DỊCH KINH YẾU CHỈ

Hướng đi của Thánh nhân

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê

Mục lục | Lời nói đầu | Phần 1  2  3  4  5  6  7  8  9 | chương 1  2  3  4  5  6  7  8


Phần 7

ÂM DƯƠNG

Chương 5. Âm Dương với y học Trung Hoa

 

Quan niệm Âm Dương được triệt để áp dụng trong y học Trung Hoa.

Trước đây chúng ta đã đề cập đến ba hạng người. Dương tạng, Âm tạng, Bình tạng.

Về phương diện bệnh học, người Trung Hoa cũng phân biệt Dương bệnh và Âm bệnh.

Dương bệnh là những bệnh ngoại cảm. Âm bệnh là những bệnh nội thương. Dương bệnh nhiều khi còn được gọi là thực chứng; Âm bệnh được gọi là hư chứng.

Dương bệnh cũng là những bệnh do khí lực hư hao, hoặc thận hỏa suy. Âm bệnh là những bệnh sinh ra vì huyết Dịch hư hao, hay thận thủy suy.

Khi con bệnh đã suy kiệt Dương khí, thì y học gọi là Dương thoát. Dương thoát có những triệu chứng sau đây: Mạch hầu như đã tuyệt; Tứ chi giá lạnh; Trán vã mồ hôi; Thở hắt ra; Khó thở; Nấc; Hôn mê; Lưỡi co v.v...

Khi con bệnh mà Âm suy kiệt, huyết Dịch suy kiệt, thời y học gọi là Âm hư. Âm hư có những triệu chứng sau đây: Mạch vi, mạch khẩn; Nhiệt độ cao; Mặt đỏ, Người khô đét như củi; Vật vã; Khát nước nhiều; Mê sảng.

Khi con bệnh mà khí huyết đều hao kiệt, thời Y học gọi là Âm hư Dương Thoát. Triệu chứng như sau:

- Tứ chi giá lạnh; Trán vã mồ hôi; Hôn mê, Thở như suyển, Nấc cụt.

Nguyên tắc chữa bệnh, chính là bồi bổ Âm Dương, điều hòa Âm Dương. Dương thịnh thì bổ Âm để chế bớt ánh Dương. Âm thịnh thì bổ Dương, để làm tiêu tan cái u uất cửa Âm. (Bổ thủy dĩ chế dương quang; bổ hỏa dĩ tiêu âm ế.)

Các vị thuốc cũng chia thành Âm, Dương, hay Bình vị.

Dương dược là những thuốc nóng, có hiệu lực làm gia tăng sự tiêu hóa, thúc đẩy sự hô hấp, sự tuần hoàn, bồi bổ khí lực.

Âm dược là những thuốc mát, có hiệu lực bồi bổ huyết Dịch, làm cho con người bớt nóng, bớt háo.

Những vị thuốc bình vị, là những vị thuốc hòa hoãn, vừa bổ Dương, vừa bổ Âm.

Phương dược dùng để trị liệu điều hòa Âm Dương, khí huyết có thể toát lược như sau:

a/ Trị liệu Dương khí

1 - Khi dương khí gần thoát tuyệt, người xưa thường cấp trị bằng: Nhân sâm, hoặc Quế, Phụ.

2 - Khi dương khí hao tổn, giao động vừa phải, thời dùng:

- Bài Tứ quân (để bổ khí)

- Bài Bổ Trung Ích Khí thang, hoặc Phụ Tử Lý Trung

3 - Khi dương khí, thận khí suy tổn đã lâu, thời dùng:

- Bài Bát vị

- Bài Sinh Mạch

b/ Trị liệu Âm huyết

1 - Khi huyết dịch suy tổn thời dùng: Bài Tứ Vật, bài Qui Tì.

2 - Khi thận thủy suy tổn thời dùng bài Lục Vị.

c/ Bình bổ

Muốn bình bổ cả Âm lẫn Dương, cả khí lẫn huyết, nguời ta dùng bài Bát Trân hay Thập Toàn...

Để nhận định được tầm quan trọng của quan niệm Âm Dương đối với Y học, ta hãy đọc một đoạn của Trương Cảnh Nhạc: Phàm chẩn bệnh trị liệu, trước hết phải thẩm định Âm Dương. Đó là cương lĩnh của Y học.

Luận về Âm Dương không sai, thời trị bệnh làm sao mà sai được? Y học tuy phiền tạp, nhưng có thể bao quát bằng một câu: Âm Dương mà thôi.

Cho nên bệnh có Âm Dương, mạch có Âm Dương, thuốc có Âm Dương. Lấy bệnh mà nói, thời bệnh bên ngoài là Dương, bên trong là Âm; nhiệt là Dương, hàn là Âm; trên là Dương, dưới là Âm; khí là Dương, huyết là Âm; động là Dương, tĩnh là Âm; nói nhiều là Dương, không nói là Âm; thích sáng là Dương, ưa tối là Âm; Dương yếu không thể thở ra, Âm yếu không thể hít vào; Dương bệnh khó cúi, Âm bệnh khó ngửa. [1]

Nói về mạch, thì mạch phù, mạch mạnh, mạch hoạt, mạch xác là Dương; mạch trầm, mạch vi, mạch nhỏ, mạch rít là Âm. Nói về thuốc thì thăng tán là Dương; liễm giáng là Âm; tấn nhiệt là Dương, khổ hàn là Âm. Chạy vào khí là Dương, chạy vào huyết là Âm; tính động mà chạy là Dương, tính tĩnh mà giữ là Âm. Đó là đại pháp trong nghề thuốc...

