KHỔNG HỌC TINH HOA

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

 Mục lục | Lời nói đầu | chương 1  2  3  4 | Tổng luận | Phụ lục 1  2  3 | Sách tham khảo


Chương 4

Nền thiên trị Trung Hoa thời cổ

Thiên: Dẫn đầu 1  2  3  4  5  6  7  8  9

Thiên dẫn đầu: Đại cương Hồng Phạm Cửu Trù

Thiên 1: Đấng quân vương phải am tường vật lý

Thiên 2: Đấng quân vương phải biết phương pháp tu thân

Thiên 3: Đấng quân vương phải biết phương pháp trị dân

Thiên 4: Đấng quân vương phải am tường ý nghĩa của tháng năm, hiểu thiên văn, lịch số

Thiên 5: Đấng quân vương sẽ ở ngôi Hoàng Cực, thay Trời trị dân

Thiên 6: Thuật cai trị: chính trực nhưng phải biết cương nhu, quyền biến

Thiên 7: Đấng quân vương phải biết suy nghĩ bàn bạc, hỏi han khi gặp những trường hợp nan giải

Thiên 8: Đấng quân vương phải nhân các điềm trời mà soát xét lại đường lối cai trị

Thiên 9: Đấng quân vương phải nhìn vào tình cảnh dân, để nhận định giá trị của nền cai trị

Tổng luận


THIÊN 9

ĐẤNG QUÂN VƯƠNG PHẢI NHÌN VÀO TÌNH CẢNH DÂN
ĐỂ NHẬN ĐỊNH GIÁ TRỊ CỦA NỀN CAI TRỊ

 

Sau hết nhà vua muốn biết mình cai trị dở hay thế nào, cứ nhìn vào tình cảnh dân chúng sẽ thấy.

Nếu cai trị hay, dân sẽ sung sướng, hạnh phúc, sống lâu, giàu bền, yên ổn, ưa chuộng nhân đức và được chết già!

Nếu cai trị dở, dân sẽ khổ sở, lao lung, bệnh tật, tảo vong, yểu tử, nghèo khổ, bất lương, tật bệnh, v.v…

Hồng Phạm viết:

CHÍN là năm phúc:

Một là thọ,

Hai là giàu,

Ba là yên vui,

Bốn là ham về đức,

Năm là chết già yên ổn.

Sáu cực:

Một là chết non,

Hai là bệnh tật,

Ba là lo buồn,

Bốn là nghèo khổ,

Năm là tội ác,

Sáu là yếu ớt.

Thế tức là nhìn xem đời sống, nhìn xem tình cảnh dân chúng có thể biết ngay một nền hành chánh hay dở thế nào.

Kinh Thư viết:

Người xưa có lời rằng:

«Con người chẳng những soi bóng nước

Còn phải ngắm mình với gương dân.» [1]

Tăng Cống bình rằng: «Hạnh phúc hay khổ cực của dân là những yếu tố để nhà vua xem xét mình đã thành công hay thất bại trong công cuộc trị dân. Trị dân là mang hạnh phúc no ấm lại cho dân, và tránh cho dân mọi tai ương khổ ải.» [2]

Một nền hành chánh dở hay có ảnh hưởng rất nhiều đến tình cảnh của dân. Một vị quốc quân luôn thương dân, dìu dắt dân, đỡ đần dân, tổ chức đời sống xã hội cho dân được no ấm, không quấy nhiễu dân bằng sưu cao thuế nặng, không đàn áp dân bằng những luật lệ vô tình, giúp đỡ những người quan quả, ấu thơ, côi cút, tránh cho dân khỏi mắc vòng binh đao, đạn lửa, dạy cho dân sùng thượng những thuần phong mỹ tục, giáo hóa cho dân biết hòa mục lễ nghĩa, thời chắc chắn sẽ đi đến kết quả là toàn dân sẽ hạnh phúc.

Còn như coi dân chúng như cỏ rác; hành hạ dân, di chuyển dân mà không để ý đến tập quán, những nghề nghiệp của họ, [3] sử dụng dân không đúng với khả năng của họ, không hợp với thời tiết, làm cho đời sống họ bị xáo trộn, công việc bị gián đoạn, chồng vợ bị chia phôi, bắt họ phải phục dịch nhà nước tối ngày, gôm cùm họ bằng những luật lệ, những chỉ thị quái ác, xô đẩy họ vào vòng lửa đạn, để cho họ đêm mất ngủ, ngày mất ăn, lao lung cùng khốn, để cho họ thân tàn ma dại. Những tai họa, những lầm than ấy chẳng phải là tiền oan nghiệp chướng của dân, mà chính là lỗi tại chính quyền thiếu sáng suốt, thiếu khôn ngoan, thiếu tổ chức.

Ngày xưa các vị thánh vương cai trị hoàn toàn vì dân vì nước, nên coi dân như mình, thương xót dân chứ không quấy phá, thành thực giúp đỡ dân, thành thực muốn cho dân hạnh phúc. Và dĩ nhiên các Ngài tin tưởng rằng hạnh phúc của dân chúng là mục phiêu có thể đạt được nơi trần gian này.

