Đường vào Triết học và Đạo học

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

» Mục lục | Phi lộ | Chương: 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13  14  15  16  17  18  19  20


Chương 9

BÀN VỀ CÁI ĐẸP

 

Trời cho tôi đôi tay hết sức vụng về, và một khối óc không nhớ nổi hình ảnh và màu sắc, nên tôi không tài nào mà học vẽ nổi. Trông một hình đã có sẵn; mất thì giờ, vẽ đi, vẽ lại; tẩy đi, tẩy lại; thì đại khái vẽ cũng còn tạm được. Nhưng nếu bắt vẽ thuộc lòng, vẽ tưởng tượng một người, thì ôi thôi! tai không biết cắm vào chỗ nào, tay không biết gắn vào đâu; muốn vẽ ngựa, thì lại hao hao giống con chó. Quay sang học đàn học hát: Kết quả cũng tương tự: học dương cầm thì không chịu học đổi ngón tay; mắt cứ thích trông trộm vào phím đàn; gặp dấu trắng thì thích đánh nhanh; gặp dấu cờ lại ưa đánh chậm; gặp dấu 2, 3 cờ thì tự động đầu hàng. Thành thử bản đàn nào, dẫu của Mozart, Beethoven hay của Gounod, của Chopin hay của Bach cũng vẫn mang thêm nhãn hiệu của tôi, vì vậy mà không sao hòa tấu với ai được. Tưởng có tài hát, tôi quay sang học hát. Mọi người trầm trồ khen tiếng tôi hơi chua, và hát thường hay sai khoảng chừng gần nửa dấu. Đã vậy mà còn gặp những Do#, Re#, hay Si thì quả là tai hại. Tôi vẫn nghĩ rằng nếu có khi nào mà có đài truyền hình nào vô phúc mời tôi hát một bản thì ngày ấy, chắc chắn các khán, thính giả sẽ tự động đổi đài, và đài truyền hình mời tôi ca sẽ hối hận vô cùng.

Tuy nhiên, trông bức tranh đẹp, tôi cũng thấy ngay đó là bức tranh đẹp.

Cái óc thẩm mỹ này, tôi được trời phú cho ngang với các ông gìa, bà lão, hay, các thanh thiếu niên từ quê đến tỉnh.

 Không cho biết vẽ, không cho biết đàn hát, nhưng lại cho biết thích xem tranh, thích nghe đàn hát như ai; nghĩ ra mới thấy rằng ông Trời thiệt đã ưu đãi tôi. Tôi không vất vả gì, mà đâu đâu cũng nhìn thấy cái đẹp, vì cái đẹp, cái hay, ông Trời đã cho nó tung tỏa từ trong lòng tôi cũng như từ trong lòng bạn từ khi mới chào đời.

Tính tôi lại dễ dãi, "lừng chừng, đại khái tháng ngày tiêu dao", theo đúng lời khuyên của Lý Mật Am trong bài Bán bán ca, nên đi tìm cái đẹp quả là không có khó.

Thực ra tôi cũng không muốn định nghĩa thế nào là đẹp. Nhưng quí vị là những bậc thức giả, những người sành điệu lại cần biết thế nào là đẹp, vì sao lại đẹp; có dài dòng giải thích, phân tách quí vị mới vừa lòng. Tới đây, tôi nhớ đến chuyện con «cuống chiếu». «Cuống chiếu» có rất nhiều chân, tối thiểu cũng khoảng một trăm chân; người Âu Châu phóng đại lên cho rằng nó có đến ngàn chân (mille-pattes). Ngày thường nó bò rất mau, rất tự nhiên, không thắc mắc. Nhưng một hôm có người lại hỏi nó rằng; khi ngươi bò, ngươi khởi đầu bằng chân thứ mấy, và chân nào tiếp theo chân nào. «Cuống chiếu» đâm hoang mang, cứ tự hỏi khi bò, mình đã bắt đầu bằng chân thứ 2, thứ 5, thứ 10, hay thứ 42? Nghĩ thế, rồi đâm hoang mang, đâm luýnh quýnh, không còn biết bò thế nào cho đúng điệu nữa.

Thành ra khi muốn viết một bài thế nào là CÁI ĐẸP, tôi lại phải đi tìm xem người xưa đã định nghĩa thế nào là đẹp, rồi lại đi tìm ít sách về Nghệ Thuật để đọc; mượn ít nhiều sách bàn về những cảnh đẹp thiên nhiên... Tôi thấy tôi đúng là con «cuống chiếu».

Cho nên, theo tôi, hay nhất, là cứ mở tâm hồn, mở mắt ra là thấy cái đẹp nó ở khắp mọi nơi. Từ xó vườn nhỏ, cũng có những cụm cỏ, những hoa, những lá, những cành tự động muốn vươn ra, ngóc lên để đón ánh sáng. Tôi có một cái vườn nhỏ sau nhà. Cũng có hồng, có lan, có cúc, có đào, có trúc đào, có dạ lý hương, có hoa lồng đèn (fuschia); hoa đỗ quyên (azalia), hoa trạng nguyên (poinsettia), v.v... Các hoa, lá đó cứ âm thầm mà phát triển. Hoa nào ra cũng đẹp tuyệt vời: vàng, đỏ, tím, hồng, trắng, tùy loại, tùy hoa. Cây trúc đào từ hàng xóm rủ sang, cành xà xuống mái nhà tôi; nhưng trúc đào không vì khuất trên nóc nhà, mà không nở hoa. Thỉnh thoảng ít nhiều chim, cũng xuống đậu các cây quanh nhà, líu lo, ca hát một hồi rồi lại bay đi. Ra khỏi nhà, đi đến đâu, cũng thấy quanh các nhà là cỏ, với hoa. Tôi trông thấy rất nhiều loại cây cảnh ở bên này, rất nhiều loại mầu sắc, mà không làm sao biết đủ, để hình dung đủ, mô tả đủ được vẻ đẹp của trời đất.

Ngay về màu sắc, tuy là có năm màu chính theo Đông Phương (xanh, đỏ, vàng, trắng, đen), hay bảy màu theo Tây phương (tím, lam, xanh, xanh lá cây, vàng, cam, đỏ), nhưng lúc các đơn sắc nói trên pha trộn lại, thì có thể biến thành mấy trăm màu, thành thử muốn bàn về Cái Đẹp, tôi nghĩ cũng nên bàn qua về màu sắc.

Người Việt ta thông dụng có mấy chục màu như sau:

TÍM (violet)

- Hoa cà (tím, pha tía, pha trắng) (mauve). 

CHÀM (LAM) (Indigo)

- Xanh biển (chàm pha đen) (ultramarine). 

XANH DƯƠNG (Blue)

- da trời (xanh pha trắng) (azure, sky colour)

- nguyệt bạch (xanh pha trắng nhiều hơn) (light blue) 

XANH LÁ CâY (Green).

- Rêu (xanh phớt vàng) (moss)

- Lá mạ (rêu pha vàng + trắng) (light green).

- Chanh (rêu pha vàng) (lemon-coloured)

- Hoa lý (chanh trắng) (light lemon) 

VÀNG KIM (yellow)

- Mỡ gà (vàng pha trắng) (cream)

- Ngà (vàng pha nhiều trắng hơn) (ivory).

- Cam (vàng pha son) (orange).

- Hồng đào (cam + son + trắng) (peach, salmon). 

SON (cam + đỏ) (vermilion).

HỒNG (son + trắng) (rose)

HUNG (son + đỏ ớt + phớt đen) (garnet)

ĐÀ (son + đỏ + đen nhiều hơn) (terrous; «terre de Sienne»).

NÂU (son + đỏ + đen nhiều hơn nữa) (maroon, chesnut- colour, or brown).

