CHÂN DUNG KHỔNG TỬ

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

Mục lục | Phi lộ | chương 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13  14  15  16  17  18  19  20

Đính chính gia phả đức Khổng | Phụ lục | Sách tham khảo


Chương 5

Đức Khổng dưới mắt ít nhiều phê bình gia và đệ tử

 

Trước khi đi sâu hơn vào cuộc đời, vào tâm tư, nguyện vọng và học thuyết Khổng Tử, ta hãy thành khẩn trình bày những lời khen chê đức Khổng để chứng minh chúng ta luôn luôn nhìn vào sự thật, nhìn tỏ sự thật; rồi mới công bình phê phán, và cũng là để chứng minh chúng ta đi vào học thuyết Khổng Tử không phải một cách mù quáng mà chính là sau khi đã cân nhắc mọi lời khen chê, mọi thái độ khinh trọng.

Trải ngót 2500 năm nay, đức Khổng được khen cũng nhiều mà bị chê cũng lắm.

Sự phê bình chỉ trích cũng như những lời tán tụng, khen lao đã phát khởi ngay từ khi Ngài còn sinh thời.

Các ẩn sĩ thời Xuân Thu, như Tràng Thư, Kiệt Nịch, cho rằng sự suy vong, loạn lạc trong thiên hạ như ba đào muôn đợt trập trùng, làm sao mà ngăn chận được. Chẳng thà lánh đời còn hơn.

Nhưng đức Khổng chủ trương ngược lại: gặp trắc trở khó khăn không thể nhắm mắt buông xuôi, mặc cho dòng đời lôi cuốn. Đời càng dang dở, lại càng phải lo liệu lý, kinh luân, cải thiện. (LN XVIII, 6).

- Sở Cuồng Tiếp Dư cho rằng đức Khổng làm một công trình viển vông, vô ích. Vả lại đâm vào vòng chính trị, tức là lao mình vào một môi trường nguy hiểm khôn cùng. Sở Cuồng Tiếp Dư hát:

«Phượng ơi, phượng ơi,

Đức người suy rồi,

Tương lai còn mờ mịt,

Dĩ vãng đã xa xôi,

Thôi đừng khuyên đạo đức,

Cẩn thận kẻo lụy ngươi,

Chính trường nay gian hiểm,

Đọa lạc biết bao người.» (LN XVIII, 5).

- Án Anh, thừa tướng nước Tề, khuyên Tề Cảnh Công không nên dùng Khổng Tử, vì Nho gia chỉ là những người hoạt kê, lợi khẩu, mà không có phương pháp hoạt động thiết thực; kiêu căng, tự thị nên không thể dùng làm bầy tôi; phí phao gia tài sản nghiệp để lo tang ma, tống táng; muốn phục hồi những lễ nghi phiền toái thời xưa, vì thế chẳng có lợi cho dân (xem Sử Ký Tư Mã Thiên, chương Khổng Tử thế gia, Khổng Tử 35 tuổi).

- Ngược lại, Tử Tây, đại phu nước Sở, lại can Sở Chiêu Vương không nên cắt đất Thư Xã phong cho đức Khổng, vì đức Khổng có thể từ cứ điểm ấy mà dựng nên nghiệp vương như vua Văn, vua Võ; gồm thâu thiên hạ vào trong tay và sẽ làm cho Sở quốc suy vi, lụn bại (xem Sử Ký Tư Mã Thiên, chương Khổng Tử thế gia, Khổng Tử 63 tuổi).

- Nhiều người khác như Trần Cang (Trần Tử Cầm) (LN XIX, 25), Thúc Tôn Võ Thúc (LN XIX, 24) lại cho rằng đức Khổng cũng chẳng tài đức gì hơn Tử Cống môn đệ Ngài.

- Nhưng các cao đệ Ngài đều hết sức khâm phục, ngưỡng mộ Ngài, và cho rằng phàm nhân sở dĩ không hiểu Ngài, là vì chưa đủ khả năng, chưa đủ tầm kích mà hiểu Ngài, y thức như một người đi ở ngoài đường bị bức tường cao ngăn chận, không sao nhìn thấy được những đồ quý báu trần thiết bên trong nhà. (LN XIX, 23).

- Tử Cống cho rằng tài đức đức Khổng cao trổi như hai vầng nhật nguyệt, không thể ai vượt nổi (LN XIX, 24).

- Tể Ngã nói: Theo sự quan sát của tôi, Thầy chúng ta hơn vua Nghiêu, Thuấn xa (MT Công Tôn Sửu thượng 2).

- Hữu Nhược cho rằng đức Khổng là một vị thánh nhân siêu quần, bạt tụy (MT Công Tôn Sửu thượng 2).

