CHÂN DUNG KHỔNG TỬ

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

Mục lục | Phi lộ | chương 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13  14  15  16  17  18  19  20

Đính chính gia phả đức Khổng | Phụ lục | Sách tham khảo


Chương 11

Đức Khổng, con người biết thuận theo

các định luật của trời đất

 

 

Con người muốn sống hạnh phúc, sung sướng, không thể nào sống bừa phứa được mà phải biết tuân theo những qui luật, những định tắc mà thiên nhiên đã phú bẩm cho mình.

Con người sống trong thiên nhiên phải biết sống thuận theo thời tiết, mới có thể sống khỏe mạnh, sung sướng.

Con người sống trong xã hội, cũng cần phải biết sống với người, cần phải chấp nhận những định tắc, những tiêu chuẩn, những đường lối, những khuôn khổ mà tiền nhân, đại chúng, phong tục, tập quán đã chấp nhận là hay, là phải, mới tránh được lỗi lầm, mới mong tạo được niềm hòa khí và sự thái thịnh chung.

Con người sống không phải để sống suông, mà chính là để tiến hóa, mà chính là để trở nên hoàn hảo ngày một hơn mãi.

Tóm lại, con người sinh ra, muốn cho có một cuộc sống hẳn hoi, mạnh giỏi, có ý nghĩa, về phương diện cá nhân, cũng như về phương diện xã hội, cần phải biết thuận theo những định luật thiên nhiên, những định luật sinh lý, tâm lý, xã hội.

Tuy nhiên, con người ngày xưa và con người ngày nay cũng đã khác nhau. Người xưa sống chất phác hơn, sống dựa vào những định luật tự nhiên, những tiêu chuẩn nội tại hơn, mà ta gọi chung là Lễ.

Con người ngày nay sống dựa vào những định luật, những qui ước nhân tạo, những tiêu chuẩn ngoại tại hơn, mà chúng ta gọi chung là Luật.

Đức Khổng là một trong những vị thánh nhân đã cố gắng tìm cho ra những định tắc, những qui luật thiên nhiên chi phối con người, cũng như những lễ phép mà người xưa đã suy diễn ra từ những qui luật thiên nhiên ấy. Ngài san định bộ kinh Lễ với mục đích qui định lại hành vi, cử chỉ, bổn phận của con người sống trong xã hội, từ tấm bé cho đến khi nhắm mắt tắt hơi.

Trong chương này, ta lần lượt khảo sát:

1- Đức Khổng quan niệm thế nào về Lễ.

2- Đức Khổng sống thuận theo những định luật thiên nhiên ra sao?

3- Đại cương về ba bộ kinh Lễ (Chu Lễ, Lễ Nghi, Lễ Ký).

Nhưng trước khi đi sâu vào vấn đề, ta hãy mượn những ý kiến của Alexis Carrel về sinh lý, về nhân luân, để hướng dẫn chúng ta trong công trình suy khảo về lễ. (Xem quyển Réflexions sur la conduite de la vie của Alexis Carrel).

Alexis Carrel cho rằng:

Có ba định luật chính chi phối đời sống con người:

1- Định luật bảo vệ sinh mạng (Loi de la conservation de la vie).

2- Định luật sinh sản, truyền dòng (Loi de la propagation de la race).

3- Định luật tiến hóa tinh thần. (Loi de l’évolution de l’esprit).

Các triết gia và các bác học thuộc phái tiến hoá cũng chủ trương: con người cũng như vạn vật phải thích ứng với hoàn cảnh để sinh tồn, phải cố gắng, phải đấu tranh để tiến hóa.

Nói nôm na, thời thiên nhiên muốn ta phải thích ứng với hoàn cảnh để mà sống, lại phải biết lợi dụng hoàn cảnh để mà sống cho vui, cho mạnh. Mỗi người lại còn có nhiệm vụ truyền dòng giống. Nhưng con người sinh ra chính là có nhiệm vụ tiến hóa, để tiến tới chân, thiện, mỹ.

Suy ra, ta sẽ có những tiêu chuẩn, những định tắc sau đây để hướng dẫn hành vi, sinh hoạt của ta.

1- Phải biết vệ sinh, phải biết hiếu sinh.

2- Phải lo cho có một dòng dõi hoàn hảo, lành mạnh.

3- Phải lo gia tăng sinh lực, trau giồi tình cảm, mở mang trí tuệ, nâng cao phẩm giá, nhân cách con người, vươn mãi lên theo hướng chân, thiện, mỹ.

