KHỔNG HỌC TINH HOA

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

 Mục lục | Lời nói đầu | chương 1  2  3  4 | Tổng luận | Phụ lục 1  2  3 | Sách tham khảo


Chương 4

Nền thiên trị Trung Hoa thời cổ

Thiên: Dẫn đầu 1  2  3  4  5  6  7  8  9

Thiên dẫn đầu: Đại cương Hồng Phạm Cửu Trù

Thiên 1: Đấng quân vương phải am tường vật lý

Thiên 2: Đấng quân vương phải biết phương pháp tu thân

Thiên 3: Đấng quân vương phải biết phương pháp trị dân

Thiên 4: Đấng quân vương phải am tường ý nghĩa của tháng năm, hiểu thiên văn, lịch số

Thiên 5: Đấng quân vương sẽ ở ngôi Hoàng Cực, thay Trời trị dân

Thiên 6: Thuật cai trị: chính trực nhưng phải biết cương nhu, quyền biến

Thiên 7: Đấng quân vương phải biết suy nghĩ bàn bạc, hỏi han khi gặp những trường hợp nan giải

Thiên 8: Đấng quân vương phải nhân các điềm trời mà soát xét lại đường lối cai trị

Thiên 9: Đấng quân vương phải nhìn vào tình cảnh dân, để nhận định giá trị của nền cai trị

Tổng luận


THIÊN 7

ĐẤNG QUÂN VƯƠNG PHẢI BIẾT SUY NGHĨ BÀN BẠC
HỎI HAN KHI GẶP NHỮNG TRƯỜNG HỢP NAN GIẢI

 

Khi gặp công việc hệ trọng, hay hoàn cảnh bất thường, nhà vua phải hết sức thận trọng.

Trước hết phải đắn đo suy nghĩ rồi bàn với khanh sĩ, với thứ dân. Sau cùng nếu cần sẽ thỉnh ý Trời (bằng cách bói rùa, bói cỏ thi). [1]

Hồng Phạm viết:

BẢY là nghiên cứu các điều ngờ vực, thắc mắc: cử người chuyên lo bốc phệ, [2] thi qui, rồi sai bói toán.

Xem những đường nứt của mực bôi lên mu rùa hơ lửa, sẽ thấy những hiện tượng như trời mưa, trời tạnh, trời âm u, trời mây lẻ tẻ, trời mây chằng chịt.

Xem cỏ thi biết trinh hối (tốt, xấu).

Cộng là bảy việc: «qui» năm, «thi» hai, để tìm biết các chỗ sai lầm mà tránh.

Ba người đồng bói, hãy theo lời đoán của hai người giống nhau.

Nếu vua nghi hoặc về vấn đề trọng đại nào, hãy tự vấn lòng mình, hãy bàn bạc với khanh sĩ, hãy hỏi ý dân, hãy bàn bạc với hàng bốc phệ.

a/ Việc nào mình thuận, thi, qui, khanh sĩ đều thuận, thế gọi là đại đồng, mình sẽ an khang, con cháu sẽ cát tường.

b/ Việc nào mình ứng, thi, qui thuận; khanh sĩ, thứ dân nghịch; cũng vẫn tốt.

c/ Việc nào thi, qui, khanh sĩ nghịch, mình và thứ dân ứng cũng tốt.

d/ Việc nào dân và thi, qui thuận; mình và khanh sĩ nghịch cũng tốt.

e/ Việc gì mình và qui thuận, nhưng thi, khanh sĩ, thứ dân nghịch thì cát nếu là việc bên trong, hung nếu là việc bên ngoài.

f/ Nếu thi, qui nghịch với ý mình thì nên tránh đừng làm. [3]

Xưa các vị đế vương không ngại hỏi ý kiến khanh sĩ và thứ dân. Gặp việc trọng đại lắm mới bốc phệ để thỉnh ý Trời.

