Đường vào Triết học và Đạo học

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

» Mục lục | Phi lộ | Chương: 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13  14  15  16  17  18  19  20


Chương 7

VẤN ĐỀ THIỆN ÁC

 

Vấn đề Thiện Ác, thoạt mới trông, tưởng là chuyện tầm thường, dễ dàng; nhưng khi tôi bắt tay vào để viết về Thiện, Ác, mới thấy nó hết sức khó khăn, khúc mắc.

Để cho vấn đề đựợc sáng tỏ, tôi sẽ lần lượt bàn về mấy đề mục sau

1) Thiện, Ác là gì?

2) Các triết gia, các đạo giáo đối với vấn đề Thiện, Ác.

3) Cảm nghĩ của tôi về vấn đề Thiện, Ác.

 

I. THIỆN, ÁC LÀ GÌ?

Nếu hiểu theo nghĩa hẹp, thì Thiện, Ác là hai tiêu chuẩn mà dân gian thường dùng để định giá HÀNH VI của con người.

Nếu hiểu theo nghĩa rộng, thì Thiện, Ác sẽ bao quát mọi chuyện dở hay, phúc họa xảy ra trong vũ trụ, và trong nhân quần.

Người Âu Châu hiểu Thiện là Good và Ác là Evil.

Thiện, Ác hiểu theo nghĩa rộng:

Thiện hiểu theo nghĩa rộng là tất cả những gì hay, những gì tốt đến với con người. Ta gọi đó là PHÚC. Ví dụ, mưa thuận, gió hòa, ấm no, khoẻ mạnh, thái bình, thịnh trị; công bình, trật tự; an lạc, sảng khoái; hạnh phúc.

Thiện, trong trường hợp này, còn có nghĩa là HAY, là KHÉO, là NGON, là TỐT. Ví dụ ta thấy nói trong tiếng Mỹ: a good measure = một phương pháp hay; a good dinner = một bữa ăn ngon; a good man = một người tốt; a good intention = một ý tốt; a good painter = một thợ vẽ khéo, v.v...

Ác hiểu theo nghĩa rộng là tất cả những thiên tai, địa họa, như cuồng phong, bão tố; như động đất; như lụt lội; như mất mùa, đói khát; ôn dịch, tật nguyền; như chiến tranh, loạn lạc; như tử biệt, sinh ly; như sầu, như khổ; như trộm cướp; như tham quan, ô lại; ác bá, cường hào; hôn quân, bạo chúa v.v...

Thiện hiểu theo nghĩa hẹp là tất cả những tư tưởng, những hành vi phù hợp với định luật thiên nhiên, định luật trời đất; phù hợp với lề luật, với phong tục trong nơi, trong chốn con người ở.

Nói cách khác: Thiện là tất cả những giúp con người tiến hóa, giúp con người thăng hoa, giúp con người nhập thể được với Đại thể vô biên. Nói gần hơn, thấp hơn, Thiện là những gì giúp con người thích ứng được với hoàn cảnh, với ngoại cảnh.

Ác, ngược lại, là tất cả những gì làm cho con người giảm giá trị con người; đưa con người xuống hàng muông thú; là tất cả những gì ngang cung, lạc điệu với các định luật tự nhiên; tất cả những gì làm cho con người không thích ứng nổi với hoàn cảnh. Các đạo giáo, các chính thể đương quyền coi Ác là những tư tưởng, những hành vi đi ngược lại với giáo quyền, giáo luật; hay luật lệ hiện hành trong nước; không cần biết những luật nhân tạo, qui ước ấy đúng hay là sai. Nói cho bao quát, thì Ác có thể là:

1.- Ý muốn xấu; hành động xấu (tội lệ, tội ác).

2.- Tư tưởng xấu (lầm lạc).

3.- Xấu về phương diện nghệ thuật (ngược với đẹp).

4.- Kém hoặc dở, về phương diện tài năng (ngược lại với giỏi, với hay).

5.- Xấu, xét về phương diện đạo giáo (bất kính, phạm thượng).

6.- Thất bại, không thích ứng được với ngoại cảnh; không đạt được điều mong ước.

7.- Những tai họa, những thảm cảnh bất kỳ là về vật chất, hay tâm thần.

8.- Những gì làm hại cho con người, thì gọi là độc, là dữ. Ví dụ: thuốc độc, rắn độc; thú dữ, cọp dữ.

Như vậy, ta đã có một nhận định khái quát về Thiện Ác.

 

II.  CÁC TRIẾT GIA, CÁC ĐẠO GIÁO ĐỐI VỚI VẤN ĐỀ THIỆN ÁC

Các triết gia Hi Lạp như Socrates, Plato, Aristotle đại khái chủ trương rằng: Thiện (hành vi tốt, lề luật tốt, tính nết tốt) là phương tiện giúp con người, và xã hội sống sung sướng, hạnh phúc, trật tự. Như vậy Ác là cái gì có những hậu quả ngược lại. Tôi thấy nhận định như trên quả là đẹp đẽ, và chúng ta từng bước, từng phút, từng giây, có thể kiểm điểm được xem mình đang ăn ở đúng, hay đang ăn ở sai; quốc gia, xã hội đang đi đúng đường, hay đang sai đường.

Đạo Bái Hỏa (Zoroastrianism), có lẽ là đạo giáo cổ sơ nhất, và đầu tiên nhất đã đặt ra vấn đề Thiện Ác. Đạo này chủ trương: Thượng Thần Ahura Mazda, đấng sáng tạo vũ trụ, toàn năng vô đối thoạt kỳ thủy đã tạo ra hai vị thần song sinh, đó là Thần Thiện (Spenta Manyu), và Thần Ác (Angra Manyu). Thần Ác cũng còn được gọi là Satan. Hai vị thần này quyền lực ngang nhau. Tín đồ Bái Hỏa phải đứng về phía Thần Thiện, và phải luôn luôn làm điều thiện. Theo những định luật tự nhiên (Asha) đó là làm lành, và do đó sẽ trở về được với Ahura Mazda. Có một trào lưu tư tưởng khác cho rằng chỉ có hai vị Thượng Thần quyền lực ngang nhau: Đó là Orhmazd (tương đương với Spenta Manyu hay Ahura Mazda), và Ahrman (tương đương với Spenta Manyu). Các tín đồ Bái Hỏa cực lực phản đối lối nhìn sau. Bái Hỏa giáo tóm gọn tôn chỉ của họ bằng mấy chữ: “Nghĩ tốt, nói tốt, làm tốt.” Làm trọn ba điều này, con người sẽ bay dần về với Thượng đế; y thức như con chim có đôi cánh, mỗi cánh có ba tầng lông, để bay lên muôn dặm không trung.

Bái Hoả giáo dạy không được làm ô nhiễm môi trường sống như: đất, nước, gió, lửa, và đó là đạo giáo đầu tiên dạy phải trọng môi sinh.

Công giáo thì cho rằng sở dĩ vũ trụ này trở nên xấu xa, tồi bại, thống khổ, sầu bi là do tội Adam, Eva.

Thượng đế chỉ sinh ra cái tốt; còn cái xấu là do Satan và chúng quỉ, cũng như là do cái tính bản ác của con người - một di sản của Tổ Tông sa đọa. Thánh Augustine cho rằng sự sống trên trái đất này là một một sự trừng phạt của Chúa đối với tội Adam. Trong quyển Thành trì Chúa, ông thở than: «Ai mà có đủ hùng biện để mô tả từng chi tiết những nỗi thống khổ của con người.» [1] Cứ theo quan điểm của giáo chúng hiện thời, thì quyền lực Satan còn quá lớn. Phải đợi tới khi chúa Jesus phục lâm, sẽ điều động binh trời, đánh nhau với Satan. Và sau những trận long trời lở đất, Satan sẽ bị bắt giam 1000 năm. Tuy nhiên, sau một nghìn năm đó, Satan lại được mãn án tù (kể ra thì đối với một chúa quỉ đại gian, đại ác như vậy, mà chỉ bị giam có ngàn năm, thì quả là quá nhẹ), và sẽ lại gây ra rất nhiều sóng gió. loạn ly mới... (Revelation, 20: 1- 3)

Có một điều lạ là trong Huấn ca (Ecclesiasticus – một quyển sách Thánh mà chỉ Công giáo có; còn Do Thái giáo, và Tin Lành thì lại không có) nơi chương 11, câu 14 ta đọc thấy: «Lành, dữ; sống chết; nghèo giàu, thảy đều do tự Yavê.» Ngoài ra, khi đọc Job (cũng là một quyển thánh thư, nhưng lần này thì là của chung cả ba đạo: Do Thái, Công giáo, Tin Lành), lại mô tả Satan như là một vị thần hiền khô. Sách viết: «Một ngày kia các con cái của Thiên Chúa đến ra mắt Yavê và Satan cũng có mặt giữa họ. Yavê phán hỏi Satan: "Ngươi từ đâu đến?" Satan thưa với Yavê rằng: "Đi lởn vởn và lang thang trên đất..."» (Job,1:6- 7).

Còn về thế nào là Thiện, thì dĩ nhiên là phải tin Chúa Jesus là Đấng Cứu thế, phải chịu phép Rửa tội và giữ 10 điều răn Chúa, và 6 điều răn Hội Thánh.

Chính vì vậy mà một người giáo hữu dù ăn ngay ở lành đến đâu, mà không đi lễ ngày Chủ Nhật chẳng hạn, cũng là một kẻ tội lỗi.

