TRUNG DUNG TÂN KHẢO

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

QUYỂN II: TRUNG DUNG BÌNH DỊCH

» Mục lục » Tựa của Chu Hi » Chương: 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13

14  15  16  17  18  19  20  21  22  23  24  25  26  27  28  29  30  31  32  33


Chương 27

MÊNH MANG LÀ ĐẠO THÁNH HIỀN

第 二 十 七 章

 大 哉 聖 人 之 道! 洋 洋 乎, 發 育 萬 物; , 極 于 天. 優 優 大 哉! 禮 儀 三 百, 威 儀 三 千. 待 其 人 而 後 行. 故 曰: 苟 不至 德, 至 道 不 凝 焉. 故 君 子 尊 德 性, 而 道 問 學. 致 廣 大, 而 盡 精 微: 極 高 明, 而 道 中庸. 溫 故, 而 知 新; 敦 厚 以 崇 禮. 是 故 居 上, 不驕; 為 下, 不 倍. 國 有 道, 其 言 足 以 興; 國 無道, 其 默 足 以 容. 詩 曰 : 既 明 且 哲; 以 保 其 身. 其 此之 謂 與 ?

PHIÊN ÂM

Đại tai Thánh nhân chi đạo ! Dương dương hồ, phát dục vạn vật; tuấn, cực vu thiên. Ưu ưu đại tai ! Lễ nghi tam bá, uy nghi tam thiên. Đãi kỳ nhân nhi hậu hành. Cố viết: Cẩu bất chí đức, chí đạo bất ngưng yên. Cố quân tử tôn tính, nhi đạo vấn học. Trí quảng đại, nhi tận tinh vi: cực cao minh, nhi đạo Trung dung; ôn cố nhi tri tân; đôn hậu dĩ sùng lễ. Thị cố cư thượng, bất kiêu; vi hạ, bất bội. Quốc hữu đạo, kỳ ngôn túc dĩ hưng; quốc vô đạo, kỳ mặc túc dĩ dung. Thi viết: «Ký minh thả triết; Dĩ bảo kỳ thân.» [1] Kỳ thử chi vị dư.

CHÚ THÍCH

- Dương dương 洋 洋 = rộng rãi mênh mông. - Tuấn = cao lớn. - Ưu ưu 優 優 = đầy đủ có thừa. - Chí đức 至 德 = đức hạnh tuyệt vời. - Chí đạo 至 道 = Đạo tuyệt vời cao cả. - Ngưng = tụ lại. - Đức tính 德 性 = chính lý, thiên tính. - Bội = trái.

DỊCH CHƯƠNG 27

Mênh mang là đạo thánh hiền

Đạo thánh nhân to sao, to lớn quá,

Nó mênh mang biến hóa chúng nhân.

Nó cao, cao vút tới trời thẳm muôn tầm,

Nó rộng, rộng bát ngát khôn kể xiết.

Gồm thâu mọi điều lễ nghi chi tiết,

Bao uy nghi quán triệt hết chẳng trừ.

Đợi thánh nhân, Trời mới phú thác cho.

Không đức cả, Trời không ngưng đạo cả,

Nên quân tử dốc một lòng một dạ.

Trọng tính Trời, quyết gắn bó học hành,

Tiến sao cho đến mức rộng rãi tinh anh.

Mức cao sáng của Trung Dung đạo cả.

Ôn điều cũ, học thêm điều mới lạ,

Chuộng lễ nghĩa, sống đời sống nết na.

Ở ngôi cao, không có thói kiêu xa,

Ở cấp dưới không làm điều trái nghịch.

Nước có đạo, chỉ một lời làm tiến ích,

Nước đảo điên: lặng lẽ đủ dung thân.

Thơ rằng: Khôn lại còn ngoan,

Khôn ngoan nên mới bảo toàn tấm thân.[2]

BÌNH LUẬN

1. Đại tai thánh nhân chi đạo... chí đạo bất ngưng yên.

Đạo thánh nhân là đạo cao cả, ảnh hưởng đến quần sinh vũ trụ, cao vút đến tận trời. Như ta đã biết thánh nhân phối thiên, nên đạo thánh nhân chính là thiên đạo, là đạo hoàn thiện, là đạo Trung Dung.

