Đường vào Triết học và
Đạo học
Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ
»
Mục lục |
Phi lộ | Chương:
1 2
3 4
5
6
7 8
9 10
11
12 13
14 15
16 17
18 19
20
Chương 6
LUẬT TRỜI,
LUẬT NGƯỜI
(Hay luật tự
nhiên và luật nhân tạo)
Đối với
đại đa số, phân biệt đâu là luật Trời, đâu là luật người, là một vấn đề
chẳng cần phải đặt ra. Tuy nhiên, đối với tôi, chuyện này đã làm tôi băn
khoăn không biết bao nhiêu là năm tháng. Sau đây là nhưng cảm nghĩ riêng
tư của tôi về vấn đề này. Tôi sẽ hết sức thành khẩn trình bày những băn
khoăn, thao thức của tôi, những nhận xét riêng tư của tôi. Mong sẽ được
sự thông cảm của quí vị. Những điều tôi sẽ trình bày, tuyệt đối không có
một ý gì đả kích một ai, một tôn giáo nào, mà chỉ cốt là đi tìm Chân,
Thiện, Mỹ.
Sự phân
biệt luật Trời, luật người đã manh nha nơi tôi từ mấy chục năm nay, từ
khi tôi khảo về chữ Lễ của Khổng giáo. Khi mới bắt đầu nghiên cứu đạo
Khổng, tôi cứ nghĩ Lễ là Lễ nghi, Lễ phép. Dần dà, tôi mới hiểu Lễ chính
là định luật thiên nhiên, mà tôi gọi là luật Trời, ý Trời.
Tiến lên
một bước nữa, tôi suy ra rằng nếu luật thiên nhiên, là luật Trời, là ý
Trời, thì nó phải vĩnh cửu, nó sẽ không có biên cương bờ cõi, và nó sẽ
chi phối vũ trụ, vạn hữu, chứ không là sở hữu của một đạo giáo nào. Tôi
sẽ dần dần chứng minh những tiêu điểm đã nêu trên...
Định luật
thiên nhiên, hay định luật tự nhiên được đổi tên tùy theo mỗi đạo giáo.
Khổng giáo gọi đó là Lễ.
Phật giáo gọi đó là DHAMMA
(PHÁP)
Bà La Môn gọi đó là RTA.
Bái hỏa giáo gọi đó là
ASHA.
Nếu cần
phải dùng từ ngữ tôn giáo Tây phương, tôi sẽ gọi định luật tự nhiên
(natural laws) là ý Chúa, ý Trời (God's will), là luật Trời (divine
laws). Có thể đây lại là một nhận định riêng tư của tôi, vì nhiều người
sẽ cho rằng: định luật tự nhiên (natural laws) là thấp; định luật siêu
nhiên (supernatural laws) mới là cao. Đối với tôi, nếu đã chấp nhận rằng
định luật tự nhiên là định luật Trời, là ý Trời, thì sẽ không còn có
chuyện định luật siêu nhiên nữa. Thế gọi là CHÍNH DANH!
Thánh
kinh Công Giáo cũng cho rằng Luật Trời là những định luật vĩnh cửu: «Fidelia
omnia mandata ejus, confirmata in saeculum saeculi, facta in veritate et
aequitate.» (Thánh Vịnh 111, 110, 8). Nghĩa là: «LUẬT NGÀI tín thành
muôn kiếp, lập ra trong chân lý và công bình.» Nếu đã vậy, chúng không
thể thay đổi được.
«Luật
Trời là đuốc sáng, là ánh sáng.» (Quia mandatum lucerna est, et lex
lux) (Prov. 6, 23).
«Giữ Luật
Trời là giữ hồn mình.» (Qui custodit mandatum, custodit animam suam)
(Prov. 19, 16), v.v.
Thực ra,
ngày nay người ta không còn biết thế nào là Luật Trời nữa.
Hiểu được
thế nào là Lễ, thế nào là định luật của trời đất, ta mới thấy tội nghiệp
cho ông Khổng. Thực vậy suốt đời, ông đã đi tìm những định luật đất
trời, để cho mình theo, để cho người theo, để cho quốc gia, xã hội theo;
mà người ta không biết chuyện đó; không nhận ra được sự đóng góp lớn lao
của ông, mà cứ tưởng rằng đạo Khổng bày ra nhiều lễ nghi phiền tạp, rắc
rối. Người ta chỉ hiểu LỄ là LỄ NGHI, chứ không biết LỄ là ĐỊNH LUẬT ĐẤT
TRỜI. Nếu đã không hiểu LỄ là ĐỊNH LUẬT ĐẤT TRỜI, thì dĩ nhiên sẽ không
hiểu được quẻ LÝ, vì quẻ LÝ cốt dạy con người phải sống thuận theo định
luật của trời đất. Gần đây đọc bài «Tìm về cái gốc của Nhân văn Việt
Nam: Gia đình và phúc đức», đăng trong Đất Nước Tôi, nơi trang 10, tôi
rất mừng vì thấy ông bạn Cao Thế Dung, cũng đã hiểu LỄ là định luật tự
nhiên, định luật trời đất. ông viết: «Lễ như là một cửa lớn mà con
người tìm đến thiên đạo để sống hòa thuận với tình người. Vì thế thánh
nhân cho rằng người phải biết LỄ.
«Quốc
phá, gia vong, nhân tâm ly tán, chỉ vì con người đã không biết sống theo
LỄ, tức là theo luật tắc của trời Đất, của nhân sinh...»
Tôi hiểu
được LỄ là định luật trời đất, có lẽ một phần cũng nhờ công trình khảo
cứu của Joseph Needham, nhất là khi đọc các trang từ 518 đến 538 quyển 2
của bộ Science and Civilisation in China của ông.
Trong
thiên khảo luận về luật Trời mà ông gọi là natural law (lex
naturalis), và luật người mà ông gọi là positive law, ông đã viện
dẫn các tác giả trứ danh như Aristotle, Cicero, và Thomas Aquinas.
Aristotle
(384–322 B.C.) gọi luật tự nhiên là NATURAL (hay PHYSICON); luật người
là luật qui ước hay nhân tạo (CONVENTIONAL hay NOMIKON).
Cicero
(106–43 B.C.) cho rằng định luật tự nhiên là định luật Trời, cố dạy con
người làm điều hay, tránh điều dở.
Thánh
Thomas Aquinas (1225–1274) cho rằng định luật thiên nhiên chính là thiên
lý vĩnh cửu, chính là sự khôn ngoan của Trời, hướng dẫn mọi hoạt động,
mọi biến chuyển.
Đến đây,
nếu ta dùng từ ngữ KHỔNG GIÁO, ta sẽ gọi:
ĐỊNH LUẬT
TỰ NHIÊN, ĐỊNH LUẬT TRỜI ĐẤT là LỄ.
ĐỊNH LUẬT
NHÂN TẠO là LUẬT.