Ngoài ra người Thiên Chúa giáo còn có niềm tin tuyệt đối rằng chỉ có đạo mình mới là chân lý, nên nghĩ những người theo đạo giáo khác, cho dù là tốt lành mấy đi chăng nữa cũng là kẻ ác đức, và như vậy đáng sa hỏa ngục đời đời. Đức Giám mục Navarette, khi sang giảng đạo bên Trung Hoa, đã tuyên bố: «Vì ngay cả Socrates, Plato, Aristotle, Pliny, Seneca v.v... cũng còn bị xuống hỏa ngục, thì Khổng tử, một kẻ không đáng hôn chân họ, lại thoát hỏa ngục được hay sao?» Giám mục Navarette, trong trường hợp này, cũng đã hỏi ý kiến Bộ Thánh Vụ La Mã, vào khoảng năm 1674, và được trả lời như sau: «Chiếu theo những điều đã nói trên, thời cấm không được nói rằng Khổng tử đã được cứu rỗi.»  [2] Nếu đúng như vậy, thực đáng thương cho những bậc thượng trí, thượng nhân trong thiên hạ. Lúc sống thì suốt đời muốn trở nên gương sáng cho muôn đời soi; đến lúc chết, hỏi thăm ra, thì thấy hộp thư và địa chỉ đều ở trong hỏa ngục! Nhưng tôi thì cuộc 1000% là ông Trời không nhỏ nhen như Giám mục Navarette! Có vậy, mới hiểu tại sao các giáo sĩ Công giáo, cũng như các mục sư Tin lành đã tận tụy, đi khắp nơi trên thế giới, để rao giảng Phúc âm, và «cứu rỗi nhân loại».

Có thể những tư tưởng cực đoan này là của thời Trung Cổ, và ngày nay, Giáo hội cũng như giáo dân không còn nghĩ như vậy. Và thay vì câu: «Ngoài Giáo hội, không cứu rỗi», người ta bắt đầu viện dẫn những câu Phúc âm nhân từ hơn như: «Nhà Cha ta có nhiều chỗ ở.» (John, 14:2), và «Ta bảo các ngươi: nhiều kẻ sẽ tự phương Đông, phương Tây mà đến và sẽ được dự tiệc cùng Abraham, Isaac và Jacob trong nước Trời.» (Mat. 8:17), để cho người Tin Lành và các người thuộc các tôn giáo khác cũng được vào Thiên đàng. Đó cũng là một sự nhân nhượng, một sự hi sinh, và một sự từ bi, hỉ xả quá sức lớn lao...

Đạo Do Thái, ngược lại, lại không hề khai thác cái tội tổ tông, và cho rằng Chúa chỉ oán phạt một đời (Ezechiel 18: 1- 3), hay cùng lắm là ba đời (Deuteronomy 5: 9). Và dĩ nhiên là Thiện, Ác sẽ tùy thuộc vào sự giữ, hay không giữ các giáo luật Moses. Giở Leviticus hay Ngũ Kinh (Pentateuch) ra, tôi thấy cấm kỵ kể ra cũng hơi nhiều. Tuy nhiên, vì không phải là tín đồ Do Thái giáo, tôi chẳng việc gì phải nhớ, phải lo cho phiền phức. Tôi cho rằng Chúa Jesus đã tóm lại giới luật Moses bằng mấy chữ «Mến Chúa, Yêu người» kể ra là đã đủ lắm rồi.

Quan niệm về THIỆN ÁC của Hồi Giáo rất giản dị:

– Cái gì mà mọi người đều coi là hay, thì phải làm.

– Cái gì mọi người đều cho là dở, thì phải tránh. 

Luật Koran chia làm 5 đề mục để chi phối năm loại hành vi con người.

a) Cái gì toàn là hay: đó là bổn phận phải giữ.

b) Cái gì toàn là dở: Đó là điều nghiêm cấm, cần phải tránh.

c) Cái gì mà hay chiếm ưu thế: khuyên nên làm.

d) Cái gì mà dở chiếm ưu thế: khuyên nên lánh.

e) Cái gì nửa hay, nửa dở. Tùy ý định đoạt. 

Phật giáo thì cho rằng những sướng khổ ta gặp trên đời đã được qui định do luật nhân quả, hay duyên nghiệp (karma). Và cũng tương tự như Bái Hỏa giáo dạy con người phải có tư tưởng hay, lời nói hay, hành động hay; Phật giáo cũng dạy phải tu THÂN, KHẨU, Ý. Thân, Khẩu, Ý là Tam Nghiệp.

THÂN chính là HÀNH ĐỘNG. Hành động hay là không sát sinh; không trộm cắp; không tà dâm. Trai gái đối xử với nhau phải theo đúng đạo lý.

KHẨU là kiểm soát lời ăn, tiếng nói. Không nói bậy, nói sai. Không ăn nói suồng sã, lả lơi. Không nói lời ác khẩu, hại người, khinh người.

Không nói lời hai ý, tráo trở, mập mờ...

Ý là kiểm soát tâm tình, ý chí. ý ngay là không hà tiện, không tham lam.

Ý ngay là không giận dữ; Ý ngay là không có tà kiến, không có tư tưởng sai lầm. Tóm lại Ý NGAY là không THAM, SÂN, SI.

Phật giáo đã tóm lại giáo luật mình như sau:

Chư ác mạc tác,

Chư thiện phụng hành.

Tự tịnh kỳ ý,

Thị chư Phật giáo.

 Dịch:

Không làm điều ác đã đành,

Bao nhiêu điều thiện, thi hành miên man,

Giữ cho thần trí thanh quang,

Xưa nay chư Phật dạy làm bấy nhiêu.

 Chân Như là Thực tướng của Vũ Trụ, là Lý của vũ trụ. Thuận Lý đó là Thiện. Nghịch Lý đó là Ác.

Phật giáo có Tam Bảo:

– Nhìn nhận ra được Bản thể của vũ trụ là Phật bảo.

– Nhận định ra được Hiện tướng của Vũ trụ là Pháp bảo.

– Biết khai thác cái Diệu dụng của vũ trụ là Tăng bảo.

Như vậy qui y Tam Bảo là Sống Thuận theo các Định Luật của Vũ Trụ, của Thiên Nhiên.

Quan điểm của Phật giáo về vấn đề Thiện, Ác mà tôi vừa trình bày trên, thực ra không phải là ý riêng của tôi, mà chính là của Linh mục dòng Tên, Léon Wieger đưa ra, sau khi đã tham cứu sâu xa về Phật giáo. Tóm lại, Thiện đối với Phật giáo, cũng là đi tìm những định luật đất trời để mà theo, mà giữ. Phật giáo gọi đó là Dharma.

Nhưng công bằng mà nói thì Phật giáo cũng rất bi quan, thấy đâu đâu cũng chỉ là «Bến mê, Bể khổ», coi con người lúc nào cũng như bị «mũi tên độc» của Sinh, Lão, Bệnh, Tử cắm vào người. Riêng tôi, vì không phải là Phật tử, nên tôi lại ưa cái phong thái «tiêu diêu» của Trang tử hơn; tôi lại mơ ước một ngày xa xăm nào đó trần hoàn sẽ thành tiên cảnh. Tư tưởng này càng ngày càng ám ảnh tôi, nhất là những khi ăn uống thoải mái rồi, ra công viên Mỹ, ngồi chơi với những con vịt, con chim, con ngan, con ngỗng, và chia sẻ cuộc sống vô tư, thanh thản của chúng...

La Môn, vì coi thế giới hữu hình là hư ảo, mộng huyễn (maya), là mê vọng (avidya), là luân hồi, khổ ải (samsara), và chỉ có Đại Ngã duy nhất mới là Chân thực, mới là hạnh phúc vĩnh cửu, trường tồn, nên chỉ đặt nặng vấn đề siêu thoát tâm linh. Những tư tưởng này thực ra cũng đã truyền sang đạo Phật. Nhưng Bà La Môn thì nhấn mạnh đến cái Huyễn, cái Vọng, còn Phật giáo thì nhấn mạnh đến khía cạnh «khổ đau» của cuộc phù sinh...

Nhưng cái nhìn thượng thừa này, tuy là rất đúng, đối với những người đã lên tới Thiên đỉnh, đã vào tới Trung cung, Trung đạo, đối với những người đã «đạt Chân, chứng Thánh», nhưng không thể nào đem áp dụng vào quần chúng một cách vô tội vạ được. Họ rất dễ trở thành những người yếm thế, rất dễ tung hê những chuyện trần hoàn.

Bà La Môn dạy phải tìm những định luật vĩnh cửu mà theo, mà giữ. Họ gọi đó là Dharma, hay Rita.

Lão giáo không đặt vấn đề tại sao có Thiện, tại sao có Ác. Chương hai Đạo Đức Kinh rằng: Thiện, Ác chỉ là hai phương diện của một cuộc đời. Ở trong thế giới tương đối này, hễ đã có Thiện thì phải có Ác, có Đẹp thì phải có Xấu, có Cao thì phải có Thấp, có Dễ thì phải có Khó.

Chương 2, Đạo đức kinh viết

Người đời thấy Đẹp biết khen,

Thế là cái XẤU đã chen vào rồi.

ĐIỀU HAY đã rõ khúc nhôi,

Thời đà DANG DỞ, LÔI THÔI sinh dần.

Mới hay: KHÔNG, CÓ chuyển vần,

Dễ sinh ra KHÓ; VẮN nhân thành DÀI,

THẤP, CAO, tùy ngó ngược xuôi,

Tiếng ca TRẦM, BỔNG, dòng đời TRƯỚC SAU...

 Trang tử cho rằng: tất cả những gì THIÊN NHIÊN là hay, là đẹp; tất cả những gì NHÂN TẠO là họa với hại.

