THIÊN ĐỊA VẠN VẬT ĐỒNG NHẤT THỂ

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

» Mục lục | Phi lộ | chương: 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13  14  15  16  17  18  19


Chương 1

ĐẠI CƯƠNG

 

Từ năm 1956, tôi bắt đầu khảo cứu về các triết thuyết và các đạo giáo Đông Tây, nhất là Dịch Kinh, Bà La Môn, Phật, Lão, và Khổng giáo.

Thoạt kỳ thủy tôi đã cảm thấy rằng tất cả tư tưởng Thánh Hiền trên thế giới có cái gì tương đồng, nên từ đấy, luôn luôn tôi để tâm suy cứu và tìm tòi. Mãi đến năm 1976, khi còn bị kẹt lại ở Việt Nam, tôi mới thực sự hình thành được một học thuyết nhất quán, kết tinh được mọi dòng suy tưởng cao siêu nhất của Đông Tây kim cổ.

Tôi gọi đó là học thuyết:

Thiên địa vạn vật đồng nhất thể (Monistic theory), theo từ ngữ Á Đông;

Học thuyết Phóng Phát (Emanation theory) theo từ ngữ Âu Châu;

Học thuyết Phóng Phát Tán Phân (Emanation & Division Theory) theo Kinh Dịch.

Học Thuyết Thiên Địa Vạn Vật Đồng Nhất Thể từ ngàn xưa, đã hàm tàng trong các triết học và tôn giáo Á Đông, như Dịch Kinh, như Bà La Môn, Phật, Lão, Khổng.

Cha ông ta xưa đã biết điều đó nên mới có những khẩu quyết như:

Nhất tán Vạn, Vạn qui Nhất; Tam Giáo Đồng Nguyên, Vạn Giáo Nhất Lý, hay Đồng qui nhi thù đồ.

Nó cũng là chủ trương chính yếu của nhiều mật tông, mật giáo Âu Châu như Phái Tân Bá Lạp Đồ (Neo-Platonism) phái Giác Ngộ (Gnosticism); Kabbalah (Mật Tông Do Thái); Phái Luyện Đan (Alchemy); Bài Tarot (Tarot) Khoa Chiêm Tinh (Astrology); Tam Điểm (Free-Masonry); phái Hồng Hoa Thập Tự (Rosicrucianism), Thông Thiên Học (Theosophy) và của nhiều Giáo Phái mới hiện nay ở Mỹ Châu và Âu Châu như Siêu Việt Phái (Transcendentalism), Tin Lành Tiền Tiến (Liberal Protestantism) v. v...

Phái Bạch Y (Sufism) của Hồi Giáo cũng chủ trương tương tự.

Trình bày học thuyết này một cách cô đọng, ta thấy nó có những chủ trương chính yếu sau đây:

1. Vũ trụ này là sự hình hiện, hiển dương của một Đại Thể linh minh, huyền diệu bất khả tư nghị. Nói cách khác, vũ trụ quần sinh này không phải là đã được tạo dựng nên bởi một vị Thượng Thần quyền uy vô hạn, mà đã do một Đại Thể phóng phát tán phân ra mà thành.

2. Vì Đại Thể nói trên đã lấy chính Bản thể mình để hình hiện, biến hóa ra vũ trụ hữu hình này, nên tất cả quần sinh trong vũ trụ này đều cùng nhau chia sẻ Bản Thể siêu việt nói trên. Vì thế mới nói là Thiên địa vạn vật đồng nhất thể, hay Nhất tức Nhất Thiết; Nhất Thiết tức Nhất: Một là Tất Cả; Tất Cả là Một.

3. Cái Đại Thể vô biên tế, bất khả tư nghị ấy, sau này được hài danh bằng nhiều cách, được gọi, được tả bằng nhiều tên như Hư, Không, Vô Cực, Thái Cực, Đạo, Chân Như, Chân Tâm, Trời, Thượng Đế, Allah, Ahura Mazda, Yahveh, Adonai, Brahman, Atman, En-Sof hay Bản Thể. Xin nói ngay rằng Bản thể trên không phải là vị Thượng Thần hữu ngã (Dieu personnel) mà là một vị Thượng Thần vô ngã (Dieu impersonnel).

