CHÂN DUNG KHỔNG TỬ
Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ
Mục
lục | Phi lộ | chương
1 2
3 4
5 6
7 8
9 10
11 12
13 14
15 16
17 18
19 20
Đính chính gia phả đức Khổng | Phụ
lục | Sách tham khảo
Chương 1
Bối cảnh địa dư
Như sông Gange và sông Indus đã ngưng đọng
nền văn minh Ấn Độ, như sông Tigre và sông Euphrate đã chứng kiến một
thời kỳ huy hoàng trong lịch sử nước Babylonie, sông Hoàng Hà và sông
Dương Tử cũng đã đem lại nền văn minh, thịnh vượng cho Trung Hoa.
Sông Hoàng Hà uy nghi dưới ngòi bút của Lý
Thái Bạch:
«Quân bất kiến Hoàng Hà chi thuỷ thiên
thượng lai,
Bôn lưu đáo hải bất phục hồi.»
«Anh chẳng thấy Hoàng Hà nước nọ,
Tụ trên trời chảy đổ ra khơi.
Ra khơi thôi thế thì thôi,
Về nguồn trở lại có đời nào đâu.»
(Đường Thi, Trần Trọng Kim, trang 97)
Sông Hoàng Hà dũng mãnh đã tràn ngập Trung
Quốc và đã làm cho vua Thuấn, vua Võ mất bao nhiêu công trị thủy.
(Textes historiques, Wieger, p. 33)
Sông Hoàng Hà linh diệu đã đem bao nhiêu
đất đỏ phì nhiêu từ các vùng cao nguyên hiểm trở xuống để lấp một quãng
bể bao la từ Sơn Tây ra tới bờ bể ngày nay, đem người Trung Hoa từ các
cao nguyên xuống, và bình nguyên nó đã thành trung tâm Trung Quốc kết tụ
lại tất cả những huy hoàng tráng lệ vê tinh thần, vật chất Trung Hoa.
(Histoire de la Chine, René Grousset, p. 73) (Chương này phần lớn trích
trong sách Khảo luận và phê bình học thuyết của Khổng Tử của tác giả, từ
trang 7- 11).
Sông Dương Tử và phụ lưu là sông Hán cũng
không kém phần mênh mang. Kinh Thi ca tụng:
Hán chi quảng hĩ, bất khả vịnh ti,
Giang chi vĩnh hĩ, bất khả phương ti.
Dịch:
Mênh mông sông Hán, sông Giang
Lặn sang chẳng được, bè sang khó lòng.
(Kinh Thi, Tản Đà, trang 43)
Vài con sông nhỏ trở nên tiếng tăm vì nhờ
có liên lạc, dính dấp đến đời sống các danh nhân, ví dụ như:
- Sông Vị, nơi Lã Vọng buông câu, đợi ngày
Văn Vương mời ra giúp nước.
- Sông Thù, sông Tứ chảy qua khúc Phụ, nơi
chôn rau cắt rốn của Hoàng Đế, của Y Doãn, nơi có lăng của Thiếu Hạo, có
miếu của Chu Công, nơi mà đức Khổng mở mắt chào đời, sinh sống một thời
kỳ thơ ấu, giảng giáo trong những năm già nua, yên nghỉ khi đã mãn phần,
vì thế cho nên nói đến dòng Thù, Tứ, tức là ám chỉ đến Khổng giáo, Khổng
môn.
- Sông Nghi miền nam nước Lỗ, nơi mà ông
Tăng Tích ước muốn được sống thanh nhàn, ngoài vòng cuong tỏa lợi danh,
cùng ít nhiều bạn bè trẻ, tắm mát rong chơi, trong những ngày cuối xuân
đầm ấm. (LN, 12, 25).
- Sông Vấn giáp giới Lỗ với Tề, nơi mà Mẫn
Tử Khiên dọa đi ẩn dật để khỏi phải ra làm quan đất Phí theo lời mời của
quyền thần nước Lỗ là Quý Khương Tử. (LN, VI, 7).
Rồi đến giải núi Tần Lĩnh cao ngất trời,
chia Trung Hoa làm hai phần Nam Bắc, mà đám mây vắt trên đỉnh cao xa như
ấp ủ cả những tình lưu luyến cố hương.
«Đoái trông muôn dặm tử phần,
Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa.»
Nguyễn Du
Bốn ngọn núi lịch sử Thái Sơn, Hằng Sơn,
Hoa Sơn, Hành Sơn là chỗ vua tập hợp các chư hầu, mỗi núi dành cho chư
hầu một phương.
Nhìn địa dư, ta nhận thấy hai phần phân
biệt:
1- Một phần là cao nguyên rừng núi, nơi
xưng hùng xưng bá của những nước Tấn, Tần, Tề, Sở, đất phát sinh ra
những chiến sĩ hùng cường, nguyện da ngựa bọc thây nơi chiến địa.