Trong thiên Mã đề, Nam Hoa kinh, Trang tử đại khái đã viết:

«Kìa thiên hạ ung dung tự tại,

Sống đơn sơ, vui với muông chim,

Sống đời thuần phác, tự nhiên,

Thung dung, cùng Đạo một niềm sắt son,

Vì đâu đã mỏi mòn, nhớn nhác?

Vì đâu nên tan tác, phân ly?

Bầy ra nhân nghĩa mà chi,

Để cho thiên hạ suy vi, tần phiền.

Gỗ không nát, sao nên được chén?

Ngọc không tan, sao vẹn chương khuê?

Đạo tan, Đức nát, ê chề,

Mới bày ra được những bề nghĩa nhân.

Loạn năm sắc, mới văn, mới vẻ,

Rối thanh âm, bày vẽ đàn ca.

Ai làm đạo đức xác xơ,

Lập ra nhân nghĩa vẩn vơ hại đời?

Lập nghi lễ, hình hài trói buộc,

Lập nghĩa nhân, bày chước ủi an,

Lòng người vì thế ly tan,

Khôn ngoan càng lắm, gian ngoan càng nhiều...»

 Luận điệu này cũng được Trang tử lập đi, lập lại trong các chương Biền mẫu, Khư khiếp của Nam Hoa kinh.

Lão tử cũng chủ trương không can thiệp tích cực vào đời sống nhân dân, chỉ tránh cho dân những điều quá lạm, cực đoan.

Đạo Đức Kinh, chương 29, viết:

Những muốn nặn, muốn nhào thiên hạ,

Suy cho cùng chẳng khá được nào.

Lòng người nghệ phẩm tối cao,

Ai cho ta nặn, ta nhào tự do?

Ngao ngán kẻ mưu đồ như vậy,

Chẳng chóng chày, hủy hoại lòng người!

Lòng người ai nắm giữ hoài,

Già tay nắn bóp, bao đời tiêu ma.

Người trần thế (muôn hoa đua nở),

Có nhanh chân cũng có chậm chân,

Người nóng nảy, kẻ lần chần,

Người in gang thép, kẻ thuần đào tơ,

Người kiên cương, kẻ như cánh bướm,

Nên thánh hiền sùng thượmg chữ khoan,

Chỉ ngăn quá lạm, cực đoan,

Quá giàu, quá chướng, quá ham tiền tài. [3]

 Lão tử đã tiên đoán được những tai họa mà các người làm chính trị sau này sẽ gây nên: Trong đời Staline, tối thiểu đã bắt giam 7 triệu người, và giết tối thiểu 1 triệu người; Hitler đã thiêu sinh 6 triệu dân Do Thái; Mao Trạch Đông đã sát hại nhiều triệu dân; Khmer Đỏ đã giết hàng triệu dân Cao Mên, v.v...

Như vậy, Lão-Trang đã cho chúng ta thấy một điều hết sức quan trọng là chính những bậc trưởng thượng trong xã hội, những bậc lãnh đạo xã hội bất kỳ là thần quyền hay thế quyền lại là những người mang tai, mang họa, mang khổ, mang đau lại cho con người; chứ không phải là thần thánh nào, quỉ ma nào. Nhưng suy cho cùng, thì chính ta phải tự trách mình ta: sao người ta đưa thòng lọng vào cổ mình, mình lại vui vẻ chui vào? Khổng giáo đối với vấn đề Thiện Ác, cũng hết sức quan tâm. Tuy nhiên Khổng giáo chỉ lấy hai lực Âm Dương để cắt nghĩa Thiện, Ác, chứ không dắt díu Thần hay Quỉ vào trong vấn đề này. Khổng, Mạnh lại chủ trương: Nhân chi sơ, tính bản thiện, nên cũng không cho rằng con người sinh ra đời, phải làm ác, vì chuyện này đã «Tiệt nhiên định phận tại thiên thư»; nhưng cái Ác đã sinh là vì con người đã không theo Lễ (không theo ĐỊNH LUẬT THIÊN NHIÊN), vì con người còn u mê, lầm lạc. Chữ TỘI trong Hán văn gồm hai phần: trên là bộ VÕNG là Lưới; dưới có chữ PHI là Sai Lầm. Chữ LỖI gồm ba chữ THẠCH là Đá. Cho nên tội lỗi chính đã gây nên vì lầm lạc, vì chính con người đã vác đá ngăn đường mình mà thôi.

Khổng giáo cũng dạy phải sống theo đúng ĐỊNH LUẬT TỰ NHIÊN mà họ gọi là LỄ , còn những ĐỊNH LUẬT NHÂN TẠO mà họ gọi là LUẬT 律, thì có lúc phải bỏ. Có vậy, mới hiểu được những câu trong Luận Ngữ như: «Khắc kỷ phục lễ vi nhân» 克 己 復 禮 為 仁 , hay «phi lễ vật thị, phi lễ vật thính, phi lễ vật ngôn, phi lễ vật động.»   禮 勿 視 , 非 禮 勿 聽 , 非 禮 勿 言 , 非 禮 勿 動 (Lun Ng,XII, 1). Quẻ Lý, trong kinh Dịch dạy con người phải đi tìm những Định Luật Vĩnh Cửu mà theo, mà giữ. Tiếc thay sau này, mọi người thường hiểu LỄ là LỄ NGHI hay LỄ PHÉP.

Âu Châu cả về phía triết học, cả về phía đạo giáo đã lý luận rất là dài dòng, rất rắc rối về vấn đề THIỆN, ÁC.

Nguyên triết gia cũng phải kể ra mấy chục người, và ý kiến thì thường cũng chẳng ai là giống ai. Ta cố lập ra đây một bảng tóm tắt.

– Socrates, Plato, và Aristotle:

Truyền thống, tín ngưỡng dân gian chưa đủ để đoán định về Thiện Ác; còn phải vận dụng lý trí nữa.

Thiện là những gì đem lại yên vui cho cá nhân cũng như cho xã hội.

Trung dung, Trung đạo là tốt (doctrine of the Mean của Aristotle) (không thái quá; không bất cập).

– Aristippus ở Cyrene:

Điều hay là cái gì đem lại niềm vui sướng. Người sau gọi môn phái này là môn phái chủ trương khoái lạc (Hedonism hay Cyrenaic School)

– Epicurus (341- 270 B.C.):

Điều hay đem lại sự sảng khoái (ataraxia) cho con người.

– Phái đả kích nền luân lý nhân tạo (Cynism) do Antisthenes chủ xướng, và Diogenes đại diện:

Chủ trương sống đúng theo thiên nhiên, rũ bỏ mọi qui ước xã hội.

Chủ trương của phái này cũng giống như chủ trương của Trúc lâm thất hiền (Kê Khang, Nguyễn Tịch, Tử Hàm, Sơn Đào, Hướng Tú, Vương Nhung, Lưu Linh) đời Tam quốc.

– Phái Khắc kỷ (Stoicism) (Zeno, Cleanthes, Chrysippus, Seneca, Epictetus, Marcus Aurelius, Cicero):

Con người phải theo những định luật tự nhiên, định luật nhân sinh.

Con người phải thương yêu mọi người vì tứ hải đều là anh em.

– Plotinus (204-270) và Porphyry (khoảng 223- 300) thuộc phái Tân Bá Lạp Đồ (Neoplatonism):

Rời xa Chân thể (Nhất tiến ra Vạn) là xấu.

Về với Chân thể (Vạn qui Nhất) là tốt.

Ác không có thực thể.

Thoát ly hình tướng, vật chất, sống kết hợp với Đạo với Nhất là tốt.

– Augustine (354- 430):

Lý trí không đủ để đoán định Thiện Ác. Phải nhờ đến Đức Tin.

Những sự khổ đau trên gian trần này là những hình phạt để phạt tội tổ tông.

Không phải chuyện làm cho mình, cho người sung sướng là nhân đức – như kiểu Socrates, Plato – mà nhân đức là sự vâng theo ý Chúa.

Con người có khuynh hướng làm ác.

Không tin Phúc âm là Ác, là tội lỗi.

– Thomas Aquinas (c.1225–1274):

Có hai loại nhân đức: nhân đức gian trần, như khôn ngoan, công bằng, can đảm, tiết độ v.v... và nhân đức siêu nhiên (Tin, Cậy, Mến). Có hai loại hạnh phúc: trần hoàn và vĩnh cửu.

Nhân đức trần hoàn sẽ làm cho con người có hạnh phúc gian trần. Còn nhân đức siêu nhiên sẽ đem lại cho con người hạnh phúc siêu nhiên, vĩnh cửu. Luật Chúa truyền ghi trong Kinh thánh; Luât thiên nhiên ghi tạc trong bản thể con người và dùng lý trí có thể tìm ra.

Giáo Hội, Thánh kinh và Khoa học sẽ bắt tay nhau đi tìm các định luật nói trên.

Khi bất đồng ý kiến, thì chắc là khoa học sai, vì Giáo hội không sai nhầm được.

Ta thấy tư tưởng của thánh Thomas Aquinas cởi mở hơn thánh Augustine, nhưng vẫn có điều chủ quan. Từ Galileo (1564–1641) cho đến nay, mỗi khi có xung đột giữa khoa học và Giáo hội, thì thường khoa học thắng.

– Hobbes (1588–1679):

Những định luật chi phối hành vi con người không thể tìm thấy ngoài vũ trụ, trong Thánh kinh, mà phải tìm thấy nơi cơ cấu con người.

Chủ trương: «Thủ thân, bảo thân (self- preservation) vi đại.»

