DỊCH KINH YẾU CHỈ
Hướng đi của Thánh
nhân
Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến
Lê
Mục lục | Lời nói
đầu | Phần 1 2
3 4
5 6
7 8
9
| chương 1 2
3 4
5 6
7
8
Phần 7
ÂM DƯƠNG
Chương 8. Âm Dương
với triết học và khoa học
Âu Châu hiện đại
Gần đây có
nhiều học giả Âu Châu đề cập đến vấn đề Âm Dương. Cái đó là lẽ dĩ nhiên,
vì bất kỳ ai khảo cứu về Văn hóa hay Triết học Trung Hoa, chẳng ít thì
nhiều cũng phải quan tâm đến vấn đề Âm Dương.
Marcel
Granet trong quyển La Civilisation Chinoise có một đoạn dài nói về Âm
Dương, nhưng không lấy gì làm sâu sắc. Khảo về Âm Dương, lý thú nhất có
lẽ là René Guénon, một nhà Huyền học Âu Châu cận đại.
Réné
Guénon giải thích Âm Dương theo đúng tinh thần Kinh Dịch, và nhận định
rằng Âm Dương không phải là hai thực thể đối lập, mà là hai phương diện
bổ khuyết lẫn cho nhau, của một thực thể duy nhất đó là Thái Cực.
Dương là
căn cốt, là tinh thần; Âm là tùy thuộc, là vật chất. Dịch nói Âm Dương,
thì Ấn Độ giáo nói Prakriti và Purusha. Sự giao thoa, hoán Dịch, tác
dụng giữa Âm và Dương làm cho trời đất, vạn vật có những trạng thái khác
biệt nhau.
Vũ trụ có
hai mặt: mặt Dương, mặt Trời ở phía trong; mặt Âm, mặt Đất ở phía ngoài.
Âm là những gì hữu hình, có thể nhận thức được bằng giác quan. Dương là
những gì vô hình, chỉ có thể nhận định được bằng
thần trí.
Về phương diện nhận thức, ta có thể đi từ hữu hình lên dần tới vô hình,
từ ngoài vào trong, từ chân lên đỉnh, từ hiển đến vi, nghĩa là từ Âm đến
Dương.
Về phương
diện suy tư, ta có thể đi từ phía siêu hình ra dần tới phía hữu tướng,
nghĩa là từ Dương đến Âm.
Dịch cho
rằng phía trái là phía Dương, là phía của tương lai, thời năm 1967 mới
đây Ông Vilma Fritsch trong quyển La Gauche et la Droite cho biết rằng
thánh thư Zohar của khoa Huyền học Do Thái cũng cho rằng thế giới hiện
tại là thế giới phải, thế giới tương lai là thế giới trái.
Sách Bách
khoa tự điển Do Thái nhận định: Thật là kỳ dị khi thấy rằng theo sách
Cabale thì phía trái lại biểu thị một trình độ cao hơn, tiến bộ hơn.
Phía trái
là phía của tương lai, và của tiến bộ. Mà lạ lùng thay, đó cũng chính là
đường hướng nhận định của triết học và chính trị ngày nay. Trong chính
trường hiện tại người ta gọi những người bảo thủ là những người theo
phái hữu, những người cấp tiến là những người theo phái tả.
Có thể nói
ngày nay thuyết Âm Dương lưỡng cực của Trung Hoa đã được Triết học và
Khoa học Âu Châu mặc nhiên chấp nhận.
Gaston
Bachelard muốn coi quan niệm lưỡng cực như là một nguyên lý mới, để nhận
thức tri luận.
Ông cho
rằng tính cách lưỡng cực tương thừa đã được ghi tạc trong căn cơ sự vật,
ngược lại với quan niệm cổ xưa cho rằng vật thể là biểu dương của sự
thuần nhất.
Khoa học
ngày nay không còn tham vọng đi đến Nhất nữa, mà chỉ muốn đi đến Nhị.
Triết học
cũng như Tâm lý học đều muốn theo đường hướng mới ấy. Nhiều Tư tưởng gia
ngày nay muốn nói: Thoạt kỳ thủy là cặp đôi.
Schelling,
dựa vào thần thoại Hi Lạp, và khai thác tư tưởng then chốt của Jacob
Boehme là Nhất thể lưỡng phân (Selbsentzweiung) đã cho rằng
Thượng Đế cũng là nhất thể lưỡng diện.
Goethe
theo chân Kant, cũng nhận định rằng ngay từ căn cơ vật chất đã có những
sức hấp dẫn đun đẩy lẫn nhau, cho nên loại nào vật nào cũng lưỡng tĩnh,
lưỡng cực. Đó là một hiện tượng phổ quát.
