KHỔNG HỌC TINH HOA

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

 Mục lục | Lời nói đầu | chương 1  2  3  4 | Tổng luận | Phụ lục 1  2  3 | Sách tham khảo


Chương 4

Nền thiên trị Trung Hoa thời cổ

Thiên: Dẫn đầu 1  2  3  4  5  6  7  8  9

Thiên dẫn đầu: Đại cương Hồng Phạm Cửu Trù

Thiên 1: Đấng quân vương phải am tường vật lý

Thiên 2: Đấng quân vương phải biết phương pháp tu thân

Thiên 3: Đấng quân vương phải biết phương pháp trị dân

Thiên 4: Đấng quân vương phải am tường ý nghĩa của tháng năm, hiểu thiên văn, lịch số

Thiên 5: Đấng quân vương sẽ ở ngôi Hoàng Cực, thay Trời trị dân

Thiên 6: Thuật cai trị: chính trực nhưng phải biết cương nhu, quyền biến

Thiên 7: Đấng quân vương phải biết suy nghĩ bàn bạc, hỏi han khi gặp những trường hợp nan giải

Thiên 8: Đấng quân vương phải nhân các điềm trời mà soát xét lại đường lối cai trị

Thiên 9: Đấng quân vương phải nhìn vào tình cảnh dân, để nhận định giá trị của nền cai trị

Tổng luận


THIÊN 8

ĐẤNG QUÂN VƯƠNG PHẢI NHÂN CÁC ĐIỀM TRỜI
MÀ SOÁT XÉT LẠI ĐƯỜNG LỐI CAI TRỊ

 

Theo Hồng Phạm thì đấng quân vương cai trị hay, dở, sẽ cảm ứng đến trời đất.

Nên mỗi khi có điềm trời khác lạ, lập tức phải tự vấn lương tâm, kiểm điểm lại đường lối cai trị.

Hồng Phạm viết:

TÁM là các điềm: mưa, ấm, rét, gió và thời gian xuất hiện của chúng.

Nếu năm việc này mà xảy đến vừa đúng lúc cho mình dùng, hợp theo thời tiết của nó, thời cỏ cây sẽ được tươi tốt rườm rà.

Quá nhiều không hay, quá ít cũng chẳng tốt.

Đây là các điềm lành: Nhà vua đoan trang, mưa sẽ thuận. Nhà vua khôn ngoan, ấm sẽ thuận. Nhà vua mưu trí, có phương lược, lạnh sẽ thuận. Nhà vua thánh thiện, gió sẽ thuận.

Đây là điềm dữ: Nhà vua cuồng bạo, mưa sẽ tầm tã. Nhà vua hống hách, nắng sẽ lâu lai. Nhà vua biếng lười, nóng sẽ liên tiếp. Nhà vua hấp tấp, gió sẽ kéo dài. Nhà vua hôn ám, gió sẽ dồn dập.

Vua phải xét tình hình tổng quát cả năm, khanh sĩ xét tình hình mỗi tháng, sư doãn lo tình hình hằng ngày.

Nếu quanh năm mưa thuận gió hòa thì lúa thóc phong đăng, cai trị khôn khéo, dân thịnh nước yên. Nếu quanh năm thời tiết gàng quải, lúa má sẽ hư hao, việc trị dân đã tối tăm, kém cỏi, dân suy, nước khổ.

Thứ dân là các chòm sao, còn vua quan như vầng nhật nguyệt. Có nhóm sao ưa gió, có nhóm sao ưa mưa. Mặt trời, mặt trăng vận hành qua các chòm sao mới có gió, có mưa. [1]

Như vậy, theo Hồng Phạm, thời tiết cũng như tấm gương lớn, Trời treo trước mặt đấng quân vương, để soi vào, sẽ thấy thực trạng mình, tình thế đất nước; suy ra được sở trường sở đoản của mình để tùy nghi quyền biến.

Xưa, mỗi khi có cuồng phong, bạo vũ, hạn hán hay điềm bất thường gì nhà vua lại tự vấn lương tâm, tìm tòi xem mình đã ăn ở thất thố gì. Sử sách có ghi ít nhiều trường hợp.

Kinh Thư thiên Kim Đằng viết: [2]

Sang Thu, được mùa lớn; chưa gặt thì trời nổi giông gió sấm chớp. Lúa má đổ hết, các cây cũng bật rễ. Dân chúng cả sợ. Nhà vua cùng các quan đại phu, đội mũ da, để mở hòm gắn vàng.

Bấy giờ mới hay Chu Công đã tình nguyện chết thay cho Vũ Vương.

