TRUNG DUNG TÂN KHẢO

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

QUYỂN II: TRUNG DUNG BÌNH DỊCH

» Mục lục » Tựa của Chu Hi » Chương: 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13

14  15  16  17  18  19  20  21  22  23  24  25  26  27  28  29  30  31  32  33


Chương 13

ĐẠO CHẲNG XA NGƯỜI

第 十 三 章

子 曰: 道 不 遠 人. 人 之 為 道 而 遠 人, 不 可 以 為 道. 詩 云: 伐 柯 伐 柯, 其 則 不 遠. 執 柯 以 伐 柯, 睨 而 視 之, 猶 以 為 遠. 故 君 子 以 人 治 人, 改 而 止. 忠 怒 違 道 不 遠. 施 諸 己 而 不 愿, 亦 勿 施 於 人. 君 子 之 道 四; 丘 未 能 一 焉. 所 求 乎 子 以 事 父, 未 能 也. 所 求 乎 臣 以 事 君, 未 能 也. 所 求 乎 弟 以 事 兄, 未 能 也. 所 求 乎 朋 友, 先 施 之, 未 能 也. 庸 德 之 行, 庸 言 之 謹, 有 所 不 足; 不 敢 不 勉; 有 余, 不 感 盡. 言 顧 行, 行 顧 言, 君 子 胡 不 慥 慥 爾?

PHIÊN ÂM

Tử viết: «Đạo bất viễn nhân. Nhân chi vi đạo nhi viễn nhân, bất khả dĩ vi đạo.» Thi vân: «Phạt kha phạt kha, kỳ tắc bất viễn.» [1] Chấp kha dĩ phạt kha, nghễ nhị thị chi, do dĩ vi viễn. Cố quân tử dĩ nhân trị nhân, cải nhi chỉ. Trung thứ vi đạo bất viễn. Thi chư kỷ nhi bất nguyện, diệc vật thi ư nhân. Quân tử chi đạo tứ; Khưu vị năng nhất yên. Sở cầu hồ tử dĩ sự phụ, vị năng dã. Sở cầu hồ thần dĩ sự quân, vị năng dã. Sở cầu hồ đệ dĩ sự huynh, vị năng dã. Sở cầu hồ bằng hữu, tiên thi chi, vị năng dã. Dung đức chi hạnh, dung ngôn chi cẩn, hữu sở bất túc; bất cảm bất miễn; hữu dư, bất cảm tận. Ngôn cố hạnh, hạnh cố ngôn, quân tử hồ bất tháo tháo nhĩ ?

CHÚ THÍCH

- Phạt = đẽo. - Kha = cán rìu. - Tắc = khuôn mẫu. - Nghễ = tà thị 斜 視 = trông nghiêng. - Trung = tận kỷ viết trung. - Thứ = như kỷ viết thứ.[2]  - Vi = ly khai = xa cách. - Đạo = suất tính = theo tiếng lương tâm. - Khưu = Tên đức Khổng (người ta đọc trại là Kỳ). - Hồ = sao? - Tháo = miệt mài chăm chắm.

DỊCH CHƯƠNG XIII

Đạo trời không xa người

Đức Khổng nói:

«Đạo luôn gần gũi người đời,

Những ai lập đạo xa vời chúng nhân,

Hiếu kỳ, lập dị, là nhầm.»

Kinh Thi viết:

«Đẽo cán rìu, có liền bên cán mẫu,

Trông lại nhìn cố đấu cho in.»

Ngắm đi ngắm lại liền liền,

Đẽo lui đẽo tới, mắt xem chưa vừa.

Nên quân tử khi lo giáo hóa,

Sửa trị người sẵn khuôn người.

Thấy người giác ngộ thì thôi,

Đã chiều cải hóa liệu bài ta ngưng.[3]

Phương pháp tu thân:

1. Tôn chỉ tổng quát

Theo đạo lý hết lòng hết dạ,

Đối với người tất cả như mình.

