CHÂN DUNG KHỔNG TỬ

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

Mục lục | Phi lộ | chương 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13  14  15  16  17  18  19  20

Đính chính gia phả đức Khổng | Phụ lục | Sách tham khảo


Chương 9

Đức Khổng, con người đã được đạo thống Trung Dung

 

 

A. THÀNH KIẾN SAI LẦM VỀ TRUNG DUNG

Ngày nay nói đến chữ Trung Dung, Trung Đạo, hay đạo thống Trung Dung, không còn gây được âm hưởng gì đối với người nghe.

Thực vậy, mấy nghìn năm thành kiến của dân gian đã làm cho danh từ ấy mất hết ý nghĩa, mất hết hiệu năng của nó.

Người đời thường hiểu Trung Dung là một lối sống khéo léo, vừa phải, không thái quá, không bất cập.

Các học giả Á Châu cũng sa vào vòng lầm lạc ấy. Họ cũng hiểu Trung Dung một cách chơi vơi, nông cạn như vậy, mà không hề chịu tốn công suy sâu, xét rộng vấn đề.

Ngay đến học giả Lâm Ngữ Đường cũng cho rằng Trung Dung là một lối sống lưng chừng, đại khái như vậy. Và ông đã mượn bài thơ «Bán bán ca» của Lý Mật Am mô tả đời sống Trung Dung lý tưởng đại khái như sau:

«Ta sống quá nửa đời phù phiếm,

Mới nhận ra huyền nhiệm Trung Dung.

Trung Dung hương vị khôn cùng,

Làm cho lòng dạ tưng bừng niềm vui.

Lúc mà cái con người sướng nhất,

Chính là khi tới cấp trung niên.

Quang hoa dùng dắng triền miên,

Như chờ như đợi, gót tiên tạm dừng.

Cõi trần lọt giữa chừng Trời đất,

Giữa tỉnh quê, ta cất nhà ta.

Thảnh thơi ta mở trại hoa,

Giữa chừng sông núi, la đà nước non.

Biết vừa đủ, tiền nong vừa đủ,

Vòng lợi danh, vương nửa tấm son

Không sang nhưng cũng dễ nom,

Không giàu nhưng cũng còn dòn hơn ai.

Nhà ta xây nửa đài nửa các,

Đồ đạc ta lác đác đủ chơi,

Áo ta cũ mới chơi vơi,

Uống ăn na ná như người bậc trung,

Vài tôi tớ không thông không dở,

Vợ con ta đơ đỡ ta ưng,

Nửa tiên nửa tục lừng chừng

Nửa cùng thần thánh, nửa cùng thê nhi,

Nửa bụng dạ lo vì con cái.

Nửa tâm hồn gởi lại Hoàng thiên,

Để khi thoát xác, ta yên,

Biết đường thưa gửi, biết niềm tới lui.

Ngà say là lúc ly bôi,

Đóa hoa hàm tiếu là thời mê ly.

Buồm nửa cánh, thuyền đi thanh thả.

Cương vừa giong, vó ngựa mới hay.

Quá giầu phiền lụy sẽ dầy,

Quá nghèo cuộc sống sẽ đầy truân chuyên.

Trần ai sướng với phiền khó tách,

Trong ngọt ngào pha phách đắng cay.

Hưởng đời đừng quá mê say,

Lừng chừng đại khái, tháng ngày tiêu dao

(Cf. L’Importance de vivre, p. 123- 124; Sinh hoạt đích nghệ thuật, tr. 131- 132)

B. ĐẠO TRUNG DUNG CHÂN THỰC

Nhưng nếu hiểu Trung Dung như vậy thì có gì là cao siêu, có gì đáng cho ta lưu tâm, chú ý.

Dĩ nhiên quan niệm trên không phải là quan niệm của đức Khổng.

Ta có thể chứng minh bằng Luận Ngữ, Trung Dung, và Mạnh Tử.

Đức Khổng nói trong Luận Ngữ: «Trung Dung là đức hạnh tuyệt vời. Đã lâu nay ít người đạt được.» (Trung Dung chi vi đức kỳ chí hỹ hồ; dân tiển năng cửu hỹ. LN, VI, 27).

Trung Dung chương III lại nhắc lại:

«Đạo Trung Dung cao siêu hoàn mỹ,

Theo Trung Dung hồ dễ mấy ai!»