Cái gì con người ước muốn, con người yêu thích là điều hay.

Muốn biết thế nào là hay, là dở phải dựạ vào các định luật tâm lý, sinh lý, chứ không phải dựa vào giáo quyền, vào tập tục, truyền thống.

– Richard Cumberland:

Điều hay là cái gì đem lại lợi ích chung.

– Spinoza (1632–1677):

Điều hay là những điều hợp với định luật nhân sinh, như định luật bảo vệ sinh mạng, định luật pháp huy khả năng. Spinoza còn chủ trương sống theo Lương tâm.

– Locke (1632–1704):

Cái gì làm cho con người thêm sướng, bớt khổ là điều hay.

– Hume (1711–1776):

Điều hay là cái gì làm cho mọi người được ích lợi, được thoải mái.

Nhóm Bách Khoa Tự Điển Pháp (Encyclopedists) như Voltaire (1694–1778), Diderot (1713–178), Jean Jacques Rousseau (1712–1778), Montesquieu (1689–1755):

Một xã hội lý tưởng là một xã hội trong đó con người có quyền đi tìm hạnh phúc của mình mà không bị ai ngăn cản.

Học phái này chống lại những tệ đoan, những phi lý của giáo quyền, và chính quyền đương thời.

– Kant (1724–1804):

Sống đúng theo định luật thiên nhiên, phổ quát, vĩnh cửu.

Hành động sao cho nên gương mẫu cho đời.

– Học phái chủ Lợi ích (Utilitarism) (Bentham (1773–1832) James Mill (1773–1836,Stuart Mill (180–1873):

Khoái lạc và đau khổ là hai quân sư tối cao. Chúng sẽ ấn định ta phải làm gì, không làm gì.

Khoái lạc ở đây không nhất thiết là khoái lạc thể chất, nhưng còn bao gồm mọi thứ khoái lạc lý trí, tâm thần.

– Fichte (1762–1814):

Con người sinh ra là để thực hiện Thiên ý. Thiên ý đây phải được hiểu như là ý của Tuyệt đối thể, mà mỗi một con người đều mang trong mình, mà mỗi con người đều là hiện thân nhất thời, tạm bợ. Như vậy cá nhân «hay» là khi cá nhân tiến về hoàn thiện; quốc gia «hay» là khi quốc gia có tổ chức hoàn hảo.

– Hegel (1770–1831):

Tuyệt đối thể thực thi, thể hiện mình bằng những giá trị cao đẹp, bằng những định luật luân lý, bằng những luật pháp. Lịch sử thế giới chính là thực thi sự công chính ("World history is world justice").

– Marx (1818–1883), Engels (1820–1895):

Tiêu chuẩn luân lý chẳng qua là những cung cách để bảo vệ quyền lợi của giai cấp đương quyền.

Làm cách mạng cốt là để thực hiện một xã hội không giai cấp, trong đó, sự phát triển tự do của mỗi một người là điều kiện để cho mọi người được phát triển tự do; một xã hội không còn cần đến sự kiềm chế bên trong của lương tâm, và sự khống chế bên ngoài của luật pháp và của hình phạt...

Trên thực tế, giấc mơ hoa này đã biến thành cơn ác mộng; và xin phỏng vấn những người vượt biển qua ngả Thái Lan!

Phác họa trên đây về tư tưởng các triết gia chỉ là một sự trình bày hết sức sơ lược, hết sức khái quát. Quí vị nào không thỏa mãn, xin tra cứu thêm. Nhiệm vụ của tôi chẳng qua là gợi ý.

Về VẤN ĐỀ ÁC, các triết gia đã đưa ra 3 định đề:

1) Thượng đế toàn năng.

2) Thượng đế toàn thiện.

3) Dữ kiện ÁC là có thật.

 Và họ cho rằng ba vấn đề này không thể nào cùng xảy ra được.

Cho nên có người thì cho là không có ÁC. ÁC là cái gì tiêu cực, giả tạo. Đó là lập trường của phái Vedanta trong Ấn Độ giáo, của giáo phái Christian Science, và của phái Khắc kỷ (Stoicism).

Triết gia Mỹ, William James cho rằng Thiên Chúa tuy toàn thiện nhưng không toàn năng; Leibniz cho rằng Chúa chỉ làm được những gì hợp lý, cho nên có ÁC là chuyện dĩ nhiên trong cái thế giới đẹp đẽ nhất này.

Có triết gia lại luận rằng: Thế giới này có ÁC, Thượng đế tuy có thể diệt ÁC được, nhưng đã không làm; vì thế Ngài đã không toàn thiện. [4]

 

III. CẢM NGHĨ CỦA TÔI VỀ VẤN ĐỀ THIỆN, ÁC

Theo tôi, THIỆN là tất cả những ĐỊNH LUẬT THIÊN NHIÊN, VĨNH CỬU con người cần tìm cho ra để mà theo, mà giữ. Những Định Luật ấy, đã được ghi tạc sẵn trong lòng sâu con người, và vạn hữu. ÁC còn, khi nào con người còn u mê, không chịu tìm cho ra những định luật trên mà theo,mà giữ. Như vậy, theo đà thời gian, ÁC ngày càng giảm thiểu.

Một trong những định luật mà người ÂU CHÂU vừa mới tìm ra là tôn trọng MÔI SINH (Environment), và bảo vệ Sinh vật. Theo được vậy, con người mới sống sung sướng, hạnh phúc.

Những nhận định trên tóm lược lại quan điểm của các đạo giáo Á ĐÔNG, và nhiều danh nhân trên thế giới.

Tôi không có chối cãi rằng thế giới này vừa có thiện, lại vừa có ác.

Nhưng tôi không tin rằng Chúa hay ma quỉ lại có thể dúng tay vào công việc báo thù con người, hủ hóa con người, đem ác độc rắc reo xuống gian trần. Mỗi khi ai rằng Chúa đã phạt nhân loại thế này, thế nọ, thì chẳng qua là đã «lấy lòng phàm tục, thiển cận, để đo lòng Trời bao la, vô hạn».

Những thiên tai, địa họa chỉ là những hiện tượng thiên nhiên xảy ra theo những định luật cố định mà thôi. Ví dụ như vấn đề Động đất. Ngày nay người ta bắt đầu nhìn nhận: Động đất xảy ra là do hậu quả từ trường, từ lực giữa các hành tinh và trái đất.

1.- Lúc ấy, mặt trời, mặt trăng thường ở Thiên đỉnh (Zenith), hay Thiên tuyền (Nadir), hoặc lúc mặt trăng gần trái đất nhất (perigee), hay là khi mặt trời ở vào các ngày Đông chí, Hạ chí.

2.- Khi ấy, những hành tinh lớn như Uranus, Jupiter hay Saturn hay Neptune đồng cung (conjunction) hay đối đỉnh (opposition)

3.- Hay là khi các hành tinh hội tụ vào một cung.

Năm 1953, Tiến sĩ Rudolf Tomascheck, một nhà địa chất vật lý học ở Đại Học Munich, đã cho biết rằng trong 154 trận động đất mà ông khảo cứu, thì hầu như là thấy hành tinh Uranus ở gần đỉnh đầu nơi địa họa xảy ra. Trong các trận động đất ở San Francisco (1906), ở Yokohama- Tokyo năm 1923, ở Assam (1950) thường là có Uranus chênh vênh gần thiên đỉnh, và Neptune đối đỉnh.

Ngày 31/8/ 1932 có nhật thực ở vùng Los Angeles. Mặt trời, mặt trăng, Neptune, Jupiter hội tụ đồng 1 cung trời. Giáo sư George J. McCormack, thuộc Văn phòng Thời Tiết tại Los Angeles tiên đoán sắp có động đất. Ông cho rằng các tinh tú trên mới tạo nên «Một bàu không khí căng thẳng»; còn cần một hành tinh nhỏ xông vào «quấy rối gia cang» nữa mới gây tai họa. Đến quấy rối gia cang sẽ là sao Hỏa tinh và nó sẽ tiến vào cung trời trên, khoảng từ 8 đến 12 tháng 3, 1933. Với những dữ kiện trên, ông liền đăng vào báo Astro- Weather Guide, và tiên đoán sẽ động đất trong vùng Los Angeles vào khoảng ngày 10/3/1933.

5 giờ 54 chiều mồng 10 March 1933, Mars lọt vào khu vực mà trước đây đã có nhật thực, lúc ấy mặt trăng lại cách Mars có 2 độ, và Long Beach đã bị động đất như tiên đoán; chết 115 người, và tổn thất 50 triệu dollars.

Ông Walter Gom Old cho rằng khi Uranus, Mars và Neptune đồng cung hay đối đỉnh, thường hay có động đất.

Ông John J. O'Neil cho rằng ngày rằm, ngày đầu tháng (mặt trời, mặt trăng đồng cung, hay đối đỉnh); ngày Đông chí (21 December), ngày Hạ Chí 21 June, thường cũng hay có liên quan đến các vụ động đất. Vùng Sierra hay động đất vào đầu tháng; vùng San Andreas hay động đất vào giữa tháng.

Riêng tôi sau khi đối chiếu âm lịch, Dương lịch của hơn 20 vụ động đất lớn, tôi thấy: Động đất vào đầu tháng hay cuối tháng nhiều hơn là động đất vào giữa tháng. Và ngày xê xích như sau: Mồng 1 + 6; 15 + 6.

