CHÂN DUNG KHỔNG TỬ

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

Mục lục | Phi lộ | chương 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13  14  15  16  17  18  19  20

Đính chính gia phả đức Khổng | Phụ lục | Sách tham khảo


Chương 20

Đức Khổng có ích lợi gì cho chúng ta?

 

 

Trong 19 chương trên chúng ta đã tìm hiểu về đức Khổng một cách khá công phu, và đã phác họa ra được một chân dung Khổng Phu Tử khá chính xác.

Nhưng với 2500 năm xa cách trong thời gian, với mấy nghìn dặm xa cách trong không gian, hỏi rằng chúng ta khảo về đức Khổng, tìm hiểu về đức Khổng, còn có mang lại cho chúng ta lợi ích gì thiết thực không ? Đó mới là điều chính yếu, đó mới là điều quan thiết đối với chúng ta.

Ích lợi? Dĩ nhiên chúng ta đã thâu lượm được rất nhiều ích lợi.

1- Trước hết, chúng ta thấy ngay người xưa, người nay, tuy sống trong những hoàn cảnh khác nhau, nhưng tâm tư nguyện vọng nào có khác chi nhau.

Mọi người đều muốn vươn lên, muốn tạo dựng cho mình, cho nhân quần một đời sống xứng đáng hơn, hoàn hảo hơn.

Đức Khổng hơn ta ở chỗ đã vạch ra được con đường, đã tìm ra được những qui luật chi phối sự tiến hóa con người về tinh thần cũng như về vật chất, về cá nhân cũng như về gia đình, quốc gia, xã hội.

Chúng ta tuy không tìm ra được những định luật ấy, nhưng ta đã chấp nhận chúng là hay, là phải; như vậy là chúng ta đã thông cảm, đã chia xẻ được tâm tư và nguyện vọng của tiền nhân rồi.

2- Khảo sát về cuộc đời đức Khổng, chúng ta đã đi sâu vào tâm khảm con người, đã tìm được vào cõi «vô thức đại đồng», vào tới căn cơ, bản tính con người. Thế là chúng ta đã biết mình cho thấu triệt, tức là biết Trời, biết vũ trụ, như Mạnh Tử đã nói trong chương Tận Tâm hạ, và như các hiền triết Hi Lạp xưa đã chủ trương.

3- Chúng ta đã học được ở nơi đức Khổng một bài học nhân sinh rất quí báu, là phải cố gắng mới nên công; có nỗ lực nhiều, có nỗ lực liên tục, thì mới gặt hái được những thành quả tốt đẹp.

4- Hơn nữa, chúng ta đã sinh ra làm người, sống ở trên đời, có cả vũ trụ bao la làm môi trường hoạt động, có cả nhân quần muôn nơi, có cả nhân quân muôn nơi, muôn đời hỗ trợ về tinh thần và về vật chất, chúng ta không thể ăn xổi ở thì, gặp chăng hay chớ, mà phải lo thực hiện lý tưởng, thực hiện chân, thiện, mỹ.

Cụ Phan Sào Nam quả thật đã hiểu được thâm ý của đức Khổng khi lập giáo, là muốn cho mọi người tiến tới hoàn thiện, vì thế cụ đã viết trong «Phàm Lệ» ở đầu bộ Khổng Học Đăng như sau:

«Hễ ai đọc bản sách này, trước phải lập định một cách tự nhiên rằng: “Ta là Khổng Tử, ta là Mạnh Tử, ta là Bá-Lạp-Đồ (Platon), ta là Khang-Đức (Kant), chẳng qua đời tuy có xưa nay, đất tuy có Đông Tây, mà tâm lý in như nhau, thánh hiền tức là ta, ta tức là thánh hiền, ta chỉ là người hậu tiến của cổ nhân mà thôi.”» (Khổng Học Đăng I, Phàm Lệ, trang 10.)

5- Ta cũng học được no7i đức Khổng bài học «vụ bản». Đã sinh ra làm người, phải tìm ra tông tích, căn nguyên của mình, mà tông tích, căn nguyên của mình chính là Trời. Vì thế Trung Dung mới viết:

«Biết người trước phải biết Trời,

Hiểu Trời chẳng nổi, hiểu người làm sao?»

(Tư tri nhân, bất khả dĩ bất tri thiên.) (Trung Dung chương XX)

6- Đức Khổng cũng dạy ta phải sống theo định luật tự nhiên, vì chỉ có định luật tự nhiên mới là những định luật thiên nhiên chí công chí chính, vĩnh cửu phổ quát, đem lại giá trị tự do và hạnh phúc thật sự cho con người.

7- Đức Khổng cũng dạy chúng ta phải sống một cuộc đời linh động uyển chuyển.

Ngài đã viết trong Văn Ngôn quẻ Kiền như sau:

«Đại nhân đức hạnh bao la,

Như Trời, như Đất cao xa muôn trùng.

Sáng như Nhật Nguyệt hai vừng,

Sống đời tiết tấu, hợp khung bốn mùa.

Những điều lành, dữ, ghét, ưa,

Quỷ thần đường lối đem so khác nào.

Trước Trời, Trời chẳng trách đâu,

Sau Trời, cho hợp cơ mầu thời gian.»

8- Hơn nữa Ngài cũng muốn chúng ta trở thành những thi nhân, những con người luôn sống với những tư tưởng đẹp, những tâm tình đẹp, những con người biết khám phá ra và biết thưởng thức những vẻ đẹp của trời đất, của hoàn cảnh vật chất, của đời sống thường nhật.