ĐỊNH LUẬT
TỰ NHIÊN là những định luật vĩnh cửu, không có màu da, sắc áo, không lệ
thuộc không gian, thời gian.. Những định luật tự nhiên đã được qui định
để vũ trụ biến hóa có lớp lang tiết tấu, để quần sinh sống trong an bình
trật tự, để con người sống sung sướng, khoẻ mạnh; để xã hội loài người
sống thượng hòa hạ mục, kính trọng lẫn nhau, yêu thương lẫn nhau, hoà
hài, liên đới, cộng tác với nhau, để phát triển mọi tiềm năng, tiềm lực
mình, cho tới vô hạn định. Luật thiên nhiên có mục đích bảo đảm hạnh
phúc con người. Vì các định luật tự nhiên vĩnh cửu và phổ quát, nên
không lệ thuộc vào một vị giáo chủ nào, một đạo giáo nào. Các vị giáo
chủ xưa này chỉ là những người có công suy diễn ra ít nhiều định luật tự
nhiên đó mà thôi. Khổng tử là một vị giáo chủ đã dày công đi tìm những
định luật tự nhiên mà ông gọi là LỄ, lại cũng đã vạch cho chúng ta thấy
cung cách ông đã dùng để đi tìm định luật đất trời. Lát nữa chúng ta sẽ
bàn thêm.
Còn LUẬT
NHÂN TẠO là những luật mà mỗi một đạo giáo, mỗi một chính thể, mỗi một
quốc gia lập ra để bắt những người dưới quyền mình tuân giữ. Định luật
nhân tạo có sinh, có tử, có không gian, thời gian, có biên cương, bờ
cõi. Giữ những định luật ấy, nhiều khi cũng cần thiết để giữ trật tự xã
hội, giữ hòa khí với tha nhân; nhưng nhiều người trong thâm tâm càng
ngày càng cảm thấy nó phi lý, và ngột ngạt. Những định luật nhân tạo này
đã được lập ra do những người đương quyền, hoặc là do các đạo giáo trong
thiên hạ. Nó có mục đích lồng con người vào trong những khuôn khổ cố
định, bất chấp sự đau khổ của con người, bất chấp sự an nguy của cá
nhân. Nó chỉ đòi hỏi cá nhân phải tùng phục, còn chuyện đau, hay khổ;
bệnh hay hoạn, nó không bao giờ nghĩ tới., vì luật nhân tạo được lập ra
là vì lợi ích của giáo đoàn, lợi ích của đảng đoàn, chứ đâu phải vì lợi
ích của cá nhân. Có một điều hết sức lạ là nhiều khi những ĐỊNH LUẬT
NHÂN TẠO này lại được thoa son, vẽ phấn, để được tôn vinh lên thành ĐỊNH
LUẬT TRỜI. Nó có thể được ghi thành luật Trời ngay vào trong các thánh
thư, thành thử càng ngày vàng thau càng trở nên lẫn lộn, quần chúng
chẳng còn biết đâu là luật trời, đâu là luật người nữa.
Tôi quen
một ông bạn Việt Nam, một hôm đến tôi chơi, và nói cần phẩi giữ luật
Trời. Ông còn nói ngạn ngữ Việt có câu: «Biết luật Trời, mười đời
không khó.» Tôi thấy đó là điều rất lạ. Ông không phải là triết gia,
nhưng nhờ suy tư mà tìm ra được như vậy. Thật là hiếm có.
Khi ta
nắm được những nguyên tắc này, ta sẽ thấy có rất nhiều luật tuy đã được
ghi chép trong thánh kinh, nhưng vẫn là luật qui ước, nhân tạo.
Năm 1960,
tôi đã có dịp nhận định ra những định luật nhân tạo ấy. Số là tôi được
cử đi dự Hội Nghị Quân Y quốc tế tại Teheran (Iran). Tôi đến Teheran
nhằm đúng ngày Thứ Sáu. Quang cảnh đường xá hôm ấy vắng teo. Tôi hỏi tại
sao? Người Teheran cho biết ngày Thứ Sáu trong tuần là ngày lễ nghỉ. Họ
nói tiếp: Thiên Chúa giáo nghỉ Chủ Nhật; Do Thái giáo nghỉ Thứ Bảy; Hồi
giáo chúng tôi nghỉ Thứ Sáu. Lúc ấy, tôi lập tức nhận ngay ra rằng nghỉ
Thứ Sáu, Thứ Bảy, hay Chủ Nhật, chỉ là vấn đề qui ước, tương đối, nhân
tạo. Thế rồi, thả hồn theo mộng mơ, tôi ước muốn được làm một nhà ngoại
giao sống ở nước Hồi giáo, vì tôi mỗi tuần được nghỉ những 3 ngày: thứ
6, thứ 7, và Chủ Nhật.
Tôi đi
thăm đền thờ Hồi giáo thấy không có ảnh tượng; thăm đền thờ Do Thái
giáo, thấy không có ảnh tượng; thăm các nhà thờ Tin Lành chỉ thấy thánh
giá trần, không ảnh tượng; nhưng vào các nhà thờ Công Giáo bên Đông,
cũng như bên Tây thấy đầy ảnh tượng. Tôi hỏi người Do Thái tại sao như
vậy, thì họ cho biết điều răn thứ hai cấm thờ ảnh tượng; điều răn thứ ba
giữ ngày Thứ Bảy. Tôi hỏi người Công giáo tại sao làm vậy, thì được trả
lời: Chúng tôi giữ ngày Chủ Nhật, vì ngày Chủ Nhật là ngày chúa sống
lại; chúng tôi thờ kính ảnh tượng, vì sau khi Chúa xuống thế làm người,
mang hình hài vật chất, thì thờ ảnh tượng, hay nói cho đúng hơn, «KÍNH»
ảnh tượng cũng không sao. Nếu vậy, thì những giới răn Chúa dẫu là ghi
trong Kinh Thánh (Exodus 20,4- 8; Deuteronomy 5, 8- 12), nhiều khi vẫn
là luật người, và người Âu Châu ít ra đã bỏ đi hai điều răn trong mười
điều răn Thiên Chúa. ấy là chưa kể đến vô số luật khác đã ghi trong
Leviticus, như cấm ăn thịt lợn (Leviticus 11,7), cấm uống máu (Leviticus
17, 10- 11; 13- 14), con trai sinh ra được tám ngày phải cắt bì (Lev.12,
3). Sau này, Thiên Chúa Giáo không giữ những giới luật đó nữa, và cho đó
là luật Moses chỉ ràng buộc dân Do Thái, mặc dầu Kinh thánh ghi rõ rằng:
«Ta là Yahve, các ngươi phải giữ luật ta, và phong tục ta truyền. Ai
giữ, sẽ được sống.» (Leviticus, 18:4.- 19:37); mặc dầu chúa Jesus đã
phán quyết rằng: «Đừng tưởng ta đến để bãi bỏ lề luật hay các tiên tri.
