CHÂN DUNG KHỔNG TỬ

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

Mục lục | Phi lộ | chương 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13  14  15  16  17  18  19  20

Đính chính gia phả đức Khổng | Phụ lục | Sách tham khảo


Chương 6

Đức Khổng, con người nhiệt thành đi tìm chân lý

 

 

Thế nhân thường cho rằng đã là thánh nhân, đã là giáo chủ, thì phải là thánh nhân ngay từ trong bụng mẹ, phải có những cách thai sanh kỳ bí, thoát khỏi hết các định luật và trật tự chi phối vũ trụ, nhân quần, lại thông minh tuyệt đối, sinh nhi tri chi, không cần học hỏi, suy tư gì, mà đã biết hết mọi sự trên trời dưới đất, quá khứ, vị lai, ngay từ tấm bé.

Nói thế chẳng khác nào nói rằng có những cây vừa mới mọc, đã cao vút từng mây, đã sinh hoa, kết quả sum sê, hay có những người vừa mới sinh ra đã trưởng thành ngay, không cần cúc dục, cù lao, không cần thời gian, tuổi tác…

Thiết tưởng muốn tìm hiểu thánh hiền, ta không nên bắt chước đường lối phàm tục đó, mà phải tìm cho ra những tiêu chuẩn chính xác, hướng dẫn sự suy khảo của chúng ta.

Tuân Tử nói: «Quân tử thời nói điều chân thường, hợp lý; tiểu nhân nói điều kỳ quái.» (Vinh nhục VI, xem Trần Trọng Kim, Nho giáo trang 308.)

Sách Minh Triết, thánh thư công giáo nói:

«Ta đây cũng phận hèn như chúng,

Cũng tổ tông xác đất vật hèn,

Cũng từ trong bụng mẹ thai nên,

Tinh cha huyết mẹ đôi bên tạo thành.

Cũng mười tháng mới sinh mới nở,

Khi lọt lòng cũng thở khí phàm,

Như ai cũng kiếp trần gian,

Mới sinh cũng khóc mà toan chào đời,

Cũng tã lót, cũng thời cúc dục,

Cũng cù lao cực nhọc như ai.

Xưa nay vua cũng như tôi,

Tử sinh một phép khác bài nào đâu?»

(Phỏng dịch Livre de la Sagesse, VII, 1- 6)

Cát Hồng khi viết về Lão Tử đã nhận định như sau: «Các học giả có óc chất hẹp hòi, đã coi Lão Tử như là một người trời siêu xuất quần linh, và khuyên các thế hệ tương lai bắt chước Ngài, nhưng làm thế là ngăn cản không cho mọi người tin được rằng mình cũng có thể nhờ học hỏi mà tìm ra được bí quyết trường sinh bất tử.»

Thực vậy, nếu Lão Tử chỉ là một hiền nhân đã đắc Đạo thì mọi người phải hết sức noi gương, bắt chước Ngài, nhưng nếu ta nói rằng đó là một nhân vật đặc biệt, có thiên tính thì ta không thể nào bắt chước Ngài được. (Cf. Matgioi, La voie rationelle, p. 19 và Lecomte du Noüy và học thuyết viễn đích của tác giả, trang 331.)

Mạnh Tử nói: «Phàm những vật đồng loại thì bản tính giống nhau. Tại sao riêng về nhân loại, người ta lại nghĩ rằng bản tính chẳng tương tự? Những vị thánh nhân và chúng ta đều là một loại…» (MT, Ly Lâu chương cú hạ, tiết 12). Khảo về đời sống và những lời giảng giáo của các bậc giáo chủ ta thấy:

1- Sự khôn ngoan thông thái của các Ngài cũng cần có đủ thời gian, tuổi tác mới phát triển được.[1]

2- Nhiều khi các ngài cũng phải học hỏi với các bậc tiền bối, trước khi trở nên minh giác. [2]

3- Học thuyết các Ngài, tư tưởng các Ngài cũng có nhiều vay mượn ở nơi các học thuyết, hoặc các luồng tư tưởng đã có trước.[3]

4- Các Ngài có công ở chỗ là làm cho những tư tưởng cũ kỹ trở nên linh động, có thần lực tác động, lôi cuốn, hoán cải được tâm hồn quần chúng.

