KHỔNG HỌC TINH HOA

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

 Mục lục | Lời nói đầu | chương 1  2  3  4 | Tổng luận | Phụ lục 1  2  3 | Sách tham khảo


Chương 4

Nền thiên trị Trung Hoa thời cổ

Thiên: Dẫn đầu 1  2  3  4  5  6  7  8  9

Thiên dẫn đầu: Đại cương Hồng Phạm Cửu Trù

Thiên 1: Đấng quân vương phải am tường vật lý

Thiên 2: Đấng quân vương phải biết phương pháp tu thân

Thiên 3: Đấng quân vương phải biết phương pháp trị dân

Thiên 4: Đấng quân vương phải am tường ý nghĩa của tháng năm, hiểu thiên văn, lịch số

Thiên 5: Đấng quân vương sẽ ở ngôi Hoàng Cực, thay Trời trị dân

Thiên 6: Thuật cai trị: chính trực nhưng phải biết cương nhu, quyền biến

Thiên 7: Đấng quân vương phải biết suy nghĩ bàn bạc, hỏi han khi gặp những trường hợp nan giải

Thiên 8: Đấng quân vương phải nhân các điềm trời mà soát xét lại đường lối cai trị

Thiên 9: Đấng quân vương phải nhìn vào tình cảnh dân, để nhận định giá trị của nền cai trị

Tổng luận


THIÊN 2

ĐẤNG QUÂN VƯƠNG PHẢI BIẾT PHƯƠNG PHÁP TU THÂN

 

Thiên tử phải biết mình, biết người, biết phương pháp gây uy tín, tăng gia kiến thức, giá trị nội tại. Ngoài phải đoan trang, biết đàng ăn nói, biết nghe, biết nhìn, biết suy xét. [1]

Hồng Phạm viết:

Hai là năm việc: một là dáng điệu, hai là nói năng, ba là trông nhìn, bốn là nghe ngóng, năm là nghĩ ngợi. Dáng điệu phải kính cẩn, nói năng phải hợp lý, trông nhìn phải sáng suốt, nghe ngóng phải tinh tế, nghĩ ngợi phải thấu triệt. Kính cẩn sẽ nghiêm trang; hợp lý sẽ trật tự; sáng suốt sẽ khôn ngoan; tinh tế sẽ mưu lược; thấu triệt sẽ thánh thiện.[2]

Đó chính là đường lối cho nhà vua tiến tới minh triết, hiền thánh.

Phương pháp tiến tới minh triết, hiền thánh thật cũng rất là giản dị; chỉ cần tận dụng khai thác các quan năng mình; con tim, khối óc mình, cho nó rung động lên, rực rỡ lên, và thành khẩn đón nhận tinh hoa nhân loại.

Nguyên tắc chính vẫn là muốn trị người, trước phải trị mình.

Đức Khổng nói trong Luận Ngữ: «Như người nào đã sửa trị lấy mình, thì đứng ra cai trị thiên hạ có khó gì. Nhược bằng chẳng cai trị được mình, thì làm sao cai trị nhân dân được?» [3]

Ta có thể dùng Luận Ngữ, Mạnh Tử để bình giải thiên này.

Đức Khổng nói: «Người quân tử có chín mối xét nét:

1- Khi trông thì cố trông cho minh bạch.

2- Khi nghe thì lắng nghe cho tỏ rõ.

3- Sắc mặt giữ cho ôn hòa.

4- Tướng mạo giữ cho khiêm cung.

5- Nói năng thì giữ bề trung thực.

6- Làm việc thì trọng sự kính cẩn.

7- Có điều nghi hoặc thì liệu thế hỏi han.

8- Khi giận thì nghĩ đến hoạn nạn có thể xảy ra.

9- Khi thấy mối lợi, liền nhớ đến điều nghĩa.» [4]

Người xưa rất chú trọng đến lời ăn, tiếng nói, vì lời lẽ phản ảnh tâm hồn con người.