Cho nên, nói đến đạo thánh nhân thì Trung Dung cho rằng: (1) Đạo đó cao vút đến tận trời. (2) Đó là đạo cao siêu nhất, chỉ để dành cho những người có đức độ cao siêu nhất.[3]

Nói đến đạo trời thì Trung Dung cho rằng đó là sự hoàn thiện tuyệt hảo.[4]

 Nói đến đạo Trung Dung thì Tử Tư cho rằng phải tận tinh vi, cực cao minh mới đạt được đạo Trung Dung.

Như vậy ta có thể kết luận một cách chắc chắn rằng Trung Dung là thánh đạo, là thiên đạo.

Tiên nho cho rằng Trung Dung là thiên lý.[5] Là thiên lý nên cao minh.[6] Không lên tới cực điểm cao minh[7] thì không đạt Trung Dung, vì Trung Dung chính là cực điểm của cao minh vậy.[8] Tiên nho cũng cho rằng nhờ đạo Trung Dung, con người có thể đạt tới thiên vị, thiên đức, có thể phối hợp với Trời.[9]

Đã đạt đạo Trung Dung thì còn lễ nghi nào mà không quán triệt, còn uy nghi nào mà chẳng bao quát. Vì uy nghi và cao siêu như vậy, nên đạo Trung Dung chỉ dành cho những bậc đại hiền, đại đức.

Trung Dung viết:

«Đợi thánh nhân, Trời mới phú thác cho,

Không đức cả, Trời không ngưng đạo cả.» [10]

2. Cố quân tử đôn hậu ... dĩ sùng lễ.

Đây là phương pháp tu thân để đạt tới thiên đạo, để đạt tới Trung Dung. Muốn đạt tới Trung Dung cần phải có đủ Trí - Nhân - Dũng.

Muốn đạt đức Nhân, người quân tử phải tôn trọng đức tính, phải hàm dưỡng tính Trời nơi mình, dẹp bỏ tư dục.

Muốn đạt Trí, người quân tử phải học hỏi không ngừng. Có học hỏi không ngừng mới trở nên thông tuệ được.

Ngoài ra còn cần có sự dũng mãnh tinh thần để tiến mãi cho tới quảng đại, cho tới tinh hoa.

Chương 20 Trung Dung đã viết: «Hiếu học cận hồ Trí, lực hành cận hồ Nhân, tri sỉ cận hồ Dũng.» Nay thì nhắc lại phương pháp đạt tới Trí - Nhân - Dũng.

Người quân tử còn phải học hỏi những điều cũ, để phát minh ra những điều mới, thế mới là kế vãng khai lai. Có như vậy mới có thể đi lên quảng đại, tinh vi, và tới Trung Dung được.

Phần trên là đạo Thành, là thiên đạo. Phần này là phần thành chi, là nhân đạo, là con đường dẫn từ người lên tới trời.[11]

Tiên nho cho rằng phải đi cho tận nhân đạo, rồi mới lên đến thiên đạo.[12] Lên đến thiên đạo là đạt đạo Trung Dung, là phối thiên.

Như vậy phối thiên là thoát nhân cách, mặc lấy thiên tính. Sách Huỳnh Đình Kinh chú có chủ trương rằng: «Lòng có chết thì thần mới sống.» [13] cũng không ngoài ý đó.[14]

Abu Yazid, một vị thánh Hồi giáo, nói: «Tôi đã gặp Chúa huyền năng trong giấc mộng và hỏi ngài: ‘Đường nào đưa tới Chúa?’ Ngài trả lời tôi: ‘Hãy trút bỏ ngã chấp và hãy vươn lên.’» [15]

3. Thị cố ... kỳ thử chi vị dư.

Khi đã dốc chí tu thân, học hỏi để tiến tới Trung Dung, người quân tử sẽ lạc thiên tri mệnh, ở địa vị nào cũng ung dung sảng khoái. Gặp khi nước có đạo thì dùng lời nói mà làm cho nước trở nên hưng thịnh; gặp khi nước đảo điên thì lặng lẽ để dung thân.

Thế là: Khôn lại còn ngoan.

