Đường vào Triết học và Đạo học

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

» Mục lục | Phi lộ | Chương: 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13  14  15  16  17  18  19  20


Chương 4

ĐI TÌM MỘT NHÂN SINH QUAN

 

Khoảng năm 1960, nhân dịp khánh thành Khổng miếu Quảng Nam, hội Cổ học Quảng Nam nhờ tôi viết một bài về Nhân sinh quan theo Dịch lý. Trước đó, khi khảo về Trung Dung, tôi đã khám phá ra huyền nghĩa của Tâm điểm và của Vòng Tròn. Tâm điểm tượng trưng cho Bản thể vũ trụ; vòng tròn bên ngoài tượng trưng cho vạn hữu, cho các hiện tượng biến thiên. Tôi liền phối hợp sở học tôi về Trung Dung và Dịch lý mà viết ra một bài nhan đề là: Một nhân sinh quan theo Trung Dung và Dịch lý.

Tuy là nói vậy, nhưng các đường hướng đưa ra, cái nhìn vào cuộc đời, hoàn toàn là do tôi sáng tạo; xưa nay chưa có ai đưa ra một quan niệm tương tự như vậy. Nói thế có nghĩa là Nhân sinh quan mà tôi đem ra bàn cùng quí vị bây giờ là của tôi. Những lời lẽ, những ý tưởng mà tôi đem trình bày cùng quí vị một cách mạch lạc, rõ ràng, thì trong dĩ vãng chẳng qua mới được ám chỉ, mới được gợi ý, chứ chưa hề được đề cập đến một cách sáng sủa, hẳn hoi.

Đến nay thấm thoắt đã 40 năm qua, khi cần phải viết lại một Nhân sinh quan, tôi đọc lại lập trường, tư tưởng xưa kia của tôi, tôi vẫn thấy nó ý hợp tâm đầu với tôi. Tuy nhiên, tôi cũng không hoàn toàn sao chép lại để trình bày cùng quí vị, mà sẽ cắt xén, sẽ chỉnh trang lại cho hợp thời. Nói theo Bốc Dịch, nó sẽ không phải là một quẻ Phục Ngâm, mà sẽ là một Biến quái, một Biến quái «hồi đầu sinh».

Tôi cũng xin nói trước rằng, Nhân sinh quan mà tôi đưa ra chỉ là một trong những Nhân sinh quan của thiên hạ. Nó hay, hay dở là tùy quan điểm của quí vị; nó có được quí vị tán đồng hay không, cũng tùy như là quí vị có tương ứng, tương cầu với tôi không. Dù quí vị đồng ý hay không đồng ý, chuyện đó không làm cho tôi phải băn khoăn. Một hôm, tôi đợi đèn xanh ở góc đường Bolsa, Brookhurst, tôi nhìn các xe cộ chạy qua trước mặt và thấy không xe nào giống xe nào: xe to, xe nhỏ, xe trắng, xe đỏ, xe xanh, xe vàng, xe Mỹ, xe Nhật, xe Thụy điển, xe Đức. Tất cả đều là tùy ý thích mỗi người, tùy túi tiền mỗi người. Nếu bây giờ có lệnh baét buộc chỉ được dùng xe một cỡ, một màu, do một nhà sản xuất, thì chắc là quang cảnh bên ngoài sẽ trở nên hết sức buồn tẻ. Cho nên về tư tưởng cũng cần phải có hiện tượng trăm hoa đua nở. Đưa ra Nhân sinh quan của tôi, tôi chỉ muốn coi nó như là một loại hoa, đóng góp phần nào vào vườn thượng uyển tư tưởng của nhân quần.

Nhân sinh quan này nảy sinh từ học thuyết then chốt của tôi là thuyết: Thiên Địa Vạn Vật Đồng Nhất Thể, với những tư tưởng then chốt là Nhất tán Vạn, Vạn qui Nhất. Nó cũng dựa vào những định luật vĩnh cửu của trời đất như TỤ, TÁN; VÃNG, LAI; THUẬN, NGHỊCH; BIẾN HÓA. Nó sẽ cho ta thấy con đường TIẾN, THOÁI mà tôi sẽ phác họa ra cho chúng ta theo tùy TUỔI TÁC, tương ứng với chu kỳ của mặt trăng, mặt trời, của các vì sao, và sự biến thiên của bốn mùa.