- Tăng Tử cho rằng đạo lý đức Khổng trong trẻo như món đồ quí đã được rửa sạch bằng nước sông Giang, sông Hán, lại được đem phơi dưới ánh sáng mặt trời thu, nên trong sạch, tinh thuần không gì sánh kịp. (MT Đằng Văn Công thượng 4).

- Tử Cống tâm niệm thầy mình là thánh nhân (MT Công Tôn Sửu thượng 2) và cho rằng từ khi có nhân loại đến đời Xuân Thu, chưa ai có học vấn, đạo đức bằng đức Khổng (MT Công Tôn Sửu thượng 2).

- Mạnh Tử cho rằng đức Khổng là vị thánh nhân đã đạt đạo Trung Dung (MT Tận Tâm hạ 38), có một đời sống linh động, tùy thời xử thế (MT Vạn Chương hạ 1) và qui tụ lại được tinh hoa nhân loại, vừa trí huệ lại vừa dũng mãnh (MT Vạn Chương hạ 1).

- Và đây là một cuộc kiểm điểm và nhận xét về giá trị học thuyết giữa Thầy và trò trong lúc cùng quẫn, tuyệt lương nơi hoang dã, khoảng giữa hai nước Trần và Thái.

Lúc ấy, môn đệ vừa đói vừa khổ, vừa phẫn uất, vừa thất vọng… Khổng Tử cho vời Tử Lộ tới mà hỏi: «Kinh Thi có câu: "Chẳng phải tê, chẳng phải hổ, sao lang thang nơi hoang dã?" Đạo ta có gì chếch lệch mà thầy trò ta đến nông nỗi này?»

Tử Lộ đáp: «Đó là tại ta chưa hoàn toàn sáng suốt nên dân không theo.»

Đức Khổng trả lời: «Nếu người hiền nhân quân tử bao giờ cũng được dân tin, thì sao Bá Di, Thúc Tề phải chết đói trong núi? Nếu khôn ngoan mà người theo, thì sao Tỉ Can phải chết?»

Ngài lại cho vời Tử Cống tới và nói: «Này trò Tứ, Kinh Thi có câu:”Chẳng phải tê, chẳng phải hổ, sao lang thang nơi hoang dã?” Đạo ta có gì chếch mác mà thầy trò ta đến nông nỗi này?»

Tử Cống đáp: «Đạo Thầy quá cao, nên dân không theo được, phải hạ xuống cho bằng trình độ họ.» Đức Khổng trả lời: «Người nông phu biết gieo giống, nhưng không bảo đảm được mùa màng, người thợ tinh xảo không chiều cho hết được khách hàng, người quân tử có thể tu luyện đạo đức, có thể hệ thống được đạo lý mình, nhưng không bắt được dân theo. Nay trò chẳng lo trau dồi Đạo, mà mong người theo, là thiển cận vậy.»

Tử Cống rút lui. Ngài lại cho vời Nhan Hồi. Đức Khổng nói: «Trò Hồi, Kinh Thi có câu:”Chẳng phải tê, chẳng phải hổ, sao lang thang nơi hoang dã?” Đạo ta có gì chếch mác mà thầy trò ta đến nông nỗi này?»

Nhan Hồi đáp: «Đạo Thày cao siêu nên thiên hạ khó theo. Tuy nhiên Thày cứ tiếp tục mà giảng dạy như thế. Dân không theo, không sao! Dân không theo, càng tỏ ra ta là hiền nhân quân tử. Nếu ta không trau chuốt đạo ta thì ta nên hổ thẹn; bằng đạo ta đã trau chuốt, mà đời không theo dùng, thì các bậc vua chúa phải hổ thẹn. Nên, đời không theo, không sao; không theo ta, càng tỏ ra ta là hiền nhân quân tử.» Đức Khổng vui cười mà đáp: «Thật đúng thế. Nhan ơi, ngươi mà giàu, ta nguyện làm quản gia cho ngươi.» (Sử Ký Tư Mã Thiên, chương Khổng Tử thế gia, Khổng Tử 63 tuổi).

Trải hơn hai nghìn năm nay, các vua chúaở Trung Hoa hết sức tôn sùng Ngài. Từ đời nhà tây Hán về sau, trải qua các thời đại, trước sau có 59 vị hoàng đế đã phong tặng, suy tôn đức Khổng:

Đây chỉ đan cử ít nhiều trường hợp:

- Năm 154 trước Tây lịch, vua Hán Cao Tổ đến Lỗ dùng lễ Thái Lao lễ đức Khổng.

- Năm 183 sau Tây lịch, vua Hán Linh Đế dựng Hồng Đô Môn có vẽ hình dung đức Khổng và 72 môn đệ.

- Năm 1110 vua Tống Huy Tông sắc phong đức Khổng làm Văn Tuyên Vương.

- Vua Vũ Tông nhà Minh, năm 1512, tôn Ngài là Chí Thánh Tiên Sư.