Trúc Thư Kỷ Niên có ghi: «Năm thứ 50 (đời Hoàng Đế)… từ ngày Canh Thân, trời sa mù ba ngày ba đêm; ban ngày cũng hôn ám. Hoàng Đế hỏi Thiên Lão, Lục Mục, Dung Thành xem sự thể thế nào?» [4]

Như vậy Hoàng Đế đã chẳng ngại vấn ý quần thần trong những trường hợp đặc biệt.

Đọc Kinh Thư ta thấy vua Nghiêu khi muốn chọn người để giao trọng trách, đã bình luận với quần thần. [5]

Vua Khải (2197 trước CN) trước khi đánh Hồ thị, [6] vua Thành Thang trước khi đánh vua Kiệt, [7] Vũ Vương trước khi đánh vua Trụ đều họp chúng dân và tướng sĩ để giải thích dẫn dụ, [8] như vậy cốt được sự đồng ý của mọi người.

Vua Bàn Canh (1401-1373), trước khi thiên đô và di dân từ Bạc [9] về Ân [10] để tránh nạn lụt lội, đã họp dân để bàn cãi, giải thích. [11]

Những sự kiện lịch sử ấy chứng tỏ các vị vua chúa xưa không dám tự quyết, mà bao giờ cũng cố gắng bàn bạc để được sự tán đồng của mọi người.

Đó là một cử chỉ khéo léo nhất.

Các vị thánh vương xưa trọng phép bói qui, thi, vì đó là thỉnh ý Trời, chứ không phải mê tín quàng xiên.

Dùng thi, qui để bói, vì rùa và cỏ thi đều là linh vật.

Những rùa dùng để bói thường có đường kính một thước 2 ta. Những rùa ấy phải sống khoảng một ngàn năm. [12]

Nhưng không phải nguyên vì rùa sống lâu mà cổ nhân dùng để bói, rùa còn có ý nghĩa tượng trưng: mai cao tượng trời, bụng phẳng tượng đất. [13]

Thi là một loại cỏ sống trăm năm; một gốc có trăm cọng, cho nên cũng được xem là linh thảo. Bốc phệ mục đích thỉnh ý quỉ thần, nên dùng thi, qui là những linh vật, linh thảo, để nhờ đó mà biết cát hung. [14]

Các vị đế vương xưa coi việc bốc phệ là một hành vi đạo đức, một sự thỉnh ý Thượng Đế…

Khoảng năm 1400, khi vua Bàn Canh muốn di dân và thiên đô từ Bạc về Ân, đã bói rùa trước khi quyết định. [15]

Khi Tây Bá hầu (Văn Vương) dẹp xong xứ Lê; Tổ Y sợ hãi vội vàng tâu với Trụ Vương: «Thưa bệ hạ, Trời đã định ruồng bỏ nhà Ân, cho nên những người khôn ngoan, cũng như rùa thiêng không còn báo cho ta điềm cát nữa.» [16]

Năm 1050, Vũ Vương thiên đô từ Phong về Hạo. Trong trường hợp hệ trọng ấy, vua đã bói rùa để thỉnh ý Thượng Đế:

Kinh Thi viết:

Vua suy rồi lại bói rùa

Cảo kinh những muốn thiên đô phen này

Bói rùa, quẻ dạy rằng hay

Vũ Vương lập tức ra tay xây thành

Võ Vương quả thật anh minh. [17]

Năm 1049 (hay 1121 theo Thông Giám Cương Mục) Vũ Vương ngọa bệnh. Chu Công bói thi, qui để xem bệnh tình biến chuyển ra sao. Thấy các điềm đều tốt, Chu Công kết luận: nhà vua sẽ vô sự. Quả nhiên ngày hôm sau, bệnh Vũ Vương thuyên giảm. [18]

Năm 1042, ba người chú [19] vua Thành Vương xúi dục Vũ Canh cùng rợ Di, Nhung mưu đồ phản loạn. Thành Vương định cất quân đánh. Các phụ lão can ngăn. Vua bèn bói rùa [20] để thỉnh ý Thượng Đế.

