Đường vào Triết học và Đạo học

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

» Mục lục | Phi lộ | Chương: 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13  14  15  16  17  18  19  20


Chương 19

HƯƠNG HOA ĐẠI ĐẠO (tt.)

 

I. TRÀO LƯU TƯ TƯỞNG MỚI (THE NEW THOUGHT MOVEMENT)

Trên đây chúng ta đã khảo về Siêu Phàm Phái, và Thông Linh Phái. Trong chương này chúng ta sẽ khảo về Trào Lưu Tư Tưởng Mới và Thông Thiên Học.

* Siêu Phàm Phái chủ trương con người có Thiên Tính.

* Thông Linh Phái cũng chủ trương con người có Thiên Tính, nhưng nhấn mạnh rằng con người, sau khi chết, sẽ tùy trình độ tiến hóa của mình mà ở cõi này hay cõi nọ, cao thấp khác nhau. Con người trong cõi này có thể liên lạc được với các vong linh trong các cõi khác.Phong Trào Tân Tư Tưởng gồm nhiều môn phái khác nhau, nhưng đều cùng có một đường nét mới, một chủ trương mới giống nhau. Đó là: Con người có Phàm Tính, nhưng cũng có Thiên Tính. Con người phàm một khi không chịu theo những định luật của trời đất, những định luật thiên nhiên, thì sẽ phải khổ sở, sẽ bị bệnh tật. Khi biết mình có Thiên Tính, khi sống thuận theo những định luật của Trời Đất, thì con người có thể dần dần phát triển được thần uy, thần lực của mình để chữa trị các bệnh tật. Bệnh tật chẳng qua là do cái nhìn lệch lạc của con người, là do con người đã đánh mất thế quân bình với Trời, với Đất, với Người, với Mình.

Cho nên trên phiến diện, nếu ai đã theo Trào Lưu Tân Tư Tưởng thì đều tin tưởng mình có thể chữa được bệnh tật cho mình, cho người. Gọi là trào lưu, vì do nhiều người chủ trương, vì càng ngày càng sinh ra môn này phái nọ.

Biệt giáo nào biết hòa mình với những tôn giáo công truyền thì còn có cơ phát triển; giáo phái nào tách khỏi các hình thức tôn giáo đang thịnh hành, thì thường dễ đi đến chỗ lãng quên.

Dưới đây vì mô tả trào lưu, nên sẽ không thiên vị một giáo phái nào. Nói đến Tân Tư Tưởng trước tiên là phải nói đến Phineas Parkhurst Quimby, và Warren Felt Evans. Sau đó phải lưu ý rằng phong trào này cũng vay mượn nhiều vào các giáo phái khác như Tân– Bá Lạp Đồ (Neoplatonism), Giác Ngộ phái (Gnosticism), Siêu Phàm Phái (Transcendentalism), Thông Linh Phái (Spiritualism) v.v...Lại nữa, các Giáo Phái sau này tuy đứng về phương diện triết học thì giống Tân Tư Tưởng, nhưng họ lại không muốn coi mình như là thuộc trào lưu Tân Tư Tưởng. Sở dĩ họ không mấy thích danh xưng Tân Tư Tưởng vì họ nhận thấy rằng chúa Jesus xưa kia đã áp dụng các phương pháp này để chữa bệnh tật.

Để tiện việc khảo cứu, dưới tiêu đề Tân Tư Tưởng, ta sẽ xếp những nhân vật và các giáo phái sau:

A) Nhân vật

– Phineas Parkhurst Quimby (1802–1866).

– Warren Felt Evans, mục sư Giáo phái Tin Lành Methodist, gia nhập phong trào Swedenborg năm 1863.

– Julius & Anetta Dresser.

– Charles M. Barrows.

– Miss M. J. Barnett.

– Mrs Ursula Gesterfeld

– Mrs Emma Curtis Hopkins.

B) Giáo phái

– The Divine Science Church do nhiều người sáng lập, trong đó có Bà Malinda Cramer.

– The Church of Religious Science, do B.S. Ernest Holmes lập năm 1952.

– The Institute of Religious Science.

– The IARSC (The International Association of Religious Science Churches) thành lập năm 1949 do sáng kiến của B.S. Ernest Holmes.