- Năm 1929, năm Trung Hoa dân Quốc thứ 18, chính phủ Trung Hoa chọn ngày 27- 8 làm ngày lễ thánh đản.

- Năm 1935, Trung Hoa dân Quốc 24 phong cho cháu 77 đời của Ngài là Khổng Đức Thành làm quan coi Thánh miếu.

- Năm 1952, đổi ngày đản sinh làm ngày 28- 9 mỗi năm (xem Khổng Tử thánh tích đồ).

Trong Nho giáo Trần Trọng Kim quyển 2, trang 80, có một đoạn như sau: «Xưa kia các nhà làm vua vẫn sùng bái Khổng Tử, nhưng không tôn danh hiệu gì cả. Đến năm Trinh Quán thứ 2 (637), vua Thái Tông mới tôn Khổng Tử là Tiên thánh và Nhan Hồi là Tiên Sư cùng thờ với Chu Công ở nhà Thái Học. Năm Khai Nguyên thứ 27 (739) vua Huyền Tông (Đường) có chiếu truy thụy Khổng Tử là Văn Tuyên Vương để theo Vương lễ mà thờ.»

«Trong tờ chiếu ấy nói rằng: "Mở rộng vương hóa cốt ở Nho thuật, phát minh đạo ấy để lưu truyền về sau và có vẻ thiêng liêng, rực rỡ, từ lúc có Phu Tử đến nay, chưa ai bằng vậy. Thế mới thực là tự Trời sinh ra Ngài là thánh, mà chỉ có thánh mới biết nhiều; đức sánh với trời đất, mình mở mặt trời mặt trăng, cho nên dựng gốc lớn của thiên hạ, làm cho đẹp việc chính, việc giáo, sửa đổi phong tục, vua ra vua, tôi ra tôi, cha ra cha, con ra con, đến đời nay còn nhớ Ngài, há chẳng tốt lắm ru! Than ôi! Sở Vương không phong, Lỗ Công không dùng, để bậc đại thánh như Ngài ngang hàng với bọn bồi thần, làm người lữ khách đi chu du liệt quốc, vốn đã đành vậy. Song niên tự càng xa, quang linh càng rõ, dầu các đời có khen ngợi, nhưng chưa được tôn sùng, danh không phó với thực, sao nên! Phu tử đã xưng là Tiên Thánh, nay khá truy tặng là Văn Tuyên Vương.”» (TTK Nho giáo, quyển 2, tr. 80- 81).

Các danh nho lịch đại cũng hết sức xưng tụng đức Khổng:

Tuân Tử nói: «Không có chỗ đất cắm dùi, mà bậc vương công không thể cùng với những người ấy tranh cái danh dự; ở cái ngôi một bậc đại phu, mà một ông vua không thể nuôi được, một nước không thể dùng nổi. Cái danh dự của những người ấy không ai so sánh được, cho nên chư hầu ai cũng muốn được những người ấy mà dùng. Những người ấy là bậc thánh nhân không đắc thời thế. Ấy là Khổng Tử và Tử Cung…» (TTK Nho giáo, quyển 1, tr. 262).

Chu Liêm Khê nói: «Đạo đức cao dày, giáo hóa vô cùng, thực sánh ngang với trời đất mà cùng đồng với bốn mùa, chỉ có Khổng Tử vậy.» (TTK Nho giáo, quyển 2, tr. 125).

Thiêu Khang Tiết nói: «Sự nghiệp của Tam Hoàng chỉ có nghìn đời, sự nghiệp của Ngũ Đế chỉ có trăm đời, sự nghiệp của Tam Vương chỉ có 10 đời, sự nghiệp của Ngũ Bá chỉ có một đời. Duy đức Khổng mới có sự nghiệp vạn thế.» (phỏng theo Khổng Học Đăng, II, tr. 682).

Mấy thế kỷ nay, nhờ có khoa học, tổ chức, và nhờ văn minh vật chất, Âu Châu sang chinh phục Á Châu, đem văn minh và đạo giáo Âu Châu du nhập vào các nước Á Châu, làm cho những nước này dần dần lọt vào vòng thống trị, hoặc ảnh hưởng Âu Châu. Và cũng từ đấy, nhiều người cũng có những lời phê bình, chỉ trích đức Khổng và học thuyết Ngài đôi khi hết sức nghiệt ngã và hết sức nặng nề.

Các giáo sĩ Âu Châu phần đông khinh thị Khổng Tử, vì vốn đã có sẵn thành kiến.

Thực vậy, «các giáo sĩ đến không phải để bàn cãi, mà là để dạy bảo, không phải để nghe biết, mà là để ra lệnh…» [1]

Vả lại người Âu Châu vốn cho rằng chỉ có mình họ là con cái Thiên Chúa, còn các dân khác là con cái ma quỉ làm mồi cho lửa hỏa ngục, nên dẫu mình có tước đoạt đất đai của họ cũng không sao…,[2] huống chi là phê bình, chỉ trích.

