KHỔNG HỌC TINH HOA

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

 Mục lục | Lời nói đầu | chương 1  2  3  4 | Tổng luận | Phụ lục 1  2  3 | Sách tham khảo


Chương 4

Nền thiên trị Trung Hoa thời cổ

Thiên: Dẫn đầu 1  2  3  4  5  6  7  8  9

Thiên dẫn đầu: Đại cương Hồng Phạm Cửu Trù

Thiên 1: Đấng quân vương phải am tường vật lý

Thiên 2: Đấng quân vương phải biết phương pháp tu thân

Thiên 3: Đấng quân vương phải biết phương pháp trị dân

Thiên 4: Đấng quân vương phải am tường ý nghĩa của tháng năm, hiểu thiên văn, lịch số

Thiên 5: Đấng quân vương sẽ ở ngôi Hoàng Cực, thay Trời trị dân

Thiên 6: Thuật cai trị: chính trực nhưng phải biết cương nhu, quyền biến

Thiên 7: Đấng quân vương phải biết suy nghĩ bàn bạc, hỏi han khi gặp những trường hợp nan giải

Thiên 8: Đấng quân vương phải nhân các điềm trời mà soát xét lại đường lối cai trị

Thiên 9: Đấng quân vương phải nhìn vào tình cảnh dân, để nhận định giá trị của nền cai trị

Tổng luận


THIÊN 3

ĐẤNG QUÂN VƯƠNG PHẢI BIẾT PHƯƠNG PHÁP TRỊ DÂN

 

Thiên tử biết thiên nhiên, biết mình chưa đủ, còn phải biết cai trị muôn dân. Trị dân thật là nhiêu khê phức tạp, nếu xét về chi tiết, nhưng giản dị nếu xét về cương lĩnh. Cương lĩnh trị dân gồm tám mối. Trị dân tức là lo cho dân:

1- No ấm

2- Sung túc đủ tiện nghi

3- Có lễ nghi, tế tự

4- Có nhà cửa đất đai

5- Có một nền giáo hóa hẳn hoi

6- Khỏi bị gian ác đạo tặc quấy nhiễu

7- Biết đường tiếp nhân, xử thế

8- Được bảo vệ tính mệnh và tài sản trước nạn ngoại xâm, nhờ có binh hùng tướng mạnh.

Đó là đại ý chương 3 Hồng Phạm. [1]

Hồng Phạm viết:

BA là bát chính:

Một là ăn uống,

Hai là của cải,

Ba là tế tự

Bốn là Tư Không (coi về đất đai),

Năm là Tư Đồ (coi về giáo dục),

Sáu là Tư Khấu (coi về tư pháp),

Bảy là Tân Khách (tiếp khách),

Tám là Binh Lương (quân sự). [2]

Đó chính là tám điểm trọng yếu trong công cuộc trị dân.

Luận Ngữ và Mạnh Tử có rất nhiều đoạn bình luận về các điểm này.

Tử Cống hỏi về cách cai trị. Đức Khổng đáp: «Đủ lương thực, đủ binh lực, có tín ngưỡng.» [3]

Đức Khổng đến nước Vệ, ông Nhiễm Hữu đánh xe hầu Ngài. Đức Khổng khen: «Dân nước Vệ đông thay!» Ông Nhiễm Hữu hỏi: «Dân đã đông, nhà cầm quyền phải làm gì cho họ nhờ?» Đáp: «Phải giúp cho họ trở nên giàu có.» Hỏi: «Họ đã giàu có rồi, nhà cầm quyền phải làm gì cho họ nhờ?» Đáp: «Phải giáo hóa họ.» [4]

Mạnh Tử cũng viết:

«Làm người ai cũng có đạo lý, chứ như đã được ăn no, mặc ấm, ở yên mà chẳng có giáo dục thì gần với loài thú rồi đó, cho nên bậc thánh nhân (Nghiêu, Thuấn) lấy làm lo lắng về việc ấy. Hai Ngài bèn cử ông Tiết làm quan Tư Đồ, giao phó việc giáo hóa, cho dân biết ăn ở theo nhân luân: giữa cha con có tình thân ái; giữa vua tôi có mối danh nghĩa; giữa chồng vợ có sự phân biệt; giữa anh em có thứ tự; giữa bạn bè có niềm tin thật…

