» mục lục                                                       PHẦN II - BÌNH DỊCH

CHƯƠNG 1 - THƯỢNG THANH

CHƯƠNG 2 - THƯỢNG HỮU

CHƯƠNG 3 - KHẨU VI

CHƯƠNG 4 - HUỲNH ĐÌNH

CHƯƠNG 5 - TRUNG TRÌ

CHƯƠNG 6 - THIÊN TRUNG

CHƯƠNG 7 - CHÍ ĐẠO

CHƯƠNG 8 - TÂM THẦN

CHƯƠNG 9 - PHẾ BỘ

CHƯƠNG 10 - TÂM BỘ

CHƯƠNG 11 - CAN BỘ

CHƯƠNG 12 - THẬN BỘ

CHƯƠNG 13 - TỲ BỘ

CHƯƠNG 14 - ĐẢM BỘ

CHƯƠNG 15 - TỲ TRƯỜNG

CHƯƠNG 16 - THƯỢNG ĐỔ

CHƯƠNG 17 - LINH ĐÀI

CHƯƠNG 18 - TAM QUAN

CHƯƠNG 19 - NHƯỢC ĐẮC

CHƯƠNG 20 - HÔ HẤP

CHƯƠNG 21 - QUỲNH THẤT

CHƯƠNG 22 - THƯỜNG NIỆM

CHƯƠNG 23 - TRỊ SINH

CHƯƠNG 24 - ẨN ẢNH

CHƯƠNG 25 - NGŨ HÀNH

CHƯƠNG 26 - CAO BÔN

CHƯƠNG 27 - HUYỀN NGUYÊN

CHƯƠNG 28 - TIÊN NHÂN

CHƯƠNG 29 - TỬ THANH

CHƯƠNG 30 - BÁCH CỐC

CHƯƠNG 31 - TÂM ĐIỂN

CHƯƠNG 32 - KINH LỊCH

CHƯƠNG 33 - CAN KHÍ

CHƯƠNG 34 - PHẾ CHI

CHƯƠNG 35 - ẨN TÀNG

CHƯƠNG 36 - MỘC DỤC

CHƯƠNG 1

THƯỢNG THANH

上 清 

 

A. KINH VĂN

1. Thượng Thanh, Tử Hà, Hư Hoàng tiền,

上 清 紫 霞 虛 皇 前

2. Thái Thượng Đại Đạo Ngọc Thần Quân. 

太 上 大 道 玉 晨 君

3. Nhàn cư Nhụy Châu, tác thất ngôn.

閑 居 蕊 珠 作 七 言

4. Tán hóa ngũ hình, biến vạn thần,

散 化 五 形 變 萬 神

5. Thị vi Huỳnh đình, viết Nội thiên,

是 為 黃 庭 曰 內 篇

6. Cầm tâm Tam điệp, vũ thai tiên,

琴 心 三 疊 儛 胎 仙

7. Cửu khí ánh minh, xuất tiêu gian,

九 氣 映 明 出 霄 間

8. Thần cái, đồng tử, sinh tử yên,

神 蓋 童 子 生 紫 煙

9. Thị viết ngọc thư, khả tinh nghiên.

是 曰 玉 書 可 精 研

10. Vịnh chi vạn quá, thăng Tam thiên,

詠 之 萬 過 昇 三 天

11. Thiên tai dĩ tiêu, bách bệnh thuyên.

千 災 以 消 百 病 痊

12. Bất đạn hổ lang chi hung tàn,

不 憚 虎 狼 之 凶 殘

13. Diệc dĩ khước lão, niên vĩnh diên.

亦 以 卻 老 年 永 延

B. LƯỢC DỊCH

Từ cung trời thẳm, Thượng Thanh thiên,

Kinh được viết ra, Ngọc Đế tiền,

Lời thơ bảy chữ, đầy châu ngọc,

Tán hóa thân hình, thành vạn tiên...

Huỳnh Đình mỹ hiệu gọi Nội Thiên,

Khiến tâm linh sảng, thưởng Tam thiên.

Tâm thần hòa hợp cùng Ngọc Đế,

Mắt tỏa hào quang, rực ánh tiên...

Đó chính ngọc thư phải tinh nghiên

Đọc được vạn lần, thăng Tam thiên.

Thiên tai vạn bệnh, đều qua khỏi,

Hổ lang chẳng hại, lại diên niên...

C. CHÚ THÍCH

Tử Hà cho rằng ba câu đầu, là do đức Vương Thiều Dương tổ sư 王 少 陽 祖 師, Đông Hoa Đế Quân 東 華 帝 君, đã phỏng theo âm vận Huỳnh Đình viết ra tán dương, xưng tụng Huỳnh Đình kinh. Như vậy chính kinh bắt đầu từ câu thứ 4.

Câu 1. Thượng Thanh, Tử Hà, Hư Hoàng tiền,

Thượng Thanh là cung Thượng Thanh trên trời. Theo đạo Lão, trời có ba cung:

- Ngọc Thanh 玉 清 (nơi ngự của đức Nguyên Thủy Thiên Bảo quân)

- Thượng Thanh 上 清 (nơi ngự của đức Ngọc Thần Linh Bảo quân)

- Thái Thanh 太 清 (nơi ngự của đức Đạo Đức Thần Bảo quân)

Ba cung trời với Tam quân 三 君, Tam Lão 三 老 nói trên đều hóa ra từ Lão quân nhất khí 老 君 一 氣 (tức là: Lão quân 老 君, Nhất khí 一 氣, Tiên Thiên nhất khí 先 天 一 氣, Tiên Thiên Nhất khí Thái Thượng Lão quân 先 天 一 氣 太 上 老 君, v.v.) Như vậy Tam Thanh đều sinh ra cùng một gốc. Đọc lời bình của Tử Hà về chương này, ta có một bằng chứng rõ rệt là đạo Lão chủ trương Nhất thể tán vạn thù 一 體 散 萬 殊.