Vậy «cái hay» là cái gì làm cho đời sống ta thêm mạnh, thêm sung sướng, thêm trật tự, thêm an lạc, thêm hòa hợp, thêm văn minh, tiến bộ.

«Cái dở» là cái gì làm cho đời sống cá nhân, gia đình, quốc gia, xã hội trở nên rối loạn, bệnh hoạn, vô nghĩa, vô lý.

Nói cách khác, cái gì làm cho ta sống xứng đáng với danh nghĩa con người, cái gì nâng cao giá trị con người, nâng cao phẩm cách con người, khiến cho con người tiến về phía tinh thần, trở nên thanh cao là hay.

Cái gì làm cho con người trở nên cục cằn, ti tiện, gian manh, tàn ác, trở nên thoái hóa giống như muông thú là dở.

A. ĐỨC KHỔNG QUAN NIỆM THẾ NÀO VỀ LỄ?

Những tư tưởng ấy chính là phản ảnh của đức Khổng và Nho giáo về Lễ.

Lễ là một danh từ rất bao quát, hàm súc rất nhiều ý nghĩa.

1- Lễ trước hết chính là một danh từ chung, bao quát hết mọi định luật tự nhiên chi phối vạn vật quần sinh. (Ensemble des lois naturelles).

2- Lễ là nghi lễ, là tất cả bổn phận con người đối với trời đất, với tổ tiên. (Cérémonies, rites religieux, rituel, cérémonial).

3- Lễ là tất cả các qui luật chi phối sinh hoạt tâm thần con người (Lois morales).

4- Lễ là tất cả các cách tổ chức chính trị, xã hội (organisation politique et sociale).

5- Lễ là những cách cư xử, tiếp nhân, đối vật thanh lịch, khéo léo (bonnes manières, convenances, décence, bonne conduite, bonne tenue, bienséance, politesse, courtoisie.)

6- Lễ là phong tục, tập quán, hay nói đúng hơn là tất cả những gì gọi là thuần phong mỹ tục. (Usages et coutumes, tradition). [1]

Mục đích của Lễ là:

- Nuôi dưỡng những tính tốt.

- Ngăn chặn những tính xấu.

- Điều hòa đời sống tình cảm, tâm tình.

- Xác định tôn ti, thiện ác, thị phi.

- Đem lại sự hòa hợp, ngăn chặn sự chia rẽ, loạn lạc.

- Đào luyện cho con người ngày một thêm thanh lịch, thêm nhân cách.

Nói cách khác, muốn sống một cuộc sống cá nhân, gia đình, quốc gia, xã hội hạnh phúc, đầm ấm, hòa hợp, ý nghĩa, cần phải biết rõ những định luật thiên nhiên chi phối vạn vật, chi phối sinh hoạt cá nhân và đoàn thể.

Tìm ra những định luật thiên nhiên ấy không phải là chuyện dễ. Đức Khổng đã cố gắng nhiều trong phạm vi này.

Chẳng những Ngài đã cố gắng suy tư, để tìm ra các định luật chi phối sinh hoạt cá nhân và đoàn thể, mà lại còn thu thập lấy những lề lối xử sự của người xưa trong việc tề gia, trị quốc, trong việc đối phó với hoàn cảnh, nhất là trong những trường hợp đặc biệt, để làm kim chỉ nam cho người đời sau.

Tất cả những phong tục, lễ nghi của tiền nhân đã được ghi lại trong ba bộ: Chu Lễ, Lễ Nghi, Lễ Ký.

Đức Khổng cho rằng những định luật thiên nhiên chi phối vạn vật đã gắn liền với bản chất vạn vật.

Kinh Thi viết:

«Trời sinh ra khắp muôn dân,

Vật nào phép ấy, định phân rành rành.

Lòng dân chứa sẵn căn lành,

Nên ưa những cái tinh thành tốt tươi.» [2]

Đức Khổng khi đọc ácc câu kinh Thi ấy, có khen rằng: tác giả mấy câu thi ấy hẳn là người biết đạo vậy. (Mạnh Tử, Cáo Tử chương cú thượng, tiết 7)

Cho nên, muốn tìm ra những định luật chi phối vạn vật, trước hết phải quan sát vạn vật. Người gọi thế là «ngửa xem, cúi xét» (Ngưỡng dĩ quan ư thiên văn, phủ dĩ sát ư địa lý) (Dịch, Hệ Từ Thượng, chương IV, tiết 2).