Tóm lại mình nên thi hành mọi phương pháp cho dân trở lại với tính bản thiện của họ, và mình cũng nên ra ân huệ để giúp cho họ phấn chấn trên đường đức hạnh.» [5]

Mạnh Tử còn chủ trương:

«Đem của cải phân phát cho người, đó kêu là huệ; dùng lẽ thiện mà dạy người, đó là trung; vì thiên hạ mà quyết kiếm cho được người giúp mình trong cuộc cai trị, đó là nhân. Bởi vậy cho nên truyền ngôi cho người cai trị thiên hạ thì dễ, mà vì thiên hạ quyết kiếm cho được người biết cai trị thì khó.» [6]

Vì thế đạo Nho có câu: «Đấng quân vương phải lo liệu cho dân cũng như giữ gìn con đỏ.»[7]

Đem no ấm, bình an, hạnh phúc lại cho dân, đó là trọng tâm công tác của các vị thánh vương Trung Hoa.

Những phương pháp đã được thực thi, cốt cho dân được ấm no, hạnh phúc đại khái như sau:

A. Quân phân ruộng đất cho dân.

Các vị thánh vương xưa chia ruộng đất cho dân, theo phép tỉnh điền. Chế độ này bắt đầu từ thời Hoàng Đế và được biến chế qua các thời đại Hạ, Thương, Chu. [8]

Đại khái mỗi gia đình, tùy theo triều đại, được cấp phát từ 50 đến 100 mẫu ruộng. Cứ 8 gia đình lại họp sức nhau làm giúp nhà nước một khoảnh ruộng ở chính giữa, cũng rộng từ 50 đến 100 mẫu.

Thế tức là nhà nước cấp phát điền sản cho dân, nhưng ngược lại, thu một phần mười lợi tức của dân. [9]

Mạnh Tử nói:

«Đấng minh quân chế định điền sản, chia cho dân cày cấy, cốt cho họ trên đủ phụng dưỡng cha mẹ, dưới đủ nuôi nấng vợ con. Nhằm năm được mùa, thì mãi mãi no đủ; phải năm thất bát, thì khỏi chết đói. Được vậy rồi, vua mới khiến dân làm thiện. Tự nhiên họ sẽ làm điều thiện dễ dàng…» [10]

B. Không được bắt dân làm phu phen trái mùa, không được thu thuế quá nặng. [11]

Mạnh Tử nói: «Nếu chính quyền chẳng đoạt mất thời giờ cấy gặt của những gia đình làm ruộng trăm mẫu thì trong nhà tám miệng ăn chẳng đến nỗi đói khổ.» [12]

C. Khuyến khích dân chúng sản xuất thật nhiều và biết dành dụm, không hoang phí.

Đại Học (chương X) viết: «Muốn cho trong nước được nhiều của cải, có phương pháp trọng đại này: Số người làm việc sinh lợi càng ngày càng nhiều, số người ăn xài phung phí càng ngày càng ít; những kẻ làm ra của cải phải cho mau mắn siêng cần; những kẻ tiêu dùng phải cho thư thả từ từ.»

D. Khuyến khích bách công bách nghệ bằng cách tưởng thưởng, thi đua.

Trung Dung (chương XX) viết:

«Muốn cho công nghệ mở mang,

Luôn luôn theo dõi, thời thường thi đua.

Đem lúa gạo thưởng cho xứng đáng.

Là mọi nghề cố gắng ra công.»

Đ. Các gia đình quyền quí nên tránh kinh doanh, để khỏi đi đến chỗ tranh cướp, bóc lột dân đen.

Đại Học (chương X) viết: «Nhà ai đủ sức sắm xe bốn ngựa, chớ để ý đến việc nuôi gà.

Nhà ai có đủ sức chứa nước đá ướp lễ vật, chớ nuôi bò, dê, tranh lợi với dân.