Những điều mà tôi trình bày đã được rút ra từ Tâm Linh con người, đã được các Thánh triết ngàn xưa thi hành, và tin rằng sẽ được các Thánh triết ngàn sau đồng ý, vì đó là những định luật tự nhiên chi phối sự biến hóa của nhân quần. Đó chính là Thiên ý, và cũng đã được Trung Dung, và Kinh Dịch đề cập tới.

Trung Dung chương 29 viết:

...Đạo quân tử phát xuất tự thâm tâm,

Đem trưng bày phổ cập tới thứ dân.

Khảo chứng tam vương, không có chi lầm lỗi,

Sánh với luật đất trời, không phản bội.

So quỉ thần, đường lối đúng không sai,

Thánh nhân ngàn đời sau chẳng có chê bai...

So quỉ thần, đường lối đúng không sai,

Thế là đã biết lòng Trời đó,

Thánh nhân ngàn đời sau chẳng có chê bai,

Thế là đã biết lòng người tỏ rõ... 

Dịch kinh viết:

Thánh nhân rộng lớn muôn tầm,

Như trời, như đất chẳng phân, chẳng rời.

Biến thông hợp bốn mùa đời,

Âm Dương hòa điệu, mặt trời, mặt trăng.

Khinh phiêu, giản dị, ung dung,

Hợp cùng chí đức, (sánh cùng chí năng.)

(Hệ từ thượng, chương VI)

Nó cũng nảy sinh từ chủ trương biến dịch hai chiều của tôi: Một chiều tiến hóa theo các định luật vật chất, một ngày một tiến tới bất động, ù lì, tối tăm, lạnh lẽo.

Một chiều tiến hóa theo các định luật tinh thần một ngày một tiến tới tinh vi, kỳ ảo, linh động sáng tươi, đẹp đẽ, trật tự, hòa hợp. Chiều hướng về vật chất được chi phối bởi định luật «Dương tiêu, Âm trưởng»; còn chiều hướng về tinh thần, được chi phối bởi định luật «Âm tiêu Dương trưởng».

Từ xưa đến nay có nhiều lối nhìn vào đời sống con người: Có người thì cho cuộc đời là bến mê, bể khổ, cho nên muốn xa lánh cuộc đời; lên rừng, lên núi, vào hang, vào động để mà tĩnh tọa, tu trì; hoặc ly gia, cát ái, vui tháng ngày cùng câu kinh kệ. Có người thì cho cuộc đời này là chốn khách đầy, coi mọi thử thách khổ đau gian trần, là những thánh giá cần phải vác hằng ngày; luôn coi mình đầy tội lệ, cần phải khóc lóc ăn năn; sống trong hiện tiền, mà chẳng quan thiết tới hiện tiền, mà chỉ mong chóng được về Thiên quốc. Có cái lạ là tuy biết rằng chết đi có thể tiêu diêu cực lạc; có thể lên thiên quốc, thiên đình, nhưng khi mắc bệnh, khi kề cận lưỡi hái tử thần, thì người ta lại thấy tiếc thương cái xác đất, vật hèn; cái đời phù sinh, tục lụy; lại thấy thương vợ, thương con, liền van vái tứ phương, chạy thày, chạy thuốc, cầu mong được triển hạn ngày giá hạc, vân trình!

Có những người lại chỉ chú trọng đến hiện tiền, lại chỉ thích cải tiến nhân sinh, tổ chức xã hội, và sống hưởng thụ trong kiếp sống gian trần này.

Cũng có những người chủ trương mạnh được yếu thua, chuyên môn hiếp đáp người khác, dân khác. Có những người chủ trương phải kiếm thật nhiều tiền, sống hưởng thụ tối đa. Người nào cũng cho chủ trương của mình là hay nhất, chủ trương của người là dở nhất. Tôi cho rằng tất cả những quan niệm trên đều tương đối, dở hay, trộn lộn.

Tôi chẳng chống đối chuyện sửa soạn lai sinh, tôi cũng tán thành chuyện lo cải tiến đời sống vật chất, xác thân, đời sống, gia đình xã hội. Có một điều là chúng ta phải biết phân công cho hay, dùng thời giờ cho đúng.