Những định luật thiên nhiên chi phối con người, có thể được nhìn ra bằng trực giác; hoặc suy diễn ra bằng phương pháp loại suy; hoặc bằng cách khảo sát lại lịch sử, quan sát hiện tại, hiện tình; hay suy diễn ra từ những quan niệm của Dịch Kinh. Thế tức là phải hiểu vật, hiểu người, biết nay, biết xưa, khảo sát lại hiến chương của đời trước, tham khảo lại sự thành bại của đời nay. (Bác vật, thông nhân, tri kim, ôn cố, khảo tiên đại chi hiến chương, tham đương thời chi đắc thất. - Lễ Ký chính nghĩa, Tựa, trang 1. Xem Tống bản thậm tam kinh, Lễ Ký.)

Trực giác cho ta thấy con người có hai mặt trong ngoài:

- Tâm ở trong.

- Xác và hoàn cảnh ở ngoài.

Nhưng tâm mới là trọng; xác và hoàn cảnh chỉ có thể đóng vai phụ thuộc. Vậy nên trong công cuộc trị dân, lập lễ, cần phải chú trọng đến Tâm. Lễ Ký viết: «Thánh vương xưa lập lễ nghĩa cốt là để trị nhân tình. Cho nên nhân tình là môi trường của thánh nhân.» (Cố thánh nhân tu nghĩa chi bính, lễ chi tự, dĩ trị nhân tình. Cố nhân tình giả, thánh vương chi điền dã. - Lễ Ký I, Lễ Vận, 7).

Luận Ngữ viết: «Làm người trước phải trung tín, rồi sau mới giữ Lễ, cũng y như muốn vẽ một bức họa đủ màu đẹp đẽ, trước hết phải cần có cái nền trắng tốt.» (LN, III, 8).

Phương pháp loại suy cho ta thấy rằng tâm hồn con người cũng như miếng ngà, miếng ngọc. Ngọc ngà có trau chuốt mới trở nên thanh quý; con người cũng vậy, có trau chuốt điêu luyện, mới trở nên thanh cao, khả ái.

Kinh Thi viết:

«Kìa xem bên khuỷu sông Kỳ,

Tre non mới mọc xanh rì vườn ai,

Người sao văn vẻ hỡi người,

Dường như cắt đánh rũa mài bấy nay,

Lẫm liệt thay, rực rỡ thay,

Hỡi người quân tử biết ngày nào quên.»

(Kinh Thi, Tản Đà, tr. 168)

Đọc 64 quẻ Dịch, ta thấy trong phần Đại Tượng của mỗi quẻ, đều dùng phương pháp loại suy để nhìn cảnh vật mà suy ra đường lối ở ăn.

Ví dụ thấy Trời vận hành không hề ngơi nghỉ, người quân tử liền suy ra rằng sống trên đời cần phải bắt chước Trời, cố gắng không ngừng để tiến đức, tu nghiệp. (Xem Dịch, Kiền quái, Tượng.)

Ngoài ra cũng còn có thể dùng quan niệm Dịch mà suy ra đường lối ở ăn, tiếp nhân, xử kỷ. Đây là một ví dụ:

«Nguyên khí khi đã phân chia, thời khí khinh thanh là trời ở trên, phần trọng trọc là đất ở dưới. Người lập ra Lễ nhân đó mà suy ra giai cấp, tôn ti… Khi trời đất đã phân thành hai hình thái khác nhau, thời thiên khí vận chuyển thành Dương, địa khí vận chuyển thành Âm; người chế Lễ quí phía Tả vì bắt chước Dương, quí phía Hữu để bắt chước Âm, lại tùy theo bốn mùa để thi hành thưởng phạt; mùa Dương thời thưởng; mùa Âm thời phạt… Dương khí biến thành Xuân, Hạ; Âm khí biến thành Thu, Đông… Bốn mùa biến hóa để sinh thành vạn vật. Đó đều là công trình của quỉ thần.» [3]

Chính vì thế mà Lễ Ký đã nói: «Lễ vốn xuất phát từ Đại Nhất, phân ra nên thành trời đất, chuyển vần nên thành Dương Âm, biến hóa nên thành bốn mùa, phân liệt nên thành quỉ thần.» [4]

Chính nhờ những sự học hỏi suy tư này mà đức Khổng đã tìm ra được những nguyên lý, những định luật cơ bản chi phối sinh hoạt con người.

Ví dụ:

- Định luật tôn ti, trật tự, trong trời đất và trong xã hội

- Định luật «hiệt củ», suy bụng ta ra bụng người.

- Định luật tâm vật hỗ tương ảnh hưởng.

Về định luật tôn ti, Hạ Dương nói: «Vạn vật đều có quí tiện, cao hạ, đại tiểu, tôn ti, văn chất khác nhau. Thánh nhân chế phép tắc để mọi loài, quí, tiện, cao, hạ, sống xứng với tính cách của mình.» [5]

Về định luật «hiệt củ», Đại Học và Luận Ngữ nhiều lần đã đề cập tới.