4. Vũ trụ quần sinh hay chúng sinh được bao quát bằng danh từ Hiện Tượng.

5. Như vậy vũ trụ quần sinh đa tạp này có hai phương diện:

a). Phương diện Bản Thể thời đồng nhất bất phân, siêu xuất biến thiên, siêu xuất sinh tử, siêu xuất không gian, thời gian; siêu xuất thiện ác, siêu xuất trên các hình danh, sắc tướng. Á Đông xưa còn gọi đó là cõi Niết Bàn trường sinh, bất tử, hạnh phúc vô biên.

b). Phương diện Hiện Tượng thời đa tạp, nằm trong vòng biến thiên tương đối; chịu sự chi phối của không gian thời gian, có hiện, có biến, tức là có sinh, có tử, ở trong vòng hình danh, sắc tướng, và lúc nào cũng va chạm với những cặp mâu thuẫn như thiện ác, thị, phi. Vì ở trong vòng Âm Dương tương đối, nên cũng còn gọi là cõi luân hồi, sinh tử, biến thiên, đau khổ.

6. Tất cả các hiện tượng tuy biến thiên, nhưng luôn luôn được chi phối bởi những định luật vĩnh cửu như Tụ, Tán, Vãng Lai, Thuận Nghịch, Hỗ Tương Ảnh Hưởng; Hỗ Tương Sinh Hóa.

7. Vũ trụ quần sinh, tuy biến thiên đa tạp, nhưng vì đã sinh xuất từ một Bản Thể, nên lúc chung cuộc lại trở về hợp nhất với Bản Thể nói trên. Nói thế có nghĩa là vũ trụ này biến hóa theo định luật tuần hoàn. Người xưa gọi thế là 'Nhất Tán Vạn, Vạn Qui Nhất' hay 'Thiên Địa tuần hoàn chung nhi phục thủy'.

Học thuyết này đã được trình bày bằng nhiều loại từ ngữ, ngoài loại từ ngữ triết học nói trên:

Ví dụ:

1. Từ ngữ huyền thoại (Mythological language):

Vũ trụ này đã do Thần Prajapati, Purusa, Ymer, Bành Tổ, hay Lão Tử phân thân ra mà thành.

2. Từ ngữ Tượng hình (Symbolical language):

- Vũ trụ này ví như là một vòng tròn, đã tung tỏa ra từ một Tâm Điểm. Tâm điểm đó là Thái Cực, là Chân Tâm. Vạn Hữu là Vòng Tròn biến thiên bên ngoài, tượng trưng bằng những hào quải.

- Vũ trụ này như là một cây vĩ đại: Gốc rễ là Bản Thể, cành lá là Hiện Tượng, là Hào Quải.

- Vũ Trụ này có thể được tượng trưng bằng Vừng Dương với muôn ánh hào quang.

Bản thể là Vừng Dương; vạn tượng, vạn hữu là những ánh dương quang lan tỏa muôn phương.

3. Từ ngữ ví von bóng bảy (metaphorical language):

Bản Thể Nhất Nguyên đã sinh ra vạn hữu chẳng khác nào như lửa sinh tàn; như nhện nhả tơ, như đất sinh cỏ.

4. Từ Ngữ Số Học (Numerical language):

Bản thể sinh ra vạn hữu chẳng khác nào như NHẤT sinh VẠN. Bản thể thời siêu xuất Âm Dương, phi Âm, phi Dương nên được chỉ bằng còn số 5 hay 15; thế giới tương đối được tượng trưng bằng số 3, số 2; hay số 9, số 6.

Bản Thể (5-15) phân ra thành quần sinh, vũ trụ (3-2; 9- 6). - Quần sinh hợp lại (2 + 3; 9 + 6) thành Bản Thể (5-15).

Nhất = Bản Thể; Vạn = Quần sinh, vũ trụ hữu hình.

5. Ngoài ra còn dùng cách lắp chữ, phân chữ (Hieroglyphic language), để mô tả tư tưởng trên.

Chẳng hạn gọi Bản Thể là Dịch vì Dịch gồm hai chữ Nhật Nguyệt, nghĩa là Bản Thể bao quát cả âm lẫn Dương: Tinh thần, Vật chất chỉ là hai chiều, hai mặt của một Bản Thể duy nhất.

- Gọi Bản Thể là Thổ vì Thổ cũng là Âm Dương hợp Nhất.

- Gọi Bản Thể là YHVH (YHVH là Thượng Đế trong đạo Do Thái), gọi vạn hữu là Y, H, V, H.

Khi tụ (YHVH) thì là Thượng Đế;

Khi tán (Y, H, V, H: Mỗi chữ xếp vào mỗi phương) thì là Vạn Hữu. (Người Do Thái đọc 4 chữ trên là Yod He Vau He).