Khôn ngoan nên mới bảo toàn tấm thân.


CHÚ THÍCH

[1] Mao Thi, Đại nhã Chưng dân thiên.

[2] Quân tử dĩ đa thức tiền ngôn vãng hạnh, dĩ súc kỳ đức. 君 子 多 識 前 言 往 行 以 畜 其 德. = Quân tử phải học cho biết nhiều lời xưa việc cũ, để hàm súc đức độ mình. (Dịch kinh tân khảo, q.III. Đại súc, tiết 5, tr.1706)

- Toujours plus haut

place ton rêve ou ton désir

L’idéal que tu veux servir,

Toujours plus haut !

Toujours plus haut !

Si, bien souvent, ton ciel se voile

Que de ta foi brille l’étoile

Toujours plus haut ! (Albert Schweitzer)

- Le bien suprême de l’âme est la connaissance de Dieu; et la vertu suprême de l’âme, c’est connaître Dieu. (Baruch Spinoza)

[3] Cẩu bất chí đức, chí đạo bất ngưng yên.

[4] Thành giả, thiên chi đạo dã. (Trung Dung, ch.20)

[5] Trung Dung thiên lý dã. 中 庸 天 理 也 (Trung Dung hoặc vấn, tr.125b)

[6] Thiên lý cố cao minh. 天 理 故 高 明 (Ibid.)

[7] Bất cực hồ cao minh bất túc dĩ đạo Trung Dung. 不 極 乎 高 明 不 足 以 道 中 庸 (Ibid.)

[8] Trung Dung nãi cao minh chi cực dã. 中 庸 乃 高 明 之 極 也 (Ibid.)

[9] Nhất thiên nhân, tề thượng hạ. 一 天 人 齊 上 下 (Ibid.) - Cố viết phối thiên. 故 曰 配 天 (Trung Dung, ch.31)

[10] Cẩu bất chí đức, chí đạo bất ngưng yên.

[11] Tự nhân nhi thiên, tắc thượng đạt hĩ. 自 人 而 天 則 上 達 矣. (Trung Dung hoặc vấn, tr.127a)

[12] Tận nhân đạo tắc thiên đạo chí.

[13] Huỳnh Đình Kinh chú, Ngoại Cảnh Ngọc Kinh, q.thượng, tr.17.

[14] Au bout du chemin mystique, seul Dieu est présent. Le saint peut alors disparaître complétement en Dieu: C’est l’état du ‘fana’, il peut aussi, à d’autres moments, subsister par Dieu c’est l’état du baqa. Mais dans les deux cas, c’est Dieu qui agit en lui. (Marijan Molé, Les mystiques musumans, p.61)

- Câu trên làm ta liên tưởng lời Phúc Âm Matthieu X, 39:

Qui invenit animam suam perdet illam; et qui perdiderit animam suam propter me, inveniet eam. (Vulgate): Ai tìm linh hồn mình sẽ mất nó, ai mất linh hồn mình vì ta, sẽ tìm thấy nó. (Dịch nguyên văn theo nghĩa huyền học). câu này cũng tương tự câu: Ce n’est plus moi qui vis, c’est le Christ qui vit en moi. (Gal. II, 20)

[15] Abu Yazid dit: «Je vis le Seigneur de la Puissance en rêve et lui demandai: ‘Quel est le chemin qui mène vers Toi?’ Il me dit: ‘Dépouille-toi de ton toi et élève-toi.’» (Les mystiques musumans, p.54)

- Lorsque rien d’humain n’est resté en lui, alors s’infuse en lui l’Esprit de Dieu qui s’était infusé en Jésus, fils de Marie. Il ne désire plus rien d’autre que ce que Dieu a voulu, et toutes ses actions sont des actions de Dieu Très-Haut.» (Bagdadi, Farq bain al-firaq, Le Caire, 1367/1948, p.158s) (Les mystiques musumals, p.69)

- cf. Luận Ngữ, Tử Hãn: «Tử tuyệt tứ: Vô ý, vô tất, vô cố, vô ngã.»


» Mục lục » Tựa của Chu Hi » Chương: 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13

14  15  16  17  18  19  20  21  22  23  24  25  26  27  28  29  30  31  32  33