Đường vào Triết học và
Đạo học
Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ
»
Mục lục |
Phi lộ | Chương:
1 2
3 4
5 6
7 8
9 10
11
12
13
14 15
16 17
18 19
20
Chương 13
Xưa nay ai ai cũng ước mong thoát tục,
thành tiên. ở bên Tàu, cũng như ở bên ta, đã có nhiều giai thoại ghi lại
chuyện những người đã có duyên lạc vào tiên cảnh, như Lưu Nguyễn nhập
Thiên Thai, Từ Thức nhập cảnh tiên ở Tiên Du, Bắc Ninh v.v...
Và cứ theo tầm nhìn, lối nghĩ thông
thường, thì cuộc sống mà chúng ta đang sống là cảnh hồng trần lầm than,
là bến mê, bể khổ; còn cảnh Bồng Lai, cảnh Thiên Đàng xin đợi tới lai
sinh.
Nhưng càng đọc các sách vở mà người xưa
lưu lại, càng suy tư về những đời sống các danh nhân danh sĩ mà sử sách
đã lưu lai, càng sống chân thật với đời sống tâm linh của mình, con
người càng ngày càng thấy cảnh thần tiên thực ra chẳng hề lìa xa con
người, mà hằng lẩn trong cuộc đời mỗi một con người, như hình với bóng.
Tôi từ tấm bé, đã nghe tường thuật lại có
những người được diễm phúc bạch nhật thăng thiên: Bên Thiên Chúa Giáo,
thì có Chúa Jesus, Đức Mẹ Maria; bên Lão Giáo thì có vô số. Sách Tính
Mệnh Khuê Chỉ, nơi cuối tập 1, đã cho biết là từ trước đến nay đạo Lão
đã có tất cả hơn mười nghìn vị tiên lên trời giữa ban ngày, người thì
cưỡi rồng, người thì cưỡi hạc, người thì cưỡi cá, người thì cưỡi gió mà
lên tiên. Trong số đó, còn có tám nghìn vị tiên lên trời với cả nhà cửa.
Nếu lên tiên, lên trời cao sang như vậy, mà còn phải đem cả nhà cửa đồ
đạc lên theo, thì chúng ta phải suy ra rằng lên tiên, lên trời như vậy,
đại loại cũng như đi «kinh
tế mới» ngày nay. Chính vì
thế mà các tiên ông đã quan phòng mang cả đồ đạc, nhà cửa theo để sau
này sẽ khỏi lâm cảnh thiếu thốn.
Tôi cũng đọc rất kỹ thánh kinh Thiên Chúa
giáo, để xem Chúa thăng thiên ra sao, nhưng vấn đề
«bạch nhật thăng thiên»
trong suốt thời niên thiếu, đối với tôi vẫn là một kỳ bí.
Nơi đây tôi không trình bày cùng quí vị
những suy nghĩ riêng tư của tôi về vấn đề trên, mà chỉ muốn nói lên rằng
những thắc mắc của tôi may thay đã được giải tỏa. Thực vậy, năm 1960,
tôi đọc thấy trong quyển La Religion Essentielle của Illan de
Casa Fuerte, những lời đẹp đẽ như sau:
«Trời ở trong mỗi người chúng ta chứ không
ở ngoài chúng ta.»
«Trời ở trong con người.»
«Lên cùng Chúa là đi vào tâm khảm mình. Ai
vào được tới tâm khảm mình, sẽ vượt kiếp người, và đạt tới Chúa.»
Trở về với Phúc âm, tôi thấy câu: «Nước
trời ở trong anh em.» (Luke 17:21) thật là chí lý.
Cho nên, từ mấy chục năm nay, tôi vẫn tin
rằng cõi trời, cõi tiên đã ở sẵn ngay trong lòng mỗi một người. Và như
vậy câu chuyện «bạch nhật
thăng thiên», hay
câu «Thiên đường hữu lộ»
đối với tôi, không còn gì gọi là huyền bí nữa. Vả lại tôi mừng vì
thấy rằng chuyện «bạch
nhật thăng thiên»
không còn là chuyện khó, vì đã ở ngay trong tầm tay mỗi một người.
Trở lại đạo Lão, tôi thấy tất cả những lời
dạy dỗ, trở nên hết sức sáng sủa, sau khi huyền thoại trên đã được giải
thích một cách thỏa đáng.
Thất Chân Nhân Quả có thơ:
«Thân
ngoại cầu tiên, lộ tựu soa,
Thủy
trung nguyệt ảnh, kính trung hoa.
Tiên
thiên diệu lý, quân tri phủ?
Chỉ tại
nhất tâm, tiện khả khoa.»
