DỊCH KINH YẾU CHỈ

Hướng đi của Thánh nhân

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê

Mục lục | Lời nói đầu | Phần 1  2  3  4  5  6  7  8  9 | chương 1  2  3  4  5  6  7  8


Phần 7

ÂM DƯƠNG

Chương 2. Âm Dương và Vô Cực, Thái Cực

 

Sự khảo sát về Vô Cực, Thái Cực đã cho ta thấy bản thể vũ trụ là duy nhất, cho nên đối với ta, Âm Dương không phải là hai thực thể tự tại, độc lập, riêng rẽ, mà chỉ là hai chiều hai mặt, hai phương diện của một bản thể tuyệt đối.

Vô Cực, Thái Cực là lý Duy Nhất, là Bản Thể của vũ trụ; còn Âm Dương là động cơ sinh ra mọi biến thiên, chuyển động. Sự nhận định này rất quan hệ vì làm cho ta trông tỏ hai chiều hằng cửubiến thiên của vũ trụ.

Có hay một gốc hai cành chẽ,

Mới thấy nghìn con, vạn cháu đông. [1]

Từ Vô Cực, Thái Cực bước sang lãnh vực Âm Dương tức là chúng ta đã từ lãnh vực vô vi, tuyệt đối,[2] bước sang lãnh vực hữu vi, hữu tướng, biến thiên, biến hóa. [3] Thái Cực là Đạo, là Lý, thuộc hình nhi thượng, thuộc thế giới tuyệt đối.

Âm Dương là Khí thuộc hình nhi hạ, thuộc thế giới tương đối. Thái Cực hay Đạo, Lý vĩnh cửu, vô biên. [4] Âm Dương, hay Khí, biến hóa sinh diệt vô thường, nhưng vì sự biến hóa sinh diệt ấy, luôn căn cốt vào Thái Cực, nên cũng vô cùng tận như Thái Cực. [5]

Để xác định mối tương quan giữa Tuyệt đối và Hiện Tượng; giữa Vô Cực và khí chất Âm Dương, về phương diện thời gian, ta ghi nhận mấy quan niệm then chốt của Nho gia như sau:

1/ Hễ có Lý thời có Khí, nghĩa là một khi đã có Bản Thể tuyệt đối, thì tất nhiên là đã có sự hiển dương, sống động.[6]

2/ Âm Dương, Hình Khí tuy có sinh diệt, nhưng hễ hiện tượng này diệt, thì hiện tượng kia lại sinh, như vậy vũ trụ sẽ sinh hóa vô cùng tận như Thái Cực, nghĩa là bao lâu còn có Bản thể, bấy lâu còn có sinh hóa. [7]

3/ Như thế có nghĩa là Đạo, Lý, Tuyệt Đối Thể thì vô cùng một cách tự nhiên tự tại.

Khí chất Âm Dương thì sinh sinh, diệt diệt, biến hóa vô cùng, nhưng cũng vô cùng như Tuyệt Đối Thể vì luôn lệ thuộc vào Tuyệt Đối Thể. [8]

Đó cũng là quan niệm của vua Trần Thái Tôn về Tuyệt Đối Thể trong sách Khóa Hư.

Đại khái vua Trần Thái Tôn cũng chủ trương rằng: Thực tại gồm hai phương diện: Phương diện Bản thể siêu hình thì không sinh hóa. Phương diện hiện hữu thì có sinh hóa. Cả hai đều vĩnh cửu, tuy rằng hai phương diện căn bản ấy trái nghịch mâu thuẫn.[9]

4/ Thái Cực Vô Cực siêu xuất trên thiện ác. Âm Dương biến hóa ở trong vòng thiện ác. Chu Liêm Khê nói: Thành vô vi, ki thiện ác. (Khi còn là Bản thể tĩnh lãng thời tinh toàn, khi đã ứng cơ biến hóa thời mới phân thiện ác.) chính là vì vậy. [10]

Chủ trương của Áo Nghĩa Thư cũng như của Dịch. Theo Áo Nghĩa Thư, thì Brahman đại thể gồm hai phương diện:

* Hữu hình và Vô hình,* Tử vong và Bất tử.

* Biến động và Thường trụ.

Thế tức là hai phương diện ẩn và hiện của vũ trụ, hai phương diện khinh khoát và lệ thuộc của thần trí, đều căn cốt trên Brahman duy nhất, đấng bao quát mọi phân cực và mọi mâu thuẫn. [11]

Xét về thời gian, thì Đại Thể cũng có hai phương diện là: Thời gian, và Siêu Thời gian.

Nói cách khác, Thời gian và Hằng Cửu là hai phương diện của một Nguyên Lý.

