CHÂN DUNG KHỔNG TỬ

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

Mục lục | Phi lộ | chương 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13  14  15  16  17  18  19  20

Đính chính gia phả đức Khổng | Phụ lục | Sách tham khảo


Chương 14

Đức Khổng, con người nghệ sĩ

 

Đức Khổng là một con người rất có tâm hồn nghệ sĩ. Ngài rất say mê ưa chuộng âm nhạc, và dùng âm nhạc để bình tâm tĩnh trí, hàm dưỡng cho tinh thần trở nên cao khiết.

Đức Khổng biết nhạc từ hồi còn trẻ.

Khi nghe ai hát bài nào hay, Ngài thường yêu cầu hát lại, và tập hòa theo. (LN, VII, 31).

Ở đâu mà có nhạc sư danh tiếng Ngài cũng tìm tới để học hỏi, hoặc để bàn bạc. Ngài đã gặp Trành Hoằng ở Châu, các nhạc sư ở Tề (LN, VI, 13) và Lỗ (LN, III, 23).

Khi 35 tuổi, sang Tề, Ngài có dịp học nhạc Thiều. Ngài học say mê đến nỗi trong vòng ba tháng không biết mùi vị thịt (LN, VII, 13).

Thường nhật, Ngài hay đàn ca hoặc gảy đàn sắt (LN, XVI, 19) hoặc đánh khánh (LN, XIV, 42).

Ngài thích các loại nhạc uy nghi, trang trọng như nhạc Thiều (LN, III, 25) và ghét các loại nhạc dâm đãng, phóng túng như nhạc Trịnh (LN, XVII, 17).

Ngài khiển trách Tử Lộ vì đã tấu những khúc nhạc có những cung điệu cuồng bạo, sát phạt trong nhà Ngài (LN, XI, 14).

Khi trở về già, Ngài đã sửa sang lại âm nhạc (LN, XI, 14).

Ngài đã đem hết các bài ca trong Kinh Thi để phổ nhạc. Tư Mã Thiên viết: «Đức Khổng đem ba trăm lẻ năm thiên Kinh Thi ra mà đàn ca cho hợp với âm thanh của Thiều, Vũ, Nhã, Tụng.» [1]

Ngài chủ trương:

Học Kinh Thi để cho lòng thêm hứng khởi, vui sống.

Học Kinh Lễ để biết tuân theo luật lệ tự nhiên mà ở ăn.

Học Nhạc để cho con người trở nên vẹn hảo, hòa hợp được với nhân quần và vũ trụ (LN, VIII, 9).

Những lúc Ngài bị lao lung nguy khốn nhất, lại là lúc ta thấy Ngài dùng âm nhạc để trấn tĩnh tinh thần (xem Sử Ký Tư Mã Thiên, chương Khổng Tử thế gia, lúc Ngài bị tuyệt lương ở cánh đồng giữa Trần và Thái.)

Đức Khổng là một người sành về nhạc lý (LN, III, 3, 23, 25; XVI, 2; XVII, 11).

Các môn đệ Ngài cũng có nhiều người ưa nhạc, thích tấu nhạc như Tử Lộ (LN, XI, 14), Tăng Tích (LN, XI, 25), Tử Du (LN, XIII, 4).

Đức Khổng cho rằng nhạc rất quan hệ trong đời sống cá nhân cũng như trong nghệ thuật trị dân. Người xưa cho rằng Lễ, Nhạc, Hình, Chính phải đi với nhau, thì dân mới yên, nước mới trị.

KHÁI NIỆM VỀ NHẠC

Đức Khổng đã san định lại cả một bộ Kinh Nhạc. Bộ sách này đã bị thất lạc.

Ở Lễ Ký ta thấy vẻn vẹn còn có một thiên Nhạc Ký.

Nhưng nhờ đoạn này và tham khảo thêm Tứ Thư, Ngũ Kinh, và cổ thư, ta cũng có thể có một khái niệm về nhạc xưa.

Nhạc là gì?

Chữ nhạc đây không phải là ca nhạc suông, mà gồm cả nhạc và vũ.