Ta đến không phải để bãi bỏ, mà là để làm trọn. Quả thật, ta bảo các
ngươi, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm, một phảy trong Lề luật
cũng chẳng thể bỏ qua.» (Mat. 5,17- 18). Tôi không biết những người theo
giáo phái Chứng Nhân Đấng Jehovah có cắt bì không (tôi chắc là không);
có ăn thịt heo không (tôi chắc là có), nhưng rắc rối là họ nhất định
không chịu cho truyền máu, mặc dù là nguy cơ đến tính mệnh, để giữ trọn
lời Kinh thánh trên. Tội nhất là mấy ông bác sĩ, nhiều khi phải xin án
lệnh của tòa mới dám truyền máu. Khi nào tôi gặp họ lại, tôi sẽ hỏi kỹ
họ xem họ có cắt bì cho các con trai họ không, xem họ có mua thịt heo ở
các siêu thị không, hay là họ chỉ giữ luật có một vài phần.
Tín đồ Cơ
Đốc Phục Lâm (Seventh Day Adventists), vì muốn giữ ngày Thứ Bảy, và
không giết người, theo đúng giới răn Thiên Chúa, nên dẫu có đi lính,
cũng không chịu mang súng, và nhất định nghỉ Thứ Bảy thay vì Chủ Nhật.
Quân đội Âu Mỹ rất khổ tâm, khi phải đối phó với họ.
Về vấn đề
hôn nhân, Do Thái giáo không cấm lấy nhiều vợ. Bằng chứng là Abraham có
2 bà; Jacob có hai bà; vua David có nhiều vợ; còn vua Salomon thì có tới
700 vợ hàng vương tước, và 300 cung tần (I. Kings XI,1- 3). Công giáo
chỉ cho phép lấy một vợ. Hồi giáo cho phép lấy tới 4 vợ, miễn là thương
yêu và cung phụng bốn bà đồng đều nhau .
Riêng Giáo Chủ Mohammed, Ngài có tới 7 bà: Hadigah, Sauda, Ayeshah (con
của Abu Behr), Hafza (con Omar), Zainab (nguyên là vợ của một tín đồ Hồi
giáo bị giết ở Bedr), Zainab (nguyên là em gái họ ông, và cũng nguyên là
vợ của một người con trai nuôi ông, tên là Zaid), Mary.
Giáo phái
Mormons trước đây cho phép lấy nhiều vợ, nhưng sau bị chính quyền Mỹ cấm
đoán, nên đành phải bãi bỏ giáo luật này. Nhưng nếu ăn vụng mà biết chùi
mép, thì chắc giáo đoàn vẫn khoan xá. Ở Á Đông, thì chuyện năm thê, bảy
thiếp trước đây là chuyện thường. Chẳng có đạo giáo nào để tâm cấm đoán.
Nhân loại ngày nay có khuynh hướng «một vợ, một chồng», và cho phép ly
dị khi cơm không lành, canh không ngọt. Phải chăng đây là một giải pháp
đẹp đẽ nhất? Lại còn có giáo luật nộp 10% lương cho Giáo Hội. Luật này
được ghi nhiều nơi trong Kinh Thánh (Lev 27:31.- Nu 18:24- 26; De 12:6;
2Ch 31:12; Am 4:4; Mal 3:8; Neh 10:37- 38; Lu 18:12 v.v...). Thời Trung
cổ Giáo hội Công giáo cũng theo luật này, nhưng ngày nay thì không còn
theo nữa. Còn các giáo phái Tin Lành khác, hay giáo phái Mormons thì áp
dụng hầu như triệt để. Có một thống kê cho rằng giáo phái Mormons nay
hiện có 27 tỉ bạc. Tuy nhiên cũng phải công nhận rằng khi một tín đồ
giáo phái này bị thất nghiệp, thì giáo hội cũng giúp đỡ hẳn hoi... (Xem
các loại Tự điển đạo và đời, nơi chữ Tithe).
Nói đến
những luật dạy kiêng cữ, ta cũng phải nói tới Hồi giáo, và Ấn giáo. Hồi
giáo kiêng ăn thịt heo. Ấn giáo kiêng ăn thịt bò. Bò ở Ấn Độ là những
thứ bò đẻ bọc điều, y như chó, mèo ở Mỹ. Bò có một địa vị rất khả quan
trong xã hội Ấn Độ. Bò có quyền đi nghênh ngang trong các phố xá đông
người giữa các đô thị. Mọi người không ai được động chạm tới! Đi xe, thì
liệu mà tránh. Đụng người may ra còn không sao; chứ đụng bò chắc bị dân
chúng phẫn nộ, đánh cho chết...
Chính vì
vậy mà như tôi đã nói trên, các định luật Trời đất thực ra đã không ghi
tạc ở nơi bia đá bên ngoài, không ghi tạc toàn phần vào trong sách vở,
nhưng đã ghi tạc ngay trong cơ cấu muôn loài, trong định luật vận chuyển
biến thiên của muôn loài.
Khi con
người còn ấu trĩ, sẽ tưởng rằng định luật trời được ghi trong thánh thư,
được ghi tạc nơi bia đá. Nhưng khi con người đã khôn lớn sẽ thấy rằng
định luật trời đất thực ra đã được ghi tạc trong tâm can con người. Có
lẽ vì vậy mà tiên tri Jeremiah xưa đã viết: «Nhưng đây là giao ước mà ta
sẽ ký với nhà Israel, trong ngày đó - sấm của Yahve- ta sẽ đặt lề luật
ta trong tầng sâu bản thể họ, và ta sẽ viết luật ta trong lòng họ...»
(Jeremiah,31,33). Dịch kinh cũng cho rằng khi con người tiến tới «thuần
Dương», «thuần Kiền», sẽ nhìn thấy lề luật Trời: «Kiền Nguyên dụng cửu,
nãi kiến Thiên tắc.»
乾 元 用 九,乃 見 天則
(Kiền, Văn Ngôn, Hào Dụng Cửu)
Kiền nguyên biến hóa xong rồi,
Bấy giờ sẽ thấy Luật trời hiện ra.
Luật trời
đất thực ra đã gắn liền vào cơ cấu muôn loài, muôn vật, gắn vào cơ cấu
quần sinh. Nếu theo đúng những định luật này, vũ trụ sẽ vần xoay, biến
hóa theo đúng lớp lang, tiết tấu; xã hội loài người sẽ hưởng thanh bình,
hạnh phúc; cá nhân sẽ được khỏe mạnh, sướng vui. Nếu không theo, tuy
rằng chẳng đến nỗi trầm luân chín từng địa ngục, bị thiêu sinh muôn
kiếp, nhưng sẽ đau ốm, sầu khổ, chết non, chết yểu, nếu là cá nhân; nếu
là gia đình sẽ bất hòa, tan tác; nếu là quốc gia, xã hội sẽ loạn ly,
điên đảo. Cứ nhìn vào tâm tư, vào thể xác, con người sẽ biết mình theo
đúng định luật đất trời hay không; cứ nhìn vào tình trạng mỗi gia đình,
sẽ biết gia đình đó có theo đúng định luật trời đất, nhân sinh hay
không; cứ nhìn vào thực trạng mỗi quốc gia, sẽ biết ngay nó có theo đúng
định luật đất trời hay không. Theo đúng tiêu chuẩn trên, thì những thể
xác bệnh hoạn, những tâm hồn bệnh hoạn, những tâm hồn lúc nào cũng khắc
khoải, cũng khao khát, cũng thèm muốn, cũng thờ thẫn, cũng hoang vắng,
không thể nào nói được là mình đã và đang theo ý Chúa, ý Trời
được...Thực là hết sức giản dị...
