CHÂN DUNG KHỔNG TỬ

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

Mục lục | Phi lộ | chương 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13  14  15  16  17  18  19  20

Đính chính gia phả đức Khổng | Phụ lục | Sách tham khảo


Chương 2

Bối cảnh lịch sử

 

 

A. Đồ biểu lịch sử 

ĐỜI

VUA

ĐÔ

TIỀN SỬ

Phục Hy, Thần Nông

Trần (Hoài), Khúc Phụ

CẬN SỬ 2686

Hoàng Đế

Trác Lộc

SỬ

2357-2255

2255-2205

Thời phong kiến

Nghiêu

Thuấn

 

Bình Dương

Bồ Bản

HẠ 17 vua, 439 năm

2205- 1766

Đại Võ (2205-2197)

Đế Kiệt (1818-1766)

An Ấp

THƯƠNG ÂN 28 vua, 644 năm, 1766-1122

Thành Thang (1766-1753)

Trụ (1154-1122)

Bạc

CHU 38 vua, 873 năm

Văn Vương (thụy phong)

Võ Vương (1122-1115)

Bình Vương (770-719)

 

Phong Cảo

Lạc Dương

Thế Xuân Thu: 722-481

Thế Chiến Quốc: 481-249

Khổng Tử: 551-479

Mạnh Tử: 372-289

Bị chú: Niên lịch đây là theo Thông Giám Cương Mục. Từ năm 827 trước Tây Lịch về trước sử Tàu còn có ghi theo niên lịch ghi trong Trúc Thư kỷ Niên. Sự sai biệt giữa hai niên lịch xê xích chừng vài chục năm. Trên đây chỉ ghi vua đầu và cuối đời. Thời Khổng Tử ứng vào cuối đời Hồng bàng, ứng vào các vua sau đây bên Nhật Bản: Thần Võ Thiên Hoàng (660- 585), Tuy Tĩnh Thiên Hoàng (581- 549), An Ninh Thiên Hoàng (548- 511), Ý Đức Thiên Hoàng (510- 477). (Xem Synchronisme chinois, Variétés sinologiques No24)

 

B. Ít dòng lịch sử

Thời Chu mạt là thời đế vương mạt vận, thời phong kiến vô kỷ cương.

Còn đâu thời oanh liệt của vua Nghiêu, vua Thuấn, tuy cũng phong kiến nhưng uy quyền đế vương còn tràn ngập thiên hạ, mỗi năm năm lại rầm rộ đi tuần thú thiên hạ; tới bốn ngọn núi lịch sử họp chư hầu bốn phương. Còn đâu cảnh huy hoàng trật tự thời Văn Vương, Võ Vương hùng cứ Kiểu kinh, giữa những sông sâu núi thẳm, để làm thế ỷ dốc, rồi lập thêm một đô ở Lạc Dương, triều kiến chư hầu; sai Bá Cầm con Chu Công sang trọng nhậm nước Lỗ để trấn áp miền duyên hải, như vươn hai caánh tay khổng lồ ôm ấp cả bình nguyên Trung Quốc vào trong. Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu! Nay chỉ còn thời Khuyển Nhung tàn phá Đế kinh (thời U Vương, 781- 770) để vua tôi nhà Chu lạc lõng dời đô về lạc Dương (thời Chu Bình Vương, 770- 719). Nay chỉ còn là thời các vua chư hầu lũng đoạn, xưng hùng xưng bá, mưu mô chém giết, giành giật chính quyền, là thời cá lớn nuốt cá bé, là thời mà các nước nhỏ chông chênh như trứng để đầu đẳng, thời mà chiến mã hí bên thành… Ta có thể mượn lời Kinh Thi mà mô tả thời kỳ đó bằng những lời thơ thắm thiết sau:

Chiến tranh như mưa bấc tuyết sa đem tê tái và hoang mang lại cho lòng người:

Vù vù gió bấc ghê thay,

Phay phay mưa tuyết, tuyết bay đầy trời

Ai ơi ai có yêu ai

Dắt nhau ta kiếm một nơi đi cùng

Còn gì là cái thung dung

Sự đời đã giục bên lòng xiết bao.

(Bội phong - Bắc phong)

(Bắc phong kỳ đê. Vũ tuyết kỳ phi. Huệ nhi hiếu ngã. Huề thủ đồng qui. Kỳ hư kỳ từ. Kỳ cức chỉ thư.) (Kinh Thi, Tản Đà, trang 132)

Bầu không khí chiến tranh bao trùm khắp nơi:

Trống đánh thùy thuỳnh

Gươm giáo tập tành

Những ai đắp đất xây thành

Xa nhà xa nước riêng mình sang Nam.

