TÍNH MỆNH KHUÊ CHỈ TOÀN THƯ

» MỤC LỤC  |  NGUYÊN  |  HANH  |  LỢI  |  TRINH

NGUYÊN TẬP

» 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13  14  15  16  17  18  19  20  21  22  23  24  25  26  27 

28  29  30  31  32  33  34  35  36  37  38  39  40  41  42  43  44  45  46  47  48  49  50  51  52


4. TỬ SINH THUYẾT 死 生 說

Đại chúng thích sống sợ chết, do đó nên không biết Lý do sinh tử. Không biết Sinh từ đâu lại, Chết đi về đâu. Trong hiện kiếp thì mải mưu cầu danh lợi, làm suy vi Sinh Đạo, không được tiêu diêu. Khi chết rồi tâm hồn mang nhiên luân lạc, hoặc đoạ nhập Luân Hồi, không biết chết là thế nào. Cho nên bị luân chuyển.

Vì lẽ đó nên Tiên Phật ra đời, dạy người đại sự nhân duyên, dạy biết chỗ khứ lai, và từ từ dẫn họ ra ngoài Khổ Hải Tữ Sinh. Dịch Hệ Từ viết: Nguyên Thuỷ, yếu Chung (Dò xem đâu là Đầu, đoán xem đâu là Cuối.)

Biết được Sinh Tử là: Đầu hết khi chưa có Trời Đất thì gượng kêu là Kiền Nguyên, đó là Bản Lai Diệu Giác. Đến lúc chung cuộc thì gượng kêu là Đạo Ngạn hay Vô Dư Niết Bàn.

Sinh là sinh ra và cái Lý phải sinh là do ở đó (Kiền Nguyên). Đến chết là chết, và cái Lý phải chếtø cũng là do ở đó (Đạo Ngạn, Vô Dư Niết Bàn).

Như không biết đạo Lý này, thì không thể đạt được vĩnh hằng (hằng cửu), mà chỉ có thể nhân sống mà còn, nhân chết mà mất, trầm nịch vào ác đạo, mất còn không hẹn.

Lúc sinh ra, thì Thức Thần thứ tám là A Lại Gia làm chủ. Khi chết Thức Thần này cũng làm chủ.[1] Cho nên nói: Khứ hậu lai tiên tác Chủ Công.

Kinh Phật cho rằng: Kẻ có Thiện Nghiệp thì khi chết sẽ lạnh từ dưới lên, Kẻ có ác nghiệp sẽ lạnh từ trên xuống. Bất kể lạnh từ đâu tới, cũng sẽ kết thúc nơi tim, và hình thể sẽ bị diệt.

Lúc bấy giờ như rùa sống cởi mai, như cua bị luộc nước sôi, cái đã sinh thành ra hình thể của ta, là Đất, Nước, Gió, Lửa sẽ phân tán, và Thần sẽ Ly Hình.

Vả thế giới này cũng tương tự như là bức tranh thuỷ mặc, không biềt đâu là Đông Tây, trên dưới. Hốt nhiên thấy chỗ hữu duyên, một điểm Sáng của Hư Vọng bất thực. Từ đó sắc dục sinh ra, sự giao cấu thành hình, tinh dịch trở thành chủng tử, biến ý tượng giao cấu thành thai noãn, mà nhập vào trong tử cung người mẹ. Ở đó hấp thụ được Tiên Thiên Khí Chất của mẹ. Khí đó sớm gồm tứ đại, rồi sinh ra chư căn (Nhãn, nhĩ, tị, Thiệt, Thân, Ý). Tâm ta cũng sớm gồm đủ Ngũ Uẩn (Sắc uẩn, thụ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn) và các loại cảm giác, tri giàc, ý thức tư duy.

Mười tháng thai hoàn, đến ngày sinh dục, tựa như đất lật, trời nghiêng, người kinh sợ thì bào thai vỡ ra, như người leo núi, trượt chân, đầu xuôi xuống, chân treo lên mà ra đời.