Nhà ai có trăm cỗ xe, chẳng nên nuôi dưỡng những bầy tôi thu góp hoa lợi hay thuế má gắt gao.

Thà mình có bầy tôi ăn cắp của mình còn hơn có bầy tôi bóc lột nhân dân.»

E. Nhà vua phải lấy lòng dân, chứ đừng lấy của dân.

Đại Học (chương X) viết: «Nếu bậc cai trị nước mà chỉ lo vơ vét tài sản của dân, ắt sẽ có kẻ tiểu nhân xúi giục. Kẻ ấy khéo bày vẽ, bợ đỡ, làm cho mình tin nó là hiền lành, giỏi giang; bèn giao quyền cao, chức trọng cho nó, mà kẻ tiểu nhân khi nắm được chính sự rồi, tất nhiên các cuộc tai họa khốc hại sẽ xảy ra. Bấy giờ dẫu có các trang hiền đức tài hoa cũng không cứu nổi nữa. Mới hay: Bậc trị quốc chẳng nên lấy lợi làm ra lợi, phải lấy đức làm ra lợi.»

Trong công cuộc trị dân, các vị thánh vương xưa rất quan tâm đến vấn đề tế tự, [13] vì thế ta thấy trong «bát chính» việc tế tự đứng hàng thứ ba, ngay sau vấn đề cơm áo. Ý nói cơm áo chưa đủ, còn cần có tín ngưỡng.

Các vị đế vương phụ trách việc tế lễ Trời, còn dân chúng lo việc thờ cúng tổ tiên. Cử chỉ ấy nhắc nhở chúng dân đừng quên gốc gác mình, đừng bao giờ quên Trời đã sinh ra mình. [14]

Nó cũng nhắc nhở con người sinh ra không phải để mê mải chuyện trần hoàn, mà thực ra cốt để trở nên hoàn thiện, tìm kiếm lại đức Trung [15] cao quí mà Trời đã phú cho, tìm lại sự hoàn thiện nguyên thủy, để đi đến chỗ «phối thiên», «phối mệnh» mà Trung Dung [16] cũng như Kinh Thi [17] đã nhiều lần đề cập tới. Như vậy đời sống mới có đầu đuôi, nghĩa lý. [18]

Vả, nếu không có Trời, thì lấy gì làm nền tảng cho nền luân lý, chính trị?

Xuân Thu Tả Truyện viện dẫn Kinh Thi để chứng minh điều đó. [19]

Kinh Thi viết: «Tại sao các người không kính sợ nhau. Thế là các người không kính sợ Trời vậy.» [20]

Một người quân tử cầm quyền thì không bạo ngược với kẻ hèn yếu, là vì kính sợ Trời vậy. [21]

Chu Tụng viết: «Ta kính sợ oai Trời, nên ta được Trời bảo hộ.» [22]

Lễ Ký viết: «Vạn vật đều gốc gác ở Trời, con người gốc gác ở tiên tổ, cho nên làm lễ Giao là để phối hợp với Thượng Đế, tỏ lòng tri ân nguồn gốc mình, và quay về với cội rễ đầu tiên vậy.» [23]

Khi đã lo cho dân no ấm, đã dạy dân biết kính sợ Trời, biết hiếu thảo với tổ tiên, các vị thánh vương sẽ giáo hóa cho dân trở nên ngay chính, ngõ hầu mang an bình lại cho xứ sở.

Theo nguyên nghĩa, «chính» [24] tức là làm cho dân trở nên ngay chính và «trị» tức là đem sự bình an thịnh trị lại cho dân.

Các vị thánh vương xưa đã nhận xét thấy một cách rất tinh tế rằng mầm mống loạn lạc ở ngay trong tâm hồn con người, gây nên bởi tình dục con người, mà những duyên cớ loạn lạc là do các tệ đoan trong xã hội. [25]

Cho nên một mặt cố gắng dẹp các tệ đoan trong xã hội, một mặt hô hào dân chúng tu thân.