Định luật ấy chẳng qua là suy bụng ta ra bụng người. Mình thích gì hãy làm cho người; mình không muốn gì, đừng làm cho người. [6]

Về định luật tâm vật hỗ tương ảnh hưởng, ta thấy Đại Học và Khổng Tử Gia Ngữ đã đề cập tới cả hai phương diện ngược xuôi.

Đại Học bàn về Tâm ảnh hưởng đến Vật:

«Giàu thời nhà cửa khang trang

Đức thời thân thể khang an, rạng ngời.

Lòng mà khinh khoát, thảnh thơi,

Rồi ra sẽ thấy hình hài tốt tươi.» [7]

Khổng Tử Gia Ngữ bàn ảnh hưởng của vật, của hoàn cảnh đến tâm tình:

Môt hôm Ai Công nước Lỗ hỏi Khổng Tử: «Giải mũ và áo chương phủ có ích cho đạo nhân không?» Khổng Tử nghiêm sắc mặt mà thưa: «Sao vua lại nghĩ thế? Người mặc áo sô gai chống gậy, chí không để đến sự vui, không phải là tại không nghe thấy, vì y phục khiến như thế; người mặc cái phủ, cái phất, áo cổn, mũ miện, dáng điệu không nhờn, không phải là nguyên tính vốn trang nghiêm, vì y phục khiến như thế; người đội mũ trụ, mặc áo giáp, cầm cây giáo, không có cái khí nhút nhát, không phải là thân thể vốn mạnh bạo, vì y phục khiến như thế.» (Xem Trần Trọng Kim, Nho giáo I, trang 149. - Khổng Tử Gia Ngữ, Hiếu Sinh X).

Sự khảo sát ở trên đây đã cho ta thấy quan niệm của đức Khổng về luân lý, về nhân luân, nhân đạo, về Lễ. Những nguyên tắc, những định lý của Ngài đã tìm ra hoặc đã dựa theo, đều là những tiêu chuẩn phổ quát và vĩnh cửu. Ta tóm lại:

- Con người phải biết thích ứng với hoàn cảnh.

- Con người phải biết tùy thời xử thế.

- Phải coi người như mình. Phải biết suy bụng ta ra bụng người.

- Phải cố gắng luôn luôn để tiến tới hoàn thiện.

- Trong xã hội phải có tôn ti, trật tự; phải có kẻ trên người dưới; phải có sự đoàn kết, tương thân, tương ái, thì mới có thể đạt được tới an bình, thái thịnh được …

B. ĐỨC KHỔNG SỐNG THUẬN THEO NHỮNG ĐỊNH LUẬT THIÊN NHIÊN RA SAO?

Khảo sát đời sống thường nhật của đức Khổng, ta thấy Ngài không cầu kỳ, không lập dị, mà chỉ sống theo đúng định luật thiên nhiên.

- Đức Khổng rất thận trọng trong việc ăn uống, rất quí trọng và rất giữ gìn sức khỏe.

Luận Ngữ viết: «Đức Khổng thích ăn cơm gạo giã trắng tinh. Ngài ưa ăn gỏi thái nhỏ. Cơm hẩm và thiu, cá ươn, thịt bở nát, thì Ngài chẳng ăn. Đồ nấu chẳng vừa thì Ngài chẳng ăn. Khi ăn thì cần có đồ để chấm…» (LN, X, 8)

Khi Ngài đau, ông Quí Khang Tử, đại phu nước Lỗ, sai người đưa thuốc tới tặng Ngài. Đức Khổng vái và lãnh thuốc, rồi nói với sứ giả rằng: «Khâu này chưa rõ tính thuốc thế nào nên chẳng dám nếm lấy.» (LN, X, 11)

- Ngài hiểu rằng con người cần phải tiến tới hoàn thiện, hoàn mỹ. (TD XX: Thành giả, thiên chi đạo dã; thành chi giả, nhân chi đạo dã.) Cho nên con người sinh ra đời cần phải hiểu định mệnh mình là tiến tới hoàn mỹ; chẳng vậy, chẳng phải là người quân tử (LN, XX, 3).