Khi bói được điềm tốt, vua phán: «Ninh Vương (vua Vũ) đã để lại cho quả nhân “đại bảo qui” này, để thỉnh ý Trời; biết cát, hung. Thế mà các phụ lão lại can quả nhân đừng chinh phạt, đừng nghe theo bói rùa… Nhưng bói thấy chinh phạt Vũ Canh là vie5c tốt, thế tức là Thượng Đế truyền ta phải chịnh phạt Vũ Canh. Mệnh lệnh Thượng Đế, lẽ nào ta chẳng theo. Xưa tiên vương và chúng dân đã từng bói rùa, lẽ nào ta tự tiện dám bỏ?» [21]

Năm 1038, khi muốn lập thêm Lạc Ấp, Chu Công bói rùa để quyết định địa điểm. [22]

Xong xuôi, ông gửi dự án xây cất và kết quả bói rùa về cho Thành Vương.

Thành Vương trước còn do dự, nhưng sau khi xem kết quả bói do Chu Công gửi về, vua nhất quyết cho lập đô ở Lạc. Nhà vua chắp tay cúi đầu trả lời Chu Công như sau: «Ngài đã hoạt động theo ý Trời. Ngài lại còn gửi cho tôi mai rùa báo trước một hạnh phúc lâu dài. Ngài đã cho tôi hay phải làm sao để đẹp lòng Trời trong vạn ức năm…» [23]

Lễ Ký giải thích về bốc phệ như sau:

Bốc là bói rùa, sách là bói cỏ thi. Các bậc thánh vương xưa dùng bốc phệ để khiến dân tin tưởng vào ngày giờ thời tiết đã chọn, tôn trọng quỉ thần, kính sợ vương lệnh. Bốc phệ cũng làm cho dân hết hiềm nghi do dự. Cho nên nói rằng: Hễ nghi thì bói; bói xong sẽ làm theo như quẻ dạy. Nếu quẻ định ngày nào làm việc gì, sẽ chọn ngày ấy. [24]

Phép bói toán, theo đà thời gian bị dân gian lạm dụng, nên đã trở thành mê tín dị đoan.

Vì vậy, nhiều học giả, khi khảo về thiên này, thường đả kích phép bói toán đời xưa.

Wieger cho rằng: Ý muốn thì rất hay, nhưng phương tiện thì quá dở. [25]

Bình giải Kinh Thư, Ngô Trừng cũng chê phép bói toán, và cho rằng không nên làm một việc gì mà khanh sĩ và chúng dân không thuận. [26]

Ông nói: «Nếu thuyết Cơ Tử thi hành, thì đời sau vua chúa sẽ bỏ hết ý kiến khanh sĩ và thứ dân mà chỉ theo thi qui; dị đoan, tà thuyết sẽ thừa cơ xâm nhập; thiên hạ sẽ nhiễu nhương đa sự.»

Ngô Trừng còn cho rằng: Cơ Tử khi viết thiên Hồng Phạm này đã không thoát khỏi lưu tục của dân chúng đời Thương. [27]

Nhưng đó không phải là lập trường của mọi học giả.

Hồ Vị đã viện dẫn Khổng Tử để phi bác ý kiến Ngô Trừng như sau:

«Thảo lư (tức Ngô Trừng) thường cho rằng hiền trí xưa cũng có điều nhầm lẫn; nhưng trong trường hợp này ông đã sai lầm lớn.