2- Một phần là bình nguyên qui tụ văn minh
tinh thần Trung Hoa, nhưng chỉ có những nước nhỏ: Lỗ, Vệ, Trần, Tống,
Trịnh, Kỷ, Thái…
Và dĩ nhiên là các nước hùng cứ Bắc Nam
đều dồn mắt vào các nước trong bình nguyên sông Hoàng Hà và sông Dương
Tử, cho nên bình nguyên sông Hoàng Hà và sông Dương Tử cũng đã chứng
kiến bao cảnh tàn phá. Nó «không những được cày bằng cày mà còn bị cày
bằng vó ngựa, không những được gieo bằng hạt lúa mà còn bị gieo bằng đầu
người, và hai dòng sông Hoàng Hà và Dương Tử đã được tô điểm bằng những
nàng con gái góa bụa, đã được nở đầy hoa trẻ mồ côi; những lớp sóng sông
Hoàng Hà và Dương Tử đã dâng lên đầy những nước mắt của người cha già mẹ
yếu.» (Văn Hóa Á Châu, số 19, 1959, trang 68). Đối với những người chinh
phụ mong chồng thì:
Nước sông trôi hết xuân dần,
Trăng sông cũng lại xế dần sang Tây.
Đường Thi, Trần Trọng Kim, trang 91)
Và đối với đức Khổng thì bình nguyên Trung
Hoa cũng đã từng ghi dấu gót phong sương…
Nhìn chung vào bản đồ Trung Quốc, ta thấy
thực là «giang sơn riêng chiếm một cảnh trời». Phía Đông thì là cả một
đại dương với muôn tầm sóng cả, phía Bắc thời Hoàng Hà chín khúc cuồn
cuộn chảy, dãy Thái Hằng tuyết phủ mây che, làm cho Thái Bạch phải viết:
«Đường đi khó, tìm đường đi khó quá,
Rút kiếm bén ngỡ ngàng trông đây đó,
Lòng băn khoăn ta biết sẽ đi đâu,
Muốn qua Hoàng Hà, băng giá lấp sông
sâu,
Muốn lên non Thái tuyết một mầu ảm
đạm.»
(Hành Lộ Nan)
Xa hơn nữa là sa mạc Gobi với cát phủ bao
la, với gió gào lạnh lẽo.
Phía Tây thì Tần Lĩnh và Côn Lôn là hai
dãy núi trập trùng hiểm trở. Phía Tây Nam thời Hi Mã Lạp Sơn với những
ngọn núi cao vút chín tầng mây, như những bức trường thành muôn vạn
nhận, vươn lên thinh không để ngăn cách Trung Hoa với các nước miền Nam
như Ấn Độ và Tây Tạng.
Nói thế nghĩa là Trung Quốc cổ thời rất
khó mà có được những liên lạc văn hóa với các trung tâm văn hóa khác như
Ấn Độ, Babylone, Hi Lạp, Ai Cập. Thế nhưng ngày nay khi mà từ ngữ cũng
như những biên giới thiên nhiên, núi sông hiểm trở không còn là những
bức tường thành kiên cố ngăn cách con người, ngày nay, khi đem so sánh
học thuyết Khổng Tử với các học thuyết khác trên thế giới, ta thấy có
rất nhiều điểm tương đồng, y như đã phát xuất từ một nguồn. Nguồn ấy là
đâu, phải chăng là tâm linh con người?
Sách Deutéronome viết: «Thực vậy, lề luật
mà ta truyền dạy ngươi hôm nay, không có ở ngoài tầm kích ngươi. Nó
không ở trên trời để ngươi phải nói: Ai lên trời cho chúng tôi tìm luật
đó, để chúng tôi được nghe biết và được thi hành. Nó cũng không phải ở
cách trùng dương để ngươi phải nói: Ai sẽ vượt biển cho chúng tôi tìm
luật đó, để chúng tôi được nghe biết và được thi hành. Đạo kề bên ngươi,
đạo ở trong miệng, trong lòng ngươi, để có thể đem thực hiện.» (Deut.
30, 11- 14)
Thế mới hay: «Muốn tìm cho ra pháp giới
tính, nhất định phải do tâm.» (Ưng quan pháp giới tính, nhất thiết do
tâm tạo.)
Người Việt xưa viết:
«Quan Âm nghìn mắt nghìn tay,
Cũng do một điểm linh đài mà ra.»
thật là chí lý vậy.
Khu vực Khúc Phụ, quê
hương đức Khổng.
Trung Quốc Ngũ Thiên
Niên Sử - quyển 3, trang 401.
Hoa Nghiêm
Kinh, trang 12, Hán văn của chùa Hoa Nghiêm, Gia Định.
Mục
lục | Phi lộ | chương
1 2
3 4
5 6
7 8
9 10
11 12
13 14
15 16
17 18
19 20
Đính chính gia phả đức Khổng | Phụ
lục | Sách tham khảo
|