Nhạc Ký viết: «Chuông, trống, sáo, khánh, vũ, thược, can, qua là những nhạc khí. Co, ruỗi, ưỡn, khom, chụm, tỏa, nhanh, chậm là nhạc văn.» (Chung, cổ, quản, khánh, vũ, thược, can, thích, nhạc chi khí dã; khuất thân, phủ ngưỡng, chuyết triệu, tật thư, nhạc chi văn dã. - Uyên Giám Loại Hàm, III, 3203).

Nói cách khác, nhạc gồm:

- Thi

- Ca

- Nhạc

- Vũ

Nhạc là sự phối hợp của thanh âm, màu sắc, tiết tấu, chuyển động, để mà kích thích, di dưỡng tâm thần con người.

Nhạc tức là tiếng lòng con người, tâm tình, tâm trạng con người phát ra qua lời ca, giọng hát; qua âm thanh của nhạc khí; qua điệu bộ của nhạc công, vũ công; qua màu sắc và hình thù của mao, vũ (dùng khi múa), can, thích (dùng khi múa võ).

Cho nên khi lòng đau thương, thì tiếng nhạc lời ca cũng lâm li ai oán.

Khi lòng vui vẻ, thì lời ca tiếng nhạc cũng rộn rã vui hòa.

Khi lòng thư thái, tiếng nhạc lời ca sẽ khoan hòa, êm ả.

Khi lòng mà kính cẩn, tiếng nhạc lời ca sẽ trang nghiêm, réo rắt.

Khi lòng mà oán hờn, giận dữ, nhạc và ca cũng sẽ chát chúa, sôi sục.

Khi lòng mà dâm đãng, phóng túng, nhạc và ca cũng sẽ ủy mị, khêu gợi, phóng túng, lả lơi.

Những yếu tố cấu tạo nên nhạc

Muốn ca hát, nhã nhạc, trươc hết phải qui định những cung điệu cơ bản, những âm thanh cơ bản.

Có năm cung điệu cơ bản, đó là: Cung, Thương, Giốc, Chủy, Vũ (Nhiệm Ứng Thu, trong quyển Ngũ vận Lục Khí đã cho rằng Cung thời trầm nhất mà Vũ thời cao nhất).

Có 12 âm thanh cơ bản (thập nhị luật), gồm:

- Sáu dấu Dương gọi là Lục Luật: Hoàng Chung, Thái Thốc, Cô Tẩy, Nhuy Tân, Di Tắc, Vô Dịch.

- Sáu dấu Âm gọi là Lục Lữ: Lâm Chung, Nam Lữ, Ứng Chung, Đại Lữ, Giáp Chung, Trọng Lữ.

Ta viết:

- Hoàng Chung   : Do

- Đại Lữ                : Do#

- Thái Thốc          : Ré

- Giáp Chung       : Ré#

- Cô Tẩy               : Mi

- Trọng Lữ            : Fa

- Nhuy Tân          : Fa#

- Lâm Chung       : Sol

- Di Tắc                : Sol#

- Nam Lữ             : La

- Vô Dịch             : La#

- Ứng Chung       : Si

Về nhạc liệu, người xưa dùng tám loại, gọi là Bát âm:

- Da (Cách)

- Bầu (Bào)

- Trúc (Trúc)

- Tơ (Ti)

- Gỗ (Mộc)

- Đất (Thổ)

- Kim (Kim)

- Đá (Thạch)

 

cổ cầm

tì bà

hồ cầm

địch

sanh

tiêu

tỏa nột (xô na)

tam huyền

nhị hồ

não bạt

cổ tranh

 

trống

Mỗi loại chất liệu kể trên lại có thể dùng để chế tạo một hay nhiều nhạc khí.

- Da (Cách) dùng để làm các loại trống: trống lớn, trống nhỏ, trống treo: hoặc lục lăng, hoặc bát giác, hoặc vuông; các loại trống trận lớn, nhỏ.

- Bầu (Bào) dùng để chế tạo các loại nhạc khí như Sênh, Hoàng, Vũ.

- Trúc (Trúc) dùng để chế tạo các loại quản, sáo (trì, địch, thược, tiêu, quản).

- Tơ (Ti) dùng để chế thành các loại đàn (Cầm, Sắt, Đàn Không Hầu, Tì Bà, v.v…)

- Gỗ (Mộc) dùng để chế thành các loại Chúc, Ngữ.

- Đất (Thổ) dùng để chế thành các loại Huân, Phữu.