Tháng 7, 1963, tiến sĩ F.F. Evison tuyên bố đã tìm ra được lý do động đất. Theo ông thì, do sức hấp dẫn từ trường của các hành tinh như Uranus, Neptune, Saturn, Jupiter nói trên, các tinh thể khoáng thạch trong vỏ trái đất như thạch anh (quartz), thạch mặc (graphite), kim cương (diamond), đá mã não (agate), ngọc thạch lựu (garnet) sẽ co, hoặc dãn. Và sự co, hoặc dãn đó, nếu xảy ra trong một vùng lớn, sẽ sinh động đất [5]

Nói như vậy thì động đất là do những nguyên nhân tự nhiên, mà sau này càng ngày người ta sẽ càng tìm ra được. Mỗi khi hội đủ các căn do trên, sẽ lại có động đất, dẫu thần thánh cũng không ngăn nổi.

Nếu đúng như vậy, thì tuy không ngăn đươc động đất, sau này con người sẽ đoán được là sẽ động đất ở đâu. Từ sau 1960, đã có những chuyên viên khảo về duyên cớ động đất. Và càng ngày người ta càng nghĩ ra được cách làm nhà, để dẫu động đất cũng không đến nỗi bị tổn hại lớn. Các chính phủ Nhật và Mỹ đều có những qui định về cách thức xây cất nhà cửa chống động đất.

Trên đây, tôi chỉ mới viện dẫn câu chuyện động đất, và cho rằng những hiện tượng thiên nhiên ấy không thể nào có thể khác hơn được. Và con người đừng nên làm phiền thần minh, và quặc thần minh vào những chuyện tai bay, vạ gió gian trần.

Những chuyện lụt lội, phong ba, bão táp, những chuyện núi lửa phun, từ khai thiên, lập địa đến nay, đều đã xảy ra mà không hề có ác ý.

Đáng thương thay là cái con người, lúc sống thì bị đe dọa trời phạt lúc sống; lúc chết, thì bị đe dọa trời phạt lúc chết. Rồi lại được dạy dỗ phải cúi đầu, cúi cổ chịu đựng mọi sự bất công, mọi sự khổ đau nơi gian trần, mà vẫn phải mỉn miệng cười!

Chúng ta phải là những kẻ không hèn! Chúng ta phải chấp nhận mọi chếch mác dở dang đã và đang xảy đến cho con người, như là những thử thách mà chúng ta cần lướt thắng. Chúng ta còn đói khổ ư? Chúng ta sẽ sáng tạo; chúng ta sẽ chế ra thêm máy móc; chúng ta sẽ chế ra thêm phân bón; chúng ta sẽ cải tiến kỹ thuật trồng tỉa; chúng ta sẽ cải tiến mậu dịch, cải tiến phương tiện vận chuyển, giao thông. Rồi ra thế giới chúng ta sẽ được no ấm.

Chúng ta còn bị bệnh tật đe dọa ư? Chúng ta sẽ cố giữ vệ sinh, sẽ cố sống mực thước, điều độ; sẽ cố tìm ra nguyên nhân, và phương thức để chữa các bệnh tật. Chúng ta đã tận diệt được bệnh đậu mùa; chúng ta đã chặn đứng được bệnh phong cùi; chúng ta đã chữa được bệnh lao; chúng ta đã thay được tim, được thận, được gan; chúng ta đã nối được thần kinh, nối được mạch máu; chúng ta đã dùng được siêu âm để rung tan các sạn trong mật, trong thận; chúng ta đã dùng tia Laser để hàn được võng mạc bị long. Như vậy thì trong một tương lai gần gũi, chúng ta sẽ chữa được bệnh AIDS; chúng ta sẽ chữa được các bệnh điên loạn; chúng ta sẽ chữa được bệnh ung thư. Chúng ta chỉ việc đổi tầm nhìn, lối nghĩ, đổi thái độ, đổi lề lối làm việc, đổi cách thức tổ chức đời sống; đổi cách tiếp nhân, xử thế, là chúng ta sẽ sung sướng hơn!

Chúng ta hãy giơ tay huynh đệ bắt tay với mọi người. Chúng ta hãy cố đối đãi với nhau cho thành khẩn, cho kính trọng, cho thân yêu. Hãy đem tình thương mà sưởi ấm nhân quần và hoàn võ.

Chúng ta có thể sửa sang lại cái xã hội loài người của chúng ta cho ngày một thêm đẹp đẽ. Sang được nước Mỹ này, thở được bàu không khí tự do; hưởng được một chế độ dân chủ thực sự; hưởng được một tổ chức xã hội hầu như là bậc nhất hoàn cầu; sống trong một môi trường tự do và thái thịnh thật sự, ta dần dần mới thấy thương những người Ethiopia đói khát; mới thấy thương những dân Iran- Irac vẫn loạn ly; thương người dân Việt sống lắt lay cơ cực, lấy vượt biên làm lý tưởng cuộc đời! Và dần dần mới thấy rằng tất cả những sầu não, những khổ đau, những tang tóc, những chinh chiến đều là nhân tạo cả.

Chúng ta hãy lạc quan lên! Hãy coi tất cả những gì còn dở dang, lạc hậu như là những sự thách đố đối với con tim khối óc của chúng ta.

Chúng ta đừng nên coi vũ trụ này, xã hội này như là cái gì toàn vẹn từ xưa kia, mà nay vì lỗi lầm của tông tổ, đã trở nên hoang tàn, đổ nát. Không! Thế giới và con người chúng ta thực ra đã không được tạo nên toàn vẹn ngay; nhưng thực ra thế giới này và con người chúng ta đã được tạo ra với những khả năng, những tiềm năng, tiềm lực còn đầy ăm ắp. Vũ trụ, và con người đã được tạo dựng nên, để mà phát triển, để mà tiến hóa! Chúng ta hãy đem mồ hôi, nước mắt chúng ta, tâm thần trí não chúng ta để mà khai thác cái kho tàng trời đất vô biên đó. Chúng ta được sinh ra ở cõi đời này, không phải là để van vái thần minh, nơm nớp sợ hãi thần minh, mà thực ra chúng ta là những người sinh ra để tham tán, tài thành công trình đại tạo của đất trời.

Đúng như cụ Trần Cao Vân đã nói:

«Ta và trời đất ba ngôi sánh,

Trời đất in ta một chữ đồng...»

 Chúng ta phải cải tạo xã hội. Chúng ta phải cải tạo con người. Chương trình cải tạo xã hội của chúng ta sẽ như sau:

Mỗi xã hội đều cần phải có:

– Một hệ thống điều khiển, chỉ huy.

– Một hệ thống giao thông tiếp vận.

– Một hệ thống sản xuất.

– Một hệ thống phân phát.

– Một hệ thống phòng thủ.

– Một hệ thống thay thế nhân sự.

– Một hệ thống kiểm soát.

 Quyền lực quốc gia không bao giờ được để nằm trong tay một người, một đảng; không bao giờ được để cho một đạo giáo nào độc tôn, độc diễn. Dĩ vãng đã cho thấy rằng quyền bính một khi đã được tập trung vào trong tay một người, dù là chính quyền, dù là giáo quyền cũng đã gây nên những điều đại họa cho nhân quần.

Chúng ta đừng nên ăn bánh vẽ. Chúng ta sẽ không bao giờ tin vào những lời hứa suông mà chúng ta không có cách nào kiểm soát. Dù là trên bình diện nào, nếu chúng ta thấy không được sung sướng, không được thoải mái, không được hạnh phúc về phương diện cá nhân; nếu chúng ta thấy mất sự thượng hòa, hạ mục, sự đoàn kết, sự đầm ấm, về phương diện gia đình, hay quốc gia hay xã hội, lập tức ta phải nhận ra rằng đã có những duyên do gì chẳng hay, chẳng phải đang ám ảnh chúng ta. Trong tương lai, con người phải nhận định rằng bất kỳ đoàn thể nào, dù là đảng phái, dù là chính trị, dù là đạo giáo, cũng chỉ là những môi trường, những phương tiện giúp chúng ta sống hạnh phúc, vui tươi; giúp chúng ta tiến bộ. Như vậy tất cả những gì trói trăng chúng ta, tất cả những gì làm chúng ta sầu, chúng ta khổ, chúng ta đau, chúng ta buồn, chúng ta phải quẳng ngay nó đi, vì đó là họa, là hại cho chúng ta. Đời trần gian hỏi chúng ta sống được bao lâu, mà lại còn mua sầu, chuốc thảm vào thân! Nếu chúng ta đánh mất tự tin, nếu chúng ta không đích thân lo cho chúng ta hạnh phúc, thì ai nào sẽ đem lại hạnh phúc cho chúng ta?

Đối với con người, chúng ta cần ngần này chuyện:

– Chúng ta cần tình thương,

– Chúng ta cần được người khác trọng kính,

– Chúng ta cần tự trọng,

– Chúng ta cần có quyền uy, có năng lực, có sức mạnh.

Dù chúng ta gọi đó là hùng tâm dũng chí, hay là sức mạnh tinh thần, hay là thế lực, thần lực, Tất cả chỉ cốt là nói lên được khả năng chúng ta sử dụng được ngoại cảnh, tha nhân, và hoàn võ; đáp ứng được những nhu cầu chính đáng của chúng ta; thỏa mãn được những nguyện vọng chính đáng của chúng ta. Mà nguyện vọng chính đáng của con người là gì, nếu không phải là thích ứng được với hoàn cảnh, và tiến hóa mãi trên con đường lý tưởng, con đường Chân, Thiện, Mỹ?

– Chúng ta cần có của cải vật chất.

– Chúng ta cần tài khéo về chân tay, cần thông minh linh lợi.

– Chúng ta cần mở mang trí tuệ.