LUẬT TRỜI
đã gắn liền vào cơ cấu muôn loài. Nhìn lên trời cao, ta thấy nhật nguyệt
tinh cầu đều đi theo đúng những đường lối đã chỉ định cho nó. Nhờ vậy mà
ta mới đoán trước được là nhật thực phải vào ngày 30, hay mồng 1; nguyệt
thực phải vào ngày rằm. Ta mới biết được rằng ngày 15, hay 30 thủy triều
sẽ lên cao nhất, và vào những ngày Thượng huyền (mồng 8 ta), hay Hạ
huyền (23 ta), thủy triều sẽ thấp nhất. Ta mới mừng cho ai đi vượt biên
vào tháng ba ta, vì lúc ấy biển lặng, gió êm. Ta thường nói: «Tháng
ba, bà già đi biển.» Ta mới lo cho ai vượt biển vào tháng 9, tháng
10, vì lúc ấy dễ gặp phong ba, bão táp. Robinson Crusoe vượt biển cũng
vào khoảng tháng 10, nên đã gặp bão, và phải sống nhiều ngày tháng trên
hoang đảo...
Ông Trời
hẳn phải là một nhà toán học đại tài. Ví dụ khoảng cách giữa các hành
tinh và mặt trời đã được qui định như sau (định luật Bode):
Ta viết:
0, 1, 2,
4, 8, 16, 32, 64, 128 (các lũy thừa 2).
Đoạn nhân
cho 3:
0, 3, 6,
12, 24, 48, 96, 192, 384.
Đoạn cộng
với 4:
4, 7, 10,
16, 28, 52, 100, 196, 388.
Đoạn chia
cho 10:
0.4; 0.7;
1; 1.6; 2.8; 5.2; 10; 19.6; 38.8.
Ta có đồ
bản sau:
Tên hành tinh |
Khoảng cách
theo lối toán trên |
Khoảng cách
theo khoa học |
Thủy tinh
(Mercury) |
0.4 |
0.3871 |
Kim tinh
(Venus) |
0.7 |
0.723 |
Trái đất |
1 |
1
(*) |
Hỏa tinh
(Mars) |
1.6 |
1.523 |
Ceres |
2.8 |
2.77 |
Mộc tinh
(Jupiter) |
5.2 |
5.202 |
Thổ tinh
(Saturn) |
10 |
9.554 |
Thiên vương
(Uranus) |
19.6 |
19.21 |
Hải vương
(Neptune) |
38.8 |
30.10 |
(*)
1. là khoảng cách giữa trái đất và mặt
trời: khoảng 150,000,000 km.
Đi thêm
vào chi tiết, ta thấy:
- chu kỳ của Thủy tinh là
88 ngày;
- chu kỳ của Kim tinh là
224.7 ngày.
- chu kỳ Trái đất là
365.26 ngày
- chu kỳ Hỏa tinh là 687.0
ngày.
- chu kỳ Mộc tinh là 11.86
năm.
- chu kỳ Thổ tinh là 29.46
năm.
- chu kỳ của Uranus 84.0
năm.
- chu kỳ của Neptune là
164.8 năm.
- chu kỳ của Pluto là
247.7 năm.
Sự chuyển
vận của các hành tinh quanh mặt trời, tuy có lúc nhanh, có lúc chậm,
nhưng đều theo những qui luật hết sức chặt chẽ. Kepler đã tìm ra các qui
luật này...
Khoa học
càng ngày càng ra công tìm cho ra những định luật chi phối sự hỗ tương
ảnh hưởng giữa con người và vũ trụ. Các bác sĩ Leinex và Gibbs đã tường
trình trong Tạp chí Di Truyền Học (Journal of Heredity) rằng các làn
sóng điện trong óc não con người có tương quan với các tuần trăng. Bác
sĩ Leonard J. Ravitz, bệnh viện Veterans Bureau ở Downey, Illinois, đã
cho thấy tính tình con ngưới thay đổi theo tuần trăng. Bác sĩ Hannah
Hendrick, khi nghiên cứu về bệnh thần kinh, đã thấy rằng đàn ông vào
bệnh viện khoảng mồng 2 ta mỗi tháng, còn đàn bà thì vào bệnh viện
khoảng ngày rằm.
Rằm là
ngày Âm suy, Dương thịnh; đầu hay cuối tháng là ngày Âm thịnh, Dương
suy. Có cái lạ, là Nguyệt thực bao giờ cũng vào khoảng ngày rằm; còn
Nhật thực bao giờ cũng vào ngày cuối tháng như đã nói ở trên. Cũng nên
ghi nhận rằng mặt trời, mặt trăng và các hành tinh ảnh hưởng đến trái
đất, đến con người là do TỪ TRƯỜNG, TỪ LỰC.
Càng ngày
khoa học càng nhận thấy rằng, trong khắp hoàn vũ này, từ những giải ngân
hà xa tít tắp, cho đến những hạt nguyên tử li ti, tất cả đề được chi
phối bởi những định luật biến dịch, đều diễn biến có lớp lang, có chiều
hướng, có nhịp điệu, tiết tấu, tất cả đều đồng tấu khúc nhạc thái hòa...
Thực đúng
là:
Lạc hồng bất thị
vô tình vật,
Hóa tác xuân nê,
cánh hộ hoa.
Hồng rơi nào phải vô tình vật,
Tan biến trong bùn, lại giúp hoa...
Đời xưa
hay nói: «Cửu cửu, càn khôn dĩ định.»
九
九
乾
坤
已
定
. Bây giờ ta thấy các con số chỉ
thời gian đều chia chẵn cho 9.
4320 x 6
= 25.920 năm là số năm mặt trời dùng để trở về điểm Gamma trên vòng
hoàng đạo, vào ngày Xuân phân.
4320 là
số trung bình nhịp tim đập trong một giờ (72 x 60 phút = 4320)
4320 : 4
= 1080 là số trung bình nhịp thở trong 1 giờ.
4320 x 6
= 1080 x 24 = 25,920 là số trung bình nhịp thở trong 1 ngày.
4320 x 30
= 129,600 là một Nguyên của Thiệu Khang Tiết.
4320 x
1000 = 4,320,000 là một Maha Yuga hay Đại kiếp của Ấn Độ.
Các số
trên cho thấy Đại vũ trụ và Tiểu vũ trụ tương ứng với nhau.
Bây giờ
chúng ta cùng nhau đi vào con người, để đi tìm những định luật vĩnh cửu
chi phối con người:
– Tứ chi
bách hài con người bị chi phối bởi các định luật cơ học.
– Tạng
phủ con người vừa bị chi phối bởi định luật cơ học, vừa bởi định luật
hóa học. Khi co bóp, thì theo định luật cơ học; khi tiết ra các hóa chất
như pepsin, secretin, v.v... thì theo định luật hóa học.