Chủ trương rằng các vị thánh hiền xưa cũng cần phải có thời gian tuổi tác mới phát huy được trí tuệ và đức độ mình, chủ trương rằng các Ngài cũng phải cố gắng nhiều mới tiến tới địa vị siêu việt, là một chủ trương hết sức lành mạnh, vì:

1- Nó phản ảnh lại một cách chân thực cuộc đời các Ngài, giúp ta gạt bỏ được hết mọi huyền thoại.

2- Nó hợp với các định luật tự nhiên.

3- Nó cũng chẳng làm giảm giá trị các Ngài chút nào.

4- Nó vạch cho ta thấy con đường và phương pháp để trở nên hiền thánh.

5- Nó phù hợp với quan niệm của các danh nho, vì Nho gia vốn chủ trương rằng nếu chúng ta cố gắng tiến hóa, tu trì theo đúng đường lối thì cũng có thể trở nên như vua Nghiêu, vua Thuấn. (Cf. MT, Ly Lâu chương cú hạ, 28, 32, v.v…)

6- Nó cũng phù hợp với những học thuyết tiến hóa, thuyết viễn đích mới mẻ nhất, cho rằng nhân loại sẽ còn tiến hóa lâu dài để trong một thời gian còn xa lắc sẽ tiến tới cực điểm tinh hoa: đó là sống một cuộc đời thần tiên, phối hợp với Thượng Đế. Các thánh hiền chẳng qua là người đã sớm lãnh hội được định mệnh cao cả của con người, và đã thực hiện được ngay trong đời mình định mệnh sang cả ấy. Như vậy các Ngài là những vị tiền phong khả kính, soi đường, chỉ lối cho chúng ta noi theo mà bắt chước để nên giống các Ngài. (Cf. Teilhard de Chardin và Lecomte du Noüy).

Nhờ những quan niệm lành mạnh và chính xác ấy hướng dẫn, ta có thể vạch lại bước đường tìm cầu đạo lý của đức Khổng:

Đức Khổng tâm sự:

- Hồi 15 tuổi, ta để hết tâm trí vào sự học.

- Đến 30 tuổi, ta vững chí mà tiến lên trên đường đạo đức.

- Đến 40 tuổi, tâm tư ta sáng suốt, hiểu rõ việc phải trái, đạt được sự lý, chẳng còn nghi hoặc.

- Qua 50 tuổi, ta biết mạng Trời (tức là biết căn cốt và định mệnh con người).

- Đến 60 tuổi, lời chi, tiếng chi lọt vào tai ta thì ta hiểu ngay, chẳng cần suy nghĩ lâu dài.

- Đến 70 tuổi, trong tâm ta dầu có muốn sự chi cũng chẳng hề sai phép. (LN, II, 4) (Xem Đoàn Trung Còn, LN, trang 14- 16.)

Lần khác, Ngài than: «Ôi, đời chẳng biết ta.» Tử Cống hỏi: «Tại sao Thầy than rằng chẳng ai biết Thầy?» Đức Khổng đáp: «Ta không oán Trời, ta không trách người; (còn về đạo lý) thì ta khởi học từ mức thấp nhất để đạt lên mức cao. Biết ta chẳng chỉ có Trời.» (LN, XIV, 37) (Cf. Đoàn Trung Còn, trang 231). Ngài chủ trương ở đời không được làm càn, làm gì cũng cần phải rõ đường lối trước đã; muốn được như vậy, phải chịu khó học hỏi, suy tư, phán đoán. Ngài nói: «Có những kẻ không biết mà cũng làm càn; ta không phải như họ vậy. Sau khi nghe nhiều, ta chọn những điều phải mà theo; sau khi thấy nhiều, ta ghi nhớ lấy những điều ta chú ý. Nhờ vậy mà ta trở thành người thứ tri.» (LN, VII, 27).

Đức Khổng không bao giờ nhận Ngài sinh nhi tri chi. Ngài nói: «Ta chẳng phải sinh ra đã biết. Thực ta là người hâm mộ tinh hoa đạo lý cổ nhân và mê mải tìm cầu tinh hoa đạo lý ấy mà thôi.» (LN, VII, 19).