– Chúng ta cần truyền dòng giống

– Chúng ta cần thỏa mãn nhu cầu thưởng thức nghệ thuật; thưởng thức những cái hay, cái đẹp của thiên nhiên, của nội giới.

– Chúng ta cần có được những cơ hội thuận tiện để phát huy các khả năng sáng tạo của chúng ta.

– Chúng ta cần sự an lạc tâm hồn.

– Chúng ta cần sự giải thoát tối hậu

Nói cách khác:

– Chúng ta cần phải có một đời sống vật chất khả quan.

– Chúng ta cần phải có một đời sống tâm hồn khả quan.

– Chúng ta cần phải có một đời sống tâm linh khả quan.

– Chúng ta phải biết cách LÀM ĂN, phải biết đóng góp vào các công chuyện xây dựng, ngoại cảnh, xây dựng tổ quốc, xây dựng giang sơn.

– Chúng ta phải biết cách LÀM NGƯỜI, phải biết cùng đồng loại sống thực sự trong tình huynh đệ.

– Cuối cùng, chúng ta phải biết LÀM THẦN, THÁNH, theo chân nối gót được các bậc CHÂN NHÂN trong dĩ vãng, cũng như trong hiện tại.

Trời đất đã cho chúng ta những bảo bối để đưa đường chỉ lối cho chúng ta trên con đường CHÂN, THIỆN, MỸ.

Đó là sống theo đúng đồng hồ thời gian, tuổi tác của mỗi người chúng ta. Hưởng những thú vui Trời dành cho mỗi tuổi tác; làm những phận sự Trời dành cho mỗi tuổi tác.

Cái gì chúng ta thích, cái gì chúng ta khát khao thèm muốn, đó là những cái mà cơ thể chúng ta, tâm tư chúng ta cần lúc bấy giờ.

Cái gì làm cho chúng ta nhàm chán, là những gì không thích hợp cho chúng ta nữa.

Cái gì làm cho chúng ta vui sướng, sảng khoái, hồn nhiên, làm tăng giá trị chúng ta, đó là những cái thích hợp cho chúng ta. Những cái gì làm cho chúng ta khổ đau, sầu não, đó là những cái dở, chúng ta cần phải tránh.

Dịch kinh cho chúng ta những tiêu chuẩn như sau để chúng ta biết thế nào là hành động hay, thế nào là hành động dở.

– NGUYÊN: Việc chúng ta làm có tốt lành không?

– HANH: Việc chúng ta làm có được hanh thông không, hay sẽ đưa ta vào thế kẹt?

– LỢI: Việc chúng ta làm có ích lợi cho ta, cho người hay không.

– TRINH: Việc chúng ta làm có theo đúng chính lý, chính đạo không?

– CÁT: Việc chúng ta làm có hay không ? (hay nếu đem lại những giá trị tích cực)

– HUNG: Việc chúng ta làm có dở không? (dở là đem lại những kết quả tiêu cực)

– HỐI: Việc chúng ta làm có trái với lương tâm không, có làm cho chúng ta phải hối hận không?

– LẬN: Việc chúng ta làm, xã hội có chê trách không, có làm cho chúng ta xấu hổ không?

– LỆ: Việc chúng ta làm, có gì nguy hiểm cho chúng ta không?

– VÔ CỮU: Việc chúng ta làm tuy không phải là hay, nhưng cũng không phải là dở, sẽ không bị người đời chê trách, bắt bẻ...

Chúng ta có thể đem quan niệm Âm Dương của Dịch để soi sáng cho vấn đề Thiện Ác. Nhân đó chúng ta sẽ thấy cái nhìn của Dịch kinh khác biệt với cái nhìn của Siêu hình học Âu Châu.

Dịch phân biệt Âm Dương, nhưng không phân biệt một cách ráo riết, triệt để; ngược lại vẫn chủ trương Âm sinh Dương, Dương sinh Âm; trong Âm có Dương, trong Dương có Âm.

Siêu hình học Âu Châu đã phân biệt, thời lại phân biệt một cách triệt để, rứt khoát. Đối với Siêu hình học Âu Châu, thời Thiện là Thiện, Ác là Ác; tinh thần là tinh thần, vật chất là vật chất; đôi đàng hoàn toàn đối đỉnh nhau, hoàn toàn mâu thuẫn nhau.

Trong khi Dịch kinh chủ trương trong Âm có Dương, trong Dương có Âm; Họa sinh Phúc, Phúc sinh Họa, thì Siêu Hình Học Âu Châu, vì dựa trên nguyên lý đồng nhất (Principle of Identity), không chấp nhận rằng A vừa là A lại vừa có thể là B. Nói cách khác, các sự vật, các hiện tượng chỉ có thể chuyển dịch, tăng giảm, chứ không sao biến thể được. Như vậy vũ trụ này sẽ không thể biến hóa vô cùng; mà chỉ là sự nhắc đi, nhắc lại của một số sự kiện với ít nhiều tăng giảm.

Đối với Kinh Dịch, Âm Dương chẳng qua là hai phương diện, hai mặt trái phải của một thực thể. Chúng hỗ tương ảnh hưởng, tác dụng trên nhau. để sinh ra thiên biến, vạn hóa, nhưng đều qui hướng về một mục đích là phát huy vũ trụ cho đến hoàn thiện hoàn mỹ.

Cũng một lẽ, đối với Kinh Dịch, thì ở đời này Thiện, Ác, Cát, Hung đều là tương đối. Thời này cho thế này là hay, là phải; thời khác lại cho thế kia mới là hay, là phải; còn thế này lại là dở là trái.

Trang tử cho rằng: Muốn cái hay mà không muốn cái dở, nuốn trật tự mà không muốn hỗn loạn, tức là không biết định luật của trời đất. [6]

Heraclitus cũng cho rằng vũ trụ biến hóa để đi đến sự hòa hợp của mọi mâu thuẫn. Theo ông, nếu chúng ta coi lành dữ là hai sự kiện mâu thuẫn, sung khắc, chính là vì quan điểm ta còn hẹp hòi, và vì ta chưa biết qui chúng về toàn bích, toàn thể. Qui tụ được chúng về toàn bích, toàn thể, chúng sẽ hòa hiệp với nhau. [7]

Khảo thư tịch Âu Châu, ta thấy có hai quan niệm khác nhau về Thiện Ác:

1.- Một quan niệm tối cổ cho rằng Thiện Ác là hai Nguyên Lý song sinh do Thượng đế tối cao sinh xuất. Ta thấy dấu vết của quan niệm này trong đạo giáo tối cổ Ai Cập với lưỡng thần Osiris- Isis; hoặc trong đạo Bái Hỏa với quan niệm lưỡng thần Thiện (Spenta Mainyu) và Ác (Angra Manyu). Sách Ecclesiasticus, trong bộ Thánh Kinh Công giáo cũng cho rằng: «Thiện và Ác; Sống và Chết; Nghèo và Giàu, tất cả đều do nơi Chúa.» (Eccles. 11:14).

2.- Một quan niệm tân thời hơn coi Thiện Ác là hai thực thể hoàn toàn đối kháng, thù địch nhau.

Bái Hỏa giáo sau này cho rằng thần thiện là Ahura- Mazda hay Ormud; thần Ác là Angra Manyu hay Ahriman.

Đạo Mani chủ trương vũ trụ có hai căn nguyên: Ánh sáng và Tăm tối. Phía Bắc là giang sơn của Ánh sáng, là nơi ngự trị của đấng Hằng cửu. Phía Nam là giang sơn của Tăm tối là nơi Satan ngự trị,

Công giáo và Tin Lành cho rằng Chúa Trời là căn nguyên sinh điều Thiện; Satan là căn nguyên sinh điều Ác.(Job 16; 2Cor.23- 14; John 8:44; John 3: 8; Apoc. 12:9).

Khi bình giải chương 2 của Đạo Đức Kinh, tôi đã bàn về Thiện Ác như sau:

Theo Lão tử thì trong cái hay, có cái dở; trong cái dở, có cái hay (Đạo Đức Kinh, ch. 58). Vả lại Thiện, Ác cũng chẳng khác nhau là bao nhiêu (Đạo Đức Kinh, ch. 20). Tại sao vậy? Bởi vì vạn vật ảo hóa, biến thiên. Nếu ta tách mọi sự ra khỏi vòng biến dịch, ta sẽ thấy xấu tốt khác nhau. Nhưng nếu ta lồng mọi sự vào vòng biến chuyển, ta sẽ thấy thiện cũng như ác; đẹp cũng như xấu; không có gì là cố định.

Heraclitus cũng đã viết: «Trong chu kỳ biến hóa, sống chết đắp đổi nhau. Tiên tục, tục tiên; tục sống thời tiên chết; tục chết thời tiên sống.» [8]

«Sống hay chết, thức hay ngủ, trẻ hay già chỉ là một, vì trong sự biến hóa, cái này sẽ thành cái kia, cái kia sẽ thành cái nọ.» [9]

«Nhất tán thời thành vạn; vạn tụ thời thành Nhất.» [10] Kinh nghiệm cho thấy rằng: Sự thiện ác theo đà thời gian, theo trào lưu lịch sử cũng đã luôn luôn thay đổi bộ mặt.

Sử gia Henry Steele Commager viết: «Lịch sử cho chúng ta thấy rằng các tiêu chuẩn, các giá trị, các nguyên tắc biến đổi theo thời gian và xã hội. ở trong một xã hội, chúng biến đổi theo mỗi thế hệ...

