
người» như một cuốn sách giảng giáo. Lecomte du Noüy không phải là một
nhà thần học, nhà biện giải Thánh kinh. Cho nên người ta đã nhận định
rằng, đối với ông, Thượng Đế y như đã sinh xuất từ tạo vật, y như là một
ý niệm.
«Tội tổ tông, đối với ông, chỉ là gánh
nặng của những phản ứng muông thú và xác thịt, làm cản trở sự tiến tới
Tinh thần, chứ không phải là một sự sa đoạ như trong nhãn quan Công
giáo, và đọc sách ông, ta thường thấy ông không mấy quan tâm đến những
tôn giáo bên ngoài, đến giáo lý, lễ nghi hình thức; trước mắt ông, Chúa
Giêsu có lẽ là một tấm gương hoàn thiện nhân loại hơn là Thiên chúa
giáng trần... nghĩa là người giáo hữu phải tiếp nhận tư tưởng của ông
với một sự dè dặt khôn ngoan và phải được bổ khuyết bởi những tuyên cáo
của đức tin.»
Lecomte du Noüy cũng không chối mình đã
cắt nghĩa Kinh thánh theo một đường lối mới,
và không
công nhận ít nhiều giáo lý...
Tuy nhiên, những sự ao ước của ông về sự
hòa đồng hợp nhất của các tôn giáo
đã được
thể hiện một phần nào nhờ những cố gắng của Cộng đồng chung Vaticano II
vừa qua... Thực là một sự trùng hợp kỳ lạ; mà kỳ lạ hơn nữa là những suy
tư, cảm nghĩ của ông về các vấn đề trọng đại tôn giáo lại chính là phản
ảnh những thắc mắc của một số đông Công giáo Âu châu hiện nay.
Trong bức thư đề ngày 24-7-1966, Đức Hồng
y Ottaviani gửi cho các Chủ tịch Giám mục đoàn, Ngài có đề cập đến những
dư luận «kỳ dị nguy hiểm» đang làm xao xuyến nhiều giáo dân.
Ví dụ:
... Có người coi Chúa Cứu Thế như là một
người thường «đã dần dà nhận ra mình là Con Thiên Chúa». Cũng như sự
Chúa sinh do Đức Mẹ đồng trinh, những phép lạ của Ngài và sự ngài sống
lại, tuy vẫn được «chấp nhận trên từ ngữ» nhưng, thực sự đã được coi như
những sự kiên tự nhiên.
... Có người chủ trương các công thức tín
lý cũng biến chuyển theo thời gian lịch sử, và ý nghĩa khách quan của
chúng còn có thể đổi thay...
Phúc trình của Đức Tổng Giám mục Jean
Lefèvre tỉnh Bourges viết năm 1957, cho biết:
«Ngày nay, người ta khó chấp nhận bản thể
con người đã bị thương tổn vì tội tổ tông, và sự tổn thương ấy lại tồn
tại được sau khi đã chịu phép Thánh tẩy, một phép Bí tích có hiệu lực
khử trừ nguyên tội.» v.v...
«... Có nhiều viện cớ cho rằng sự đời biến
dịch đa đoan, tư tưởng tự do muôn mặt; nên đã có khuynh hướng coi mọi
tín ngưỡng, mọi trào lưu tư tưởng ngang nhau, v.v...»
oOo
Để hiểu rõ thêm tư tưởng Lecomte du Noüy,
từ đây sắp xuống ta sẽ so sánh tư tưởng ông với tư tưởng của các đạo
gia, huyền học, danh nhân, danh sĩ khắp nơi bất phân tôn giáo:
Quan niệm của Lecomte du Noüy về Chúa Cứu
Thế làm ta liên tưởng tới quan niệm của Cát Hồng đối cới Lão Tử.
Cát Hồng viết:
«Các học giả có óc chất hẹp hòi đã coi Lão
Tử như là một người Trời siêu xuất quần sinh, và khuyên các thế hệ tương
lai bắt chước ngài; nhưng làm thế tức là ngăn cản không cho mọi người
tin được rằng có thể nhờ học hành mà tìm ra được bí quyết trường sinh
bất tử.
«Thực vậy, nếu Lão Tử chỉ là một hiền nhân
đã đắc đạo, thì mọi người phải hết sức để theo gương bắt chước ngài;
nhưng nếu nói rằng: đó là một nhân vật đặc biệt, có thiên tính, thì ta
không thể bắt chước ngài được nữa.»