Mạnh Tử nói: «Nghe ai thốt ra lời nghiêng lệch bất công, ta biết rằng lương tâm kẻ ấy bị mối tư dục che án. Nghe ai thốt ra lời phóng đãng, ta biết rằng tâm ý kẻ ấy bị chìm đắm. Nghe ai thốt ra lời tà ác, ta biết lòng dạ kẻ ấy rời khỏi đường chính nẻo thiện. Nghe ai thốt ra lời đần độn, ta biết tâm trí kẻ ấy cùng quẫn chẳng thông. Nhà cầm quyền nếu tâm không minh chính, thiên lệch, u mê, chắc chắn sẽ có ảnh hưởng xấu đến chính sự, sẽ hại cho việc nước. Dẫu thánh nhân trở lại cõi này cũng sẽ công nhận lời ta vậy.» [5]

Tăng Tử cho rằng:

Bậc quân tử ở ngôi trên, quí trọng đạo đức, có ba điều:

1- Cử chỉ dung mạo nên tránh lối bạo ngược khinh lờn.

2- Dung nhan nên sửa cho thành tín ngay thật.

3- Lời nói nên tránh lối thô bỉ, bạo nghịch. [6]

Ông Tử Trương hỏi đức Khổng: «Phải làm gì mới đáng là người gánh việc nước?»

Đức Khổng đáp: «Người gánh vác việc nước phải tôn trọng năm việc tốt, trừ tuyệt bốn việc xấu.»

Tử Trương hỏi: «Sao gọi là năm việc tốt?»

Đức Khổng đáp:

«1- Người quân tử cầm quyền thi thố ân huệ cho dân mà chẳng hao tốn tiền của.

2- Khiến dân làm việc cực nhọc mà họ chẳng oán ghét.

3- Có lòng ưa thích mà chẳng mang tiếng tham.

4- Tướng mạo thư thái mà chẳng có vẻ kiêu hãnh.

5- Oai nghiêm đằm thắm mà chẳng có vẻ hung dữ.»

Tử Trương hỏi thêm: «Sao gọi là thi thố ân huệ cho dân mà chẳng hao tốn tiền của?»

Đức Khổng giải: «Mình nương theo chỗ lợi của dân mà mở mang nguồn lợi cho họ nhờ, như vậy chẳng phải là thi thố ân huệ cho dân mà chẳng hao tốn tiền của sao? Mình chọn việc nào đáng làm mà phải lúc mới khiế dân ra công nhọc sức; như vậy còn ai oán ghét mình. Mình chuộng điều nhân thì được nhân, như vậy lại mang tiếng tham sao?»

Người quân tử đối với người chẳng luận là nhiều hay ít, lớn hay nhỏ, chẳng hề dám khinh dễ ai; như vậy chẳng phải là thư thái mà chẳng kiêu hãnh sao? Người quân tử mũ miện ngay ngắn, áo xống chỉnh tề, nhìn ngó một cách nghiêm trang, oai nghi nghiễm nhiên, khiến người trông vào mà kính sợ, như vậy chẳng phải là oai nghiêm đằm thắm mà chẳng có vẻ hung dữ sao?

Tử Trương hỏi thêm: «Sao gọi là bốn việc xấu?»

Đức Khổng đáp: «1- Nhà cầm quyền chẳng giáo hóa cho dân biết nghĩa vụ phép tắc, bởi đó dân phản bội, nhà cầm quyền bèn đem giết đi, như vậy gọi là ngược.

2- Trước chẳng dặn bảo người cho rành rẽ, kế buộc người làm xong công việc một cách cấp tốc, như vậy gọi là bạo.

3- Tự mình ra lệnh một cách giải đãi; rồi kỳ hạn cho người làm cho chóng; như vậy gọi là tặc.

4- Khi cho ai vật gì, thì so hơn tính thiệt một cách biển lận, đó là cử chỉ của một viên chức nhỏ.» [7]

Mạnh Tử chủ trương: nếu có đức độ, trị dân chúng chẳng khó. Ông nói cùng Tề Tuyên Vương:

«Mình kính trọng bực cha anh mình, rồi do nơi mối tình ấy mình kính trọng bực cha anh của mọi người; mình thương tưởng hàng con em mình, rồi do nơi mối tình ấy, mình thương tưởng hàng con em của mọi người. Nếu vua làm được như vậy, Ngài sẽ cai trị thiên hạ dễ dàng như trở bàn tay.