Chương IV bàn tiếp:

Đức Khổng nói:

«Ta biết đạo Trung Dung theo rất khó

Người sắc sảo quá trớn chân đi lỡ,

Kẻ ngu đần chậm chạp khó khuôn theo.

Ta biết đời chảng hiểu đạo cao siêu

Người hiền đức ỷ mình không suy xét,

Kẻ ngu si trông vào thì mù mịt,

Uống ăn kia ai cũng lấy làm thường,

Nhưng mấy ai sành mùi vị tinh tươm.»

Mạnh Tử viết: «Đức Khổng chẳng được hạng người đạt đến mức Trung Dung đặng người truyền đạo. Cho nên Ngài há chẳng chọn hạng cuồng và hạng quyến sao. Cuồng giả là kẻ sĩ có chí tấn thủ trên đường đạo lý, dẫu làm chẳng được cũng gắng sức mà làm. Quyến giả là kẻ sĩ giữ bền khí tiết; chuyện chẳng hạp nghĩa thì chẳng làm. Đức Khổng há chẳng muốn có những đệ tử đạt đến mức Trung Dung sao? Nhưng Ngài thấy rằng chẳng ai tu học đến mức đó, cho nên Ngài mới nhớ đến những hạng đệ tử thấp hơn vậy.» (Mạnh Tử, Tận Tâm chương cú hạ, câu 37).

Như vậy Trung Dung không phải là một đạo tầm thường. Nó chính là thứ đạo mà «Sáng nghe được, chiều chết cũng cam.» (Triêu văn đạo, tịch tử khả hỹ. - LN, IV, 8)

Chu Hi nói: «Tôi yêu cầu mọi người hoạc Đại Học trước để biết qui mô; đoạn học Luận Ngữ để lập căn bản; kế đó, đọc Mạnh Tử để biết đường tiến triển; rồi mới đọc Trung Dung để tìm cho ra điều vi diệu của cổ nhân.» [1]

Khảo sát Tứ Thư, Ngũ Kinh, ta thấy Trung Dung là đạo của các bậc thánh hiền. Nó có tác dụng và có mục đích đưa con người lên đến tuyệt đỉnh tinh hoa, lên đến mức toàn thiện toàn mỹ.

Vì thế, Trung Dung là một đạo khó theo, khó biết.

Đức Khổng nói:

«Ai cũng nói ta đây tài giỏi,

Đường trần hoàn rong ruổi ngược xuôi.

Sa vào cạm bẫy ngoài đời,

Sa hầm sụp hố thoát thôi dễ nào.

Ai cũng ỷ trí cao tài giỏi,

Theo Trung Dung không nổi tháng trời.»

(Trung Dung chương VII)

Ngài cũng nói:

«Người có thể trị yên thiên hạ.

Người có gan từ bả vinh hoa.

Gươm trần người dám bước qua,

Trung Dung đạo ấy khó mà người theo.»

(Trung Dung chương IX)

Đạo Trung Dung đòi hỏi:

1- Một tâm thần, trí lự sáng suốt, tinh tế, có thể suy xét và thấu đáo được huyền cơ vũ trụ và con người.

2- Nó đòi hỏi con người phải lãnh hội được rằng dưới tầng lớp nhân tâm đảo điên, nghiêng ngửa, còn có lớp thiên tâm tế vi ẩn áo, làm then chốt ở bên trong.

Vì thế Kinh Thư mới viết:

Nhân tâm duy nguy,

Đạo tâm duy vi,

Duy tinh, duy nhất,

Doãn chấp, quyết trung.

(Kinh Thư, Đại Vũ Mô, tiết 15.)

Dịch:

Lòng của trời siêu vi, huyền ảo,

Lòng con người điên đảo, ngã nghiêng,

Tinh ròng, chuyên nhất ngày đêm,

Ra công, ra sức, giữ nguyên lòng Trời.

3- Trung Dung phát khởi từ một niềm tin, một linh giác rằng con người thông phần bản tính của Trời, cho nên con người sinh ra đời, có mục đích tối hậu là thực hiện bản tính chí thiện ấy. Nói cách khác, con người phải học hỏi, suy tư cố gắng không ngừng, để tiến tới hoàn thiện, hoàn mỹ. Vì vậy mà ngay đầu sách Trung Dung đã mở đầu bằng mấy chữ:

«Thiên mệnh cũng chính là bản tính,

Đạo là noi theo tính bản nhiên…»

4- Nói theo từ ngữ đạo giáo thì Trung Dung dạy cho con người biết rằng Trời chẳng có đâu xa, mà Trời đã tiềm ẩn ngay trong lòng con người. Cho nên người quân tử phải biết kính sợ Trời tiềm ẩn trong lòng mình, tuy nhìn chẳng ra, nghe chẳng thấy:

Trung Dung viết:

«Thiên mệnh cũng chính là bản tính,

Đạo là noi theo tính bản nhiên.