Lecomte du Noüy tha thiết chủ trương chân
đạo tại tâm
thì đại
khái đây là tư tưởng của ngài Bồ Đề Đạt Ma trong quyển Đạt Ma Huyết Mạch
Luận:
«Chân tâm bao quát đất Trời
Xưa nay chư Phật chẳng ngoài chân tâm.
Chẳng cần lập tự, lập văn
Trước sau chư Phật tâm tâm, tương truyền.
Tâm ta gồn mọi nhân duyên,
Mọi đời sau trước mọi miền gần xa.
Tâm ta là chính Phật đà.
Phật đà ở tại tâm ta chẳng ngoài,
Nát bàn, Viên giác, Như Lai,
Ngoài tâm tìm kiếm công toi ích gì.
Ngoài tâm tìm kiếm được chi,
Nát bàn đâu có lối về ngoài tâm,
Tự tâm chí chính, chí chân.
Tự tâm là Phật, tự tâm Niết Bàn.
Ngoài tâm, tìm kiếm đa đoan,
Tay không bắt gió, mơ màng hư vô.
Tâm ta tạo Phật cho ta,
Bỏ tâm tìm Phật, hỏi là tìm đâu;
Phật tâm, tâm Phật trước sau,
Ngoài tâm tìm Phật, hỏi sao chẳng lầm.
Cho nên biết hồi tâm,
Nội quan quán chiếu mà tầm siêu linh.
Bản lai diện mục của mình
Muốn tìm, thời phải ly hình nhập tâm.
Các Đạo gia cũng chủ trương phải tu luyện
sao cho «phàm tâm thoái, chân tâm tiến»...
«Tâm từ Thái Hư (Trời) sinh xuất, nên nếu
trở về được với Thái Hư (Trời), mới thành Tiên, thành Phật được»...
Lão Quân nói: «Ta từ vô lượng kiếp, nhờ
nhìn sâu vào tâm mà tìm ra được Đạo.»
Chủ trương của Mạnh Tử xưa cũng không
khác:
Mạnh Tử viết:
Thấu thiệt lòng sẽ hay biết tính,
Hay biết tính, nhất định biết Trời,
Tồn tâm, dưỡng tính chẳng rời,
Ấy là giữ đạo thờ Trời chẳng sai.
Ông viết thêm:
Cả vạn vật ở trong ta đó,
Quay về ta, ta cố tinh thành.
Kiện toàn hoàn thiện tinh anh.
Vui nào hơn được vui mình đang vui...
Lecomte du Noüy chủ trương chân đạo phát
xuất từ một nguồn, sau biến thiên thành nhiều tôn giáo. Ngày nay các tôn
giáo phải cố sao tìm lại tương đồng nguyên thủy ấy.
Trong bài tựa cuốn «Kim Liên chính Tông»
của Đạo lão ta cũng thấy có quan niệm tương tự:
«Đạo không đầu cuối, Giáo có trước sau.»
Hỏi: «Vậy Đạo và Giáo khác nhau sao?»
Thưa: «Khác.»
«Đạo thời chân thường, siêu việt; giáo
thời dạy cách độ người. Đạo là bản thể qua muôn ngàn đời không hề biến
dịch; giáo là công dụng, có lúc thịnh, có lúc suy.»
Thẳng thắn mà xét thì vấn đề «chính đạo
tại tâm» là một quan niệm mà chỉ có một số ít chính nhân quân tử, hiền
thánh mọi nơi mọi đời chấp nhận.
Nó đòi hỏi một sự suy xét sâu xa, một tâm
hồn tế nhị có thể thâu nhận được những ý niệm từ đáy lòng hiện lên tâm
thức. Đó là một công việc mà những người tầm thường không làm nổi.
Quan niệm này vì không có tầm kích không
gian thời gian nên không lồng được vào khuôn khổ lịch sử, và trước mắt
quần chúng nếu đó chẳng phải là tà thuyết, thì cũng là không ngôn, vì
hoàn toàn vượt trên tầm suy tưởng của họ.
Lecomte du Noüy không đề nghị mọi người
chấp nhận những tư tưởng tiền tiến ấy, mà chỉ xin mọi người hãy cố gắng
giúp đỡ những tâm hồn tiến hóa đã đi trước lịch sử...
Lecomte du Noüy chủ trương cố gắng không
ngừng để tiến tới tinh hoa toàn thiện
thì Trung
Dung cũng viết:
«...Nên quân tử dốc một lòng, một dạ,
Trọng tính Trời, quyết gắn bó học hành
Tiến sao cho đến mực rộng rãi tinh anh.
Mức cao sáng của Trung Dung đạo cả.»
