CHÂN DUNG KHỔNG TỬ
Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ
Mục
lục | Phi lộ | chương
1 2
3 4
5 6
7 8
9 10
11 12
13 14
15 16
17
18 19
20
Đính chính gia phả đức Khổng | Phụ
lục | Sách tham khảo
Chương 18
Đức Khổng, vị
thánh nhân chân thực
A. VÌ KHIÊM CUNG, ĐỨC
KHỔNG KHÔNG BAO GIỜ TRỰC TIẾP XƯNG MÌNH LÀ THÁNH NHÂN
Người Á Đông vốn dĩ trọng sự khiêm tốn và
tế nhị, nên không bao giờ đề cao mình.
Ngay đến vua chúa cũng xưng mình là Quả
Nhân, là Cô Gia, chứ đừng nói chi đến thường dân.
Những chữ «bỉ nhân», «bần đạo», «ti chức»,
v.v… là những tiếng nói rất thông thường và toàn là ngụ ý tự ti, tự hạ.
Đó là chủ trương:
«Hữu xạ tự nhiên hương,
Hà tất đương phong lập.»
Tạm dịch:
«Có xạ thời tất có hương,
Cần chi đầu gió, phô trương với người.»
Đức Khổng vì thế không bao giờ lớn tiếng
xưng mình là «thánh nhân».
Ngài nói: «Như làm bậc thánh với bậc nhân
thời ta chẳng dám! Nhưng làm mà không chán, dạy người mà không mỏi, ta
chỉ có thể gọi được như vậy mà thôi.» (LN, VII, 33).
Đó cũng là đường lối sau này Mạnh Tử đã
theo: Khi Công Tôn Sửu muốn xưng tụng Mạnh Tử là một vị thánh nhân thì
Mạnh Tử liền gạt đi và lảng sang chuyện khác. (Mạnh Tử, Công Tôn Sửu
thượng 2).
B. NHƯNG NGAY TỪ KHI
NGÀI CÒN SINH TIỀN, CÁC MÔN ĐỆ NGÀI ĐÃ XƯNG TỤNG NGÀI LÀ THÁNH NHÂN
Có một vị quan thái tể hỏi Tử Cống: «Đức
Phu Tử có phải là thánh chăng? Sao Ngài có nhiều tài quá vậy?»
Ông Tử Cống đáp rằng: «Ấy vì Trời rộng rãi
với Ngài đó. Chẳng những Ngài là thánh, Ngài còn có nhiều tài.» (LN, IX,
6).
Tử Cống hỏi đức Khổng: «Thầy là thánh rồi
chứ gì?» Đức Khổng đáp: «Ta chẳng dám nhận là Thánh! Nhưng làm lành, học
đạo mà không chán, dạy đời mà không mệt, ta chỉ được như vậy thôi.» Ông
Tử Cống thưa rằng: «Làm lành, học đạo mà không chán, tức là trí; dạy đời
mà không mệt, tức là nhân. Có đủ nhân và trí, Thầy quả là Thánh rồi.»
(Mạnh Tử, Công Tôn Sửu thượng 2).
Hữu Nhược cho rằng thánh nhân là người
siêu quần bạt tụy; mà theo ông thì từ khi có nhân loại đến thời đức
Khổng, chưa có ai vượt trổi hơn đức Khổng. (Mạnh Tử, Công Tôn Sửu thượng
2).
Sách Vựng Uyển có chép:
Tề Cảnh Công hỏi Tử Cống: «Khổng Tử có
phải là hiền nhân không ?» Tử Cống đáp: «Ngài là một vị thánh nhân.» Tề
Cảnh Công hỏi: «Sự thánh thiện của Ngài ra sao?» Tử Cống đáp: «Tôi không
biết.» Tề Cảnh Công biến sắc nói: «Mới đầu thời ông nói Khổng Tử là
thánh nhân, nay lại nói không biết. Thế là thế nào ?» Tử Cống đáp: «Tứ
này suốt đời đội trời mà không biết trời cao bao nhiêu; suốt đời đạp đất
mà không biết đất dầy bao nhiêu. Tứ này theo Ngài Phu Tử, cũng y như kẻ
khát nước đem gáo, đem bình ra sông, ra bể, để múc nước uống. Uống no
bụng rồi đi, mà chẳng biết sông, biển, sâu là bao nhiêu.» (Xem Uyên Giám
Loại Hàm, quyển IV, trang 4672, mục chữ Thánh).