(Bội phong - Kích cổ)

(Kích cổ kỳ đường. Dũng dược dụng binh. Thổ quốc thành tào. Ngã độc nam hành.) (Kinh Thi, Tản Đà, trang 94)

Làm cho con dân đau lòng sinh ly tử biệt:

Tử sinh cách trở đôi nơi,

Cùng em anh đã nặng lời từ xưa.

Đôi ta những nguyện cùng già,

Cầm tay thủa ấy, bây giờ chưa quên.

Nhưng:

Cùng nhau thôi đã cách xa,

Sống đâu còn đến thân ta hỡi mình.

Thề xưa còn đó rành rành,

Nay thôi anh đã phụ tình cùng em.

(Bội phong - Kích cổ)

(Tử sinh khế khoát. Dữ tử thành thuyết. Chấp tử chi thủ. Dữ tử giai lão. Hu ta khoát hề. Bất ngã hoạt hề. Hu ta tuân hề. Bất ngã thân hề.) (Kinh Thi, Tản Đà, trang 96)

Những vua nước nhỏ, cũng có khi nước nhà tan tác, cùng bọn vong thần vất vưởng nước người, đến nỗi:

Áo cừu đã rách tả tơi,

Bánh xe nào phải không rời sang Đông.

Ai ơi chẳng giúp nhau cùng,

Tủi thân hèn mọn, đau lòng lưu ly.

Ai ơi, ai chỉ cười khì.

(Bội phong - Mao khâu)

(Hồ cừu mông nhung. Phỉ xa bất đông. Thúc hề bá hề. Mỹ sở dữ đồng. Tỏa hề vỹ hề. Lưu ly chi tử. Thúc hề bá hề. Rứu như xung nhĩ.) (Kinh Thi, Tản Đà, trang 119- 120)

Dân thì đói khổ nghèo túng, cái nghèo túng đó được mô tả trong bài Xuất tự Bắc môn:

Từ trong cửa Bắc bước ra,

Lòng ta trăm mối, cho ta ngậm ngùi.

Phận sao nghèo khổ suốt đời,

Nỗi ta ta biết, ai người biết ta.

Đành thôi còn nói chi mà,

Trời kia bảo vậy, biết là làm sao?

(Bội phong - Bắc môn)

(Xuất tự bắc môn. Ưu tâm ân ân. Chung lũ thả bần. Mạc tri ngã gian. Dĩ yên tai. Thiên thực vi chi. Vị chi hà tai.) (Kinh Thi, Tản Đà, trang 129- 130)

Nghiên cứu tỉ mỉ hơn ta thấy tình hình Xuân Thu, Chu mạt tổng quát như sau:

1- CHU

- Linh Vương (571-545)

- Cảnh Vương (544-520)

- Điệu Vương (519)

- Kính Vương (519-476)

2- LỖ

- Tương Công (572-542)

- Chiêu Công (541-510)

- Định Công (509-495) (LN III, 19. - XII, 15)

- Ai Công (494-468) (LN II, 19 - III, 21 - VI, 2 - XII, 9 - Trung Dung XX)

3- VỆ

- Linh Công (534-493) (LN XV, 1)

- Xuất Công (492-480) (Hiếu Công)

4- TỀ

- Trang Công (553-548)

- Cảnh Công (547-490) (LN XII, 11 - XVI, 12 - XVIII, 3)

- Án Nhụ Tử (489)

- Điệu Công (488-485)

- Giản Công (484-481) (LN XIV, 22)

- Bình Công (480-456)

5- SỞ

- Khang Vương (559-545)

- Hùng Quân (544-541)

- Linh Vương (540-529)

- Bình Vương (528-516)

- Chiêu Vương (515-489)

6- TỐNG

- Bình Công (575-532)

- Nguyên Công (531-517)

- Cảnh Công (516-453)

7- NGÔ

- Hạp Lư (514-496)

- Phù Sai (495-473)

8- VIỆT

- Câu Tiễn (498-465) (Câu Tiễn diệt Phù Sai và Ngô năm 473)

9- TRỊNH

- Giản Công (565-530)

- Định Công (529-514)

- Hiến Công (513-501)

- Thanh Công (500-463)

10- TẤN

- Bình Công (557-532)

- Chiêu Công (531-526)

- Khoảnh Công (525-512)

- Định Công (511-475)

Ngoài ra còn các nước nhỏ như Trần, Thái, Tào, Triệu, Ngụy, Hàn, Đằng, Tiết, Hứa, Kỷ, Cử, Trâu, v.v…

Đây là những đoạn trong Tứ Thư có liên lạc đến những nước kể trên;

1- Đằng: MT, II, 13; V, 1; V, 2, 3; XIV, 30.