– Máu
huyết con người bị chi phối bởi định luật hóa học: trong huyết tương
chúng ta có không biết bao là khoáng chất, là hóa chất. Muốn khỏe mạnh,
các hóa chất trong máu chỉ được quyền có một số lượng nhất định nào, ví
dụ: bình thường, trong máu có:
70 –
100mg đường trong 100 phân khối máu.
150 –
280mg Cholesterol trong 100 phân khối máu.
3.0 –
7.0mg Uric acid trong 100 phân khối máu.
8 – 25mg
Blood Urea Nitrogen trong 100cc máu.
8.5 –
10.5mg Calcium trong 100cc máu.
3.5 – 5.0
mEq Potassium trong 1 lít máu.
– Lượng
đường lên quá cao làm cho con người bị bệnh đái đường.
– Lượng
Cholesterol quá cao sẽ dễ gây ra các chứng tắc mạch máu tim.
– Uric
acid quá cao là bị bệnh cốt khí.
– Blood
Urea Nitrogen mà cao, là đã được chiếu khán để đi về Thiên quốc.
– Calcium
quá thấp sẽ bị sẽ gây co giật; quá cao sẽ gây bệnh thận.
–
Potassium dù thấp hay cao hơn thường cũng rất nguy hiểm cho tim.
Tôi có
người quen, gặp thấy mặt mũi phờ phạc; hỏi ra mới biết là đang nhịn ăn,
vì cholesterol «hơi» lên cao.
Một ông
bạn tôi, trước kia rất thích
«nhậu
nhẹt»,
mới đây khoe sắp ăn chay để cho Acid Uric xuống.
– Thần
kinh chúng ta chịu chi phối bởi các định luật hóa học và điện. Luồng
thần kinh (nervous influx) được chạy trong các giây thần kinh, như điện
chạy trong các giây điện. giữa các giây thần kinh thường cũng có những
trạm biến điện, gọi là synapses. Thần kinh có thể tiết ra các chất
neuro- transmittors như enkephalin, acetylcholin, adrenalin, endorphin
v.v...
– Óc chất
con người chịu các định luật từ- điện. Óc con người ngày nay khá giống
các máy computers, các máy thu băng, có điều là tinh vi, linh lợi hơn
nhiều.
– Tâm hồn
con người chịu định luật của Từ (magnetism). Từ lực có ái, ố
(attraction, repulsion), thì tâm hồn con người cũng có ái, ố. Người nào
cũng phả ra những từ trường, những từ lực, từ tuyến. Những từ tuyến của
mỗi người lại ảnh hưởng yêu ghét đến đồng bào, đồng chủng, đến muôn
loài, đến vũ trụ muôn phương. Tu luyện là cốt làm tăng từ lực trong con
người, để có nội công, nội lực, không còn bị ngoại cảnh cuốn lôi, hấp
dẫn.
Trong chữ
Hán, các chữ DUYÊN
緣,
chữ TRIỀN
纏,
chữ PHƯỢC
縛
đều có bộ MỊCH
糸
(nghĩa là
«giây nhợ»)
ở bên trái. Tôi giải đó là NHỮNG TỪ TUYẾN. Và chúng ta có thể mô tả mối
tình keo sơn của nhiều đôi trẻ như sau:
«Tơ duyên như thể xích thằng,
Một giây, một buộc, ai dằng cho ra.»
– Tâm
Hồn, chúng ta còn chịu định luật TRỊ, và LOẠN. Tôi thường sánh tâm hồn
với một loại KHÍ, tương đương như khí trời, có những hạt khí Dương, và
những hạt khí Âm (positive and negative ions). Khi vui thì Khí tản mạn,
thông sướng, khinh khoát; khi buồn thì Khí trở nên trì trệ, ù lì. Khi
giận, thì Khí như bị gom tụ lại, như bị uất ức, không thông sướng; khi
sợ hãi thì Khí tán loạn. Lúc quá giận dữ, thì Khí trong người chẳng khác
gì những trận cuồng phong. Khí mà tán loạn, Khí mà bị dồn ép, Khí mà bị
phá tán, sẽ rất có hại cho cơ thể. Cho nên ta thường nói: tức lộn ruột,
lộn gan; giận đến thâm gan, tím ruột; hay hồn phi, phách tán; hồn lạc,
phách xiêu.
Có biết
vậy, mới hiểu thế nào là tâm bình, khí hòa!
– Thần
神
con người là Quang
光
, nên chịu định luật của Quang.
Vả thần nương vào Khí
氣
, nên hễ Khí loạn thì Thần hôn.
Tâm có bình, Khí có hòa, thì Thần mới minh, mới sáng. Thần quang còn
chịu định luật Tụ và Tán. Thần mà tụ, mới linh, mới hiển; Thần mà tán,
mà tản, thì chẳng có ra gì.
Người xưa
có thơ:
Hướng
tiền, thần tụ, đồng Vô cực,
Kim tán,
vi trần mãn thế đồ.
Dục qui
nguyên vị Hoàng Trung lý,
Nê Hoàn
vạn vựng tốc hồi qui.
Dịch:
Khi xưa thần tụ, đồng Vô Cực,
Nay tán, trần ai ngập thế đồ.
Muốn về nguyên vị Hoàng Trung cũ,
Nê hoàn vạn vựng kíp hồi qui.
Từ mấy
nghìn năm nay, Y Học Đông Phương chủ trương quân bình Âm Dương. Y học Âu
Mỹ mới đây đã tìm ra cán cân Âm Dương trong con người mà họ gọi là pH.
pH bình thường là 7.4 (pH 7.38 – pH 7.42). Cao hơn 7.42 là Âm trạng
(Alkalosis); thấp hơn 7.38 là Dương trạng (Acidosis). pH > 7.50 là Âm
trạng nặng; pH < 7.20 là Dương trạng nặng, có thể nguy hại đến tính
mệnh. Một khi cán cân Âm Dương đã mất thăng bằng thời phổi và thận phải
lo điều chỉnh lại tình hình (compensation). Y khoa cấp cứu hiện nay là
đặt trọng tâm vào công trình lập lại thế quân bình Âm, Dương, đem pH về
7.4. Khi học về pH, tôi mới hiểu thấu đáo về Trung Dung, về Thái Hòa; về
Thái quá, Bất cập; và về chủ trương Bổ, Tả; Bù Trừ; Ích, Tổn.
Suy ra
thì tu tâm cũng chẳng qua là lập lại thế Thái Hòa, thế Quân Bình muôn
thủa. Thảo nào mà nơi Chương Nhất Trung Dung đã viết:
Thiên
địa vị yên,
Vạn vật
dục yên.
Ước
gì đạt thế Trung Hòa,
Ấm êm trời đất, âu ca muôn loài.
(Trí
Trung Hòa)
Và tôi
mới hiểu thấm thía câu của sách Hoàng Đế Nội Kinh: «Điềm đạm hư vô, tâm
bình, khí hòa, tinh thần nội thủ, bệnh an tòng lai.»
恬
淡
虚
無
,
心
平
氣
和
,
精
神
内
守
,
病
安
從
來.