ĐƯỜNG ĐỜI LÝ TƯỞNG

Tôi sinh ra trong một gia đình tương đối nghèo, sống trong một nước mà thế giới xếp vào hạng nhược tiểu và chậm tiến; tôi đã được thấm nhuần, được dạy dỗ rằng thân phận tôi, cũng như thân phận con người là hèn hạ, là tội lệ, mà lạ lùng thay tất cả những điều giáo huấn đó đối với tôi lại y như là nước đổ đầu vịt, hay nước đổ lá khoai! Tôi càng ngày càng nhận thấy rằng con người là dòng dõi thần minh giáng hạ, khoác hình hài, thân xác, làm một cuộc viễn du xuống gian trần này, để thực hiện những công chuyện vô cùng khó khăn như thấy trong chuyện thần Hercules: đó là thi triển thần uy, thi triển quyền lực để cải thiện gian trần, để đấu tranh, để lướt thắng mọi nỗi khổ đau, đem an bình lại cho thế tục, đem hạnh phúc lại cho tâm hồn, và sau khi đã xông xáo trên muôn vạn nẻo đường trần, sau khi đã vào sinh ra tử, sau khi đã chiến thắng mọi trở ngại, mọi hiểm nguy, sẽ thâu hồi tinh anh, hội tụ thần lực, băng qua vòng khí quyển hình danh, sắc tướng, tương đối, tương đãi để về nhập thể lại với Vô Biên... Con người không thể tự khinh, mà phải tự trọng; không thể trốn đời mà phải biết dùng đời, dùng ngoại cảnh như là một công cụ cho mình thi triển quyền uy, cho mình phát huy sáng tạo, cho mình thực hiện tinh hoa.

Tôi càng ngày càng thấy rằng nhân loại mang chứa trong mình Bản thể vô biên của đất trời, Hóa công của vũ trụ, cho nên lúc thì phải xông xáo vào đời, để tái tạo ngoại cảnh; lúc thì phải quay trở lại với Đạo, nhìn thấy Đạo trong tâm khảm mình, để mà sống thanh hư, định tĩnh.

Tôi mến Thiệu Khang Tiết không phải vì quyển Mai hoa dịch số của ông, mà chính vì ông từ ngót ngàn năm trước đây đã có những ý tưởng tương tự, ông đã gửi gấp chúng vào trong một bài thơ mà tôi không rõ nhan đề, như sau:

«Nhĩ mục thông minh nam tử thân

耳 目 聰 明 男 子 身

Hồng Quân phú dữ bất vi bần

 洪 鈞 賦 予 不 為 貧

Tu tham nguyệt quật phương tri vật

須 探 月 窟 方 知 物

Vị nhiếp thiên căn khởi thức nhân.

未 躡 天 根 豈 識 人

Càn ngộ Tốn thời quan nguyệt quật,

乾 遇 巽 時 觀 月 窟

Địa phùng lôi xứ kiến thiên căn.

地 逢 雷 處 見 天 根

Thiên căn, nguyệt quật thường lai vãng,

天 根 月 窟 常 來 往

Tam thập lục cung đô thị xuân.»

三 十 六 宮 都 是 春

Giải thích:

Nhĩ mục thông minh, nam tử thân,

Hồng quân phú dữ bất vi bần.

Tu quan nguyệt động phương tri vật : Cần phải đi vào ngoại cảnh.

Vị nhiếp Thiên căn, khởi thức nhân : Cần đi vào tâm tìm lại Thiên căn.

Kiền ngộ Tốn thời quan nguyệt quật: Thiên Phong Cấu.

Địa phùng lôi xứ, kiến Thiên căn: Địa Lôi Phục.

Thiên căn, nguyệt quật, thường lai vãng: Nếu biết đi cả hai chiều Tâm, Cảnh.

Tam thập lục cung đô thị xuân: 64 quẻ Dịch thu lại còn 36, ám chỉ cuộc đời, ý nói suốt đời sẽ đẹp đẽ như mùa xuân.

Chuyển dịch:

Tai mắt nam nhi đứng cõi đời,

Lòng mang Tạo Hóa há đâu chơi.

Quyết thăm động nguyệt cho hay vật,

Cố hiểu Thiên căn, để biết Trời.

Trời nổi gió giông, thông động nguyệt

Đất vang sấm chớp, lộ căn trời.

Căn trời, động nguyệt thường lai vãng,

Ba sáu cung xuân, trọn vẹn đời. 

Bài thơ này đại khái chỉ đưa ra ba vấn đề:

1.- Con người có Thiên tính.

2.- Con người phải dùng nửa đời đầu của mình, để tìm hiểu ngoại cảnh, khai thác ngoại cảnh.