Dương đã mạnh còn bổ Dương, thời Dương càng bốc lên mạnh, Âm càng tiêu hao. Dương đã không đủ mà lại còn dưỡng Âm, còn dùng Âm phương, thời Âm càng thịnh, mà Dương bị diệt vong vậy.

Nếu minh biện Âm Dương thời dẫu y lý tuy huyền vi, nhưng cũng đã suy ra được quá nửa rồi vậy... [2]


CHÚ THÍCH

[1] Trương Cảnh Nhạc thuyết: Phàm chẩn bệnh, thi trị, tất tu tiên thẩm Âm Dương, nãi vi Y đạo chi cương lĩnh. Âm Dương vô mậu, trị yên hữu sai? Y đạo tuy phồn nhi khả dĩ nhất ngôn tế chi giả viết Âm Dương nhi dĩ. Cố chứng hữu Âm Dương, mạch hữu Âm Dương, dược hữu Âm Dương.

Dĩ chứng nhi ngôn, tắc Biểu vi Dương, Lý vi Âm; Nhiệt vi Dương, Hàn vi Âm; Thượng vi Dương, Hạ vi Âm; Khí vi Dương, Huyết vi Âm; động vi Dương, tĩnh vi Âm; đa ngôn vi Dương, vô thanh vi Âm; hỉ minh giả vi Dương, dục ám giả vi Âm; Dương vi giả bất năng hô, Âm vi giả bất năng hấp; Dương bệnh giả bất năng phủ, Âm bệnh giả bất năng ngưỡng...

張 景 岳 說: 凡 珍 病, 施 治, 必 須 先 審 陰 陽, 乃 為 醫 道 之 綱 領. 陰 陽 無 謬, 治 焉 有 差? 醫 道 雖 繁 而 可 以 一 言 蔽 之 者 曰 陰 陽 而 已. 故 証 有 陰 陽, 脈 有 陰 陽, 藥 有 陰 陽.

以 証 而 言, 則 表 為 陽 裡 為 陰, 熱 為 陽 寒 為 陰, 上 為 陽 下 為 陰, 氣 為 陽 血 為 陰, 動 為 陽 靜 為 陰, 多 言 為 陽 無 聲 為 陰, 喜 明 者 為 陽 欲 暗 者 為 陰, 陽 微 者 不 能 呼, 陰 微 者 不 能 吸, 陽 病 者 不 能 俯, 陰 病 者 不 能 仰 .

Truyền Trung Lục, Âm Dương Thiên. (Trương cảnh Nhạc)

Nhiệm Ứng Thu, Âm Dương Ngũ Hành, trang 1.

[2] Dĩ mạch nhi ngôn tắc phù, đại, hoạt, xác chi loại giai Dương dã; trầm vi, tế, sáp chi loại giai Âm dã. Dĩ dược nhi ngôn, tắc thăng tán giả vi Dương, liễm giáng giả vi Âm; tân nhiệt giả vi Dương, khổ hàn giả vi Âm; hành khí phận giả vi Dương, hành huyết phận giả vi Âm. Tính động nhi tẩu giả vi Dương. Tính tĩnh nhi thủ giả vi Âm. Thử giai y trung đại pháp... Nhược Dương hữu dư nhi cánh thi Dương trị, tắc Dương dũ xí nhi Âm dũ tiêu. Dương bất túc nhi cánh dụng Âm phương, tắc Âm ích thịnh nhi Dương tư diệt hĩ. 以 脈 而 言 則 浮, 大, 滑, 數 之 類 皆 陽 也; 沉 微, 細, 濇 之 類 皆 陰 也. 以 藥 而 言, 則 升 散 者 為 陽, 斂 降 者 為 陰, 辛 熱 者 為 陽,  苦 寒 者 為 陰, 行 氣 分 者 為 陽, 行 血 分 者 為 陰, 性 動 而 走 者 為 陽, 性 靜 而 守 者 為 陰. 此 皆 醫 中 大 法 ... 若 陽 有 餘 而 更 施 陽 治, 則 陽 愈 熾 而 陰 愈 消. 陽 不 足 而 更 用 陰 方, 則 陰 益 盛 而 陽 斯 滅 矣 . — Trương Cảnh Nhạc, Truyền Trung Lục, Âm Dương thiên, Nhiệm Ứng Thu, Âm Dương Ngũ Hành, trang 1.


Mục lục | Lời nói đầu | Phần 1  2  3  4  5  6  7  8  9 | chương 1  2  3  4  5  6  7  8