C. NHƯNG NHIỀU HỌC GIẢ
ÂU CHÂU CHỈ GỌI ĐỨC KHỔNG LÀ HIỀN NHÂN, CHỨ KHÔNG CHỊU GỌI NGÀI LÀ THÁNH
NHÂN
Nơi trang 458, quyển Lễ Ký II, Séraphin
Couvreur chủ trương đại khái rằng:
1- Không thể dùng chữ Saint, chữ Sanctus
của Công giáo mà dịch chữ Thánh, chữ Thánh nhân của Tứ Thư, Ngũ Kinh.
2- Thánh nhân phải là những người được
Chúa Thánh Thần ban ơn thánh sủng, cho nên thánh nhân Trung Hoa không
thể như thánh nhân Công giáo, v.v…
Vì thế mà Séraphin Couvreur dịch chữ Thánh
nhân bằng chữ Le Sage hay Le Sage de premier ordre; chữ Chí Thánh bằng
chữ Le Sage par excellence, v.v… James Legge cũng theo đường lối ấy.
D. QUAN NIỆM THÁNH NHÂN
CỦA ĐÔNG TÂY
Như vậy muốn biết thế nào là thánh nhân,
ta sẽ khảo sát quan niệm của cả Đông lẫn Tây. Ta sẽ lần lượt trình bày
quan niệm về thánh nhân của:
1- Công giáo
2- Tứ Thư, Ngũ Kinh.
3- Chu Hi.
4- Chư Nho.
1. Quan niệm về thánh
nhân của Công giáo
Jacques Douillet, năm 1960 mới
đây, có viết quyển: Qu’est-ce qu’un Saint (Thế nào là một vị
thánh nhân) do nhà sách Arthème Fayard phát hành. Trong sách này, ông
đưa ra quan niệm về thánh nhân theo Công giáo. Ta có thể tóm tắt vài
điểm chính như sau:
a/ Nói đến thánh thiện, tức là lấy Thượng
Đế làm tiêu chuẩn và chủ chốt. (Il n’y a pas de sainteté sans référence
à Dieu. - p. 65)
b/ Thánh thiện là hoàn thiện. (Sainteté
serait alors synomyme de perfection morale. - p. 14)
c/ Thánh nhân là những người chế ngự được
nhân dục. (Ib. p. 12 - Xem thêm Col. 3, 5-7. - I Cor. 6, 9-11).
d/ Hiền nhân là những người trau chuốt tâm
thần mình; còn thánh nhân là những người quên mình vì Chúa. (Le sage a
son attention concentrée sur lui-même, il travaille à sculpter sa propre
nature, tandis que le Saint s’oublie lui-même pour ne penser qu’à Dieu.
- p. 65).
e/ Từ năm 1534 trở về sau, chỉ có Giáo hội
mới được phong chuẩn thánh nhân. Năm 1634, Giáo Hoàng Urbain VIII ra sắc
chỉ chấp nhận tất cả những vĩ mà dân chúng coi là Thánh, trước năm 1534.
