TRUNG DUNG TÂN KHẢO

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

QUYỂN II: TRUNG DUNG BÌNH DỊCH

» Mục lục » Tựa của Chu Hi » Chương: 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13

14  15  16  17  18  19  20  21  22  23  24  25  26  27  28  29  30  31  32  33


Tựa của Chu Hi

朱 熹 章 句

子 程 子 曰: 不 偏 之 謂 中; 不 易 之 謂 庸; 中 者 天 下 之 正 道, 庸 者 天 下 之 定 理. 此 篇 乃 孔 門 傳 授 心 法 ,子 思 恐 其 久 而 差 也, 故 筆 之 於 書, 以 授 孟 子: 其 書 始 言 一 理, 中 散 為 萬 事, 末 復 合 為 一 理, 放 之 則 彌 六 合, 卷 之 則 退 藏 於 密,其 味 無 窮, 皆 實 學 也. 善 讀 者, 玩 索 而 有 得 焉, 則 終 身 用 之, 有 不 能 盡 者 矣.

PHIÊN ÂM

TRUNG DUNG - CHU HI CHƯƠNG CÚ

Tử Trình Tử viết: bất thiên chi vị trung; bất dịch chi vị dung; Trung giả thiên hạ chi chính đạo, dung giả thiên hạ chi định lý. Thử thiên nãi Khổng môn truyền thụ tâm pháp, Tử Tư khủng kỳ cửu nhi sai dã, cố bút chi ư thư, dĩ thụ Mạnh Tử: kỳ thư thủy ngôn nhất lý, trung tán vi vạn sự, mạt phục hợp vi nhất lý, phóng chi tắc di lục hợp, quyển chi tắc thoái tàng ư mật, kỳ vị vô cùng, giai thực học dã. Thiện độc giả, ngoạn sách nhi hữu đắc yên, tắc chung thân dụng chi, hữu bất năng tận giả hĩ.

CHÚ THÍCH

- Trung = giữa, tâm điểm (xem bài Trung đồ phần phụ lục). - Dung = không thay đổi, vĩnh viễn trường cửu. - Chu Hi chương cú 朱 熹 章 句 = Chu Hi phân ra từng chương từng câu. - Di = đầy rẫy. - Lục hợp 六 合 = sáu phía, chỉ cả vũ trụ (trời, đất, đông, tây, nam, bắc). - Sách = tìm tòi. - Tử = tôn hiệu. - Trình Tử 程 子 (Trình Di, Trình Y Xuyên, 1033- 1107)

 TRUNG DUNG - TỰA CỦA CHU HI

Trình Tử nói:

Trung ấy là không nghiêng không ngửa,

Dung ấy là muôn thủa y nguyên.[1]

Trung là đạo chính mọi miền,

Dung kia là lý hiển nhiên mọi đời.

Tâm pháp này truyền nơi cửa Khổng,

Ông Tử Tư sợ chóng sai ngoa.

Bút thần tay thảo thiên hoa,

Muôn vàn truyền lại Mạnh Kha sách này.

Sách mới thoạt trình bày một lẽ,

Sau dần dần mới tỏa thành muôn

Cuối cùng thu lại một nguồn.

Tung ra, tản mạn khắp muôn phương trời,

Thu cuốn lại, dấu nơi ẩn áo,

Hay sao hay kỳ ảo khôn cùng.

Đó là thực học chính tông,

Ai say tìm hiểu sẽ thông ý mầu.

Thông ý mầu rồi sau ứng dụng,

Dùng cả đời cũng chẳng hề vơi.[2]

BÌNH LUẬN

Chu Hi mượn lời Trình Tử để đề tựa Trung Dung. Ông xưng Trình Tử là Thầy, tuy Trình Tử đã mất trước ông 100 năm, vì ông thụ giáo với Lý Đồng 李 侗 từ 1158 đến 1163, mà Lý Đồng là học trò La Tòng Ngạn 羅 從 彥 . La Tòng Ngạn học Dương Thì 楊 時. Dương Thì là môn đệ Nhị Trình.[3]

Ông chủ trương như Trình Tử rằng Trung Dung là chính đạo bao quát những định luật bất biến trong thiên hạ.

Trình Tử cho rằng sách đã viết theo luật Dịch từ nhất tán vạn, từ vạn quy nhất.

Nói cách khác, sách khởi đầu bằng thiên mệnh, bằng bản tính con người, bằng những định luật đã ghi tạc trong thâm tâm con người, để suy ra tam đức, ngũ luân, định luật hiệt củ (loi de réciprocité), cửu kinh, bao quát tất cả mọi đường lối tu tề trị bình.

Tiếp theo, lại từ cái ngọn chính trị, suy ngược trở về cái gốc tu thân, và vạch ra những nguyên tắc học hỏi, tu trì, để có thể trở nên chí thành, chí thiện, phối hợp với Thượng Đế. Như vậy, sách thực cao siêu vậy.


Danh ngôn đối chiếu:

 [1]  - Rends droit ton cœur et sois constant. (L’Ecclésiastque, 2.2)

- Orderly and consistent conduct is the essential feature of the good life. (A source book in Indian Philosophy, p.27)

[2] - Avec elle me sont venus à la fois tous les biens, et des richesses innombrables sont dans ses mains. (Livre de la Sagesse, 7,11)

- Car elle est pour les hommes un trésor inépuisable. (Livre de la Sagesse, 7,14)

- Lòng của Trời siêu vi huyền ảo,

Lòng con người điên đảo ngả nghiêng.

Tinh ròng chuyên nhất ngày đêm,

Ra công, ra sức giữ nguyên lòng Trời.

Kinh Thư: Nhân tâm duy nguy. Đạo tâm duy vi. Duy tinh duy nhất. Doãn chấp quyết trung.

人 心 惟 危. 道 心 惟 微. 惟 精 惟 一. 允 執 厥 中.

[3] Phùng Hữu Lan, Trung Quốc triết học sử, p.895.


» Mục lục » Tựa của Chu Hi » Chương: 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13

14  15  16  17  18  19  20  21  22  23  24  25  26  27  28  29  30  31  32  33