– The Unity School of Christianity.

– Christian Science do bà Mary Baker Eddy sáng lập khoảng năm 1866. 

C) Sơ lược ít nhiều nhân vật

* Phineas Parkhurst Quimby sinh ra ở Lebanon, New Hampshire năm 1802, nhưng sau thường sinh sống ở Portland Maine. Sau khi Charles Poyen, người Pháp, cho khoa thôi miên du nhập vào Mỹ, Quimby đã có dự khóa học về thôi miên năm 1838, và đến năm 1840 hành nghề thôi miên. ông cộng tác với một học viên của ông là Lucius Berkmar, để đoán bệnh và chữa bệnh.

Dần dà, Quimby, nghĩ ra được một học thuyết giải thích căn nguyên bệnh tật và chỉ dạy phương thức chữa bệnh.

Trước hết Quimby phi bác chủ trương chữa bệnh bằng nhân điện (magnetic healing); hay chữa bệnh qua trung gian các vong linh (Spiritualist hypothesis).

Quimby cho rằng con người có hai phần:

– Phần Phàm tục (natural man) chịu ảnh hưởng của dư luận, của xã hội bên ngoài Cái tâm ấy là tâm phàm (mind of opinions).

– Phần Thánh Tiên (spiritual man) hay là Thiên Tâm, minh chính không thể nào lầm lạc (Mind of Science; Mind of Christ). Thiên Tâm này cũng chính là Thiên Chúa, và chính nhờ thần lực này mà con người có khả năng chữa bệnh.

Như vậy theo như Swedenborg, Andrew Jackson Davis, Thông Linh, hay Thông Thiên, thì tâm con người phát ra một luồng từ lực (magnetic power), mà Von Reichenbach gọi là Odic force, mà Thông Linh hay Thông Thiên gọi là Etheric emanations, hay auric emanations; mà Andrew Jackson Davis gọi là Mental Atmosphere.

Quimby cho rằng đó là thứ 'vía xấu' (evil animal magnetism), không dùng để chữa bệnh được. Muốn chữa bệnh cần phát huy được Thần Lực của Thiên Chúa trong con người chúng ta (God's power). Theo Quimby, con người sẽ đoán ra bệnh bằng Thần Trí (Wisdom), chữa bệnh bằng Thần Uy (God's Power). Như vậy mới thực sự là y đạo (Science of Health). [1]

Theo Quimby, con người bị bệnh tật chính vì đã không biết rằng trong mình có căn cốt thần linh..

Theo Quimby, Thượng Đế chính là Chân Ngã con người.[2] Quimby cho rằng con người bị bệnh, vì nghĩ là mình có bệnh. Đó là một sự lầm lạc. 

* Warren Felt Evans.

Evans chịu ảnh hưởng sâu rộng của Swedenborg, Fichte, Quimby, và học thuyết Thiên Địa Vạn Vật Đồng Nhất Thể của Ấn Giáo.

Theo Evans, các tầng lớp trong con người hỗ tương ảnh hưởng đến nhau, theo định luật tương ứng (laws of correspondences).

Tật bệnh sinh ra là vì Phàm Tâm con người kình chống với Thiên Tâm, với Căn Cốt Thần Linh nội tại (antagonism between the inmost divine essence in man and the selfhood), hoặc là do ý chí con người bị thác loạn. Nếu Thiên Tâm mà chi phối hoàn toàn được phàm tâm, được thể xác, thì con người sẽ trở lại với Trời, như Chúa Jesus đã làm xưa. [3]

Muốn chữa bệnh, trước hết phải dùng thấu thị để tìm cho ra căn bệnh, sau đó phải dùng Thần mình trực tiếp ảnh hưởng vào Thần của bệnh nhân. [4]

Evans cũng đặt nặng ảnh hưởng của Tư Tưởng và Lời Nói. Chủ trương của Evans làm ta liên tưởng đến bí quyết của Mật Phật Giáo cũng là Thân, Khẩu, Ý (Ấn Quyết, Thần Chú, Tập Trung Tư Tưởng). 

* Các nhà Tư Tưởng khác.

Phong Trào Tân Tư Tưởng gồm rất nhiều người khác có tên tuổi như:

– Julius & Anetta Dresser.