Hơn thế nữa, học thuyết này đã được các khoa Chiêm Tinh đông tây dùng trăng sao mà viết lại:

- BẢN THỂ được tượng trưng bằng sao Bắc Thần (Pole Star), hoặc bằng một tâm điểm cách sao Bắc Thần khoảng 3o.

- Ngay lúc ÂM DƯƠNG sinh hoá được tượng trưng bằng Mặt Trời. Mặt Trăng.

- Tứ Tượng (Bản chất vạn hữu được sắp xếp theo tỉ trọng: Khinh thanh, trọng trọc; bán trọc, bán thanh; bán thanh bán trọc) được vẽ lại bằng 4 vùng sao, hoặc bằng 4 chòm sao:

Người Trung Hoa tượng trưng Tứ Tượng bằng bốn vùng sao:

- Chu Tước (Thái Dương) (gồm 7 chòm sao phía Nam: Khuê, Lâu, Vị, Mão, Tất, Chủy, Sâm);

- Bạch Hổ (Thiếu Âm) (gồm 7 chòm sao phía Tây: Tỉnh, Quỉ, Liễu, Tinh, Trương, Dực, Chẩn);

- Huyền (Thái Âm) (gồm 7 chòm sao phía Bắc: Đẩu, Ngưu, Nữ, Hư, Nguy, Thất, Bích);

- Thanh Long (Thiếu Dương) (gồm 7 chòm sao phía Đông: Giác, Cang, Đê, Phòng, Tâm, Vĩ, Cơ);

Người Âu Châu tượng trưng Tứ Tượng bằng bốn chòm sao sau đây:

- Kim Ngưu (Taurus với sao Aldebaran); Sư Tử (Lion với sao Regulus); Thiên Yết (Scorpio với sao Antares); Bảo Bình (Aquarius với sao Fomalhaut).

Bốn sao Aldebaran, Regulus, Antares, Fomalhaut là bốn sao sáng nhất trên bầu trời, mỗi sao trấn ngự một phương trời.

Bốn chòm sao Kim Ngưu, Sư Tử, Thiên Yết, Bảo Bình đã được tượng hình bằng Tứ Linh: Bò, Sư Tử, Phượng, Người.

Theo đà thời gian, Tứ Tượng, Tứ Linh đã trở thành một đề tài văn hóa, nghệ thuật:

Bò, Sư Tử, Phượng, Người đã trở thành con quái thú mà tiên tri Ezekiel trông thấy ở bên bờ sông Kebar (Ezekiel, 1:10) và thánh John đã thấy trước tòa Thiên Chúa (Revelation, 4:6-8), hoặc trở thành bốn Tướng Tinh của bốn Thánh sử Luke, Mark, John, và Matthew.

Học thuyết trên cũng còn được các nghệ sĩ, dùng gỗ, đá, dùng tranh ảnh để truyền lại muôn đời: Tứ Tượng của Dịch Kinh trở thành những con quái thú Ai, Cập, Hi Lạp, Assyria, hay Tứ Linh của Trung Hoa:

- Những con quái thú Assyria thường có đầu người, mình sư tử, cánh phượng, chân bò.

- Trung Hoa thường hay vẽ Tứ Linh là: Long, Ly, Qui, Phượng.

Đại ý rằng cái vũ trụ hữu hình đa tạp này, mới nhìn thì thấy rời rạc nhưng xét kỹ chính là một thực thể duy nhất...

Trong khi khảo về Thuyết Thiên Địa Vạn Vật Đồng Nhất Thể, tôi đã nghĩ ra ba loại tượng hình:

a). Một là Tâm Điểm và Vòng Tròn. Tâm Điểm tượng trưng cho Đại Thể bất biến. Vòng tròn bên ngoài tượng trưng cho vạn hữu biến thiên.

 

b). Hai là ba vòng tròn đồng tâm.

- Vòng trong cùng tượng trưng cho phần Thần, phần Thiên.

-Vòng giữa tượng trưng cho phần Hồn, phần Nhân.

-Vòng ngoài cùng tượng trưng cho phần Xác, phần Địa.

Ba phần trên không bao giờ xa lìa được nhau. Đó là quan niệm Tam Tài của người xưa.

Nhưng vì mọi người thường không biết mình có phần Thiên, nên giữa phần Thiên và phần Nhân, tôi vẽ thêm một khoảng tròn đen, tượng trưng cho bức màn Vô Minh. Tôi đã dùng hình vẽ trên để cắt nghĩa Chân Tâm, Vọng Tâm; Bờ Mê, Bến Giác của Phật giáo.

c). Ba là tôi dựa vào Kinh Dịch, vẽ thành 7 vòng tròn đồng tâm:

Vòng tròn trong cùng là Thái Cực, Vô Cực, hay Tuyệt Đối Thể. Sáu vòng bên ngoài phản ảnh lại sáu Hào trong các quẻ Dịch, phản ảnh lại các hiện tượng biến thiên của vũ trụ, và của con người.