Theo Agnès
Cerber, thì nhà Sinh Lý Học mỗi bước đều gặp những cặp Âm Dương, lưỡng
cực đối đãi nhau như một cặp trai gái khiêu vũ với nhau, chứ không phải
như là hai kẻ thù địch trong một cuộc so gươm.
Và Khoa
học ngày nay, đã chứng minh được rằng không cứ loài người, loài vật,
loài cây mới có trống mái, mà ngay các tinh thể cũng có phải, trái khác
nhau. Pasteur đã phân biệt được hai loại acide tartique trái và phải, và
công nhận rằng vạn vật ngay từ trong cơ cấu đã có trái phải, Âm Dương.
Sử gia
Toynbee, đã dùng thuyết Âm Dương, động tĩnh đắp đổi luân phiên nhau để
giải thích lịch sử.
Ông cho
rằng lịch sử đi theo nhịp điệu nhất tĩnh, nhất động, tĩnh
rồi lại động, động rồi lại tĩnh.
Lịch sử
cũng như Âm Dương, có cảm lại có ứng, có động lại có phản, có vãng lại
có lai; có phục lại có khởi, như vậy mới có thể đổi mới mãi mãi...
Joseph
Needham, trong tập hai, bộ Science and Civilisation in China đã cho
rằng: Học thuyết Âm Dương không có màu thiện ác, nhờ thế mà nó có thể
giữ được sự quân bình đích thực và thể hiện được những mục đích chân
thực của đời người là hạnh phúc, khang kiện và trật tự.
Needham
cũng chủ trương rằng: tư tưởng phi nhị nguyên của Trung Hoa này sẽ đóng
một vai trò vĩ đại trong Khoa học. Hơn thế nữa, nó đã đóng vai trò đó
rồi, qua trung gian Leibniz. Needham nhận định rằng cách phát triển tư
tưởng, và cách dùng tượng hình của Trung Hoa có rất nhiều điểm tương
đồng kỳ lạ với tư tưởng Khoa học tối tân nhất. Người Trung Hoa xưa tuy
chưa tạo ra được Khoa học đích thực như nay, nhưng nhiều lần cũng đã
tung mình lên được tới những chỗ mà sau này Niels Bohr, Max Planck,
Einstein đã đạt tới.
Được vậy,
là vì người Trung Hoa đã thoát được tật suy luận một chiều của người Âu
Châu, hoặc là suy luận theo chiều hướng Duy vật, hoặc là theo chiều
hướng Duy linh...
Dịch Kinh
cho rằng Âm Dương vừa tương khắc, vừa tương thừa, và Âm Dương giao thoa,
tác động lẫn trên nhau nên phát sinh ra mọi biến hóa.
Karl Marx
và Lénine cũng đã cho rằng mọi sự trong vũ trụ đều hàm tàng mâu thuẫn
nội tại; vũ trụ được chi phối bằng định luật mâu thuẫn xã hội, vì lịch
sử được chi phối bằng định luật mâu thuẫn. Vì thế người Mác xít đã cố
gây mầm mống chống đối trong xã hội, và dùng đấu tranh giai cấp để làm
cách mạng, để đả phá các cơ cấu xã hội hiện tại, ngõ hầu có thể xây dựng
một xã hội vô sản.
Nhưng thực
ra, người Các Mác chỉ gây mâu thuẫn ở những nước mà họ chưa chiếm được;
còn khi đã chiếm được chính quyền rồi, thì họ lại ra sức diệt mâu thuẫn
chống đối dưới mọi hình thức, tiêu diệt ngay từ khi chúng vừa mới mầm
mộng lên.
Dầu sao
thì biện chứng pháp với định luật mâu thuẫn mới là một nửa phần của Dịch
lý Âm Dương, vì Dịch lý Âm Dương ngoài sự tương khắc, còn chủ trương
tương thừa, ngoài sự mâu thuẫn còn chủ trương sự hòa hiệp của Âm Dương.
Dịch kinh
cho rằng Âm sinh Dương, Dương sinh Âm, tán là Dương, tụ là Âm, thì
Einstein với phương trình E=MC2 cũng cho rằng năng lực
sinh vật chất, vật chất sinh năng lực; năng lực là vật chất phát tán,
vật chất là năng lực cô đọng.
Dịch cho
rằng Âm Dương tụ tán là một định luật vũ trụ, thời năm 1927, George
Lemaître, giáo sư Đại học Louvain, cũng cho rằng vũ trụ hiện đang khuếch
tán và giống như quả bong bóng đang được thổi phồng...