Mà hô hào suông chưa đủ, chính nhà vua phải ra công tu thân tích đức trước tiên….

Cho nên Đại Học nói: «Tự thiên tử dĩ chí ư thứ dân, giai dĩ tu thân vi bản.»

Nếu mọi người trong nước từ trên chí dưới ai cũng cố gắng ăn ở cho phải đạo làm người, kính trên nhường dưới, thương xót kẻ bần hàn, trong nhà thì hòa mục hiếu đễ, ra đường thì kính tôn, nhân nhượng, đối với bạn bèn thì chung thủy, đối với mọi người thì tín nghĩa, không ai vì lợi quên nghĩa, vì lợi quên tình, và nếu ai cũng theo châm ngôn «Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân» (Điều gì mình không muốn, đừng làm cho người), thì làm sao mà bốn phương không an bình được ?

Công cuộc xây dựng bình an trật tự đòi hỏi sự cộng tác chân thành của mọi người, mà càng người trên lại càng phải nêu gương sáng trước.

Luận Ngữ viết: «Nếu bậc lãnh đạo quốc gia mà chính đính, thì còn ai dám ăn ở bất chính.» [26]

Luận Ngữ còn nói: «Người hiếu thảo với cha mẹ, hòa thuận với anh em, tức là thi hành chính trị từ nơi nhà mình. Đó là làm chính trị rồi. Đợi chi tới ra làm quan, mới làm chính trị.» [27]

Trung Dung (chương 33) viết: «Suy rộng ra, nếu ai cũng dốc một lòng chính trực, thì thiên hạ lo chi chẳng an bình…» [28]

Cho nên một nền giáo hóa phổ cập tới toàn dân sẽ là công cụ đem an bình lại cho đất nước.

Mạnh Tử sau khi đề cập tới một chế độ điền địa khả dĩ có thể đem no ấm lại cho dân, liền đề cập tới việc giáo hóa. Ông minh chứng rằng thời Hạ, Thương, Chu từ các trường làng ra tới trường học ở kinh thành, tất cả đều có mục đích dạy dân biết rõ nhân luân. Vì nếu người trên hiểu rõ nhân luân giữ đúng cương thường, thì người dưới sẽ thân mến hòa mục với nhau. [29]

Dẫu sau này có bậc vương giả nào ra đời, ắt cũng giữ theo hai phép ấy. [30]

Nếu mọi người cố gắng ăn ở cho xứng đạo làm người thì bình an đâu có khó.

Mạnh Tử nói: «Đạo ở gần sao cứ tìm ở xa xôi, việc thiện dễ làm, sao cứ chuốc mua khó khăn rắc rối! Nếu ai cũng thương yêu họ hàng, trọng kính người trên, thì thiên hạ sẽ thái bình.» [31]

Cho nên đấng quân vương nêu gương nhân đức, thánh thiện chưa đủ, còn phải biết kích động lòng dân, giáo hóa dân, khuyến khích dân, để họ hào hứng đua nhau làm điều thiện, như vậy mới là một nhà chính trị giỏi. [32]

Các đấng thánh vương thực ra chỉ áp dụng những sự hiểu biết chính xác về con người, về bản tính con người, chỉ khai thác các khả năng vô tận của con người, chỉ hướng dẫn con người một cách khéo léo mà thôi.

Người xưa quan niệm rằng: con người sinh ra đời đã được Trời phú bẩm cho một thiên tính toàn thiện. Nhưng vì vật dục lôi cuốn, hoàn cảnh đẩy đưa, vì đói khát, vì dốt nát, con người dần dà sa đọa vào vòng lầm lạc tội lỗi. Tuy nhiên «thiên lương» trong con người thực ra chỉ bị lu mờ đi, chứ không bao giờ bị phôi pha hay hủy diệt, vì thế có thể dùng giáo hóa để cải hóa con người, phục hồi thiên lương, thiên tính họ. Việc ấy chắc chắn có thể thực hiện được.