– Charles Barrows.

– Cô M. J. Barnett.

– Henry Wood.

– Ursula Gestefeld.

– Emma Curtis Hopkins.

– Mary Baker Eddy, giáo chủ Giáo Phái Christian Science v.v...

Tôi sẽ không đi sâu vào từng nhân vật, nhưng cố gắng vẽ ra đường hướng chung, quan điểm chung của Phong Trào.

Như ta đã biết, mỗi một giáo phái, mỗi một đạo giáo lại có một lập trường riêng, một cơ sở lý luận riêng. Âu Mỹ gọi là Paradygme.

Cơ sở lý luận của Âu Mỹ đã được xây dựng trên Truyền Thống Thiên Chúa Giáo, trên quyền uy của Giáo Hội (Công Giáo); trên quyền uy của Thánh Kinh (Tin Lành). Cơ sở lập luận của Tân Phong Trào hết sức là rộng rãi, hết sức là tự nhiên, phóng khoáng.

Những người theo Phong Trào Tân Tử Tưởng có thể chấp nhận mọi thứ Thánh Kinh trong thiên hạ.

Họ đặt nặng vấn đề Thượng Đế nội tại, Thần Linh nội tại, cho rằng Con Người có Bản Tính Trời. Cha mẹ, tổ tiên của con người chính là Trời, vì thế nên con người sinh ra cũng Vô Nhiễm Nguyên Tội như Chúa Jesus hay Đức Mẹ Maria.

Con người đều có Bản Tánh của Thượng đế, nên đều là Thượng Đế trên phương diện Căn Cốt. Họ không chấp nhận con người sa đọa vì tội Tổ Tông, mà sa đọa vì đã tách rời Mình ra khỏi Thượng Đế. Họ cho rằng con người được giải thoát, khi hợp nhất lại được với Thượng Đế. Con người ai ai cũng có Thiên Tính như Chúa Jesus, có Christ, có Logos trong mình như Chúa Jesus, nhưng khác Chúa Jesus ở chỗ là không thực hiện được Thiên Tính đó.

Chủ trương của họ là Thượng Đế là Tất Cả, ở trong Tất cả, nên người thì cho rằng Phàm Tâm là Mình, Chân Tâm là Chúa, còn phân biệt có Thần, có Vật, nhưng cũng có đôi người thấy Chúa là tất cả, và tất cả những cái gọi là Tinh Thần, Vật Chất chẳng qua chỉ là những hình hiện những biến hóa nhất thời của Đại Thể vô biên đó mà thôi.

Tất cả vũ trụ này đều được chi phối bằng những định luật thiên nhiên. Tìm ra được những định luật thiên nhiên đó để mà theo, mà giữ, con người sẽ sống trong sung túc, trong vui vẻ, trong hòa bình, trong sức mạnh, trong hạng phúc.

Cho nên sở dĩ con người bị bệnh tật, chính là vì con người còn ngu dốt chưa theo đúng được những định luật nhân sinh, chính là vì con người đã đánh mất sự quân bình giữa Thiên Lý và Nhân Tâm.

Chính vì phong trào này đã xây dựng cơ sở trên học thuyết: Thiên địa Vạn Vật Đồng Nhất Thể, nên dĩ nhiên không chấp nhận Thuyết Tạo dựng bởi không của Thiên Chúa Giáo.

Tuy nhiên vì họ sống trong môi trường Thiên Chúa Giáo, nên vẫn dùng những danh từ của Thiên Chúa Giáo như Cha Con, Thánh Thần, vẫn tuyên xưng trọng vọng Kinh Thánh, nhưng khảo kỹ, thì nếu họ còn dùng Từ Ngữ này nọ, nhưng nội dung thì đã thay đổi hết.

Những tư tưởng trên đã được lẩy ra từ những bản tuyên xưng của Phong Trào, như bản Declaration of Principles làm tại St. Louis năm 1917. [5]

Trong các Giáo Phái thuộc phong trào này, hiện nay Giáo Phái Christian Science là mạnh nhất, và sống động nhất.

Giáo phái này do bà Mary Baker Eddy sáng lập vào khoảng năm 1866, hiện nay có rất đông tín đồ, và chủ trương chữa bệnh chỉ bằng Kinh Nguyện, không cần dùng thuốc men.