Hơn nữa, trong khi tiếp xúc với các dân tộc khác không chia sẻ một nền văn minh như họ, người Âu Châu đã có lần tự hỏi những dân tộc ấy có phải là người hay không, mà nếu là người, thì họ là hạng người gì?

Dĩ vãng của những người ấy là một dĩ vãng tội lỗi, cần phải xóa bỏ; hiện tại và tương lai của họ tùy thuộc vào nền văn hóa của những kẻ thống trị. [3]

Các chính trị gia cũng ra công phá phách các giá trị tinh thần của các nước bị trị với mục đích gây lũng đoạn, và khủng hoảng trong các nước mà họ đang kiểm soát, chi phối.

Họ khuyên nhau «nên xâm nhập vào các nền văn minh khác, dạy cho dân bản xứ biết phát minh kỹ thuật của ta, cách tổ chức công quyền, giáo dục, luật pháp, ý tế, và tài chánh, xui họ khinh khi những phong tục của họ, và khuyến cáo nên có một thái độ sáng suốt đối với những mê tín đạo giáo, rồi mặc họ tự nấu lấy nồi canh mà ta đã pha phách cho họ.» [4]

Khảo các văn liệu do chính người Âu Châu viết, ta thấy ngoại trừ một số ít học giả Âu Châu thực tình mến chuộng văn hóa Á Châu, đa số các vị giáo sĩ Âu Châu, các học giả Âu Châu hoặc là theo phương pháp tiệm tiến, dùng Khổng giáo làm bàn đạp để đi đến Công giáo, như sách lược của cha Ricci (1552- 1610) và của dòng tên, hoặc công khai đả phá mọi thứ đạo giáo Á Châu, như đường lối của các dòng truyền giáo khác. [5]

Các thức giả trong nước phần đông được đào luyện theo phương pháp giáo dục, và theo chương trình học vấn của Âu Châu, hấp thụ các triết thuyết Tây Phương, nên không còn thì giờ, hay còn muốn có thì giờ để nghiên cứu các học thuyết cũ. Và đứng trước những cảnh tượng điêu tàn về chính trị, kinh tế, văn hóa của đất nước mà họ không tìm ra được lý do và nguyên ủy đích thực, nên họ sẵn sàng cho rằng những lời đả kích, mạt sát của ngoại nhân là xác đáng, mà không hề kiểm điểm lại.

Họ không nhận thức được rằng sĩ khí, nho phong, nhân cách tuy cần, nhưng không còn đủ để phục hưng đất nước đã bị ngoại nhân lũng đoạn, qua phân hay thống trị; mà ngoài chí khí, ngoài nhân cách, ngoài tinh thần bất khuất, quật cường, còn cần phải có kỹ thuật, khoa học, đường lối, tổ chức, sự đồng tâm, nhất trí của toàn dân; nhưng bao giờ cũng như bao giờ, nhân cách, nah6n phẩm, lòng hiếu trung tiết liệt cũng vẫn là những yếu tố cần thiết, không sao có thể bỏ được. Vì không phân tách được rõ ràng những lý do hưng vong, thành bại, nên nhiều người trong nước cũng quay ra đả kích đức Khổng, đả kích Khổng giáo nói riêng và các đạo giáo Á Đông nói chung, cho rằng đó chính là căn nguyên của sự hủ hóa, lạc hậu.

Họ cũng không nhận định ra được rằng sự hùng mạnh của Âu Châu không phải ở chỗ họ theo đạo Công giáo mà chính là ở chỗ đã đi ngược lại với tôn chỉ Công giáo. Đáng Christ dạy hiền lành, thương xót, thì họ lại đề cao sự liều lĩnh, can đảm, cố gắng tranh thắng với hoàn cảnh, ráo riết đấu tranh với đồng loại để mưu cầu cho mình một đời sống ngày một hoàn bị hơn.[6]

Họ cũng không phân tích được rằng Âu Châu ngoài mặt nói đạo lý, tinh thần, nhân nghĩa, nhưng thâm tâm thì theo vật chất, vụ lợi, vụ thực, cho rằng thành công ở đời tức là thành nhân.

Họ cũng không nhận thấy tòa lâu đài văn minh Âu Châu đang nứt rạn và lung lay đến tận nền tảng.

Cho nên nhiều người bản xứ ra sức cổ súy nếp sống Âu Châu, nền văn minh vật chất Âu Châu mà khinh thị nền văn hóa tinh thần Á Châu.

Hiểu được các lý do xa gần ấy, mới đánh giá được cho đúng mức các lời phê bình về đức Khổng.