ĐỎ (đỏ ớt) (red) (cerise)

Xoan (đỏ + tía + trắng) (light purple)

TÍA (đỏ + tím) (purple)

Hoa CÀ (tía + tím + trắng) (mauve)

Trong bài Thú dùng tranh Tết để chúc Tết đăng trong Đất Nước tôi số 8 Xuân Mậu Thìn, tôi đã cho thấy người xưa đã phân màu đỏ thành những màu như hoa hiên, điều, son, cánh quế thẫm, cánh sen nhạt, phấn hồng, hoa đào...; màu vàng thành vàng thẫm, vàng nhạt, hoa lý...; màu xanh thành xanh nhạt màu hồ thủy, hay hòa bình, hay nguyệt bạch, xanh lá cây, xanh lam.

Sau khi tiếp xúc với Tây phương ta có thêm những màu như Be (beige) (màu vàng mỡ gà lẫn màu hồng đào và màu xám); màu kaki (hay Khaki) (màu be hơi ngả về lục); màu cứt ngựa (reseda) nếu sẫm; ô- liu (olive) nếu nhạt.

Trên đây chúng ta còn thấy thiếu màu đen, màu trắng và màu xám. Đó chính là vì tôi đã trình bày theo cách phân màu của W. Ostwald, tác giả cuốn «Die Farbenlehre» xuất bản năm 1919 tại Leipzig. Khi ông trình bày các màu, ông đã dùng hai hình nón có đáy chập lại với nhau ở phía giữa, còn hai chóp thì ở hai bên tả hữu; chóp tả là màu đen, chóp hữu là màu trắng; các màu kể trên được xếp theo một đường dọc thẳng ở chính giữa. Còn màu xám, thì được xếp trên một đường ngang nối liền hai chóp đen và trắng. Màu xám còn gọi là màu tro (gio), hay màu chì loãng. Xám cũng có thể xám xanh (xám ửng xanh), xám lục (xám ửng lục), hay xám bồ câu (xám ửng tím).

 Thực ra cũng chẳng cần phải biết nhiều màu, mới thưởng thức được cái vẻ đẹp của trời đất. Thi hào Nguyễn Du chỉ dùng có năm màu chính cũng đã làm cho phong cảnh nên vô cùng xinh đẹp:

Cỏ non xanh tận chân trời,

Cành lê trắng điểm một vài bông hoa... (Kiều 41- 43)

...Tuyết in sắc ngựa câu dòn,

Cỏ pha mùi áo nhuộm non da trời. (Kiều 139- 140)

...Nàng thì dặm khách xa xăm,

Bạc phau cầu giá, đen rầm ngàn mây... (Kiều 912- 913)

...Rừng thu từng biếc chen hồng,

Nghe chim như nhắc tấm lòng thần hôn. (Kiều 917- 918)

...Người lên ngựa, kẻ chia bào,

Rừng phong thu đã nhuộm màu quan san... (Kiều 1522- 1524) 

 Chúng ta ngắm cảnh đẹp phải ngắm bằng tâm hồn, chứ không phải xem xét bằng lý trí. Mendelssohn cho rằng hễ ta phân tách vẻ đẹp, thì vẻ đẹp sẽ biến mất.[1] Meier nói: Má mỹ nhân phải được ngắm bằng mắt trần; nếu lấy kính lúp mà soi, sẽ mất hết vẻ đẹp. [2]

Họa sĩ kiêm thiền sư Frederick Franck cho rằng muốn thưởng thức cái đẹp, phải nhìn thật lâu, ngắm thật kỹ; và nếu được, vừa ngắm vừa cố dùng bút mà tô, mà vẽ lại cái cảnh trí mình nhìn. Nhìn cho lâu lai, ngắm cho kỹ lưỡng cho đến khi nào cái đẹp của cảnh vật nó lọt vào cảm quan, tri giác của mình, tung tỏa trong tâm thần, trí não mình, và dần dần sẽ tuôn ra trên ngọn bút; lúc ấy bất kỳ cảnh vật gì cũng trở nên kỳ diệu. Sau khi suy tư về lời khuyên của họa sĩ Frederick, tôi mới thấy tôi xưa nay đã nhìn cảnh vật bên ngoài, một cách phớt qua, hời hợt. Tôi lại ra sau vườn, nhìn lại những cỏ hoa trong vườn, một cách kỹ lưỡng hơn. Tôi mới thấy cũng chỉ là mấy cây hồng quen thuộc, mấy cây hoa lồng đèn (cây hoa tai: fuchsia) quen thuộc, nhưng nhìn kỹ lưỡng, lâu lai, quả thấy nó trở nên đẹp đẽ, trở nên lạ lùng hơn nhiều. Cũng là hoa hồng nhưng sắc thái lại rất nhiều, tùy như là sắp nở, đang nở, hay sắp tàn. Những lá hồng cũng có nhiều màu: cành non thì đỏ như da một hài nhi; những lá đã luống tuổi, thì trở nên xanh đậm; những lá sắp tàn úa, thì ngả sang màu vàng, hay màu nâu, màu đà. Có lá thì bị phủ một lớp bụi trắng, trông có vẻ bệnh hoạn, như đang trông chờ tôi xịt cho một chút thuốc trừ rày... Các hoa lồng đèn, cái thì tím, cái thì đỏ, từng chùm, từng chùm, như những lồng đèn nhật bản tí hon, treo khắp cánh vườn trong một ngày hội hoa đăng. Tôi cảm thấy hoa lá như đang thu các màu của ánh sáng mặt trời, mà những khi vừa mưa, vừa nắng đã tung ra thành một hình cầu vồng vĩ đại trên khung trời.

Tôi càng ngày càng thấy rằng muốn hưởng cái đẹp của trời đất, trước hết lòng mình phải thanh thản để đón nhận. Nếu mình đang ưu tư, đang sầu, đang khổ, thì cảnh sắc bên ngoài dù đẹp đẽ đến đâu, cũng không làm ta rung cảm được. Cho nên cảnh sắc bên ngoài chính là tấm gương soi tâm tình ta. Ta vui, cảnh cũng như rộn rịp, ta buồn, cảnh cũng đìu hiu.

Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu,

Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ. 

Năm 1960, tôi có dịp ghé thăm Ba Lê ít ngày. Tôi đi lang thang khắp nơi, viếng nhà thờ Đức Bà, tản bộ trên bờ sông Seine, vào dạo chơi nơi vườn Luxembourg, đi thăm Khải Hoàn Môn, trèo lên đỉnh tháp Eiffel, trong một đêm trăng sao vằng vặc, để nhìn bao quát cảnh Ba Lê về đêm, với muôn ánh đèn màu tản mạn dưới chân; thăm điện Versailles; điện Pantheon; Hôtel des Invalides; vào bảo tàng viện Le Louvre, và Guimet; lên khu Montmartre; đâu đâu tôi cũng thấy cảnh trí bên ngoài như rạo rực cảm tình, như muốn âm thầm đối thoại cùng tôi; và không bao giờ tôi thấy hồn thơ, sóng nhạc lại rạt rào trong dạ hơn lúc bấy giờ. Tôi hỏi một người bạn đồng hương xem họ còn cảm thấy Ba Lê đẹp nữa không, thì ông bạn cho biết: suốt ngày tất tưởi lo sinh kế, nên cứ cắm cúi mà đi, quên hẳn những cảnh vật bên ngoài.

Tôi cũng còn nhớ, hồi còn trẻ, được đi máy bay lần đầu tiên từ Hà nội vào Sàigòn, tôi thấy tâm thần hết sức tỉnh táo, rạo rực. Từ lúc máy bay bắt đầu chuyển bánh cho tới khi lên tới chín tầng cao; từ khi nó bay qua những thành thị, những thôn xóm, những cánh đồng, những sông ngòi, những rạng núi xanh xanh phía dưới, cho đến khi bay trên biển cả, bay xuyên qua những áng mây; nhất nhất hình ảnh nào nhìn thấy, tôi cũng cố thu vào trong ký ức; nhất nhất cảnh trí nào cũng hết sức là kỳ ảo đối với tôi. Nhưng lạ lùng thay, trong nhiều chuyến đi máy bay sau này, tôi đã mất cái háo hấc của thời niên thiếu, và cứ lên máy bay, là liệu tìm cách ngủ vùi, chỉ còn nhìn thấy cái chật hẹp của con tàu, và những bộ mặt uể oải của hành khách. Tôi mới nhận ra rằng cái đẹp nó vốn sẵn có quanh ta, nhưng đón nhận được cái đẹp lại là tùy khả năng lĩnh hội của mình.