Muốn giáo hóa cải thiện con người, cổ nhân hết sức khai thác những định luật nhân sinh, như định luật cảm ứng (loi du magnétisme et de l’induction), định luật phản ứng dây chuyền (loi des réactions en chaînes). Nói cách khác, chủ trương nếu người trên đức hạnh, người dưới sẽ cảm hóa, sẽ bắt chước, một người làm lành, trăm người dần dần sẽ đua theo, và khi đã gây được một trào lưu rộng rãi, thì ảnh hưởng sẽ trở nên vô cùng mạnh mẽ. [33]

Đại Học (chương 9) viết: «Một nhà nhân đức có thể làm cho cả nước nhân đức; một nhà lễ nhượng, có thể làm cho cả nước lễ nhượng. Một người tham nhũng có thể làm cho cả nước rối loạn. Cái cớ là vậy. Vì thế có câu: Một lời có thể làm hư cả công việc, một lời có thể làm yên cả đất nước.»

Đại Học (chương 10) lại viết: «Nếu bậc quốc trưởng ở trên cung kính cha mẹ, thì dân ở dưới cảm động mà ăn ở hiếu thảo với mẹ cha. Nếu bậc quốc trưởng ở trên trọng kính huynh trưởng, thì dân ở dưới cảm động mà ăn ở lễ nhượng với bậc đàn anh. Nếu bậc quốc trưởng ở trên thương xót kẻ côi cút, thì dân ở dưới cảm động mà cứu giúp kẻ nghèo khổ, chẳng dám trái nghịch. Thế là bậc quân tử có phép thước tấc vậy.»

Phép «thước tấc» (hiệt củ) tức là phép «suy bụng ta ra bụng người», tức là chủ trương «kỷ sở bất dục vật thi ư nhân» của Luận Ngữ.[34] Đại Học (chương 10) coi đó là phương pháp độc đáo khả dĩ tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.

Biết «suy bụng ta ra bụng người», tức là biết cách trị dân, biết thuận «dân tâm». [35]

Cai trị dân, mà biết yêu điều dân yêu, ghét điều dân ghét, mình với dân hòa hài như cá với nước thì còn gì sung sướng hơn. Vì thế Đại Học viết:

«Sướng thay bậc phụ mẫu dân

Cùng dân yêu ghét, mọi phần chẳng sai.

Đáng làm cha mẹ muôn người.» [36]

Một nền chính trị có chủ trương như vậy dĩ nhiên coi nhẹ hình pháp và tư pháp.

Các thánh vương xưa trị dân bằng đức độ, bằng lễ nghĩa, chứ không muốn đem luật lệ câu thúc dân, hình pháp bức bách dân. [37]

Hình pháp, tụng đình chỉ là những biện pháp tạm thời bất đắc dĩ, có ngày sẽ hủy bỏ. [38]

Cho nên vua Đại Võ và ông Cao Dao đã đặt mấy nguyên tắc cho nền hình pháp như sau:

1- Phán quan phải khoan hậu.

2- Không được phạt tới con cháu.

3- Tha các tội phạm vì vô tình.

4- Nhân nhượng đối với nghi tội. Quảng đại đối với nghi công.

5- Lỗi án lệ còn hơn giết oan người.

6- Phán quan phải tỏ cho dân biết đức hiếu sinh của nhà vua. [39]

Xuân Thu Tả Truyện chép:

Người xưa trị dân, thích thưởng, ngại phạt. [40] Thưởng mùa hạ, phạt mùa đông.

Khi tới kỳ thưởng, bữa ăn bày thêm món, và cho tả hữu ăn uống thỏa thích, để tỏ lòng ham thưởng. Khi tới kỳ phạt, bữa ăn rút bớt món, bỏ âm nhạc, để tỏ lòng ngại phạt… [41]

Gia hình, phạt tội tuy cần, nhưng tìm hiểu lý do khiến dân phạm tội, còn cần hơn gấp bội. Nếu vì chính quyền thất thố, thối nát khiến dân đói khát, khổ sở, sa ngã vào vòng tội lệ, mà không thay đổi đường lối cai trị, cứ lo phạt dân, hành dân thì sao phải?