Dịch:
Thân ngoại cầu tiên, ắt lạc đường,
Mò trăng đáy nước, hái hoa gương,
Tiên thiên, diệu lý hay chăng tá,
Chỉ tại tâm điền, há viễn phương.
Trong Tiên học diệu tuyển có ghi
câu thơ của Mã Đơn Dương tặng Triệu Quang:
«Thành
tiên chỉ thị Thần quang,
Thiên
cung vô dụng xú bì nang.»
Dịch:
Thành tiên âu chỉ cốt Thần quang,
Thiên cung sá kể cái xác phàm!
Như vậy, con người sở dĩ bị đọa lạc trong
trần ai tục lụy, chính là vì đã dốc tâm, chú ý vào những công chuyện mưu
sinh bên ngoài, chính là vì tưởng mình chỉ sống có một đời sống sốc nổi,
phù phiếm, ích kỷ, riêng rẽ, mà quên mất rằng cuộc sống nội tâm, cuộc
sống tinh thần, mới thật là cao cả. ăn cháo lú, tức là vùi mình vào
trong những thú vui nhục dục, nhãn tiền mà quên khuấy mất rằng mình là
một thành phần của đại thể vô biên trong vũ trụ quần sinh. Tưởng rằng
mình là một cái gì tách khỏi Đại thể vô biên chính là một sự ngu si hết
sức lớn lao, và chính là nguyên nhân khiến mình bị đọa lạc vào trong
vòng trần ai tục lụy.
Xét về xác chất hình hài, thì thân phận
con người hết sức là lao lung, chất chưởng, hết sức là phù du hư ảo;
nhưng nếu xét về Thần Thiêng trong con người, thì con người lại mênh
mông vĩnh cửu. Thần con người, và Thần trời đất là một, nên Thần con
người cũng như Thần trời đất không lệ thuộc không gian, thời gian, và
vĩnh cửu, miên trường.
Thần là thế giới của Nhất Thể vô biên tế.
Nếu thật sự chúng ta muốn đạt tới hạnh phúc, tới tĩnh lãng, tới Chân,
Thiện, Mỹ, tới hòa hài, tới bác ái, chúng ta phải nhập Thần, phải sống
trong thế giới của Nhất Thể đó. Đó chính là Bồng Lai, Tiên Cảnh, mà
người đời thường mô tả.
Nói tóm lại, cho dù ta gọi Đại Thể là
Thần, là Thượng Đế, là Bản Thể, là Brahman, hay gì gì đi chăng nữa, điều
đó không quan trọng. Điều quan trọng nhất là không bao giờ chúng ta được
nghĩ rằng chúng ta có thể sống tách rời khỏi Đại Thể ấy, dù là một phút
giây.
Nói cách khác, cái con người phiến diện,
có tên, có tuổi, có hồ sơ, lý lịch, có quốc gia, quốc tịch của chúng ta,
chỉ là một sản phẩm của lịch sử, và địa dư, nhưng con người thẳm sâu của
chúng ta vốn không phải vậy, nó đã có từ trước đất trời.
Thường thường chúng ta chỉ sống bằng cái
con người phiến diện, chính là vì xã hội, văn hóa, tập tục truyền thống
đã dạy chúng ta điều tai hại đó. Cái mênh mông, cái sang cả, cái huy
hoàng muôn thủa của chúng ta, đôi khi chúng ta chỉ cảm giác thấy một
phần nào, ví dụ như trong những lúc mơ màng, nửa tỉnh, nửa say, lúc mơ
mộng, hay lúc bị ảnh hưởng của các thuốc khải thần (psychedelics: LSD,
Mescaline, Peyote, Hashish v.v...), hay của men rượu, men tình...
Albert Einstein cũng đã nhận định như sau:
«Con người là một phần của toàn thể mà ta gọi là "Vũ trụ", một phần bị
hạn hẹp trong vòng không gian, thời gian. Con người chiêm nghiệm về
mình, về suy tư, niệm lự, tình tứ của mình, như thể là cái gì tách khỏi
mọi sự; đó là một ảo tưởng do tâm thức sinh ra. Ảo tưởng đó chính là một
nhà tù đối với chúng ta, nó giới hạn ta trong phạm vi của những dục vọng
riêng tư, của một tình thương dành cho ít người thân thuộc quanh ta. Ta
phải giải thoát ta khỏi nhà tù đó, bằng cách mở rộng lòng ra mà thương
xót tất cả quần sinh, và bao quát hết cả vũ trụ với những nét đẹp đẽ của
nó. Không ai có thể làm chuyện này được rốt ráo, hoàn toàn; nhưng nếu cố
gắng thực thi nó, đã chính là giải thoát chúng ta được phần nào và đã
xây nền đắp tảng cho sự an ổn nội tâm chúng ta.»