Bình giải Dịch Kinh đức Khổng viết:

«Tìm tòi những điều thâm u, nghiên cứu những điều ẩn áo, thâu thái những điều sâu xa, đạt đáo những điều viễn cách, để định hay dở cho thiên hạ, để thúc đẩy mọi người cố gắng không gì bằng thi qui.» (Xem Hệ Từ Thượng Truyện) [28]

Đức Khổng lại nói:

«Hỏi ý kiến người, hỏi ý kiến thần minh, cho dân chúng được góp phần vào công việc (Hệ Từ Hạ Truyện) như vậy thì dẫu việc gì nghi ngờ rắc rối đến đâu cũng trở nên minh xác…» Khi vua Vũ viết thiên «Kê Nghi» và Cơ Tử khi đề cập tới bói toán, hẳn cũng không ngoài ý ấy. Còn như bảo Cơ Tử sa vào vòng lưu tục, thì còn gì là Cơ Tử nữa ! [29]

Ngày nay nói đến bói toán ta khinh, nhưng người xưa coi bói toán là trọng, vì cốt để thỉnh ý Trời. Không phải chỉ có dân Trung Hoa thỉnh ý Trời. Đọc Thánh Kinh ta thấy vua Saül, vua David cũng đã nhiều lần xin thẻ để thỉnh ý Trời. [30] Lối bói cỏ thi với hai phương diện tốt xấu (trinh, hối) làm cho ta nhớ lại lối bói bằng ephod với hai thẻ urim và tummim của Do Thái. [31]

Quan niệm về bói toán cũng như công dụng của bói toán xưa hoàn toàn khác nay.

Người xưa bói toán cốt để cầu mong thỉnh ý Trời, nghe lời Trời. [32]

Vì thế, không nghi ngờ, không dám bói. [33]

Lại nữa, chỉ bói toán khi gặp trường hợp trọng đại, khó quyết đoán, hay khi vua tôi bất đồng ý kiến nhau. Khi ấy sẽ thỉnh mệnh Trời, để cùng nhau tuân phục cho hết chia rẽ bàn tán.

Mỗi khi bói toán, đều ghi kết quả vào lịch sử. [34]

Công dụng của bói toán, là cốt làm cho ai nấy vững lòng tư tưởng vào công trình sắp sửa thi hành, là cốt thu phục lòng người, làm cho mọi người thông cảm với nhau, có một ý hướng như nhau, đánh tan hết mọi nghi ngờ, do dự, và như vậy sẽ giúp mọi người làm nên công nghiệp. [35]

oOo

 Suy cho cùng, nếu biết áp dụng đứng đắn thiên «Kê Nghi» này sẽ gây được một ảnh hưởng chính trị và tâm lý rất lớn.

Khi cần giải quyết một vấn đề trọng đại, nhà vua suy đi nghĩ lại cho chín cắn rồi, sẽ bàn bạc cùng khanh sĩ, cùng dân chúng; nếu trên dưới bất đồng ý kiến sẽ bốc phệ để thỉnh ý Thượng Đế.

Nhờ vậy mọi người sẽ hết nghi ngờ, sẽ đồng tâm nhất trí, sẽ giữ được hòa khí, sẽ thỏa mãn được lòng tự ái, và công trình sẽ dễ thành tựu.

Thực vậy nếu gặp việc khó khăn mà trên dưới không cảm thông, không đồng ý, năng suất sẽ giảm bớt và sự thành tựu sẽ trở nên khó khăn.

Nhà vua cư xử như vậy, dân chúng và đình thần sẽ đặt hết tư tưởng vào nơi vua, vì nhận thấy:

1- Vua không cẩu thả, hấp tấp, không độc tài.

2- Vua trọng ý quần thần, ý dân.

3- Vua kính sợ Trời, luôn vâng mệnh Trời.

Kinh Thư thiên Quân Thích khen các vị thánh vương nhà Thương như sau:

«Nhờ đức độ cao minh, cách cai trị của các Ngài hoàn hảo. Nên mỗi khi nhà vua có việc gì bất kỳ ở phương nào, ý chí của vua cũng như ý chí của Trời (phát biểu bằng thi qui) luôn được mọi người hoàn toàn tin kính.» [36]

Thiên Kê Nghi có mục đích rõ rệt là muốn nhà vua trong mọi công việc đều vừa ý dân, thuận ý Trời, như vậy mới mong kết quả mỹ mãn.