Trên con đường đi tìm chân lý, Ngài chủ trương hai công trình: Suy Tư và Học Hỏi. Học để rút kinh nghiệm của tiền nhân; Suy để tìm cho ra những đường lối mới, những quan niệm mới, những giá trị mới về cuộc đời. Hai công trình ấy luôn luôn phải hỗ trợ, bổ túc lẫn nhau. Như vậy mới hữu ích, mới hoàn hảo. Ngài viết: «Trước đây ta mảng trầm tư, mặc tưởng, mà trọn ngày quên ăn, trọn đêm quên ngủ. Xét ra sự việc ấy không mấy ích gì cho ta, chẳng bằng học.» (LN, XV, 30).

Thế tức là Ngài cũng đã phải dày công học hỏi, suy tư, cố gắng tiến bước trên con đường đạo lý. Ngài cũng đã phải tiến từ thấp đến cao, cố gắng không ngừng để tiến mãi trên con đường hoàn thiện.

Ngài hết sức trọng sự cố gắng tâm thần, vì tâm thần không cố gắng, không hoạt động thì làm sao mà phát triển được. Do đó Ngài rất sợ hãi sự ù lì, sống qua ngày đoạn tháng, không chịu tìm hiểu, suy tư của rất nhiều người đương thời. Ngài nói: «Thà họ đánh cờ, đánh bạc, còn hơn là ăn không, ngồi rồi.» (LN, XVII, 21). Cũng vì vậy mà Ngài nặng lời quở trách Tể Ngã về tật ngủ ngày của ông. Ngài nói: «Cây mục không chạm khắc được, vách bằng bùn đất không tô vẽ được, ta còn trách người Dư làm gì.» (LN, V, 9).

Đức Khổng luôn luôn tỏ ra mình là một con người hiếu học, chịu trông, chịu nhìn, chịu quan sát, chịu hỏi, chịu suy để tìm cho ra nguyên ủy, thủy chung của cuộc đời. Không biết khi còn nhỏ Ngài đã học chữ với ai. Có người đã cho rằng Ngài đã học với Án Bình Trọng, tức là Án Anh nước Tề. Điều này dĩ nhiên là không đúng, vì sau này, nhiều lần gặp nhau, mà đôi bên không thấy có dấu hiệu nào, cử chỉ nào biểu lộ tình thầy trò cả. Chỉ biết rằng Ngài lập chí học hành từ khi 15 tuổi, và chắc chắn đã dày công sưu khảo các sách vở như Dịch Tượng, Xuân Thu, Thi, Nhạc trong tàng thư của nước Lỗ (Xem Tả Truyện, Chiêu Công 2 và Chư Tử Thông Khảo, trang 47). Năm 30 tuổi, Ngài lại quyết tâm học đạo lý cho sâu xa hơn, và có lẽ từ ấy Ngài đã mơ ước sang lạc ấp, kinh đô nhà Châu một chuyến để thỏa lòng cầu học. Nguyện vọng ấy mãi đến năm 34 tuổi Ngài mới thực hiện được. Sau đây xin mượn lời lẽ trong Khổng Tử Gia Ngữ mà thuật lại cuộc du hành quan trọng ấy, cũng như những điều mà Ngài đã thâu thập được trong khi quan sát di tích và phỏng vấn các nhân vật ở kinh đô nhà Châu.

Khổng Tử nói với Nam Cung Kính Thúc: «Ta nghe Lão Đam là một người bác cổ, tri kim, biết nguồn gốc của Lễ Nhạc, hay mối manh của đạo đức, như vậy là thầy ta vậy. Nay đi sang Châu.» Kính Thúc đáp: «Cần phải có mệnh vua.» Bèn xin với vua Lỗ. Vua Lỗ bằng lòng và cấp cho thầy trò một xe, hai ngựa và một tiểu đồng. Ngài bèn cùng với Nam Cung Kính Thúc sang Châu. Sang đến kinh đô Châu, Ngài phỏng vấn Lão Đam về Lễ, Trành Hoằng về Nhạc, đi xem các địa điểm tế Giao, tế Xã, khảo sát về phép tắc của tòa Minh Đường, xem cách tổ chức nơi Tông Miếu…

