CHÂN DUNG KHỔNG TỬ

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

Mục lục | Phi lộ | chương 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13  14  15  16  17  18  19  20

Đính chính gia phả đức Khổng | Phụ lục | Sách tham khảo


Chương 13

Đức Khổng, một thi sĩ

 

 

Người ta thường hình dung đức Khổng như là một vị thánh nhân đạo mạo, khắc khổ, nhưng khảo sát kỹ đời sống Ngài, ta thấy Ngài thật là một con người có tâm hồn thi sĩ.

Ngài không để lại một bài thơ nào do Ngài sáng tác, nhưng Ngài thật là một con người yêu thơ.

Ngài chẳng những san định lại Kinh Thi mà còn phổ Kinh Thi vào nhạc.

Tư Mã Thiên viết: «Đức Khổng đem ba trăm lẻ năm thiên Kinh Thi ra mà đàn ca cho hợp với âm thanh của Thiều, Vũ, Nhã, Tụng.» [1]

Khổng Tử Thế Gia còn chép: «Ngày xưa Thi có hơn ba ngàn thiên, Khổng Tử san khứ phần trùng phức, chỉ lấy những thiên hợp với lễ nghĩa, trước nhặt các bài từ đời Tiết, Hậu Tắc, đến các bài thuật sự hưng thịnh đời Ân, Chu, sau là các bài nói về sự khuyết điểm của U Vương và Lệ Vương, gồm có 305 thiên.» [2]

Có điều này lạ lùng là đức Khổng yêu thơ nhất là lúc Ngài trở về già. Tuy cuộc đời phiêu lưu tranh đấu cho đạo lý của Ngài đã không mang lại thắng lợi nhãn tiền cho Ngài, nhưng Ngài chẳng vì thế mà trở nên yếm thế. Càng già, Ngài càng trở nên hồn nhiên, yêu đời, yêu vẻ đẹp thiên nhiên.

Ngài khen Tăng Tích, vì Tăng Tích đã sống tiêu sái hồn nhiên, muốn cùng ít nhiều bạn trẻ, vào những ngày cuối xuân ấm áp, tắm mát ở sông Nghi, hóng gió ở đàn Vũ Vu; rồi trên đường về, cùng nhau ca vịnh cho vui. (LN, XI, 25)

Thế tức là đức Khổng cũng chủ trương:

«Đành vũ trụ ấy ngô nhân phận sự,

Cũng tiêu dao cho tuế nguyệt thêm trường.

Vân thương thương hề thủy thương thương,

Phong quang ấy người sao nỡ phụ!»

(Nguyễn Công Trứ, Kiếp Nhân Sinh) [3]

Ngài bắt đầu san định Kinh Thi, khi Ngài trở về Lỗ. Lúc ấy Ngài đã 68 tuổi. Ngài nói: «Sau khi ta từ Vệ trở về Lỗ, ta chỉnh đốn Kinh Nhạc, và san định lại Nhã, Tụng (Kinh Thi)» (LN, IX, 14).

Trong khi giảng dạy học trò, Ngài thường nói đến kinh Thi, kinh Thư, kinh Lễ (LN, VII, 17). Ngài cũng đã nhiều lần trích dẫn cổ thi (LN, IX, 29) hoặc kinh Thi để giảng dạy (ĐH III; TD XIII, XV, XVI, v.v…)

Ngài đặc biệt khuyến khích con mình là Bá Ngư nên học Kinh Thi (LN, XVI, 13), nhất là hai thiên Chu Nam và Thiệu Nam (LN, XVII, 10).

Ngài cũng dạy đệ tử phải học Kinh Thi để:

- Gây niềm hứng khởi cho mình.

- Cảm thông hòa hợp với người.

- Biết oán ghét những gì dở dang chếch mác.

- Biết hiếu.

- Biết trung.

- Trau giồi thêm kiến thức (biết thêm các tên thảo, mộc, điểu, thú, ngư, cầm) (LN, XVII, 9).

Ngài chủ trương:

- Học Kinh Thi để lòng thêm hứng khởi vui sống.

- Học Kinh Lễ để biết tuân theo định luật tự nhiên mà ở ăn.

- Học Nhạc để cho con người trở nên vẹn hảo, hòa hợp được với nhân quần, với vũ trụ (LN, XII, 9).