Trong Brahman, cái Hằng và cái Biến hòa hợp. Maitri Upanishad viết: Cái có trước mặt trời là vô thờivô gián (akala). Cái bắt đầu với mặt trời, lệ thuộc thời gian và có phân bộ gián cách. [12]

Thái Cực với Âm Dương, hay Bản thể với Hiện Tượng, theo nhãn quan Phật giáo sẽ được mô tả bằng những danh từ sau:

 

Chân Như

Bản Thể

(Réalité, Être)

 

(Natura Naturans)

Vạn Tượng

Vạn Pháp

(Manifestation, Phénomènes)

(Êtres)

(Natura naturata)

  

1/ Bản thể

2/ Tiềm thể

3/ Viên giác

4/ Niết bàn

5/ Nhất nhất, Như như

6/ Chân tâm

7/ Vô vi

8/ Vô lậu

9/ Vô trụ, vô trước 

10/ Chân như môn

11/ Cảnh giới tịch diệt

12/ Lý

13/ Ngã

14/ Thường

15/ Tịnh độ

16/ Giải thoát

17/ Không

18/ Bồ đề

19/ Trùng dương

20/ Bình đẳng giới

21/ Tuyệt đối, Tuyệt đối giới

22/ Chân

1/ Hình thức sắc tướng

2/ Hiện thể

3/ Mê vọng

4/ Khổ hải, Sinh tử

5/ Vạn hạnh,Vạn pháp

6/ Vọng tâm

7/ Hữu vi

8/ Hữu lậu

9/ Chấp trước 

10/ Sinh diệt môn

11/ Cảnh giới vô thường

12/ Sự

13/ Vô ngã

14/ Vô thường

15/ Uế độ

16/ Phiền trược

17/ Sắc

18/ Phiền não

19/ Ba lãng

20/ Sai biệt giới

21/ Tương đối, Tương đối giới

22/ Giả v.v...

Sau hết, để cho cái nhìn viên dung về Thái Cực và Âm Dương, ta nên có nhận xét như sau:

Triết Gia Trung Quốc không phải phân để mà phân, nhưng phân rồi, lại cốt để hợp. Cho nên chỉ tách Âm Dương khỏi Thái Cực về phương diện Khí, nhưng lại không tách biệt Âm Dương khỏi Thái Cực về phương diện Lý.

Nói cách khác, nếu coi Âm Dương là Khí, là biểu thị cho hai trạng thái động, tĩnh của một khí, thì lúc ấy Âm Dương thuộc Hình nhi hạ. [13]

Còn, nếu coi Âm Dương là Lý tiêu trưởng, doanh hư động tĩnh của vũ trụ, thì lúc ấy Âm Dương lại thuộc về Hình nhi thượng, và Lý động (Dương) và Lý tĩnh (Âm) chính là hai phương diện của Thái Cực. [14]


 CHÚ THÍCH

[1] Tu tri nhất bản năng song cán, Thủy tín thiên nhi dữ vạn tôn. 須 知 一 本 能 雙 幹, 始 信 千 兒 與 萬 孫 .— Dịch Kinh Đại Toàn, trang 35b.

[2] Cố Thái Cực tất duy nhất, tất tuyệt đối. 故 太 極 必 惟 一 必 絕 對 .— Xem Tạ Vô Lượng, Trung Quốc Triết học Sử V, đệ tam biên thượng, đệ thập nhất chương, trang 59.

[3] Nhất Âm, nhất Dương giao nhi thiên chi dụng tận chi hĩ. Nhất Nhu, nhất Cương giao nhi địa chi dụng tận chi hĩ. 一 陰 一 陽 交 而 天 之 用 盡 之 矣. 一 柔 一 剛 而 地 之 用 盡 之 矣. — Tạ Vô Lượng, Trung Quốc Triết Học Sử V, đệ tam biên thượng, đệ tứ chương, trang 15.

[4] Đạo vi Thái Cực. 道 為 太 極 .— Tạ Vô Lượng, Trung Quốc Triết Học Sử V, đệ tam biên thượng, đệ tứ chương trang 15.

[5] Ký thụ hình khí, tự nhiên hữu suy diệt chi thời... 既 受 形 氣 自 然 有 衰 滅 之 時 .— Tạ Vô Lượng, Trung Quốc Triết Học Sử V, đệ tam biên thượng, đệ thập nhất chương, trang 60.