Edgar Cayce, một dị nhân người Mỹ, chuyên
môn chữa bệnh, soi kiếp và nói tiên tri, khi ngủ thiếp đi, cũng cho rằng
con người có hai phương diện vô cùng và hữu hạn. Con người hữu hạn, hay
tiểu ngã, ông gọi là Personality; con người vô cùng ông gọi là
Individuality. Muốn đạt tới thần thông, thần lực, mà ông gọi là psychic
forces, cái tiểu ngã cần phải tan biến đi. Bao lâu còn lý luận theo tiểu
ngã, thì Đại Ngã không giúp chúng ta được. Muốn hòa hợp được với vô
cùng, ta phải giảm thiểu đến mức tối đa cái tiểu ngã của chúng ta, để
chỉ còn thuần cái «Tinh Hoa
Trời». Chừng đó, Thượng Đế
mới rãi sáng ra trong đời chúng ta, và chúng ta mới trở thành hiện thân
của Ngài. Như vậy, rời cảnh tiên, đoạ lạc vào hồng trần tục lụy, chẳng
qua chỉ là quá lo phục vụ, bồi dưỡng cho cái tiểu ngã đó mà thôi.
Nho gia cũng nói như sau: Nhân dục
thắng, Thiên lý vong... Nhân dục tận, tắc Thiên Lý hiện... Cho nên,
chúng ta càng ngày càng thấy rõ rằng: Sống ở cảnh tiên chính là sống
«vô kỷ, vô công, vô danh»,
sống kết hợp với Đại Ngã, với Thượng Đế. Sống trong cảnh tục là sống
bằng thất tình lục dục, tiểu trí, tiểu ngã của mình, sống xa lìa với
Trời với Đạo.
Trong quyển Thái Thượng Bảo Phiệt của Đạo
Lão cũng có một câu bất hủ:
Tâm dữ
Đạo hợp tắc tạo Bồng Lai, Tam Đảo,
Tâm dữ
Đạo ly, tắc tạo lục đạo, tam đồ.
Dịch:
Lòng người hợp với lòng Trời,
Bồng Lai, Tam Đảo tức thời hiện ra.
Lòng người, lòng Đạo lìa xa,
Tam đồ, lục đạo, phôi pha, khốn nàn.
Quần chúng xưa nay vẫn thắc mắc, vẫn tiếc
xót về Địa Đàng đã mất, luôn luôn mơ ước một cảnh Đào Nguyên, một cảnh
Thiên Thai, hay Bồng Lai, Tam Đảo, hay Duyềnh Châu, Phương Trượng ở
những khung trời xa lạ, chứ không bao giờ lại ngờ được rằng những cảnh
thần tiên đó, không ở đâu xa nhưng đã ở sẵn ngay trong tâm khảm mình.
Khi đã mất phương hướng, khi đã không có tấm bản đồ hướng đạo, thì dĩ
nhiên sẽ không bao giờ đặt được vấn đề cho đứng đắn, hẳn hoi, và không
bao giờ chứng nghiệm được hạnh phúc cụ thể.
Heraclitus nói: «Nếu ta không ngờ được
rằng có cái bất ngờ, ta sẽ chẳng bao giờ tìm ra được nó.»
Có lẽ chính vì vậy, mà con người luôn luôn
khắc khoải, luôn luôn khát khao, như thể là đã mất đi một cái gì. Các
đạo giáo công truyền tưởng chừng như đã đến với con người để đáp ứng nhu
cầu ấy, và trả lại cho con người cái mất mát ấy. Nhưng ngược lại, theo
nhận định của Erich Fromm, tác giả quyển Psychoanalysis and Religion,
thì các đạo giáo công truyền lại càng làm cho giá trị con người thêm
mất mát đi, làm cho thân phận con người thêm hèn yếu hơn, lệ thuộc hơn,
vì bao cái hay, bao cái đẹp đều dồn cả cho Thượng Đế ngoại tại.
Còn những chân nhân mà nhân loại thường
tặng dữ cho những danh hiệu thánh, hiền, tiên, phật, là những người đã
tìm ra chân lý, ra đại đạo, ra cái phần cao minh, linh diệu của con
người. Họ sinh ra đời cốt là để tìm lại cái giá trị vĩnh cửu, cao đại
của con người. Họ khuyến cáo mọi người nên dùng thần trí mình, để hiểu
biết về mình, về tương quan giữa mình với tha nhân và vũ trụ. Họ thấy
con người có những khả năng vô biên vô tận, cần phải triệt để khai thác.