3.- Và dùng nửa đời sau của mình để tìm hiểu về gốc gác thần minh của mình. Được như vậy, cả đời mình sẽ luôn luôn sung sướng, hạnh phúc.

Tôi càng ngày càng nhìn nhân loại bằng con mắt tương lai. Tôi nghĩ rằng con người chắc chắn là sẽ tiến về địa vị thần linh sang cả, với sự sáng tạo của mình, nỗ lực triền miên của mình, với sự đồng lao cộng tác của mọi người.

Sự cứu rỗi của nhân loại sẽ đến với nhân loại, khi mà nhân loại nhận ra được chân giá trị của con người, khi biết rằng con người có những khả năng vô biên vô tận, mà nếu biết khai thác, biết tận dụng, sẽ biến hồng trần thành thiên quốc.

Con người chỉ việc thay đổi tầm nhìn, thay đổi ý nghĩ, thay đổi tâm tư, thay đổi độ lượng, lập tức phiền não sẽ tiêu tan. Cái khổ đau hiện tại, cái ngu si hiện tại sẽ nhường bước cho sung sướng, cho thông sáng trong tương lai. Con người sau khi đã đi bộ mấy nghìn năm, nay đã đi mây, về gió; sau khi đã dùng mắt trần mấy nghìn năm, nay đã biết nhìn bằng kính cận, kính viễn, kính hiển vi, và thiên lý kính. Nhìn nhỏ đến thấu cả lòng sâu vi tử, vi trần. Nhìn xa đến những tinh cầu cách xa triệu triệu năm ánh sáng. Rồi nhờ các đường dây điện thoại viễn thông, ta tha hồ đối thoại với những người cách xa muôn vạn dặm. Con người ngày nay đã biết dùng ánh sáng Laser để chữa bệnh, đã biết dùng siêu âm để phá nát đá sạn trong ống mật, trong thận, đã thay tim, thay gan, nối thần kinh; nối mạch máu, thì trong tương lai sẽ còn làm được những phép lạ to lớn hơn thế nhiều!

Niềm tin tôi vào tiền trình vào tương lai nhân loại càng ngày càng trở nên mãnh liệt:

Thuyền nhân loại hướng về đâu tá?

Thuyền quang hoa băng ngả thần tiên.

Tiến về mai hậu siêu nhiên,

Tiến về đức hạnh, nguyên tuyền tinh hoa.

Ánh khoa học trời xa lóng lánh,

Thuyền quang hoa băng cảnh thần tiên,

Tiến veà đẹp đẽ tinh tuyền,

Tiến về Thượng giới về miền muôn sao.

(Phỏng dịch thơ Plein Ciel của Victor Hugo).

Tôi tin mãnh liệt rằng con người mai hậu sẽ trở thành thần linh, vì mang sẵn trong mình một nguồn sinh lực, một sức sáng tạo vô biên, vô tận.

Kìa sinh khí chứa chan, lai láng,

Rung lá cành, làm sáng lòng ta.

Tung hoành từ đá đến hoa,

Lại từ thảo mộc chuyển qua muông cầm.

Từ nham thạch chuyển dần tới bạn.

Có lẽ đâu tiêu tán nơi người?

Không, không, sinh khí chơi vơi,

Đường mây ai cản, đường trời ai ngăn.

Sức vô địch băng băng hướng thượng,

Tiến sâu vào vô lượng vô hình.

Làm cho tràn ngập thái thanh,

Một trời bát ngát treo tranh non bồng.

Xán lạn với muôn thần, vạn thánh,

Ánh hào quang tạo cảnh dao trì

Thần linh sánh với tiên tri,

Thiên thần rực rỡ, quang huy trong ngoài.

Sinh khí ấy láng lai vô tận,

Bắc thang sao, muôn dặm thiên thai.

Từ nơi ngạ quỉ tuyền đài,

Tung lên cho tới muôn loài thần tiên.

Thấp với cao tương liên kết giải,

Muôn thánh thần chắp nối duyên tơ,

Băng qua muôn triệu cõi bờ,

Nối liền sao sáng cùng là trời mây.

Cao với thấp đó đây ở hết,

Từ biên khu tới miết trung tâm

Băng chừng muôn dặm, muôn tầm,

Rồi ra biến dạng vào tâm khảm Trời.

(Phỏng dịch thơ Les contemplations của Victor Hugo).

Tôi phân cuộc đời thành hai giai đoạn, theo đúng điệu Âm, Dương của đất trời.