Ngài cho rằng học Kinh Thi cho phải, sẽ làm cho lòng mình trở nên xởi lởi, hồn nhiên, cởi mở, không còn nghĩ ngợi lăng nhăng tà vạy. (LN, II, 2).

Nhờ ảnh hưởng của Ngài mà thơ cũng như thi nhân sau này có một địa vị quan trọng trong nền văn học Đông Á. Các Nho gia cự phách sau này, như Chu Liêm Khê, Nhị Trình (Trình Di, Trình Hạo), Chu Hi, Vương Dương Minh ở Trung Hoa, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Công Trứ, Yên Đổ, Nguyễn Du, v.v… ở Việt Nam, sau một thời gian xuất chính, tích cực xây dựng cho non sông đất nước, đều trở về với thú điền viên, ngâm phong, lộng nguyệt, khiến cho lòng hồn nhiên, phơi phới như Tăng Tích xưa cùng bè bạn trên bờ sông Nghi, hoặc trên đàn Vũ Vu (LN, XI, 25. - Khổng Học Đăng II, trang 685: Ngâm phong lộng nguyệt dĩ qui hữu ngô dữ Điểm dã chi ý.)

Đức Khổng với Kinh Thi

Đức Khổng khuyên ta nên đọc Kinh Thi. Vậy trong chương này, ta sẽ nghiên cứu Kinh Thi một cách khái quát, với mục đích tìm hiểu tâm hồn thi nhân muôn thuở, qua những hình thức thi ca, và nhân đó hiểu thêm về tâm hồn đức Khổng. Kinh Thi lúc này đối với ta sẽ là phương tiện gián tiếp để «phân tâm», để đi sâu vào tâm tư đức Khổng, để tìm thêm những nét đặc thù, tô điểm cho bức chân dung Ngài càng ngày càng trở nên linh động, chính xác.

Bộ Kinh Thi với 305 bài thơ mà đức Khổng đã san định là cả một cuộc triển lãm sống động về nhân tình thế thái, về lòng tin tưởng, về đạo đức của người xưa.

Kinh Thi chia làm ba phần:

1. Quốc Phong (160 thiên)

Gồm các bài ca dao của 15 nước: Chu Nam, Thiệu Nam, Bội, Dung, Vệ, Vương, Trịnh, Tề, Ngụy, Đường, Trần, tần, Cối, Tào, Bân. Các nước này đều ở về phía bắc nước Trung Hoa.

Ta có bản địa đồ sơ lược sau đây:

(Phỏng theo Cursus litteraturæ sinicæ của Zottoli, volumen tertium.)

2. Nhã (105 thiên)

Gồm những bài hát ở nơi triều đình, miếu mạo. Nhã chia làm:

a. Tiểu Nhã (74 thiên) gồm những bài thơ dùng trong những trường hợp không quan trọng, như yến tiệc.

b. Đại Nhã (31 thiên) gồm những bài thơ dùng trong những trường hợp quan trọng, như khi thiên tử họp vua chư hầu, hoặc tế ở miếu đường.

3. Tụng (40 thiên)

Gồm những bài ca tụng các đời vua trước và dùng để hát múa nơi miếu đường.

Tụng gồm có:

- Chu Tụng, 31 thiên

- Lỗ Tụng, 4 thiên

- Thương Tụng, 5 thiên.

Kinh Thi cũng như các sách Nho khác, đã gặp nạn «phần thư» (đốt sách) đời Tần.

Đến đời Hán, có 4 bản Kinh Thi xuất hiện:

- Lỗ Thi của Thân Bồi.

- Tề Thi của Viên Cố Sinh.

- Hàn Thi của Hàn Anh.

- Mao Thi của Mao Hanh và Mao Trường.

Nay chỉ còn truyền tụng lại bản Mao Thi.

NỘI DUNG KINH THI

Đọc Kinh Thi ta thấy như cả một dân tộc xa xưa đang sống dưới những vần thơ linh động.

Đọc Kinh Thi ta thấy hiện ra trước mắt:

- Niềm tín ngưỡng sâu xa của người xưa về Thượng Đế.[4]

- Nguyện ước sâu xa của thánh hiền thiên cổ là sống phối kết với Thượng Đế (Ân chi vị táng sư khắc phối Thượng Đế) (Đại Nhã, Văn Vương) (Xem thêm Đại Nhã, Bản, và Hoàng Hĩ).

Đọc Kinh Thi ta thấy phơi bày ra mọi hạng người hay, dở trong xã hội, đại loại:

- Con thảo, dâu hiền (Chu Nam, Cát Đàm. - Đường Phong, Bảo Vũ).