- Kim (Kim) dùng để chế thành các loại Chuông, Chiêng, Não Bạt.

- Đá (Thạch) dùng để chế thành các loại Khánh.

Nhạc khí chưa đủ, còn phải có nhạc công, vũ công. Âm thanh chưa đủ, còn phải có màu sắc, có điệu bộ, có cung cách trình diễn. Xưa bao giờ nhạc cũng gồm cả ca lẫn vũ.

Những vũ khí, tức là những dụng cụ dùng để múa, thời có:

- Can (múa võ)

- Thích (múa võ)

- Mao (múa văn)

- Vũ (múa văn)

Những nhạc khúc xưa có nhiều nhạc khúc nổi tiếng như:

- Hàm Trì (thời Hoàng Đế) ca tụng công lao của Hoàng Đế đã có công làm cho đạo đức phát huy, thi triển được khắp nơi.

- Đại Chương (thời Nghiêu) ý muốn nói lên lòng mong muốn của vua, muốn cho nhân nghĩa đại hành, pháp độ chương minh.

- Lục Anh (đời Đế Khốc).

- Ngũ Hành (thời Chuyên Húc).

- Tiêu Thiều (đời Thuấn) ý rằng vua Thuấn muốn tiếp tục (Thiều nghĩa là kế tục) con đường của vua Nghiêu.

- Đại Hộ (nhà Thương Ân) ý nói nhà Ân sẽ cố phục hưng, bảo hộ nền đạo đức của các thánh vương xưa.

- Đại Chước hay Đại Vũ (đời Chu) ý nói nhà Chu sẽ châm chước để luôn theo đường lối của hai vua Văn, Vũ.

(Xem Uyên Giám Loại Hàm, quyển III, mục nhạc Tổng tải, trang 3204.)

Thế mới hay người xưa mượn lời thơ để nói lên chí hướng và hoài bão của mình, rồi phổ vào ca nhạc và vũ, để lời thơ trở nên bất diệt, hoài bão của mình được quảng thi, quảng diễn, nhờ đó có ảnh hưởng sâu rộng vào quần chúng. (Thi ngôn chí, ca vĩnh ngôn, thanh y vĩnh, luật hòa thanh, bát âm khắc hài… - kinh Thư, Thuấn Điển, tiết 23.)

Những bài học mà nhạc dạy cho con người

Ta thấy trong trời đất bất kỳ là chất liệu gì, dầu đất, dầu đá, dầu gỗ, dầu da, cvẫn có thể tinh luyện, vẫn có thể chế tạo cho thành nhạc khí. Như vậy, đã sinh ra làm người, ai cũng có thể trau chuốt dùi mài để trở nên thanh lịch, cao quý được. Một chính trị gia chân chính sau khi đã lo phần cơm áo, phần ngoại cảnh cho dân, phải lo tinh luyện cho tâm thần dân con được trở nên cao khiết, khoan quảng, hòa duyệt, để cùng nhau sống trong cảnh thái hòa.

Hơn nữa, con người sinh ra chính là để tinh luyện tâm thần mình ngày một trở nên tinh toàn, cao khiết, khiến cho lòng mình trở nên khúc nhạc tuyệt vời, hòa nhịp được cùng với khúc đại nhạc của vũ trụ. Sự tinh luyện, sự phát triển các tài đức còn tiềm ẩn trong lòng mình, sẽ đem lại cho mình một thú vui chân thật và cao quý chứ con người sinh ra không phải là để đắm mình trong những thú vui ô trọc. Đi con đường ấy tức là nghịch thiên, nghịch lý, sẽ bị tử vong, đào thải (xem Kinh Dịch, nơi quẻ Dự).

Muốn tấu nên một khúc nhạc tuyệt vời, thanh âm của mỗi loại nhạc khí cần phải tinh tuyền; nhạc công phải là những người điêu luyện. Lúc tấu nhạc phải theo nhịp điệu, tình tiết của toàn ban, chứ không được theo những ý thích riêng tư.

Suy ra, trong một nước, muốn tạo nên một nền đại hòa, đại thuận, mỗi người phải làm bổn phận mình cho chu đáo, phải có tài đức đúng với ngôi vị mình, rồi phải cộng tác với nhau, phải đồng tâm nhất trí mà xây dựng, mà điểm tô cho non sông đất nước.