Nơi con người, cũng có Tam Thanh:

- Ngọc Thanh cung tức Nê Hoàn cung.

- Thượng Thanh cung tức Giáng cung.

- Thái Thanh cung tức Hạ đan điền.

Đại Thừa Chân Giáo [1] lại xếp ba cung trên theo hàng ngang. Ý nói, ba cung Trời đều ở trong đầu não con người: nơi não thất ba, và hai xoang não hai bên.

Tử Hà 紫 霞: Bầu trời đầu tiên. Tử hà nguyên nghĩa là vầng mây tía.

Hư Hoàng 虛 皇: Nội hiệu của đức Tử Thanh Thái Tố Cao Hư Động Diệu Tam Nguyên Đạo Quân 紫 清 太 素 高 虛 洞 曜 三 元 道 君.

Câu 2. Thái Thượng Đại Đạo Ngọc Thần Quân.

Thái Thượng 太 上: Là Cao Thánh Thái Chân Ngọc Thần Huyền Hoàng Đại Đạo Quân 高 聖 太 真 玉 晨 玄 皇 大 道 君.

Câu 3. Nhàn cư Nhụy Châu tác thất ngôn.

Nhụy Châu cung 蕊 珠 宮: Tên một cung Trời Thượng Thanh (Thượng Thanh cảnh cung khuyết 上 清 境 宮 闕).

Câu 4. Tán hóa ngũ hình, biến vạn thần.

Biến hóa thần hình thành nhất khí. Tử Hà giải: Khí khí tương tục biến thành vạn thần 氣 氣 相 續 變 成 萬 神.

Câu 5. Thị vi Huỳnh Đình, viết Nội thiên.

Huỳnh Đình 黃 庭: Đình là nhà lớn. Huỳnh là màu vàng của Trung Cung. Huỳnh Đình tượng trưng cho Thái Cực 太 極, cho Hư vô nhất khiếu 虛 無 一 竅 nơi con người.

Câu 6: Cầm tâm Tam điệp, vũ thai tiên.

Cầm tâm 琴 心: Cầm tâm là đàn cầm. Cầm tâm tức là điều hòa tâm hồn, và như vậy tâm hồn được ví như cây đàn. Huỳnh Đình kinh vì vậy mà còn được gọi là Thái Thượng Cầm Tâm Văn 太 上 琴 心 文.

Tam điệp 三 疊: Ba tầng trong người tức là Tam đan điền.

Vũ thai tiên 儛 胎 仙: Vui với Thai tiên (Thai Linh đại thần 胎 靈 大 神).

Câu 7. Cửu khí ánh minh, xuất tiêu gian.

Bản Tử Hà, thay vì hai chữ ánh minh 映 明 lại viết lãng ánh 朗 映.

Vụ Thành Tử giải câu «Cửu khí ánh minh xuất tiêu gian» như sau: Cửu thiên chi khí, qua lỗ mũi, chu lưu trong óc não con người, ánh quang minh thượng đạt, vì thế gọi là xuất tiêu gian. 九 天 之 氣, 入 於 人 鼻, 周 流 腦 宮, 映 明 上 達, 故 曰 出 霄 間 (Tiêu là trời).

Câu 8. Thần cái, đồng tử, sinh tử yên.

Thần cái 神 蓋: Lọng thần, đây là lông mi.

Đồng tử 童 子: Mắt.

Tử yên 紫 煙: Ánh sáng của mắt.

Câu 10. Vịnh chi vạn quá, thăng Tam thiên.

Bản của Tử Hà chép là tụng chi vạn biến 誦 之 萬 遍.

D. BÌNH GIẢNG

Kinh này được đức Thái Thượng Đại Đạo Ngọc Thần Quân viết ra trên bầu trời Tam Thanh, trong cung Nhụy Châu, trước mặt đức Hư Hoàng. (Tam Nguyên Đạo quân). (câu 1, 2, 3)

Kinh này gọi là Huỳnh Đình Nội Cảnh hay Nội Thiên. Nó giúp ta điều hòa tâm hồn, để có thể hòa hài cùng Ngọc Đế. (Câu 4)

Khi đọc kinh này, khí thiêng trời đất như tràn ngập tâm thần ta, khiến ta lâng lâng, như bay lên trên chín tầng trời thẳm, làm cho mắt ta rực rỡ ánh thần quang. (Câu 6, 7, 8)

Đó là Ngọc thư, nên nghiên cứu cho kỹ lưỡng. (Câu 9)

Đọc quá vạn lần, với một lòng thành khẩn; khiết tịnh, tinh vi, sẽ thành Đại La Tiên, lên trên trời Tam Thanh. (Câu 10)

Thường xuyên trì tụng sẽ được tai qua, bệnh khỏi, sẽ không sợ hổ lang, lại được phần lão hoàn đồng, diên niên tăng thọ. (Câu 11, 12, 13)

Kinh Huỳnh Đình, vì có mục đích điều hòa tâm thần (cầm tâm) nên còn được gọi là Thái Thượng cầm tâm văn.

Đức Phù Tang Đại Đế Quân, sau khi đọc kinh này đã khắc vào kim giản nên kinh này còn được gọi là Đại Đế Kim Thư. Các vị ngọc nữ tiên nhân ở cung đức Đông Hoa, còn khắc kinh này vào ngọc, nên cũng được gọi là Đông Hoa Ngọc Thiên.


[1] Cao Đài Đại Đạo, Chiếu Minh, Đại Thừa Chân Giáo, Trước Tiết tàng thơ, Thủ Thiêm, Gia Định, 1956, tr. 57.