- Những anh em vẹn tình cốt nhục (Bội Phong, Nhị tử thừa chu).

- Những cặp vợ chồng keo sơn gắn bó (Chu Nam, Quan Quan. - Chu Nam, Quyền NHĩ. - Chu Nam, Nhữ Phần. - Thiệu Nam, Thảo Trùng; Ẩn kỳ lôi; hà bỉ nùng hĩ, v.v…)

- Những bậc lãnh đạo anh minh một lòng vì dân, vì nước (Đại Nhã, Văn Vương, Hạn Lộc; Tư Trai; Sinh Dân, v.v…)

Nhưng ngược lai ta cũng thấy:

- Những vị vua chua hoang dâm (Trần Phong, Tru Lâm), bất tài, bất lực (Đại Nhã, Chiêm Ngưỡng; Thiệu Mân; Uất Liễu.)

- Những vị quan tham nhũng (Tào Phong, Hậu Nhân. - Ngụy Phong, Thạc Thử. - Đường Phong, Cao Cầu.)

- Những đàn bà dâm loạn (Tề Phong, Tề Cẩu; Tái Khu, v.v…)

- Những bà mẹ bỏ con để đi tái giá (Bội Phong, Khải Phong.)

- Những cặp nhân tình hẹn hò (Trần Phong, Đông môn chi dương); ngõ liễu hoa tường (Tề Phong, Đông phương chi nhật. - Trịnh Phong, Thương Trọng Tử.)

Kinh Thi phơi bày ra mọi hoạt cảnh của xã hội. Ta thấy:

- Những cảnh trai thanh, gái lịch, rộn rực yêu đương, đem trăng, sao, hoa, lá, đem cảnh vật, điểm tô cho tình thương, nỗi nhớ; mượn vật, mượn cảnh để nói lên nỗi niềm tha thiết yêu đương, tương tư, sầu bi, khắc khoải, nhớ mong. (Xem Chu Nam, Thư Cưu. - Bội Phong, Tình Nữ. - Dung Phong, Tang Trung. - Trịng Phong, Xuất kỳ Đông môn; Tử Khâm; Phong Vũ; Đông Môn; Phong; Tuân đại lộ. - Vương Phong, Thái Cát. - Dung Phong, Đế Đống, v.v…)

- Những cảnh vui xuân hồn nhiên giữa gái trai trên những dòng sông xuân, lồng vẻ xuân tươi thắm. (Trịnh Phong, Trăn dữ Vĩ)

- Những cảnh nợ nước tình nhà rối ren, khó gỡ. Bận lo toan việc vua chúa, thời lại bỏ mất bổn phận săn sóc gia đình; thương cha xót mẹ không người định tỉnh thần hôn. (Tiểu Nhã, Tứ Mẫu. - Đường Phong, Bảo Vũ)

- Những cảnh trị dân bê tha, bạo tàn, tham nhũng, làm cho dân sống lắt lay, cơ cực (Ngụy Phong, Thạc Thử. - Tần Phong, Hoàng Điểu. - Tiểu Nhã, Vũ vô chính; Thập nguyệt chi giao; Tiểu Mân; Bắc Sơn; Cổ Chung, v.v…)

- Những cảnh chinh chiến phân ly, những cảnh chiến xa, chiến mã đưa người chinh phu ra nơi quan ải, làm cho lòng người khuê phụ ở nhà sầu thương man mác (Tần Phong, Tiểu Nhung. - Đường Phong, Cát Sinh, v.v…)

- Những cảnh quân sĩ, viễn chinh lâu ngày, hồi hương; trên đường về mường tưởng như nhà cũ, vườn xưa đã trở nên xác xơ, hoang vắng, mặc cho nhện giăng tơ, bầu thòng quả, hươu chạy, đóm bay (Bân Phong, Ngã tồ Đông sơn….

Nghệ thuật diễn tả trong Kinh Thi

Đối với một người có tâm hồn mộc mạc, hồn nhiên, biết rung động trước cảnh sắc thiên nhiên, thì cái gì cũng trở nên nguồn thơ sóng nhạc; cái gì cũng có thể mượn được để làm đề tài ngâm vịnh.