(Ib. pp 84, 85, 92…)
f/ Những người tuẫn tiết vì đạo, đều được
coi là thánh, nhất là những người được ghi trong Tuẫn Tiết Lục
(Martyrologue) của thánh Jérôme (thế kỷ thứ V), của Bède (thế kỷ IX),
của giáo mục Adon (thế kỷ XI), của Usuard (thế kỷ IX), hay Tuẫn Tiết Lục
của thánh Giáo Hội La Mã (thế kỷ XV) (Martyrologue de la Sainte Eglise
romaine). (Ib. pp 90, 91)
2. Quan niệm về thánh
nhân theo Tứ Thư, Ngũ Kinh
Trong cuộc đối thoại với Hạo Sinh Bất Hại,
Mạnh Tử đã định nghĩa và định vị trí của thánh nhân như sau:
… Hạo Sinh Bất Hại người nước Tề hỏi Mạnh
Tử: «Nhạc Chính Tử là người thế nào ?» Mạnh Tử đáp: «Là người thiện và
tín.» Hạo Sinh Bất Hại hỏi tiếp: «Sao gọi là thiện? Sao gọi là tín?»
Mạnh Tử giải: «Người mà hành vi, nhân phẩm đáng yêu, đáng kính gọi là
Thiện. Người làm theo lương tâm và bản tính, không cưỡng ép, không giả
trá, gọi là Tín. Người mà lòng thiện phát lộ ra thân thể và mỗi cử động
đều hợp với ý lành, gọi là Mỹ. Người có mỹ đức đầy đủ và làm nên sự
nghiệp, khiến cho cái mỹ đức mình chói lói trên đời, gọi là Đại. Đã là
bực đại nhân, lại đứng ra hoằng hóa cho đời, khiến cho thiên hạ đều quay
về nẻo thiện, gọi là Thánh. Đã là bực Thánh, cảm hóa cho đời, thế mà sở
hành và trí huệ mình chẳng ai ức đạc được, biến hóa vô tận, thông với
trời đất, gõi là Thần…
«Trong 6 bậc đó, Nhạc Chính Tử dự vào hai
bậc thấp, còn 4 bậc kia thì ngoài sức của người vậy.» (Mạnh Tử, Tận Tâm
chương cú hạ, 24).
Như vậy, theo định nghĩa của Mạnh Tử thì
thánh nhân thực là hi hữu, ngàn năm một thuở.
Hữu Nhược nói:
«… Người năm bảy đấng,
Kìa kỳ lân vẫn giống thú rừng,
Phượng hoàng vẫn loại chim muông,
Thái Sơn vẫn đúc theo khuôn đống gò,
Sông với biển vẫn nhà ngòi lạch,
Thánh với phàm một phách thế nhân,
Nhưng thánh phàm, muôn phân, ngàn biệt,
Vì thánh nhân bạt thiệp, siêu quần…»
(Mạnh Tử, Công Tôn Sửu thượng, 2)
Thánh nhân bạt thiệp, siêu quần, vì các
Ngài là những người thông minh, duệ trí (Trung Dung XXXII), đức hạnh
tuyệt vời (Kinh Thư, Duyệt Mệnh trung, tiết 3), noi gương Trời mà hành
sự (Thánh hi thiên - Cận Tư Lục Tạp Chú, quyển nhị, trang 1. - Dịch
Kinh, Kiền quái, Tượng), sống cuộc đời phối kết với Thượng Đế (Trung
Dung XXXI).
Dịch Kinh viết: «Thánh nhân đức độ sánh
với trời đất, sáng láng như hai vầng nhật nguyệt, biến thông tựa bốn
mùa, ảnh hưởng người in tựa thần minh…» (Dịch Kinh, Hệ Từ thượng).
Trung Dung đề cập tới thánh nhân nhiều lần
nhất, với những lời lẽ đẹp đẽ nhất. Dưới đây, xin trích dẫn một trong
nhiều đoạn.
Trung Dung viết:
«Chỉ có đấng chí thánh trong trần thế,
Mới có đầy đủ thông minh trí tuệ.
Y như thể có trời ẩn áo giáng lâm,
Mới khoan dung, hòa nhã, ôn thuần.
Y như có dung nhan Trời phất phưởng,
Phấn phát, tự cường, kiên cương, hùng
dũng.