Giáo là cách giữ đạo nên,

Đạo trời giây phút vẫn liền với ta.

Rời ta được đâu là đạo nữa.

Thế cho nên quân tử giữ gìn,

E dè cái mắt không nhìn.

Tai nghe không nổi cho nên hãi hùng.

Càng ẩn áo lại càng hiện rõ,

Càng siêu vi càng tỏ sáng nhiều.

Nên dù chiếc bóng tịch liêu,

Đã là quân tử chẳng xiêu lòng vàng.»

(Trung Dung I)

5- Tính mệnh, bản tính con người chính là Tính Trời đã phú cho con người, chính là mẫu mực hoàn thiện cho con người khuôn theo, cho nên con người chỉ việc nghe theo tiếng nói của lương tâm, theo dõi những định luật vĩnh cửu đã ghi tạc trong lòng mình mà phát huy dần dà các đức tính đã tiềm ẩn nơi mình để tiến tới hoàn thiện.

Kinh Thi viết:

«Trời sinh ra khắp muôn dân,

Vật nào phép ấy, định phân rành rành.

Lòng dân chứa sẵn căn lành,

Nên ưa những cái tinh thành tốt tươi.» [2]

Trung Dung viết:

«Đạo luôn gần gũi người đời,

Những ai lập đạo xa vời chúng nhân,

Hiếu kỳ, lập dị, là nhầm.

Kinh Thi viết:

Đẽo cán rìu, có liền bên cán mẫu,

Trông lại nhìn cố đấu cho in.

Ngắm đi ngắm lại liền liền,

Đẽo lui đẽo tới, mắt xem chưa vừa.

Nên quân tử khi lo giáo hóa,

Sửa trị người sẵn có khuôn người.

Thấy người giác ngộ thì thôi,

Đã chiều cải hóa liệu bài ta ngưng.»

(Trung Dung XIII)

6- Theo những khuôn phép mẫu mực đã ghi sẵn trong lòng con người, làm sáng tỏ thiên lương đã tiềm ẩn sẵn trong lòng con người; Trung Dung gọi là «Suất Tính», Đại Học gọi là «Minh Minh Đức» (làm bừng sáng ngọn lửa thiên chân tiềm ẩn đáy lòng). Sau này Vương Dương Minh gọi thế là «Trí Lương Tri».

Tóm lại, Trung Dung cũng như Tứ Thư, Ngũ Kinh, đưa ra quan niệm Trời chẳng xa người, và dạy người quân tử phải luôn luôn bắt chước Trời, theo gương Trời mà hành sự.

Kinh Thi viết:

«Trời xanh dẫn dắt chúng dân,

Như là tấu khúc nhạc huân, nhạc trì,

Trời, Người, đôi ngọc chương khuê,

Bên cho, bên lấy, đề huề, xiết bao,

Tay cầm, tay giắt, khéo sao,

Trời xanh, dẫn dắt dân nào khó chi.» [3]

Kinh Dịch viết: «Thiên hành kiện, quân tử dĩ tự cường bất tức.» (Kiền, Tượng. - Trời vận hành không ngừng nghỉ, người quân tử cũng phải bắt chước mà hoạt động không ngừng.

Như vậy Trung Dung chính là Thiên Đạo. Trung Dung là Thiên Đạo, vì:

- Nó tương ứng với phần Thần, phần Thiên, phần Thiên Địa chi tâm, Thiên Địa chi tính, phần «tính bản thiện» nơi con người.

- Nó hướng con người lên đến chỗ hoàn thiện, lên địa vị thánh nhân, sống phối kết với Thượng Đế ngay từ khi còn ở trần gian này.

Trung Dung viết:

«Chỉ có đấng chí thánh trong trần thế,

Mới có đầy đủ thông minh trí tuệ.

Y như thể có trời ẩn áo giáng lâm,

Mới khoan dung, hòa nhã, ôn thuần.

Y như có dung nhan Trời phất phưởng,

Phấn phát, tự cường, kiên cương, hùng dũng.