La lên một tiếng, thì Thiên Mệnh Chân Nguyên nhập vào Tổ Khiếu. Ngày thì ở hai mắt và tàng ẩn ở Nê Hoàn. Đêm thì chìm giữa hai quả thận, và chứa ở Đơn Đỉnh. Bú sữa để nuôi ngũ tạng, còn khí thì xung khắp lục phủ. Da thịt mềm như lụa, trông mà mắt không nháy, khóc mà tiếng chẳng khan. Thế là hết sức Trung Hoà vậy. Đó là Xích Tử hỗn độn, thuần tĩnh vô tri. Thuộc quẻ Khôn thuần Âm.

Từ một tuổi tới Ba tuổi Nguyên Khí lớn lên 64 Thù (24 thù là 1 lạng), một Dương sinh noi quẻ Phục.

Đến 5 tuổi, Nguyên Khí lại lớn thêm 64 thù, Hai Dương sinh nơi quẻ Lâm.

Đến 8 tuổi, Nguyên Khí lại lớn thêm 64 thù. Ba Dương sinh nơi quẻ Thái.

Đền 10 tuổi, Nguyên Khí lại lớn lên 64 thù. Bốn Dương sinh nhơi quẻ Đại Tráng.

Đến 13 tuổi, Nguyên Khí lại lớn lên 64 thù. Năm Dương sinh nơi quẻ Quải.

Đến 16 tuổi, Nguyên Khí lại lớn lên 64 thù. 6 Dương sinh nơi quẻ Kiền.

Trộm Chính Khí của trời đất là 360 thù. Cùng với 24 thù nơi Tổ Khí của bố mẹ là 384 thù, để toàn vẹn Chu Thiên của Tạo Hoá, mà làm đúng một cân.

Đến đây, thì khí Thuần Dương đã đủ, khí Vi Âm chưa manh nha, tinh khí sung thực. Nếu như gặp Chân Sư về phương diện Tu Tính Luyện Mệnh thì chắc chắn sẽ thành công.

Từ đó về sau, dục tình nhất động, Nguyên Khí phát tán, không biết kiêng kị, tham luyến không ngừng. Cho nên từ 16 đến 24 tuổi, hao tổn Nguyên Khí 64 thù, ứng vào quẻ Cấu. Một Âm mới sinh, phẩm vật hàm chương, tính thuần hậu phát tán mất. Lúc ấy, lìa gốc chưa xa, như vừa dẵm vào sương của hào sơ (Lý sương, Kiên băng chí, Khôn, hào Sơ lục), nếu siêng năng tu luyện có thể Bất viễn mà trở về.(Bất viễn Phục, vô kỳ hối. Phục, Sơ cửu).

Đến 32 tuổi, lại hao thêm Nguyên Khí mất 64 thù nữa, ứng vào quẻ Độn. Hai Âm dần lớn, Dương đức dần tiêu. Dục tình và tư lự như bày ong vỡ tổ, Chân Nguyên bị lưu đãng. Nhưng lúc ấy khí huyết còn phương cương, chí lực còn quả cảm, nếu chuyên cần tu luyện, thì công phu kiến lập Đơn Cơ cũng dễ.

Đến 40 tuổi, Nguyên Khí lại hao thên mất 64 thù, ứng vào quẻ Bĩ. Thiên Địa bất giao, Nhị Khí các phục kỳ sở. Âm dụng sự bên trong, Dương làm khách nên bị đẩy ra bên ngoài. Nếu chịu tu luyện, thì Nguy vẫn trở thành An, Vong cơ vẫn có thể bảo tồn.

Đến 48 tuổi, Nguyên Khí lại hao tổn thêm mất 64 thù, ứng vào quẻ Quán. Hai hào Âm ở bên ngoài cho nên Dương Đức yếu. Âm bay lên trên và Âm Khí thịnh. Nếu chịu tu luyện, cũng có thể ức chế được Khí Âm mới thịnh mà phò trợ được Dương Đức vừa suy vi.

Đến 56 tuổi, lại hao thêm 64 thù ứng vào quẻ Bác. 5 âm bay lên trên, Một Dương muốn trở xuống dưới. Âm khí mạnh như đê muốn vỡ tung. Lúc ấy muốn tu, như tiếp cho lửa sắp tắt, như mưa tưới cho lúa non mới héo.