Y như là đã cầm giữ được sức thiêng;
Trang trọng, khiết tinh, trung chính,
triền miên,
Y như thừa hưởng được đôi phần kính
cẩn.
Nói năng văn vẻ rõ ràng, tường tận,
Y như là chia được phần thông suốt tinh
vi.
Mênh mang sâu thẳm, ứng hiện phải thì,
Mênh mang như khung trời bao la vô hạn,
Sâu thẳm như vực muôn trùng thăm thẳm.
Thấy bóng ngài, dân một dạ kính tôn,
Nghe lời ngài, dân tin tưởng trọn niềm,
Ngài hành động: muôn dân đều hoan lạc.
Nên thanh danh ngài vang lừng Trung
Quốc,
Vượt biên cương lan tới các nước ngoài.
Đâu xe có thể đi, người có thể tới lui,
Đâu có được trời che và đất chở.
Đâu còn nhật nguyệt hai vầng tở mở,
Đâu có móc đọng đâu có sương rơi.
Đâu còn có dòng máu nóng con người,
Ở nơi đó ngài vẫn được tôn sùng quí
báu.
Thế nên gọi là “cùng trời phối ngẫu”.»
(Trung Dung XXXI)
3. Quan niệm về thánh
nhân theo Chu Hi
Trong tập Chu Hi học án của linh mục
Stanislas Le Gall, dòng tên, có một đoạn bình luận về thánh nhân như
sau:
«Trên mẫu người quân tử còn có thánh nhân,
kiệt tác của Tạo Hóa, tinh hoa của nhân loại.
«Xét về phương diện bản thể, phương diện
«thiên địa chi tâm», thì thánh nhân cũng như mọi người, đều thụ hưởng
như nhau. Nhưng điểm làm cho thánh nhân khác biệt chính là tại «khí chất
chi tính» ở nơi thánh nhân tinh toàn, thuần túy, y như hạt kim cương
trong suốt, mặc tình cho ánh sáng rọi thấu qua.
Chu Hi nói: «Con người là tinh hoa của ngũ
hành, nhưng thánh nhân là tinh hoa của tinh hoa đó…»
«Trong những thế kỷ tiếp giáp với thời kỳ
nguyên thủy, khi hoàn võ còn măng sữa, mới mẻ, khi khí chất hãy còn tinh
khiết, thì dĩ nhiên có thánh nhân sinh; đó là thời kỳ hoàng kim, có
những thánh nhân, minh triết trị dân, làm cho họ sung sướng. Hứa Dung
Trai cho rằng đầu mỗi kỷ nguyên vũ trụ, lại có một vị thánh nhân như
Phục Hi. Vũ trụ càng già càng cỗi, vật chất càng ô trọc, thì thánh nhân
lại càng trở nên hiếm thấy, và hoàn võ lại dần dà quay trở về trạng thái
hỗn mang nguyên thủy.
«Dưới đây là những vị thánh nhân đã được
công nhận:
1- Phục Hi (2852-2737)
2- Thần Nông (2737-2697)
3- Hoàng Đế (2697-2597)
4- Nghiêu (2357-2255)
5- Thuấn (2255-2205)
6- Vũ (2205-2197)
7- Thành Thang (1766-1753)
8- Y Doãn (? -1713)
9- Tỉ Can (? - 1222)
10- Văn Vương (1232-1135)
11- Vũ Vương (1196-1116)
12- Châu Công (? -1105)
13- Liễu Hạ Huệ (khoảng 600)
14- Khổng Tử (551-479)
Vị thánh sau cùng lại là vị thánh được suy
tôn, sùng thượng nhiều nhất: đó là đức Khổng. Tử Cống nói trong quyển V,
tiết 6, Luận Ngữ: «Thực Trời đã ban nhiều ân trạch nhiều tài năng cho
đức Khổng; Ngài chính là vị Thánh…»
«Thánh nhân chính là mẫu người lý tưởng
trong nhân loại, chính là tinh hoa của nhân loại, chính là người đã thể
hiện được sự toàn thiện. Sự toàn thiện ấy cũng được gọi là «Thành», là
«Chí Thành», «chí thiện», vì thế mà Rémusat đã dịch «thành” là «toàn
thiện»; Intorcetta đã dịch là hoàn thiện, tinh tuyền; Legge cũng dịch là
tinh tuyền không pha phách tà ngụy.