Tiếng gà eo óc lúc bình minh (Trịnh Phong, PhongVũ), tiếng chim gù ghì ngoài bãi vắng (Chu Nam, Quan Quan), tiếng oanh lo líu trên cành (Bân Phong, Tất Nguyệt), đôi cánh phù du trước gió (Tào Phong, Phù Du), con nhện giăng tơ, quả bầu lủng lẳng (Bân Phong, Đông Sơn), thậm chí đến mưa sa tuyết rơi (Trịnh Phong, PhongVũ), gió gào (Trịnh Phong, PhongVũ), sấm động (Thiệu Nam, Ẩn kỳ lôi), nhất nhất cái gì cũng trở nên trào thơ, nguồn hứng; cái gì cũng có thể dùng để điểm tô, để gửi gấm, để đưa đà cho một mối tâm tình, một bầu tâm sự, một ước mơ hay một khát vọng.

Nghệ thuật của thi nhân là làm cho tất cả tâm tình, tất cả cảnh vật trở nên rạo rực, trở nên sống động rạt rào bằng những âm vận, bằng những cảnh sắc, bằng những nhịp điệu.

Lời thơ đọc lên có âm có vận, lúc chậm lúc nhanh, lúc vắn lúc dài, biến ảo linh động, rộn rã âm thanh, chứa chan tình tứ, rực rỡ sắc màu.

Thơ tuy có thiên có chương có cú, nhưng không trang nào giống trang nào.

Các câu thơ dài vắn thường khi không đều; vắn thời ba chữ, dài thời chín, mười chữ không chừng, theo nhau tùy điệu, tùy hứng. Đọc lời thơ, ta thấy thần thơ, tứ thơ rạt rào, cuồn cuộn bên trong, lôi cuốn âm thanh và từ ngữ theo hứng lòng, theo nhịp khoái cảm, chứ không gò gập theo một khuôn khổ nhất định nào.

Vần thơ có yêu vận, cước vận; những chữ «chi», chữ «hề» thường được dùng để cho bài thơ có một âm điệu, một duyên dáng huyền kỳ. (Ngụy Phong, Phạt Đàn. - Chu Nam, Sâm si hạnh thái).

Thơ làm theo nhiều lối:

- Nói ngay, nói thẳng (Phú)

- Nói quanh co, mượn cảnh vật làm nhịp cầu để vào đề (Hứng).

- Nói bóng, nói gió, nói xa, nói gần (Tỉ)

Một nghệ thuật hành văn đặc biệt của Kinh Thi là cách khai thác triệt để song ngữ, điệp ngữ để tả tình, tả cảnh.

Kinh Thi dùng điệp ngữ để bắt chước tiếng chim véo von (anh anh), tiếng gà eo óc (giê giê, kiêu kiêu) (Trịnh Phong, Phong Vũ), tiếng búa choang choang (khảm khảm) (Phạt Đàn); để diễn tả sắc màu mơn mởn của đào tơ, liễu yếu (Đào chi yêu yêu, kỳ diệp tần tần); mô tả những nỗi băn khoăn, khắc khoải của tâm tư (thảm thảm, đát đát, chuyết chuyết; túc túc, đao đao, v.v…)

Kinh Thi còn áp dụng lối thơ điệp khúc, lối diễn xuất tiệm tăng, tiệm tiến, thêu đi, dệt lại một hoạt cảnh. Mỗi chương thơ mới lại y như một bộ mặt cũ hóa trang cho mới mẻ thêm ít nhiều; lại y như một đợt sóng mới của ngọn nước triều dâng: đợt sóng này tiếp đợt sóng kia, tràn vào bờ, tuy có giống nhau, nhưng mà vẫn có khác nhau.

Kinh Thi dùng lời thơ mà mô tả vạn sự: Tả cảnh, tả tình. Mọi khía cạnh của đời sống con người lần lượt hiện lên, tân kỳ, biến ảo, như những ảnh tượng trong ống kính vạn hoa.

Trong Kinh Thi chữ hán cũng biến chuyển khôn cùng: nhiều chữ không còn đọc theo nguyên âm nữa, mà phải đọc trại đi cho hợp vần, hợp giọng. Nếu ta cứ đọc đúng theo mặt chữ thì không còn ra âm điệu gì nữa…

Như vậy muốn thưởng thức Kinh Thi, ta phải như người chơi hoa, chơi cảnh, phải có thời giờ mà thưởng thức mới thấy được hết cái hay.