2- Kỷ: Trung Dung XXVIII.

3- Lỗ: Luận Ngữ: VI, 3, 22; VII, 16; XIII, 7; XIII, 13; XIV, 15, 38.

            Mạnh Tử: II, 12, 16; IV, 7; IV, 10; XII, 8, 13.

4- Ngụy: MT: I, 1- 4.

5- Sở: LN: XVIII, 5, 6, 7. MT: V, 1; ĐH: X.

6- Tần: Luận Ngữ: XIV, 12; XIX, 12.

7- Tào: MT: XII, 2.

8- Tề: Luận Ngữ VI, 3, 22; XIV, 17, 18; XIV, 22, 41; XVII, 9. MT: I, 7; II 1- 7, 10- 11; IV, 12- 14; VII, 7; VIII, 3, 27, 32, 33; XI, 8- 9; XII, 6; XIII, 33- 39; XIV, 14, 23, 25, 29.

9- Tiết: MT: IV, 3.

10- Tống: LN VII, 22; MT IV, 3; VI, 8; TD, XXVIII.

11- Thái: LN XI, 2.

12- Trần: LN VIII, 30; XI, 2; XV, 2.

13- Trịnh: LN XIV, 10; MT VIII, 2.

14- Vệ: LN: VI, 26; VII, 14; IX, 15; XI, 22; XIII, 7, 8, 9; XIV, 14, 19, 20, 26, 42; XV, 1, 6; XIX, 22.

15- Yên: MT IV, 3.

16- Trâu: MT II, 12; V, 2; XII, 5.

Trong Luận Ngữ ta thấy đề cập đến những nước nhỏ, thành nhỏ, như:

Khuông (LN, IX) (Khuông ở giữa nước Trịnh và Tống) (LN XI, 22).

Diệp (LN XIII, 16, 18) (Diệp giữa Thái và Sở và thuộc Sở).

Phí (LN VI, 7; XVII, 5) (Phí thuộc Lỗ).

Trung Mâu (LN XVII, 7) (Trung Mâu thuộc Tấn).

Trong Khổng Tử thế gia còn nói đến đất Bồ (phía Tây nước Vệ), nơi mà Khổng Tử bị dân chúng ngăn không cho đến nước Vệ, may nhờ có Công Lương Nhụ liều chết điều khiển năm cỗ xe chiến đấu với dân Bồ sau mới thoát.

Chúng ta còn có thể có những nhận định sau về thời Xuân Thu:

1- Thế lực Chu triều đã hết sức suy giảm. Thời đức Khổng ta thấy có bốn vua kế tiếp:

- Linh Vương (571-545)

- Cảnh Vương (544-520)

- Điệu Vương (519)

- Kính Vương (519-476)

Năm 518, có loạn Vương Tử Triều. Kính Vương chịu mất kinh đô, lui về Thành Chu (Hạ Chu) 30 dặm, phía đông huyện Lạc Dương (Hà Nam).

Năm 516, sau khi đã đánh đuổi được Vương Tử Triều, Kính Vương mới trở về được cố đô. Dẫu sao, Vương Tử Triều cũng đã thoán vị và xưng vương được một thời gian. (Cf. Variétés sinologiques No24, Synchronismes chinois par Mathieu Tchang SJ, nơi năm Quý Mùi 518.)

2- Các nước chư hầu xích mích, tranh chấp với nhau, nên thường có những trận giao binh:

Ví dụ: Tấn Sở tranh chấp về cương giới (xem Sử Ký Tư Mã Thiên, chương Khổng Tử thế gia).

Ngô đánh Trần.

Sở cứu Trần đánh Ngô.

Tề đánh nhau với Lỗ (LN VI, 13) (Ai Công 2) (năm 484).

Ngô đánh nhau với Việt (xem Sử Ký Tư Mã Thiên, chương Khổng Tử thế gia).

Thời đức Khổng chính là thời Ngô, Việt tranh nhau, là thời Hạp Lư (514-496), Phù Sai (495-473) và Câu Tiễn (498-465).

3- Nước Sở ở phía nam xa xôi hiểm trở, nên các vua đều xưng vương:

- Khang Vương (559-545)

- Hùng Quân (544-541)

- Linh Vương (540-529)

- Bình Vương (528-516)

- Chiêu Vương (515-489)

- Huệ Vương (488-436)

4- Nước nọ đôi khi bị nước kia tiêu diệt:

Trần bị Sở thôn tính năm 478 (xem Synchronismes chinois nơi các năm kể trên).