Họ cảm thấy mình và vũ trụ là một, và chính vì vậy phải sống trong tình
thương mến, sự hòa hài, và sự liên đới, sự cộng tác với quần sinh.
Một số chân nhân, đã sống thoát vòng không
gian, thời gian, và thấy đời sống mình gắn liền với đời sống quần sinh,
vũ trụ ngay từ khi còn ở gian trần này.
Trang Tử đã viết trong Nam Hoa Kinh:
Thiên
địa dữ ngã tịnh sinh,
Nhi vạn
vật dữ ngã vi nhất.
Dịch:
Ta và trời đất cùng sinh,
Ta và muôn vật sự tình chẳng hai.
Từ Viên tiên sư viết:
«Đương
thời vị hữu tinh hà đẩu,
Tiên hữu
ngô, đương hậu hữu thiên.»
Dịch:
Trước khi Thiên Hán, quần tinh có,
Trước có Ta, sau mới có trời...
Và:
«Ngã thể
bản đồng thiên địa lão,
Tu Di
sơn đảo, tính do tồn.»
Dịch:
Tính ta vốn thọ cùng trời đất,
Tu Di nghiêng đổ, Tính vẫn còn.
Cái phần mênh mông, cao đại, linh thiêng
sang cả của con người ấy, oái oăm thay, rất ít người nhận ra được.
Tuy nhiên, con người ai ai cũng có nửa
tiên, nửa tục. Tiên và tục lúc nào cũng chung sống với nhau trong thế
cài răng lược. Tiên là Lý tưởng; Tục là Thực tế. Cái thực tế là cái mặt
lam làm, lầm than, cơ khổ của con người; cái lý tưởng là những gì văn
minh, lịch sự, là những phút giây sung sướng, trong những ngày tư tết,
hội hè. Con người lúc nào cũng mơ lý tưởng, cũng nói lý tưởng, mà lúc
làm, thì lại làm chuyện thực tế phũ phàng. Khi con người làm cách mạng,
thì hứa trăm điều; lúc lên cầm quyền, thì không thực thi được một. Thành
thử dân gian đã có câu: Cách mạng, cách miệng...
Cho nên, muốn hiểu con người cần phải nhìn
thấy hai chiều, hai mặt của nó. Sống động thì trong hữu hạn, mà mơ ước
thì vô biên. Sống động trong không gian, thời gian, mà lúc nào cũng bàn
về vĩnh cửu.
Hai chiều hai mặt ấy sở dĩ có, chính là vì
dưới lớp lang thể xác, nhân tâm, con người còn có Thiên tâm, Thiên Tính,
còn có đồng bản thể với Thượng Đế.
Đàn cơ Cao Đài có mấy vần thơ hết sức bất
hủ:
«Con là đấng thiêng liêng tại thế,
Cùng với thày, đồng thể Linh Quang.
Khóa chìa con đã sẵn sàng,
Khi vào cõi tục, khi sang Thiên đình.»
Thực là dễ dàng: Hướng ngoại, đi ra ngoại
cảnh vật chất, là đi vào cõi tục; hướng nội, đi vào tâm khảm, là đi lên
tiên cảnh, đi lên Thiên đình...
Tiên hay Tục chẳng qua là thay đổi tầm
nhìn, lối nghĩ, thay đổi tâm trạng...
Tiên là thế giới của hiệp hòa, của Nhất
thể: Nhất Tức Nhất Thiết; Nhất Thiết Tức Nhất = Một là Tất Cả; Tất Cả là
Một.
Tục là Thế giới của chia ly, riêng rẽ,
phân tán, loạn ly, là thế giới của Vạn, của Vạn Thù.
Tâm trạng nếu đã được thay đổi (Anh Văn
dịch là Altered state of consciousness) lập tức sẽ có một sự hiểu
biết khác.
Meister Eckhardt viết: «Khi nào con người
ở trong hiểu biết thông thường? Tôi trả lời: «Khi con người thấy cái này
khác với cái kia.» Và khi nào con người vượt lên trên cái hiểu biết
thông thường? Tôi có thể nói như sau: «Khi con người nhìn thấy TẤT CẢ
trong tất cả, lúc ấy con người vượt lên trên sự hiểu biết thông thường.»
Khi viết về Cõi Tiên, Cõi Tục, tôi ngẫu
nhiên đọc quyển Psychoanalysis and Religion của Erich Fromm.
