DỊCH KINH YẾU CHỈ

Hướng đi của Thánh nhân

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê

Mục lục | Lời nói đầu | Phần 1  2  3  4  5  6  7  8  9 | chương 1  2  3  4  5  6  7  8


Phần 7

ÂM DƯƠNG

Chương 6. Âm Dương với thuật luyện đan
hay tu tiên của đạo Lão

 

Bàn về Âm Dương, không thể không nói qua về khoa luyện đơn của đạo Lão.

Khoa luyện đơn của đạo Lão cũng y thức như khoa luyện đơn ở Âu Châu thời cổ, chủ trương con người là lò bát quái, để tinh luyện những huyền lực phát xuất từ Nhất đến Vạn, rồi lại Vạn về Nhất. Quay về được tới Nhất sẽ là Chân Nhân hay Thiên Nhân. [1]

Muốn hiểu khoa luyện đơn phải hiểu Dịch.

Dịch chủ trương Thái Cực sinh Âm Dương. Sau khi đã phân Cực, Âm Dương có thể phân kỳ để sinh biến hóa, nhưng cũng có thể hòa hợp lại để tái tạo thành Thái Cực. Nhân đó, khoa luyện đơn cũng cho rằng nơi con người, Đạo thể hay Bản thể cũng phân hóa thành Đạo tâm và Nhân tâm.

Nhân tâm và Đạo tâm bao lâu còn chia rẽ, bao lâu tâm hồn con người còn ngỡ rằng Đạo ở ngoài mình, ở xa mình; thì bấy lâu con người còn sống trong khắc khoải và khổ cực.

Nhưng một khi nhân tâm đã nhận thức được rằng Đạo tâm thực sự chẳng hề lìa xa mình, vẫn đã ẩn ngụ sẵn trong lòng mình, lúc ấy sẽ ra công tu luyện Nhân Tâm ngõ hầu có thể kết hợp được với Đạo tâm để trở thành một thực thể duy nhất. Nếu công phu này mà đi đến chỗ thành toàn, thì con người sẽ thực hiện được Trời, được Đạo, đã luyện xong được Kim đơn, và sẽ sống vĩnh cửu cùng trời đất.

Khẩu quyết của Đạo Lão chính là Tâm là Đạo, Đạo là Tâm. Tâm mà lìa Đạo, sẽ nhập vào lục đạo, tam đồ. Tâm cùng Đạo hợp, sẽ tạo được Bồng Lai, Tam Đảo. (Tâm tức thị Đạo; Đạo tức thị Tâm. Tâm dữ Đạo ly, tắc nhập Lục Đạo Tam Đồ. Tâm dữ Đạo hợp, tắc tạo Bồng lai, Tam đảo.) (Thái Thượng Bảo Phiệt, trang 16)

Khoa luyện đơn trở nên phức tạp, kỳ bí chính tại là thay vì dùng những danh từ như Thần, Hồn, Đạo tâm, Nhân tâm, các Đơn gia lại ưa dùng những danh từ bóng bảy, hiểm hóc, có lẽ là để đánh lạc hướng, hay ngăn chặn những người không đủ căn duyên. Chúng ta có thể thu thập ít nhiều từ ngữ dùng để chỉ Âm Dương, Tâm Thần vào đồ bản sau:

 

Dương

Âm

Thần

Đạo tâm

Huyền

Bạch kim

Hống

Kim công

Khảm

Chu sa

Kim ô, Nhật tinh

Chân tri

Thương qui, Long v.v...

Hồn

Nhân tâm

Tẫn

Hắc ngân

Diên

Xá nữ

Ly

Thủy ngân

Ngọc thố, Nguyệt hoa

Linh tri

Xích xà, Hổ v.v...

 

Những danh từ nói trên, có khi về phương diện Âm Dương có thể ngược nhau, tùy theo tác giả. Nhưng bao giờ Đạo Tâm cũng phải là Dương, Nhân Tâm bao giờ cũng phải là Âm, Thần bao giờ cũng là Dương, Hồn bao giờ cũng là Âm.

