TRUNG DUNG TÂN KHẢO

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

QUYỂN II: TRUNG DUNG BÌNH DỊCH

» Mục lục » Tựa của Chu Hi » Chương: 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13

14  15  16  17  18  19  20  21  22  23  24  25  26  27  28  29  30  31  32  33


Chương 30

THÁNH NHÂN DỮ THIÊN ĐỒNG ĐỨC

第 三 十 章

 仲 尼 祖 述 堯, , 憲 章 文 武, 律 天 時, 下 襲 水 土; 辟 如 天 地 之 無 不 持 載, 無 不 覆 幬; 辟 如 四 時 之 錯 行; 如 日 月 之 代 明. 萬 物 并 育 而 不 相 害. 道 并 行 而 不 相 悖. 小 德 川 流; 大 德 敦 化. 此 天 地 之 所 以 為 大 也

PHIÊN ÂM

Trọng Ni tổ thuật Nghiêu, Thuấn, hiến chương Văn Võ, thượng luật thiên thời, hạ tập thủy thổ; thí như thiên địa chi vô bất trì tải, vô bất phúc đảo; thí như tứ thời thác hành; như nhật nguyệt chi đại minh. Vạn vật tịnh dục nhi bất tương hại. Đạo tịnh hành nhi bất tương bội. Tiểu đức xuyên lưu; đại đức đôn hóa. Thử thiên địa chi sở dĩ vi đại dã.

CHÚ THÍCH

- Tổ thuật = noi theo dấu tích. - Hiến chương = những công việc khuôn mẫu cho đời, như chế độ, lễ nhạc, tất cả thấy rõ ràng đợi ta trông thấy. (chú thích của cụ Phan Bội Châu) [1]

DỊCH CHƯƠNG 30

Thánh nhân dữ thiên đồng đức

Đức Khổng tiếp nối đạo Thuấn Nghiêu,

Làm sáng tỏ lối đường Văn Võ.

Trên thuận thiên trời, dưới theo thủy thổ,

Như đất trời bát ngát bao la.

Che chở muôn loài khắp gần xa,

Như tứ thời luân lưu chuyển động.

Như nhật nguyệt hai vầng chiếu rạng,

Muôn loài cùng chung sống chẳng hại nhau.

Đi một chiều, chẳng phản bội chi đâu,

Tiểu Đức như sông ngòi dinh dưỡng.

Đại Đức luôn hóa sinh tăng trưởng,

Phép tắc trời cao cả xiết bao! [2]

BÌNH LUẬN

Chương này tán tụng đức độ đức Khổng, và cho rằng đức độ ngài cao siêu sánh với đất trời.

Ngài truyền thuật lại đạo Nghiêu Thuấn, xiển minh nền chính trị Văn Võ, sống hợp thiên thời và thủy thổ.

Ngài như Trời không gì không bao dung che chở, như đất không gì không cưu mang. Ảnh hưởng ngài không hề ngừng nghỉ như bốn mùa vần xoay đắp đổi, như mặt trời mặt trăng lần lượt sáng soi, làm cho vạn vật vui sống bên trong mà không tác hại lẫn nhau, làm cho nhật nguyệt tinh cầu vần xoay, thời tiết biến đổi mà không lộn lạo.

Ngài cũng như trời đất: đức nhỏ thì như sông suối, lưu thông thấm nhuần khắp chốn; đức lớn thì nồng hậu làm cho vạn vật sinh hóa, ảnh hưởng bao la như vậy mới đáng bậc thánh nhân, cũng như mới là trời đất.[3]

Thế tức là chương này chủ trương ‘thánh nhân phối thiên’. Thánh nhân hợp nhất với Trời. vì vậy ảnh hưởng cũng bao la sâu rộng như Trời. Nho giáo trước sau vẫn chủ trương rằng những bậc thánh nhân có đạo đức siêu việt sẽ phối hợp được với Thượng Đế.

Trình Tử viết: «Đạo thánh nhân cũng như là Trời vậy.» [4] Có người hỏi ông: «Thánh đạo và Thiên đạo khác nhau thế nào?» Ông đáp: «Không khác.» [5]

Tôn Chung Nguyên viết: «Trời với thần là một, thánh với Trời cũng chẳng là hai.» [6]

Trương Tái viết: «Đã học tất phải nên như thánh nhân mới được thôi. Đòi biết người mà chẳng biết Trời, chỉ cầu làm hiền nhân mà chẳng cầu làm thánh nhân, đó là cái tệ hại của các học giả từ thời Tần, thời Hán đến nay.» [7]

Vì thế chương 26 của Trung Dung đã đan cử trường hợp Văn Vương, nay lại đan cử trường hợp Khổng Tử.