Trong quyển sách nhỏ này Erich Fromm phân biệt ra 2 thứ đạo giáo. Một
thứ đạo giáo dùng quyền uy áp đặt lên con người mà ông gọi là
Authoritarian religion, một thứ đạo giáo phát sinh từ nhân bản
con người mà ông gọi là Humanistic religion. Tôi nảy ra ý tưởng dịch
Authoritarian religion của ông là 'Đạo Tục', còn Humanistic religion
là 'Đạo Tiên'.
Gọi là 'đạo tục' vì dành cho quần chúng
đang lao đao, lận đận thực sự trong cõi hồng trần, 'tục lụy' này. Còn
'đạo tiên' là thứ đạo dành cho một thiểu số tao nhân, mặc khách, tuy xác
còn đang sống ở trần hoàn, nhưng tâm hồn đã khinh phiêu thoát sáo. Và
tôi toát lược ý của Erich Fromm khi luận về
«Đạo Tiên, Đạo Tục»,
như sau:
Tiên Tục là hai khía cạnh thấy được trong
các đạo giáo thiên hạ; có khi tách rời, nhưng cũng có khi hiện ra song
song trong cùng một tôn giáo.
«Đạo
tục» dành cho quảng đại quần
chúng. Đặc điểm của đạo này là tin rằng Thượng Đế thời ngoại tại, tách
rời con người. Bao nhiêu cái hay, cái đẹp, bao nhiêu tình thương, bao
nhiêu công bằng, bác ái, tất cả quyền uy, năng lực nơi con người đều dồn
cả cho Thượng Đế. Thành ra Thượng Đế càng uy nghi, sang cả, quyền hành
bao nhiêu, thì con người càng hèn yếu, càng tội lỗi bấy nhiêu. Con người
như vậy phải sợ hãi, phải tuyệt đối phục tùng, tuyệt đối lệ thuộc vào
Thượng Đế. Vì đem tất cả tinh hoa của mình dồn cho Thượng Đế, nên con
người càng ngày càng xa cách với Thượng Đế, càng bị "tha hóa" đối với
chính mình...
«Đạo
Tiên» là thứ đạo chủ trương
rằng nếu con người là ảnh tượng Chúa, thì trên căn bản, phải đồng nhất,
phải nhất như với Thượng Đế. Và Thượng Đế sẽ không còn là biểu tượng một
quyền uy trên con người, nhưng sẽ là biểu tượng cho quyền uy của chính
con người. Như vậy Thượng Đế chẳng khác nào như là Đại Ngã của con
người, và là Lý tưởng để con người vươn lên và thực hiện. Đạo Tiên có
mục đích làm cho con người trở nên lớn mạnh, trở nên hào hùng, tự do,
hạnh phúc, đó là hậu quả của bác ái. Ngược lại, những hình thức đạo giáo
chỉ chú trọng dạy con người tùng phục quyền uy, mà không xót thương cho
thân phận con người, không trọng kính con người, làm cản trở không cho
các tiềm năng tiềm lực trong con người được phát huy, chỉ chú trọng đến
kiểm soát và thống trị con người, mà không đếm xỉa gì đến hạnh phúc con
người, đến tự do, đến phẩm giá con người, thì chắc không thể phát xuất
từ lòng bác ái, từ lòng lân tuất đối với con người. Như vậy chẳng qua là
Đạo Tục.
Nói tóm lại, con người sống trong hai thế
giới NHẤT và VẠN.
Sống trong thế giới của VẠN là sống trong
thế giới đa tạp, chi li, cái này kình địch với cái kia, cái kia thù hằn
với cái nọ. Đó là CÕI TỤC,
Sống trong thế giới của NHAÁT là thế giới
của thuần nhất, bất phân, xướng tùy, hòa hợp. Đó là CÕI TIÊN.
Hai thế giới đó thường được mô tả như là
TRÙNG DƯƠNG (NHẤT) và BA LÃNG (VẠN). Người thường nhìn thấy sóng là
sóng, thấy biển là biển. Người thấu thị thấy biển với sóng là một.
Nếu ta có cái nhìn phân biệt, thì Thượng
Đế là vị thần linh thống trị ta,; thế giới ngoại cảnh, sinh linh là
những gì xa cách với ta. Ngược lại nếu ta có cái nhìn vô phân biệt, thì
Thượng Đế chính là Bản thể của ta, là Lý Tưởng của ta; ta và sinh linh
là một.
Ta có thể dùng từ ngữ của Frank Loehr, mà
gọi hạng người thứ nhất là God Beyonders (Thiên tại thượng); hạng người
thứ hai là God Withiners (Thiên tại nội).
Tín đồ các tôn giáo công truyền thuộc hạng
1; các tiên thánh trong thiên hạ thuộc hạng 2. Đúng hay sai, chiêm
nghiệm vào chính bản thân, ta sẽ thấy.