Gẫm đạo lý có sau, có trước,

Lẽ Âm Dương có ngược, có xuôi,

Ngược là gió cuốn bụi đời (Thiên Phong Cấu).

Đẩy đưa vào chốn trần ai, cát lầm.

Có thử thách, mới phân vàng đá,

Có lầm than, mới rõ chuyện đời.

Khi xuôi, sấm chớp tơi bời (Địa Lôi Phục),

Tầng sâu, bày giãi căn trời nội tâm,

Trông tỏ đích, chí nhân, chí chính,

Biết mục phiêu, sẽ định, sẽ an,

Rồi ra suy xét nguồn cơn,

Con đường «phối mệnh» chu toàn tóc tơ. 

Giai đoạn đầu là giai đoạn «Dương tiêu, Âm trưởng». Con người trong giai đoạn này, sa đọa, lạc lõng dần vào cảnh phù du, hư ảo bên ngoài, đem tâm thần, bán rẻ lấy miếng cơm manh áo, đem thân làm tôi tớ cho hoàn cảnh, xã hội, dù nợ áo cơm lụy cả đến hình hài,mà vẫn lấy thế làm vui. Trong giai đoạn này, vật chất dần dần đóng vai trò tối thượng. Nhưng có giai đoạn này, thì giang sơn mới được tô điểm, hoàn cảnh vật chất của quần chúng mới được cải thiện. Tinh thần, trong giai đoạn này, dần thu gọn lại như một ánh sao trên bầu trời vân vũ.

Giai đoạn sau là «Âm tiêu, Dương trưởng». Tinh thần đã biết hướng thượng đã biết hồi hướng, tìm ra được nguồn mạch cao cả của mình, và sẽ dùng vật chất làm «thang mây» mà tiến dần về Trời. Trong giai đoạn này, tinh thần dần dần đóng vai trò tối thượng. Nó thích hợp với những con người đã đứng tuổi, đã già, những con người đã biết quẳng gánh lo, thoát vòng danh lợi để quay về tu luyện bản thân, nêu gương sáng cho đời, mong kết hợp với Trời, để được trường sinh bất tử. Ngược lại vật chất xuống giá dần để cuối cùng biến thành chiếc xe mây cho khách du rong ruổi trên đường «thiên lý», sáng trong như ngọc thạch.

Con đường lý tưởng này gồm cả hai bề vật chất, tinh thần, uyển chuyển diễn tiến theo đà thời gian, tuổi tác, như một bài thơ, một bản nhạc, mà tiết tấu hòa nhịp với trăng sao. Thế là «TRẺ ĐI RA, GIÀ ĐI VÔ»; «TRẺ ĐI RA ĐỜI, GIÀ ĐI VÀO ĐẠO»: Đời đây là ngoại cảnh; Đạo đây là Tâm Linh.

 

ĐƯỜNG ĐỜI LÝ TƯỞNG VỚI CHU KỲ NHẬT NGUYỆT TINH THẦN

Con người lý tưởng lúc sơ sinh cũng như vầng trăng vừa quá rằm đẹp đẽ. Nhưng dần dà lớn lên, lạc lõng vào cuộc đời tìm sinh kế, cũng như vầng trăng khuyết dần, mờ dần. Đến lúc công danh ở đời tưởng như là rực rỡ, lợi lộc ở đời tưởng như là dồi dào, thì lại là lúc mà tinh thần nghèo nàn nhất. Lúc mà tinh thần suy sụp, đen tối như vậy, thì mặt trăng trên trời cũng đang ở vào kỳ Nguyệt Tận, chẳng còn chút quang huy.

Nhưng trăng hết kỳ lu, lại tới thời kỳ sáng. Con người lý tưởng cũng vậy, không thể bị vật dục che mờ mãi. Nhờ suy tư về sự chất chưởng bên ngoài, con người có ngày sẽ tìm lại được nguồn sống bên trong, sẽ dần dần tài bồi cho tâm hồn mình ngày thêm hoàn bị, để lúc thoát «hồng trần, tục lụy», sẽ viên mãn, sẽ rực rỡ như TRĂNG HÔM RẰM.