«Các Giáo Hoàng xưa, là những người đã được tuyển lựa vì học vấn và đức độ, đã tin rằng luân lý đã bắt buộc các Ngài phải tiễu trừ «loạn giáo» (các bè rối) bằng sắt, bằng lửa, bằng bạo tàn, bằng tra tấn. Các người Âu Châu thế kỷ XVII đã không ngần ngại giết người Da Đỏ, vì cho rằng người Da Đỏ không có linh hồn. Những người Thanh Giáo (Puritans) giỏi giang và ngay thẳng, đã không ngần ngại kết án tử hình những mụ phù thủy; và ở thế kỷ XIX, các người Công Giáo miền Nam nước Mỹ đã cho rằng chế độ nô lệ là một ân sủng của Trời.» [11]

Trang tử cũng viết đại khái rằng: «Trên phương diện Đạo thể, thì một cọng cỏ, hay một xà nhà; nàng Lệ hay Tây Thi; vui hay buồn; khôn hay dại; tất cả đều là một. Thịnh suy, thành bại chỉ là những trạng thái tương tục, luân phiên. Tất cả đều là một, nhưng chỉ có những bậc đại trí mới thấy được. Cho nên thánh nhân vượt lên trên các quan niệm thị phi, yên nghỉ trong Hóa Công, mặc cho sự vật chuyển vần xuôi ngược (Nam Hoa Kinh, chương 2).

Sau khi tôi suy tư về quan niệm Âm Dương, Thiện Ác của Dịch Kinh với quan niệm Thiện Ác của Âu Châu, tôi thấy quan niệm của Đông Phương về Thiện Ác rất hợp lý và không làm phiền hà gì đến thánh thần, ma quỉ.

Tôi thương hại cho cả thánh thần và ma quỉ, vì ma quỉ thì khôn ngoan, đem reo rắc biết bao nhiêu điều mà chúng ta «coi là Ác», cho nhân loại; nhưng chúng cũng hết sức vất vả; ăn cơm nhà, vác ngà voi. Còn thánh thần thì tuy là có thương chúng ta; nhưng cho đến nay, vẫn hoàn toàn bất lực, không có ngăn chặn đươc điều Ác chút nào. Đôi khi chúng ta lại đổ tội cho Thượng Đế, và cho rằng các thiên tai, địa họa, các thảm cảnh cuộc đời là do chính Thượng đế đã nổi cơn thịnh nộ và ra tay công thẳng phạt tội loài người. Thượng Đế vừa toàn năng lại luôn luôn nổi giận; ma quỉ thì khôn ngoan, và đầy kinh nghiệm, như những tay cờ bạc bịp; chuyên môn đi lừa thiên hạ; còn thần thánh thì bất lực; con người thì như những con cừu non, làm sao mà chống cự được. Cho nên, từ bao nhiêu nghìn năm năm, Ác vẫn đầy trong thiên hạ. Chúng ta hãy làm một bài toán, mới thấy sự vô lý của các quan niệm của Âu Châu. Hiện nay thế giới có 4 tỉ người. Như vậy, nếu có ma quỉ cám dỗ con người, thì cũng phải có 4 tỉ quỉ. Nếu mà quỉ có kinh nghiệm hơn, cứ 1 quỉ cám dỗ 10 người, thì cũng phải có 400,000,000 quỉ. Quỉ ở đâu ra mà lắm vậy? Mà sao chúng lại dám bỏ nhiệm sở là địa ngục, nơi có lửa diêm sinh đốt chúng liên miên, mà đi vào các cao ốc Mỹ, có gắn máy điều hòa không khí, để cám dỗ mọi người. Trong khi đó thì vô số thiên thần, cũng lìa bỏ thiên đàng xuống trần gian, bảo vệ loài người, và số thiên thần cũng tương đương như vậy. Thế là trái đất đã chật hẹp, lại càng trở nên chật hẹp hơn. Khảo lịch sử, cái gì hay, đẹp làm cho loài người lại chính là do con người, chứ không phải thần thánh! Giải phóng nô lệ là Abraham Lincoln; đem thực thi Tự Do; Bình Đẳng; và tình Huynh đệ, là công lao của Cách Mạng Pháp; trừ tuyệt bệnh đậu mùa là công lao của Edward Jenner... Con người nếu thoát đói khổ, chính là nhờ kỹ thuật, văn minh, chứ không phải do cầu kinh, lần chuỗi.

Mặt khác, nếu cả quỉ lẫn thần lên hay xuống trần làm công chuyện không lấy lương, thì không kể; nhưng nếu cứ phải trả mỗi quỉ, mỗi thần hai Đô la một năm thôi, thì ngân quĩ đất trời cũng phải tiêu chừng 16 tỉ. Nhân loại hiện nay có những chương trình nghiên cứu để chữa các bệnh ung thư, các bệnh di truyền, hay nghiên cứu vấn đề làm tim giả; mỗi năm mỗi chương trình chỉ xài có từ 2 triệu đến 75 triệu Đô la. Tuy nay chưa thành công; nhưng vài ba chục năm nữa sẽ thành công, hay một trăm năm nữa sẽ thành công. Như vậy sự tốn kém rất là ít, mà thành công ít ra cũng được bảo đảm hơn, vì đích con người lo lấy cho con người.

Cho nên, trước sự thất bại của quỉ thần, và sự đình đốn trong vấn đề «diệt ác» trong vòng nhiều ngàn năm nay, và tốn kém không biết cơ man nào là tiền của của cả thiên đàng lẫn địa ngục, nếu xin được ma quỉ, thần thánh trở về vị trí cũ của mình, thì hay biết là bao!

Nhân loại sẽ «đánh Ác», sẽ «thắng Ác», «diệt Ác» dần dần, và liên tục trên mọi lãnh vực, chứ không còn «tránh Ác», không còn chờ ai dẹp Ác thay mình. Nếu chương trình cũ được thay thế bằng chương trình mới nói trên, thì chắc chắn rằng trong vòng ít trăm năm nữa, nhân loại sẽ sung sướng hơn ngày nay rất nhiều! Rút cuộc thiên đường sẽ đông đúc hơn; địa ngục sẽ nhộn nhịp hơn và gian trần sẽ sung sướng hơn. Bề nào cũng có lợi cả.

Nói thế, để chứng minh rằng thần thánh và ma quỉ không hề dự phần vào công chuyện tạo ác cho đời, mà ác chính là do con người tạo nên. Nhân loại xưa đã sai lầm vì không định được thế nào là ác; không biết ác tại sao sinh; các tôn giáo chỉ hạn định cái ác vào ít nhiều tư tưởng, hành vi, thái độ ngược với giáo luật, mà không biết rằng ác có thể ở trên mọi bình diện, từ ngoại cảnh đến xã hội, đến xác thân, đến trí não, tâm hồn; mà không biết ác sinh ra là do ngu dốt, ích kỷ, tham tâm, ghen ghét, hay do những việc làm hoặc thái quá, hoặc bất cập của con người. Có tìm được nguyên nhân, mới có thể DIỆT ÁC. Chúng ta không thể tiêu cực như xưa là chỉ LÁNH ÁC, mà phải tích cực DIỆT TAI, DIỆT HỌA, DIỆT ÁC trên mọi bình diện. Thiên tai, địa họa, con người không diệt được, những cũng nghĩ ra được cách giảm thiểu tai hại tới mức tối đa. Còn những chuyện cơ hàn, tật bệnh. loạn ly, chinh chiến, xáo trộn trong gia đình, quốc gia xã hội, nhất nhất đều có thể diệt trừ được.

Khẩu hiệu của chúng ta từ nay sẽ là

Quyết tâm DIỆT ÁC, Độ Người,

Cùng nhau DIỆT ÁC, cho đời lên hương.

Cùng nhau lấp bể đoạn trường,

Làm cho KHỔ HẢI nên vườn LẠC VIÊN.

 Nhiệm vụ DIỆT ÁC, THẮNG ÁC ngày nay đã được trao vào tay các khoa học gia. Chỉ có khoa học và kỹ thuật, chỉ có quyết tâm của con người mới thực sự sẽ giải phóng dần con người cho khỏi điêu linh, khổ ải, bệnh tật. Các tôn giáo sẽ chỉ là những kẻ bàng quan, nhìn ngắm các "phép lạ" sẽ xảy ra, do cây đũa thần của khoa học và kỹ thuật và sự quyết tâm của loài người!

Tôi không nói đến những chuyện con người đã du nguyệt điện, tôi không nói tới những chuyện con người đã tạo nên biết bao vì tinh tú tí hon đang vận chuyển trên không trung để đi thám hiểm Hỏa Tinh, Thổ Tinh hay Mộc Tinh, mà tôi chỉ muốn nói tới những công trình y khoa vĩ đại đã và đang thực hiện trước mắt chúng ta, với mục đích là diệt trừ bệnh tật làm cho con người sống mạnh, sống lâu. Với những ống kính tối tân, như những cặp mắt thần, nhân loại đang đi vào lòng sâu các tế bào, để tìm hiểu căn do các bệnh di truyền.

– Trước 1865, người ta cho rằng bệnh di truyền là do máu huyết mẹ.

– Đến năm 1865, Gregor Mendel cho rằng có những "đơn vị riêng biệt" tàng trữ, các đặc tính di truyền.

– Khoảng năm 1944, O.T. Avery chứng minh rằng những "đơn vị" đó chính là DNA (Desoxyrinucleic acid).

– Năm 1953, Watson và Crick tìm ra được cơ cấu của DNA.

– Sau đó, người ta đọc được các mật khẩu, mật lệnh ghi trong cơ cấu DNA (genetic code).