Trang Tử viết:
Nhìn vũ trụ từ trong phân biệt,
Thời mật gan, Sở Việt khác xa.
Từ trong Đồng Nhất nhìn ra,
Muôn loài muôn vật cũng là một thôi.
Cõi tiên, tức là cõi của Đồng
Nhất, tức là cõi của TÂM LINH. Cõi TÂM LINH tuy ở ngay trong tâm hồn
chúng ta, nhưng lại vượt lên trên, thất tình lục dục, suy tư niệm lự.
Ta có thể dùng từ ngữ của Miller mà gọi
cõi tiên là THE DIVINE, cõi tục là THE NATURAL.
Lawrence LeShan gọi cõi tiên là The
Clairvoyant Reality, cõi tục là The Sensory Reality.
Ta sống trong cõi tục bằng NGŨ QUAN, bằng
cảm giác, bằng TÂM TƯ, TRÍ LỰ. Ta sống trong cõi tiên bằng THẦN LINH,
bằng TUỆ GIÁC, bằng sự HỒN NHIÊN, THOÁT KHUÔN SÁO.
Khi còn sống trong trần hoàn này, nếu
không có TỤC không thể có TIÊN. Tiên mà đói khát, tiên mà bệnh tật, tiên
mà dơ bẩn, tiên mà còn chưa giải quyết được vấn đề cơm áo, vấn đề nhân
sinh thì dĩ nhiên chưa phải là Tiên.
Chính vì thế mà xưa Đạo Lão đưa ra bốn
điều kiện để TU TIÊN: Pháp
法
, Địa
地
, Lữ
侶
, Tài
財
.
Pháp là nắm được Khẩu quyết, được bí chỉ
Thành Tiên.
Địa là sống trong một hoàn cảnh vật chất
thanh kỳ: sơn thanh, thủy tú.
Lữ là có những người đồng chí, đồng thanh,
đồng khí.
Tài là có đủ tiền để cung ứng mọi nhu cầu
vật chất.
Cho nên sống tiên, là sống thanh cao, biết
sử dụng tiền tài, ngoại cảnh, cho hay cho phải, chứ không phải là sống
nghèo hèn, cơ cực.
Á Đông chính vì thế mà đề cao TRI TÚC. Tri
túc là làm thế nào để sống ấm no, đầy đủ thì thôi. Mục đích cuộc đời là
sống thanh sảng, tiêu sái, thanh cao, lý tưởng, hoà hài, chứ không phải
để chạy theo tiền tài, danh vọng.
Cái tuyệt vời mà cả Đông Tây đều muốn vươn
tới chính là một cuộc sống NHÂN ÁI, HÒA HÀI. Nhân Ái đây phải hiểu là
LOVE; Hòa Hài phải được hiểu là HARMONY, hay JUSTICE. Mãi đến cuối cuộc
đời tôi, tôi mới hiểu chân nghĩa của JUSTICE, mà ta thường hiểu là CÔNG
BÌNH, CÔNG THẰNG. Tôi bây giờ mới thấy rằng JUSTICE chính là HARMONY, là
sự QUÂN BÌNH, sự HÒA HÀI trong vũ trụ quần sinh. Nói theo Dịch, JUSTICE
chính là THÁI HÒA...
Đã đành vào được cảnh tiên không phải là
dễ, nhưng nó cũng không phải là quá khó.
Theo tôi, khẩu quyết trước hết là con
người không thể nào tách rời được khỏi Đại Thể, dẫu ta gọi Đại Thể đó là
Chúa, là Phật tính, là Chân Như, hay Atman, hay Đạo hay Brahman, cũng
không thể nào tách rời khỏi vũ trụ quần sinh.
Thứ hai, bản tính ta hay bản tính Chúa
cũng chỉ là một. Giữa ta và Chúa là TÌNH YÊU tuyệt vời, chính vì vậy,
tuyệt đối không được SỢ HÃI Ngài.
Ta sinh ra đời cốt là để thi triển mọi khả
năng thiên phú của chúng ta, làm cho đời thêm đẹp thêm tươi. Đối với
đồng loại, đối với quần sinh, ta phải thương yêu vô hạn.
Thay vì nhìn đời dưới khía cạnh
«TƯƠNG KHẮC, TƯƠNG CHẾ»,
hãy nhìn đời dưới khía cạnh «TƯƠNG
DUNG, TƯƠNG THỪA». Hãy sống
hồn nhiên như trẻ thơ.