Một vài bài thơ trong Kinh Thi

Muốn thưởng thức Kinh Thi dĩ nhiên là phải đọc chính văn, chính bản. Nhưng nếu chúng ta đi ngay vào chính văn, chính bản, thì e thế nào lúc mới, cũng chập chững, ngỡ ngàng. Chi bằng chúng ta hãy cùng nhau thưởng thức Kinh Thi qua ít nhiều bản dịch.

Dưới đây là một vài vần thơ dịch:

1. Thạc nhân (Vệ Phong)

Tay ai như cái gianh non,

Da như mỡ đọng! cổ như con nhạy dài!

Hạt bầu như thể răng ai!

Đầu trăn! Mà lại mày ngài thêm xinh!

Hai con mắt tốt long lanh!

Miện cười tươi đẹp, khéo sinh tình, càng ưa…

(Kinh Thi, Tản Đà, tr. 175)

2. Hữu nữ đồng xa (Trịnh Phong)

Chung xe chàng có cô em gái,

Mặt như hoa, xinh hỡi là xinh.

Dáng nàng uyển chuyển hữu tình,

Hoa cài ngọc dắt, rung rinh bên người.

Nàng Khương xuân sắc xinh tươi,

Trên đời hồ dễ mấy ai như nàng.

*

Đi cùng chàng có cô em gái,

Mặt như hoa, phơi phới tươi xinh.

Dáng nàng uyển chuyển hữu tình,

Hoa kia ngọc nọ, rung rinh rộn ràng.

Đẹp thay cô gái Mạnh Khương,

Nết na đức hạnh chi nhường cho ai.

(Bản dịch Nguyễn Văn Thọ)

3. Xuất kỳ Đông môn (Trịnh Phong)

Vui chân ra phía cửa đông,

Gái đâu óng ả mơ màng như mây.

Gái đâu uyển chuyển mây bay,

Dẫu như mây đẹp ta đây chẳng màng.

Vợ ta áo trắng khăn lam,

Khăn lam áo trắng vẫn làm ta vui.

*

Vui chân ra phía địch lâu,

Mặt hoa da phấn gái đâu thế này.

Mặt hoa ta cũng chẳng say,

Vợ ta mộc mạc, ta đây vừa lòng.

(Bản dịch của tác giả)

4. Khiên thường (Trịnh Phong)

Anh nhớ em, vén xiêm em lội,

Qua sông Trăn em vội em sang.

Như anh chẳng khứng ngó ngàng,

Trên đời khối kẻ hoàn toàn hơn anh !

Sao anh vẫn thói trẻ ranh?

(Bản dịch của tác giả)

5. Trăn dữ Vĩ (Trịnh Phong)

Con sông Trăn với con sông Vĩ,

Nước trong veo, lồng vẻ xuân tươi.

Trai thanh gái lịch đua chơi,

Từng đoàn lũ lượt, tươi cười thênh thang.

Nàng ướm hỏi: Anh sang xem thử,

Chàng vội thưa: Xem đủ lắm rồi.

Nàng rằng sang nữa mà coi,

Bên kia sông Vĩ có nơi rỡn đùa.

Gái sang, trai cũng đua sang với,

Gái cùng trai thỏa mãn vui đùa.

Đem hoa thược dược tặng cho,

Đem hoa thược dược hẹn hò cùng nhau.

*

Con sông Trăn với con sông Vĩ,

Nước mênh mông lồng vẻ xinh tươi.

Trai thanh gái lịch đua chơi,

Hoa lan mấy đóa kẻ cài người mang.

Nàng ướm hỏi: Anh sang xem thử,

Chàng vội thưa: Xem đủ lắm rồi.

Nàng rằng sang nữa mà coi,

Bên kia sông Vĩ có nơi rỡn đùa.

Đem hoa thược dược tặng cho,

Đem hoa thược dược hẹn hò cùng nhau.

(Bản dịch Nguyễn Văn Thọ)

6. Tiểu nhung (Tần Phong)

Chiến xa chàng nhỏ lại xinh,

Đần xe sóng lượn năm vành da bao.

Đai trơn lồng xấp cương đào,

Vàng tô khoen trắng, lẫn vào hàm xe.

Trục dài, xe trải hổ bì,

Ngựa Kỳ, ngựa Chức, lông khoe sắc mầu.

Chinh phu nhớ tới thêm sầu,

Chinh phu mỹ mạo ta đâu bây giờ?

Chàng thời ván liếp thô sơ,

Em thời thương nhớ tơ vò niềm tây.