– Và người ta thấy rằng các bệnh di truyền đã sinh ra là vì một amino-acid nào đó đã bị gắn lầm, mắc lầm; hoặc một phân hóa tố (enzyme) nào đó đã bị mất trong xâu chuỗi DNA, và vì vậy mà các bệnh di truyền đã sinh ra, như trong các bệnh Thiếu máu với hồng huyết hình lưỡi liềm (Sickle cell anemia), bệnh Tay-Sachs, bệnh không biến dưỡng được chất Phenylanaline (Phenylketonuria) v.v...

– Thế là khoa di truyền học đã được lập ra với mục đích là học và chữa các bệnh di truyền.

– Nhân loại hiện đang chú trọng chữa nhiều bệnh khác như ung thư, bệnh già, bệnh AIDS v.v...

– Để giúp con người chống lại các vi trùng, siêu trùng, nhân loại đang cố tìm cách chế ra các chất có khả năng làm tăng số bạch cầu (white blood cells), mà họ gọi bằng những danh từ ghê gớm như: granulocyte- macrophage-colony stimulating factor (GM-CSF); granulocyte-colony- stimulating factor (G-CSF) và Interleukin 3. Giáo sư David Golde ở UCLA sau khi thử nghiệm chất GM-CSF nói trên, đã thấy số lượng các bạch cầu tăng trưởng rất nhanh, chẳng khác nào như trong một nước bị ngoại xâm, dân con trai tráng ào ạt đi tòng quân, để đáp lời sông núi.

– Được đà, người ta lại chế tạo luôn các chất làm tăng trưởng tế bào da (Epidermal growth factor: EGF), hoặc các tế bào thần kinh (Nerve growth factor: NGF).

– Tiến sĩ Carl Cotman ở UCI cho rằng có thể cấy các tế bào não của thai nhi (fetal neurons), để giúp các tế bào não tái tạo lại.

– Estrogen có thể sẽ được dùng như là một loại thuốc "trú nhan", giúp các bà trẻ mãi.

- Theo Tiến sĩ Allan Golstein, đại học George Washington, ở Washington D.C., thì chất thymosins, rút từ tuyến THYMUS, có thể chữa được vô số bệnh.

- Và trong một tương lai không xa, nhân loại sẽ sống khoẻ, sống trẻ, và tuổi thọ trung bình sẽ là 150.

Lúc ấy tuổi về hưu sẽ ấn định lại là 100! Số cháu con sẽ tăng lên gấp bội!

Thế là trong bốn chuyện SINH, LÃO, BỆNH, TỬ mà đức Phật lo phiền, nhân loại sắp xóa đi hai chữ là BỆNH và LÃO!

Nếu lấy hai chữ DIỆT ÁC làm khẩu hiệu, trong tương lai, nhân loại sẽ làm được thêm những điều hết sức lạ lùng, vượt sức tưởng tượng của quần chúng. Cho nên, ngay từ bây giờ, mỗi người chúng ta phải tâm niệm là phải DIỆT ÁC, THẮNG ÁC, bắt tay nhau làm cho trần gian này trở thành lạc cảnh. Đó là chương trình vĩ đại mà từ bây giờ, toàn thể nhân loại sẽ quyết tâm gánh vác. Tóm lại, Thiện là công trình con người đóng góp để đi tìm những định luật vĩnh cửu của trời đất để mà theo mà giữ. Đức Khổng xưa đã mất bao công lao để khảo cứu văn hóa Trung Hoa, để tìm cho ra những định luật vĩnh cửu mà người xưa đã tìm ra. Khổng tử gọi đó là Lễ. Còn Ác là cái gì ngược lại

Tìm ra được những định luật thiên nhiên để mà theo mà giữ; tin tưởng sắt đá vào giá trị vô biên của con người; tin tưởng vào tiền trình vô hạn của mình; biết nhận định cho xác đáng thế nào là Thiện, thế nào là ÁC, thế nào là HAY, thế nào là DỞ, ta sẽ thấy rằng ÁC chẳng qua chỉ là những thách đố, những động cơ thúc đẩy con người phát huy quyền uy của mình, khả năng sáng tạo của mình; phát huy tiềm năng, tiềm lực của mình, phát huy tình đoàn kết và nghĩa hợp quần.Hiểu như vậy, chúng ta vừa hào hùng, vừa thảnh thơi tiến dần về phía Đạo Thể vô biên.

Để kết thúc Chương bàn về THIỆN, ÁC này tôi mượn lời kinh Veda, mà tôi đã dịch thành thơ như sau:

Đường Trời cao vút từng mây,

Ai ơi! đừng có một ngày lui chân!

Đức Trời, lồng với kinh luân,

Ta đem ta xẻ, ta phần cho ai.

Hãy lên rong ruổi xe Trời,

Băng miền cực lạc, muôn đời trường sinh.

Răng long, đầu bạc mặc tình,

Đừng bao giờ nói rằng mình già nua

Thần thông Trời đã phú cho,

Bạc đầu, lòng vẫn phởn phơ, nhẹ nhàng.

Vén mây, vượt núi, băng ngàn,

Đường Trời chót vót, chớ màng lui chân...[12]

Đó chính là «Chỉ ư chí thiện» vậy.


CHÚ THÍCH

[1] "For what flood of eloquence can suffice to detail the miseries of this life?" he laments in The City of God. Paul Edwards, Editor in Chief,The Encyclopedia of Philosophy MacMillan Publishing Company Inc. 1972, p. 92.

[2] Navarette declared that since Socrates, Plato, Aristotle, Pliny, Seneca etc...were irretrievably damned, how much more Confucius who was not worthy to kiss their feet...The Holy Office replied: "Allowing for what has been said, it is forbidden to say that Confucius is saved". Cf. Malcolm Hay, Failure in the Far East, pp. 128 & 129.

[3] P. Leon Wieger S.J., Histoire des Croyances religieuses et des Opinions philosophiques en Chine depuis l'origine jusqu'à nos jours, pp.553- 554.

[4] Paul Edwards, Editor in chief,The Encyclopedia of Philosophy, pp.81- 112.

- James Hasting, Editor, Encyclopedia of Religion and Ethics,Vol. VI, Art. Good and Evil, p. 318 & ss.

- The Encyclopedia Americana, art. Ethics p. 611 & ss.

[5] Joseph F Goodanage, Astrology, the Space- Age Science; Parker Publishing Company, Inc. West Nyack, New York, 1966, pp.47 & ss.

[6] Vouloir le Bien sans le Mal, l'ordre sans le désordre, c'est méconnaitre les lois de l'Univers, et la nature des êtres. C'est comme si on voulait le Ciel sans la Terre, le Yin sans le Yang, ce qui est inconcevable." (Tchuang Tseu cité par R. Brémond, La Sagesse selon le Tao, p. 65.

[7] L'opposition des principes inférieurs est- elle irréductible? Le bien et le mal, en particulier, sont- ils en face l'un de l'autre à jamais? C'est tout notre problème. Héraclite le résout par l'Unité, par la domination d'un Principe suprême dont les lois humaines aussi bien que les lois divines ne sont qu'une participation. "Toutes les lois humaines sont nourries par la seule loi divine, écrivit- il; celle- ci prévaut autant qu'elle le veut, suffit à toutes choses sans même s'y épuiser." Le bien et le mal sont un, ajoute- il; si nous les opposons, c'est en raison de nos vues étroites et partielles, et faute de les rapporter au Tout où ils s'unissent dans une harmonie parfaite. Pour Dieu, toutes choses sont belles, bonnes et justes; mais les hommes tiennent certaines choses pour justes, certaines autres pour injustes."

A.D. Sertillanges, Le Problème du Mal,p. 82.

[8] Dans le cycle, vie et mort s'échangent. "Immortels, mortels; mortels, immortels; notre vie est leur mort, et notre mort est leur vie."(Abel Janière, La Pensée d'Héraclite d'éphèse,Aubier, Les Editions Montaigne, 1959, p.80).

[9] C'est la même chose d'être, ce qui est vivant et ce qui est mort, éveillé ou endormi, jeune ou vieux, car par le changement, ceci est cela, et par changement, cela est à son tour ceci (Ib. 80- 81).

[10]...Grand cycle de la concentration et de la déconcentration de l'Identique (Ib. 81). L'Un pénètre dans la multiplicité, et la multiplicité n'est qu'une forme de l'Unité; bien plus, elle est l'Unité même... (Ib. 91)

[11] Si l'histoire "nous apprend" quelque chose, c'est bien que les normes, les valeurs et les principes varient considérablement d'âge en âge, de société en société, et même d'une génération à l'autre, dans la même société. Des papes, qui avaient été choisis pour leur savoir et leurs vertus, étaient convaincus que la morale exigeait qu'ils abattent les hérésies par le fer et par le feu, par la cruauté et la torture; les Européens du XVIe siècle ne se faisaient aucun scrupule de tuer des Indiens, parce que les Indiens n'avaient pas d'âme; des Puritains doctes et droits envoyaient sans broncher les sorcières à la mort et au XIXe siècle, dans le Sud des Etats Unis, des chrétiens considéraient l'esclavage comme une bénédiction de Dieu. (Henry Steele Commager, L' Historien et l' Histoire, Nouveaux Horizons 1967, p. 149).

[12] Hymn from the Veda:

Steep and high is your path of pilgrimage, o man; never descending low. I have equipped thee with the divine wisdom and power to live a full and vigorous life. Come and enter the divine chariot of immortal bliss. Never say you are old, o my traveler. With advancing age, blessed with the wealth of wisdom, you shall ever remain young and vigorous. Up and high goes your path, never descending low. (Atharvaveda).


» Mục lục | Phi lộ | Chương: 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13  14  15  16  17  18  19  20