Nhà vua cùng hai ông (Thái Công, Thiệu Công) bèn hỏi sử quan cùng các quan coi trăm việc.

Họ đều thưa:

– Thực có thế! Nhưng chao ôi ! Chu Công ngài đã dặn chúng tôi không được nói.

Nhà vua cầm lấy thư mà khóc…

– Thôi đừng nói nữa! [3]

«Xưa kia Ông (Chu Công) khó nhọc với nhà vua; chỉ tại ta trẻ dại, không kịp biết tới. Nay Trời động dụng đến oai, để tỏ ra đức của Ông Chu. Vậy ta, kẻ nhỏ mọn, phải thân sang đón Ông về nước nhà ta. Lễ cũng nên thế.»

Nhà vua ra khỏi thành. Trời liền mưa, trở gió. Lúa đứng lại hết. Hai ông (Thái Công, Thiệu Công) sai người trong nước dựng lại các cây bị nghiêng ngả và đắp đất vào. Năm ấy được mùa lớn. [4]

Khoảng Chu Tuyên Vương năm thứ 6 (821 trước CN) có hạn hán khủng khiếp. [5]

Vua Tuyên Vương lo lắng không cùng, hết thở than rồi lại soát xét vì đâu mà Trời lại ra tai.

Kinh Thi viết:

Long lanh kìa giải Ngân Hà

Long lanh chuyển vận, lại, qua, trên trời

Vua rằng thương hỡi, thương ôi

Ai làm nên tội, để Trời ra tai

Mà cho tang tóc rối bời

Mà cho đói khát, mấy hồi lao lung.

Riêng ta há dám lưng chừng

Tam sinh nào dám tiếc cùng thần minh

Ngọc khuê, ngọc bích sạch sanh

Mà sao Trời vẫn ra tình mần ngơ.

oOo

Trời làm hạn hán cháy khô

Càng ngày cái nóng cơ hồ càng thiêu

Tế Giao rồi lại tế triều

Cúng rồi chôn cất, đủ điều thiếu chi

Vái van thần thánh mọi vì

Mà sao Hậu Tắc chẳng chi hộ phù

Trời cao thôi cũng làm lơ

Khắp nơi khô héo, phạc phờ vì ai

Điêu tàn, hoang hủy khắp nơi

Ước gì ta được vì người chịu thay… [6]

Ngày nay, ta không thể nào tìm hiểu được lý do tại sao Hồng Phạm lại cho điềm tốt, điềm xấu nọ kia, ứng đối với tính tốt, tính xấu này khác của đấng quân vương.

Nhưng có một điều mà ngày nay ta có thể nói chắc là thời tiết, mưa gió có ảnh hưởng rất nhiều đến nền cai trị. Điều đó rất dễ hiểu, ví như hạn hán quá lâu, dân sẽ đói khổ, đói khổ sẽ lầm than, sẽ loạn lạc, cho nên nếu đấng quân vương không quan phòng, không ngăn chặn tai ương từ khi nó chớm nở, không có những biện pháp hữu hiệu để cứu trợ dân chúng trong những kỳ hạn hán, hay bão táp, chắc là sẽ để cho dân lâm vào cảnh khốn cùng, và làm cho ngôi vị nhà cầm quyền cũng bị lung lay, điên đảo. Đọc lịch sử ta thấy dân đói khát sẽ sinh ra loạn lạc, mà dân đói khát phần nhiều vì Trời giáng tai ương và nhà cầm quyền không biết đàng chống đỡ, ngăn chặn kịp thời.

Xuân Thu viết: «Khi trời làm đảo điên thời tiết, sẽ có tai ương. Khi đất làm đảo điên các phẩm vật, sẽ sinh ra yêu quái. Khi dân chúng làm đảo điên luân thường sẽ sinh ra loạn lạc…» [7]

Ta có thể nhân đó mà lập luận thêm: nếu thời tiết đảo điên, loạn lạc sẽ sinh ra dễ dàng.

Cũng vì thế mà các bậc đế vương để ý đến điềm trời, đến thời tiết.

Cho nên các ngày nhị phân, nhị chí, người xưa thường quan sát sắc mây, để đoán trước điềm trời tốt xấu cho một năm, để đề phòng. [8]

Vả lại trên phương diện thực tế, còn gì hữu ích hơn cho dân nước là nhà cầm quyến luôn luôn kiểm điểm lại đường lối cai trị của mình để xem có được thập phần hoàn hảo, có trong sạch không, xem có phục vụ nhân dân cho đúng mức không.

Cho nên mỗi khi có gió mưa bão táp hay hạn hán bất thường mà nhà cầm quyền biết xét mình, biết lo tu sửa những lỗi lầm của mình thì dân con được nhờ biết bao.