Y như là đã cầm giữ được sức thiêng;

Trang trọng, khiết tinh, trung chính, triền miên,

Y như thừa hưởng được đôi phần kính cẩn.

Nói năng văn vẻ rõ ràng, tường tận,

Y như là chia được phần thông suốt tinh vi.

Mênh mang sâu thẳm, ứng hiện phải thì,

Mênh mang như khung trời bao la vô hạn,

Sâu thẳm như vực muôn trùng thăm thẳm.

Thấy bóng ngài, dân một dạ kính tôn,

Nghe lời ngài, dân tin tưởng trọn niềm,

Ngài hành động: muôn dân đều hoan lạc.»

(Trung Dung XXXI)

C. ĐẠO THỐNG TRUNG DUNG

Xưa nay trong thiên hạ đã có một số thánh nhân đã đạt tới mức độ Trung Dung, đã đạt tới Trung Đạo, Thiên Đạo.

Riêng ở Trung Hoa, theo quan niệm Mạnh Tử, thì đã có những vị thánh nhân sau đây đắc đạo Trung Dung:

- Nghiêu                 - Thuấn

- Đại Võ                 - Cao Dao

- Thành Thang        - Y Doãn

- Lai Châu              - Văn Vương

- Thái Công Vọng   - Tản Nghi Sinh

- Khổng Tử.

Mạnh Tử lại cho rằng cứ 500 năm mới lại có một ít người đắc đạo Trung Dung: Từ Nghiêu, Thuấn, Võ, Cao Dao cho tới Thành Thang là 500 năm. Từ Thành Thang và hiền thần Y Doãn, Lai Châu cho tới Văn Vương là 500 năm. Từ Văn Vương và hiến thần là Thái Công Vọng, Tản Nghi Sinh cho tới Khổng Tử là 500 năm. (Xem Mạnh Tử, Tận Tâm chương, chương cú hạ, tiết 38).

Sau này, Miễn Trai tiên sinh đời Tống lại làm một bản thống kê những bậc thánh hiền từ thượng cổ đến đời Tống đã đắc đạo Trung Dung như sau:

- Nghiêu                

- Thuấn

- Thành Thang       

- Văn Vương

- Châu Công

- Khổng Tử

- Nhan Tử (Nhan Hồi)

- Tử Tư

- Mạnh Tử

- Chu Tử (Chu Liêm Khê)

- Nhị Trình (Trình Di và Trình Hạo)

- Chu Hi

(Xem Bửu Cầm, Tống Nho, trang 188- 193. Tống Nguyên Học Án, quyển 63, trang 2: Thánh hiền đạo thống truyền thụ tổng tự thuyết của Miễn Trai.)

Như vậy đức Khổng là một trong những vị thánh nhân đã đạt đạo Trung Dung.

Khảo Tứ Thư, Ngũ Kinh, và hai bản liệt kê các thánh hiền đã đạt đạo Trung Dung nói trên, ta thấy:

1- Trung Dung là một đạo cao siêu, không phải ai cũng lãnh hội được. Xưa nay chỉ mới có ít người đạt đạo Trung Dung.

Trung Dung có viết:

«Đạo thánh nhân to sao, to lớn quá,

Nó mênh mang biến hóa chúng nhân.

Nó cao, cao vút tới trời thẳm muôn tầm,

Nó rộng, rộng bát ngát khôn kể xiết.

Gồm thâu mọi điều lễ nghi chi tiết,

Bao uy nghi quán triệt hết chẳng trừ.

Đợi thánh nhân, Trời mới phú thác cho.

Không đức cả, Trời không ngưng đạo cả.»

(Trung Dung chương XXVII)

Vì vậy mà Trung Dung không tiếc lời khen ngợi đức Khổng:

«Đức Khổng tiếp nối đạo Thuấn Nghiêu,

Làm sáng tỏ lối đường Văn Võ.

Trên thuận thiên trời, dưới theo thủy thổ,

Như đất trời bát ngát bao la.

Che chở muôn loài khắp gần xa,

Như tứ thời luân lưu chuyển động.

Như nhật nguyệt hai vầng chiếu rạng,

Muôn loài cùng chung sống chẳng hại nhau.

Đi một chiều, chẳng phản bội chi đâu,

Tiểu Đức như sông ngòi dinh dưỡng.

Đại Đức luôn hóa sinh tăng trưởng,

Phép tắc trời cao cả xiết bao.»