Xe chàng bốn ngựa phây phây,

Sáu dây cương ngựa một tay chàng dòng.

Kỳ, Lưu, hai ngựa bên trong,

Qua, Ly, hai ngựa song song bên ngoài.

Thuẫn rồng đã ghép thành đôi,

Vòng khoen dây thắng chưa phôi ánh vàng.

Nhớ chàng dạ những bàng hoàng,

Nhớ ai mỹ mạo bạt ngàn thành xa.

Khi nào chàng trở lại nhà?

Nhớ chàng thắm thiết biết là mấy mươi!

*

Ngựa chàng giáp thắng hẳn hoi,

Cầu mâu ba chẽ sáng ngời vàng tô.

Khiên chàng lông vẽ nên hoa,

Bao cung da hổ bạc tra phía ngoài.

Trong bao cung chập một đôi,

Lồng trong kẹp trúc, cánh gài sẵn dây.

Nhớ chàng lòng dạ khôn khuây,

Nhớ đêm khi ngủ, nhớ ngày khi chong.

Nhớ ai đi mấy thong dong,

Nết na thuần cẩn, tiếng lừng gần xa.

(Bản dịch của tác giả)

7. Nguyệt xuất (Trần Phong)

Vầng trăng vằng vặc giữa trời,

Người đâu nhan sắc rạng ngời ánh hoa.

Sầu vương ai gỡ cho ra,

Nỗi lòng khắc khoải bao giờ mới khuây.

*

Vầng trăng vằng vặc giữa trời,

Người đâu ngọc nói hoa cười trớ trêu.

Nỗi buồn càng dập càng khêu,

Tình thương nỗi nhớ trăm chiều vò tơ.

*

Vầng trăng sáng quắc đều trời,

Người đâu rực rỡ rạng ngời ánh hoa.

Sầu này ai gỡ cho ra,

Trăm thương nghìn nhớ, lòng ta tơ vò.

(Bản dịch của tác giả)

8. Đông sơn (Bân Phong)

Đông sơn từ buổi chinh yên,

Ngày qua tháng lại triền miên chẳng về.

Ngày ta nhẹ bước hồi quy,

Mưa bay lất phất lâm li mấy hồi.

Ngàn đông từ dáng quân lui,

Sầu dâng lòng thét, non đoài nhớ quê.

Y thường đã sẵn mọi bề,

Rồi đây hết chuyện đi về ngậm tăm.

Sâu dâu lổn nhổn nó nằm

Ngàn dâu bát ngát lăng xăng nó bò.

Canh khuya chiếc bóng co ro,

Canh khuya hồn mộng thẫn thờ bên xe.

*

Đông sơn từ buổi chinh yên,

Tháng ngày đằng đẵng, triền miên khó về.

Ngày ta nhẹ bước hồi quy,

Mưa bay lất phất lâm li mấy hồi.

Bầu kia chắc đã sinh sôi,

Quả thòng, lủng lẳng lôi thôi đầu nhà.

Bọ mát chắc khắp buồng ta,

Nhện kia trước cửa chắc đà giăng tơ.

Vườn ta hươu chắc nhởn nhơ,

Lập lòe đom đóm nó đùa nó bay.

Nghĩ càng sợ hãi lắm thay,

Nỗi lòng canh cánh, niềm tây thẫn thờ.

*

Đông sơn từ buổi chinh yên,

Tháng ngày đằng đẵng, triền miên chẳng về.

Những từ trở ngọn chinh kỳ

Mưa bay lất phất lâm li mấy hồi.

Cò trên tổ kiến kêu chơi,

Phòng khuê chinh phụ bồi hồi thở than.

Cửa nhà kìa đã sửa sang,

Ta nay phút đã lai hoàn nhà ta.

Khổ qua cành lật la đà,

Kể từ xa cách tính vừa ba năm.

*

Ta từ nhẹ bước chinh yên,

Tháng ngày đằng đẵng, triền miên chẳng về.

Những từ trở bóng chinh kỳ,

Mưa bay lất phất lâm li mấy hồi.

Con oanh bay lượn rong chơi,

Lấp loa lấp loáng như phơi cánh vàng.

Vu quy óng ả mấy nàng,

Ngựa vàng ngựa đỏ đàng hoàng đón đưa.

Ân cần mẹ thắt khăn tua,

Chín mười thôi thế đã vừa tiện nghi.