- Ngài hiểu rằng con người sinh ra ở đời cần phải biết những định luật chi phối sinh hoạt con người (Không biết Lễ không thể lập thân, lập mệnh. - LN, XVI, 13); cần phải cố gắng không ngừng để tiến tới hoàn thiện, tiến tới chân, thiện, mỹ (Quân tử thành chi vi quí. - TD XXV. - Duy thiên hạ chí thành vi năng tận kỷ chi tính. TD XXV). Vì vậy, chủ trương của Ngài là đổi mới hằng ngày (Nhật tân, nhật tân, hựu nhật tân. ĐH II), cố gắng mãi mãi (ĐH II), cố gắng mãi mãi (LN, VIII, 8; IX, 18); để tiến tới hoàn thiện (LN, XIV, 24; ĐH I; TD XXVII).

Muốn được vậy, cần phải cố gắng không ngừng (Dịch, Kiền quái, Tượng truyện), suy tư mãi mãi (LN, XV, 30), và cần phải có một đời sống nội tâm bình tĩnh, trật tự, mạnh mẽ, và phải biết hướng thượng (xem LN XIV, 17, 18, 24, 30, 32).

Trong công cuộc giao tiếp thường nhật, đức Khổng áp dụng mấy tôn chỉ:

1- Thành

2- Kính

3- Ái.

- Ngài rất thành khẩn. Ngài nói: «Các trò ngỡ rằng ta có điều giấu giếm với các trò sao? Không, ta chẳng có giấu giếm điều gì hết. Ta chẳng có làm điều gì mà chẳng cho các trò hay. Khâu này là vậy đó.» (LN, VII, 23)

- Đối với mọi người, nhất là đối với kẻ già cả, người có chức tước, hay những người gặp tang chế, Ngài rất trọng kính.

Khi dự tiệc rượu với người làng, Ngài chờ mấy ông lão chống gậy ra trước, rồi Ngài mới ra sau. (LN, X, 9).

Khi thấy người mặc đồ tang, dẫu quen biết, Ngài cũng đổi sắc diện. Thấy người đội mũ, mặc áo nhà quan cùng người đui mù, Ngài cũng đối đãi có lễ mạo… Ngồi trên xe thấy người mặc đồ tang, Ngài liền nắm lấy thức xe, cúi đầu chào; và khi thấy người công chức mang sổ kê khai dân số, thì Ngài cũng vịn lấy cái thức xe, mà cúi đầu chào. (LN, X, 15).

Ngài thương yêu mọi người. Chủ trương của Ngài là «Phiếm ái chúng nhi thân nhân» (Thương yêu mọi người nhưng thân cận với người nhân đức. - LN, I, 6).

Tàu ngựa của Ngài cháy. Ngài ở triều về, hỏi rằng: «Có ai bị hại không ?» Ngài chỉ hỏi thăm người, chứ chẳng hỏi thăm ngựa (LN, X, 12).

Khi bằng hữu Ngài có người thác mà chẳng có ai là thân thuộc để đưa người thác này về thì Ngài nói rằng: «Để ta lo liệu việc chôn cất cho.» (LN, X, 14).

Về cách tổ chức đời sống xã hội, Ngài áp dụng hai định luật chính yếu:

- Định luật «hiệt củ»: suy ta ra người (Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân).

- Định luật «ảnh hưởng dây chuyền» thực ra đã được áp dụng từ thời vua Nghiêu.  [8]

Mình mà hay, rồi ra người cũng hay theo. Đó chính là ý nghĩa câu «Tu kỷ dĩ an nhân; tu kỷ dĩ an bách tính» (LN, XIV, 45). Đó chính là đề tài chính yếu của Đại Học, vì Đại Học chủ trương «Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.» (Đại Học I)

Đại Học còn viết: «Nếu trong một nhà mà mọi người đều nhân hậu, lần ra cả nước đều nhân hậu. Nếu trong một nhà mà mọi người đều lễ nhượng, lần ra cả nước đều lễ nhượng. Một người mà tham lam, trái ngược, lần ra cả nước đều rối loạn. Cái cơ là như vậy đó. Bởi đó, người xưa có truyền lại rằng: «Một lời mà làm hại cả công việc, một người là làm yên cả đất nước.» (Đại Học IX)

Cho nên người trên cần phải chính trực: «Nếu đại phu ở trên mà chính, thì còn ai dám bất chính.» (LN, XII, 16). Người trên như gió, người dưới như cỏ. Gió thổi thì cỏ rạp theo chiều. (LN, XII, 18).

Về những nguyên tắc làm căn bản cho công cuộc tổ chức một xã hội trật tự, an ninh, ta thấy rằng đức Khổng qui định xã hội thành ba phần khác nhau:

I. Thành phần thiêng liêng vô hình

Đó chính là Thượng Đế, thần minh, và tiên tổ.

Thành phần vô hình và thiêng liêng này chính là thành phần gốc gác, căn cơ, mà con người không thể nào quên lãng được.