Nhiều nhà Thiên Văn Học hiện nay đã chủ trương vũ trụ khi tán khi tụ,
biến hóa không ngừng.
Chu Hi đã
cho rằng: Âm Dương chẳng qua là những trạng thái khác nhau của một
nguyên khí. Ngày 27-3-1847, Helmholtz đã đệ trình lên Hội Lý Học ở
Berlin một tiểu luận nhan đề là: Sự duy trì năng lực. Trong tiểu luận
này, ông cho rằng vũ trụ này tràn đầy một khối lượng năng lực khổng lồ
và bất biến. Điện, hóa, quang, nhiệt, lực, tất cả những cái đó đều là
những trạng thái khác nhau của một năng lực duy nhất.
Dịch từ
ngàn xưa không hề phân tách Âm Dương như hai thực thể riêng biệt, nhưng
luôn chủ trương Âm Dương là hai chiều, hai mặt của một thực thể duy
nhất, trong Âm có Dương, trong Dương có Âm... Gần đây, các nhà Khoa Học
đã chấp nhận vũ trụ là một thực thể duy nhất, nhưng có hai mặt, lúc thì
là ba động, lúc thì là phân tử.
Dịch Kinh
gọi Âm là chẵn, Dương là lẻ, và chủ trương có thể dùng hai ký hiệu Âm
Dương mà diễn
xuất mọi con số.
Gần đây
Leibniz, nhà toán học, đã phát minh ra khoa Toán Pháp Nhị Nguyên, đã
phải bỡ ngỡ khi nhận thấy rằng 64 quẻ trên vòng Dịch Tiên Thiên của Phục
Hi từ Khôn đến Cấu, rồi lại từ Phục đến Kiền có thể mã thành những con
số từ 0 cho đến 63 theo đúng như ký hiệu, và phương pháp Toán Học Nhị
Nguyên, nên Ông đã nghĩ rằng người Trung Hoa xưa có thể đã biết khoa
Toán học này từ lâu rồi. Ngày nay khoa Toán Học Nhị Nguyên với hai ký
hiệu 0 và 1 đã được áp dụng trong các loại máy toán điện cơ, điện tử ở
Âu Mỹ...
Các sự
kiện trên cho thấy rằng, về phương diện Triết học cũng như về phương
diện Khoa học, Âu Châu càng ngày càng gặp gỡ các quan điểm của Dịch
Kinh, và Nguyên lý Âm Dương có thể dùng làm như một thứ chìa khóa để mở
các điều huyền bí của vũ trụ và của cuộc đời.
Kết luận
Vấn đề Âm
Dương thực ra bao la man mác, vì bất kỳ Thiên Văn, Địa Lý, Tử Vi, Lục
Nhâm, Thái Ất, Tướng Số, Y Lý nhất nhất đều đã dùng Âm Dương và Ngũ Hành
để phân loại. Trong thiên khảo luận này chúng ta không thể đi vào những
chi tiết của mỗi môn nói trên để trình bày về Âm Dương được. Tuy nhiên
những nhận xét tổng quát của chúng ta sẽ soi sáng cho chúng ta trong bất
kỳ bộ môn nào mà chúng ta sẽ định khảo cứu. Lý do là vì Dịch thời dạy
những nguyên lý tổng quát, còn các môn Lý Số khác đều đem Dịch lý áp
dụng vào những bộ môn riêng biệt mình mà thôi.
Đằng khác,
trọng tâm của công trình khảo sát của chúng ta là làm sáng tỏ những vấn
đề trọng đại hơn, quan thiết đến đời sống tâm thần con người hơn, chính
vì vậy mà chúng ta không được phép lạc lõng vào những chi tiết vụn vặt.
Chúng ta có thể tóm tắt về Âm Dương, và sau đó rút tỉa một vài bài học
về Âm Dương như sau:
Toàn thể
duy nhất là Thái Cực, sau khi phân cực, sẽ sinh ra Âm Dương và như vậy,
ta có:
Thế
giới bản thể |
Thế
giới hiện tượng |
Tuyệt
đối
Hằng
Viên
mãn
Chân
Chính
Ngã
Thường |
Tương
đối (Âm Dương)
Biến
Khuy
khuyết
Giả
Tà
Vô ngã
Vô
thường |
Trên bình
diện hiện tượng tương đối, biến thiên, ta thấy bất kỳ cái gì cũng có hai
chiều, hai mặt, trên dưới, trước sau, hay dở, trong ngoài, phải trái,
lưng mặt, giàu nghèo, sang hèn, mạnh yếu, già trẻ, ngày đêm, nóng lạnh,
sáng tối; tự do, kiềm tỏa; cá nhân, xã hội; tinh thần, vật chất; trai
gái; đực cái; trời đất; tiến thoái; vãng lai; Thánh phàm; Tiên tục;
sướng khổ v.v...