Đến 64 tuỗi, quải khí đã đi châu khắp mọi nơi. Nguyên Khí Trời Đất cho cha mẹ là 384 thù vừa đúng một cân, hao tán đã tận, ứng vào quẻ Khôn. Khôn là thuần Âm dụng sự, Dương Khí chưa manh nha. Nếu siêng tu luyện, thời thời tài bồi, tiếp ứng, thì Âm cực cũng có thể sinh Dương, lên đến cùng sẽ đi xuống dưới, biến nhu thành cương, biến già thành khoẻ trở lại. Lúc ấy mà không gặp bậc Chí Nhân, chăm chăm tu luyện, tuy có thể bảo vệ được cuộc đời tàn, nhưng chỉ có thể bồi bổ Tinh Khí Hậu Thiên, không phục hồi được Tinh Khí Tiên Thiên thì làm sao mà trường sinh bất tử được.

Đó chính là Hư hoá Thần, Thần hoá Khí, Khí hoá Huyết, Huyết hoá Hình, Hình hoá Anh Nhi, Anh Nhi hoá Đồng, Đồng hoá Thiếu, Thiếu hoá Tráng, Tránh hoá Lão, Lão hoá Tử, Tử lại hoá thành Hư, Hư lại hoá thành Thần, Thần lại hoá thành Khí, Khí lại hoá thành Vật, hoá hoá không ngừng, như cái vòng vô cùng.

Vạn vật không muốn sinh mà phải sinh, không muốn chết mà phải chết. Mãi bị sinh diệt, vạn tử vạn sinh, không thoát Ly được khổ hải. Kiếp kiếp sinh sinh, luân hồi bất tuyệt, vô chung vô thuỷ, như bánh xe nước. Tam giới phàm phu, không ai thoát sự trầm nịch này.

Vì người đời không biết sinh từ đâu tới, như vậy, sao không tham khảo xem trước khi cha mẹ sinh ra ta, thì chết từ đâu tới. Biết TỚI là nơi ta sinh ta. Thế nhân cũng không biết chết đi về đâu. Sao không khảo sát xem khi hồn thăng phách giáng rồi thì Sinh đi đâu. Biết ĐI là biết nơi ta chết.

Mấu chốt của Tử là SINH. Mấu chốt của Sinh là TỬ. Cái CƠ sinh tử tương quan với nhau, vì thế mà thường nhân có sinh có tử. Cái CƠ sinh tử không tương quan với nhau, vì thế mà Thánh Nhân siêu sinh tử.

THÂN ta có SINH TỬ. TÂM ta vô SINH TỬ. Biết trở lại thì TÂM SINH. Không biết trở lại thì TÂM TỬ.[2]

Cho nên Tiên Phật thương con người và dạy rằng: Nhất thiết chúng sinh đều có một điểm BẢN LAI NHẤT LINH CHÂN GIÁC, chỉ vì hôn mê nên chẳng thấy, khiến cho Thiên Mệnh chi Tính trôi nổi theo dòng nước. Chuyển qua nhiều kiếp không giác ngộ, đời đời bị đoạ lạc, làm mất thân mình trong loài khác, gửi hồn qua loài khác. Cho nên Chí Chân Tính Căn, không thể trở lại làm người.

Ta nay lấy Thánh Đạo, khiến chúng sinh vĩnh Ly vọng tưởng, để cho thân mình được Trường Sinh như Tiên gia, hay Bất Tử như Phật gia.

___________________

[1] A lại gia là Tinh thần Bản Nguyên và gồm chủng tử của các hiện tượng, khi đầu thai, thì A Lại Gia đến trứơc, khi chết thì A Lại Gia đi sau.

[2] Xem quẻ Phục, Thoán truyện và hào 5, hào 6 quẻ Phục.


» 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13  14  15  16  17  18  19  20  21  22  23  24  25  26  27 

28  29  30  31  32  33  34  35  36  37  38  39  40  41  42  43  44  45  46  47  48  49  50  51  52