Tiết bị tàn vong vào năm 480.

Ngô bị tàn vong vào năm 473.

5- Các nước chư hầu không còn thần phục quyền nhà Chu như xưa.

Ngược lại, các vua chư hầu lại thường bị quyền thần nắm quyền.

Ví dụ nước Lỗ, trong các đời vua Tuyên Công, Thành Công, Tương Công, Chiêu Công, Định Công bị ba họ Quí, Mạnh, Thúc lấn quyền. Ba họ này thoạt kỳ thủy là ba con vợ lẽ của Hoàn Công nước Lỗ (711- 699). Ba họ Mạnh, Quí, Thúc còn được gọi là Mạnh Tôn, Quí Tôn hay Trọng Tôn, và Thúc Tôn. (xem Legge, The Chinese Classics, T 1, p. 147 notes; xem Luận Ngữ Đoàn Trung Còn, các trang 261, 31, v.v…; xem Đông Chu Liệt Quốc Võ Minh Trí dịch, trang 932; xem Sử Ký Tư Mã Thiên, chương Khổng Tử thế gia).

Nổi bật nhất là họ Quí với những:

- Quí Võ Tử (Quí Tôn Túc)

- Quí Bình Tử (Quí Tôn Ý Như)

- Quí Hoàn Tử (Quí Tôn Tư)

- Quí Khang Tử (Quí Tôn Phi) (LN II, 20; III, 1, 6; VI, 7; XI, 6; XII, 16- 18)

Rồi học mạnh với:

- Mạnh Ly Tử (Sử Ký Tư Mã Thiên, chương Khổng Tử thế gia)

- Mạnh Ý Tử (Mạnh Tôn Vô Kỵ: LN II, 5)

- Mạnh Võ Bá (LN II, 6; V, 7)

- Mạnh Trang Tử.

Họ Thúc với:

- Thúc Tôn Châu Cừu (xem Đông Chu Liệt Quốc Võ Minh Trí dịch, trang 932)

- Thúc Tôn Võ Thúc (LN XIX, 23)

Mội nhà quyền thần đều có thành, có ấp riêng; giao cho gia thần cai trị (thời ấy gọi là quan Tể):

- Họ Mạnh có ấp Thành, do Liễm Dương cai trị.

- Họ Thúc có ấp Hậu, do Nhược Diếu cai trị.

- Họ Quí có ấp Phí, giao cho Quí Sơn Phất Nhiễu (Quí Sơn Bất Nựu) và Dương Hổ cai trị. (xem Đông Chu Liệt Quốc Võ Minh Trí dịch, trang 922).

Ở nước Tấn thì có ba nhà Triệu (Triệu Ưởng), Ngụy, Hàn (LN XIV, 12) chuyên quyền…

Những quan đại phu lắm lúc coi mình như vua: Ngang nhiên lấy tiền thuế vua cho vào kho mình (LN XVI, 3), dùng lễ nhạc nhà Chu (LN III, 1, 2, 6).

Ngược lại, đại phu lại bị gia thần lũng đoạn. Đó là trường hợp Dương Hổ, gia thần của Quí Hoàn Tử. Dương Hổ đã có lần cùng Công Tôn Phất Nhiễu bắt giam Quí Hoàn Tử (xem LN XXII, 1, 5; Khổng Tử thế gia, năm Khổng Tử 50 tuổi, tức Định Công bát niên.)

6- Đời Xuân Thu, trong khoảng đời đức Khổng, nhìn vào liệt quốc, ta thấy những bộ mặt quen thuộc sau đây:

- Tề Cảnh Công với hai trung thần là thừa tướng Yến Anh (Yến Bình Trọng hay Yến Tử) và thượng tướng Điền Nhương Thư.

- Vệ Linh Công với bà vợ đa tình là Nam Tử, một mỹ nhân mà trước khi về với Vệ Linh Công đã từng dan díu duyên tơ với Công Tử Triều, một thanh niên nổi tiếng mỹ mạo ở nước Tống (LN VI, 14); với sủng thần xinh trai là Di Tử Hà; với những quan đại phu hóm hỉnh như Vương Tôn Giả (LN III, 13), trung trực như quan sử Ngư (LN XV, 6), quân tử như Cừ Bá Ngọc (LN XV, 6; XIV, 20).

- Trịnh Định Công với thừa tướng Tử Sản (Công Tôn Kiều), một người nổi tiếng là bác học (LN XIV, 10, 9).