Sau khi khảo sát các phép tắc, qui mô, tổ chức của nhà Châu, đức Khổng than rằng: «Bây giờ ta mới hay Châu Công là vị thánh nhân, và lý do tại sao nhà Châu lại được làm vua cai trị thiên hạ.» Đức Khổng đi xem tòa Minh Đường thấy trên tường, bốn bên cửa, có hình vua Nghiêu, Thuấn, lại có hình vua Trụ, vua Kiệt, như muốn phơi bày ra trạng thái, ra dung mạo của thiện, ác, và như muốn răn dạy về sự hưng vong. Lại thấy hình Châu Công bồng Thành Vương, cầm phủ việt, quay mặt về nam mà tiếp chư hầu. Thấy thế đức Khổng bồi hồi mà nói cùng tùy tùng rằng: «Đây là lý do tại sao nhà Châu thái thịnh.» Ý Ngài muốn nói: Quốc gia thái thịnh một phần lớn là nhờ có những con thảo, tôi hiền, những vị đại thần trung liệt một lòng vì nước vì vua như Châu Công. Ngài nói rằng: «Gương trong thời dùng để soi bóng hình. Thời xưa cốt là giúp ta biết rõ thời nay. Bậc nhân quân mà không chịu cố gắng làm việc, chỉ ẩn núp sau những gì làm cho mình an hưởng mà lãng quên những căn do đưa đến suy vong (chỉ lo hưởng thụ mà quên phòng nguy lự hiểm) thời có khác nào người không chịu đi mà muốn đuổi theo kịp người đi trước mình. Thật là lầm lạc vậy.» Khi Ngài vào thăm miếu của tổ tiên nhà Châu, là Hậu Tắc, Ngài thấy ở trước thềm bên phải có khắc một người vàng, miệng niêm phong ba đợt, sau lưng có khắc những lời đại loại như sau:

Đây là tượng một người xưa,

Lời ăn tiếng nói đắn đo, giữ gìn,

Gương xưa, ta cũng nên xem,

Nói năng cẩn trọng, hãy nên lo lường.

Rườm lời, sẽ lắm nhiễu nhương,

Ôm đồm nhiều việc, lòng thường xuyến xao.

Khi hay, cẩn trọng mới hào,

Đừng làm chi để nữa nào ăn năn.

Đừng rằng họa chẳng bao lăm,

Họa kia đến lúc rần rần, lớn lao.

Đừng rằng hại chẳng nỗi nào,

Họa kia lúc đến rạt rào, gớm ghê.

Đừng rằng: ai biết ai nghe,

Thần minh soi xét chi li, tỏ tường,

Lửa hừng mãi sẽ cao vươn,

Lửa vươn chất ngất, muôn phương cháy rần.

Nước kia nhỏ giọt chẳng ngừng,

Sông con, sóng cả vẫy vùng đó đây.

Sợi tơ kéo mãi cho dài,

Võng la giăng mắc khắp nơi trùng trùng.

Cành non để mọc đẫy tầm,

Búa rìu hồ dễ chặt phăng được nào?

Ở đời thận trọng hay sao!

Rồi ra phúc khánh rạt rào, láng lai!

Là chi cái miệng con người?

Miệng là cửa họa tai xưa rày!

Hùng hùng, hổ hổ cậy tài,

Chết oan, chết uổng rồi đời dở dang!

Ỷ mình hiếu thắng dương dương,

Sớm chày sẽ gặp người đương cự mình.

Trộm thời ghét chủ nhà lành

Dân thì luôn oán bậc anh, bậc thầy.

Biết rằng khó ở trên người,

Hiền nhân khiêm tốn chọn nơi thấp hèn.

Biết rằng đời khó tranh tiên,

Sau người ta bước, ấm êm, vẹn toàn.

Luôn luôn hòa nhã, nhún nhường,

Tự nhiên người sẽ yêu thương, nể vì.

Nhún nhường, chẳng chút suy bì,

Mình nhường, thiên hạ dám chi vượt mình?

Mặc người háo hấc, điêu linh,

Riêng ta, ta giữ tâm thành của ta;

Mặc người xuôi ngược phôi pha,

Riêng ta, ta vẫn ôn hòa thung dung.

Tuy là thông sáng quá chừng,

Nhưng ta che giấu chẳng trưng với người.

Cho nên dẫu ở cao ngôi,

Khiêm cung, hòa nhã, ai người hại ta.

Biển sông, vì thấp hết đà,

Nước muôn sông suối mới là của riêng!

Đạo trời chẳng vị chẳng thiên,

Đạo trời vốn đã kề bên mọi người!

Hãy nên cẩn trọng, hỡi ai!