Thế là sắp tới tinh thành,

Điều mình thoái thác chớ dành cho ai.[4]

2. Bốn bổn phận

Đạo quân tử ở đời có bốn,

Khâu chưa làm đến chốn đến nơi;

Thờ cha đứng đắn hẳn hoi,

Tận tình hiếu thảo xứng người con ngoan.

Làm dân đúng phận thần dân,

Một lòng phụng sự quốc quân cho bền.

Làm em cho đáng nên em,

Phận em bề dưới phục quyền người anh.

Bạn bè chung thủy vẹn tình,

Giúp người bước trước ta dành ta đi.

Tu nhân đức, hành vi thường nhật

Nói năng thời đúng mực căn cơ.

Hành vi khiếm khuyết nên lo,

Nói năng thái quá liệu mà bớt đi.

Lời nói với hành vi phù hợp,

Nói làm sao làm khớp như in.

Lòng người quân tử triền miên,

Thấp tha, thấp thỏm, mới nên công trình.[5]

BÌNH LUẬN

Chương này tiếp tục nghị luận rằng Đạo chẳng xa người mà những lề luật chi phối nhân luân cũng sẽ được rút ra ngay nơi con người.

1. Đạo chẳng xa người

Đạo chẳng xa người, vì Đạo tức là chân lý ở trong lòng người. Cho nên lập Đạo cũng chỉ cốt làm cho sáng tỏ, rõ rệt cái chân lý ấy mà thôi.

Nếu Đạo cần cho con người, thì có người là có Đạo, cho nên Đạo chẳng thể xa người, mà đã có ngay ở trong tâm khảm con người.[6] Đức Khổng lấy câu Kinh Thi «Phạt kha phạt kha, kỳ tắc bất viễn» mà chứng minh điều đó.

Cổ nhân vốn tin rằng định luật phép tắc chi phối muôn vật đều đã được ghi tạc sẵn trong lòng vạn vật. Kinh Thi viết:

Thiên sinh chưng dân        天 生 蒸 民

Hữu vật hữu tắc                 有 物 有 則

Dân chi bỉnh di                    民 之 秉 彝

Hảo thị ý đức.[7]                  好 是 懿 德

(Trời sinh ra khắp muôn dân,

Vật nào phép nấy định phân rành rành.

Lòng dân chứa sẵn căn lành,

Nên ưa những cái tinh thành tốt tươi.)

Kinh Thư viết: «Thượng Đế giáng trung vu hạ dân.» [8] (Thượng Đế đã ban khuôn phép hoàn hảo cho muôn dân.)

Cho nên muốn lập đạo chỉ cần làm sáng tỏ những lề luật đã ghi tạc trong thâm tâm con người.

Như vậy đối với Khổng giáo cũng như đối với các đại hiền triết Á Đông, trong con người tương đối, biến thiên còn có con người hoàn thiện, còn có con người tuyệt đối, bất biến, toàn hảo. Đó là con người lý tưởng mà con người phải thực hiện.[9]

Cụ Phan Bội Châu giải: Chữ nhân (trong câu dĩ nhân trị nhân) ở trên là chân lý của người tức là Đạo, chữ nhân ở sau là thân thể của người tức là nhân. Lấy đạo người trị người, chính là kiểu mẫu không xa, lại thiết tha hơn phạt kha kia nữa.[10]

Cụ cũng cho rằng: «Đạo tức là chân lý ở trong lòng người; nên làm đạo cũng chỉ cốt cho rõ rệt cái chân lý ấy mà thôi. Chân lý ở trong lòng người rồi thì người tức là đạo rồi, không cần phải bỏ tách rời người ra mà tìm đạo ở nơi cao xa khác.» [11]

Nôm na mà nói, thì phải lấy lương tâm làm nguồn gốc đạo lý và nhân luân. Thánh hiền muôn đời chỉ làm sáng tỏ những lề luật của lương tâm, chứ không thêm bớt chi được cả.