«Chu Hi cũng định nghĩa «thành» là chân
thực, không còn chút chi man muội, lỗi lầm.
«Thánh nhân như vậy có một đời sống hoàn
toàn phù hợp với thiên lý. Cũng có thể nói thánh nhân được mệnh danh là
«thành», chính là vì đã sống cuộc đời hoàn toàn phù hợp với tính bản
nhiên, với thiên lý, và vì vậy đã phối hợp được với trời đất, đã sánh
được với trời đất.
«Chu Liêm Khê cho rằng chữ «thành» đồng
nghĩa với chữ Thái Cực, với Lý. Thái Cực hay Lý ấy, bất kỳ ai cũng có,
nhưng khi Thái Cực hay Lý đã lồng vào hình hài, khí chất không tinh
tuyền thì ảnh hưởng sẽ bị giới hạn lại. Chỉ có thánh nhân sống theo tính
bản thiện của mình, nên thần trí người nhận định được hằng tính của mỗi
vật, mỗi sự; ý chí người hướng về chân, thiện, mỹ, không chút khó khăn
và sống trong đường nhân nẻo đức, trong trãt tự và bổn phận, không chút
chi vất vả.
«Nhiều người thường nghĩ «thánh nhân sinh
nhi tri chi» và cho là thánh nhân có khối óc thông minh quán triệt, bao
quát mọi sự, mọi điều; «thánh nhân cũng thông minh khôn lường như thần
minh»… Nhưng Chu Hi cho rằng thánh nhân chỉ thông suốt được những nguyên
lý đại cương, và dễ dàng suy ra những áp dụng cụ thể, hữu ích cho mọi
người.
«Đó cũng là ý kiến của Doãn Nhan Minh
(1200), một nhà bình giải Luận Ngữ. Ông nói: «Tuy là bậc thánh nhân,
thông minh thiên phú, và sinh nhi tri chi, đức Khổng thường nhắc đi nhắc
lại rằng Ngài ham học, hiếu học. Ta đừng tưởng đó là Ngài nói nhún
nhường, để khuyến khích các đệ tử theo gương mà cố gắng. Không, Ngài chỉ
biết những chân lý hằng cửu, còn những áp dụng cụ thể, đặc thù, ví như
những chi tiết về lễ nghi hay nhã nhạc, những chuyện xưa tích cũ, những
biến cố lịch sử cổ kim, thời đức Khổng cũng phải học mới biết.
«Nhưng mỗi khi gặp những vấn đề nan giải,
khó khăn, Ngài liền thấu triệt dễ dàng, có những quyết định sáng suốt,
những phán đoán xác đáng, minh triết, vì Ngài thông minh tinh tế rất
mực.» Chu Hi cho rằng thánh nhân có một khối óc hoàn toàn trong sáng,
hàm tàng vạn lý, vừa thoạt mới cảm xúc, liền thông suốt ngay…
… «Thánh nhân sở dĩ có cái nhìn tinh tế
thấu triệt, vì lòng không bợn tư tà, dục vọng, cho nên mới nhìn thấu đáo
được những điều tinh vi huyền diệu.