Dưới đây xin trích dẫn ít nhiều lời phê bình:

- Đức Giám mục Navarette tuyên bố: «Ngay cả Socrate, Platon, Aristote, Pline, Sénèque, v.v… cũng còn bị xuống hỏa ngục, thì Khổng Tử, một kẻ không đáng hôn chân họ, lại thoát được hỏa ngục hay sao?»

- Giám mục Navarette trong trường hợp này cũng đã hỏi ý kiến bộ thánh vụ La Mã vào khoảng năm 1674, và được trả lời như sau: «Chiếu theo những điều đã nói trên, thời cấm không được nói rằng Khổng Tử đã được cứu rỗi.» [7]

Alexandre de Rhodes cho rằng: «Khổng Tử chẳng phải hiền, chẳng phải thánh, thật là độc dữ; vì sự nhất, phải, hay đầu hết, mà chẳng có dạy ai. Ví bằng ông Khổng chẳng biết đức Chúa Trời là cội rễ, và cội rễ của mọi sự lành, mọi sự thánh, nên hiền làm sao được?» (Catechismus Phép giảng tám ngày - Tinh Việt xuất bản, trang 81).

Linh mục Léon Wieger là một trong những học giả viết rất nhiều về các học thuyết Trung Hoa cũng coi thường Khổng Tử. Ông viết: «Đức Khổng đòi hỏi nơi vương giả, nơi hiền nhân, quân tử cái gì? Bác ái hay hi sinh? Ôi! Đâu phải thế… Ngài đòi hỏi một khối óc trung lập, 1khối óc trung lập, một con tim lạnh lùng, na ná như chủ trương của Hồng Phạm Cửu Trù: Chẳng thương, chẳng ghét, không thiên kiến, không tin tưởng chắc chắn, không ý chí bền bĩ, không bản ngã… Thoạt tiên đừng vội khen hay chê, theo hay bỏ. Rồi sau khi đã suy xét, đừng có nghiêng theo một cực đoan nào, vì thái quá hay bất cập đều hại. Phải theo đường trung dung, có thái độ chiết trung. Đừng hăng hái nhiệt thành, chớ thất vọng lạnh lùng, bao giờ cũng điềm đạm theo thời. Phải bắt chước trời lạnh lùng không tây vị, và lúc hành sự phải biết chần chờ, khoan dãn, len lỏi, nước đôi.» (xem Histoire des Croyances religieuses et des opinions philosophiques en Chine, p. 135).

Bình luận về học thuyết Khổng Tử, René Grousset viết: «Tất cả những vấn đề quan thiết đến định mệnh nhân loại, đều bị hạ xuống thành chủ trương công ích, hay tùy thời xử thế. Thiếu nền tảng siêu hình, luân lý Khổng Tử chỉ dựa vào những sự kiện xã hội.» [8]

Ông P.H. Bernard còn phán quyết hách dịch và dõng dạc gấp bội: «Cái mà xưa kia ta gọi triết học Khổng Tử chỉ là sự phủ quyết của triết lý. Đó là bất cứ cái gì: xã hội học, kinh tế học, một cuốn sách dạy lịch sự thơ ngây và thành thực, chứ nhất định không phải là triết lý thật sự.» [9]

Giá trị nội tại của lời phê bình tùy thuộc vào:

- Sự thành khẩn hay không thành khẩn.

- Sự có thiên kiến hay không có thiên kiến.

- Trình độ hiểu biết của người phê bình.

- Trình độ tiến hóa tinh thần của người phê bình.

Giá trị ngoại tại, tức là ảnh hưởng của lời phê bình, tùy thuộc vào:

- Địa vị.

- Quyền thế.

- Uy tín, tiếng tăm của người phê bình.

- Trình độ văn hóa cao hay thấp của quần chúng.

Cho nên xét về phương diện nội tại, thì phần nhiều các lời phê bình của các giáo sĩ và các học giả có thể nói được là vô giá trị vì có mục đích phá hoại, có thiên kiến; vì không biết rõ vấn đề, chỉ biết loáng thoáng qua các bản dịch.

Nhưng về phương diện ngoại tại, những lời phê bình của họ có ảnh hưởng hết sức lớn lao, làm được cho quần chúng khinh khi đức Khổng và học thuyết Khổng Tử.

Về phía Trung Hoa, Hồ Thích cho rằng Khổng giáo là một thứ đồ cổ vô dụng. Ông cũng không trông gì ở văn hóa Á Châu, mà chỉ cần lợi ích thực tiễn. [10]

Quách Mạt Nhược cho rằng học thuyết Khổng Tử là «khiết phẩn chi học».

Về phía Việt Nam, Phan Khôi cho rằng Khổng Tử là vô thần, v.v… «Phan tiên sinh quyết đoán rằng Khổng Tử là một nhà vô thần luận gia.» (Cf. Trần Trọng Kim, Nho giáo, quyển 2, tr. 407).