Lecomte du Noüy chủ trương cần cải thiện
tâm hồn con người mới thực hiện được hòa bình quốc tế.
Đó cũng
chính là chủ trương của Đại Học tự ngàn xưa:
«Đại học có mục phiêu rõ rệt,
Đuốc lương tâm cương quyết phát huy.
Dạy dân lối sống tân kỳ,
Chưa nơi hoàn thiện còn đi chưa ngừng.
Có mục phiêu rồi lòng sẽ định.
Lòng định rồi, nhẹ gánh lo toan.
Hết lo, lòng sẽ bình an,
Bình an tâm trí rộng đàng xét suy.
Suy xét rộng, tinh vi thấu trọn,
Thấu sự đời ngành ngọn đầu đuôi.
Trước sau đã rõ khúc nhôi,
Tức là gần Đạo, gần Trời còn chi.
Muốn đức sáng truyền đi thiên hạ,
Người xưa lo cải hóa dân mình.
Trị dân, trước trị gia đình,
Gia đình muốn trị sửa mình trước tiên.
Muốn sửa mình, tâm nên sửa trước,
Sửa tâm hồn, trước cốt ý ngay.
Ý ngay, phải học cho dày,
Học cho thấu thiệt, mới hay «Khuôn Trời».
Hay «Khuôn Trời» thoát thôi thấu triệt,
Thấu triệt rồi ý thiệt lòng ngay.
Lòng ngay, ta sẽ hóa hay,
Ta hay gia đạo mỗi ngày một yên.
Nhà đã yên, nước liền thịnh trị,
Nước trị bình, bốn bể bình an,
Từ vua cho tới dân gian,
Tu thân một mực lấy làm căn cơ.
Lecomte du Noüy chủ trương tiến hóa chưa
ngừng nghỉ nơi con người mà còn tiến nữa, tiến mãi cho tới thần nhân.
Victor Hugo viết đại khái:
Kìa sinh khí chứa chan lai láng,
Rung lá cành, làm sáng lòng ta.
Tung hoành từ đá đến hoa,
Lại từ thảo mộc chuyền qua muông cầm.
Từ nham thạch chuyển dần tới bạn,
Có lẽ đâu tiêu tán nơi người?
Không, không, sinh khí chơi vơi,
Đường mây ai cản, đường trời ai ngăn?
Sức vô địch băng băng hướng thượng,
Tiến sâu vào vô lượng, vô hình.
Làm cho tràn ngập thái thanh,
Một trời sáng quắc treo tranh non bồng.
Xán lạn với muôn thần, vạn thánh
Ánh hào quang tạo cảnh giao trì.
Thần linh sánh với tiên tri,
Thiên thần rực rỡ quang huy trong ngoài.
Sinh khí ấy láng lai vô tận,
Bắc thang sao, muôn dặm thiên thai.
Từ nơi ngạ quỷ tuyền đài,
Tung lên cho tới muôn loài thần tiên.
Thấp với cao, tương liên kết giải
Muôn thánh thần chắp nối duyên tơ.
Băng qua muôn triệu cõi bờ
Nối liền sao sáng cùng là trời mây.
Cao với thấp đó đây ở hết,
Từ biên khu tới miết trung tâm.
Băng chừng muôn dặm muôn tầm,
Rồi ra biến dạng vào tâm khảm Trời.
Lecomte du Noüy tin tưởng cuộc tiến hóa
nhân quần sẽ làm xuất sinh một giống người siêu đẳng.
Victor Hugo viết:
Thuyền nhân loại hướng về đâu tá ?
Thuyền quang hoa băng ngả thần tiên,
Tiến về mai hậu siêu nhiên
Tiến về đức hạnh nguyên tuyền tinh hoa,
Ánh khoa học trời xa lóng lánh,
Thuyền quang hoa băng cảnh thần tiên,
Tiền về đẹp đẽ tinh tuyền,
Tiến về Thượng giới, về miền muôn sao.
oOo
Mở rộng tầm mắt bao quát vạn vật và không
gian thời gian Lecomte du Noüy cho rằng vũ trụ như có hai chiều hai
hướng, biến dịch tiến hóa.
Một chiều tiến hóa theo các định luật vật
chất một ngày một tiến tới bất động ù lì, tối tăm lạnh lẽo, hỗn loạn.
Một chiều tiến hóa theo các định luật tinh
thần một ngày một tiến tới tinh vi kỳ ảo linh động sáng tươi, đẹp đẽ,
trật tự hòa hợp. Và khi tinh thần tiến tới chỗ tinh hoa tuyệt diệu, thì
vật chất sẽ tiến tới chỗ hỗn loạn và triệt tiêu.