Thế là vừa có tôn ti trật tự (Lễ) vừa có phân công (division du travail), vừa có sự thống nhất đường lối hoạt động, để cho tất cả mọi nỗ lực đều qui hướng về một mục phiêu nào (coordination du travail).

Nếu nhạc có năm cung: Cung, Thương, Giốc, Chủy, Vũ, thì đời sống quốc gia cũng gồm năm yếu tố:

- Vua (Cung)

- Quan (Thương)

- Dân (Giốc)

- Công tác xây dựng đất nước (Chủy)

- Nguyên liệu và ngoại cảnh (Vũ)

Nếu vua không xứng đáng để làm chủ chốt, cầm giềng mối đất nước; nếu quan không đủ tài đôn đốc thi hành; nếu dân bạc nhược, suy vi, phóng túng, không chịu cần cù, lao tác; nếu công cuộc xây dựng phong doanh thái thịnh cho dân nước bị bê trễ; nếu các tài nguyên trong nước không được khai thác cho chu đáo, hẳn hoi, thì làm sao mà có được sự thái hòa, đại thuận?

Nhạc là sự rung động của tâm hồn để rồi phát sinh ra thành âm thanh, nhạc điệu: lòng buồn sinh nhạc buồn, lòng vui tạo nhạc vui. Nếu vậy, ta có thể dùng nhạc mà tạo nên được những tâm trạng vui, buồn, hùng, kính, v.v…

Ảnh hưởng của nhạc rất là sâu xa:

- Nhạc đạo, nhạc Thiều sẽ gây kính cẩn trang nghiêm.

- Nhạc đời, nhạc Trịnh sẽ gây tình dục.

- Nhạc chiến sẽ gây hùng tâm dũng khí.

- Nhạc sầu sẽ làm ủy mị lòng người.

Vì thế cho nên ngày xưa, cổ nhân cố bài trừ những loại nhạc dâm bôn, phóng đãng, mà chỉ cho phổ biến những ca khúc thanh khiết, trang trọng, hào hùng.

Thiên Nguyệt Lệnh Lễ Ký cho ta thấy đời xưa vua chúa hết sức chú trọng đến âm nhạc, và các trường đều phải học tập, đều phải trình diễn nhạc vào những thời kỳ nhất định. Những cuộc trình diễn âm nhạc đặc biệt đều có sự hiện diện của vua và triều đình, bá quan văn võ…

Nhạc là một lợi khí để di dưỡng tinh thần

Trần Trọng Kim viết:

«Cái tác dụng của nhạc cốt để hòa thanh âm cho tao nhã, để di dưỡng tính tình. Cho nên Khổng Tử nói:”Trí nhạc dĩ trị tâm, tắc dĩ trực, từ, lương chi tâm du du nhiên sinh hỹ.” Trau chuốt âm nhạc để trị lòng người, thì cái lòng giản dị, chính trực, từ ái, thành tín, tự nhiên phơi phới mà sinh ra. (Lễ Ký, Tế Nghĩa XXIV). Thánh nhân biết nhạc có cái thế lực rất mạnh về đường đạo đức, cho nên mới chế ra nhạc để dạy người.”Nhạc là cái vui của thánh nhân, mà có thể khiến cho lòng dân trở nên tốt lành, có thể cảm lòng người rất sâu và đi đến di phong, dịch tục, cho nên tiên vương mới đặt ra dạy nhạc.” (Nhạc dã giả, thánh nhân chi sở lạc dã, nhi khả dĩ thiện dân tâm, kỳ cảm nhân thâm, kỳ di phong, dịch tục, cố tiên vương trứ kỳ giáo yên. - Nhạc Ký XIX).» (Xem Trần Trọng Kim, Nho giáo I, trang 157, 158.)

Lịch sử đã nhiều lần chứng minh ảnh hưởng lớn lao ghê gớm của nhạc.

Tề Vương dâng nữ nhạc để khuynh đảo vua Lỗ và Quí Hoàn Tử, khiến cho đức Khổng phải cất bước ra đi (LN, XVIII, 4).