Mạnh Tử viết: «Nếu nền hành chính thối nát, để dân đói khổ, tức là nhà cầm quyền xô dân vào tội ác. Thế mà khi dân phạm tội, lại trừng phạt thẳng tay, thì có khác nào nhà cầm quyền bủa lưới bắt dân đâu! Nếu có một bậc nhân đức lên ngôi vị, người há bủa lưới gài bẫy dân sao?» [42]

Các bậc thánh vương xưa không quên lập ra những lễ tiết, những dịp vui chung, để dân tỏ tình quí mến nhau, thắt chặt lại mối dây thân ái, tạm quên mọi chia phôi ngăn cách trong xã hội, để sống vui tươi cởi mở. Đó là bước đầu dẫn tới một thế giới hòa hợp, thân ái, hoan lạc, hạnh phúc trong tương lai.

Sau hết, «bát chính» đề cập tới vấn đề binh bị, nhưng lại cố ý xếp nó xuống cuối cùng, tỏ ra các bậc thánh vương xưa coi binh đao là chuyện bất đắc dĩ.

Thái độ của Võ Vương, [43] của Khổng Tử [44] cho ta thấy rõ điều ấy.

Xuân Thu Tả Truyện phỏng theo Kinh Thi, xác định mục đích của các cuộc động binh như sau:

1- Ngăn chặn bạo quyền, áp bức.

2- Đánh dẹp can qua.

3- Giữ gìn các giá trị cao đại.

4- Bảo tồn các công trình đã rhực hiện được.

5- Đem an ninh hòa hiếu tới cho dân.

6- Gây dựng lại sự trù phú cho dân tộc. [45]

Kinh Thi khen Võ Vương:

«Nhà Châu vinh hiển biết bao!

Định ngôi Vương tướng thấp cao tỏ tường

Thâu hồi gươm giáo đao thương,

Cung tên cũng đã lo lường tra bao.

Rằng ta tu tập đức cao,

Đức ta sẽ rạt, sẽ rào bốn phương.

Ngôi vua ắt sẽ cửu trường.» [46]

oOo


CHÚ THÍCH

[1] Luận Ngữ – Vệ Linh Công, 32.

Mạnh Tử – Lương Huệ Vương hạ, 3.

[2] Medhurst translates «Bát chính», «the eight regulators», and Gaubil les huit règles du gouvernement. It means the eight things to be attended to in government, its objects or departments. They seem to be stated in the order of their importance in the view of the speaker. «Food» belong to the department of agriculture, and commodities or goods to that of trade and commerce. Those two things being secured, the people would have the essentials of life and would be able to attend to their duties to spiritual beings and to the dead.

Then would come in the Ministers of works to secure the comfort of their dwellings, and the minister of instruction to teach them all their moral duties; and the minister of crime to deter them from evil. All festive ceremonies, all the intercourse of society could then be regulated, and finally the efficiency of the army would be maintained to secure the general well- being of the state. (Legge, The Shoo King, p. 327).

[3] Luận Ngữ – Nhan Uyên, 7.

[4] Luận Ngữ – Tử Lộ, 9.

[5] Mạnh Tử – Đằng Văn Công thượng, 4. Đọc thêm: Mạnh Tử – Lương Huệ Vương thượng, 3; Đằng Văn Công thượng, 3.

[6] Mạnh Tử – Đằng Văn Công thượng, 4

[7] Mạnh Tử – Đằng Văn Công thượng, 4. Xem thêm Đại Học chương X.

[8] Mạnh Tử – Lương Huệ Vương thượng, 7. Xem Lễ Ký – Vương Chế, 3.

[9] Nhà Hạ cấp cho mỗi gia đình 50 mẫu; thu hoa lợi trung bình của 5 mẫu (phép Cống).

Nhà Ân cấp cho mỗi gia đình 70 mẫu; nhưng mỗi gia đình lại phải cộng tác với 7 gia đình khác làm 70 mẫu công điền ở giữa (phép Trợ).