Cho nên lương tâm hơn mọi thứ sách vở, vì nó có trước mọi sách vở, và sẽ tồn tại hơn mọi sách vở. Nó đã xuất hiện với người đầu tiên, và sẽ hiện diện nơi con người sau chót trong trần thế.

Vì thế Lục Tượng Sơn chủ trương phải nắm vững được tâm mình.[12]

Vương Dương Minh có thơ rằng:

Lương tri tựu thị độc tri thì,

良 知 就 是 獨 知 時

Thử tri chi ngoại cánh vô tri.

此 知 之 外 更 無 知

Nhân nhân đô hữu lương tri tại,

人 人 都 有 良 知 在

Tri đắc lương tri khước thị thùy.[13]

知 得 良 知 卻 是 誰

2. Định luật phép tắc chi phối con người đã nằm sẵn trong con người

Những định luật chi phối nhân luân ta tìm thấy ngay nơi con người. Chương này đan cử ít nhiều định luật:

a- Trung thứ 忠 恕 : Hoàn thiện mình, coi người như mình.

b- Định luật hiệt củ 絜 矩 (loi de là réciprocité) hay là suy kỷ cập nhân.

- Việc gì mình muốn người làm cho mình, hãy làm cho người.

- Việc gì mình không muốn làm cho mình, hãy đừng làm cho người.[14]

Áp dụng định luật này vào nhân luân, ta sẽ suy ra những bổn phận của quân-thần, phụ-tử, phu-phụ, bằng hữu, huynh-đệ, v.v. Đây Trung Dung chỉ đề cập một cách tượng trưng đến bốn bổn phận. Đại Học cũng áp dụng định luật hiệt củ 絜 矩 để đối đãi với mọi người cho phải đạo.[15]

c- Thận trọng trong mọi hành vi ngôn ngữ thường ngày

Luận Ngữ viết: «Ra khỏi nhà thì trang trọng như đón khách quý; tiếp xúc người thì kính cẩn như đang hành lễ.» [16]

Trung Dung, chương 29, viết rõ ràng hơn:

«Mỗi động tác quân tử đều nêu như mẫu mực,

Mỗi hành vi là khuôn phép chúng nhân theo.

Mỗi lời nói, thiên hạ đời sau sẽ nương vào,

Người xa ngưỡng vọng, người gần không ngán.» [17]

Tóm lại, đạo làm người cần phải tuần thuận thiên lý, mà thiên lý là cái gì thông thường, vĩnh cửu, phổ quát khắp bàn dân thiên hạ, khắp mọi nơi, mọi đời, không có gì là tạm thời hay ước lệ, giả tạo, cưỡng ép.[18]


CHÚ THÍCH

[1] Bân phong, Phạt kha thiên.

Danh ngôn đối chiếu:

- Mạnh Tử viết: đạo tại nhĩ nhi cầu chư cầu chư viễn. Sự tại dị nhi cầu chư nan. Nhân nhân thân kỳ thân, trưởng kỳ trưởng, nhi thiên hạ bình. 孟 子 曰: 道 在 邇 而 求 諸 遠. 事 在 易 而 求 諸 難. 人 人 親 其 親, 長 其 長, 而 天 下 平 (Mạnh Tử, Ly Lâu [thượng-11], tr.22) (Mạnh Tử nói: «Đạo ở gần lại tìm ở xa, việc thiện dễ lại tìm cái khó. Nếu ai cũng thương yêu họ hàng, trọng kính người trên thì thiên hạ thái bình.»)

- Phật pháp tại thế gian               佛 法 在 世 間

Bất ly thế gian giác,                     不 離 世 間 覺

Ly thế mịch bồ đề,                       離 世 覓 菩 提

Cáp như cầu thố giác.                 恰 如 求 兔 角

Chính kiến danh xuất thế            正 見 名 出 世

Tà kiến danh thế gian.                邪 見 名 世 間

(Pháp Bảo Đàn Kinh, tr.68-69)

[2] Tận tự kỷ đích tâm, một hữu nhất điểm ngụy vọng giá thị trung. Suy kỷ cập nhân sử tha nhân hòa tự kỷ các đắc kỳ sở, các đắc kỳ dục, giá thị thứ. 盡 自 己 的 心, 沒 有 一 點 偽 妄 這 是 忠. 推 己 及 人 使 他 人 和 自 己 各 得 其 所, 各 得 其 欲, 這 是 恕 (Trung Dung kim thích, tr.25) (Ăn ở hết lòng, không có một mảy may gian tà gọi là trung. Suy mình ra người để mọi người được đúng địa vị, được những điều mong muốn đó là thứ.)