Trương Lương thổi tiêu mà làm cho quân binh Hạng Võ tan rã…

Một bài Marseillaise của Pháp cũng gây được xúc động và cũng đã hô hào, đã đoàn kết được dân Pháp, đã thúc đầy được họ vác súng ra sa trường, mạnh mẽ hơn bất kỳ bài diễn văn hùng hồn nào.

Nhạc chẳng những điều hòa được tâm tình con người mà còn khiến cho lòng họ trở nên thanh cao, tế nhị. Vì thế, Dịch Kinh chủ trương sau khi đã đoàn kết được mọi người (Đồng Nhân), sau khi đã đem lại cho dân nước một nền phong doanh, phú thịnh (Đại Hữu), bậc quốc quân còn phải dùng nhạc để làm cho con người có được một tâm thần thanh cao, hòa duyệt (Dự), …

Nhạc là một lợi khí đoàn kết con người, một biểu tượng cho sự hòa thuận

Nhạc cũng có mục đích là dạy con người đoàn kết, hợp quần, chung lưng, góp sức để cùng nhau tạo dựng một đời sống tâm thần và vật chất vẹn hảo.

Muốn có một khúc nhạc cho hay, phải có đủ sự hòa hợp của tiếng tơ, tiếng trúc, tiếng đá, tiếng vàng, tiếng bầu, tiếng gỗ, tiếng da, tiếng đất; lại cũng phải có sự hòa tấu của các loại âm thanh cao thấp; có sự tiết tấu nhanh chậm, sự hòa nhịp của mọi loại nhạc khí.

Cho nên vơ chồng mà hòa hợp thì gọi là sắt cầm hòa hợp (Trung Dung XV); anh em mà hòa thuận thời cũng gọi là hòa lạc vui vầy (Trung Dung XV); vua tôi mà hòa lạc thời gọi là đại hòa, đại thuận. (Xem Lễ Ký, Lễ Vận, tiết IV, câu 14.)

Sự gàng quải, chia phôi, ngược lại, đã được phô diễn bằng những thành ngữ âm nhạc như sau:

- Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược.

- Đàn ngang cung, v.v…

Mạnh Tử có bàn về âm nhạc rất là sâu sắc như sau:

Trang Bạo, một viên quan của Tề Tuyên Vương, một hôm đến viếng Mạnh Tử và nói rằng: «Tôi có đến chầu vua. Trong khi nói chuyện vua có cho tôi biết vua thích âm nhạc. Nhưng tôi chẳng có lời chi đáp lại. Vậy tôi xin hỏi phu tử: Bực quốc trưởng mà thích âm nhạc, thời cuộc trị nước ra thế nào?» Mạnh Tử đáp rằng: «Nếu vua mà thật lòng ưa nhạc một cách thận trọng, thì vận nước Tề có mòi hưng vượng đó.»

Một ngày khác, Mạnh Tử vào chầu vua, tâu rằng: «Vua có nói với Thầy Trang rằng vua thích âm nhạc, phải vậy chăng?» Vua biến sắc đáp rằng: «Quả nhân chẳng đủ sức mà hâm mộ và luyện tập âm nhạc của các vị thánh vương đời xưa; thật ra quả nhân chỉ thích âm nhạc của thế tục thôi.» Mạnh Tử nói: «Nếu vua mà thật lòng yêu thích âm nhạc một cách trân trọng, thì vận nước Tề có mòi hưng vượng đó. Là vì nhạc đời nay do nhạc đời xưa mà ra; cũng cùng công dụng chứ không khác gì.»

Vua hỏi: «Quả nhân muốn biết hiệu lực của âm nhạc có được chăng?»

Mạnh Tử vừa đáp vừa hỏi rằng: «Về thú vị âm nhạc, một mình mình hưởng và cùng hưởng với người, bề nào vui hơn?»

- Cùng hưởng với người thì vui hơn.

- Cùng hưởng với một số ít người và cùng hưởng với một số đông người, bề nào vui hơn?

- Cùng hưởng với một số đông người vui hơn.

Mạnh Tử nói: Tôi xin giảng giải về âm nhạc để vua nghe: Tỉ như nay vua ra lệnh tấu nhạc ở đây. Bá tánh nghe tiếng chuông, tiếng trống cùng tiếng sáo tiếng tiêu của vua, họ đều nhức đầu nhăn mày và méo mặt, bèn nói với nhau rằng: «Vua ta chỉ thích hòa nhạc mà thôi. Sao người nỡ đày đọa chúng ta trong cảnh cùng cực như vầy? Cha con chẳng thấy nhau; anh em, vợ con đều chia lìa phân tán.»