Lúc suy sụp thì mọi sự sẽ đảo lộn hết. Kinh Thi đã cho chúng ta bức tranh thế sự đảo điên ấy.

Kinh Thi viết:

Trời xa thẳm ra uy mấy độ

Gieo tang thương dang dở khắp nơi

Mưu toan xuôi ngược rối bời

Bao giờ vua mới chịu thôi, chịu ngừng

Lời khuyên hay, vua không dùng tới

Lời dở dang vua dõi vua lý thuyết

Nhìn xem cơ sự đến điều

Lòng ta luống những trăm chiều ngổn ngang.

oOo

Đồng ý đấy rồi gàng quải đấy

Nghĩ nguồn cơn biết mấy bi ai

Lời bàn êm ấm trong ngoài

Hùa nhau họ cố liệu bài dèm pha

Những ý kiến chẳng ra đầu cuối

Trớ trêu thay, họ lại đồng tình

Toàn là tính quẩn bàn quanh

Nhẽ nào công việc hoàn thành được sao.

oOo

Rùa bói mãi, cơ màu hóa nhảm

Chẳng tiên tri, tiên đoán được chi

Quân sư vô số làm gì

Bàn xuôi, tán ngược ra gì nữa đâu

Người múa mép sân chầu chật cứng

Người đảm đang chịu đựng là ai?

Y như bàn chuyện đường dài

Thế mà chẳng một có ai khởi hành!

oOo

Buồn cho kẻ mang danh mưu sĩ

Chẳng theo đòi cương kỷ người xưa

Chẳng còn tôn chỉ sâu xa

Chỉ toàn lời lẽ nông sờ, buồn tênh

Toàn tính chuyện loanh quanh lẩn quẩn

Như cất nhà chẳng gẫm chẳng suy

Ra đường han hỏi vân vi

Mưu đồ thế ấy mong gì thành công ! [37]

oOo


CHÚ THÍCH

[1] On obtenait, dit le commentaire,

, , , , . l’avis du ciel, , , , une décision impartiale.

Quốc hữu đại sự, tất tiên tường lự ư kỷ, nhi hậu mưu chi ư nhân, nhân bất năng quyết, tắc hựu tu chi bốc phệ dĩ quyết chi ư thiên. Dĩ nhân mưu vị miễn vu hữu tâm, vị miễn vu hữu tư, thử sở dĩ thính thiên mệnh. (Wieger, Textes philosophiques, page 30. La Grande Règle)

[2] Bốc = bói rùa. Phệ = bói cỏ thi. Dùng 49 cọng cỏ thi, thiệt 18 bận để lấy 1 quẻ (Le devin prenait 49 brins d’achilée, les manipulait 18 fois et obtenait un symbole ). (Couvreur, Chouking, page 204, notes)

[3] Tóm lại đứng trước một việc trọng đại, sẽ tham khảo ý kiến:

- của mình

- của người (khanh sĩ: ks; thứ dân: td)

- của Trời (thi, qui).

Tổng kết lại sẽ biết tốt xấu:

[4] Trúc Thư Kỷ Niên quyển chi nhất, chương Hoàng Đế Hiên Viên thị.

James Legge, The Chinese Classics, Vol III – The Annals of the Bamboo Books, page 108.

[5] Kinh Thư – Nghiêu Điển.

[6] Kinh Thư – Cam Thệ.

[7] Kinh Thư – Thang Thệ.

[8] Kinh Thư – Thái Thệ.

[9] Vua Thành (1766-1753) đóng đô ở Bạc ở phía nam phủ Qui Đức, tỉnh Hồ Nam.

[10] Bàn Canh dời đô về Ân hay Tây Bạc thuộc huyện Yển Sư tỉnh Hồ Nam; từ đấy nhà Thương đổi thành Ân. Cf. Couvreur, Chou King, page 132, notes.

[11] Xem Kinh Thư – Bàn Canh.