Tôi có một anh bạn, tuy là bận rộn với nghề nghiệp, nhưng vẫn dành nhiều thì giờ để hưởng cái đẹp quanh mình. Anh thích vẽ, thích chụp ảnh, thích ngắm hoa. Mỗi khi có quỳnh nở, anh lại mời bè bạn đến để "xem hoa nở". Mỗi khi cánh hoa muốn tàn phai, rơi rụng, anh không cho quét đi, mà để xem cái cánh hoa rơi ấy nó sẽ tan biến đi như thế nào. Nhiều khi anh thuê thuyền đi xem cảnh thủy triều lên xuống ở vùng New Port Beach, và rất thích ngắm cảnh chiều tà; lòng băn khoăn không biết bóng chiều từ không trung phủ xuống, hay từ dưới đất vươn lên.

 Tôi cũng có quen một thi sĩ cao niên thích sống cùng lan, cùng quỳnh. Mỗi khi hoa nở, là đốt trầm lên để ngồi ngắm hoa, đối thoại với hoa, trang trọng như đón một vì tiên trên thượng giới xuống chơi. Sống trong một thế giới văn minh vật chất này, mà còn sống hồn nhiên được như vậy, sảng khoái được như vậy thực cũng là một điều kỳ dị.

Ngược lại tôi cũng gặp nhiều vị đến chơi tôi, phàn nàn là tại sao có nhiều người còn mất thì giờ làm thơ, làm phú, mà quí vị cho là vô ích chi thậm; thay vì làm công chuyện ấy tại sao không dạy cách kiếm tiền, không bàn về những vấn đề "chính trị, chính em." Tôi mới giải thích rằng thi ca là một nguồn vui rất thanh cao. Làm thơ được, những khi bị kẹt xe trên xa lộ, hay khi đến phiên phải rửa bát trong nhà, thì thực sự là những bậc mặc khách, tao nhân, biết sống hay và sống đẹp.

 Tôi càng ngày càng thấy rằng, con người sinh ra ở đời này không phải là để sống lầm than, lam lũ, mà để dần dà sống cho hay, cho đẹp, cho có nghệ thuật.

 Và thực ra, cái đẹp đã ám ảnh mọi tầng lớp con người từ trẻ đến già. Các cô thôn nữ Việt Nam, tuy không dùng phấn sáp, nhưng cũng biết mượn miếng trầu để cho cái môi thêm đỏ, cái má thêm hồng. Còn như các cô gái thị thành, các cô gái văn minh hiện đại, thì một đời đã dùng không biết bao là tạ phấn son! Dân quê ta, lúc nghèo, thì quần nâu, áo vải; nhưng lúc có tiền thì cũng quần là, áo lượt như ai. Lúc đã làm nên, thì là lúc "áo gấm về làng". Khi nghèo, thì nồi đất, bát đàn; nhưng khi đã khá giả, thì nồi đồng, bát bịt, mâm son, bát sứ. Con người xưa nay là thế vậy.

Tôi cũng thấy có nhiều người đến một tuổi nào đó lại đâm ra thích chơi đồ cổ, mua tranh cổ, sưu tầm đồ cổ, vì đồ cổ có cái thanh kỳ riêng của nó. Kể ra thì cũng là một thú chơi tao nhã. Nhưng riêng tôi cái thú vui tao nhã nhất, cái hay, cái đẹp nhất lúc tuổi già là sống sao cho nghệ thuật, sống sao như thể là tinh hoa trời đất đã hội tụ ở nơi mình.

Tôi rất thích câu Văn ngôn hào lục ngũ, quẻ Khôn:

Hiền nhân thông lý Trung Hoàng,

Tìm nơi chính vị mà an thân mình.

Đẹp từ tâm khảm xuất sinh,

Làm cho cơ thể xương vinh mỹ miều,

Phát ra sự nghiệp cao siêu,

Thế là đẹp đẽ đến điều còn chi. 

và đoạn Trung Dung, chương 29: «Thị cố quân tử động nhi thế vi thiên hạ đạo; hành nhi thế vi thiên hạ pháp; ngôn nhi thế vi thiên hạ tắc.» 是 故 君 子 動 而 世 為 天 下 道; 行 而 世 為 天 下 法; 言 而 世 為 天 下 則. Mà tôi phỏng dịch như sau:

Mỗi động tác phải nên gương mẫu,

Mỗi hành vi nên dấu nên khuôn.

Lời lời ngọc nhả châu phun,

Lưu cho hậu thế muôn ngàn dài lâu. 

 Đạo Đức Kinh chương 54, chủ trương rằng khi Đạo Trời được thực thi thật sự, ánh sáng Trời sẽ lai láng muôn nơi.

Đạo Trời tu dưỡng nơi mình,

Đức Trời sẽ chứng, tinh thành chẳng sai.

Gia đình tu Đạo hôm mai,

Đức Trời âu sẽ láng lai tràn trề,

Đạo Trời giãi sáng làng quê,

Đức Trời âu cũng thêm bề quang hoa.

Đạo Trời rạng chiếu quốc gia,

Đức Trời lai láng tuôn ra vô ngần.

Đạo Trời soi khắp gian trần,

Đức Trời âu sẽ muôn phần mênh mang. 

 Khi còn trẻ, tôi ước mơ có những khi sẽ đi chu du thiên hạ: sẽ sang Ai Cập, sẽ sang Phi Châu, sang Âu Châu, sang Tàu, sang Nhật. Nhưng gần đây các bạn tôi lại góp ý, là ngay nước Mỹ này cũng đầy dẫy cảnh đẹp. Chẳng cần phải đi đâu, cứ du lịch vòng quanh nước Mỹ cũng đã quá đủ rồi. Tôi liền đặt mộng đi thăm các công viên Yosemete ở California, hoặc Yellowstone ở Wyoming; đi thăm thác Niagara ở giáp giới Canada và tiểu bang Nữu Ước; hay những cánh rừng cây cổ thụ vĩ đại Sequoia, và Redwood ở California; thăm Grand Canyons ở Arizona; thăm những động thạch nhũ ở Timpanogos, Utah v.v... Nhưng suy đi nghĩ lại thì thấy rằng càng đi nhiều lại càng mệt xác, — đến bây giờ nhớ lại những lần đi công du, thay đổi các chuyến máy bay, "check in, check out" hành lý, lễ mễ sách hành lý, tôi vẫn còn thấy ớn và chủ trương như vậy cũng chưa "cao tay ấn". Nên tôi lại đặt cho tôi một chương trình đơn sơ hơn, và chẳng tốn ải gì cả: đó là đi tìm cái đẹp ở quanh mình, là đi du lịch trong các sách vở, trong các hình ảnh lưu trữ ở các thư viện; tìm cái hay cái đẹp, nơi những người sống quanh mình, tìm cái hay cái đẹp trong đời sống hằng ngày, trong tất cả cái gì tầm thường nhất mình gặp; và cố làm cho cái đẹp của trời đất càng ngày càng lan tỏa, càng thẩm thấu vào trong tâm hồn mình...