Ta thấy nó giống với các định luật «dương
tiêu âm trưởng» và «âm tiêu dương trưởng» của Dịch Kinh cũng như hai
chiều hướng tinh thần, vật chất, tiên thiên, hậu thiên mà các tiên nho
thường đề cập tới khi vẽ các đồ bản Hà Đồ, Lạc Thư cách đây mấy nghìn
năm.
Những vấn đề triết học, siêu hình, đạo
giáo, và định mệnh con người mà Lecomte du Noüy đề cập tới trong các tác
phẩm của ông, có thể hiểu được dễ dàng, nếu ta đem lồng chúng vào trào
lưu tư tưởng của các hiền thánh bốn phương xưa nay.
Thực vậy, song song với các đạo giáo,
triết thuyết hiện hành còn có một thứ triết thuyết và đạo giáo của các
nhà huyền học tứ phương.
Về triết lý, các ngài chủ trương con người
gồm đủ tam tài thiên, địa, nhân. Nói theo từ ngữ triết học Âu châu, con
người gồm có:
Xác (địa)
Tâm (Nhân)
Thần (Thiên)
Đó là quan niệm tam tài mà chính Thánh
kinh cũng nhiều lần đề cập tới.
Theo nhãn quan này, thì con người có ba
thứ đạo, tức là ba bổn phận:
-
Vật đạo: lo cho xác thân được khang
kiện, chế ngự được ngoại cảnh.
-
Nhân đạo: lo cho tâm hồn được khinh
khoát, thoát vòng kiềm tỏa của dục tình, ăn ở xứng đáng với danh nghĩa
con người, tiếp nhân xử kỷ cho phải phép.
-
Thiên đạo: vươn lên tới bình diện
tâm linh tâm thần, sống phối hợp cùng Thượng Đế, bỏ lốt «phàm tâm» thể
hiện «thiên tâm».
Đó là
giai đoạn «nhân tử, thần hoạt»
của các
nhà huyền học Lão giáo, hay «nhân dục tận thiên lý hiện» của các nhà
huyền học Nho giáo.
Đó là luận điệu của các nhà huyền học muôn
phương.
Và giở thánh thư thánh Paulô, ta cũng thấy
đầy tràn âm hưởng ấy.
Theo nhãn quan này, thì con người sinh ra
chưa phải là con người thực, còn phải tốn công mài dũa, tu luyện lâu lai
mới thành người; lại từ con người đến địa vị thần thánh cũng thực là
nhiêu khê vất vả. Sinh ra là phàm nhân, con người phải dùng đời mình để
cố gắng trở nên những con người xứng đáng, trở nên hiền thánh, như vậy
thì càng về chiều, càng về già thời gian càng trở nên quí báu, quan
trọng, và con người không bao giờ được ngừng nghỉ, phải tiến bước mãi để
đạt đích hoàn thiện. Con người chỉ trở nên bất tử khi thực hiện được
thiên tâm.
Các hình thức bên ngoài, các giáo lý, mới
đầu rất cần thiết vì nó hỗ trợ con người trong công trình đi tìm chân
lý, nhưng khi đã nhìn nhận thấy con đường nội tâm, và đã biết những
phương pháp suy tư, định tâm, định trí bên trong, thì các phương thức
bên ngoài trở thành tùy thuộc. Tất cả các phương thức chỉ có giá trị ở
chỗ giúp đỡ con người tìm ra được chân thần, sống cao siêu, phối hợp
được cùng Thượng Đế, ngay từ khi còn ở gian trần này. Khi đã đạt đích,
thì mọi sự không còn cần yếu nữa.
Con người phải chứng nghiệm được những
giai đoạn mình đã băng qua, những kết quả đã thâu lượm được, ngay từ khi
còn ở hoàn trần; cho nên mới đầu thì phải nhờ người hướng dẫn, sau dần
dà phải tự mình điều khiển, lèo lái lấy cuộc đời mình,
theo
đúng đường lối gương tích các bậc thánh hiền tiền bối...
Định mạng mỗi cá nhân và định mạng nhân
quần chỉ là một. Định mạng ấy rất cao siêu, sang cả. Tuy nó đã được tiền
định do Thiên ý,
nhưng sự
thực hiện định mạng này lại hoàn toàn lệ thuộc vào thời gian, tuổi tác
cá nhân và nhân loại, vào tầm nhìn lối nghĩ, trình độ hiểu biết của cá
nhân và nhân loại,
cũng như
vào sự cố gắng và sự tha thiết tìm cầu.