– Một
định luật sinh lý khác chi phối sức khỏe con người là định luật THÔNG,
TẮC. THÔNG SƯỚNG thời khỏe mạnh. Bế Tắc thời bệnh hoạn. Đông Y có câu:
Thông tắc bất thống; thống tắc bất thông. Nghĩa là nếu mà kinh
mạch trong người thông sướng, thì sẽ không có hiện tượng đau nhức. Đã
đau nhức thời có bế tắc ở chỗ nào. Những bế tắc có thể xảy ra trong
huyết mạch, trong kinh mạch, trong thần kinh. Khoa Chỉnh Xương bên Mỹ
thường ưa nắn xương sống để giải tỏa các giây thần kinh có thể bị kẹt. ở
Việt Nam có phong trào «vẫy, vẫy tay», một ngày mấy trăm lần; bên này có
phong trào tập Thái Cực Quyền, cốt là để cho cơ thể thông sướng. Nếu quí
vị đi sâu hơn vào võ công, vào đạo học, quí vị sẽ học thêm về khoa ma
sát, về Bát Đoạn Cẩm, Thập Nhị Đoạn Cẩm, về Khí Công, về Công Phu đả
thông Nhâm, Đốc. Nhưng xét cho cùng, tất cả cũng chỉ có mục đích làm cho
cơ thể con người hoàn toàn thông sướng mà thôi.
Sau khi
đã nắm được các qui luật thiên nhiên chi phối con người, ta sẽ:
– Chọn nơi ăn, chốn ở cho
sạch sẽ, trong lành.
– Sẽ ăn uống điều hòa,
tiết độ; vận động cho chừng mực.
– Đối với người cho thành
khẩn, cho tôn kính, cho yêu thương.
– Đối với muôn loại cho từ
bi, hỉ xả.
– Cố gắng dùng thời gian,
hoàn cảnh trời ban cho mình để phát huy hết mọi tiềm năng tiềm lực của
mình, để tiến tới Chân, Thiện, Mỹ.
Người La
Mã xưa chủ trương phải sống theo định luật, vì định luật tự nhiên là
định luật trời.
Người Âu
Châu sau này không chấp nhận rằng định luật tự nhiên là định luật Trời,
là thiên ý, nên đã chế thêm ra cái gọi là «định luật siêu nhiên». Tôi
nghĩ rằng chính con người đã sáng tạo ra cái chiêu bài định luật siêu
nhiên. Như vậy «siêu nhiên» lại trở thành «nhân tạo».
Có cái
rất lạ, là con người rất bướng, không muốn sống theo tự nhiên.
Như cái
cổ, Trời làm đã có ngữ, đã đẹp, nhưng có nơi người ta lại cố nong cho
dài ra.
Chân do
trời làm, người Trung Hoa chê là xấu, nên trong vòng hơn ngàn năm, các
phụ nữ nhà giàu đã bó chân, để có «gót sen ba tấc». Nhưng nếu chúng ta
vô tư mà nhìn vào cái gót sen ba tấc ấy, ta sẽ thấy đó là một thứ chân
què, chân thọt. Và sau khi ngắm gót sen, có lẽ chúng ta sẽ «nước
dương muốn rảy nguội dần lửa duyên», và biết đâu lại chẳng thí phát
qui y, rồi biết đâu lại chẳng thành một Bồ Tát tương lai? Ngày nay, may
thay, tục lệ này đã trôi vào dĩ vãng xa xăm.
Cũng có
dân lại ép cho cái đầu nó thon lên, nhọn lên, có vậy mới đẹp.
Cũng có
dân lại nhét cái đĩa vào môi dưới. Nhìn mỹ nhân với cái đĩa cài môi
dưới, tôi chắc người mình sẽ chẳng còn muốn ăn cơm!
Có dân
lại bắt khi cô gái đã có ý trung nhân, phải lấy dao rạch vào mặt mấy
cái, ra chuyện rằng hoa đã có chủ.
Thời tôi
còn bé, tôi vẫn còn chứng kiến các bà, các cô miền Bắc nhuộm răng. Răng
phải đen rưng rức như hạt na, mới đẹp mới tình. Sau này, nhiều bà nhiều
cô lại đi nha sĩ cạo cho hết cái đẹp, cái tình ấy đi mới là kỳ lạ. Âu
cũng là một cách chống đối Tự nhiên, rồi sau lại đầu hàng Tự nhiên.
Gần đây
triết gia William James chủ trương rằng không thể sống theo tự nhiên, mà
phải đấu tranh chống với tự nhiên. Con người đẻ ra trần truồng. Tại sao,
con người lại không sống trần truồng, mà lại mặc quần áo? Tại sao lại
đấu tranh để được ăn no, mặc ấm, có mái nhà để nương thân?
Nhưng ông
William James đã quên rằng con người sinh ra là để TIẾN HÓA. Như vậy con
người sinh ra không phải vẹn toàn ngay, mà sẽ tiến tới vẹn toàn. Con
người có bổn phận phát huy những khả năng vô biên, vô tận trong con
người để tiến tới Chân, Thiện, Mỹ. Muốn vậy phải biết dùng không gian,
thời gian, ngoại cảnh; chung lưng đấu cật với tha nhân; học lại gương
xưa nếp cũ của tiền nhân, để rút ưu khuyết điểm. Cho nên ăn không phải
là ăn không, mà ăn cho đày đủ, cho ngon miệng; mặc không phải là mặc lấy
ấm không, mà còn lấy đẹp đẽ; ở không phải là ở không, mà còn phải ở cho
hẳn hoi, cho đủ tiện nghi.
Phân biệt
đâu là luật Trời – thiên ý, định luật tự nhiên – đâu là luật người thật
ra không có gì là khó, vì luật Trời thì vĩnh cửu, toàn dân thiên hạ,
toàn thể vũ trụ đã theo, đã giữ, từ thủa khai thiên; còn luật người thì
nay có, mai không; nay thế này, mai thế khác; một đằng làm cho con người
thảnh thơi sung sướng; một đằng làm cho con người gò bó, trói buộc, ngột
ngạt, tù túng. Cái sự lẫn lộn luật trời, luật người không thể có trong
chính trị, vì luật chính trị dĩ nhiên là luật người. Nó chỉ có thể lẫn
lộn trong các đạo giáo.
Cho nên,
xưa nay đã có những người chống luật, chống một số Giáo luật. Tiếng Mỹ
gọi là những người đó là «Antinomians». Họ chủ trương Đức Tin là đủ.
Những
người «du di» với Giáo luật, trước tiên phải kể Giáo chủ Moses, đạo Do
Thái. Ông bắt mọi người Do Thái phải cắt bì, còn ông thì không. EXODUS
đã ghi lại rõ ràng cái «màn kịch cắt bì giả» cho Moses, do bà vợ ông là
Cippora đạo diễn. (Exodus, 4:24).