- Sở Chiêu Vương với quan đại phu là Tử Tây (LN XIV, 10).

- Hạp Lư và Phù Sai với những Ngũ Tử Tư, Tôn Võ, Tây Thi.

- Câu Tiễn với Phạm Lãi, Văn Chủng.

Ta cũng không nên quên những nhân vật như Lão Tử ở Đông Chu; Sư Quyến thày đàn nước Vệ; Sư Quáng, thày đàn nước Tấn. (xem Đông Chu, hồi 68).

7- Thời Chu mạt là thời luân thường đảo lộn, vua chẳng ra vua, tôi chẳng ra tôi, cha chẳng ra cah, con chẳng ra con, anh em chẳng ra anh em.

- Vua chúa thời nghĩ chuyện ăn chơi, hưởng thụ, hoặc chinh phạt lẫn nhau để tranh bá đồ vương, ưa xây cung cất điện, xây thành xây quách, hơn là xây dựng đạo lý, nhân luân.

- Tấn Bình Công xây cung Tê Kỳ ở gần Khúc Ốc (xem Đông Chu, trang 811).

- Sở Linh Vương xây cung Hoa Chương và cung Tế Yêu, rong chơi hưởng thụ cùng những mỹ nữ lưng ong thắt đáy. (xem Đông Chu, trang 811).

- Phù Sai xây Cô Tô đài để thơ mộng với Tây Thi. (xem Đông Chu, trang 960).

- Cha lấy tranh vợ con: như Bình Vương nước Sở lấy tranh nàng Mạnh Doanh, cô con dâu mà ông cưới về cho con là thái tử Kiến. (xem Đông Chu, trang 852).

- Con muốn giết mẹ: Thái tử Khoái Hội nước Vệ toan ám sát mẹ là nàng Nam Tử, vì dan díu với công tử Triều nước Tống.

- Cha con cự địch lẫn nhau để tranh cướp ngôi báu: công tử Triếp tức là Vệ Xuất Công cực địch với cha là Khoái Hội tức là Vệ Trang Công sau này. Vụ tranh chấp này làm cho Tử Lộ chết bất đắc kỳ tử. (xem Đông Chu, trang 977- 978).

- Anh em giết chóc lẫn nhau: Hoàn Công nước Tề giết em là công tử Củ (LN XIV, 18). Hạp Lư nước Ngô, nhờ tay Chuyên Chư, tặng anh mình là Vương Liêu một nhát gươm chủy thủ vào lưng.

- Thần dân rước voi về dầy mồ: như Ngũ Tử Tư, vì báo thù cha, đã đem binh Ngô về đánh tan nát nước Sở là quê hương của mình. (xem Đông Chu, trang 900- 908).

- Bày tôi đánh đuổi vua: Ba họ Quí, Mạnh, Thúc hợp nhau đánh đuổi Lỗ Chiêu Công, làm cho Lỗ Chiêu Công phải lưu vong sang đất Kiền Hầu nước Tề cho đến chết. (xem Khổng Tử thế gia, năm Khổng Tử 35 tuổi).

- Bày tôi giết vua: Thôi Tử giết Tề Trang Công (553- 548) (LN XIV, 22); Trần Thành Tử giết Tề Giản Công (484- 481) (LN XIV, 22); Công Tôn Phiên bắn chết Thái Chiêu Công (518- 491) (xem Khổng Tử thế gia, năm Khổng Tử 61 tuổi).

Có thể nói được rằng thời Xuân Thu, Chu mạt, người ta không còn biết con người sinh ra đời để làm gì, và cũng chẳng còn tôn trọng sinh mạng con người. Người ta giết nhau như bỡn, tự tử như chơi.

Ông lái đò, cũng như cô gái sông Lô, đã tự tử vì cái khí tiết không đâu, sau khi đã giúp Ngũ Tử Tư qua sông, hay đã biếu Tử Tư một nắm cơm. Mạc Gia cam tâm nhảy vào lò để đúc nên đôi kiếm Can Tương, Mạc Gia. (xem Đông Chu, trang 884).

Sừ Sư tham vàng, giết hai con lấy huyết bôi vào sắt, để đúc hai vòng kim câu dâng cho Hạp Lư (xem Đông Chu, trang 885)…

Giữa thời buổi nhiễu nhương, tao loạn, cương thường điên đảo ấy, đức Khổng ra đời, đem đuốc chân lý soi cho nhân thế…

 


Mục lục | Phi lộ | chương 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13  14  15  16  17  18  19  20

Đính chính gia phả đức Khổng | Phụ lục | Sách tham khảo