Vì thế
nó cần có một tiến trình vô hạn để thực hiện.
oOo
Tổng kết lại, ta thấy Lecomte du Noüy hết
sức lạc quan, hết sức tin tưởng vào những tiềm năng tiềm lực nơi con
người, tin tưởng vào định mệnh sang cả của con người.
Lecomte du Noüy hết sức đề cao giá trị con
người, và cho rằng con người có góp phần vào công cuộc tiến hóa, thì mọi
dự định của Trời mới thành tựu được một cách đẹp đẽ. Y thức như trong
công cuộc tiến hóa, Trời trù định đường lối, kế hoạch, còn con người sẽ
theo đấy mà thực hiện công trình. Thế tức là «Mưu sự tại Thiên, mà thành
sự tại Nhân» ngược hẳn với câu cách ngôn yếu đuối xưa kia là «Mưu sự tại
nhân, mà thành sự tại Thiên».
Phải chăng đó cũng là lẽ «Thiên nhân hợp
phát» của các nhà huyền học Trung Hoa thời cổ.
Lecomte du Noüy đã cho chúng ta một kim
chỉ nam tiến hóa rất giản dị:
Tiến sâu vào đáy lòng, cố dẹp bỏ thú tính,
cố sống cho cao siêu khinh khoát, để thể hiện nơi ta một tâm thần siêu
đẳng. Đó là chốt then của sự tiến hóa để tiến tới vinh quang, tới định
mệnh sang cả của con người đúng theo Thiên ý.
Thế mới hay:
Việc đời mà nắm chốt then,
Trăm nghìn biến hóa tần phiền xá chi!
Biến thiên càng lắm tân kỳ,
Càng nhiều thịnh vượng, lo gì mà lo!
Việc đời mà rối vò tơ,
Thời thôi điên đảo, vật vờ suy vi.
Lao lung, luân lạc hiểm nguy
Càng ngày càng tới chung kỳ bại vong.
Ước gì những tư tưởng cao đẹp của Lecomte
du Noüy làm bừng cháy lên ngọn lửa thiên chân hằng âm ỉ sẵn trong lòng
mọi người.
Và thiết tưởng không gì đẹp đẽ hơn là kết
thúc chương này bằng một lời nguyện ước của Lecomte du Noüy:
«Ước gì
con người đừng bao giờ quên tàn lửa thiên chân trong lòng họ, và đừng
quên rằng họ có toàn quyền hoặc là khinh khi vùi dập tàn lửa ấy hoặc là
tiến tới Thượng Đế bằng sự hăng hái hoạt động với Ngài và vì Ngài.»
CHÚ THÍCH
«J’estime en effet que les souffrances du temps présent ne sont pas
à comparer à la gloire qui doit se révéler en nous, car la création
en attente aspire à la révélation des fils de Dieu. Nous le savons
en effet, toute la création jusqu’à ce jour gémit en travail
d’enfantement.»
Romain 8, 18, 19...23
Car
je vais créer des cieux nouveaux et une terre nouvelle et on ne
souviendra plus du passé, qui ne remontera plus au cœur. Qu’on soit
dans la jubilation et qu’on se réjouisse de siècles en siècles de ce
que je vais créer, car je vais créer Jérusalem «joie» et son peuple
«Allégresse»... Là plus de nouveau-né qui ne vive que quelques
jours, ni de vieillard qui n’accomplisse pas son temps. Mourir à
sent ans, c’est mourir jeunne et ne pas atteindre cent ans sera
signe de malédiction.
Isaie 65; 17-20
S’il
y a un corps psychique, il y a aussi un corps spirituel. C’est ainsi
qu’il est écrit: «Le premier homme, Adam, a été fait âme vivante, le
dernier Adam est un esprit qui donne la vie. Mais ce n’est pas le
spirituel qui paraît d’abord. C’est le psychique, puis le spirituel.
Le premier homme, issu du est terrestre, le second homme, lui, vient
du ciel. Tel a été le terrestre, tels seront aussi les terrestres.
Tel est le céleste, tels seront aussi les célestes. Et de même que
nous avons revètu l’image du terrestre, il nous faut revêtir aussi
l’image du céleste.
Mục lục | Tựa của Phạm Đình Tân
| Thư bà Mary Lecomte du Noüy
| Lời nói đầu
Phần 1: chương
1
2
3
4 | Phần 2: chương
1
2
3
4 |
Phần 3: chương
1
2
3
4
Phụ lục
1
2
3 |
Sách tham khảo
|