«Thánh nhân lại còn là những người có đức
hạnh siêu việt, theo đúng Trung Dung, Trung Đạo; xử sự luôn theo chính
lý. Mạnh Tử nói: «Các quan năng thì Trời ban cho mọi người, nhưng chỉ có
thánh nhân tận dụng được quan năng mình, vì các Ngài sống hoàn toàn hợp
với chân lý, hợp với lương tri, lương năng…
… «Thánh nhân vì không bị dục tình quấy
nhiễu, nên lúc nào cũng ung dung thanh thản. Thiên lý, thiên đạo được
thể hiện nơi Ngài một cách sáng tỏ để soi đường dẫn lối cho kẻ khác…» Ở
nơi thánh nhân, mỗi động tác, mỗi cử chỉ, mỗi lời ăn tiếng nói, ngay đến
sự ngơi nghỉ yên lặng, cũng là những bài học hữu ích cho các bậc chính
nhân quân tử. Những kẻ phàm phu tục tử nếu không được cải hóa, thời chỉ
tại họ đã thâm căn cố đế trong tính hư nết xấu, và lòng họ đã hư hỏng.
Còn thánh nhân luôn luôn có thể soi sáng nhân trí và cải hóa nhân tâm.
«Ảnh hưởng của thánh nhân thực là vô biên
như ảnh hưởng của Trời. Chu Hi nói: «Cũng y như xem bốn mùa vần xoay,
xem vạn vật sinh hóa, thì biết được thiên lý biến dịch ở khắp nơi mà
chẳng cần Trời phải nói nên lời. Ở nơi thánh nhân cũng vậy, động hay
tĩnh, nhất nhất đều khải minh nguyên lý huyền diệu; sự toàn thiện, tinh
tuyền sẵn chứa nơi người. Và Chu Hi kết luận bằng những lời hết sức hào
hứng như sau: «Thánh nhân là hiện thân của Trời.» (Xem Stanislas Le
Gall, Le Philosophe Tchou Hi, sa doctrine, son influence, p. 63 et ss).
4. Quan niệm về thánh
nhân theo chư Nho
Các danh nho sau này cũng có những nhận
định hết sức sâu sắc và chính xác. Các Ngài cho rằng:
a/ Thánh nhân là những người sống «thuần
thiên lý», không còn tư tà, nhân dục: Đó là trạng thái mà nho gia gọi là
«thành». (Thành giả chân thật vô vọng chi vị, thiên lý chi bản nhiên dã.
Chu Hi. - Xem Lễ Ký, Couvreur dịch, quyển II, trang 458, chú thích).
b/ Thánh nhân là những người đã đạt thiên
đạo, thiên vị, thực hiện được thiên tính. (Thành giả thiến tính dã. -
Trịnh Khang Thành. -Xem Lễ Ký, Couvreur dịch, quyển II, trang 458).
c/ Thánh nhân là những người đạt được tầm
kích vũ trụ. (Thánh nhân giả, thiên địa chi lương dã. Trình Tử. - Xem
Uyên Giám Loại Hàm IV, trang 4670, mục chữ Thánh).
d/ Thánh nhân là những người thông minh,
duệ trí tuyệt vời, sinh sau trời đất, mà biết chuyện có trước trời đất;
chết trước trời đất mà biết chuyện khi trời đất cáo chung. (Thanh nhân
giả, hậu thiên địa nhi sinh, nhi tri thiên địa chi thuỷ. Tiên thiên địa
nhi vong, nhi tri thiên địa chi chung. - Hạc Quan Tử. - Xem Uyên Giám
Loại Hàm IV, trang 4669, mục chữ Thánh).
e/ Thánh nhân là những người hoàn thiện.
(Tích thiện chi toàn vị chi thánh nhân. Tuân Tử. - Xem Uyên Giám Loại
Hàm IV, trang 4669).
Á Đông, khác với Tây phương, không cho
rằng những người hi sinh tuẫn tiết vì đạo giáo là thánh nhân. Đó chỉ là
những anh hùng, liệt nữ, những bậc khả kính mà thôi.