Phương trình tổng quát của Khoa Luyện Đơn là:

Âm + Dương = Thái Cực; Kim Đơn

Đạo tâm + Nhân tâm = Chân Nhân; Kim Đơn

Gọi là Kim, vì vàng tượng trưng cho sự bất hoại. Gọi là Đơn vì chữ Đơn đầu là Nhật, chân là Nguyệt. Vậy Đơn tức là Thống thể, Toàn thể, bao quát cả Âm lẫn Dương, cả Đạo tâm lẫn Nhân tâm.

Nói theo những từ ngữ bóng bảy của Khoa Luyện Đơn thì:

1/ Chất liệu, Dược liệu để luyện đơn chính là Diên Hống, chính là Đạo tâmNhân tâm.

2/ Lò để luyện đơn tức là vũ trụ, và xác thân con người.

3/ Lửa dùng để luyện cho Đơn Thành hay Hỏa Hầu chính là ý chí, chính là bầu nhiệt huyết, nhiệt tâm của mình.

4/ Luyện đơn tức là phải khử cặn bã, để lọc lõi lấy tinh hoa.

Đó là phương pháp Sưu (Bớt), Thiêm (thêm). Phải lọc, phải bỏ cho hết những cặn bã của nhân tâm. Phải thêm, phải chau chuốt cái tinh hoa là Đạo tâm.

So sánh Khoa Luyện Đơn của đạo Lão với Khoa Luyện Đơn của Âu Châu ta thấy các Đơn gia Đông Tây đều đề cao chân lý vĩnh cửu này là vũ trụ hữu hình và tâm linh, đều là sự biến hóa của Thần, của Thượng Đế, mà sự biến hóa vĩ đại nhất của Thần, của Thượng Đế được thực hiện ngay trong lòng con người. Thần con người, sẽ trở về được Thiên vị, nếu các tầng lớp các khả năng hạ đẳng nơi con người biết hi sinh cho mục đích cao cả ấy... [2]

Thế là chết để mà sống... [3] Phàm nhân chết đi, cho thần nhân hoạt động. [4]

Luyện đơn cốt chỉ vẽ cho con người định luật rằng nhờ sự biến hóa, nhờ sự tinh luyện, con người có thể trở thành thần minh. [5]

Mới hay muôn thủa tinh anh,

Lòng trời, gồm sẵn trong mình xa đâu... [6]


CHÚ THÍCH

[1] Paracelse, comme tous les Hermétistes, considérait l'être humain comme l'alambic où s'opère la distillation et la sublima- tion des énergies qui de l'Unique descendent au multiple, pour retourner à l'Unique, en tant que l'homme parfait revêtu de sa divinité. — M. Sénart, Le Zodiaque, p. 490.

[2] L'Alchimie met l'accent sur cette vérité éternelle base de toutes les autres: L'Univers sensible et psychique est une métamorphose de l'Esprit et sa métamorphose majeure s'accomplit par la cons- cience humaine renaissant à son état divin par le moyen et le sacrifice de ses facultés inférieures. — M. Sénart, Le Zodiaque, p. 482.

[3] Et de ta propre extermination, tu vivras. (La Langue Hébraique Restaurée, tome I, note, p. 23) — M. Sénart, Le Zodiaque, p. 482.

[4] Tâm tử thần hoạt. 心 死 神 活 .

[5] La science alchimique s'efforce de révélér à l'homme la loi qui, par la transmutation, fait de lui un dieu. — M. Sénart, Le Zodiaque, p. 482

.... Malgré son apparence chimique, l'opus alchymicum fut toujours considéré comme un acte culturel, au sens d'œuvre divine. — C.G. Jung, Paracelsica, p. 63 và Le Zodiaque, p. 492.

[6] Phỏng theo bài thơ của Tứ bách tự giải, tr. 2b.               

                Dược vật sinh Huyền khiếu,   藥 物 生 玄 竅

                Hỏa hậu phát Dương lô.         火 侯 發 陽 爐

                Long Hổ giao hội bãi,              龍 虎 交 會 罷

                Kim đỉnh sản Huyền châu.     金 鼎 產 玄 珠


Mục lục | Lời nói đầu | Phần 1  2  3  4  5  6  7  8  9 | chương 1  2  3  4  5  6  7  8