Thực ra chính đức Khổng cũng tin rằng mình là vẻ sáng của Trời như Văn Vương, và luôn bắt chước Trời mà hành sự.[8]

Ước vọng của thánh hiền từ ngàn xưa là tu thân tích đức, khuếch sung thiện đoan, hàm dưỡng thiên tính nơi mình để đạt tới mức cao siêu, toàn mỹ như Trời.

Kinh Thư (Khang Cáo) viết: «Hoằng vu Thiên.» Đại Học (ch.1) viết: «Chỉ ư chí thiện.» Trung Dung (ch.27) viết: «Tuấn cực vu Thiên.» đều không ngoài ý đó.

Nhưng cái hay của Khổng giáo là chủ trương: không phải chỉ có Khổng Tử mới giữ được địa vị độc tôn, mà trước Khổng Tử đã có Nghiêu, Thuấn, Đại Vũ, Thang, Văn Vương, Vũ Vương, Chu Công; sau đức Khổng cũng có nhiều bậc thánh nhân khác ra đời. Vì thế Trung Dung mới nói: «Bá thế dĩ sĩ thánh nhân nhi bất hoặc.»

Tào Giao (ông Giao, em vua nước Tào) hỏi Mạnh Tử rằng: «Có phải mọi người đều có thể nên được như Nghiêu, Thuấn được chăng?» Mạnh Tử đáp: «Phải. Sở dĩ chúng ta không được như Nghiêu, Thuấn là vì chúng ta không muốn mà thôi.» [9]

Trong bài tựa quyển Khổng học đăng, cụ Phan Bội Châu viết: «Hễ ai đọc bản sách này trước phải lập định một cái chí khí tự nhiên rằng: ta là Khổng Tử, ta là Mạnh Tử, ta là Platon, ta là Kant. Chẳng qua đời tuy có xưa nay, đất tuy có Đông Tây, mà tâm lý in như nhau. Thánh hiền tức là ta. ta tức là thánh hiền. Ta chỉ là người hậu tiến của cổ nhân mà thôi.» [10]

Mấy lời trên chứng tỏ cụ Phan thâm hiểu đạo Nho vậy.

Để kết thúc chương này ta có thể mượn lời sách Khải Huyền (Apocalyse): «Kẻ nào thắng, ta sẽ cho ngồi với ta trên ngôi ta, như chính ta đã thắng và ngồi với Cha ta trên ngôi ngài.» [11]


CHÚ THÍCH

[1] THIÊN NHÂN TƯƠNG DỮ: Tự đời thượng cổ, người Tàu đã có tư tưởng cho rằng người ta sinh ra ai cũng bẩm thụ cái tính của Trời. Cái tính ấy tức là một phần thiên lý. Vậy Trời với người quan hệ với nhau rất mật thiết lắm. Bởi thế mới lấy phép tắc tự nhiên của Trời làm cái mô phạm của người và cho thiên luân là nhân luân, thiên đạo là nhân đạo. Kinh Thi nói rằng: «Thiên sinh chưng dân, hữu vật hữu tắc, dân chi bỉnh di, hiếu thị ý đức.» (Trời sinh ra dân, có hình phép, dân giữ tính thường, muốn có đức tốt). Trời sinh ra người cho người có lòng muốn đức tốt, thì người phải lấy Trời làm gốc, phải kính Trời, sợ Trời, và phải theo cái bản tính của Trời đã phú cho, mà ăn ở cho hợp với đạo Trời. Cái tư tưởng đặc biệt của người Tàu là cho thiên đạo và nhân sự quan hệ với nhau. Trời là cái công lý tự nhiên lưu hành khắp cả mọi nơi. Vậy kính Trời và sợ Trời là phải giữ mình lúc nào cũng kính cẩn, lúc ngồi im lặng một mình cũng như lúc làm công kia việc nọ, bao giờ cũng phải theo thiên lý mà hành động: Làm việc gì hợp với lẽ Trời là phải, là hay, nghịch với lẽ Trời là trái, là dở. (Trần Trọng Kim, Nho giáo, tr.39)