Đọc những lời phê bình đó ta cảm thấy chua xót, vì lầm lẫn chung của chúng ta là không hiểu đã vội phê bình người xưa, thấy trân châu tưởng lầm là mắt cá.

Ông Robert Maguenoz suy nghĩ về duyên do thắng lợi của cộng sản ở lục địa Trung Hoa đã viết đại khái như sau: «Âu Châu và Mỹ Châu đã ra công phá những con đê ngàn đời từng ngăn ngọn thủy triều Đông Á, đã cố phá những cơ cấu, những truyền thống và những nguồn gốc triết học Đông Phương. Những thân cây dân tộc Á Đông vì thế mà héo hon. Nhân đó chủ nghĩa cộng sản mới có thể tháp vào mà mọc lên như qua cát, sắn bìm, làm nghẹt hết chồi văn minh Đông Á.» (xem De Confucius à Lénine, Préface. Xem Trung Dung Tân Khảo của tác giả. Chương 1, nguyên văn chữ Pháp có ghi chú trong quyển Trung Dung Tân Khảo của tác giả.)

Mấy trận thế chiến gần đây đã làm cho các giá trị tinh thần của nền văn minh Âu Châu sụp đổ, và đã cho thấy bộ mặt thực, vật chất, tàn nhẫn, vụ thực, vụ lợi của họ. Đồng thời Á Châu, sau khi bị vũ nhục, kích động, cũng vùng lên, chạy theo khoa học, vật chất, tiền tài, dục vọng như Âu Châu, tưởng thế là con đường cứu rỗi.

Kết quả là thời nay, con người đã trở nên «trống rỗng» theo lời văn của văn hào T.S. Eliot trong bài thơ đại khái như sau:

Bụng ta trống rỗng, trống trơn,

Tuy bao kiến thức luôn luôn tọng nhồi.

Chụm đầu tình tự khúc nhôi,

Đầu toàn rạ nhét, than ôi, phũ phàng!

Lời ta héo hắt khô khan,

Những khi to nhỏ, thở than sự tình.

Lời êm, ý rỗng tuếch tuênh,

Như làn gió thổng, dưới vành cỏ khô.

Hay như bầy chuột nhởn nhơ,

Trong hầm nhà vắng, bãi bừa miểng gương.[11]

Nói thế, không có ý vơ đũa cả nắm, vì thời đại nào ở bên Đông cũng như bên tây, vẫn có những siêu nhân, những chân nhân, những bậc đại hiền, đại triết, những triết gia, những học giả chân chính mà chúng ta cần bái phục, mặc dù đường lối tư tưởng các Ngài chưa được phổ biến, chưa được đại chúng hóa.

Về bên phía Á Đông, sự hoang mang của giới trí thức cũng hết sức là lớn lao.

Bởi vậy nên đã phát sinh bốn phong trào lớn này:

1- Phục hưng các giá trị văn hóa cổ truyền, lọc lõi tinh hoa, loại trừ phiền toái.

2- Dung hòa Á đạo với Âu thuật.

3- Thoát Á, nhập Âu.

4- Theo những chủ nghĩa mới, học thuyết mới: Tam Dân chủ nghĩa, chủ nghĩa Karl Marx, chủ nghĩa chủ nghiệm (pragmatisme) của Dewey mà Hồ Thích ra công đề xướng, v.v… (xin đọc Văn Hóa Á Châu, tập III, các số 4 và 5, tháng 7, 8, năm 1960).

Tất cả những hoang mang, những do dự, những quyết tâm xóa bỏ mọi ảnh hưởng, mọi vết tích cũ nhiều khi đã đưa tới khẩu hiệu quá khích như: «Đả đảo Khổng Tử» «Giã từ Khổng Tử» v.v… (Cf. Time, Dec. 12. 1969, p. 27, mục Goodbye, Confucius- Japan).

Cho nên trước khi đi sâu vào học thuyết Khổng Tử, buộc lòng chúng ta phải soát xét lại học thuyết này thực sự hay hay dở, còn hợp thời hay không hợp thời.

Năm 1919, Trung Hoa có mời Bertrand Russell sang, để hỏi về đường lối phải theo để phục hưng xứ sở.

Russell phân tách rằng: «Người Trung Hoa đang trông về Âu Mỹ để tìm ra những phương thức khả dĩ thay thế được học thuyết Khổng Tử. Nhưng họ có biết đâu rằng quần chúng thì ở đâu đâu cũng như nhau: Thả lỏng thì làm bậy, có đe nẹt thằng thúc mới chịu làm tốt.