Người Á Châu, khi khảo lại các phong trào nói trên, nếu tâm không chấp trước sẽ học được rất nhiều bài học, mà bài học quí giá nhất, là nếu một lúc nào đó, biết ngồi tĩnh tâm nhập định, sẽ thấy mình thể nhập với Thượng Đế, với Nguồn Sinh của vũ trụ và của Con Người...

Sự khảo cứu này cho thấy rõ con người tùy căn cơ, tùy trình độ, sẽ có thể làm một trong những chuyện sau đây:

– Dựa vào truyền thống, dựa vào một tôn giáo nào đó.

– Dựa vào giáo quyền của tôn giáo nào đó.

– Dựa vào một thánh thư nào đó.

– Dựa vào sự hướng dẫn cũa một hay nhiều vong linh quá vãng nào đó.

– Dựa vào Chân Thần nội tại sẵn có nơi mình.

– Tiêu trừ Phàm Tâm để thể nhập Thiên Tâm.

– Sống trong cõi Vô Cùng, nhìn thấy lẽ Nhất Quán, Viên Dung của Vũ Trụ, vượt lên trên hết mọi phân biệt, hồn nhiên, hạnh phúc...

Tóm lại càng ngày càng thấy rằng con người có những khả năng vô tận, và có thể tiến hóa vô cùng, vô tận.

 

II. THÔNG THIÊN VÀ CÁC BIỆT PHÁI TƯƠNG TỰ

Dưới tiêu đề này chúng ta sẽ bàn sơ về:

– Thông Thiên Học (Theosophy).

– Trường Thần Bí (The Arcane School).

– Tổ Chức Astara.

 

1. Thông Thiên Học do bà Helena Petrovna Blavatsky, ông Olcott và ông William Q. Judge sáng lập, ngày 20 tháng 10, năm 1875. Trụ sở chính ở Adyar, Ấn Độ. Có chi nhánh ở Nữu Ước, Luân Đôn, Paris, và nhiều nước khác trên thế giới.

Ngoài ra còn có những nhân vật khác nổi tiếng như bà Annie Besant, ông Katherine Tingley, Krishnamurti v.v...

Những sách danh tiếng của Thông Thiên.

The Secret Doctrine, Isis Unveiled của bà Blatvaski.

Esoteric Christianity của Annie Besant v.v...

 

2. Trường Thần Bí (The Arcane School)

Trường phái này do Alice Bailey sáng lập tại Nữu ước năm 1923.

 

3. Tổ Chức Astara (The Astara Foundation).

Tổ chức này do Robert và Earlyne Chaney sáng lập năm 1951.

 

A. SƠ LƯỢC VỀ GIÁO LÝ THÔNG THIÊN HỌC

Hội Thông Thiên được thành lập với ba mục tiêu:

1. Thành lập căn cơ cho tình Huynh đệ đại đồng, không phân chủng tộc, tín ngưỡng, nam nữ, tầng lớp xã hội, hay màu da.

2. Khảo cứu các đạo giáo cổ kim, triết học, khoa học, và coi đó là một điều cần thiết.

3. Khảo sát về những định luật thiên nhiên còn ẩn áo, chưa hiển lộ, và các khả năng tâm lý tiềm ẩn nơi con người. [6] Bà Blavatsky viết: Mục tiêu hết sức quan trọng của chúng tôi là làm sống lại công cuộc của Ammonius Sacca, người sáng lập ra môn phái Tân-Bá-Lạp-Đồ (Neoplatonism) cách đây 17 thế kỷ. Môn phái này chủ trương là dung hòa, hòa giải mọi tôn giáo, mọi trường phái, mọi quốc gia dưới một hệ thống luân lý chung, dựa trên những chân lý bất biến, vĩnh cửu... Ammonius khuyến cáo mọi người ngừng chống báng nhau, đả kích nhau, vì dưới những lớp áo xống khác nhau, thực ra họ có cùng một chân lý. [7]

Về Vũ Trụ Quan, Thông Thiên chủ trương rằng vũ trụ này đã được phóng phát ra từ một Nguyên Thể Thần Linh Duy Nhất. Đó cũng là chủ trương chung của các nền Triết Học Tân Bá Lạp Đồ, Ấn Độ, Ai Cập, Ba Tư, Hi Lạp và của môn phái Giác Ngộ. [8]

Về phía con người, Thông Thiên Học chủ trương rằng con người, là một tàn lửa Trời, là một phân thân của Trời, là một Con Trời, sẽ tiến hóa dần dần để thực hiện Chân tướng của mình. [9]

Thông Thiên cho rằng con người có nhiều tầng lớp.