Thứ đến
là thánh Paul. Mới đầu thì Ngài còn du di với giáo luật Do Thái, sau thì
dứt khoát đoạn tuyệt. Du di, như Ngài cắt bì cho môn đệ Ngài là
Timotheus (Công vụ Sứ Đồ 16- 2), nhưng sau đó không chịu cắt bì cho
những người tân tòng nữa. Mặc dầu Thượng Đế đã nhiều lần phán quyết
chính Ngài là tác giả các lề luật rao truyền trong đạo Do Thái; mặc dầu
Chúa Kitô long trọng tuyên xưng không chủ trương phá lề luật cũ
(Mat.5:17.- Luke, 16:17), thánh Paul dứt khoát dạy rằng nếu có đức tin
vào Chúa Jesus, luật Do Thái sẽ không còn cần thiết nữa (Gal.2:16- 19);
Chúa Jesus ra đời, là lề luật cũ hết quyền hạn đối với những giáo dân
của đạo mới (Ep 2:15; Rom. 10:4). Lập trường của Ngài dần dà được các
Tông đồ khác chấp nhận, mặc dầu vẫn có nhiều giáo dân tân tòng gốc Do
Thái giáo phản đối (Công vụ sứ đồ 15: 5- 29)... Chính cũng vì vậy mà
Ngài suýt bị người Do Thái giết. May Ngài mau trí khôn xưng mình là công
dân La Mã nên mới sống sót. Nhưng đó cũng là một duyên do khiến Ngài bị
bắt giam, và bị áp giải sang tận triều đình vua La Mã, là Agrippa. (Công
vụ sứ đồ, các chương 21, 22, 23, 24, 25, 26, 27, 28). Dẫu sao, ta cũng
phải công nhận rằng nhờ thái độ cương quyết và dứt khoát của Ngài, mà
Giáo Hội Công giáo mới lan truyền mạnh mẽ khắp nơi như ngày nay...
Như trên
đã nói, có hai đạo tìm hiểu nhiều về Lề luật Trời trong thiên hạ, đó là
Bái hỏa giáo (Zoroastrianism) và Khổng giáo. Bái hỏa giáo xưa kia phồn
thịnh ở Ba Tư. Nhưng từ khi Hồi giáo thống trị Ba Tư và Cận Đông, thì
đạo này suy đồi. Ngày nay có một số chừng 40,000 người theo đạo này ở
Iran, 90.000 ở Ấn Độ và chừng khoảng vài ngàn rải rắc ở Mỹ. Kim Dung
thường đề cập đến đạo này và gọi là Ma giáo, hay Minh Giáo. Một giáo sĩ
Bái hỏa giáo xin tôi gọi đạo này là Zoroastrianism, thay vì gọi là Bái
hỏa giáo. Đạo này gọi Luật Trời là Asha. Asha là Thiện, Mỹ. Asha đã do
sự khôn ngoan của Ahura Madza (Thượng đế) sáng tạo ra. Asha chính là
những định tắc chi phối vũ trụ, vạn hữu và nhân quần.
Đạo Khổng
gọi ĐỊNH LUẬT TRỜI, ĐỊNH LUẬT TỰ NHIÊN là Lễ
禮.
Trời lập ra những định luật tự nhiên, như là những đôi giày cho chúng ta
đi, để trở về với Ngài, cho nên quẻ Lý
履,
tuy có nghĩa đen là GIÀY, nhưng chính lại bàn về sự TUÂN THEO ĐỊNH LUẬT
TỰ NHIÊN. Cho nên, khi bình về quẻ Lý, tôi đã viết như sau:
Lý là
bước đi trên con đường thần thánh hóa bản thân, vui theo những định luật
thiên nhiên của Tam Tài (trời, đất, người) để thực hiện định mệnh cao
sang của con người là «phản bản, hoàn nguyên», là «phối Thiên, phối
Mệnh». Thế tức là:
Nghĩa, Nhân làm hán, làm hài,
Uy nghi trang trọng đường trời bước
lên...
Cuối
1973, khi Đại Học Nhân Văn Minh Đức khai giảng, tôi được ủy nhiệm làm
một bài diễn văn khai mạc với nhan đề: LỄ, NGHĨA, LIÊM, SỈ, tôi đã luận
về Lễ đại lược như sau:
...Gần
đây, các học giả Âu Châu, như Escarra, như Needham đã tìm hiểu sâu xa về
chữ Lễ.
Các ông
cho rằng dân Trung Hoa cũng như các dân tộc khác, xưa nay thường sống
theo hai bộ luật.
Một là bộ
luật tự nhiên, do Hóa Công đã ấn định. Bộ luật này được gắn liền vào với
tính chất vạn hữu, nhân quần. Bộ luật này chi phối vạn hữu, từ các vì
tinh tú trên trời, cho đến con người nơi gian thế. Trung Hoa gọi những
định luật tự nhiên này là Lễ.
Hai là bộ
luật nhân tạo, do chính quyền lập ra. Bộ luật này vì là nhân tạo, nên có
khi hợp lý, có khi vô lý và thường có tính cách gò bó, khô khan, cứng
cỏi, không uyển chuyển như những định luật tự nhiên. Trung Hoa gọi những
định luật này là Luật, là Pháp, hay Pháp luật.
Từ khi
Đức Khổng ra đời cho đến các Nho gia chân chính, nhất nhất đều chủ
trương dạy con người theo những định luật tự nhiên, theo những định luật
tâm lý, nhân sinh, tức là dạy con người sống theo Lễ... Muốn đời sống cá
nhân, gia đình, quốc gia hay xã hội được hạnh phúc, ý nghĩa, đầm ấm, hợp
hòa, cần phải biết rõ định luật thiên nhiên chi phối vạn vật, chi phối
sinh hoạt cá nhân và đoàn thể.
Muốn tìm
cho ra những định luật thiên nhiên, cần phải:
– Biết quan sát ngoại
cảnh,
– Biết phân tách các hiện
tượng tâm lý,
– Biết khảo cứu lịch sử,
phong tục.
– Biết dựa vào lẽ phải.
Có vậy,
mới suy ra được cách hoạt động, cư xử lý tưởng.
Những
định luật thiên nhiên chi phối con người có thể qui kết thành 3 đề mục.
1) Con người sinh ra ở
đời, cần phải biết thích ứng với ngoại cảnh. Chẳng những thế, còn phải
biết khai thác ngoại cảnh, để mà sống vui, sống khỏe.
2) Mặt khác, con người
sinh ra ở đời, còn có nhiệm vụ truyền dòng giống.
3) Nhưng nhiệm vụ chính
yếu nhất của con người là tiến hóa; là tiến tới tinh hoa, hoàn thiện,
tiến tới Chân, Thiện, Mỹ.
Suy ra,
ta sẽ có những tiêu chuẩn, những định tắc sau đây để hướng dẫn hành vi,
sinh hoạt của ta:
1) Phải biết vệ sinh, biết
hiếu sinh.
2) Phải lo cho có một dòng
dõi hoàn hảo, lành mạnh.
3) Phải lo gia tăng sinh
lực, trau giồi tình cảm, mở mang trí tuệ, nâng cao phẩm giá, nhân cách
con người; vươn mãi lên theo hướng Chân, Thiện, Mỹ.
...Thánh
quân, hiền phụ xưa, khi lập ra Lễ, lập ra những định tắc nhân luân, đã
dựa trên những tiêu chuẩn hết sức vững vàng, chắc chắn:
1) Vì
thấy trời đất liệt bày lẽ tôn ti, trật tự, nên các Ngài minh định rằng
xã hội này cần phải có tôn ti, trật tự, mới có thể sống thái bình, hoan
lạc, vì thế các Ngài đã minh định phận vụ cho mỗi hạng người.