Vì thế mới có lễ Giao, lễ Xã, lễ Thường, lễ Đế (TD XIX) và Xuân Thu nhị kỳ có lệ tế lễ nơi tông miếu (TD XIX)

II. Thành phần xã hội hữu hình

- Quân, thần; phụ, tử; phu, phụ; huynh, đệ; trưởng, ấu.

Mỗi thứ hạng có một bổn phận khác nhau:

- Quân nhân (vua phải nhân)

- Thần trung (thần phải trung)

- Phụ từ (cha phải khaon từ)

- Tử hiếu (con phải hiếu)

- Huynh lương (anh phải tốt lành)

- Đệ đễ (em phải kính thuận)

- Phu nghĩa (chồng phải chính đính)

- Phụ thính (vợ phải nghe lời)

- Trưởng huệ (người lớn phải thi ân)

- Ấu thuận (người nhỏ phải vâng phục).

Đó là Thập Nghĩa (Lễ Ký, Lễ Vận, chương VIII, tiết II, mục 19).

Nếu ai cũng ăn ở cho đúng phương vị, đúng bổn phận mình, thì thân tu, quốc trị, thiên hạ bình (LN, XII, 11).

Ngoài ra, con người ai cũng có thất tình (hỉ, nộ, ai, lạc, ái, ố, dục). Cần phải lo điều hòa tiết chế thất tình ấy (Lễ Ký, Lễ Vận, chương VII, tiết 2, mục 19)

III. Thành phần hoàn cảnh vật chất

Hoàn cảnh vật chất gồm có trời đất, nhị khí Âm Dương, nóng lạnh, sáng tối, thời tiết; có tinh, thần, nhật, nguyệt; có thảo mộc sơn xuyên; ngũ vị (toan, khổ, tân, hàm, cam); ngũ âm (cung, thương, giốc, chủy, vũ); ngũ sắc (thanh, xích, hoàng, bạch, hắc).

Cho nên, con người phải dựa vào Âm Dương, thời tiết nóng lạnh, vào bốn mùa mà tổ chức công việc, nhất là tổ chức công việc đồng áng, tằm tơ. Phải biết tận dụng ngũ vị, ngũ sắc, ngũ âm mà tài bồi cho đời mình càng ngày càng thêm đậm đà, ý vị, đẹp tươi. Lễ Ký đã quảng luận vấn đề này rất dài dòng nơi thiên Lễ Vận.

C. ĐẠI CƯƠNG VỀ BA BỘ KINH LỄ

Lễ Ký nơi thiên Lễ Vận, bình luận về Lễ như sau:

Lễ phát xuất tự Trời, đem áp dụng ở dưới đất, lồng vào trong mọi công việc, biến hóa theo thời gian, thích ứng với phương tiện và nghề nghiệp từng người; ở nơi lòng người nó điều hòa và làm phát triển được mọi tính tình. Trong hành vi nó bao quát mọi công việc, mậu dịch, lao tác, ngôn ngữ, ẩm thực, quan, hôn, táng, tế, xạ, ngự, triều, sính.

Lễ qui định cái gì hay, cái gì phải. Đối với con người nó rất là cần thiết.

Nó giúp con người hiểu thế nào là nhân đức thật sự, là hòa hợp thật sự. Nó làm cho cơ nhục con người gắn bó với nhau, làm cho cốt tiết con người liên kết với nhau. Nó giúp con người nuôi kẻ sống, chôn kẻ chết, thờ quỉ thần, đạt thiên đạo, thuận nhân tình. Cho nên thánh nhân cho rằng con người cần phải biết Lễ.

Chop nên quốc phá, gia vong, trước hết là vì con người đã quên lễ nghĩa, quên bổn phận.

Thánh vương xưa lập ra qui tắc, lễ nghĩa là để trị nhân tình.

Nhân tình như ruộng đất, mà lễ phép như cày bừa; giảng điều hay như gieo hạt; dạy dỗ, giáo hóa là như làm cỏ; lấy nhân ái (đạo đức) để dạy dân; lấy âm nhạc để an dân…

Mục đích là đi đến chỗ đại hòa, đại thuận… (Lễ Ký, Lễ Vận, chương VII, tiết 4, mục 5, 6, 7, …)

Tóm lại, nhờ Lễ ta có thể:

- Phân biệt được kẻ hay người dở

- Xây dựng được tương lai.

- Đề phòng được loạn ly chia rẽ.

- Gây được niềm hòa khí.