– Tầng lớp thể chất (physical body).

– Tầng lớp khí (astral body do chữ Aster là Star là Sao). Đó chính là Tầng Lớp Nam Châm hay Tầng Lớp Nhân Duyên, Duyên Nghiệp, chịu sự hấp dẫn, ràng buộc của tha nhân, ngoại cảnh và các tinh cầu. Đó chính là tâm hồn con người với thất tình lục dục. Nó có một tần số cao hơn thể chất, và phát ra một hào quang có màu sắc khác nhau, mờ tỏ khác nhau, biến đổi theo tâm trạng. Lúc ngủ mơ, ta sống trong cảnh giới này.

– Tầng lớp Thần, hay Thể Trí (The Mental Body, The Mental Plane), gồm bảy tầng, bốn tầng dưới thấp gọi là Hạ Trí (Lower Mind); ba phần cao trên gọi là Thể Căn (The Causal Body). Thể Trí sau khi chết sẽ sống trong cõi Trung Giới hay Devachan, hay cõi Thiên (heaven– word). Sau một thời gian Thể Trí sẽ tiêu, để cho Thể Căn (Causal Body) lên sống trên cảnh giới Thượng Thiên (higher heaven world).

Sau đó là Cảnh Giới Tuệ Giác (Intuitional Plane).

– Sau đó là cảnh giới Thần Linh (spiritual plane), nơi mà ý người và ý Trời sẽ hợp nhất.

– Các cõi tối hậu để cho con người tiến hóa đó là cõi Nhất Thể (monadic plane) và cõi Thần Linh Siêu Tuyệt (the divine plane), hay cõi Niết Bàn (The Nirvana). [10]

Nói thế có nghĩa là con người có thể tiến hóa vô cùng tận, và cuối cùng sẽ thể nhập Đại Thể Vô Biên, trở thành Vô Cùng. Chính vì tin rằng con người tiến hóa vô biên, vô tận, nên Thông Thiên tin có Quả Kiếp (Karma), và tin có Luân Hồi (Reincarnation). Luân Hồi ở đây không cứ là phải tái sinh nơi trần thế, nhưng có thể sống trong nhiều cõi khác nhau, càng ngày càng khinh thanh, vi tế. Chính vì vậy mà Thông Thiên tin rằng con người có thể liên lạc được với các vong linh đã quá cố, nhưng phải thận trọng vì nhiều khi gặp phải những vong linh thấp, rất có hại.

Nếu Ấn Giáo, Phật Giáo đều chủ trương con người có ĐẠI NGÃ, TIỂU NGÃ; ĐẠI NGÃ là TRỜI, là PHẬT, TIỂU NGÃ là NGƯỜI là PHÀM; ĐẠI NGÃ thời TRƯỜNG SINH; TIỂU NGÃ thời TỬ VONG, thì bà Blavatsky cũng chủ trương rằng con người có:

– ĐẠI NGÃ mà bà gọi là Higher Mind hay Soul hay SPIRIT, hay Noetic Mind, hay Divine consciousness, Divine Mind trong con người (do chữ Nous Hi Lạp hay chữ Nout Ai Cập); hay Individualality.

– TIỂU NGÃ mà bà gọi là Lower Mind, hay Animal Soul hay Psyche, hay Personality. [11]

Chúng ta nên lưu ý về hai chữ INDIVIDUALITY và PERSONALITY.

INDIVIDUALITY theo từ nguyên là Duy Nhất Bất Khả Phân; Personality do chữ Persona là mặt nạ hóa trang. Do đó ta hiểu được ngay rằng dưới những một mặt hóa trang muôn vàn biến ảm của Phàm Tâm, còn có Thiên Tâm Duy Nhất Bất Biến...