Cái điều mà chúng ta cần dạy người Trung Hoa không phải là luân lý, hay thuật trị dân, mà chính là khoa học và kiến thức kỹ thuật.» Thế tức là Russell khuyên chúng ta chớ nên bỏ mất những giá trị tinh thần của tiền nhân, mà chỉ nên học của Âu Châu kỹ thuật và khoa học. [12]

Nhà học giả Nhật là Yamagata Banto (Sơn Phiến Bàn Đào, 1748- 1821) cách đây hơn một thế kỷ đã nói: «Về đạo đức và bản tánh con người, cần phải theo gương hiền thánh xưa, nhưng về phương diện thiên văn, địa lý, y học, có điên mới bám chặt cổ thời, mới theo gương cổ thời.» [13]

Sau khi đã trình bày một cách thành khẩn những lời khen chê, ta có thể xác định lại lập trường của chúng ta như sau:

Làm văn hóa không phải là làm chính trị. Văn hóa siêu việt trên chính trị. Cho nên ta không thể trông vào cái lợi nhãn tiền, mà quên mất cái hại xa xăm. Làm văn hóa không thể xao lãng tinh thần hay vật chất, mà phải gồm đủ hai chiều, hai mặt. Làm văn hóa không phải là nệ cổ hay nệ kim, mà phải phân tích và tổng hợp cổ kim. Vì thế chúng ta nên theo phương châm Á đạo Âu thuât của Russell và của các học giả Đông Phương sáng suốt như Sơn Phiến Bàn Đào. Làm thế, ta giữ được hết tinh hoa của người xưa, học hỏi được hết những kinh nghiệm, những phát minh của thời nay, để thành những con người toàn diện.

Vì thế mà trong thời đại hỏa tiễn, nguyên tử, cung trăng, sao hỏa này, chúng ta vẫn hãnh diện khảo sát lại một học thuyết cổ truyền, tức là học thuyết Khổng Tử, với chủ trương và tâm niệm:

Rẽ sóng thời gian tìm nghĩa lý,

Khơi lòng trời đất lấy tinh hoa.

Chúng ta không hoài cổ, nhưng chúng ta khảo cổ để xây dựng cho hiện tại và tương lai ta thêm đẹp, thêm tươi. Học thuyết Khổng Tử thực ra vẫn còn hợp thời, và còn đáng cho ta riềm tâm suy cứu, vì:

 1- Về phương diện đạo giáo, đức Khổng dạy người sống một cách rất cao siêu: là sống tinh toàn, hoàn thiện, để phối hợp với Trời.

2- Về phương diện triết học, Khổng giáo đã khám phá ra được tầng lờp thâm sâu nhất trong con người, mà Nho gia gọi là Tính, hay bản Tính, mà triết học ngày nay gọi là bản thể hay vô thức.

3- Về phương diện chính trị, đức Khổng đặt nặng vấn đề cải thiện nội tâm, và muốn xây dựng trật tự, hòa bình trên nền tảng đạo lý.

4- Về phương diện khoa học, đức Khổng đã cố gắng tìm ra những định luật thiên nhiên, chi phối mọi sự biến dịch trong hoàn vũ và trong đời sống con người.

5- Về phương diện văn hóa, Khổng Tử đã dạy con người phải luôn luôn cố gắng, nỗ lực hướng thượng, để tiến tới tinh hoa thuần túy, chí thành chí thiện.

Bấy nhiêu lý do thiết tưởng đã đủ để chúng ta lưu tâm khảo sát về đức Khổng và học thuyết của Ngài.


CHÚ THÍCH

[1] New missionaires had come not to discuss, but to dictate, not to listen and learn, but to give orders.

[2] Vì vậy nên trong thời kỳ đi chinh phục Mỹ Châu, người Âu Châu vẫn tưởng mình là đi cứu rỗi dân ngoại. Đây là đoạn sách chứng minh: «Ferdinand and Isabella at once dispatched an embassy to Alexander VI for the purpose of ensuring their rights to the new territories, on the principle that Martin V had given to the king of Portugal possession of all lands he might discover between cape Bojador and the East Indies, with plenary indulgence for the souls who perished in the conquest. The pontifical action was based essentially on the principle that pagans and infidels have no lawful rights in their lands and goods, and the children of God may rightfully take them over.» (The Roy Edwin Froom - The Prophetic faith of uor fathers, vol II, p. 169).

[3] Qui étaient ces hommes ainsi demeurés étrangers à la culture universelle? Etaient- ce des hommes? Etaient- ce des bêtes? Et si c’étaient des hommes, quelle sorte d’homme étaient- ils? Son passé est le péché qui doit être effacé; son présent et son avenir doivent se subordonner à la culture de ses conquérants. (Léopold Zéa - L’Originalité des Cultures, p. 298).

[4] We do well to intrude ourselves upon another civilisation, equip the members of it with our mechanical contrivances, our system of government, education, law, medicine and finance, inspire them with a comtempt for their own customs and with an enlightened attitude towards religious superstition, and then leave them to stew in the broth which we have brewed for them. - TS Eliot, Notes towards the definition of cultures, p. 92.