Tỉ như nay vua mở cuộc săn bắn ở đây. Bá tánh nghe tiếng xe chạy, ngựa hí, cùng thấy những ngọn cờ hoa mỹ có kết lông chim và lông thú của nhà vua, họ đều nhức đầu nhăn mày và méo mặt, bèn nói với nhau rằng: «Vua ta chỉ ham săn bắn mà thôi. Sao người nỡ đày đọa chúng ta trong cảnh cùng cực này? Cha con chẳng được thấy nhau; anh em, vợ con đều chia lìa phân tán.»

Bá tánh oán than vua chỉ vì việc này thôi: Vua chẳng cùng hưởng sự vui với dân.

Tỉ như nay vua ra lệnh tấu nhạc ở đây. Bá tánh nghe tiếng chuông, tiếng trống cùng tiếng sáo, tiếng tiêu của vua, gương mặt họ lộ vẻ vui mừng hớn hở. Họ bèn nói với nhau rằng: «Đó là điềm lành chứng tỏ vua ta chẳng có tật bệnh chứ gì? Nếu người đau yếu, thì làm sao mở ra cuộc tấu nhạc cho được?»

Tỉ như nay vua mở ra cuộc săn bắn ở đây. Bá tánh nghe tiếng xe chạy, ngựa hí, cùng thấy những ngọn cờ hoa mỹ có kết lông chim và lông thú của nhà vua, gương mặt họ lộ vẻ vui sướng hớn hở. Họ bèn nói với nhau rằng: «Đó là điềm lành chứng tỏ vua ta chẳng có tật bệnh chứ gì? Nếu người đau yếu, thì làm sao mở ra cuộc săn bắn cho được? Bá tánh hoan nghênh vua chỉ vì việc này thôi: Vua cùng hưởng sự vui với dân. Hiện nay nếu vua với bá tánh cùng nhau vui hưởng sự khoái lạc, thì nền cai trị của vua có bề hưng vượng đó.» (Cf. Mạnh Tử, Đoàn Trung Còn I, 41, 43. Mạnh Tử, Lương Huệ Vương, chương cú hạ, 1.) Thế mới hay nhạc dạy hòa thuận, mà hòa thuận chính là phúc cùng hưởng, họa cùng chia vậy.

Nhạc là phản ảnh tình trạng đất nước

Cho nên nhạc là tấm gương phản ảnh lại nền hành chính, hoặc tình trạng hay dở trong dân, trong nước.

- Nước mạnh, thời nhạc hùng.

- Nước yếu, thời nhạc bạc nhược.

- Nước loạn ly, tang tóc, thời nhạc ai oán, sầu bi, hay là buông thả cho đoạn tháng qua ngày.

- Nước trị bình, thời nhạc yên vui, đầm ấm.

Lễ và Nhạc

Trần Trọng Kim bàn về tương quan giữa Lễ và Nhạc như sau:

«Lễ, Nhạc quan hệ đến luân lý, phong tục, và chính trị rất mật thiết lắm. Cho nên các Nho gia tìm cái căn nguyên ở trong đạo tự nhiên của trời đất, cho Lễ là cái trật tự của trời đất, Nhạc là cái điều hòa của trời đất. (Nhạc giả thiên địa chi hòa dã, Lễ giả thiên địa chi tự dã. - Lễ Ký, Nhạc Ký XIX). Lễ phân ra trật tự khác nhau, để cho vạn vật có thứ vị phân minh; Nhạc hợp đồng lại làm một, để người ta biết vạn vật tuy khác nhau nhưng cũng đồng một thể, cùng theo một lẽ điều hòa mà sinh hóa. Cho nên mới nói rằng:”Trời cao đất thấp, muôn vật khác nhau, cho nên mới nhân đó mà định ra Lễ chế, để phân tôn ti, trật tự. Trời đất và vạn vật lưu hành không nghỉ, rồi hội họp khí tính cho điều hòa, để hợp đức mà sinh dục, thế mới thành ra có Nhạc vậy.” (Thiên cao địa hạ, vạn vật tán thù, nhi lễ chế hành hỹ. Lưu nhi bất tức, hợp đồng nhi hóa, nhi Nhạc hưng yên. - Lễ Ký, Nhạc Ký XII)