Con đường lý tưởng nói trên cũng vạch lại sự thăng trầm của vừng dương. Trong một ngày, thì sau giờ Ngọ, là mặt trời ngả bóng và càng ngày càng mờ nhạt quang huy. Lúc gần xế bóng non đoài, thì tà huy cũng trở nên bảng lảng. Khi đã lặn xuống dưới chân trời, thì màn đêm la đà phủ trên muôn vật, và lúc nửa đêm là lúc tăm tối nhất. Nhưng rồi sau đó mặt trời lại mọc lên lại. Và lúc lên khỏi chân trời, thì bình minh lại hiện ra rực rỡ. Đến lúc chính Ngọ sẽ lại là «Nhật lệ trung thiên», sáng quắc giữa vòm trời. Nếu xét theo triền năm, thì sau ngày Hạ chí, mặt trời đi vào cung Cự Giải. Ánh sáng và sức nóng một ngày một giảm cho tới cực độ vào ngày Đông chí. Nhưng từ ngày Đông chí trở đi, thì mặt trời lại nóng lên, sáng lên dần mãi, đem ánh dương quang đượm nhuần cho hoa lá trổ sinh, tưng bừng rộn rã với ngày Xuân, và dần dần trở lại ngôi vị tối thượng vào ngày Hạ chí.

Cuộc đời lý tưởng của người quân tử, lúc sơ sinh, cũng đẹp như mặt trời khi quá Ngọ. Lúc lớn lên, bị vật dục che mờ, người quân tử cũng như mặt trời, trải qua những cảnh hoàng hôn và cảnh đêm dài tịch liêu, u tối. Nhưng rồi ra, con người lý tưởng ấy dần dà sẽ gỡ được mọi tần phiền, để cùng mặt trời trang trọng hiện lên trên nhãn giới tâm linh, vào lúc bình minh muôn thủa; cùng bình minh, hứa hẹn một trời trong sáng mới, và khi lìa thế sự, sẽ là «nhật lệ trung thiên», sáng quắc cả bàu trời thiên quốc.

Con người lý tưởng, ruổi rong trên muôn dặm trần hoàn y thức như nhật nguyệt và ngũ tinh (ngày nay là cửu tinh) ruổi rong trên con đường Hoàng Đạo. Lúc sơ sinh, con người lý tưởng đi và CỬA NGƯỜI- mà Chiêm tinh Âu Châu gọi là Cung Cự Giải, mà Chiêm Tinh Học Á châu gọi là chòm sao TỈNH. Từ Cự Giải tuần tự xuống dần tới các cung Sư Tử, Thất Nữ, Thiên Xứng, Thiên Yết, Nhân Mã, tức là qua các chòm sao Tỉnh, Quỉ, Liễu, Tinh, Trương, Dực, Chẩn; Giác, Cang, Đê, Phòng, Tâm, Vĩ, Cơ. Đó là con đường đi ra, con đường đi xuống. Khi đến cùng đường, sẽ tìm vào CỬA TRỜI, mà người Âu Châu gọi là cung Ma Yết (Capricorn). Rồi từ đó tiến lần lên các cung Bảo Bình, Song Ngư, Bạch Dương, Kim Ngưu, Song Tử. Theo Chiêm tinh học Á Đông thì CỬA TRỜI là ở chòm sao Đẩu. Rồi từ đó đi theo các chặng đường trời: Ngưu, Nữ, Hư, Nguy, Thất, Bích; Khuê, Lâu, Vị, Mão, Tất, Chủy, Sâm. Sau đó sẽ vào yên nghỉ tại THIÊN CUNG, tượng trưng bằng TÂM ĐIỂM của Vòng Hoàng Đạo. CỬA NGƯỜI trên vòng Dịch Tiên Thiên là quẻ CẤU; CỬA TRỜI trên vòng Dịch Tiên Thiên là quẻ PHỤC. THIÊN CUNG là THÁI CỰC, TRUNG CUNG. Như vậy, đường xuống TRẦN, đường lên TRỜI, đã được hoạch định, được xây cất sẵn sàng. CỬA NGƯỜI, CỬA TRỜI đã như thể có biển đề, cho ta khỏi lầm lẫn.

 

ĐƯỜNG ĐỜI LÝ TƯỞNG VỚI LẼ BIẾN THÔNG CỦA BỐN MÙA

Đem sánh với bốn mùa, ta thấy con đường lý tưởng mà ta vạch ra ở trên hợp nhẽ biến thông của bốn mùa.