[2] - Quảng đại phối Thiên Địa, biến thông phối tứ thời, âm dương chi nghĩa phối nhật nguyệt. Dị giản chi thiện phối chí đức. , , . (Sự quảng đại sánh với trời đất, sự biến thông sánh với bốn mùa, cái nghĩa âm dương sánh với mặt trời mặt trăng, sự giản dị khéo léo sánh với đức siêu việt.) (Dịch kinh tân khảo, hệ từ thượng, tr.3602)

- Phù đại nhân giả, dữ thiên địa hợp kỳ đức, dữ nhật nguyệt hợp kỳ minh, dữ tứ thời hợp kỳ tự, dữ quỷ thần hợp kỳ cát hung. Tiên thiên nhi thiên phất vi, hậu thiên nhi phụng thiên thời, thiên thả phất vi nhi huống ư nhân hồ, huống ư quỷ thần hồ! 夫 大 人 者, 與 天 地 合 其 德, 與 日 月 合 其 明, 與 四 時 合 其 序, 與 鬼 神 合 其 吉 凶. 先 天 而 弗 違, 後 天 而 奉 天 時, 天 且 弗 違 而 況 於 人 乎, 況 於 鬼 神 乎 (Ôi ! người lớn ấy là người hợp đức cùng trời, đất hợp sự sáng soi cùng với mặt trời, mặt trăng, hợp thứ tự với bốn mùa, hợp các hung với quỷ thần. Ở trước trời mà trời không trái, ở sau trời mà vâng theo thời trời. Trời còn không trái, huống chi người, huống chi quỷ thần!) (Dịch kinh tân khảo, II tiết 49, tr.668-669)

[3] Câu ‘Tiểu đức xuyên lưu, đại đức đôn hóa» có 3 lối dịch giải: 1/ Tiểu đức, đại đức đó là của Trời. (Đoàn Trung Còn, Couvreur, Legge); 2/ Tiểu đức, đại đức đó là của Khổng Tử. (Phan Bội Châu, Phan Khoang); 3/ Tiểu đức là đức của chư tử, quần hiền; đại đức là đức của Khổng Tử. (Tứ Thư độc bản).

[4] Thánh nhân chi đạo do thiên nhiên. 聖 人 之 道 猶 天 然. (Nhị Trình toàn thư, Túy ngôn, I, tr.4b)

[5] Vấn thánh nhân dữ thiên đạo hà dị? Viết vô dị. 問 聖 人 與 天 道 何 異?曰 無 異. (Di thư, 18, tr.20b)

[6] Tôn Chung Nguyên viết: Thiên dữ thần phi nhị kiến. Thánh nhân tức thiên. 孫 鍾 元 曰: 天 與 神 非 二 見. 聖 人 即 天. (Tống Nguyên học án, q.17, tr.13)

[7] Cáo chư sinh dĩ học tất như thánh nhi hậu dĩ. Dĩ vi tri nhân nhi bất tri thiên, cầu vi hiền nhân nhi bất cầu vi thánh nhân, thử Tần Hán dĩ lai học giả chi đại tệ dã. 告 諸 生 以 學 必 如 聖 而 後 已. 以 為 知 人 而 不 知 天, 求 為 賢 人 而 不 求 為 聖 人. 此 秦 漢 以 來 學 者 之 大 敝 也 (Tống Nguyên học án, q.17, tr.2)

Cùng tính mệnh chi nguyên tất dĩ thể thiên vi học vấn chi bản. 窮 性 命 之 原 必 以 體 天 為 學 問 之 本. (Tống Nguyên học án, q.2, tr.10)

[8] Luận Ngữ, Tử Hãn (ch.9), #5 và Dương Hóa (ch.17), #18.

[9] Mạnh Tử, Công Tôn Sửu [thượng-2]; Đằng Văn Công [thượng-1]; Ly Lâu [hạ-28].

[10] Phan Bội Châu, Khổng học đăng, tựa, tr.10.

[11] Khải Huyền III, 21. Đọc thêm thư thứ hai thánh Jean, 1,2.


» Mục lục » Tựa của Chu Hi » Chương: 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13

14  15  16  17  18  19  20  21  22  23  24  25  26  27  28  29  30  31  32  33