[6] Hựu luận Lý, Khí chi tiên hậu viết: Lý khí bản vô tiên hậu khả ngôn. Nhiên tất dục suy kỳ sở tòng lai, tắc tu thuyết tiên hữu thử lý, nhiên Lý hựu phi biệt vi nhất vật, tức tồn hồ thị khí chi trung. Vô thị khí tắc thị Lý diệc vô quải thập xứ. 又 論 理 氣 之 先 後 曰: 理 氣 本 無 先 後 可 言. 然 必 欲 推 其 所 從 來, 則 須 說 先 有 此 理, 然 理 又 非 別 為 一 物, 即 存 乎 是 氣 之 中. 無 是 氣 則 是 理 亦 無 掛 拾 處 ..— Tạ Vô Lượng, Trung Quốc Triết Học Sử V, đệ tam biên thượng, đệ thập nhất chương trang 57.

[7] Thiên địa nhất nguyên nhi nhất canh, nhiên nguyên chi chung tức vi thần chi thủy. Chu nhi phục thủy, vãng phục vô tế... 天 地 一 元 而 一 更, 然 元 之 終 即 為 辰 之 始. 周 而 復 始, 往 復 無 際 .— Tạ Vô Lượng, Trung Quốc Triết Học Sử V, đệ tam biên thượng, đệ ngũ chương trang 61.

[8] Lý thị năng sinh, khí thị sở sinh. Năng sinh giả sinh sinh bất cùng, cố khí tự nhiên bất cùng. 理 是 能 生 氣 是 所 生 . 能 生 者 生 生 不 窮 , 故 氣 自 然 不 窮 . — Tạ Vô Lượng, Trung Quốc Triết Học Sử, đệ tam biên thượng, đệ thất chương, trang 35.

[9] Nguyên phù tứ đại bản vô, ngũ uẩn phi hữu do không khởi vọng, vọng thành sắc, sắc tự chân không, thị vọng tòng không, không hiện vọng, vọng sinh chúng sắc. Ký bối vô sinh vô hóa, vĩnh vi hữu hóa hữu sinh. Vô sinh hóa tắc vô hóa vô sinh, hữu hóa sinh cố hữu sinh hữu hóa. 原 夫 四 大 本 無 , 五 蘊 非 有 由 空 起 妄, 妄 成 色, 色 自 真 空, 是 妄 從 空, 空 現 妄, 妄 生 眾 色 . 既 背 無 生 無 化 . 永 為 有 化 有 生 . 無 生 化 則 無 化 無 生, 有 化 生 故 有 生 有 化 .— Xem bài Triết lý Nhân Bản trong sách Khóa Hư, đăng trong Văn Hóa Á Châu, tháng 9, 1959 số 18 trang 1 và 2.

[10] Xem Trần Trọng Kim, Nho giáo  II, trang 121.

[11] Comme on le sait, les Upanisads distinguent deux aspects de Brahman, de l' Être Universel: le corporel et l'incorporel, le mortel et l'immortel, le fixe (sthita) et le mobile etc...(Brhadaranyaka - Upanisad, ii, 3, 1). Ce qui revient à dire qu'aussi bien l'univers dans ses aspects manifeste et non- manifeste, que l'Esprit dans ses modalités de non-conditioné et de conditioné, reposent dans l'Unique, dans le Brahman, qui cumule toutes les polarités et les oppositions. — Mircéa Iléade, Images et Symboles, 96.

[12] Or le Maitri Upanisad (VII, II, 8) en précisant cette bipolarité de l'Être Universel sur le plan du Temps, distingue les deux formes (dve rupe) de Brahman (cad les aspects des deux natures) (dvaitibhâva) d'une seule essence (tad ekam) comme Temps et Sans Temps (kâlc-cakalac-ca). En d'autre mots, le Temps comme l'Éternité sont les deux aspects du même principe: dans le Brahman, le nunc fluens et le nunc stans, coincident. Le Maitri Upanisad continue: Ce qui précède le Soleil est Sans-Temps (akâla) et non-divisé (akala), mais ce qui commence avec le Soleil est le temps qui a des parties (sakata) et sa forme est l'Année... — Mircéa Iléade, Images et Symboles, 96.

[13] Động tĩnh Âm Dương giai thị hình nhi hạ giả. 動 靜 陰 陽 皆 是 形 而 下 者 . —Chu Hi, Toàn Thư, q 49.

[14] Âm Duơng cố thị hình nhi hạ giả, nhiên sở dĩ nhất Âm nhất Dương giả, nãi thị lý, hình nhi thượng giả dã. 陰 陽 故 是 形 而 下 者, 然 所 以 一 陰 一 陽 者, 乃 是 理, 形 而 上 者 也 .


Mục lục | Lời nói đầu | Phần 1  2  3  4  5  6  7  8  9 | chương 1  2  3  4  5  6  7  8