Danh ngôn đối chiếu:

[3] «Những muốn nặn, muốn nhào thiên hạ,

Suy cho cùng chẳng khá được nào,

Lòng người nghệ phẩm tối cao,

Ai cho ta nặn ta nhào tự do.

Ngao ngán kẻ mưu đồ như vậy,

Chảng chóng chày hủy hoại lòng người.

Lòng người ai nắm giữ hoài,

Giá tay nắn bóp, bao đời tiêu ma.

Người trần thế muôn hoa đua nở,

Có nhanh chân, cũng có chậm chân.

Người nóng nảy, kẻ lần chần,

Người in gang thép, kẻ thuần đào tơ.

Người kiên gan, kẻ như cánh bướm,

(Nên thánh hiền sùng thượng chữ Khoan)

Chỉ ngăn quá lạm, cực đoan,

Quá giầu, quá chướng, quá ham tiền tài.

(Dịch Lão Tử Đạo Đức Kinh, ch.29)

Tương dục thủ thiên hạ nhi vi chi, ngô kiến kỳ bất đắc dĩ. Thiên hạ thần khí, bất khả vi dã. Vi giả, bại chi, chấp giả thất chi. Cố vật hoặc hành, hoặc tùy hoặc hư, hoặc xuy, hoặc cường, hoặc luy, hoặc tỏa, hoặc huy. Thị dĩ thánh nhân khứ thậm, khứ xa, khứ thái. 將 欲 取 天 下 而 為 之, 吾 見 其 不 得 已. 天 下 神 器, 不 可為 也. 為 者, 敗 之. 執 者, 失 之. 故 物 或 行, 或 隨 或 歔, 或 吹, 或 強, 或 羸, 或 挫, 或 隳. 是 以 聖 人 去 甚, 去 奢, 去 泰.

[4] * Bản dịch của Couvreur:

Il s’applique sérieusement à la pratique de la vertu, mesure que lui-même, et ne s’écarte guère de la voie de la perfection. Il évite de faire aux autres ce qu’il n’aime pas que les autres lui fassent à lui-même. (Les Quatre Livres. L’Invariable Milieu, p.37)

* Bản dịch của Lâm Ngữ Đường:

L’homme qui met en pratique les principes de sa conscience et la règle de la réciprocité n’est pas éloigné de la loi morale; Ne faites pas aux autres ce que vous ne voudriez pas qu’on vous fȋt.

Danh ngôn đối chiếu:

Tu aimes le Seigneur ton Dieu de tout ton cœur, de toute ton âme, de toute ta force et de tout ton esprit; et ton prochain comme toi-même. (L’Évangile selon Saint Luc. La Bible de Jérusalem, p.1368)

[5] Ne sois pas arrogant dans ton langage, mou et indolent dans tes actions. (L’Ecclésiaste 4, 29)

[6] Sở vị đạo dã, thị nãi thiên hạ nhân vật chi sở cộng do, sung tắc thiên địa, quán triệt cổ kim, nhi thủ chí cận, tắc thường bất ngoại hồ ngô chi nhất tâm. Tuần chi tắc trị, thất chi tắc loạn. 所 謂 道 也, 是 乃 天 下 人 物 之 所 共 由, 充 塞 天 地, 貫 徹 古 今, 而 取 至 近, 則 常 不 外 乎 吾 之 一 心. 循 之 則 治, 失 之 則 亂.

[7] Kinh Thi, Chưng dân.