 Tôi nghĩ ra rằng mình ở đâu, thì phải tìm hiểu về phong thổ, về cảnh vật xứ ấy, nên tôi bắt đầu khảo về chim chóc ở Mỹ, cây cối ở Mỹ, thảo mộc ở Mỹ. Tôi bắt đầu làm quen với các loại cây cảnh, hoa cảnh, lá cảnh giồng quanh nhà. Tôi không thích gọi chúng bằng tên Mỹ, mà đặt cho chúng một tên Việt Nam hay hay. Chẳng ai cấm tôi làm chuyện này, và tôi đã để khoảng một giờ để đặt tên cho hoa cỏ Mỹ như sau:

Achimenes: Hoa dã yên. – African violet: hoa Đông Phi. – Aluminium plant: cây lá nhôm. – Amaryllis: hoa loa kèn.- Aphelandra: cây ngựa vằn. –  Avocado: cây dã lê. –  Azalea: hoa đỗ quyên. –  Baby tear's: nhi đồng lệ. –  Begonia: giả hải đường. –  Boxwood: cây tiểu diệp. –  Brazilian eldelweiss: tuyết nhung hoa. –  Bromeliad: cây vân diệp. –  Cactus: xương rồng. –  Caladium: khoai lá đỏ. –  Camelia: trà hoa. –  Chenille plant: cây thảo trùng. –  Chinese evergreen: vạn niên thanh. –  Christmas cactus: xương rồng sinh nhật. –  Columnea: cây áng tóc. –  Coral berry: cây san hô. –  Crotons: cây ba đậu. –  Crown of thorn: cây mão gai. –  Cyclamen: cây anh thảo. –  Dracaena; cây long hình. –  Dumb cane: cây mỹ diệp. –  English ivy: cây thường xuân. –  False aralia: cây a hoàn. –  Fatshedera: cây lá sao. –  Fatsia: cây thất hướng. –  Fern: dương xỉ. –  Figs: nguyệt quế. –  Fittonia: cây phi tần. –  Flame violet: cây lá tía. –  Flowering maple: cây cối xay. –  Fuchsia: cây lồng đèn; cây hoa tai. –  Gardenia: cây dành dành. –  Geranium: cây phong lữ. –  Gloxinia: hoa mỹ sắc. –  Grape ivy: thường xuân leo. –  India rubber plant: cây Hồ giao. –  Jade plant: cây bích ngọc. –  Jerusalem cherry: Mã anh đào. –  Kafir lily: hồng huệ. –  Kalanchoe: cây khả lân. –  Kangaroo vine: cây hàn nho. –  Kohleria: hoa chuông Cổ Lễ. –  Lipstick plant: hoa sáp môi. –  Moses- in- the- cradle: cây kiếm diệp. –  Myrtle: cây mỹ tự. –  Nautilocalyx: hoa vỏ sò. –  Norfolk island pine: cây tản vân. –  Orchids: phong lan. –  Oxalis: chua me đất. –  Palm: cây thiên tuế. –  Peacock plant: cây đuôi công. –  Peperomia: cây Nam Mỹ. –  Philodendron: cây duyên tình. –  Piggyback plant: cây lưng heo. –  Pittosporum: cây phi tử. –  Poinsettsia: hoa trạng nguyên. –  Polyscia: cây Nam Dương. –  Pothos: cây duyên nợ. –  Prayer plant: cây nguyện cầu; cây lốt rắn. –  Screwpine: cây răng cưa. –  Shrimp plant: cây đuôi tôm. –  Singapore holly: cây nhựa ruồi. –  Sinningia: cây tiểu đồng. –  Snake plant: cây lưỡi rắn. –  Southern yew (podocarpus): cây phổ độ. –  Spathe flower: hoa lá láng. –  Spider plant: cây tơ nhện. –  Strawberry geranium: giả phong lữ. –  Streptrocarpus: Nam Phi hoa. –  Swiss cheese plant: Cây phó mát. –  Syngonium: cây lưỡng sắc. –  temple bell: cây chuông chùa. –  Ti plant: cây tì diệp. –  Umbrella plant: cây lá dù. –  Velvet plant: cây nhung diệp. –  Wandering jew: cây lang thang. –  Wax plant: cây hoa sáp...

Khi đã đặt cho cây cỏ một tên như vậy, nó sẽ trở nên gần gũi, thân thiết với mình hơn, vì nó chính là mình sinh ra...

Có vị tò mò hỏi tôi dựa vào đâu mà đặt ra những tên như vậy. Tôi thưa:

Khi tôi đặt tên, tôi xem kỹ hình hoa, hình lá, tên hoa, màu hoa, quê quán của hoa, rồi tùy nghi mà đặt. Ví dụ gặp hoa Kohleria, tôi thấy hoa hình như những chuông nhỏ, tôi lại thấy hai chữ "Cổ Lễ" trong chữ Kohleria; rồi tôi nhớ hồi trẻ có đi thăm chuông chùa Cổ Lễ ở vùng Nam Định, thế là tôi đặt là Hoa chuông Cổ Lễ. Ví dụ tôi đặt cho Philodendron là hoa duyên tình, vì Philo là yêu; Dendron là cây... Đến cây Pothos, tôi thấy sách tả rằng nó giống Philodendron, nhưng màu lá nhạt hơn, thế là tôi liền phong cho nó làm Hoa duyên nợ. Rồi có hoa lại gọi là Đông Phi, Nam Mỹ, Nam Dương, vì chúng xuất xứ ở những nơi đó. Gọi Columnea là Áng tóc vì nó óng ả, giống như làn tóc mây của cô thôn nữ Việt Nam. Cây Fittonia tôi đặt là Phi tần vì thấy chữ Fittonia phiền âm ra gần như vậy. Cây Ti plant tôi gọi là Tì diệp, vì Ti âm điệu không hay bằng Tì. Thực không gì sung sướng bằng những cây chưa có tên, mà nay mình cho nó những tên, khi thì có mùi Kiều, khi thì có mùi kiếm hiệp Kim Dung, như là Phi tử, Phi tần, Tiểu đồng, mà đặt thế nào, thì cũng «chẳng ai phiền lụy, chẳng ai rày». Thế thực là đã tìm thấy cái vui, cái đẹp cái hào hứng, cái hài hước, trong những công việc hết sức là tầm thường, buồn nản. Để gọi là có theo đòi chút ít sách đèn, tôi cũng đọc các bài bình luận về Thẩm Mỹ, về CÁI ĐẸP. Đã đành là những bài viết đó hết sức là cao, nhưng có cái lạ là hình như chúng chứa sẵn một loại thuốc ngủ khá mạnh, mỗi khi đọc chúng tôi thấy tự nhiên ngáp lên ngáp xuống, ngáp đến chảy nước mắt, và thấy cái tâm hồn mình đang vui tươi, trong sáng, tỉnh táo như con sáo sậu, bỗng nhiên lại «Bâng khuâng đỉnh Giáp, non Thần», cho nên tôi lại gấp sách lại, trở về với cái vốn liếng nhà, và tự trách mình luôn muốn bắt chước con cuống chiếu phân tách xem phải bò bằng chân nào.

Sau này tôi mới biết lý do tại sao khi đọc các lý thuyết bàn xuôi, tán ngược về Thẩm Mỹ, về Cái Đẹp, mà tôi lại có thể buồn ngủ. Đó chính là vì cái đẹp thuộc phạm vi tâm thần, chứ không thuộc phạm vi lý trí. Lý trí và trí huệ, Trời cho để đi tìm cái Chân; Ý chí và Dũng cảm Trời cho để thực hiện cái Thiện; còn cái Đẹp là gia tài của tâm thần. Cái đẹp mở rộng vòng tay chờ đón mọi người, dù là trẻ nít hay là bà lão; dù là người nhà quê, hay là dân thành thị, dù là lê dân hay là bậc đế vương; xem một vở kịch hay, nghe một bản nhạc du dương, một bài ca hùng tráng, nhìn một bức tranh đẹp, là cũng đều rung động, thích thú giống nhau. Cái đẹp nó thấm nhập vào tâm hồn chúng ta một cách hết sức là tự nhiên, không bắt chúng ta phải suy tư, phải cố gắng. Một bài ca hay, một vở kịch hay, chính là vì đã biết cách làm cho cây đàn thất tình trong tâm hồn ta rung động. Một kịch sĩ hay có thể làm chúng ta khóc, chúng ta cười, chúng ta vui, chúng ta giận, chúng ta sợ, chúng ta thương, chúng ta hồi hộp, chúng ta mê say. Nghệ thuật có thể dùng lời ca, tiếng nhạc, dùng ánh sáng, dùng trang trí, để mà lôi cuốn chúng ta, hấp dẫn chúng ta. Chính vì vậy mà các đạo giáo, rất chú trọng dùng nghệ thuật vào trong công cuộc phụng vụ. Không cứ là phải nghe đàn ca réo rắt, nguyên nghe những tiếng chuông, tiếng mõ, tiếng tụng kinh ngân nga, cũng đã làm cho tâm hồn mình lâng lâng sảng khoái; ấy là chưa kể rằng mình cũng hòa được vào những giọng ca, những lời tụng: hát theo, hòa theo, tụng niệm theo, kể như là mình đã bị chinh phục...