Những nghi lễ, phong tục sau này được lập ra và được lưu hành trong dân gian đều gói ghém một bài học nhân luân, và có một mục đích giáo hóa, tự nhiên, và trang trọng.

Mạnh Tử viết:

Trong Kinh Lễ có dạy rằng: «Khi một người con trai trưởng thành, tức là được hai mươi tuổi, thì thọ lễ đội mão. Người cha bèn dạy cho biết những phận sự của kẻ trượng phu… Kẻ trượng phu ở trong đức Nhân, là chỗ rộng rãi nhất trong thiên hạ. Lúc đắc chí ra làm quan, thì chung sức cùng dân mà thi hành những đức Nhân, Lễ, Nghĩa. Khi chẳng đắc chí, thì ẩn dật mà tu thân hành đạo. Nếu được giàu có sang trọng thì chẳng hoang dâm, phóng túng. Gặp cơn nghèo khó ti tiện, thì chẳng đổi dời tiết tháo. Cho nên oai thế và võ lực chẳng làm cong vạy được chí khí của mình…» (Xem Mạnh Tử, Đằng Văn Công chương cú hạ, tiết 2. Bản dịch Đoàn Trung Còn, tr. 185).

Khi một cô gái đúng tuổi được xuất giá, người mẹ dạy con phận sự của kẻ làm vợ: «Khi con về nhà chồng tức là nhà của con, thì nên kính nhường, giữ mình cho vén khéo, đừng có trái ý chồng. Nên đem nết thuận tòng làm phép chính, đó là đạo làm vợ.» (Mạnh Tử, Đằng Văn Công chương cú hạ, tiết 2).

Đức Khổng chỉ có công san định lại Kinh Lễ, vì Kinh Lễ phần lớn đã do Chu Công soạn ra (Xem Lễ Ký, Minh Đường vị, chương XII, tiết 6), nhưng Ngài có công gầy dựng và phục hưng tinh thần trọng Lễ, trọng các định luật tự nhiên. Nhờ vậy mà ngày nay chúng ta còn được ba bộ Kinh Lễ.

Ba bộ Kinh Lễ là: Chu Lễ, Nghi Lễ, Lễ Ký.

CHU LỄ

Chu Lễ (Chu Quan) do Chu Công soạn ra trong khi nhiếp chính. Chu Lễ bàn về cách tổ chức hành chánh, chính trị, xã hội đời Chu.

Thời Hán, Lý Thị tìm ra bộ này, đem dâng cho Hiến Vương, xứ Hà Gian, một người thích sưu tầm sách. Hiến Vương đem nó dâng cho Vũ Đế (140 trước TL - 86). Vũ Đế cất vào kho. Mãi đến đời Thành Đế (32-6), Lưu Hâm mới ghi nó vào sổ bộ của Hán Thư tam thập nghệ văn chí.

NGHI LỄ

Nghi Lễ (hay Sĩ lễ, hay Lễ Kinh, hay Kinh) qui định thể thức, lễ nghi về quan, hôn, tang, tế.

Thời Hán sơ, bộ Nghi Lễ xuất hiện.

Trước tiên có một học giả người nước Lỗ, tên là Cao Đường, nhớ thuộc lòng được 17 chương.

Đến thời Vũ Đế, nhân phá bức tường nhà đức Khổng đã tìm ra được 56 chương bộ Nghi lễ.

Trong bộ Hán Thư nghệ văn chí của Lưu Hâm, ta thấy Nghi Lễ gồm 56 chương, viết bằng cổ tự, và 17 chương viết bằng kim văn. Chu Hi cho rằng đó chính là bộ Nghi Lễ lưu hành ngày nay.

LỄ KÝ

Lễ Ký là ký sự của môn đệ đức Khổng về lễ nghi phong tục. Nội dung có thể cổ hơn hai quyển trên, nhưng lại xuất hiện sau hơn, vì tới thế kỷ 2 sau TL mới hoàn thành.

Cuối đời Vũ Đế, Lỗ Cung Vương phá tường vách nhà đức Khổng đã tìm thấy một số sách cổ, như Thượng Thư, Lễ Ký, Luận Ngữ, Hiếu Kinh, v.v… Lễ Ký tìm được lúc ấy gồm 131 chương.

Sau này Hiến Vương sưu tầm được 131 chương ấy. Thời Hiến Vương (xứ Hà Gian) không ai khảo cứu bộ sách này. Mãi đến đời Lưu Hướng, con Lưu Hâm, mới kiểm điểm lại kinh tịch và rút Lễ Ký còn lại 130 chương.