Tình nay nếu đáng chuốc vì,

Duyên xưa thắm thiết nói chi cho cùng.

(Bản dịch của tác giả)

Ích lợi của Kinh Thi

Đọc Kinh Thi chúng ta thấy dân Trung Hoa xưa đã biết sống một đời sống thuần phác, hòa mình với thiên nhiên và cảnh sắc. Tuy họ cần cù lao tác suốt tháng suốt năm, nhưng vẫn biết sống hồn nhiên rạt rào nhựa sống, vẫn biết thương yêu tha thiết, gửi gấm cho người mình yêu những gì cao quí nhất của tâm hồn, đem cảnh sắc, trời mây, hoa lá mà cài lên, tô điểm cho tình ái, tâm tư…

Cái lối sống thơ mộng hồn nhiên ấy đã biến cái thế giới thô sơ, mộc mạc của thời xưa thành một khung cảnh đẹp đẽ, làm cho cuộc đời vơi bớt đi vẻ trần ai tục lụy…

Đức Khổng khuyên ta đọc Kinh Thi, muốn cho chúng ta yêu thơ, là muốn chúng ta đem thi hứng vào tâm hồn, làm cho chúng ta nên hồn nhiên sống động, vui tươi, xởi lởi, chấp nhận những cái éo le dang dở của cuộc đời, nhưng vẫn tích cực sửa sang cho hết những chếch mác, dở dang ấy, hoặc bằng những hoạt động tích cực trực tiếp, hoặc bằng những lời bao biếm, bóng gió, chỉ trích, phê bình…

Khi chúng ta đã biết yêu thơ, khi chúng ta đã có hồn thơ, chúng ta sẽ nhìn thấy những vẻ đẹp lung linh của trời đất, của trăng sao, của cành đào ngà nghiêng trước gió, của vì sao mai lấp lánh lúc bình minh, chúng ta sẽ nghe thấy tiếng rạo rực của tâm tư, tiếng xuyến xao của muôn vật, và nhờ đó chúng ta sẽ sống một đời sống đẹp đẽ hơn, duyên dáng hơn.

Tóm lại, đức Khổng đã sống một cuộc đời hào hứng, thơ mộng, và Ngài đã khuyên ta học Kinh Thi, để cũng có được một đời sống đẹp đẽ thơ mộng như Ngài. «Hưng ư thi» là như thế vậy…


CHÚ THÍCH

[1] Tam bách ngũ thiên, Khổng Tử giai huyền ca chi, dĩ cầu hợp Thiều, Vũ, Nhã, Tụng chi âm. (Sử Ký Tư Mã Thiên, chương Khổng Tử thế gia.)

[2] Cổ giả Thi tam thiên dư thiên; cập chí Khổng Tử, khứ kỳ trùng, thủ khả thi ư lễ nghĩa; thượng thái Tiết, Hậu Tắc; trung thuật Ân Chu chi thịnh, chí U Lệ chi khuyết… tam bách ngũ thiên. (Sử Ký Tư Mã Thiên, chương Khổng Tử thế gia) (Xem lời dẫn nhập: Tìm hiểu kinh Thi của giáo sư Bửu Cầm, trong Thi Kinh tập Truyện của Tạ Quang Phát, q. 1, trang xviii, xix).

[3] Đọc thêm:

– Lược khảo Kinh Thi của Trần Trọng San, đăng trong Văn Hóa Á Châu, tháng 6/1958, tr. 57; tháng 7/1958, tr. 65; và Ảnh Hưởng Kinh Thi, Văn Hóa Á Châu, tháng 9/1959, tr. 23.

– Trương Tửu, Kinh Thi Việt Nam.

– Kinh Thi, Tạ Quang Phát.

– Kinh Thi, Tản Đà.

– James Legge, The She King, Prolegomena.

– Liber Carminum của P. Angelo Zottoli.

[4] Xem: Đường Phong, Bảo vũ. – Tần Phong, Hoàng điểu. Tiểu Nhã: Lộc Minh, Đông Cung; Kỳ Phụ; Tiểu Mân; Bắc Sơn; Tang Hộ, v.v… Đại Nhã: Văn Vương, Sinh Dân; Đãng, v.v….

Xem James Legge, The She King, Prolegomena, p. 131.


Mục lục | Phi lộ | chương 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13  14  15  16  17  18  19  20

Đính chính gia phả đức Khổng | Phụ lục | Sách tham khảo