 Viết về cái Đẹp, tôi thích nhất là không phải động chạm đến chủ nghĩa, chủ thuyết nào, chỉ việc hòa mình với thiên nhiên một cách chân thành, một cách hồn nhiên, thoải mái. Thấy hoa thơm thì nói là thơm, thấy hoa đẹp thì rằng hoa đẹp, chứ không sợ tội vạ gì, và cũng chẳng phải lĩnh chỉ thị của ai. Tối thiểu, tôi thấy tôi có tự do rất nhiều trong vấn đề thẩm mỹ này. Tuy nhiên, cảnh sắc cũng như con người, nó chỉ chơi với những ai đồng thanh tương ứng với nó, chỉ đối thoại với những người mà nó thấy thương thương. Tiến sĩ Rollo May, tác giả quyển My quest for Beauty, cho biết lý do tại sao ông hiến thân cho nghệ thuật. ông kể rằng một hôm ông đi dạo trên một vùng đồi núi ở Hi Lạp, bỗng lạc vào một vùng đầy hoa thủy tiên hoang. Lúc ấy ông như say, như tỉnh và sực nhớ mấy lời vần thơ của Wordsworth:

I wandered lonely as a cloud

That floats on high o'er vale and hills,

When at once I saw a crowd,

A host of golden daffodils...

 Ten thousand saw I at a glance,

To sing their heads in spritely dance. 

 Tôi phỏng dịch;

 Lên thác, xuống ghềnh tựa mây trôi,

Lang thang đây đó, khoảng núi đồi,

Ngàn vạn thủy tiên đâu rộ nở,

La đà trước gió, đón chào ai? 

 Và từ ấy ông mới nghe thấy tiếng lòng ông thôi thúc ông đi tìm cái đẹp...

Và ông lại ngâm tiếp mấy câu thơ của Wordsworth:

 For oft, when on my couch I lie,

In vacant or in pensive mood,

They flash upon the inward eye

Which is the bliss of solitude;

And then my heart with pleasure fills,

And dances with the daffodils. [3]

Tôi phỏng dịch;

Đòi phen, tựa triện, nghĩ lai rai,

Đòi phen lòng dạ vắng sự đời,

Hình ảnh thủy tiên đâu lại hiện,

Hiện ra rực rỡ cả lòng tôi!

Như hoa vui múa dưới trời,

Lòng ta hoa ấy đôi nơi tưng bừng. 

Nếu chúng ta nhìn vào cảnh đẹp đất trời, mà đến say sưa ngây ngất, đến như thấy mình hòa làm một cùng Đại Thể vũ trụ, không còn gì là biên cương ngăn cách, lúc ấy ta sẽ trở thành con người mới, hoặc là sẽ bước vào con đường giác ngộ.

 Đây là một vấn đề hết sức quan trọng, nên tôi cần dẫn chứng thêm.

Họa sĩ Delacroix ngày kia, giữa những phút nghỉ ngơi sau nhiều giờ làm việc, ngồi phơi mình trên cỏ nắng. Ông tinh nghịch bốc lên tay một nắm cát, mắt lim dim, sẽ hé lòng bàn tay cho cát rơi lả tả trong nắng. Cát lăn tăn quay lộn, bắt ánh nắng mặt trời hiện ra muôn màu sắc lóng lánh như những phần tử ánh sáng lạ lùng. Ngoài xa, những đống rơm vàng rực, những đàn bà ngăm đen, tượng trời, hình đất, cả một khung cảnh kỳ thú và tuyệt diệu, biến ảo trước mắt nghệ sĩ sau màn cát, chứa đựng cả một vũ trụ ánh sáng và màu sắc quyến rũ như những hình ảnh mơ trong một giấc mơ tuyệt đẹp. Delacroix bàng hoàng, hấp tấp ghi lại những «ấn tượng» khả ái kia trên khung vải, bằng đầu bút, thành những chấm màu sắc li ti, xinh xắn; chấm nọ đặt khít chấm kia. Trên tác phẩm đầy sức sống hiển hiện giữa những vảy vàng nhảy múa lẫn lộn trong cát mang tên là «Những người đàn bà da đen thành Alger». Delacroix ghi lại những tiếng hồn tơ rung động và hình ảnh thoáng qua trong giây phút... Bức họa này đã mở màn cho phong trào cá nhân chủ nghĩa, tiền phong của môn phái ấn tượng.

Fritjof Capra, một giáo sư vật lý, một chiều hè, ngồi trên bãi biển, tự nhiên cảm thấy những luồng sinh lực, như những thác lũ đang đổ xuống trần hoàn, và thấy tất cả các vi tử vi trần, ngoài thân ông cũng như trong thân ông đang đang rạo rực đồng tấu một đại vũ khúc của vũ trụ, một vũ khúc thần linh như vũ khúc Shiva, và từ đấy ông đi vào thế giới biến ảo, chuyển dịch vô thường của Kinh Dịch, vào thế giới tương đối của Âm Dương và thế giới Đồng nhất của Bản thể: từ một nhà vật lý học ông đã trở thành một đạo gia, và đã viết quyển The Tao of Physics để bắc nhịp cầu giữa Khoa học Tây phương với Đạo giáo Đông Phương.

Đọc tiểu sử Đức Huỳnh Phú Sổ, ta cũng thấy là Ngài, sau khi đưa thân phụ đi chu du các vùng núi Tà Lơn, Thất Sơn, nhân xúc ảnh thiên nhiên bao la, hùng vĩ, mà đã giác ngộ.

 Mới hay cảnh vật thiên nhiên vừa là nhịp cầu, vừa là bức màn ngăn cách cá nhân với Đại thể vô biên. Và trong công phu đi tìm đại thể Vô Biên, con người có hai đường lối trong và ngoài: chung qui vẫn chỉ là làm sao vượt qua được bức màn ảnh tượng. Cái vẻ đẹp bên ngoài của muôn vật chính thực đã lan tỏa từ lòng sâu Bản thể để chan chứa ra bên ngoài. Khi chưa giác ngộ, thời Bản thể như một đạo gia đang đi hái thuốc ở một vùng rừng núi mênh mông, khói sương mịt mùng che phủ, mà khách không biết vân mòng nơi đâu mà tìm, như trong bài thơ Tầm Ẩn Giả Bất Ngộ 尋 隱 者 不 遇 của Giả Đảo 賈 島:

Tùng hạ vấn đồng tử       松 下 問 童 子

Ngôn sư thái dược khứ.  言 師 採 藥 去

Chỉ tại thử sơn trung,       只 在 此 山 中

Vân thâm bất kiến xứ.      雲 深 不 知 處

Tản Đà dịch:

Gốc thông hỏi chú học trò,

Rằng: «Thầy hái thuốc lò mò đi xa,

Chỉ trong dãy núi đây mà,

Mây che mù mịt biết là nơi nao?» 

Chi Điền dịch:

 Dưới thông hỏi chú tiểu đồng,

Thưa: «Thầy hái thuốc nên không có nhà.