Chúng ta
nhận thấy chỉ có Tuyệt đối, chỉ có Toàn thể mới thoát khỏi vòng Âm Dương
tương đối, vì nó bao quát và siêu xuất Âm Dương. Ở trong vòng hình thức,
sắc tướng, tức nhiên phải chịu định luật Âm Dương tương đối, tương đãi,
biến thiên, thăng trầm...Ở trong vòng biến thiên, tiêu chuẩn phán đoán
về Âm Dương, hay dở, cao thấp đều là tương đối, nghĩa là nó biến đổi tùy
quan niệm mỗi nơi, mỗi thời.
Sau cùng
chúng ta nhận định rằng tiêu chuẩn Âm Dương của thường nhân khác với
tiêu chuẩn Âm Dương của Thánh Hiền. Thường nhân cho là Dương trước, Âm
sau, Dương ngoài, Âm trong, cá nhân khinh, xã hội trọng, còn Thánh Hiền
thời lại cho rằng Âm trước Dương sau, Âm ngoài, Dương trong, cá nhân
trọng, xã hội khinh v.v...
Cho nên,
Thánh Hiền khác với thường nhân ở chỗ: lúc trẻ thì lưu tâm đến Âm, đến
trí lực, xác thân, ngoại cảnh, cố trau giồi cho trí lực trong sáng, xác
thân khang kiện, ngoại cảnh thuận tiện. Lúc đứng tuổi sẽ lưu tâm đến
tinh thần, đến nội tâm, để sống khinh khoát, thung dung, thoát vòng kiềm
tỏa của trí lự, xác thân, ngoại cảnh.
Thánh
nhân, khác với thưòng nhân vì
cho rằng Dương hay Tinh thần, hay tinh hoa con người thời ở phía bên
trong, nên càng ngày càng chú trọng đến đời sống tinh thần, đến đời sống
nội tâm hơn ngoại cảnh, sau khi đã tạo cho mình được một đời sống vật
chất khả quan. Thánh nhân cũng khác với thường nhân ở chỗ cho rằng mình
trọng hơn xã hội, cho nên coi xã hội là phương tiện giúp cho mình hoàn
thành xứ mạng tu luyện, thần thánh hóa bản thân, chứ không coi xã hội là
cứu cánh để đến nỗi phải bán mình làm tôi mọi xã hội và ngoại cảnh.
Thường
nhân, thì cố chấp, đã cho cái
gì hay thì nhất định mãi mãi sẽ hay. Còn Thánh nhân thì uyển chuyển và
cho rằng trong cái hay có cái dở, trong cái dở có cái hay, hay dở là tùy
ở lòng mình, tùy ở từng hoàn cảnh. Vì thế nên Lão Tử mới viết:
Mới hay
không, có chuyển vần,
Dễ sinh
ra khó, vắn nhân thành dài.
Thấp
cao tùy ngó ngược xuôi,
Tiếng
ca trầm bổng, dòng đời trước sau.
Ước gì đời
chúng ta đi đúng chiều Âm Dương, mà chiều Âm Dương chính là: Hậu
thăng tiền giáng định nhất chu (Trước giáng sau thăng định một
vòng). Nói cách khác, nửa đời đầu chúng ta cần phải lưu ý đến trí não,
đến xác thân, đến ngoại cảnh, phải góp mặt với đời. Còn nửa đời sau,
phải đặc biệt chú trọng đến tâm thần, lo tu luyện để trở nên con người
công chính, toàn thiện, toàn mỹ...
Gẫm đạo lý có sau có
trước,
Lẽ Âm Dương có ngược
có xuôi.
Xuôi
là gió cuốn bụi đời,
Đẩy đưa vào chốn
trần ai cát lầm.
Có thử thách mới
phân vàng đá,
Có lầm than mới rõ
chuyện đời.
Ngược
là sấm chớp tơi bời,
Tầng
sâu bày giãi căn trời nội tâm
Trông tỏ đích chí
nhân, chí chính,
Biết
mục phiêu sẽ định sẽ an.
Rồi ra suy xét nguồn
cơn,
Con
đường phối mệnh chu toàn tóc tơ.
CHÚ THÍCH
Mục lục | Lời nói
đầu | Phần 1 2
3 4
5 6
7 8
9
| chương 1 2
3 4
5 6
7
8
|