Á Đông cũng cho rằng không thể nào tu phàm
tâm mà trở thành thánh nhân được; phải đạt tới Thiên Tâm, mới thành
thánh được. Cũng y như mài gạch, không thể nào khiến gạch thành gương;
cũng như đem ấp trứng gà mà muốn nở ra vịt, thì là chuyện không thể có
được. Đó cũng chính là quan niệm của Phật giáo và Lão giáo.
Đối chiếu quan niệm về thánh nhân giữa
Đông và Tây, và chỉ giữ lại những điểm tương đồng, ta ghi nhận:
1- Thánh nhân phải là những người siêu
phàm.
2- Thánh nhân phải là những người thông
minh duệ trí.
3- Thánh nhân phải là những người đã khống
chế được nhân dục và đã đạt được thiên đức, thiên đạo.
4- Thánh nhân phải là những người tinh
toàn, hoàn thiện.
5- Thánh nhân phải là những người đã có
công cải hóa quần sinh.
E. ĐỨC KHÔNG LÀ VỊ
THÁNH NHÂN CHÂN THỰC
Khi đã nắm vững được những tiêu chuẩn để
xác định thế nào là thánh nhân, ta trở lại suy khảo xem tại sao Nho gia
xưa nay xưng tụng đức Khổng là vị thánh nhân.
Nho gia cho rằng đức Khổng là thánh nhân
vì:
1- Đức Khổng đã đạt tới Thiên đạo, tới
Trung Đạo (Mạnh Tử, tận Tâm hạ, câu 37, 38. - LN, XIII, 21).
2- Đức Khổng đã «tận tính», đã đi vào được
tới siêu thức (Trung Dung XXII).
3- Ngài đã sống cuộc đời phối kết với
Thượng Đế, nhất là trong tuổi già (LN, II, 4).
4- Ngài đã có công đem thiên lý, nhân
luân, dạy cho muôn triệu con người; thế tức là đã tham tán cùng trời đất
(Trung Dung XXII).
Đọc Tứ Thư ta thấy tuy đức Khổng không
trực tiếp xưng mình là thánh nhân, nhưng ngôn ngữ, cử chỉ Ngài đã bộc lộ
rằng Ngài tin tưởng mình là thánh nhân.
1- Ngài nói thường mông thấy Chu Công. Thế
là đồng thanh tương ứng (LN, VII, 5).
2- Ngài nói Ngài là vẻ sáng của Thượng Đế
như Văn Vương (LN, IX, 5); mà Văn Vương là một vị đại thánh theo Tứ Thư,
Ngũ Kinh, (Xem Trung Dung XXVI. - Kinh Thi, Đại Nhã, Văn Vương).
3- Ngài cho rằng đời Ngài là một bài kinh
nguyện trường thiên (LN, VII, 34).
4- Ngài cho rằng chỉ có Trời mới hiểu Ngài
(LN, XIV, 37).
5- Ngài muốn bắt chước Trời mà hành sự
(LN, XVII, 18).
6- Ngài cho rằng có thánh nhân ra đời, thì
thần vật cũng hiện ra để chứng minh (LN, IX, 8). Quả nhiên năm Ai Công
24, mùa xuân, kỳ lân xuất hiện. Ngài ghi chú sự kiện ấy xong, liền dừng
bút, cho rằng nhiệm vụ mình đã xong, và hơn một năm sau Ngài tạ thế.
Ngày nay,
xét lại đời sống Ngài, công trình Ngài, đức độ Ngài, ảnh hưởng của Ngài
đối với hậu thế, sau khi đã xác định lại những tiêu chuẩn để minh định
thế nào là một vị thánh nhân, chúng ta cũng phải đi đến kết luận: Đức
Khổng là vị thánh nhân chân thực…
Á Thánh Mạnh Tử
Khổng Tử
Mục
lục | Phi lộ | chương
1 2
3 4
5 6
7 8
9 10
11 12
13 14
15 16
17
18 19
20
Đính chính gia phả đức Khổng | Phụ
lục | Sách tham khảo
|