2) Các
Ngài minh định rằng con người cần phải theo những định luật tự nhiên mới
có thể có đời sống hay, sống đẹp. Mà đã nói đến định luật, tức là phải
nói đến chừng mực, tiết độ. Cho nên các Ngài suy ra rằng con người không
thể sống một cuộc đời buông thả; nhưng làm gì cũng phải có chừng mực,
tiết độ.
3) Các
Ngài minh định rằng con người sinh ra ở đời cần phải nhân nhượng lẫn
nhau, kính trọng lẫn nhau, mới có thể đi đến chỗ đại hòa, đại thuận.
Phàm gặp những trường hợp bất đồng ý kiến, người xưa cố điều đình, nhân
nhượng, để đi đến chỗ ý hiệp, tâm đầu, tránh mọi chuyện đổ vỡ. Chính vì
thế mà ta thường nói: Lễ nhượng
禮
讓
.
4) Các
Ngài cũng chủ trương rằng muốn được lòng người khác, con người phải luôn
luôn khiêm cung, nhún mình, trọng người. Chính vì vậy mà khi nói đến Lễ,
ta thường liên tưởng đến hai chữ Lễ phép.
5) Các
Ngài quan niệm rằng thuần phong, mỹ tục chính là kinh nghiệm của tiền
nhân. Chúng gói ghém, bao gồm tất cả những cách thức tốt đẹp để đối phó
với mọi hoàn cảnh, để giải quyết mọi công việc, vì thế cần phải bảo tồn.
Tóm lại, nếu mọi người trong quốc gia, xã hội:
– Sống đúng theo định luật
tự nhiên,
– Không buông tuồng, phóng
túng,
– Biết trau dồi tâm thần
cho ngày một thêm cao khiết, trang nghiêm,
– Nhường nhịn nhau, kính
trọng lẫn nhau, lịch sự, tử tế với nhau.
– Sống theo những điều
hay, nhẽ phải, thì sẽ đem lại cho mình một đời sống xứng đáng, sẽ tạo
cho quốc gia, xã hội một quang cảnh hạnh phúc, đầm ấm, hòa hợp.
Đem áp
dụng các định tắc thiên nhiên vào đời sống xã hội, Khổng giáo đã qui
định bổn phận cho mọi hạng người trong mọi tầng cấp xã hội như sau:
Vua phải nhân (quân
nhân 君
仁
),
Tôi phải trung (thần
trung 臣
忠
),
Cha phải khoan từ
(phụ từ
父
慈
),
Con phải hiếu thảo
(tử hiếu
子
孝
),
Anh phải hẳn hoi
(huynh lương
兄
良
),
Em phải kính thuận
(đệ đễ 弟
悌
),
Chồng phải đường
hoàng (phu nghĩa
夫
義
),
Vợ phải nhu thuận
(phụ thính
婦
聽
),
Người lớn phải thi
ân (trưởng huệ
長
惠
),
Kẻ nhỏ phải vâng
phục (ấu thuận
幼
順
).
Đó là
Thập Nghĩa
十
義
.
Nếu ai ai
cũng giữ đúng phận vụ mình, thì xã hội sẽ đại hòa, đại thuận.
Mới hay
Lễ chi phối mọi hành vi, cử chỉ con người, những cách giao tiếp của con
người. «Lễ không cho phép đi quá trớn, quá giới hạn, mực thước đã qui
định; không cho phép xâm phạm quyền lợi người khác, vũ nhục, khinh khi,
sàm sỡ với người khác.»
«...Lễ là
những định luật tự nhiên giúp con người sống xứng đáng với danh nghĩa
con người, sống hòa hợp với mọi người, đoàn kết với mọi người... Cho nên
Lễ phát nguyên tự Trời, có tầm hoạt động lan khắp trần gian, bao quát
vạn sự biến chuyển theo thời, thích ứng với mọi nghề nghiệp, hoạt động
con người. Nơi tâm con người, Lễ giúp làm nảy nở các đức tính tự nhiên.
Trong hành vi con người, lễ bao quát mọi cách thức tặng dữ, trao đổi;
mọi hành động; mọi phép lịch sự, xã giao; mọi vấn đề ăn uống; quan hôn,
tang tế; bắn cung, đánh xe; yết triều, thăm hỏi...» (Lễ ký, Lễ vận VII)
Lễ qui
định những gì hay, những gì phải cho con người, nên rất cần yếu đối với
con người. Nó dạy con người biết làm sao để trở nên đức hạnh thực sự,
làm sao để hòa thuận với người. Nó giúp cho xương thịt con ngươì trở nên
cứng cát, rắn chắc; dạy con người cách nuôi người sống; chôn kẻ chết;
tôn kính quỉ thần. Nhờ Lễ như một cửa lớn mà con người tìm ra được THIÊN
ĐẠO, sống thuận với nhân tình. Vì thế mà thánh nhân cần biết Lễ.
Quốc phá,
gia vong, nhân tâm ly tán, chính là vì con người đã không biết sống theo
những định luật của trời đất, của nhân sinh.
Thế giới
ngày nay chuyên dùng những lề luật, hình pháp bên ngoài để trị dân, dùng
những thủ đoạn để thằng thúc dân, huyễn hoặc dân; chỉ bắt bẻ dân trên
những hình thức bề ngoài; chỉ cần dân tuân theo những thể chế qui ước
bên ngoài, mà thả lỏng lòng dục của dân, mặc cho tính xấu nơi dân tha hồ
phát triển, miễn sao là dân khéo léo tránh né được con mắt dòm hành của
pháp luật, của các nhà cầm quyền, thế là đủ. Cá nhân thác loạn vì có thể
sống buông thả, vô kỷ cương. Gia đình thác loạn vì sự tương kính, tương
thân trong gia đình dần dần mất đi. Xã hội thác loạn, vì giá trị con
người đã mất, vì lòng trọng kính, thương yêu nhau cũng chẳng còn. Đó
chính là sự thất bại của các lề luật gian trần.
Cho nên,
muốn cho nhân quần thay đổi hướng đi, thay đổi thái độ, cần hô hào con
người tự nguyện đi tìm cho ra các định luật của trời đất, của nhân sinh
mà theo mà giữ. Nếu chúng ta đi theo đúng đường của trời đất – theo đúng
Thiên ý – lập tức ta thấy cuộc đời chúng ta sẽ cải thiện; gia đình chúng
ta sẽ cải thiện; xã hội chúng ta sẽ cải thiện; thế giới sẽ cải thiện, và
sự thanh bình, hoan lạc tự nhiên sẽ đến với chúng ta.Bao lâu còn thấy có khổ đau, bao lâu đời sống còn đầy
ngang trái, khổ lụy, bao lâu trần hoàn còn rối ren, vô trật tự, chắc
chắn là bấy lâu con người chưa tìm ra được, hay chưa theo được các định
luật tự nhiên, chưa biết được thế nào là THIÊN Ý.
CHÚ
THÍCH
|