[12] Kinh Thư thiên Vũ Cống ghi:

Dân Cửu Giang tiến cống những rùa lớn (2278). Cửu giang nạp tích đại quyi. (Kinh Thư – Vũ Cống)

Quy thiên tuế mãn xích nhị thốn. 滿 (Wieger, Textes philosophiques, page 23)

[13] Thượng long tượng thiên, hạ bình tượng địa. , . (Wieger, Textes philosophiques, page 23)

[14] , , , . . , , , . . ( )

Qui tuế cửu tắc linh, trứ sinh bách tuế, nhất bản bách kinh, diệc vật chi thần linh giả. Bốc thệ thật vấn quỉ thần dĩ thi qui thần linh chi vật cố giả chi dĩ kỳ quái triệu. Bốc pháp dĩ minh hỏa nhiệt sài, chước qui vi triệu, phệ pháp dĩ tứ thập cửu thi phân quải, thiệt lặc. Phàm thập hữu bát biến nhi thành quái. (Qui Sách Liệt Truyện sách lục thập bát)

Xem James Legge, The Shoo King, page 335, notes. Gaubil cho rằng Thi là thuộc Achillea millefolium – Williams cho rằng thuộc loại Verbena officinalis. Không biết ai là đúng. Trong Bản Thảo Cương Mục có hình cỏ thi.

- Bản Thảo Cương Mục - thảo bộ thấp thảo loại thượng.

James Legge, The Shoo King, page 335, notes.

[15] ( )

Bốc kê viết: kỳ như di các phi cảm vi bốc. (Kinh Thư – Bàn Canh)

[16] , , ( 西 )

Viết: Thiên tử, thiên ký cật ngã Ân mệnh, cách nhân nguyên qui, võng cảm tri cát (Kinh Thư - Tây Bá Kham Lê)

[17] Xem Wieger, Textes philosophiques, page 59 (ở đây ghi là năm 1122).

Xem Wieger, Textes historiques, page 71 (ở đây ghi là năm 1050). Sự sai biệt nhau sở dĩ có là vì Textes historiques ghi theo Trúc Thư Kỷ Niên, còn Textes philosophiques lại ghi niên kỷ theo Thông Giám Cương Mục.

Xem Kinh Thư – Đại Nhã, Văn Vương Hữu thanh, 7.

Khảo bốc duy vương, rạch thị Cảo kinh.

Duy qui chính chi, Vũ Vương thành chi.

Vũ Vương chưng tai.

[18] Xem Wieger, Textes historiques, page 73.

Wieger, Textes philosophiques, page 59-60.

Xem Kinh Thư – Kim Đằng.

, , , . , .

Tam vương tiền các nhất qui bốc chi, tam qui chi triệu giai cát. Dĩ cổ thư nhi khảo chi, diệc cát dã. Chu Công viết: Thị kỳ bốc triệu chi cát, vương tật kỳ vô sở hại. (Wieger, Textes philosophiques, page 60).

[19] Ba người chú Thành Vương là Quản Thúc , Thái Thúc , Hoắc Thúc .

Wieger, Textes historiques, page 88.

[20] Phép bói rùa xưa, theo tài liệu của học giả Wieger được thực hiện theo một trong ba cách:

a/ Nếu muốn mai rùa khỏi hỏng, người ta phết mực lên mai rùa rồi hơ lửa, như vậy chỉ có lớp mực bên ngoài nứt, còn mai rùa vẫn nguyên.

b/ Nếu không, người ta sẽ vẽ trên mai rùa một lằn mực thẳng, và đem mai rùa hơ lửa; nếu những vết rạn của mai rùa cắt qua những vết lằn mực, sẽ là điềm hung; nếu chạy song song với lằn mực là điềm cát.

. Tiên dụng mặc họa qui nhi hậu chước chi nhi kỳ triệu chi văn tuần mặc nhi hành tắc vị chi cát dã.

c/ Đem mai rùa hơ lửa rồi mới phết mực. Đem chùi sạch. Những chỗ mai rùa nứt sẽ uống mực; chỗ mai rùa nguyên sẽ không thấm mực. Nếu được những hình vẽ thật đen thật rõ, sẽ là điềm cát; nếu mờ sẽ là điềm hung.