Như vậy từ tâm điểm ra biên khu, ta có bảy tầng như sau:

‒ 1. Thần.

‒ 2. Khí.

‒ 3. Tâm.

‒ 4. Trí

‒ 5. Xác

‒ 6. Gia Đình, Quốc Gia, Xã Hội.

‒ 7. Nghề nghiệp, ngoại cảnh. Vòng vật chất ngoài cùng này bao quát cảnh vật bên ngoài, từ môi sinh gần gũi đến các tinh cầu xa tít tắp.

Ý muốn nói rằng Con người là Tất cả. Tâm khảm thì trực tiếp với Thượng Thần của trời đất; ngoài thì hỗ tương ảnh hưởng với đồng loại, với quần sinh, với vũ trụ hữu hình.

Thần con người từ trung tâm đi ra đến biên khu, lại từ biên khu trở về trung tâm.

Trên con đường tiến thoái tuần hoàn ấy, con người mặc sức thi triển thần thông, thần lực để cải tạo ngoại cảnh, cải tạo chính mình, để lúc trở về đến tâm điểm sẽ hoàn thành được sứ mạng cao cả của con người: Đó là Thực hiện Toàn Thiện; thực hiện Lý Tưởng.

Con đường tiến thoái tuần hoàn ấy, nếu đi đúng hướng thì có thể thực hiện rất nhanh, hoặc trong một khoảnh khắc, hoặc trong một đời người; còn như không tìm ra được đường đi, thì sẽ lạc lõng, muôn ngàn đời cũng chưa thấy được nẻo về.

Khoa học ngày nay càng ngày càng chứng minh học thuyết này.

‒ Trong Thiên văn học, ta thấy có học thuyết 'Big Bang', và học thuyết 'vũ trụ khi tán khi tụ'.

‒ Tư Tưởng âm Dương đã ngự trị trên khoa học hiện thời. Chúng hiện thân thành Proton, Electron; Positron, Negaton trong lòng các nguyên tử; và thành các cực âm Dương trong Từ-Điện học.

‒ Cấu trúc của Khoa Genetic có thang DNA, và các nấc thang kết cấu bằng 4 amino-acids nguyên thủy. Bốn amino-acids đó đã cấu tạo nên 64 nucleotides khác, y thức như Âm Dương sinh Tứ Tượng; Tứ Tượng sinh ra 64 quẻ Dịch. Isaac Azimov, trong quyển The Genetic Code của ông, đã vẽ lại tiến trình từ 4 amino-acids nguyên thủy đến 64 nucleotides, và lập thành một đồ bản. Có điều lạ lùng là chúng ta có thể đem thứ tự 64 nucleotides đó mã thành 64 quẻ Dịch, đúng theo thứ tự của Phục Hi. Tôi đã làm chuyện này khi viết quyển Trung Dung Tân Khảo năm 1959-1960.

Sự kiện đó không thể là một sự trùng hợp ngẫu nhiên.

Khảo cấu trúc của các giải ngân hà, của thái dương hệ, của nguyên tử, của các tinh thể; khảo cơ cấu của nhiều cây cối, và sinh vật; khảo cơ cấu của óc não (não thất ba và vỏ não), ta thường thấy hiện ra hình một tâm điểm với nhiều vòng tròn đồng tâm.

Khảo cấu trúc của nhiều đền đài miếu mạo (Stonehenge, Borobudur); khảo các hình trang trí (Hình Mặt Trời-Đá của Aztecs; Đá Tjuringa của Úc); hay các hình vẽ của các nghệ sĩ (Hình vẽ trên cát của dân Navaho; các hình hoa thị trong các nhà thờ); các mandala ấn Độ, Tây Tạng; khảo các mô hình của nhiều thành phố từ trước tới nay; các hình vẽ của các bệnh nhân, ta thường thấy vẽ theo hình tâm điểm và vòng tròn.

Tất cả đều cho thấy rằng giữa lòng vũ trụ biến thiên, luôn tiềm ẩn Bản Thể bất biến.

Nhìn vào tổ chức não bộ con người, ta thấy Não Thất Ba nằm tại Trung Cung Não Bộ. Bà La Môn và Phật Giáo gọi đó là Liên Hoa Tâm, Lão Giáo gọi đó là Nê Hoàn Cung, nơi Thượng Thần trời đất ngự trị.