Đọc Lễ Ký, ta thấy rõ đường lối ngày xưa:

Thiên Lễ Vận viết: «Cho nên thánh nhân, trong cuộc cai trị, bắt chước trời đất, quỉ thần. Ngài xây nền tảng chính trị trên những nguyên lý, những định tắc bất biến của trời đất, và do đó, lập ra lễ nghi, qui tắc để giữ gìn trật tự. Ngài yêu thích những điều dân ưa thích, vì thế dân bình trị.» [4]

Mỗi khi đem dân cư đến lập nghiệp nơi nào, đều xem xét kỹ lưỡng địa thế, khí hậu trước. Bắt dân làm việc thì bắt làm nhẹ nhàng vừa sức, mà cho ăn thì tử tế no nê: «Làm việc của ông lão, ăn khẩu phần của người trai!» [5]

Xưa, nhà nông góp phần canh tác công điền, nhưng không phải nạp thuế. Nơi chợ búa, cửa hàng phải thuê, nhưng hàng hóa không mất lệ phí. Ở quan ải, khám thương lữ, mà không đánh thuế quan.

Mỗi năm, có kỳ dân được tự do lên rừng, lên núi chặt cây, ra sông, ra hồ câu cá.

Các khuê điền không mất thuế. Bắt dân làm xâu không quá ba ngày.

Đất thổ cư mỗi gia đình không được bán. [6]

Nhà cầm quyền xưa nhận thấy rằng phong tục, đồ ăn thức dùng, áo xống có thể tùy thổ ngơi, tùy khí hậu đổi thay, nên đến xứ nào cũng lo giáo hóa dân, lo cai trị dân, nhưng không thay đổi tập tục, hay kiểu cách của dân. [7]

Cũng vì nghĩ đến hạnh phúc của dân, và muốn xoa dịu những nỗi niềm đau khổ của dân, nên các vị thánh vương xưa đặc biệt lưu ý và trợ cấp cho những người cô đơn, quan quả.

Hơn nữa tất cả những người tật nguyền, câm điếc, què quặt hay bất thành nhân đều được chính quyền thâu dụng giao cho công việc làm ăn tùy theo khả năng, được chính quyền nuôi dưỡng. [8]

Văn Vương đã cai trị theo đúng những nguyên tắc ấy.

Tề Tuyên Vương hỏi Mạnh Tử: «Nền chính trị của các vì Thiên tử, ngài có thể giải cho ta nghe chăng?» Mạnh Tử đáp rằng : «Thuở xưa Văn Vương cai trị đất Kỳ, ngài thi hành phép chính trị như sau:

«Ruộng đất thì phân ra chín khu (một tỉnh), tám khu ngoài thì chia cho tám gia đình dân chúng làm mà hưởng trọn huê lợi; còn khu thứ chín ở giữa thì tám gia đình ấy phải chung sức mà làm cho nhà vua. Những vị quan chức ăn lộc vua, khi qua đời, thì con cháu được truyền nối nhau mà hưởng lộc. Ở những chợ búa, nơi miền quan ải, người ta khám xét kẻ bộ hành qua lại, nhưng chẳng đánh thuế vào hàng hóa họ mang theo. Ở những ao hồ, ngòi lạch, để cho dân tự do đánh cá mà kiếm ăn. Đối với kẻ phạm tội, chỉ phạt một mình họ mà thôi, chẳng bắt lây tới vợ con họ.

«Lại nữa, quan là những ông lão không vợ, quả là những bà lão không chồng, độc là những ông lão hay bà lão chẳng có ai phụng dưỡng, là những trẻ mồ côi cha. Đó là bốn hạng người cùng khổ nhất trong thiên hạ, chẳng biết nhờ cậy vào ai. Văn Vương khi mới bắt đầu hành chính và thi nhân, ngài lưu tâm cứu giúp bốn hạng người ấy trước nhất.» [9]

Xét như vậy thì một nền hành chánh đúng mức, nhất định phải đem hạnh phúc sung sướng lại cho nhân dân. Cho nên những kết quả cụ thể mà dân chúng thâu lượm được sẽ trở nên những bản tuyên dương, hay ngược lại, trở thành những bản cáo trạng đối với chính quyền.

Cho nên, thăm dân tình sẽ biết chính sự.

Vua Nghiêu đã áp dụng những nguyên tắc này để thưởng, phạt, thăng, giáng các chư hầu, trong khi ngài đi tuần thú bốn phương.