«Tiên vương chế ra nhạc không phải là để làm cho cùng cực cái dục của miệng, bụng, tai, mắt, nhưng để khiến cho dân giữ lòng hiếu, ố cho vừa phải, mà sửa lại cái đạo làm người cho chính vậy. (Tiên vương chi dĩ chế Lễ Nhạc dã, phi dĩ cực khẩu, phúc, nhĩ, mục chi dục dã, tương giáo dân bình hiếu ố, nhi phản nhân đạo chi chính dã).» - Lễ Ký XIX. Cf. TTK, Nho giáo I, 146, 147)

Lễ, Nhạc, Hình, Chính

Lễ, Nhạc quan trọng như thế nên người xưa đã đem áp dụng vào nghệ thuật trị dân.

Người xưa trị dân dựa vào bốn phương pháp:

- Lễ

- Nhạc

- Hình

- Chính

+ Lễ qui định tôn ti, trật tự, xác định bổn phận của mọi tầng lớp trong xã hội, khiến cho mọi người kính trọng lẫn nhau, vẹn nhân, vẹn nghĩa.

+ Nhạc có mục đích làm cho con người trở nên thanh lịch, cao khiết, sống xứng đáng với danh nghĩa con người, sống trọn vẹn với huy hiệu con người, tạo nên tình thân ái, hòa thuận trong quốc gia, xã hội.

+ Hình có mục đích ngăn chặn mọi ảnh hưởng xấu xa, ác độc, làm cho con người tránh được những hiểm họa hư hỏng, băng đọa, phân tán, chia ly…

+ Chính có mục đích tổ chức đời sống xã hội cho có lý sự, đem lại no ấm, an bình, trật tự cho dân, giáo hóa dân, cải thiện dân, để mỗi ngày mỗi hơn, mỗi ngày mỗi tiến…

Khảo về lòng yêu âm nhạc của đức Khổng, ta thấy được ý nghĩa sâu xa của nhạc, ta hiểu được tầm kích của âm nhạc.

Chung qui, nhạc muốn cho hay, cốt là ở chỗ có tâm hồn cao khiết, biết rung cảm, biết truyền tâm, truyền thần, lồng tình lồng ý của mình vào vần thơ, tiếng nhạc, chứ nhạc không phải là ở chỗ khua chiêng, gióng trống, đánh mõ, đánh khánh. (LN, XVII, 11).

Muốn tạo nhạc, muốn tấu nhạc, con người cần phải có một tâm hồn cao khiết, vẹn toàn (LN, III, 3).

Nhạc vũ thực ra không phải là để thỏa mãn, để kích thích giác quan, kích thích tình dục, thị hiếu, mà nhạc là để điều hòa tình tiết; gạn đục, khơi trong tâm hồn, khiến cho tâm hồn ngày một nên cao khiết siêu vi. (Cf. Lễ Ký, Nhạc Ký XIX).

Nhạc có mục đích chính yếu là đem lại vui chung cho mọi người, thắt chặt tình đoàn kết, đem lại hòa thuận cho mọi tầng lớp nhân dân, chứ không phải là một sản phẩm của những người dư tiền, dư bạc; một công cụ giúp cho những cuộc ăn chơi, sa đọa, trác táng. (Cf. Mạnh Tử Lương Huệ Vương chương cú hạ, 1).

Xưa cũng như nay, Nhạc có mục đích có ý nghĩa của nó. Hiểu nhạc như vậy, sẽ giúp ta hiểu thêm về đức Khổng và quan niệm của Nho gia sau này về Nhạc và công dụng của Nhạc…

CHÚ THÍCH

[1] Tam bách ngũ thiên, Khổng Tử giai huyền ca chi, dĩ cầu hợp Thiều, Vũ, Nhã, Tụng chi âm. (Sử Ký Tư Mã Thiên, chương Khổng Tử thế gia.)


Mục lục | Phi lộ | chương 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13  14  15  16  17  18  19  20

Đính chính gia phả đức Khổng | Phụ lục | Sách tham khảo