Tuy nhiên như trên chứng ta đã thấy Thông Thiên chủ trương rằng con người trên quá trình tiến hóa vô hạn, có thể biến từ Phàm Tâm tử vong đến Thiên Tâm bất tử.

Nếu ta coi Phàm Tâm là CHÌ; Thiên Tâm là VÀNG RÒNG, thì ta sẽ thấy rằng Khoa Luyện Đan của Âu Châu hay của Á Châu thực ra không chủ trương biến CHÌ thành VÀNG, nhưng chính là chủ trương biến Phàm Tâm thành Thiên Tâm.

Hiểu được điều này chúng ta sẽ hiểu được các Khoa Học Huyền Bí khác của Âu Châu như Kabbala, Free– Masonry, Alchemy, Tarot và Rosicrucianism và Hermetism; cũng như ta mới hiểu được bí quyết Nhập Niết Bàn của Ấn Giáo, Phật Giáo hay Con Là Cái Đó (Tat Tvam Asi) của Bà La Môn.

Thánh Paul, trong thư 1 gửi cho Bổn Đạo Corinthians cũng đã bàn về Thiên Tâm mà Ngài gọi là Spiritual Body, và Phàm Tâm mà ngài gọi là Psychical Body:

Thiên Tâm mới bất tử, mới vào được Nước Trời; Phàm tâm thời tử vong, ngu muội, và sẽ hư nát đi (I Cor.15: 42–51). Tiếc thay đại luận này của thánh Paul, xưa nay ít người dịch nổi, ít người hiểu nổi. Quả là một điều đáng tiếc.

Xuyên qua Thông Thiên, chúng ta đã tìm ra chủ trương nhất quán của các Mật Tông Âu Châu như Rosicrucianism (Hồng Hoa Thập Tự), Tam Điểm (Free-Masonry) Kabballa (Mật Tông Do Thái), Phái Giác Ngộ (Gnosticism), Phái Tân Bá Lạp Đồ (Neo-Platonism); Khoa Luyện Đơn (Western Alchemy & Taoist Alchemy); Bà La Môn; Phật Giáo; phần mật truyền trong Thiên Chúa Giáo; tinh yếu của Dịch Kinh và Thuyết Tiến Hóa, như vậy há chẳng phải đã vượt qua các biên cương bờ cõi của các tôn giáo và các mật tông kim cổ để tìm lại được lẽ nhất quán của nhân quần hay sao.

Mà cái lẽ nhất quán đó thật là giản dị:

– Dưới bộ mặt nạ hóa trang của con người luân lạc trong các cõi luân hồi, vẫn còn có bộ mặt quang hoa vĩnh cửu của con người muôn thủa. Làm sao, rũ bỏ được những lớp phấn son, bùn đất bên ngoài, để phục hồi lại được cái Bản Lai Diện Mục trong sáng, vinh hiển thực sự của chính mình.

 

B. ĐẠI LƯỢC VỀ TRƯỜNG PHÁI HUYỀN BÍ (THE ARCANE SCHOOL)

Chủ trương của Trường Phái này cũng na ná như của Thông Thiên.

Nó cũng chủ trương rằng con người có Thiên Tính. Cái Thiên Tính ấy thánh Paul gọi là Đấng Kitô trong anh em.

Tội lệ chẳng qua là sự ngu muội, dốt nát, không hiểu được rằng căn cốt của mình đồng nhất với Thượng đế, với Brahman. Xưa kia người ta cho rằng tội lệ sinh ra là vì xác thịt yếu đuối; nhưng thật ra tội lệ sinh ra vì tâm ta lầm tưởng rằng chúng ta xa cách, riêng biệt, với người, với thần linh, với Đại Ngã. Tưởng rằng ta, người chia lìa là lầm lạc; thấy rằng ta, người là một mới xây dựng được tương lai. 12

 

C. ĐẠI LƯỢC VỀ TỔ CHỨC ASTARA

Tổ Chức Astara do hai vợ chồng ông Bà Robert và Earlyne Chaney sáng lập năm 1951. Nó tập hợp các đường nét chính yếu của Thông Linh phái, của Thông Thiên, của Trường Phái Mật Tông (The Arcane School), và của Thiên Chúa Giáo. Vì Bà Earlyne có khả năng chữa bệnh, nên tổ chức này vừa giảng giáo, vừa chữa bệnh. Tuy không tin vào các giáo hội Thiên Chúa Giáo, nhưng vẫn tin Chúa Giê Su là một trong những Linh Thần hướng dẫn nhân quần. Nhờ vậy mà thu hút được nhiều tín đồ.