Sau Lưu Hướng (80-9 sau TL) lại tăng bổ thêm vào 130 chương bộ Lễ Ký nguyên thủy, những thiên sau đây:

- Minh Đường Âm Dương Ký, 33 thiên

- Khổng Tử Tam Triều Ký, 7 thiên

- Vương thị, Sử thị Ký, 21 thiên

- Nhạc Ký, 23 thiên

Thành thử bộ Lễ Ký của Lưu Hướng gồm những 240 thiên.

Đến sau, Đới Đức thu lại còn 85 thiên (gọi là Đại Đới Ký).

Đới Thánh rút lại còn 46 thiên (gọi là Tiểu Đới Ký).

Cuối đời Hán, Mã Dung (79- 160) đem 3 thiên (Nguyết lệnh, Minh Đường Vị, Nhạc Ký) thêm vào 46 chương Lễ Ký của Đới Thánh, thành thử bộ Lễ Ký của Mã Dung gồm 49 thiên.

Bộ Lễ Ký của Mã Dung sau này được đệ tử là Trịnh Huyền (Trịnh Khang Thành, 127- 200) chú giải.

Nay ta thấy trong «Tống bản thập tam kinh», Lễ Ký chỉ có 46 chương. Lễ Ký do Couvreur dịch, cũng theo «Tống bản thập tam kinh» gồm 46 chương. (Những tài liệu về Tam Lễ đều rút trong bộ Lễ Ký của Couvreur, nơi phần nhập đề.)

*

Ngày nay, những lễ nghi, tập tục xưa đã tiếp theo nhau đi vào dĩ vãng, nhưng bài học của đức Khổng về Lễ vẫn còn giữ nguyên giá trị.

Thời nào cũng như thời nào, con người sinh ra ở đời, không thể tự do muốn làm gì thì làm, mà phải tuân theo các định luật thiên nhiên, các định luật sinh lý, tâm lý, nhân sinh, các định luật giao tế, xã hội. Tuân theo các định luật thiên nhiên, chúng ta mới có thể tạo cho mình một đời sống lý sự, đẹp, tươi, vui; tạo cho mọi người một đời sống xã hội an vui hòa hợp. Đó là điều kiện căn bản để tiến tới chân, thiện, mỹ…


CHÚ THÍCH

[1] Xem các định nghĩa về Lễ: 1– Couvreur Liki I, Introduction, p.IX. 2– Nho giáo, Trần Trọng Kim, I, trang 147 và tiếp theo.

[2] Thiên sinh chưng dân, hữu vật hữu tắc; Dân chi bỉnh di, hảo thị ý đức. (Kinh Thi, Chưng Dân).

[3] Hỗn độn nguyên khí ký phân, khinh thanh vi thiên tại thượng, trọng trọc vi địa tại hạ; nhi chế lễ giả pháp chi, dĩ lập tôn ti chi vị dã… Thiên địa nhị hình ký phân, nhi thiên chi khí vận chuyển vi Dương, địa chi khí vận chuyển vi Âm; nhi chế lễ giả, quý tả dĩ tượng Dương, quý hữu dĩ pháp Âm; hựu nhân Dương thời nhi hành thưởng, nhân Âm thời nhi hành phạt dã… Dương khí tắc biến vi Xuân, Hạ; Âm khí tắc biến vi Thu, Đông… Tứ thời biến hóa, sinh thành vạn vật, giai thị quỉ thần chi công. (Khổng Đĩnh Đạt. – Lễ Ký Couvreur, I, trang 527– 528, chú.)

[4] Phù lễ tất bản ư Đại Nhất, phân nhi vi thiên địa, chuyển nhi vi Âm Dương, biến nhi vi tứ thời, liệt nhi vi quỉ thần… (Lễ Ký, Lễ vận, 4).

[5] Vạn vật quí tiện, cao hạ, tiểu đại, văn chất, các hữu kỳ thể… thánh nhân chế pháp thể thử vạn vật, sử cao hạ, quí tiện, các đắc kỳ nghi… Lễ Ký, Tựa.

[6] Xem Đại Học chương X.– Luận Ngữ, XV, 23: Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân.

[7] Phú nhuận ốc, đức nhuận thân, tâm quảng, thể bàn.– Đại Học, VI.

[8] Xem Kinh Thư, Nghiêu Điển, câu 2: Khắc minh tuấn đức dĩ ninh cửu tộc. Cửu tộc ký mục, bình chương bách tính. Bách tính chiêu minh, hiệp hòa vạn bang. Lê dân ư biến thời ung.


Mục lục | Phi lộ | chương 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13  14  15  16  17  18  19  20

Đính chính gia phả đức Khổng | Phụ lục | Sách tham khảo