Thày đi quanh núi không xa,

Mây mù che khuất biết là nơi đâu.» [4]  

Nhưng khi đã «quan kỳ vô thanh, thính kỳ vô tượng» (Nghe qua bức tường âm thanh, nhìn qua lớp màn ảnh tượng), thì Bản thể vũ trụ lúc nào cũng gần trong gang tấc, và lúc ấy đạo gia có thể ngâm lời thơ của Upanishad:

 He who, dwelling in all things,

Yet is other than all things,

Whom all things do not know,

Whose body all things are,

Who controls all things from within-

He is your Soul, the Inner Controller,

(The immortal. Brihad- aranyaka Upanishad, 3.7.15)

 Chuyển thơ:

Vô biên lẩn trong lòng vạn hữu,

Mà vẫn như phiểu diểu xa xăm.

Muôn loài là xác, là thân,

Mà nào có hiểu Chân Thần là chi?

Trong lòng vạn hữu chỉ huy,

Ngài là Thần bạn, uy nghi trường tồn! 

 Giáo sư Tiến sĩ Fritjof Capra, khi trích dẫn lời kinh trên, đã đưa ra lời bình luận bất hủ như sau:

«Vì chuyển dịch và biến thiên là hai đặc tính căn bản, cơ hữu của vạn vật, cho nên những động lực sinh ra chuyển dịch không ở ngoài vạn vật, như Hi Lạp xưa đã quan niệm, mà chính là đặc tính nội tại của vật chất. Chính vì thế mà Á Đông cho rằng THẦN LINH không phải là một nhà cầm quyền ngự trên trời để điều khiển hạ giới, mà chính là một NGUYÊN LÝ chỉ huy mọi sự từ lòng sâu vạn hữu.» [5]

Lúc ấy không còn phân tiên, tục; tục tiên; lúc ấy, trong tiên có tục, trong tục có tiên; lúc ấy dưới lớp tục bên ngoài, có cốt tiên bên trong. Đúng là:

«Lơ thơ chùa rách giữa đàng,

Ai hay lại có bụt vàng ở trong.» 

 Lúc ấy mới nhận ra rằng dưới những lớp gấm hoa hiện tượng bên ngoài, dưới lớp tranh vân cẩu huy hoàng bên ngoài, luôn luôn có sự hiện hữu của Bản thể vĩnh cửu ở bên trong. Mới hay cái đẹp biến thiên bên ngoài đã dần dần phơi bày ra cái đẹp vĩnh cửu ở bên trong.

Đạo Lão rằng:

Phân minh chỉ tại mục tình tiền,

Chỉ tại thời nhân bất kiến Thiên. 

 Dịch:

Phân minh đã sẵn trước con ngươi,

Chỉ tại người ta chẳng thấy Trời. 

 André Malraux, năm 1960, đã viết một quyển sách về Nghệ thuật nhan đề là The Metamorphosis of the Gods (Sự Hóa thân của Thần minh).

Chắc là ông muốn nói lên rằng cái vũ trụ hữu hình này chỉ là muôn vạn hóa thân của Đấng Vô Cùng.

Ông lại chủ trương đại khái rằng:

1.- Nghệ thuật trong nhiều ngàn năm đã có bổn phận mô tả thần minh. [6]

2.- Hi Lạp thực ra đã không phân biệt thiêng và tục, vì Thần Linh đã tiềm ẩn trong vạn hữu, vì bất kỳ sinh linh nào cũng có yếu tố Thần Linh ở bên trong. [7]

3.- Trong nghệ thuật Hi Lạp, cái hình tướng phải làm lan tỏa Thần Linh ra bên ngoài [8]

4.- Cho đến khoảng thế kỷ 12, Giáo hội miền Đông (Byzantium) cho rằng Thượng đế xa cách muôn loài; còn Giáo hội La Mã vẫn tin Thượng đế tiềm ẩn trong lòng vạn hữu. [9]

Như vậy, theo tôi, nghệ thuật, bất kỳ là hội họa hay điêu khắc đều phải làm cho ta thấy trong ảnh, trong tượng có THẦN. Theo đà thời gian, có thời kỳ, các họa sĩ đã làm mất cái Thần đó đi, nên trông vào các ảnh tượng, ta thấy nó có vẻ ngây ngô, đờ đẫn, chẳng có tự nhiên chút nào. Trông vài Lịch sử nghệ thuật Tây Phương, ta thấy nó chuyển mình dần, từ Thượng đế, đến tượng hình (symbols) (Byzantine: thế kỷ 5; Romanesque: thế kỷ 5-12), đến Chúa Giêsu, đến Đức Mẹ, đến các thánh Tông đồ (Romanesque), rồi đến các thánh hoặc tử đạo, hoặc không (Gothic: thế kỷ 12-15; Baroque: thế kỷ 16-18), đến các Giáo Hoàng, các vua chúa hoặc danh tướng danh nhân. Mới đầu thì mô tả linh thiêng siêu việt, sau dần dần, như muốn đem sầu bi khổ nạn của Chúa, của Đức Mẹ để kích động lòng người; đem thiên đàng hỏa ngục để hứa hẹn, hay đe dọa. Và những hình ảnh đó in sâu vào trong tâm hồn những người dân chất phác. Francois Villon, một thi sĩ Pháp đã mượn lời người thôn nữ già để mô tả ảnh hưởng của nghệ thuật dân gian đó như sau:

Gái này vừa túng vừa già,

Hoàn toàn mù chữ, chưa qua mái trường.

Làng tôi có một giáo đường,

Có hình hỏa ngục, thiên đường đôi nơi.

Thiên đường thời có cầm đài,

Hỏa hào thời thấy hồn người bị thiêu,

Thiên đàng, tôi thấy tôi yêu,

Trông vào hỏa ngục, lòng nhiều kinh mang.[10]

 Từ thời Phục hưng (thế kỷ 14) trở về sau mới thấy có những hình ảnh dân gian, trần tục. [11] Ví dụ như hình ảnh khỏa thân là đặc điểm của thời kỳ Phục hưng.

Từ thế kỷ 19 đến nay, Âu Châu lại đi từ Thực Tại trở về Trừu tượng, trở về Ấn tượng, Tượng hình, v.v...

Malraux cho rằng các thời đại cổ xưa như ở Hi Lạp, ở Ấn độ, nghệ thuật, như muốn nói lên rằng sau bức màn hiện tượng biến thiên, còn có Chân Lý hằng cửu. Nghệ thuật cốt là để nói lên cái Hữu, nói lên cái trật tự, cái hòa hài, cái đẹp đẽ, cái cân xứng của thế giới hữu hình này.

Và Ai Cập thì cho thấy cái vĩnh cửu, ngự trị giữa các biến thiên.

Từ cái đẹp thiên nhiên, tôi đã lan man bàn đến mỹ thuật gian trần, nhất là đến hội họa và điêu khắc, và tôi cũng đã cho thấy mỹ nghệ có khi thăng, khi giáng; khi cao, khi thấp; khi khinh khoát, khi trần tục, như thể con người. Tuy nhiên tôi không phải chỉ nguyên tìm thưởng thức cái đẹp, mà chính là đi tìm cho ra căn do cái đẹp. Khi còn bé, tôi chỉ thấy cái đẹp nó rời rạc, ngày nay tôi thấy cái đẹp trong sự hòa hài, tiết tấu, đối đáp cũa cả vũ trụ quần sinh.

Ví dụ khi tôi mới lớn lên, còn ở nơi thôn dã, tôi đã làm một bài thơ nhỏ, mà nay tôi chỉ còn nhớ được đoạn cuối như sau:

...Nhưng mà trong lũy tre xanh,

Cho người mến Chúa, Chúa dành phúc riêng.

Đã được Chúa, con liền đầy đủ,

Được Chúa rồi, còn có thiếu chi?