Mạnh Tử viết: «Thiên tử đến viếng các vua chư hầu gọi là  tuần thú. Mùa Xuân, Thiên tử và chư hầu đi xem xét ruộng nương của bá tánh, thấy những ai thiếu thốn thì giúp lúa giống cho. Mùa Thu các ngài đi xem xét việc gặt thâu: biết những ai hụt hạt, các ngài tư trợ cho. Khi Thiên tử bước vào ranh giới một vua chư hầu, ngài nhận thấy đất đai mở mang, ruộng vườn trồng trọt, người già cả được phụng dưỡng, bực hiền đức được tôn trọng, và tranh anh tuấn có chức vị, thấy vậy ngài vui mừng mà ban thưởng. Ban thưởng tức là phong đất thêm cho. Khi Thiên tử bước vào ranh giới một vua chư hầu, ngài nhận thấy đất đai hoang phế, cỏ mọc um tùm, người già cả bị bỏ rơi, bậc hiền đức không được trọng dụng, những kẻ bóc lột và hà khắc với dân lại chiếm đoạt chức vị cao, thấy vậy, ắt Ngài quở trách vị vua chư hầu…» [10]

Thiên IX Hồng Phạm này đem lại cho chúng ta một niềm tin tưởng lớn lao, và xác định một lần nữa nhiệm vụ của nhà cầm quyền.

Con người được hạnh phúc hay không là do con người được cai trị hay hay dở. Tai họa và khổ cực không phải là gia tài của con người, mà chỉ là những bước đường gian lao, những hoàn cảnh éo le gây nên do sự dốt nát, sự thiếu tổ chức, thiếu đoàn kết, thiếu thương yêu  mà thôi.

Và một nền hành chánh lý tưởng, với sự đoàn kết nhất trí của các tầng lớp xã hội nhất định sẽ khắc phục được mọi gian khổ, sẽ đem lại cho con người sự hòa bình thái thịnh thực sự và bền vững.

oOo


CHÚ THÍCH

[1] Cổ nhân hữu ngôn viết: Nhân vô ư thủy giám, đương ư dân giám.

監,當 . Kinh Thư – Tửu Cáo, 12.

[2] Tsang Kung (Tăng Cống) says: «The nine divisions all describe the course of the sovereign. The happinesses and extremities are conditions by which the sovereign examines his own attainments and defects in reference to the people. That these happinesses should be among the people, is what the sovereign should aim after, and the extremities being among them is what he should be standing in awe of. (James Legge, The Shoo King – The Great Plan, page 343, notes)

[3] Đời xưa các vị thánh vương không bắt dân miền núi xuống ở ven sông, hay bắt dân ngoài hải đảo vào ở trong đồng, như vậy dân sẽ không nghèo khổ.

. 使 , 使 , . Cố thánh vương sở dĩ thuận. Sơn giả bất sử cư xuyên, bất sử chử giả cư trung nguyên, nhi phất tệ dã. (Lễ Ký – Lễ Vận, 16. – Couvreur, Li Ki, Tome I, page 535)

[4] , 於鬼 , . , . 樂﹔ 民之 . Cố thánh nhân tham ư thiên địa, tịnh ư quỉ thần, dĩ trị chính dã. Xử kỳ sở tồn, lễ chi trị dã. Ngoạn kỳ sở lạc; dân chi trị dã. (Lễ Ký – Lễ Vận, 13. – Couvreur, Li Ki, Tome I, page 514)

[5] . . . . . 使

. . . Tư không chấp độ độ địa. Cư dân sơn xuyên tự trạch. Thời tứ thời. Lượng địa viễn cận. Hưng sự nhậm lực. Phàm sử dân, nhậm lão giả chi sự, thực tráng giả chi thực. (Lễ Ký – Vương Chế, 12. – Couvreur, Li Ki, Tome I, page 294)

[6] , . . 麓川 ,

. , , . , . Cổ giả công điền tạ nhi bất thuế, thị triền nhi bất thuế. Quan ky nhi bất chinh. Lâm lộc xuyên trạch, dĩ thời nhập nhi bất cấm. Phù khuê điền vô chinh, dụng dân chi lực, tuế bất quá tam nhật. Điền lý bất chúc, mộ địa bất thỉnh. (Lễ Ký – Vương Chế, 11. – Couvreur, Li Ki, Tome I, page 293-294)

[7] , , , , .

, , , , ,

, . Phàm cư dân tài, tất nhân thiên địa, hàn noãn táo thấp, quảng cốc đại xuyên, dị chế dân sinh kỳ gian giả dị tục. Cương nhu khinh trọng, trì tốc dị tề, ngũ vị dị hòa, khí giới dị chế, y phục dị nghi, tu kỳ giáo bất dịch kỳ tục, tề kỳ chính bất dịch kỳ nghi. (Lễ Ký – Vương Chế, 13. – Couvreur, Li Ki, Tome I, page 294-295)

[8] (, , , ) , . , , , , , , , . Thử tứ giả (cô, độc, căng, quả) thiên dân chi cùng nhi vô cáo giả dã, giai hữu thường hí. Âm, lung, bả, tích, đoạn giả, chu nhu, bách công, các dĩ kỳ khí thực chi. (Lễ Ký – Vương Chế, 13, 14. – Couvreur, Li Ki, Tome I, page 318-319)

[9] Mạnh Tử – Lương Huệ Vương hạ, 5. Đoàn Trung Còn dịch, trang 55-57.

[10] Mạnh Tử – Cáo Tử hạ, 7.

Thiên: Dẫn đầu 1  2  3  4  5  6  7  8  9


Mục lục | Lời nói đầu | chương 1  2  3  4 | Tổng luận | Phụ lục 1  2  3 | Sách tham khảo