Nhà Thương cấp cho mỗi gia đình 100 mẫu; nhưng tám gia đình lại họp nhau lại làm 100 mẫu công điền ở giữa (phép Triệt).

Cf. Mạnh Tử – Đằng Văn Công thượng, 3. Đọc thêm: Lương Huệ Vương thượng, 7; Vạn Chương hạ, 2.

[10] Mạnh Tử – Lương Huệ Vương thượng, 7.

[11] Trung Dung chương 20.

[12] Mạnh Tử – Lương Huệ Vương thượng, 7.

[13] Cf. Xuân Thu Tả Truyện – Hoàn Công năm thứ VI. «Thị dĩ thánh vương, tiên thành dân, nhi hậu trí lực ư thần.» , , (Couvreur, Xuân Thu Tả Truyện, quyển 1, trang 88.)

[14] … Les sacrifices par lesquels, l’homme remontant à l’origine et à la source, remercie des bien reçu. Cf. Wieger, Textes historiques, chapitre II – la Grande Règle, page 29.

[15] Duy hoàng thượng đế giáng trung vu hạ dân. Nhược hữu hằng tính, khắc tuy quyết du duy hậu. . , (Kinh Thư – Khang Cáo)

[16] Cố viết phối Thiên (Trung Dung chương 30)

[17] Vĩnh ngôn phối mệnh (Kinh Thi – Đại Nhã, Văn Vương)

[18] Vật hữu bản mạt, sự hữu chung thủy , (Đại Học chương I)

… Bất thành vô vật. Thị cố quân tử thành chi vi quý. . (Trung Dung chương 25)

[19] Xuân Thu Tả Truyện – Văn Công năm thứ XV. Xem Xuân Thu Tả Truyện Couvreur dịch, quyển I, trang 531.

[20] Xem Kinh Thi – Tiểu Nhã, Kỳ Phụ. Vũ Vô Chính, chương 3: «Hồ bất tương úy. Bất úy vu Thiên.» , .

[21] Xuân Thu Tả Truyện – văn Công năm XV. Bản dịch của Couvreur, quyển I, trang 531.

[22] Kinh Thi – Chu Tụng Thơ VII: Ngã Tương, chương 3: «Úy thiên chi uy, vu thời bảo chi.» , .

[23] Vạn vật bản hồ thiên, nhân bản hồ tổ. Thử sở dĩ phối Thượng Đế dã. Giao chi tế dã, đại báo bản phản thủy dã. , . . , (Lễ Ký – Giao Đặc Sinh, 8)

[24] Chính giả, chính dã. (Luận Ngữ – Nhan Uyên, 16)

[25] Các thánh nhân thánh vương thường không tính đến một điều khác, là sự xâm lăng của ngoại bang, nên ít chú trọng đến binh lực. Dụng binh là điều bất đắc dĩ. Thế giới trong tương lai cũng sẽ dẹp binh bị, vì con người sẽ không còn có ý nghĩ xâm chiếm nhau, mà giúp đỡ nhau.

[26] Luận Ngữ – Nhan Uyên, 16.

[27] Luận Ngữ – Vi Chính, 21.

[28] Dĩ tuần trí hồ đốc cung nhi thiên hạ bình chi thịnh. (Trung Dung chương 33)

[29] Mạnh Tử – Đằng Văn Công thượng, 3: Hạ viết hiệu, Ân viết tự, Chu viết tường. Học tắc tam đại cộng chi. Giai sở dĩ minh nhân luân dã. Nhân luân minh ư thượng, tiểu dân thân ư hạ. , , . . . , .

[30] Mạnh Tử – Đằng Văn Công thượng, 3: Hữu vương giả khởi, tất lai thủ pháp. , .

[31] Mạnh Tử – Ly Lâu thượng, 11.

[32] Mạnh Tử – Ly Lâu hạ, 16.

[33] Xem A- Đại Học chương 1: Chủ trương tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.

B- Kinh Thư – Nghiêu Điển, 2: Khắc minh tuấn đức, dĩ thân cửu tộc. cửu tộc ký mục, bình chương bách tính. bách tính chiêu minh, hiệp hoà vạn bang. , . , . , .