[5] Les Jésuites avaient entrepris cette évangélisation sur une échelle cyclopéenne et s’étaient dressés contre les autres missions catholiques, franciscaines, capucines et dominicaines qui toutes, croyaient en la politique de la «table rase» c’est- à- dire en l’absence de compromis avec les cultures et les modes de pensée de l’étranger. Selon cette doctrine, les missions chrétiennes devaient tenter de convertir les masses et détruire de fond en comble les civilisations paїennes. Les Jésuites, au contraire, croyaient en une «politique des élites consistant à convertir d’abord l’intelligentsia.» - Amaury de Riencourt, L’Âme de la Chine, p. 230.

[6] Si au lieu de prêcher l’Evangile, les missionnaires occidentaux avaient apporté avec eux un Coran occidental ou une proclamation nietzchéenne, dans laquelle les sources spirituelles de l’immense puissance occidentale auraient été clairement révélées, si, au lieu du doux message d’amour du Christ, il avaient prêché les dynamiques vertus de l’audace et du courage, ou encore le devoir prométhéen qu’a tout homme de dominer la nature et de concevoir des formes toujours plus élevées d’existence sans se soucier dse souffrances qui en résultent … alors la Chine aurait volontiers prêté l’oreille à leur enseignement… - L’Âme de la Chine, p. 216.

[7] Navarette declared that since Socrates, Plato, Aristotle, Pliny, Seneca, etc. were irretrievably damned, how much more Confucius who was not worthy to kiss their feet. - Malcolm Hay, Failure in the Far East, p. 129. The Holy Office replied: «Allowing for what has been said, it is forbidden to say that Confucius is saved.» - Ib. 128.

[8] Les plus hauts problèm es de la destinée humaine étaient ramenés à une question d’utilité ou mieux d’opportunité sociale. Dépourvue de base métaphysique, la morale de Confucius sera simplement fondée sur les faites sociaux. - La Conception confucéenne de l’homme par Trần Văn Hiến Minh, p. 15.

[9] Ce qu’on appelait la philosophie confucianiste, dit- il, était la négation même de la philosophie: c’était tout ce qu’on voudra: de la sociologie, de l’économie politique, un manuel de civilité naїve et honête - tout - sauf une philosophie véritable. Ib., p. 13.

[10] Il (Hu Shih) se servit du scientisme comme d’une arme, avec laquelle il s’efforça de détruire les éléments du passé resté cher au cœur des conservateurs. Il vitupéra contre l’intérêt croissant que manifestait l’Occident pour les «valeurs spirituelles de l’Orient» et dénonça le Confucianisme comme étant une antiquité inutilisable. - Amaury de Riencourt, L’Âme de la Chine, p. 316- 317.

[11] Dịch theo bài Les Hommes Creux của T.S. Eliot đăng trong Tout l’Univers, No 305, septembre 1967, tr. 1574:

LES HOMMES CREUX

Nous n’avons rien dans le ventre,

Nous sommes bourrés de science.

Penchés les uns sur les autres,

La caboche pleine de paille, hélas!

Nos voix desséchée,

Lorsque nous murmurons ensemble,

Sont douces et vides de sens,

Comme vent dans l’herbe sèche,

Ou des rats trottinant sur les débris de verre,

Dans nos caves stériles…

[12] Les chinois, écrivit-il alors, même les plus modernes d’entre-eux, regardent vers les peuples blancs, en particulier vers l’Amérique pour qu’ils leur fournissent des maximes morales capables de remplacer celle de Confucius… «Ils n’ont pas encore réalisé que la morale des masses est la même partout: les hommes font tout le mal don’t ils sont capables et tout le bien auquel ils sont contraints.» Ce que nous devons enseigner aux Chinois, c’est la science et les connaissances techniques. (L’Âme de la Chine, p. 321.)

[13] Yamagata Banto said: «As to the virtue and the nature of man, the example of the ancient sages should generally be followed, but in the case of astronomy, geography, and medicine, it is foolish to stick to and follow the example of the olden times.» - Acta Asiatica, Bulletin of the Institute of Eastern Culture, No 13, Tokyo, tr. 63. Trích trong bài của Toyama Shigekin nói về vấn đề: Reforms of the Meiji Restoration and the Birth of Modern Intellectuals. -Ta cũng nên ghi nhận rằng ngược lại với quan điểm của Yamagata Banto về y học Đông Phương, nhiều quốc gia Âu Châu đã cho các bác sĩ hành nghề châm cứu của Đông Phương.


Mục lục | Phi lộ | chương 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13  14  15  16  17  18  19  20

Đính chính gia phả đức Khổng | Phụ lục | Sách tham khảo