Mỗi khi dân chúng gặp tai ương gì, dĩ nhiên họ chờ mong sự cứu trợ của nhà cầm quyền, sự cảm thông, và sự «vì dân lo lắng» của nhà cầm quyền.

Xuân Thu chép:

Năm 21 đời Lỗ Hi Công có hạn hán.

Lỗ Hầu muốn thiêu sống một mụ đồng cốt (để cầu đảo). Tàng Văn Trọng tâu:

«Giết người đâu phải là phương sách làm cho hết hạn hán. Bây giờ phải sửa sang thành quách (phòng giặc cướp), giảm bớt khẩu phần, giảm bớt tiêu pha, hết sức cần kiệm, khuyến khích dân chúng chia sẻ vật thực cùng nhau, đó mới là công việc phải làm…»

Lỗ Hi Công nghe theo và năm ấy dân chúng không đến nỗi đói khổ quá. [9]

Dân chúng mắc tai ương, dĩ nhiên nhà cầm quyền phải nghĩ đến việc cứu trợ, giảm thuế má, và cũng phải thực hiện một đời sống khắc khổ ngay với bản thân để cảm thông cùng dân chúng.

Cho nên những công cuộc cầu phong đảo vũ các vua thời trước, những nỗi lòng trắc ẩn xót xa vì dân vì nước, trước những thiên tai, dẫu không đưa tới một hậu quả gì trực tiếp để phò nguy cứu khổ, nhưng ít ra cũng có một ảnh hưởng tâm lý rất lớn.

Nếu khi dân chúng hoạn nạn gặp thiên tai đại họa mà vua quan thờ ơ, đến khi vua quan mắc họa, binh đao, chắc chắn sẽ không được dân chúng cứu giúp.

… Nước Trâu và nước Lỗ đánh nhau. Vua Mục Công nước Trâu (thua) hỏi ông Mạnh Tử rằng: «Trong cuộc chiến tranh vừa qua, có ba mươi ba vị quan võ của ta phải chết, nhưng chẳng có một tên lính nào liều thác để cứu kẻ bề trên. Nếu ta đem họ ra mà giết thì họ đông lắm, giết chẳng xiết. Còn như chẳng giết họ, thì họ vẫn ghét bực trưởng thượng của mình, họ cứ nhìn bực trên trước của mình chết mà chẳng chịu tiếp cứu. Theo ý Ngài, nên làm thế nào?»

Mạnh Tử đáp rằng: «Trong những năm tai biến, ruộng đất bỏ hoang, mùa màng thiệt hại, dân chúng của vua người già cả, yếu đuối chết đói nằm ngang dọc theo đường mương lỗ cống, kẻ trai tráng tản lạc khắp bốn phương; số nạn nhân già trẻ ấy đến mấy ngàn người rồi. Trong lúc ấy lẫm vua thì đầy tràn lúa gạo; kho tàng của vua thì dư dật của tiền. Thế mà các quan của vua không hề báo cáo với vua. Đó là kẻ bề trên coi rẻ mạng dân và tàn hại lê dân vậy.

«Ông Tăng Tử có nói rằng: «Phải coi chừng! Phải coi chừng! Người làm cho ai việc gì thì việc ấy sẽ trả lại cho người.» Nay dân chúng chẳng tiếp cứu quan chức, đó là họ trả lại cách quan chức bỏ bê họ vậy. Cho nên vua chớ buông lời phiền trách họ.» [10]

Vả lại chúng ta đừng tưởng quan niệm về một nền cai trị hay dở có thể ảnh hưởng đến thời tiết là một chuyện «phong thần». Không! Đó chính là thực tại, thế mới lạ!

Mới đây trong quyển La Bible et le Plan de Dieu, ông André Lamorte nhân kể lại công trình của dân Do Thái trong việc phục hưng xứ sở, cũng công nhận ảnh hưởng ấy. Ông viết:

«Khi người Do Thái trở về chiếm lại quê hương xứ sở, họ đứng trước một vùng đất đai cằn cỗi hoàn toàn.

Lý do: Thổ Nhĩ Kỳ đã lập ở Palestine một loại thuế đánh lên các cây. Người Á Rập để trốn thuế đó, đã để cho cây cối chết.

Chúng ta biết ảnh hưởng của cây cối đến khí hậu. Thiếu các cây rừng thuở xưa, xứ Palestine không còn được mưa thuận gió hòa nữa. Và đất đai để hoang phế vì sự lười biếng của người Á Rập hầu như không còn sinh sôi nảy nở được gì… [11]

Trong thiên này chúng ta có thể rút ra được những bài học cụ thể.