Chúa là đóa huệ diệu kỳ,

Chúa là ngọc quí, lấy gì bắc cân.

Núi xanh biếc, xa xăm một dẫy,

Đồng mênh mang, hây hẩy gió đưa,

Tiếng chim ríu rít sớm trưa,

Con sông vang sóng, lững lờ buồm xuôi.

Mọi vẻ đẹp trên trời, dưới đất,

Chúa ra tay xếp đặt vì con.

Trông vời trời bể nước non,

Lòng con muốn giữ tấm son suốt đời. 

 Bây giờ đọc lại mấy vần thơ trên, tôi thấy nó thật ấu trĩ. Lúc ấy, tôi và Thượng Đế thật là bỉ thử chia phôi; Tương giang đầu, Tương giang vĩ. Ngày nay tôi thực sự mới thấy Ngài chính là Nguồn sống của tôi; và tôi cũng chính là một thành phần bất khả ly trong cái vũ trụ vô biên tế này.

 Lúc ấy, tôi mới chỉ thấy những vẻ đẹp của trời là sự xếp đặt của Thượng Đế; ngày nay tôi thấy vẻ đẹp của gian trần chính là sự hiển linh của Thượng Đế. Và vì Ngài ở khắp nơi, nên tôi cũng thấy vẻ đẹp tuôn ra từ khắp nơi. Dù tôi ra biển khơi, tôi cũng thấy vẻ đẹp in trên sóng nước; dù tôi có vào rừng thẳm, tôi cũng thấy vẻ đẹp tràn lan trên các hoa dại, lá rừng; dù tôi lạc vào sa mạc, tôi vẫn thấy vẻ đẹp rỡn đùa trên các lớp sóng cát vàng. Đối với tôi vẻ đẹp đã từ lòng đất tung ra để giúp cho hoa lá có muôn màu rực rỡ; vẻ đẹp đã từ thinh không sa xuống bằng ánh sáng của hai vầng nhật nguyệt, và của muôn sao, hay bằng những hạt sương, hạt móc. Vẻ đẹp đã quyện vào hương hoa, phảng phất đó đây trong không trung; vẻ đẹp đã lồng vào trong tiếng gió hơi may, xào xạc nơi kẽ lá, đầu cành; vẻ đẹp đã theo làn gió mát, từ phương trời xa âm thầm tới, mơn man da thịt của chúng ta, trong những buổi trưa hè oi bức. Vẻ đẹp đã lẩn vào trong bóng dâm, đã hiện ra trong khoảng nắng, trên những bước đường ta đi. Chúng ta luôn luôn được thưởng thức những cảnh đẹp thiên nhiên ấy, mà không hề phải trả một xu tiền vé vào cửa nào.

Trông màu sắc cỏ cây, tôi thấy như các hạt ánh sáng đã ngưng đọng lại trong các màng lưới diệp lục tố (chlophyll), để làm cho chúng ta vui mắt. Mỗi khi nhìn vào kim cương, vào ngọc hồng, ngọc lam, ngọc bích, ngọc tím, ngọc đỏ, ngọc xanh, tôi lại tưởng như đó là những nàng tiên từ một khung trời nào đó, vì mảng vui, nên đã bị hóa kiếp làm ngọc, chỉ còn biết ngậm ngùi, nhìn hồng trần, nhìn tôi bằng những ánh mắt chứa chan sắc màu, những lại vô cùng thầm lặng. Và tôi sẽ quyết không mảng vui, để cho thân khỏi cảnh cá chậu, chim lồng trong khoảng trời công danh lợi lộc, đánh mất cái thần thông biến hóa của mình.

Tôi có một ông bạn có một tâm hồn hết sức bén nhạy. Tuy ông là một Phật tử thuần thành, mà gặp tôi, ông đã nói được những câu như «sống thông công với Chúa», và ông lại tạo ra được hai chữ «thần tắc», khi tôi đang nói chuyện về «thần thông». Có lẽ Lão tử và Trang tử cũng đã sợ «thần chúng ta bị tắc» trong vòng âm thanh, và màu sắc, nên đã cố khuyên ta tránh đừng để cho mình bị quyến rũ bởi âm thanh và màu sắc của thế nhân.

Càng ngày tôi càng thấy âm nhạc, kiến trúc, hội họa, điêu khắc, kịch nghệ, là những gì không thể thiếu được, khi con người còn sống ở trần hoàn này. Nó kích động con người, an ủi con người, làm cho con người quên sầu, quên muộn, và như luôn luôn muốn nhắc nhớ con người rằng dưới bức màn ảo ảnh, biến thiên của hình, danh, sắc tướng, còn có một Đại thể vô biên. Con người sinh ra đời phải làm sao mà vượt nổi «bức tường thanh sắc» của không gian thời gian, để trở lại với Đại thể vô biên ấy. Chính vì vậy, mà dù bên Đông, cũng như bên Tây, người ta sính xây các đền đài, miếu mạo. Vũ trụ, đền đài, miếu mạo, con người, tuy là ba thành phần hết sức khác nhau trên bình diện sắc tướng; nhưng lại hoàn toàn giống nhau trên phương diện cơ cấu. Nói thế có nghĩa là nếu có LINH THẦN trong giữa lòng vũ trụ; thì ắt LINH THẦN cũng phải có trong nơi cao quí và thẳm sâu nhất của đền đài, và trong con người. Cho nên các đền đài lớn trong thế giới xưa nay, một là khuôn theo hình dáng vũ trụ, hai là khuôn theo hình dáng con người.

Các nhà khảo cổ, quan sát các đền thờ, các thành thánh xưa (như Angkor Thom) đã nhận thấy rằng khi xây cất các công trình vĩ đại ấy, cổ nhân muốn lấy gỗ đá để xây lại một vũ trụ nhỏ, cho nên Trung Cung bao giờ cũng dành để thờ đấng Tối Cao, còn bên ngoài thì trạm trổ tiên thánh, quần sinh, hoặc là có thành quách bao bọc, tượng trưng cho núi non; hào lạch, tượng trưng cho sông biển. Con người muốn đi vào Trung Cung, muốn lên tới thần minh, sẽ phải vượt biển, trèo non, sẽ phải lướt thắng các trở ngại, sẽ phải đi quanh quất, tiến tới mãi mới đến được, chứ không phải là chuyện dễ...

Léon Sprink sau khi suy cứu về các lối kiến trúc các thánh đường của Giáo Hội Chính Thống cũng như của Giáo Hội La Mã, đã đi đến kết luận như sau:

– Các thánh đường bên Đông xây theo lối vòm tròn, và bàn thờ sẽ ở nơi tâm điểm của vòm.

– Các thánh đường bên Tây (thuộc Giáo hội La Mã) được xây theo hình thập tự, trong đó cánh trên chính là đầu con người; hai cánh ngang là hai tay; cánh dưới là mình, là chân con người. Bàn thờ dĩ nhiên phải đặt vào cánh trên, tương đương với Minh Đường nơi con người. [12]

– Trong hình Bát quái, trong các Mandalas Ấn Độ hay Trung Hoa, bao giờ tâm điểm cũng dành cho Vô Cực, Thái Cực.

– Trong tất cả các tinh thể của vạn hữu, tâm điểm là một chỗ trống.

– Kỳ lạ nhất là khi vẽ các đồ án thành phố, khi xây cất các thành phố, bao giờ cũng thấy có một khu Trung Tâm, mà người ta gọi là Công trường hay Quảng trường (Square). Trung tâm đó có thể tròn như Công trường thánh Peter ở Vatican, hay vuông, hay chữ nhật như thấy trong nhiều thành phố Âu Châu thời Trung Cổ. Paul Zucker, đã viết quyển Town and Square, dày 287 trang, để chứng minh sự kiện này. [13]

– Hình như tiềm thức con người đã bắt con người luôn luôn bị ám ảnh bởi cái Trung tâm huyền diệu ấy. Mà thật ra, nếu không có Trung tâm huyền diệu ấy, thì vũ trụ, vạn hữu, sinh linh tất cả đều bị ngột ngạt.