9- Ngài cũng đã muốn cho chúng ta biết sống hòa đồng với nhịp sống của vũ trụ, của thời gian lịch sử; biết hòa điệu theo đúng tiết tấu của hoàn cảnh, đúng tâm tình của tha nhân, của đồng loại, để con người chúng ta thành cây đàn muôn điệu, có thể hòa tấu được với khúc đại nhạc vũ trụ, nhân quần.

10- Học cách thức giảng giáo của đức Khổng, ta thấy chúng ta cần phải phát huy mọi tài năng của tâm thần, trí tuệ chúng ta. Học để trở thành những con người siêu việt, chứ không phải trở thành bộ tự điển hay con mọt sách.

11- Qua những quan điểm của Ngài về lịch sử, chúng ta thấy rằng chúng ta chính là những người phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự hưng vong của tổ quốc, về sự suy thịnh hay trị loạn của đất nước. Nếu chúng ta đều theo chính nghĩa, chính lý, nếu mọi người biết khoan dung, biết đoàn kết, biết hợp tác chặt chẽ với nhau, thì tự nhiên an bình thái thịnh sẽ đến; bằng không thời ly loạn thống khổ sẽ luôn luôn gieo rắc đau thương tang tóc cho con người. Vì vậy, muốn thực hiện an bình thịnh trị cho đất nước, mọi người đều phải lo tu thân, lo cải thiện tâm hồn mình, lo trau giồi nghề nghiệp mình, lo đoàn kết thương yêu nhau, chỉ đường dẫn lối cho nhau, thay vì lo cầu đảo khấn vái, cầu phúc nhương tai.

12- Đức Khổng cũng dạy chúng ta những bài học trị dân trị nước hết sức khôn ngoan.

Muốn trị dân, trước hết người lãnh đạo phải có tài, có đức, phải sành tâm lý, biết dùng người hay, bỏ kẻ dở; biết khai thác tiềm năng tiềm lực của thiên nhiên, của ngoại cảnh, đất đai thào mộc; biết khai thác tài năng con người, để đem no ấm thịnh vượng lại cho lê thứ. Người lãnh đạo phải thương dân như con, lo nuôi dân, dạy dân, và luôn theo ý muốn của dân. Người cầm đầu nước phải hòa mình với dân, coi mình với dân như cùng một xương thịt, một thân thể, như vậy mới là «dân chi phụ mẫu».

13- Đức Khổng không những dạy chúng ta:

a/ Địa đạo: Cải thiện hoàn cảnh vật chất, chu toàn đời sống vật chất con người

b/ Nhân đạo: Ăn ở cho xứng đáng với danh nghĩa con người, đối đãi với nhau cho hợp tình, hợp lý, cho có nghĩa có tình.

Ngài còn dạy chúng ta:

c/ Thiên đạo: Tiến tới hoàn thiện, sống hồn nhiên, phối kết với Thượng Đế.

Tuy nhiên đối với những điều cao siêu ảo diệu, đức Khổng chỉ đề cập đến một cách hết sức vắn tắt, hết sức hàm súc, nhiều khi chỉ đặt vấn đề mà không giảng giải cho tỉ mỉ.

Đó là phương pháp «cử nhất ngung» để chúng ta «dĩ tam ngung phản» (LN, VII, 8); Ngài chỉ nói lên một khía cạnh, mà khiến chúng ta phải tìm cho ra các khía cạnh khác.

Vì vậy, đọc Tứ Thư, Ngũ Kinh, cần phải miệng đọc tâm suy; chẳng vậy chúng ta sẽ không lĩnh hội được những điều cao siêu ảo diệu.

Phác họa lại chân dung đức Khổng, làm nổi bật lên những nét chính yếu của tâm tư Ngài, của học thuyết Ngài, là mong muốn chúng ta thâu thái được tinh hoa muôn thủa của nhân loại.

Chúng ta hãy cố mà súc tích, mà thâu lượm lấy tinh hoa đó, để đem thực thi, áp dụng vào cuộc đời mình, những cái hay cái đẹp ở nơi đức Khổng, ở nơi học thuyết Ngài.

Chẳng lẽ sau khi đã đi dạo chơi, sau khi đã thưởng ngoạn trong một cảnh vườn đầy hoa thơm cỏ lạ như vậy, mà khi ra về ta lại chẳng giữ được một chút dư hương, một kỷ niệm đẹp đẽ hay sao.

Hơn thế nữa, chính đức Khổng cũng đã nói: «Đương nhân bất nhượng ư sư.» (LN, XV, 34); cho nên về phương diện nhân đức, về phương diện hoàn thiện, ta chẳng cần nhường nhịn các vị sư biểu, trái lại ta phải chạy đua với các Ngài, phải theo kịp các Ngài.

Nhan Hồi xưa nói: «Thuấn là ai? Ta là ai? Nếu ta cố gắng, ta cũng sánh vai được với Thuấn vậy!» (Mạnh Tử, Đằng Văn Công thượng 1).

Lời đó thật chí lý, và đáng cho chúng ta suy nghĩ, sau khi đã đọc xong những chương sách này…

Viết xong ngày 1 tháng 5 năm 1970.


Mục lục | Phi lộ | chương 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13  14  15  16  17  18  19  20

Đính chính gia phả đức Khổng | Phụ lục | Sách tham khảo