Wieger, Textes historiques, page 62.

[21] , , . . . . . . , , . , , , , , .

Ninh Vương di ngã đại bảo qui giả, dĩ kỳ khả dĩ thiệu giới thiên mệnh, dĩ định cát hung. Phụ lão giai vị bất khả chinh; vương hạt bất đạt bốc nhi vật chinh hồ. Bốc phạt Vũ Canh nhi cát. Thị Thượng Đế mệnh phạt chi dã. Thượng Đế chi mệnh kỳ cảm phế hồ. Thượng nhi tiên vương, hạ nhi tiểu dân mạc bất dụng bốc, nhi ngã độc khả phế bốc hồ. Thử thiên chuyên chủ bốc ngôn, nhiên kỳ thượng nguyên thiên mệnh, hạ thuật đắc nhân, phản phục chung thủy bình bốc chi nhất thuyết dĩ thông thiên hạ chi chí, dĩ đoạn thiên hạ chi nghi, dĩ định thiên hạ chi nghiệp. (Wieger, Textes philosophiques, page 61).

[22] Xem Wieger, Textes philosophiques, page 62. Người xưa gọi thế là «bốc trạch». Bói để tìm địa điểm. . Bốc trạch giả dụng qui bốc trạch đô chi.

[23] Xem Wieger, Textes philosophiques, page 61-62.

Wieger, Textes historiques, page 89.

Kinh Thư – Thiệu Cáo, tiết 2.

Kinh Thư – Lạc Cáo, tiết 3, 4.

. ; , . . […] . . […] .

Duy lạc thực. Bình lai; dĩ đồ cập hiến bốc, vương bái thủ kê thủ viết: Công bất cảm bất kính thiên chi hưu. [...] Bình lai. Lai thị dữ bốc hưu hằng cát. [...] Công kỳ dĩ dữ vạn ức niên kính thiên chi hưu.

[24] , . 使 , , , 使 民決 , . : , , 踐之. Qui vi bốc, sách vi phệ. Bốc phệ giả tiên thánh vương chi sở dĩ sử dân tín thời nhật, kính quỉ thần, úy pháp lệnh dã, sở dĩ sử dân quyết hiềm nghi, định do dự dã. Cố viết: nghi nhi phệ chi tắc phất phi dã, nhật nhi hành sự, tắc tất tiễn chi.

[25] Wieger, Textes philosophiques, page 23: «Intention excellente, moyen inepte.»

[26] , , . […] 使 , , . . .

Thiên hạ chi sự, khanh sĩ thứ dân giai bất khả, nhi do hữu cát giả. Cái tự cổ vị chi hữu dã […] Sử Cơ Tử chi thuyết hành, hậu thế nhân quân tương hữu khí khanh sĩ, hốt thứ dân nhi duy qui phệ chi tòng. Tà thuyết dị nghị đắc dĩ thừa gian nhi nhập. Thiên hạ tự thử đa sự hĩ. (James Legge, The Shoo King, page 338.)

[27] , . . Thử cái Thương tục thượng quỉ, tập văn kỳ thuyết toại tín bất di. Tuy Cơ Tử chi hiền bất năng bạt ư lưu tục dã. (James Legge, The Shoo King, page 338.)

[28] . : , , , . Thảo Lư thuyết kinh vãng vãng hữu hiền trí chi quá nhi thử thuyết vưu vi phi mậu. Phu tử chi tán dịch dã viết: Tham trách sách ẩn, câu thâm trí viễn, dĩ định thiên hạ chi cát hung, thành thiên hạ chi vĩ vĩ giả mạc đại hồ thi qui...

[29] , , . , . 使 , .