(Trung Dung chương XXX)

Trung Dung viết thêm:

«Nên thanh danh ngài vang lừng Trung Quốc,

Vượt biên cương lan tới các nước ngoài.

Đâu xe có thể đi, người có thể tới lui,

Đâu có được trời che và đất chở.

Đâu còn nhật nguyệt hai vầng tở mở,

Đâu có móc đọng đâu có sương rơi.

Đâu còn có dòng máu nóng con người,

Ở nơi đó ngài vẫn được tôn sùng quí báu.

Thế nên gọi là”cùng trời phối ngẫu”.»

(Trung Dung chương XXXI)

2- Đạo Trung Dung là một đạo «nội giáo», «nội đạo» (tiếng Pháp là Esotérisme, do chữ Hi Lạp là «Eis» là «trong»). Nó đối nghịch với «ngoại giáo», «ngoại đạo» (Exotérisme) như Chính đối với Tà, như Chính Đạo đối với Bàng môn, tả đạo, như Chân đối với Giả, như Tinh Hoa đối với Thô Thiển, như Tinh thần đối với Hình thức bên ngoài …

3- Tất cả các vị thánh hiền đạt đạo Trung Dung, đều đã tìm ra được căn cốt Trời, Thiên Tính tiềm ẩn nơi lòng mình, và đã phát huy, đã thể hiện được Thiên Tính ấy. Ta có thể mượn ý một danh nho đất Quảng Nam là cụ Lương Gia Hòa mà toát lược Trung Dung, Trung Đạo, Đạo thống Trung Dung như sau:

«Trộm nghĩ rằng duyên do sinh Bát Quái, Lạc Thư

Làm chủ chốt cho cuộc trời đất doanh hư

Gồm Thái cực cả hai bề động tĩnh,

Làm chủ chốt cho muôn điều chân chính,

Thao túng hết vi diệu của Hoàng Thiên,

Duyên do ấy ngự trong thâm tâm ta ẩn áo an nhiên.

Làm vua Nghiêu treo cao gương đức cả.

Làm vua Thuấn, kính tin vô tư lự,

Cho Đại Võ nương vào khi giáo hóa,

Cho Cao Dao lấy đó để dạy đời,

Thành Thang nhờ đó nên hiền thánh hơn người,

Y Doãn Lai Châu nương vào nên nhân đức.

Văn Vương những ước mơ mà chưa thấy được

Võ Vương, Châu Công rong ruổi trên đường ngài.

Ngài cho đức Khổng biết chóng, chậm, tiến, lui,

Cái thuật ấy xưa nay, ai vượt nổi,

Cảm thấy Ngài cao, chắc trước sau vươn khó tới,

Như Nhan Hồi thiên hạ dễ mấy mươi.

Đạo”nhất quán” thầy Tăng thấy nơi người,

Mạnh Tử nhờ đức tài bồi”Hạo nhiên chi khí”.»

(Phỏng dịch bài Trung Dung phú của cụ Lương Gia Hòa - Xem Cổ học tinh hoa Quảng Nam, Thu, Canh Tý, 1960, trang 21.)

Tóm lại, nói rằng đức Khổng là một người đã đạt đạo Trung Dung, đã được đạo thống Trung Dung là một lời khen hết sức lớn lao vậy.


CHÚ THÍCH

[1] Chu Tử viết: «Mỗ yêu nhân, tiên độc Đại Học dĩ định kỳ qui mô, thứ độc Luận Ngữ dĩ lập kỳ căn bản, thứ độc Mạnh Tử dĩ quan kỳ phát việt, thứ độc Trung Dung dĩ cầu cổ nhân chi vi diệu. – Thánh tổ ngự chế Tứ Thư, Ngũ Kinh, Tính Lý đại toàn, Đại Học trang 11.

[2] Thiên sinh chưng dân, hữu vật hữu tắc; Dân chi bỉnh di, hảo thị ý đức. (Kinh Thi, Chưng Dân).

[3] Thiên chi dũ dân, Như huân như trì, Như chương như Khuê, Như thủ như huề, Huề vô viết ích, Dũ dân khổng dịch. Kinh Thi, Đại Nhã, Sinh Dân, thập chương, Bản, lục chương. (James Legge, tr. 502)


Mục lục | Phi lộ | chương 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13  14  15  16  17  18  19  20

Đính chính gia phả đức Khổng | Phụ lục | Sách tham khảo