Cái gì làm cho ta mất hạnh phúc, mất sự
bình thản tâm hồn, mất phẩm giá con người, đó chính là những họa hại, ta
cần phải trừ diệt cho ta và cho người. Cái gì thuộc hình hài, ngoại
cảnh, đều là những gì biến thiên, nhất thời.
Chính vì vậy mà ta đừng đặt nặng chuyện
mất còn. Tâm linh quang minh, chính đại, hào sảng, thanh khiết mới là
điều đáng chắt chiu. Tất cả Thánh Hiền Tiên Phật đông tây đều đã chủ
trương như vậy.
Nếu ta nhận chân rằng cảnh tục là cảnh bên
ngoài, cảnh tiên là hạnh phúc tâm linh bên trong, thì ta sẽ nắm vững
được chốt then của Tiên và Tục; có được chìa khóa của cõi Tiên và cõi
Tục. Nhiều người cứ tưởng rằng tiên thánh phải làm được phép lạ mới là
tiên thánh. Họ có biết đâu rằng phép lạ là của những thày phù thủy, pháp
môn. Còn tiên thánh giáng phàm chỉ dạy người sống sao cho hạnh phúc,
sống sao cho hòa hài trong tình huynh đệ, thủ túc với tha nhân, với quần
sinh. Có vậy thôi.
Nếu quí vị thấy vào cõi tiên ngay thì cũng
khó, mà ở hoàn toàn trong cõi tục thì cũng không nên, nếu quí vị thấy lý
luận, suy tư quá sẽ nhức đầu, tôi xin tặng quí vị bài thơ của Lý Mật Am,
nhan đề là «Bán bán ca»,
mà Lâm Ngữ Đường đã giới thiệu trong quyển L'importance de vivre.
ông cho rằng đó là đạo Trung Dung của Khổng tử! Tôi không
đồng ý như vậy, và cho rằng đấy chỉ là một lối sống nửa tiên, nửa tục!
Bài thơ hết sức 'dí dủm', và tài tình.
Năm 1960, tôi đã dịch ra tiếng Việt, nhân
khi bàn về Một nhân sinh quan theo Trung Dung và Dịch Lý, đăng
trong Đặc san Cổ Học Tinh Hoa Quảng Nam. Nơi đây, tôi sao chép
lại để cống hiến quí vị, và đặt tên nó là «Bài ca nửa tiên, nửa tục».
Ta sống quá nửa đời phù phiếm,
Mới nhận ra huyền nhiệm Trung Dung.
Trung Dung hương vị khôn cùng,
Làm cho lòng dạ tưng bừng niềm vui.
Lúc mà cái con người sướng nhất,
Chính là khi tới cấp trung niên.
Quang hoa dùng dắng triền miên,
Như chờ, như đợi gót tiên tạm ngừng.
Cõi trần lọt giữa chừng trời đất,
Giữa tỉnh quê, ta cất nhà ta!
Thảnh thơi ta mở trại hoa,
Giữa chừng sông núi, la đà nước non.
Biết vừa đủ, tiền nong vừa đủ,
Vòng lợi danh, vương nửa tấm son.
Không xinh, nhưng cũng dễ nom,
Không giàu, nhưng cũng còn dòn hơn ai!
Nhà ta xây, nửa đài, nửa các,
Đồ đạc ta lác đác đủ chơi,
Áo ta cũ mới chơi vơi,
Uống ăn na ná như người bậc trung;
Vài tôi tớ không thông, không dở,
Vợ con ta, đơ đỡ ta ưng.
Nửa tiên, nửa tục, lừng chừng,
Nửa cùng thần thánh, nửa cùng thê nhi.
Nửa bụng dạ, lo vì con cái,
Nửa tâm hồn gửi lại Hoàng Thiên,
Để khi thoát xác ta yên,
Biết đường thưa gửi, biết niềm tới lui!
Ngà say là lúc ly bôi,
Đóa hoa hàm tiếu là thời mê ly.
Buồm nửa cánh, thuyền đi thong thả,
Cương vừa giong, vó ngựa mới hay.
Quá giàu, phiền lụy sẽ dầy,
Quá nghèo, cuộc sống sẽ đầy truân
chiên.
Trần ai, sướng với phiền khó tách,
Trong ngọt ngào, pha phách đắng cay.
Hưởng đời đừng quá mê say,
Lừng chừng đại khái, tháng ngày tiêu
dao!...