Lúc sơ sinh là lúc nhựa sống tràn đầy như muôn hoa khoe sắc trên cành, sau ngày Hạ Chí (giữa tháng 5 ta; vào khoảng 21 tháng 6 Dương lịch). Lúc lớn lên,bước dần vào cuộc đời, thấy dần dần tâm sự càng ngày càng ngả sang Thu, và khi đến lúc hoa niên, khi đã tiêu pha hết vốn liếng tinh thần, khi đã:

Mùi tục lụy lưỡi tê tân khổ,

Đường thế đồ, gót rỗ kỳ khu,

 Tâm hồn lắm lúc cảm thấy lạnh lùng, như băng giá, tiết đông thiên. Nhưng có sương tuyết lạnh lùng, thì mới có lại được ngày xuân ấm áp.

Trong những giờ phút mà con người chán thế sự, nhân tình, thì lại là lúc con người thấy mở tung ra trong tâm khảm mình một nhãn giới vô biên. Thế là khi mái tóc hình hài, vật chất đã hoa râm, thì tinh thần ngược lại bỗng đượm màu xuân sắc. Một nguồn hi vọng mới dâng lên giữa những cảnh ngộ éo le của cuộc đời. Mùa xuân đầy hi vọng trở về với một nguồn sống tinh thần mới...Và cũng như cây đâm chồi, nảy lộc, vươn mãi lên trên khung trời trong ngày xuân ấm áp, tâm hồn cũng vươn mãi lên tới tinh hoa cao đẹp. Cuối cùng lúc từ giã cuộc đời, tâm hồn vẫn chứa đầy nhựa sống như trời mùa hạ. Bao công lao sự nghiệp của cuộc đời bấy giờ nở tung ra như muôn hoa tươi thắm để chẳng bao giờ tàn phai...

 

CON ĐƯỜNG ĐỜI LÝ TƯỞNG VỚI NHÂN TÂM THẾ ĐẠO

Con đường lý tưởng đó cũng rất phù hợp với nhân tâm thế đạo. Con người từ bao ngàn năm nay, vì không hiểu định luật thiên nhiên, nên đã không đi theo đúng nhịp điệu thời gian, tuổi tác; gò bó mình vào những khuôn khổ chật hẹp; máy móc hóa một cuộc đời đáng lý là thơ mộng; hay lại quá phóng túng mình đến tan tác cả cuộc đời.

Mặc dầu vậy, họ vẫn phác họa lại trong cuộc đời mình bóng dáng cuộc đời lý tưởng đó.

Bé thì ngây thơ, hồn nhiên, vô tội vạ; rồi dần dà trở nên PHÓNG NGOẠI, trở nên tò mò; rồi cũng tranh đấu, xông xáo, cũng dấn thân vào phong trần, vật chất như ai. Lúc mái tóc hoa râm, lắm khi cũng thấy giật mình muốn đoạn tuyệt với cuộc đời phóng đãng của mình, muốn hồi tâm tu tỉnh. Khi trở về già, thì không ai bảo ai, bất kỳ thuộc tôn giáo nào, con người cũng muốn quay về cùng Trời, Phật, Thần, Thánh; cũng kinh kệ, tụng niệm như ai. Chỉ tiếc cái là thay vì HƯỚNG NỘI, để quay về với Trời, với Phật trong tâm, thì vẫn uổng công đi tìm Trời, tìm Phật ở nơi đền đài, miếu mạo bên ngoài; thay vì dùng kinh kệ, như là thần chú để chiêu vời Trời, Phật nhập thể với mình, thì lại vẫn thấy mình là mình; kinh là kinh; mà Trời Phật vẫn xa xôi riêng rẽ... Càng dấn thân (engagement) vào đời phong vũ bao nhiêu, lại càng mong muốn thoát thân (disengagement) ra ngoài vòng cương tỏa bấy nhiêu. Nếu như thấy được «Thiên địa chi tâm», tìm ra được Bản thể Trời trong đáy lòng mình là sẽ bước được vào con đường giải thoát.

Nói rộng ra, thì nhân loại cũng đang đi trên vòng Càn Khôn đó, nhưng chậm chạp.

Giai đoạn đầu là giai đoạn đạo hạnh phù phiếm, xốc nổi bên ngoài, để rồi dần dà lạc lõng vào giai đoạn dị đoan, mê tín. Càng phóng ngoại bao nhiêu, văn minh vật chất càng thịnh đạt bao nhiêu, nhân loại lại càng đi đến chỗ sa đọa tinh thần bấy nhiêu, càng «Nghịch Thiên, Bối Thiên» (quay lưng lại với Trời) bấy nhiêu. Nhưng chính là nhờ ở giai đoạn sùng thượng vật chất này mà nhân loại đã giải quyết được những vấn đề mưu sinh, thích ứng với hoàn cảnh, nhân loại đã xây dựng được hạ tầng cơ sở cho vững chắc. Cho nên nó cũng hết sức là ích lợi và cần yếu.