[8] Kinh Thư, Khang Cáo. Couvreur dịch: «L’Auguste roi du ciel imprime la loi morale dans le cœur de tous les homme...»

[9] Xin đọc lại bài bình luận chương 1.

[10] Phan Bội Châu, Khổng Học Đăng, q.I, tr.332.

[11] Ibid., tr.331.

[12] Chu Tử cách vật, yêu nhân độc thư. Tượng Sơn khước yêu vấn Chu Tử: «Nghiêu Thuấn chi tiền, sở độc hà thư?» Tượng Sơn cách vật yêu trực chỉ thử tâm, tiên yêu đổng đắc tự kỷ đích bản tâm, tiện thị cách vật. 朱 子 格 物 要 人 讀 書. 象 山 卻 要 問 朱 子: 堯 舜 之 前, 所 讀 何 書. 象 山 格 物 要 直 指 此 心, 先 要 懂 得 自 己 的 本 心, 便 是 格 物 (Trung Quốc Nhất Chu, đệ lục ngũ nhị kỳ, tr.652)

[13] Trung Quốc Nhất Chu, đệ lục ngũ nhị kỳ, tr.652.

[14] Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân. 己 所 不 欲 勿 施 於 人(Luận Ngữ, Nhan Uyên, [ch.12] #2; Vệ Linh Công [ch.15], #23)

Thánh kinh Công giáo có câu tương tự. Xem: Luc VI, 31; Mat 7,12.

[15] Sở ố ư thượng, vô dĩ sử hạ... Sở ố ư tả vô dĩ giao ư hữu. Thị chi vị hiệt củ chi đạo. 所 惡 於 上, 毋 以 使 下... 所 惡 於 左 毋 以 交 於 右. 是 之 謂 絜 矩 之 道 (Đại Học, ch. 10)

[16] Xuất môn như kiến đại tân, sử dân như thừa đại tế. 出 門 如 見 大 賓, 使 民 如 承 大 祭 (Luận Ngữ, Nhan Uyên [ch.12], #2)

[17] Thị cố quân tử động nhi thế vi thiên hạ đạo. Hành nhi thế vi thiên hạ pháp. Ngôn nhi thế vi thiên hạ tắc. Viễn chi tắc hữu vọng, cận chi tắc bất yếm. 是 故 君 子 動 而 世 為 天 下 道. 行 而 世 為 天 下 法. 言 而 世 為 天 下 則. 遠 之 則 有 望. 近 之 則 不 厭 (Trung Dung, ch.29)

[18] Đạo bất viễn nhân 道 不 遠 人:

Cicéron: Non scripta, sed nata lex (loi non pas écrite mais innée.) Lahr, Morale, p.501.

- Il existe une loi conforme à la nature, commune à tous les hommes, raisonnable, éternelle, qui nous commande la vertu et nous défend l’injustice. Cette loi n’est pas celles qu’il est permis d’enfreindre ou d’éluder, ou qui peuvent être modifiées; ni le peuple, ni les magistrats n’ont le pouvoir de délier des obligations qu’elle impose. Elle n’est pas autre à Rome, autre à Athènes, ni différente aujourd’hui de ce qu’elle sera demain; universelle, inflexible, toujours la même, elle embrasse toutes les nations et tous les siècles. (De Republ.; Lahr, Morale, p.485)

Saint Paul: Opus legis scriptum in cordibus (Rom.II.15) (Gravées dans leur cœur les prescriptions de la loi.)

- Kant có một câu tương tự «quân tử động nhi thế vi thiên hạ đạo»: Agis comme si la maxime de ton action devait être érigée par ta volonté en loi universelle de la nature. (Fondements de la métaphysique des moeurs, 2ème section. Traduction V. Delbos; Delagrave. P. Dupré, Encyclopédie des citations, p.5889)


» Mục lục » Tựa của Chu Hi » Chương: 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13

14  15  16  17  18  19  20  21  22  23  24  25  26  27  28  29  30  31  32  33