– Nói thế để hướng dẫn quí vị tới Não thất Ba, mà tôi đã khám phá ra được tầm quan trọng của nó, trong đời sống tâm linh và đạo giáo con người, vào khoảng năm 1962. Người xưa gọi nơi tâm điểm đầu não trong con người ấy là LINH ĐÀI, là CAO ĐÀI, là HUỲNH ĐÌNH, là «Chân Nhất Nguyên Thần sở cư chi thất». Chân Thần quí vị ở đấy, Phật tính quí vị ở đấy; đền đài miếu mạo nội tâm quí vị ở đấy. Nhưng đã có bao giờ quí vị vãng cảnh đền đài này chưa?

Chung qui, hẳn quí vị cũng thấy rằng, trong khi mời gọi quí vị thưởng thức cái đẹp thiên nhiên, tôi đã giúp quí vị nhìn thấy dáng dấp của Vô Biên; trong khi cùng quí vị đàm luận về nghệ thuật, tôi đã cho quí vị thấy tất cả cái đẹp đẽ, cái sáng tạo của con người đều đã từ một điểm Linh Đài mà tung tỏa ra; đã gợi cho quí vị thấy rằng một nghệ sĩ siêu việt phải biết dùng cái Hữu Hạn, để gợi ra cái Vô Biên; phải gợi cho thấy Nguồn Sinh Lực vô biên đang rạt rào sau bức màn cảnh sắc biến thiên của đất trời, chứ không phải là để mê hoặc con người, dọa nạt con người, làm cho tâm hồn con người cô đọng lại thành những hình gỗ đá, cứ đứng ỳ thân, mặc kệ sự chuyển vần, biến hóa linh diệu của trần hoàn.

 Tôi lại suy tư thêm rằng: Trời sinh ra con người không phải là chỉ để cho hưởng đẹp; để tạo ra cái đẹp, cái hay cho người đời chiêm ngưỡng; nhưng chính lại còn là để cho đời sống mình trở thành một nghệ thuật sống động, một bài ca, một khúc nhạc tuyệt vời. Công trình tu luyện bản thân có thể ví được như là công trình của một nhà điêu khắc, lúc thì đục cái này, lúc thì dũa cái kia, để cho tất cả trở nên cân xứng, trở nên quân bình, trở nên sống động, trở nên tinh tuyền. Có lẽ chính vì vậy mà Kinh Thi đã khen người quân tử như sau:

Kìa xem bên nẻo sông Kỳ,

Tre non mới mọc xanh rì vườn ai.

Người đâu rực rỡ hỡi người,

Như cắt, như đánh, dũa mài bấy nay.

Lẫm liệt thay, rực rỡ thay,

Hỡi người quân tử biết ngày nào quên. 

 Đạo Đức Kinh, nơi chương 22, cũng viết:

Bao dang dở làm cho tươm tất,

Bao cong queo, hãy bắt cho ngay,

Hãy san chỗ trũng cho đầy,

Cũ càng đổi mới, mới ngay tức thì.

Đạm thanh sẽ thỏa thuê, đầy đủ,

Phiền toái nhiều, trí lự ám hôn.

Thánh nhân một dạ sắt son,

Hòa mình với Đạo, treo gương cho đời.

Ít phô trương: rạng ngời sáng quắc,

Chẳng khoe khoang: vằng vặc trăng sao.

Chẳng vênh vác, vẫn cao công nghiệp,

Chẳng huyênh hoang, ngồi tít tầng cao.

Không tranh ai nỡ tranh nào,

Lời người xưa nói nhẽ nào sai ngoa.

«Bao dang dở làm cho tươm tất,

Tươm tất rồi, ắt sẽ về Ngài.»

 Còn đối với những vị đã đắc quả thượng thừa, vô tu, vô chứng, tôi xin tặng lại bài kệ của Lục tổ Huệ Năng.

Bồ đề bản vô thụ            菩 提 本 無 樹

Minh kính diệc phi đài    明 鏡 亦 非 臺

Bản lai vô nhất vật         本 來 無 一 物

Hà xứ nhạ trần ai?         何 處 惹 塵 埃

Tạm dịch:

Bồ đề vốn không cây,

Gương trong cũng chẳng đài,

Bản lai không một vật,

Bụi bám ở đâu nơi? 

 Tóm lại, dùng Linh tri, Linh giác của mình để mà tìm ra được Đại thể của Vũ trụ, và của lòng con người, đó là Chân.

Dùng thần uy, thần lực để thực hiện điều hay cho mình, cho người, đó là Thiện.

Thực hiện được cái đẹp nơi tâm linh mình, làm cho cái đẹp từ tâm linh mình tung tỏa mãi ra, dãi sáng mãi ra, hòa được mình vào Nguồn đẹp của vũ trụ quần sinh, đó là Mỹ.

Khi mà Chân, Thiện, Mỹ hòa hợp với nhau thành Đại Linh Quang, con người sẽ đạt được thế THÁI HÒA muôn thủa.

 Mới đầu chúng ta tưởng chừng như cái Chân, cái Thiện, cái Mỹ nó ở ngoài chúng ta, ai hay, cuối cùng ta lại thấy chúng đã tiềm ẩn sẵn trong lòng ta, từ khi ta chửa chào đời. Mới hay chuyện đời thật hết sức kỳ bí.


CHÚ THÍCH

 [1] 'Beauty, says Mendelssohn, 'vanishes away as soon as we try to analyze it.'.- James Hastings Editor, Encyclopedia of Religion and Ethics, Scribners, New York, Vol. II, p. 447, in Art. Beauty.

 [2] And Meir...thus expresses himself: 'The cheeks of a beautiful woman are beautiful as long as they are seen with the naked eye. Look at them, with a magnifying glass and their beauty departs.'- Ib. p. 447.

 [3] Rollo May, My quest for beauty,Saybrook, S.F., Dallas, New York, 1985, p.p. 11&13.

 [4] Chi Điền, Hoàng Duy Từ, Đường thi tuyển dịch, tr.85- 86.

 [5] Since motion and change are essential properties of things, the forces causing the motion are not outside the objects, as in the classical Greek view, but are an intrinsic property of matter. Correspondingly, the Eastern image of the Divine is not that of a ruler who directs the world from above, but of a principle that controls everything from within. -- Fritjof Capra, The Tao of Physics, Bantam Books, 1984, p.11.

 [6] For many millenia art's function was to represent the gods.- André Malraux, The metamorphosis of the Gods, Doubleday, New York 1960, p. 1.

 [7] For Greece, the "sacred" did not exist, but neither did the wholly profane, since immanent in every form of life was an element of the divine.- Ib. 52.

 [8] "The Greek miracle" was the creation of forms expressing the Divine.- Ib. 72.

 [9] Byzantium had been fascinated by God's inscrutable remoteness; Rome saw God's presence in all things, and this was the leit- motiv of the preaching of the Age.- Ib. 186.

 [10] E. H. Gombrich, The History of Art, Phaidon, 1966, p. 125.

I am a woman, poor and old,

Quite ignorant, I cannot read

They showed me by my village church

A painted Paradise with harps

And Hell where the damned souls are boiled,

One gives me joy, the other frightens me.

 [11] In the Middle Ages we have art for God's sake, in the Renaissance we have art for man's sake, in the nineteenth century we have art for art's sake, and in the twentieth century we have no art for God's sake. (G. K. Chesterton).- Rollo May, My quest for Beauty, Saybrook, 1985, p. 187.

 [12] Cf. Leon Sprink, Art sacré en Occident et en Orient, Editions Xavier Mappus, Sainte Hélène, Lyon, 1962.

 [13] Cf. Paul Zucker, Town and Square, Columbia City Press, New York & London, 1966.


» Mục lục | Phi lộ | Chương: 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13  14  15  16  17  18  19  20