Khi viết bài này, ngẫu nhiên tôi có gọi
điện thoại cho cụ Đan Quế, để hỏi về chuyện Từ Thức lên tiên. Sau khi
tôi trình bày rằng con người chẳng cần lên tiên, vẫn có thể sống thần
tiên, ngay tại khu vực mình đang ở, ngay trong hoàn cảnh mình đang sống,
Cụ rất đồng ý với tôi, và nói đã làm 5 bài thơ dưới nhan đề là THÊNH
THANG NGOÀI CÕI. Tôi xin phép Cụ thuật lại nơi đây, để chứng minh sự
đồng thanh tương ứng trong trời đất:
Vượt mấy giang đầu, mấy hải duyên,
Vẫn vui trăng nước một con thuyền!
Trang-sinh mộng thả, trầm vương áo,
Kiều-nữ tay mài, mực ngát yên.
Cảnh ấy lòng này âu có hẹn,
Vườn xưa hoa cũ được như nguyền.
Thênh thang ngoài cõi, linh-đài mở,
Đâu đến Bồng-Lai mới gặp tiên!
*
Đâu đến Bồng-Lai mới gặp tiên!
Vườn tâm hoa nụ ngát hương nguyền.
Chòm mây mộng gửi đang vui bước,
Cửa động then cài dễ ngủ yên.
Mải lắng phách dồn cung nguyệt quế,
Mà quên tuyết phủ mái ngư thuyền.
Làm chi hạt bụi trong trời đất!
Vũ trụ riêng mình đủ sẵn duyên.
*
Vũ trụ riêng mình đủ sẵn duyên,
Dám đâu đến bến đã quên thuyền.
Tiết danh cuối cuộc còn trong sáng,
Phong vũ trong lòng thấy lặng yên,
Bèo nước không rời, cơn sóng loạn,
Sắt son khỏi thẹn, bóng trăng nguyền.
Chập chờn gối nguyệt, song in trúc,
Theo mộng ra vào giữa cõi tiên!
*
Theo mộng ra vào giữa cõi tiên,
Như "vân xuất trục", một tâm nguyền.
Trùng-Dương cúc hẹn, vừa lên núi,
Đông-Chí mai chờ, lại xuống yên.
Quần-Ngọc đâu người vui thả hạc?
Đào-Nguyên quen lối ghé neo thuyền.
Đất trời dành sẵn kho vô tận,
Dị-thảo kỳ-hoa, đã kết duyên.
*
Dị- thảo kỳ-hoa đã kết duyên:
Đêm hoa-đăng mở hội hoa- thuyền!
Khai men Đạo-tửu chờ bên tiệc,
Trải gấm Hoàng-Đô sẵn trước yên.
Chén rượu giao-tình hương thấm giọng,
Câu thơ chúc-thọ nét tươi nguyền.
Lâng-lâng giữa cảnh thanh nhàn ấy,
Liễu đón mai chào, sánh bước tiên!
Năm bài thơ này, cụ Đan Quế làm tại
Song-Hạc-Đình, ngày 18. 9. 1988, để mừng cụ Chi Điền, Hoàng Duy Từ; tôi
viết bài này ngày 11.11. 1988. Cụ Đan Quế khi làm 5 bài thơ này, và tôi
khi viết bài này không hề tham khảo lẫn nhau, không hề chịu ảnh hưởng
của nhau, thế mà so lại với nhau, có rất nhiều điểm trùng hợp. Thật cũng
lạ lùng.
Tôi từ lâu, rất mến thơ của thi sĩ Cao
Tiêu, và thấy có nhiều bài hết sức thoát tục. Chính vì thế, mà với sự
đồng ý của thi sĩ, tôi kết thúc bài này bằng bài thơ Ngộ tiên của thi
sĩ.
NGỘ TIÊN
Lưu thủy
đào hoa kết mỹ duyên,
Tửu
hương xuân khí nhập khinh thuyền.
Điểu phi
tú lĩnh vân sương hội,
Mã khởi
hòa phong, liễu thảo liên.
Hoan ngộ
đề thi khai ước phiến,
Hứng đàm
lãng vịnh nguyện tâm truyền.
Phiêu
phiêu điệp vũ tiền thân hiện,
Hồng
kiểm thùy nhan sắc Giáng tiên.
GẶP TIÊN
Theo suối hoa đào rắc thắm duyên,
Men xuân thơm ngát rượu quanh thuyền.
Mây sương đầu núi chim tung cánh,
Gió liễu bên đường ngựa thắng yên.
Mừng gặp đề thơ, sanh quạt ước,
Vui ngâm thả hứng, ủ hương nguyền.
Lâng lâng cánh bướm tiền thân hiện,
Một áng hồng tươi nét Giáng tiên.
CHÚ
THÍCH
»
Mục lục |
Phi lộ | Chương:
1 2
3 4
5 6
7 8
9 10
11
12
13
14 15
16 17
18 19
20
|