Kinh Thi viết: «Văn Vương trước làm gương mẫu cho vợ con mình, kế làm gương mẫu cho anh em mình, nhờ đó mà ngài yên trị từ việc nhà đến việc nước.»

Thế nghĩa là: mình chỉ cần cho tấm lòng nhân đức của mình nó lan tràn ra từ chỗ gần mà lần ra chỗ xa vậy. Cho nên người thi ân bá đức cho rộng ra thì đủ sức bảo hộ bốn biển; mà người chẳng thi ân bá đức thì chẳng thể giữ gìn vợ con mình. Các vua đời xưa sở dĩ hơn người thường, vì các ngài khéo phát triển những hành vi về đạo nghĩa của mình mà thôi.» [8]

Mạnh Tử nói: «Dùng lực mà thu phục người, thì người ta chì phục mình bề ngoài nhưng tâm chẳng phục, ấy là tại người ta chẳng đủ sức mà đương cự với mình. Còn như dùng nhân đức mà thâu phục người thì người ta vui lòng mà tùng phục mình, một cách thành thật như bảy mươi vị đệ tử phục đức Khổng Tử vậy.»

Kinh Thi viết:

«Bất phân Nam, Bắc, Tây, Đông,

Bốn phương đâu đấy phục tòng Văn Vương.»

Mấy lời ấy tỏ ra sự tâm phục. [9]

Tóm lại muốn trị dân, phải đủ trí, nhân, trang, lễ. [10]

oOo


CHÚ THÍCH

[1] Tu thân dạ chẳng suy vi,

Gương lòng vằng vặc quang huy rỡ ràng.

Trang nghiêng mũ áo đường hoàng,

Những điều dang dở chẳng làm chẳng nghe.

Muốn khuyến hiền hãy chê nịnh hót,

Hãy tránh xa sắc tốt lả lơi.

Khinh tài trọng nghĩa không ngơi,

Treo gương hiền đức cho đời soi chung.

[2] Xem bản dịch của Wieger trong Textes philosophiques, chapitre II, la Grande Règle, p. 29.

Có người bình đoạn này như sau: Thứ tự năm công việc này diễn tiến theo đà khai triển của con người (từ thô đến tinh, từ biểu tới lý).

Bé thì múa may, vận động, rồi kêu gào, rồi trông nhìn, nghe ngóng; cuối cùng mới biết suy nghĩ… Sự suy nghĩ cũng lại diễn biến từ thô tới tinh, y như việc làm của người đào giếng: mới đào chỉ có bùn đục, mãi sau, nước mới trong dần.

Xem Wieger, Textes philosophiques, chapitre II, la Grande Règle, p. 28.

Nguyễn Đăng Thục, Lịch Sử Triết Học Đông Phương, quyển I, trang 125.

[3] Luận Ngữ – Tử Lộ, 13. – Quí Thị, 10. – Thái Bá, 5. – Nghiêu Viết, 2.

[4] Luận Ngữ – Quí Thị, 10.

[5] Mạnh Tử – Công Tôn Sửu thượng, 2.

[6] Luận Ngữ – Thái Bá, 5.

[7] Luận Ngữ – Nghiêu Viết, 2.

[8] Mạnh Tử – Lương Huệ Vương thượng, 6.

[9] Mạnh Tử – Công Tôn Sửu thượng, 3.

[10] Luận Ngữ – Vệ Linh Công, 33. – Mạnh Tử – Lương Huệ Vương hạ, 33.

 

Thiên: Dẫn đầu 1  2  3  4  5  6  7  8  9


 Mục lục | Lời nói đầu | chương 1  2  3  4 | Tổng luận | Phụ lục 1  2  3 | Sách tham khảo