Nếu chúng ta không chứng minh một cách khoa học được rằng hành động hay dở của con người có ảnh hưởng đến trời đất khí hậu, thì trái lại, ta có thể hiểu dễ dàng các biến cố về thời tiết có ảnh hưởng lớn lao đến con người, đến chính trị.

Cho nên các bậc lãnh đạo dân cần phải lưu tâm chú ý đến các biến chuyển khác thường về khí tiết phong vũ, để biết cách phòng nguy lự hiểm cho dân chúng, hoặc là để tránh bớt bệnh tật, hoặc là tránh bớt lầm than cho dân chúng.

Và mỗi khi gặp những điềm bất tường, cần phải kiểm điểm lại lề lối cai trị. Cử chí ấy, thái độ ấy chỉ có lợi, chứ không có hại.

Mạnh Tử viết: «Bực quốc trưởng mà chia vui sẻ buồn với thiên hạ thì thế nào nền cai trị của mình cũng có bề hưng vượng đó.» [12]

oOo


CHÚ THÍCH

[1] Ý nói vua quan phải phục vụ dân, xuống tới dân để thỏa mãn những nguyện vọng chân chính của dân.

[2] Muốn hiểu đoạn này chúng ta nên nhớ lại 2 năm sau khi thắng nhà Thương, vua Vũ ngọa bệnh. Chu Công liền xin các tiên đế cho mình được chết thay Vũ Vương, và lời cầu xin thế mệnh ấy được để trong một hộp gắn vàng (kim đằng).

Sau này, khi Vũ Vương thăng hà, và con là Thành Vương lên trị vì, các ông Quản Thúc, Thái Thúc, và Hoắc Thúc phao tin Chu Công muốn tạo phản, thành thử Thành Vương đem lòng ngờ Chu Công, nên Chu Công phải cáo quan về Đông Lỗ ẩn dật hai năm để tị nạn. Chu Công cũng làm bài thơ Chi Hào (hay Suy Hào) ( = con cú) để minh oan cùng vua. Và mùa Thu, Trời làm giông tố sấm chớp để cho vua có dịp nhận ra sự hôn ám của mình…

[3] = , .

Kỳ vật mục bốc = kim quan công thư khả tri thiên biến chi sở do, ngã quân thần bất tất canh mục bốc hĩ. (Nhật giảng) (James Legge, The Shoo King, page 360)

[4] Kinh Thư – Kim Đằng, tiết 16, 17, 18, 19.

[5] James Legge, The Shoo King, page 528.

[6] Kinh Thi – Đại Nhã Đãng Vân Hán, 1, 2.

[7] , , , .

Thiên phản thời vi tai, địa phản vật vi yêu, dân phản đức vi loạn, loạn tắc yêu tai sinh.

Xuân Thu – Tuyên Công năm thứ XV.

Couvreur, Tch’ouen Ts’iou, page 655.

[8] , , . Phàm phân chí khải bế, tất thư vân vật, vi bị cố dã.

Xuân Thu – Hi Công năm thứ V. – Couvreur, Tch’ouen Ts’iou, page 248.

[9] , . : . , , , , . . Hạ đại hạn, Công dục phần vu uông. Tàng Văn Trọng viết: Phi hạn bị dã. Tu thành quách, biếm thực, tỉnh dụng, vụ sắc, khuyến phân, thử kỳ vụ dã. Vu uông hà vi.

Xem Xuân Thu – Hi Công năm 21. – Couvreur, page 327.

[10] Mạnh Tử – Lương Huệ Vương hạ, 12.

[11] Lorsque les Juifs sont entrés en possession de leur territoire, ils se sont trouvés en face d’un sol littéralement stérilisé.

L’occupant turc avait établi en Palestine un impôt sur les arbres. Pour éviter cette redevance, les Arabes avaient laissé périr leurs arbres.

Nous savons l’action des arbres sur le climat. Privée de ses forêts de jadis, la Palestine ne connaissait plus le régime régulier de ses pluies et de ses saisons. La terre délaissée par l’Arabe indolent ne produisait à peu près rien... (André Lamorte, La Bible et le Plan de Dieu, page 95).

[12] 下,憂 下﹔然 者,未 . Lạc dĩ thiên hạ, ưu dĩ thiên hạ; nhiên nhi bất vương giả, vị chi hữu dã. (Mạnh Tử – Lương Huệ Vương hạ, 4)

 

Thiên: Dẫn đầu 1  2  3  4  5  6  7  8  9


Mục lục | Lời nói đầu | chương 1  2  3  4 | Tổng luận | Phụ lục 1  2  3 | Sách tham khảo