Sau khi đọc đoạn văn này, đức Khổng bảo đệ tử: «Các trò nên ghi nhớ những lời này. Chúng thiết thực lại đúng lý, chí tình, lại thành khẩn. Kinh Thi rằng:

Hãy nên năm liệu bảy lo

Như qua vực thẳm như chà băng thưa.

Nếu các trò ăn ở được như vậy, lẽ nào mà mắc họa khẩu thiệt được.»

Khi đức Khổng ra về, Lão Tử tiễn đưa bằng những lời sau đây: «Tôi nghe người giàu có tiễn nhau bằng tiền, người nhân đức tiễn nhau bằng lời lẽ. Tôi chẳng giàu sang, nên trộm lấy tiếng người nhân mà xin tiễn biệt ông bằng lời lẽ: Ngày nay người càng thông minh sâu sắc lại càng dễ chết vì thích chỉ trích kẻ khác. Người khéo biện bác lý sự lại hay bị nguy hại đến thân, vì hay bới xấu kẻ khác. Đạo làm con là phải biết quên mình. Đạo làm bầy tôi là phải biết tự trọng.» [4]

Đức Khổng đáp: «Tôi xin kính cẩn phụng giáo.»

Tổng kết lại, trong cuộc du hành sang Châu, đức Khổng có thể đã lãnh hội, thâu thập được rất nhiều bổ ích. Ví dụ: tinh thần trách nhiệm, tài tổ chức của các bậc quân vương hồi mới lập quốc; lòng trung liệt của các bậc trọng thần, các bậc thần tử; đó chính là những yếu tố làm căn bản cho một nền hành chánh lành mạnh, hợp lễ nghĩa, đẹp lòng người. Đức Khổng cũng ghi nhận được những bài học khôn ngoan, như thận trọng trong khi ăn nói; cố gắng tu nhân tích đức, tích thiểu thành đại, để đi đến tinh hoa hoàn thiện; khiêm cung và thành khẩn trong khi tiếp nhân xử thế; không nên bài bác người, không nên bới xấu người; làm con phải biết quên mình, biết hy sinh; làm bầy tôi phải biết tự trọng, phải biết giữ cho tròn khí tiết, thanh danh.

Lúc ấy Ngài 34 tuổi. Xem như vậy thì lúc sang Châu, Ngài chỉ mới thâu lượm được những bài học tiếp nhân xử thế, những bài học chính trị, những bài học về nhân đạo mà thôi. Sau khi đi Châu về, Ngài còn sang Tề một thời gian ngắn, rồi lại trở về Lỗ. Trong khoảng 14 năm, từ 36 đến 50 tuổi, ắt hẳn là Ngài vừa dạy học, vừa khảo cứu thêm, vừa suy tư, vừa tìm hiểu. Nhờ vậy mà tới 50 tuổi, Ngài biết được mệnh Trời, thấy được thiên địa chi tâm, bước lên thánh vức. Trong thời gian ấy, Ngài khảo cứu sách vở, dạy dỗ học trò, quan sát nhân tình thế thái; quan sát cảnh vật; học rồi lại suy, suy rồi lại học. Càng suy tư mài miệt, lại càng nhìn thấy chân lý; càng đi sâu vào nội tâm, lại càng thấy mình sống liên kết với Thượng Đế. Ngài cho rằng chỉ khi nào con người sống kết hợp được với Thượng Đế, thì đời sống mới trở nên mãnh liệt rạt rào, y như nước suối, vì phát xuất tự nguồn nên tung tỏa mãi mãi chẳng bao giờ hao kiệt, còn như sống cách biệt với trời, thì có khác nào những giòng nước của trận mưa rào, lai láng đấy rồi lại tiêu ma đấy, nào có ra chi. Mạnh Tử đã ghi lại những những sự suy tư của đức Khổng, trước những giòng sông suối như sau:

Tử Tư hỏi Mạnh Tử rằng: «Thuở xưa đức Trọng Ni thường khen nước rằng: Nước thay, nước thay. Nước có chi mà Ngài khen vậy?» Mạnh Tử đáp rằng: «Nước từ trên nguồn chảy xuống, cuồn cuộn ngày đêm chẳng ngừng, ngập hết các hang, ngách; kế chảy thêm nữa và phóng ra bốn bể. Nước có nguồn mới được như thế. Vì chỗ đó nên đức Khổng khen vậy. Chí như nước không nguồn, vào khoảng tháng bảy tháng tám, mưa lớn nước ngập hết các mương cống. Nhưng mưa vừa dứt, mình chỉ đứng chờ một chút, thì nước rút đi mất hết.» (MT, Ly Lâu chương cú hạ, 18). Chắc niềm tin ấy của Ngài cũng có thể phát sinh, hoặc đã được làm cho trở nên mãnh liệt hơn, trong khi Ngài khảo lại Kinh Thi, Kinh Thư, vì trong Kinh Thi, Kinh Thư, ta thấy thuyết: Thiên Nhân Tương Dữ, Thiên Nhân Hợp Nhất, hoặc những từ ngữ Phối Thiên, Phối Mệnh thường hay được nhắc tới. (Cf. Kinh Thi, Đại Nhã, Văn Vương IV và VI. Kinh Thư, Cao Dao mô 7; Thái Thệ hạ 2; Thái Giáp hạ 3; Cao Tông, Dung Nhật 3; Thái Thệ trung 7; Đa Sĩ 6; Quân Thích 6, 7; Quýnh mệnh 2, v.v…)

Ngài ghi rằng Ngài 50 tuổi, Ngài mới biết mệnh Trời. Thế nào là biết mệnh Trời? Biết mệnh Trời tức là:

1- Biết rằng trong thâm tâm mình có Trời làm căn cơ, chủ chốt (Thiên Mệnh chi vị tính).

2- Biết rằng con người sinh ra là cốt để thực hiện một định mệnh sang cả, là sống một cuộc đời hoàn thiện, thuận theo thiên lý, sống phối kết với Trời (suất tính chi vị Đạo).

3- Chủ trương rằng con người phải làm bừng sáng ngọn lửa thiên chân, vốn đã tiềm ẩn, đã âm ỉ cháy lòng; phải tiến mãi trên con đường tu đức, tu đạo, cho đến chỗ chí thành chí thiện. (Cf. Đại Học 1).

Vì đã lập được căn cơ vào nơi Trời, nên sau này khi bị vây ở đất Khuông (LN, IV, 5), bị nạn ở đất Tống (LN, VII, 22), Ngài mới nói một cách tin tưởng được rằng Ngài đã là vẻ sáng của Thượng Đế, thì những kẻ phàm phu tục tử không thể nào hãm hại Ngài được.

Cũng vì vậy mà sau này có nhiều lúc Ngài muốn lặng thinh để bắt chước Trời (LN, XVII, 18); hoặc than rằng chỉ có Trời mới hiểu được Ngài mà thôi (LN, XIV, 37). Nói thế, tức là Ngài muốn ám chỉ Ngài đã lên tới một trình độ, một cảnh giới tinh thần siêu xuất quần sinh…. Dầu sao thì từ trước tới sau ta thấy Ngài vẫn luôn luôn tỏ ra thiết tha đi tìm chân lý, thiết tha học hỏi, thiết tha suy tư, cố gắng để tiến tới mãi mãi (LN, VII, 1, 2, 19; XV, 30). Ngài nói: «Tỉ như đắp đất cho thành núi, chỉ còn một giỏ nữa là xong, nhưng mình lại thôi, đó là tại mình bỏ vậy. Lai tỉ như lấp một vực sâu cho thành đất bằng, dầu cho mình mới đổ xuống một giỏ, nhưng mình tinh tấn đổ thêm, đó là mình đi đến chỗ thành công vậy.» (LN, IX, 18). Ngài lại còn chủ trương Tri Hành Hợp Nhất. Ngài nói: «Mình có đủ tri thức để hiểu đạo, nhưng mình chẳng có lòng nhân để giữ gìn, dẫu mình có được đạo ấy, rồi cũng mất đi.» (LN, XV, 32). Tấm lòng thiết tha tìm cầu đạo lý ấy còn được đức Khổng minh xác với Diệp Công khi Ngài đã 63 tuổi. Diệp Công hỏi Tử Lộ về đức Khổng; Tử Lộ không đáp. Đức Khổng nói: «Tại sao ngươi không nói thế này: Đó là người khi hăng say suy tư thì quên ăn; khi được chân lý thì vui sướng quên hết mọi nỗi buồn lo; chuyên tâm về đạo đến nỗi tuổi già sắp tới mà chẳng biết.» (LN, VII, 18). Và cũng vì lòng tha thiết luôn luôn cầu học, cầu tiến, nên ngay khi gần chết, Ngài vẫn còn học Dịch đến bật cả lề sách ba lần (LN, VII, 16). Nhờ sự cố gắng học hỏi, suy tư ấy, đức Khổng đã có một kiến thức hết sức sâu rộng, khiến cho nhiều người phải bỡ ngỡ (LN, XIX, 22). Nhưng quý báu nhất, là nhờ sự thành khẩn tìm cầu chân, thiện, mỹ ấy, mà chân, thiện, mỹ đã đến với Ngài, đã thể nhập vào Ngài. Trung Dung say này cũng đã ghi lại phương pháp để tiến tới chân, thiện, mỹ. Trung Dung viết:

Hoàn toàn là đạo của Trời,

Trở nên hoàn thiện, đạo người xưa nay.

Người hoàn thiện cất tay là trúng,

Chẳng cần suy, cũng đúng chẳng sai.

Thung dung trung đạo tháng ngày,

Ấy là vị Thánh, từ ngay lọt lòng.

Còn những kẻ cố công nên thánh,

Gặp điều lành, phải mạnh tay co...

Ra công học hỏi thăm dò,

Học cho uyên bác, hỏi cho tận tường.

Đắn đo suy nghĩ kỹ càng,

Biện minh thấu triệt, mới mang thi hành.

Đã định học, chưa thành, chưa bỏ,

Đã hỏi han, chưa tỏ, chưa thôi.

Đã suy, suy hết khúc nhôi.

Chưa ra manh mối, chưa rời xét suy.

Biện luận mãi, tới khi vỡ lẽ,

Chưa rõ ràng, không thể bỏ qua.

Đã làm làm tới tinh hoa,

Tinh hoa chưa đạt, việc ta còn làm.

Người một chuyến, thâu toàn thắng lợi,

Ta tốn công dở dói trăm khoanh;

Người làm mười bận đã thành,

Ta làm nghìn thứ, ta ganh với người.

Đường lối ấy, nếu ai theo được,

Dẫu u mê, sau trước sẽ thông.

Dẫu rằng mềm yếu như không,

Sớm chày cũng sẽ ra lòng sắt son.

(Trung Dung XX)

Ngày nay khảo lại cuộc đời đức Khổng, ta còn như vẳng vẳng nghe thấy lời Ngài nhắn nhủ: Bạn hỡi, xưa kia ta đã cố gắng học hỏi, suy tư, tu luyện, nên mới đạt tới địa vị thánh hiền. Nay sao bạn không đi lại con đường của ta đã đi, áp dụng những phương pháp của ta đã dùng, để tiến tới thánh vị, thiên vị, mà ta đã đạt được?


CHÚ THÍCH

[1] La tempête dans l’âme du Bodhisattva s’était apaisée. Il entreprit le laborieux voyage vers la suprême clarté. Présence du Bouddhisme, p.4. - Quant à Jésus, il croissait en sagesse, en taille et en grâce… (Luc. 2, 52).

[2] Naturellement ceux qui suivent les voies nouvelles doivent toujours partir de ce qui est connu; Sakyamuni, pour s’éclairer, se tourna vers les maîtres qui vivaient alors. Présence du Bouddhisme, p.4.

[3] Ví dụ: Phật giáo có nhiều vay mượn ở Bà La Môn; Công giáo có nhiều vay mượn ở đạo Do Thái, và nhất là giáo phái Esséniens. (Xem Edmun Wilson, The Scrolls from the Dead Sea. - Millar Burrows, Les Manucrits de la Mer Morte. - John J. Dougherty, The Searching the Scriptures (Appendix I, The Significance of Qumram).

[4] Khổng Học Đăng chỗ này lại ghi những lời Lão Tử khuyên nhủ khác hẳn (Xem Khổng Học Đăng trang 12 quyển 1. Quyển Khổng Tử Thánh Tích Đồ cũng ghi những lời lẽ của Lão Tử giống như Khổng Học Đăng. Những lời lẽ trên trích dịch trong quyển Khổng Tử Gia Ngữ).


Mục lục | Phi lộ | chương 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13  14  15  16  17  18  19  20

Đính chính gia phả đức Khổng | Phụ lục | Sách tham khảo