Ông Bà Robert và Earlyne Chaney có ý đồ tận dụng tất cả các Pháp Môn hiện có trong Thiên Hạ để giúp con người tìm thấy được Thiên Chúa, từ cầu cơ, đến chuyện tin vào các Linh Thần hướng đạo, như Kut– Hu– Mi, như Rama, như Chúa Jesus, đến chuyện tin vào Luân Hồi, Chuyển Kiếp, và khai thác mọi Môn Phái cổ kim, khai thác Yoga v.v...

Ít ra cũng phải khen rằng Trường Phái này đã gạt bỏ được mọi chấp trước.

Và như vậy chúng ta lại học thêm được một bài học mới là PHÁ CHẤP HOÀN TOÀN.


CHÚ THÍCH

[1] J. Stillson Judah, The History and Philosophy of The Metaphysical Movement of America, p. 150- 156.

[2] Both Davis and Quimby identify God with Wisdom which is man's real self. The latter wrote in 1865: "The real man is God or the first cause. Every idea that man embraces comes through his natural senses, but this real man is not seen, but is truth or wisdom." Ib. 152.

[3] (Ib. pp. 160- 161)

[4] "speak as a spirit to his spirit". Ib. p. 161.

[5] (Xem The History and Philosophy of The Metaphysical Movements in America, nơi các trang 175- 185; bản Tuyên Xưng của Divine Science (cf. pp. 197- 198) v.v...

[6] Ib. p. 94.

[7] The most important of our aims, she writes, "is to revive the work of Ammonius Saccas, " the founder of the Neoplatonic School of seventeen centuries ago. The work of that school, she states, was "to reconcile all religions, sects and nations under a common system of ethics, based on eternal verities." Hence the Neoplatonists were known as the eclectic theosophical school, the word theosophy, meaning godlike wisdom, being first used by them. The aim of Ammonius was to induce Gentiles, Christians, Jews and other people "to lay aside their contentions and strifes, remembering only that they were all in possession of the same truth under various vestments..."

H.P. Blavatsky, The Key to Theosophy, Reprint of original 1889 edition, Theosophy Co, Los Angeles, pp. 3,5.

Joseph Head and S.L. Cranston, Reincarnation: The Phoenix

Fire Mystery, Julian Press/Crown Publisherd, Inc. New York, 1977, p. 488.

[8] Theosophy's cosmology is essentially a theogony of emanation from the Divine One, and since Theosophy teaches that all religious philosophies have similar truth, it does not seem strange to the followers that its expression is made in both Neoplatonic and Hindu terms. Annie Besant, in her Esoteric Christianity or the Lesser Mysteries chose essentially the former, but equated this truth with that found in the mystery religions of Egypt, Persia, Greece, as well the Gnostics.

Annie Besant, Esoteric Christianity or the Lesser Mysteries (Theosophical Publishing House, 1901), pp. 22- 26.

J. Stillson Judah, The History and Philosophy of the Metaphysical Movements in America, The Westminster Press, Philadelphia, Pennsylvania, pp. 107- 108.

[9] According to Annie Besant, man is a spark of God, "a fragment of the life of God," which at one stage of its evolution individualized as a human ego. As a "Son of God, made in his image," he progresses through many reincarnations toward the realization of his true nature.

Ib. p. 103.

[10] Ib. p. 104.

[11] 'Noetic' is an adjective of Nous which H.P.B. defines in her Theosophical Glossary as "a Platonic term for the Higher Mind or Soul." It means Spirit as distinct from animal Soul- psyche." It is the 'divine consciousness or mind in man." The Greeks, she said, borrowed the word from the Egyptian Nout.

Los Angeles: Theosophy Co., p. 234.,

Reincarnation, The Phoenix Fire Mystery, p. 511.


» Mục lục | Phi lộ | Chương: 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13  14  15  16  17  18  19  20