Về phương diện đạo giáo, học thuyết này đưa ra một cái nhìn hết sức siêu tuyệt. Nó chủ trương:

‒ Trời Phật chẳng có ở đâu xa mà đã ở ngay trong lòng sâu con người.

‒ Con người vì có cùng một Bản Thể với vũ trụ, với Nguồn Sinh vũ trụ, nên có một giá trị siêu tuyệt, cũng như có những khả năng vô biên vô tận. Những khả năng này hiện nay còn tiềm ẩn. Con người cần phải dùng thời gian, không gian, dùng vũ trụ, ngoại cảnh, cần hợp lực với tha nhân để khai triển, để thực hiện những khả năng vô biên ấy.

‒ Con người nếu trầm tư, mặc tưởng, nếu biết thu thần, định trí, nếu biết đi sâu vào tâm khảm của chính mình sẽ tìm ra được Chân tướng sang cả; thân thế và định mệnh siêu tuyệt của mình.

‒ Vì con người có cùng một Bản thể với quần sinh, nên tha nhân với ta là một, vạn vật với ta là một. Ta cần phải yêu, phải trọng, phải hợp tác với tha nhân và với quần sinh vũ trụ.

‒ Lúc chung cuộc tiến hóa, khi tiến tới điểm Omega, theo từ ngữ của Teilhard de Chardin, con người sẽ trở về hợp nhất với Bản Thể vũ trụ:

‒ Bà La Môn, Phật giáo gọi thế là Nhập Niết Bàn.

‒ Lão giáo gọi thế là Phối Thiên hay Đắc Đạo.

‒ Khổng Giáo gọi thế là Phối Thiên.

‒ Cao Đài gọi thế là Phối Thiên, hay Thiên Nhân hợp nhất, hay Thuần Chân Vô Ngã.

‒ Teilhard de Chardin gọi thế là thành Chúa Thánh Thần.

‒ Riêng đối với con người, nếu ai biết đường tu trì, biết hồi quang quán chiếu, giác ngộ, định tĩnh sẽ có thể Phối Thiên, hay Đắc Đạo, hay Nhập Niết Bàn, ngay từ khi còn ở gian trần này.

Có thể nói học thuyết này đã chứng minh được rằng: Thánh Hiền Đông Tây, Kim Cổ không phân đạo giáo đều có đồng một niềm tin, một học thuyết, một tầm nhìn, một lối nghĩ, một đường lối như nhau. Tuy sự phát biểu, và lề lối diễn đạt có hơi khác biệt nhau, nhưng đại ý vẫn là một.

Tôi nghĩ rằng trong tương lai nhân loại sẽ nhận ra rằng học thuyết này mới là CHÂN LÝ VĨNH CỬU BẤT BIẾN của trời đất, và sẽ dùng nó làm kim chỉ nam để khảo cứu khoa học, triết học, đạo giáo, đồng thời cũng dùng nó làm đuốc sáng soi đường cho mình trong công cuộc tu trì, qui nguyên phản bản, thành chân chứng thánh.

Nay, đem trình bày cùng quí vị học thuyết này, tôi ước mong được quí vị chia sẻ lập trường của tôi, ý nguyện của tôi.

Trong khi soạn thảo học thuyết này, tôi muốn trước hết là tôn vinh tiên tổ của chúng ta: Từ thời Lý, Trần các Ngài đã thông hiểu học thuyết này, và đã dùng nó để hòa đồng các tôn giáo trong nước; sau nữa muốn nhân danh là một người Việt Nam tị nạn, hiến dâng cho thế giới một công trình suy khảo trong hơn 40 năm của đời mình. Nay tôi đã hoàn thành xong được cả hai ấn bản một bằng Việt Văn, hai bằng Anh Ngữ. Quyển Thiên Địa vạn vật đồng nhất thể này có những đoạn trùng phức nhau, vì tôi viết nó trong một thời gian rất lâu là từ 1976 đến nay.

Nếu quí vị tha cho những chỗ trùng điệp trong sách này, quí vị sẽ thấy càng ngày sách càng thêm mạch lạc và lý sự. Quyển The Monistic Theory tôi viết vào năm 1993. Tuy nó không giống với quyển tiếng Việt, vì tôi soạn thẳng nó, chứ không dịch từ tiếng Việt, nhưng tư tưởng thì hoàn toàn giống nhau.


» Mục lục | Phi lộ | chương: 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13  14  15  16  17  18  19