C- Luận Ngữ – Nhan Uyên, 18: Tử vi chính, yên dụng sát Tử dục thiện, nhi dân thiện hĩ. Quân tử chi đức phong, tiểu nhân chi đức thảo. Thảo thượng chi phong tất yển. , ? , . , . .

D- Mạnh Tử – Ly Lâu thượng, 6: nhất quốc chi sở mộ, thiên hạ mộ chi.  Cố bái nhiên đức giáo dật hồ tứ hải , . . (Một nước mà ái mộ, thiên hạ sẽ ái mộ. Chừng đó đức hạnh và giáo hóa mình sẽ lan tràn trong bốn biển, mau lẹ và mạnh mẽ như thác tuôn.)

[34] Luận Ngữ – Vệ Linh Công, 21. Pháp dịch là La Règle de la Réciprocité, hay là Règle d’Or.

[35] Xem Đại Học chương 10.

[36] Đại Học chương 10: Thi vân: «Lạc chỉ quân tử, dân chi phụ mẫu» Dân chi sở hiếu hiếu chi; dân chi sở ố ố chi, thử chi vị dân chi phụ mẫu : , . 之所 , , .

[37] Minh vu ngũ hình, dĩ bật ngũ giáo, kỳ vu dư trị. Hình kỳ vu vô hình. Dân hiệp vu trung... , , . . (Kinh Thư – Đại Vũ Mô, 11) (Đại Học chương 4.)

[38] Tử viết: «Đạo chi dĩ chính, tề chi dĩ hình, dân miễn nhi vô sỉ. Đạo chi dĩ đức, tề chi dĩ lễ, hữu sỉ thả cách. : , , . , , .

[39] Kinh Thư – Đại Vũ Mô, 12.

[40] Văn Vương sở dĩ tạo Chu dã; minh đức vụ sùng chi chi vị dã; thận phạt vụ khử chi chi vị dã. ; ; . Xuân Thu Tả Truyện – Thành Công năm 11. Couvreur, tome II, trang 23.

Kinh Thư – Khang Cáo, 3.

[41] Xuân Thu Tả Truyện – Tương Công năm 26. Bản dịch của Couvreur, trang 464.

[42] Mạnh Tử – Đằng Văn Công thượng, 3.

[43] Cf. Kinh Thư – Vũ Thành, 4: Quyết tứ nguyệt tại sinh minh, vương lai tự Thương, chí vu Phong nãi yển vũ tu văn, quy mã vu Hoa Sơn chi dương, phóng ngưu vu Đào Lâm chi dã, thị thiên hạ phất phục. , , , 華山 , , .

[44] Vệ Linh Công vấn trần ư Khổng Tử. Khổng Tử đối viết: «Trở đậu chi sự, tắc thường văn chi hĩ. Quân lữ chi sự, vị chi học dã.» Minh nhật toại hành.

. : , . , . (Luận Ngữ – Vệ Linh Công, 1)

[45] Phù vũ cấm bạo, tập binh bảo đại, định công, an dân, hoà chúng, phong tài giả dã. , , , , , (Xuân Thu Tả Truyện – Tuyên Công năm 12)

Couvreur dịch, Tome I, page 636.

Kinh Thi – Chu Tụng, Thanh Miếu VIII – Thời Mại.

Kinh Thi – Chu Tụng, Thần Công X: Vũ kỳ định nhĩ công .

Kinh Thi – Chu Tụng, Mẫn Dư X, Lai.

[46] Kinh Thi – Chu Tụng, Thanh Miếu, Thời mại.

Minh chiêu hữu Chu

Thức tự tại vị

Tải tập can qua

Tải cao cung thỉ

Ngã cầu ý đức

Tứ vu thời hạ

Doãn Vương bảo chi

 

Thiên: Dẫn đầu 1  2  3  4  5  6  7  8  9


 Mục lục | Lời nói đầu | chương 1  2  3  4 | Tổng luận | Phụ lục 1  2  3 | Sách tham khảo