Nhưng khi đã trưởng thành, khi đã quá dè bỉu, ghen ghét nhau, quá bóc lột, áp bức nhau, nhân loại sẽ dần dần trở lại sùng thượng các giá trị tinh thần vĩnh cửu.

Hiểu cuộc đời theo định luật biến dịch nói trên sẽ mở ra một con đường tiến hóa bao la cho cá nhân, cũng như cho nhân quần xã hội. Cá nhân sẽ tùy theo tuổi tác, tùy theo khuynh hướng của từng tuổi mà làm những công tác mình phải làm, để cây đàn bản thân lúc nào cũng hòa âm theo đúng tiết tấu gia đình, xã hội, quốc gia, quốc tế, nhân loại, và đất trời. Đó tức là ứng biến theo thời. Nhân loại và cá nhân sẽ không ăn rễ sâu xa vào vật chất, mà chỉ coi vật chất là một chặng đường tiến hóa của mình, một lớp lang nhỏ bé trong tấn tuồng vĩ đại của nhân sinh, và trời đất.

Nếu chúng ta tin rằng Nhất đã sinh Vạn, thì ắt chấp nhận rằng Vạn sẽ qui Nhất. Thế tức là, từ Tâm Linh muôn thủa đã tung tỏa ra muôn vạn ngả đường. Dù ta có lao đao suốt đời cũng chẳng sao đi hết con đường muôn vạn ngả. Càng phiêu lưu, càng lạc lõng. Càng đi ra Vạn, càng phiêu lãng trên muôn vạn ngả đường, dù có thành công đến đâu, trong thâm tâm vẫn thấy thiếu thốn, vẫn thấy ám ảnh bởi cảnh phù du, tạm bợ; vẫn thấy mình như thân phận cánh bèo, bình bồng mặt nước, chân mây, mà chẳng biết sẽ trôi giạt về đâu, bởi vì Vạn chỉ là như một bóng hình hư ảo của Nhất. Trở về được với Nhất, mới là đi trọn vẹn được vòng Càn Khôn biến hóa của thiên nhiên.

Nói thế có nghĩa là, khi con người tiến đến thuần Dương, sẽ cảm thấy nình vẫn còn ở trong hữu hạn, vẫn còn chịu định luật biến thiên, sinh hóa, cần phải đi vào Tâm điểm vũ trụ, tâm điểm tâm thần, để thoát vòng biến thiên, sinh hóa, để từ hữu hạn, nhập vào Vô cùng.

Ấn giáo, Phật giáo gọi đó là «Thoát Luân Hồi; Nhập Niết Bàn».

Khổng giáo gọi là TRUNG DUNG TRUNG ĐẠO.

Đó cũng là Trung Đạo theo Long Thọ.

Đó là «đắc kỳ hoàn trung dĩ ứng vô cùng» hay «hưu hồ Thiên quân» của Trang Tử.

Đó là Tat Tvam Asi (Con là Cái Đó) của Bà La Môn.

Đó là Con Người Lý Tưởng; Con Người Muôn Thủa; đó mới là Chí Nhân hay Chân Nhân.

Lúc ấy chính là lúc con người nhập thể với Trời (Phối Thiên). Lúc ấy, Hiện tượng đồng hóa với Bản Thể, nên xóa hẳn biên cương giữa Tương đối và Tuyệt Đối, giữa Có và Không. Đó chính là BẤT NHỊ PHÁP MÔN.

Theo Nhân sinh quan trên, chúng ta sẽ học đi trên đất trước, rồi mới học bay trên trời; tìm miếng cơm, manh áo trước, rồi dần dà mới đi sâu vào nội giới tâm linh. Thế tức là biết thời cơ, biết nhẽ tiến thoái, biết uyển chuyển ứng phó với hoàn cảnh, biết biến thiên theo nhịp điệu thời gian tuổi tác, để lúc nào đời chúng ta cũng đẹp như một bài thơ, tiết tấu như một khúc nhạc, để lúc chung cuộc sẽ thực hiện được CHÂN, THIỆN, MỸ.


» Mục lục | Phi lộ | Chương: 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13  14  15  16  17  18  19  20