Hựu viết nhân mưu quỉ mưu, bách tính dữ năng, vị kỳ khả dĩ đoán thiên hạ chi nghi dã. Đại Vũ chi kê nghi, khởi biệt hữu sở chỉ nhi Cơ Tử dĩ bốc phệ phụ hội chi tà. Sử Cơ Tử nhi nịch ư lưu tục, hà dĩ vi Cơ Tử?

James Legge, The Shoo King, page 338-339, notes.

[30] I Samuel 14, 41-42.

I Samuel 30, 7, 8.

II Samuel 2, 1.

Trong khi thỉnh ý Thiên Chúa vua Saül và vua David đều dùng ephod, tức là hai thẻ urim và tummim, tương tự như lối xin âm dương của Á Đông.

[31] Ce verset montre comment on consultait par l’épod: il contenait deux sorts (bâtonnets ou dés) qu’on appelait urim et tummim et auxquels on donnait la signification conventionnelle. Celui qui était tiré apportait la réponse divine, c’était donc une réponse par oui ou par non. La maniement des sorts était réversé aux prêtres lévites. (Cf. Nb 27, 21 Dt 33, 8) Trích Bible de Jérusalem, trang 293.

[32] . Chu Công chi tâm dĩ thính ư thiên nhi dĩ. (Wieger, Textes philosophiques, page 62.)

, , . Phệ bốc chi đạo tất tiên đoán ư tâm, cố viết khảo bốc duy vương, dĩ cát hung thủ chính ư qui. = Phàm khi bói toán, mình phải định trong lòng trước, rồi mới bói rùa xem ý định ấy đúng hay sai. (Wieger, Textes philosophiques, page 59.)

[33] , , . . Phi nghĩa bất chiếm, phi nghi bất chiếm, phi nghi nhi chiếm vị chi vũ. Phi nghĩa nhi chiếm vị chi khi. (Ts’ae Ch’in) (James Legge, The Shoo King, page 338, notes)

[34] Kinh Thư ghi chép phần nhiều các cuộc bói rùa.

Kinh Xuân Thu ghi chép phần nhiều là các cuộc bói cỏ thi.

Các cuộc bói rùa quan trọng trong Kinh Thư đã thuật lại trong chương này.

Các cuộc bói cỏ thi, và bình giải, xin xem kinh Xuân Thu:

Hi Công năm XXV (Couvreur, Tome I, p. 369)

Tuyên Công năm VI (Couvreur, Tome I, p. 591)

Tuyên Công năm VII (Couvreur, Tome I, p. 591)

Thành Công năm XVI (Couvreur, Tome II, p. 33)

Tương Công năm IX (Couvreur, Tome II, p. 237)

Tương Công năm XXV (Couvreur, Tome II, p. 420-421)

Tương Công năm XXVIII (Couvreur, Tome II, p. 593)

Chiêu Công năm XVII (Couvreur, Tome III, p. 151)

Chiêu Công năm XII (Couvreur, Tome III, p. 201)

Ai Công năm X (Couvreur, Tome III, p. 658), v.v…

[35] , , , , , , . Thử thiên chuyên bốc ngôn, nhiên kỳ thượng nguyên thiên mệnh, hạ thuật đắc nhân, phản phục chung thủy bình bốc chi nhất thuyết, dĩ thông thiên hạ chi chí, dĩ đoán thiên hạ chi nghi, dĩ định thiên hạ chi nghiệp. (Cf. Wieger, Textes philosophiques, page 61.)

[36] , . , . Duy tư duy đức, xưng dụng nghệ quyết tích. Cố nhất nhân hữu sự vu tứ phương, nhược bốc phệ võng bất thị phu. (Kinh Thư – Quân Thích)

[37] Kinh Thi – Mân Thiên – Vật Uy.

Thiên: Dẫn đầu 1  2  3  4  5  6  7  8  9


Mục lục | Lời nói đầu | chương 1  2  3  4 | Tổng luận | Phụ lục 1  2  3 | Sách tham khảo